Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - GIÁNG SINH HÃY CHỜ

02 Tháng Giêng 201510:17 SA(Xem: 6626)
Nguyễn-Xuân Hoàng - GIÁNG SINH HÃY CHỜ
GS 2
GIÁNG SINH HÃY CHỜ

GIÁNG SINH - 1

Vy yêu dấu,
Tôi đang viết cho em giữa những âm thanh quen thuộc của một mùa Giáng Sinh. Một người bạn làm báo cho tôi biết rằng tình hình chính trị đang có nhiều chuyển biến lớn. Có lẽ chiến tranh sẽ chấm dứt và hòa bình sắp được tái lập. Hòa bình! Đó là niềm mơ ước lớn nhất không phải của riêng chúng ta, mà là của cả dân tộc. Em biết không, căn phòng tôi giờ đây đang tràn ngập những âm thanh của khúc hát Đêm Thánh Vô Cùng, ấy vậy mà tôi vẫn như nghe lẫn trong đó từng chữ từng lời của bài Giáo Đường Im Bóng, ca khúc mà em đã hát cho tôi nghe chiều hôm qua trong quán nước Hoàng Gia vắng vẻ trên đường Tự Do trước khi em trở về Đà Lạt. Trong trí nhớ của tôi vẫn còn hình ảnh em với mái tóc đen dài, đôi mắt màu hạt dẻ và một nụ cười rụt rè như lần đầu chúng mình quen nhau.
Tôi nhớ Đà Lạt vô cùng, nhớ con đường Hoa Hồng, nhớ con dốc dẫn lên nhà Bưu Điện, nhớ con suối cạn chạy dưới chân cầu đưa ta trở lại chợ Hòa Bình, nhớ con đường dắt ta đi quanh hồ Xuân Hương, và cái quán nước quen nhô ra mặt hồ, nơi chúng ta vẫn đến ngồi uống cà phê nhìn ra những ngọn đèn vàng ám đang nhắm mắt ngủ gà ngủ gật trong đêm.
Tôi nhớ hàng bánh xèo ở đường Tăng Bạt Hổ, buổi tối nào chúng ta cũng đến đó, ngồi bên nhau xoa tay bên lò than hồng chia chút hơi ấm chờ phần ăn của mình.
Hòa bình đang trên đường đến nơi hò hẹn. Và tôi tưởng tượng thấy một buổi sáng thức dậy, trong căn nhà của hai ta xây trên một ngọn đồi mượt cỏ, bỗng tức khắc mọi việc, mọi người đều đổi khác. Truyền thanh, truyền hình, báo chí đồng lượt đưa tin hàng đầu: Hòa Bình Đã Được Vãn Hồi Và Chiến Tranh Đã Thực Sự Chấm Dứt.
Hãy tưởng tượng ngôi nhà ta ở Đà Lạt, mái ngói đỏ hình dấu mũ, sàn nhà bằng gỗ đánh vẹc ni, vách thơm mùi trầm, treo đầy những hoa phong lan mà em nhặt được bên bờ suối chiều qua…
Hãy tưởng tượng cửa sổ phòng chúng ta mở ra mỗi buổi sáng sẽ thơm ngào ngạt mùi hoa hồng dại, và cây mimosa đứng ngoài sân kia sẽ ghen với hạnh phúc đôi ta mà nở ra những đóa hoa vàng quí phái. Mỗi buổi chiều chúng ta có thể nhìn thấy sương mù trải dài từng lớp mỏng rồi lan cao dần che phủ dầy đặc cả bầu trời xám đục trên đầu chúng ta, và em ngồi trong ghế mây đu đưa, cả gian phòng kính kín bưng thơm mùi bồ kết ướp mật từ mái tóc em làm ấm lên một thời tiết lạnh lùng.
Hãy tưởng tượng chiến tranh đã hết, và vì có nhiều anh hùng quá, không biết phải chọn ai để đặt tên cho những con đường, nên ngôi nhà của chúng ta sẽ có một địa chỉ đặc biệt, thí dụ như người ta sẽ gọi đó là ngôi-nhà-duy-nhất-trên-đồi 6452. Tại sao 6452 mà không phải là con số nào khác? Có phải là em đang thấy trong đầu câu hỏi đó phải không?
Nhưng tại sao phải là một con số nào khác chứ không phải là 6452? Em sẽ nghĩ sao về câu trả lời đầy nghi vấn của tôi?
Chỉ là những con số và hơn nữa chỉ là những con số tượng trưng và tưởng tượng thôi. Đừng bận tâm làm chi.
Dù sao “ngôi-nhà-duy-nhất-trên-đồi-6452 tỉnh D.” nghe vẫn có vẻ chiến tranh quá, phải không Vy?
Biết làm thế nào được, chiến tranh đã đi qua nhiều năm trên quê hương chúng ta và những vết chân của nó như dấu chân của bầy thú rừng bị xua đuổi chạy dồn vào nhau đã giẫm bừa lên trên ý nghĩ cỏ cây và cả trong giấc mơ bình yên của chúng ta. Nó đã là mối đe dọa thường trực của đời sống mỗi người.
