NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 66, 67 & 68)
Kỳ 66
Tôi cũng đang là người không nơi trú ẩn.
Đặt sách qua một bên, tôi nằm sấp, trải rộng mấy tờ báo vừa ra buổi chiều. Thời sự nóng bỏng vẫn là những trận đụng độ ở vùng Tam Biên. Giờ giới nghiêm giảm. Trường học sẽ mở cửa lại vào đầu tháng tới. Ở một mẫu nhỏ trang nhất, tôi đọc thấy tin vụ án báo chí, và Vinh đã được nhắc tới bằng một luận điệu có phần hơi chiều chuộng. Không thấy có tin nào nói về việc ông Phan sẽ trở về.
Tôi nghe chính tiếng thở dài của mình.
Như vậy là lớp học sẽ khai giảng vào đầu mùa đông. Công việc của tôi rồi sẽ trở lại nhịp độ bình thường nhàm chán như những năm trước. Sẽ lại có những buổi đứng lớp nhai đi nhai lại một số kiến thức cũ mèm, những ví dụ đã lập đi lập lại mòn nhẵn như bánh xe đã mất răng cưa, những buổi đón Đăng và Mai ở cổng trường tiểu học, những bữa cơm trưa rất ít tiếng cười của ba cha con. Đời sống ấy đồng điệu đến độ tê liệt cả thần trí tôi.
Tôi không đau ốm gì, nhưng sau cái đêm trở về từ Bến Tàu, tôi không bước ra khỏi ngôi nhà ông Phan. Tôi tự chôn mình trên giường mặc cho tóc tai bù xù, mặc cho những tiếng động trôi bên ngoài cửa phòng. Tôi đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, nghe hết cuộn băng này đến cuộn băng nọ. Tôi uể oải mệt nhừ, không buồn cử động, dần dần tôi cũng cảm thấy như mình đang bệnh thật sự. Như buổi sáng hôm nay, tôi thức dậy từ rất sớm, nhưng không buồn đặt chân xuống đất. Chiếc đồng hồ báo thức ở đầu giường với con số ngày và thứ trong tuần nhắc cho tôi nhớ là tôi đã diện bích khá lâu và ngày trở lại lớp học đã cũng rất là kề cận.
Có tiếng gõ cửa. Tôi nghĩ đó là Uyên, và tôi hơi khó chịu về sự kiểu cách của cô. Những lần trước vào phòng tôi, có bao giờ Uyên gõ cửa đâu. Cô đang còn giận tôi chăng? Mặc kệ. Tôi nằm lì trên giường. Nhưng tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục có phần gấp gáp hơn. Còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn người gõ cửa đã không phải là Uyên.
Tôi ngồi dậy, mở cửa.
Bà Phan, phải chính là bà Phan, đang đứng trước mặt tôi.
-Xin lỗi bác, cháu tưởng là cô Uyên.
-Không sao! Không sao! Cháu khỏe rồi chứ?
-Thưa bác, cháu vẫn bình thường!
-Người cháu xanh như thế kia. Cháu bị bệnh cũ tái phát phải không?
Tôi không hiểu. Vậy là tôi bị bệnh thật sao? Và tôi đã mê man đi bao lâu?
-Bác sĩ nói cháu bị colisques néphrétiques. Đó có phải là bệnh cũ của cháu không?
-Thưa bác... vậy là cháu bệnh thật?
-Thế cháu tưởng là cháu không bệnh à?
Bà Phan ngồi trên ghế nơi bàn viết tôi và tôi ngồi ở mép giường. Cái việc bà nói đúng căn bệnh cũ của tôi làm tôi bối rối quá chừng. Tôi không biết đâu là mộng, đâu là thực trong mấy ngày qua. Tôi có gặp một người tên Ngô Văn Phước hay đó chỉ là giấc mơ? Và những buổi tối Uyên đến với tôi trong căn phòng này, mái tóc dài của nàng phủ xuống mặt mũi tôi ướp đẫm cái mùi da thịt nồng nàn hân hoan, ập lên người tôi trong một thú vui tuyệt vời, phải chăng chỉ là cơn mộng mị?
-Bác muốn cho cháu biết là có lẽ bác và Uyên sắp đi xa!
Tiếng bà Phan dẫn tôi trở lại đời thực. Và trong chữ đi xa tôi nghe cách phát âm của bà có cái vẻ nghiêm trọng khác với thường lệ.
-Thưa bác chắc là bác đi du lịch? Tôi hỏi dè dặt.
-Không phải? Tôi vừa nhận được thư của ông nhà tôi. Ông muốn mẹ con tôi sang bên đó ít lâu.
Kỳ 67
Tự nhiên tôi liên tưởng ngay đến tấm thiệp mà ông Phan đã gửi tôi với mấy câu thơ của Lý Bạch trong bài Thục Đạo Nan.
Tôi cũng lờ mờ hiểu tại sao báo chí đã không còn đề cập đến tên ông trong danh sách những ứng viên có thể sẽ đứng ra thành lập nội các. Có phải vai trò ông Phan là làm một thứ hào quang giả để moi ra một ánh sáng thật nhằm đánh lừa những dư luận chính trị trong một tình thế khó khăn của thời cuộc?
-Thưa bác, bao giờ thì bác và cô Uyên lên đường?
-Chưa định được. Tôi còn khá nhiều việc phải thu xếp. Ông nhà tôi biết tính tôi. Không thích dời đổi. Tôi ở đâu quen đó mất rồi. Lạ nước lạ cái làm tôi khó chịu lắm!
-Nhưng rốt cuộc rồi bác cũng vẫn phải thay đổi chỗ ở?
-Còn làm sao được! Xuất giá thì phải tòng phu chứ!
Như vậy là ông Phan không có lối về. Con đường ông đi quả là con đường vào đất Thục. Tôi nghĩ là ông đã không đi lầm đường, nhưng chắc chắn cờ đã không đến tay ông. Ông nhảy vào một thời thế dầu sôi lửa bỏng mà phần trang bị của ông còn thiếu nhiều thứ quá chăng? Hay ông đang đánh một canh xì phé mà phần thắng sau cùng không bao giờ thuộc về mình vì cả cỗ bài ấy đã được đánh dấu quá tinh vi? Cũng có thể đó là một ván bài đã được trang xếp theo ý của người cầm cái.
Lá bài cuối cùng của ông Phan được rút chắc chắn sẽ phải là một lá bài để thua cho dù đúng đó là một lá bài mà ông mong muốn.
-Cậu Thăng, ông nhà tôi còn nhắn một điều: nếu cậu muốn học thêm, nhà tôi sẽ lo cho cậu một cái học bổng bên ấy. Cậu nghĩ sao?
-Hấp dẫn!
Tôi thoáng có cái ý nghĩ đó trong đầu. Quỳnh sẽ bỏ tôi đi. Và Uyên rồi cũng không có con đường nào khác. Tôi bây giờ như một thứ cây mọc ven sông, nhìn những dòng nước chảy miết, liên tu hồ tận. Và bà Phan đang thả cho tôi một chiếc phao.
Đi Mỹ là một giấc mơ của tôi cách đây mười năm. Giấc mơ ấy có còn theo đuổi tôi không? Nhưng có lần tôi từ chối chuyến đi Pháp của ông Lý, và bây giờ lẽ nào tôi nhận chuyến đi Mỹ của ông Phan?
Cửa phòng bỗng xịch mở, Uyên bước vào nhẹ như một chị mèo. Bà Phan ngồi chìm trong ghế bành quay lưng ra cửa, nên không nom thấy Uyên. Tôi đưa mắt cho Uyên biết là có người trong phòng, nhưng cô không hiểu ý tôi. Cô đi thẳng đến chỗ tôi ngồi. Khi nhận ra sự có mặt của bà Phan, Uyên đưa tay lên miệng như che nỗi kinh ngạc. Bà Phan rất trầm tĩnh:
- Ngồi xuống đi con!
-Con xin lỗi me. Con tưởng không có ai trong phòng.
-Không sao. Nhưng me có cảm tưởng là con không bao giờ gõ cửa khi vào phòng anh Thăng, phải vậy không?
-Thưa me... Uyên vẫn đứng cạnh tôi.
Tôi giả lả:
-Bao giờ cô Uyên đi Mỹ vậy?
-Đi Mỹ? Cô ngơ ngác.
-Uyên đi Mỹ làm gì cơ chứ?
Tôi cũng ngạc nhiên không kém, nhưng bà Phan trấn an ngay:
-Me chưa kịp cho con biết là bố muốn mẹ con mình sang bên đó!
-Chúa ơi, bố bỏ Sài gòn mà đi luôn sao?
-Sao lại đi luôn? Bố bị ốm bất ngờ, phải nằm bệnh viện một thời gian. Bố cần mẹ con mình.
-Nhưng me nhận thư bố hồi nào? Sao me giấu con?
-Uyên!
Bà Phan trừng mắt ngó con gái.
-Xin lỗi me!
-Me không bằng lòng cách hỏi của con. Me cấm con từ nay không được có thái độ hỗn hào đó nữa. Con nghe chưa?
-Thưa me, con nghe.
Bà Phan quay về phía tôi.
-Phần cháu, tôi muốn nghe ý kiến của cháu.
-Cháu cám ơn bác. Nhưng cháu muốn xin phép bác cho cháu thời gian suy nghĩ trước khi trả lời...
-Sao? Bà Phan nhổm người dậy.
-Cậu không thấy đây là cơ hội tốt cho cậu sao?
-Thưa bác!...
Uyên chen vào:
-Thưa me, cơ hội tốt nào dành cho anh Thăng vậy?
-Uyên, im nào!
Kỳ 68
Bà Phan đứng dậy, nắm tay con gái.
-Ừ cháu cứ suy nghĩ cho kỹ nhé! Nhưng nhớ cho bác biết sớm. Thời gian cũng đã cấp bách lắm rồi!
-Cám ơn bác, cháu xin nhớ lời bác.
Tôi đưa bà Phan ra cửa, Uyên vẫn đứng bên trong.
-Thưa me, con xin phép me con ở lại một chút. Con muốn nói chuyện với anh Thăng.
Tôi không nghe tiếng bà Phan trả lời, nhưng nhìn ánh mắt bà ngó Uyên, tôi hiểu là bà không bằng lòng. Tuy vậy, bà Phan đã bước ra, cầm tay nắm, khép cửa lại.
Tôi quay vô, đứng giữa phòng, Uyên đã ngồi trên mép giường, ngón tay trỏ nằm trong miệng.
Tôi bước mấy bước quanh phòng, rồi ngồi xuống chiếc ghế bành mà bà Phan đã ngồi. Chúng tôi im lặng nhìn nhau không ai nói với ai một lời. Như thế thật lâu, tưởng chừng như thiên thu vĩnh cửu. Nhưng đột nhiên, như một con beo, Uyên phóng tới vòng tay quanh cổ tôi, ôm chặt đầu tôi trong ngực nàng.
-Anh!
Tôi nghe rõ mùi hương thơm ngát của da thịt nàng. Và đôi môi nàng, mái tóc dài của nàng phủ kín mặt mũi tôi, chùm lấp cả cái đầu óc đang vô cùng bối rối của tôi.
16
Ở Givral ra, tôi đi ngược đường Tự Do về phía Nhà Thờ Đức Bà. Thánh Đường vắng. Tôi như một tín đồ ngoan đạo giữa những hàng ghế trống, một mình đối diện với Chúa.
Tôi nghĩ đến Quỳnh, đến mối tình mà Quỳnh dành cho tôi. Có lần Quỳnh nói:
-Em yêu anh, nhưng em ghét nói một câu nhà quê như thế. Em muốn sống với anh chứ em không cần sống với tờ hôn thú.
Quỳnh thương các con tôi nhiều hơn là lòng tôi mong ước. Cô chăm sóc chúng như một bà chị cả chăm sóc em, và lo lắng chúng như một bà mẹ lo cho con. Với đôi chân mềm của một thiếu nữ mới lớn Quỳnh thản nhiên đi trên những mũi thép nhọn của dư luận.
Sự thất bại trong đời sống lứa đôi để lại trong tôi lòng căm thù gia đình, nhưng với Quỳnh tôi cảm thấy cái ý nghĩ ấy cần phải được xem xét lại. Hình như tôi luôn luôn ao ước một mái nhà!
Nhưng gia đình là cái gì mới được chớ?
Còn nhớ bữa uống rượu với Tâm, Nhật và Phùng ở một nhà sàn trên sông Sài Gòn, Tâm đã nói về gia đình của nó rằng đó là nơi mà người đàn ông có thể trở về nhà để nghỉ ngơi sau những bon chen khốn khổ và khốn nạn của đời sống. Gia đình chính là lò sưởi của người đàn ông, chống lại những cơn gió lạnh lẽo tàn nhẫn của cuộc đời. Gia đình là nơi ẩn trú sau cùng của người chồng, là tấm gương để người cha soi lại hình ảnh mình qua những đứa con. Xã hội tàn bạo nhưng gia đình là tình yêu. Gia đình là điểm tựa sau cùng của niềm tin trong một xã hội tràn đầy hận thù và dối trá.
Tôi chia sẻ với Tâm ý nghĩ gia đình là hòa bình, gia đình không phải là chiến tranh. Và lúc đó tôi thầm ghen với bạn tôi về cái gia đình mà bạn hiện có. Ngọc, vợ Tâm, là một mẫu người đàn bà Việt Nam tiêu biểu: xinh đẹp, yêu con, chiều chồng và có óc hài hước. Chị hiếu khách, rộng rãi nhưng không bao giờ giơ tay quá trán. Tâm làm đồng lương thấp nhưng chị là một phụ nữ vén khéo. Đời sống thanh đạm nhưng không thiếu thốn. Ở chị, luôn luôn tôi nhìn thấy nụ cười. Những lần Tâm đi chơi lâu một vài ngày mới về, lại đem theo cả một đám bạn, chị vẫn vui đùa khi dọn bữa ăn cho chúng tôi. Có lần chị nói:
-Ông chồng bê bối của tôi mà thiếu một hiền thê của thời đại là Ngọc này thì chỉ có cửa nát với nhà tan thôi! Cũng may!
Chị nói đùa không chút ác ý. Phải nói là tôi thèm muốn một gia đình như gia đình bạn tôi. Và cùng lúc tôi càng thù ghét cái gọi là gia đình mà tôi đã chia sẻ với một người đàn bà được vớt lên từ đống bùn đen của sự nhục nhã.
(còn tiếp)