Phải, hiện giờ đây ta hãy tưởng tượng như là chiến tranh đã chấm dứt, ngọn lửa hung bạo đã bị dập tắt, nhưng mối ám ảnh kinh hoàng về nó vẫn còn tồn tại, tồi tại trong một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn. Khi chiến tranh còn đó ta ghê tởm, lo sợ về nó, về tất cả những gì liên hệ đến nó, nhưng khi ta biết chắc là chiến tranh đã tàn lụn, thì bất cứ một dấu vết nào, hình ảnh nào, cách gọi tên nào dù có mang hơi hướm hay dính dáng đến chiến tranh đều chỉ có thể được xem như là những kỷ niệm buồn bã và vô hại. Chính trên đống tro tàn của chết chóc người ta nhìn thấy mầm mống của sự sống. Chính trên những đổ nát tuyệt vọng và ngu xuẩn của chiến tranh người ta phát lộ được niềm tin, sự xây dựng và trí thông minh.
Trên ngọn đồi xanh với những hàng thông không đều, căn nhà ngói đỏ của chúng ta sẽ ấm áp như hơi thở em và nồng nàn như da thịt em.
Hãy tưởng tượng tôi đang bước vào phòng khách với những gói quà trên tay và em đang đứng giữa nhà với cây thông giăng những bóng điện màu, cột treo những gói giấy hoa vuông vức xinh đẹp, em sẽ ngừng tay và tôi sẽ thả những hộp quà xuống sàn gạch, chúng ta hôn nhau trong tiếng chuông đổ dồn của ngôi nhà thờ trên ngọn đồi phía đông bắc thành phố, và mơ hồ trên đôi tai lơ đãng của mỗi đứa khúc hát Những Thiên Thần Trên Cánh Đồng Chúng Ta bay lượn như những cánh diều mùa hè.
Hãy tưởng tượng giữa tiếng nhã nhạc đó, giữa cái hôn nồng cháy mà chúng ta đang trao nhau, giữa sự rét buốt của một thành phố cao nguyên mùa đông, giữa những hồi chuông gióng giả báo tin giờ phút hiển linh, căn nhà trên ngọn đồi 6452 của chúng ta đột sáng bùng lên, đỏ những viên ngói, xám những cánh cửa, trắng những hoa sứ ngoài sân và xanh tất cả những lá cây, tôi sẽ được nhìn thấy lần đầu tiên màu nâu kỳ lạ tuyệt vời trong đôi mắt em và cái màu trắng xanh còn lại phản chiếu những lá cây trong vườn hy vọng của chúng ta.
Vy, lúc đó em nghe ngóng chờ đợi gì nơi tôi trên một ngọn đồi thấp giữa thung lũng sâu, trong căn nhà nhỏ biệt lập với hoa hồng, hoa thược dược, hoa sứ… với cây thông nặng trĩu những bóng đèn, những gói quà, những tua giấy đầy màu sắc lóng lánh và với niềm tuyệt vọng của tình yêu chúng ta?
Hãy tưởng tượng tôi ngã xuống ngay khi hồi chuông nhà thờ vừa tắt, ánh sáng trên bầu trời của một vùng thung lũng với những ngọn đồi không tên chập chùng bất ngờ chìm trong bóng tối và trong tay em, trong sự yếu đuối của em, của chúng ta, và trong tiếng hát lên trời của thánh thần, trong nỗi cô đơn của mỗi người, tôi ngã xuống, êm ái ngã xuống. và nghe không gian vang lừng tiếng kêu của Người, không phải đang Ra Đời mà là tiếng kêu thất thanh của Người trên Thánh Giá.
Eli, Eli, lamma sabacthami*
Hãy tưởng tượng, Vy ạ, tôi biết là em có thừa sức tưởng tượng, những con dốc mặt hồ, sương mù, rừng thông, tiếng gió hú ban đêm chạy dài qua những lũng trống và hơi thở của núi đá… Không, mà em cũng chẳng cần phải tưởng tượng nữa, em chỉ cần nhớ lại những gì em đã nghe thấy, đã cảm giác, đã sống…, em hãy gõ cánh cửa trí nhớ, cánh cửa sẽ mở, em hãy xin ánh sáng, mặt trời sẽ cho; em hãy đi tìm tôi như tôi đi tìm em, chúng ta sẽ gặp. Ở một nơi nào đó, chẳng hạn như trong một ngôi nhà nào đó, trên một ngọn đồi nào đó, mang con số 6452, một con số bất kỳ như bất kỳ một con số nào khác, giữa một ngày hay một đêm mùa đông, với tiếng kinh cầu, rất nhiều ân hận và buốt giá, một chút nghi ngờ, tí ti mệt mỏi…
Và chỉ có hai ta.
Phải không Vy?
*”Đức Chúa Trời tôi ơi, Đức Chúa Trời tôi ơi, sao Ngài bỏ tôi?”
Tiếng kêu của Chist khi chết trên thập tự giá. Saint Matthieu, XXVII, 46; Saint Marc, XV, 34

Tháng Mười Hai, 1970


GS 1

GIÁNG SINH - 2


Vy yêu dấu,
Không biết những dòng chữ này có kịp đến tay em trong mùa Giáng Sinh năm nay? Và nếu may mà nó đến kịp trước giờ Thánh Lễ, không biết em sẽ đọc nó dưới ánh sáng nào? Hư ảo lung linh của những hàng bạch lạp hay chói chang nóng hổi của những ngọn đèn ba trăm nến? Dù dưới bất cứ thứ ánh sáng nào, xin em hãy đọc nó dưới những tia lửa của trái tim mình.
Em có còn nhớ không, Vy? Buổi sáng đưa em ra bến xe, trời còn tối, gió thổi lạnh quá chừng. Con đường ấy ngày thường xe cộ người vật như nêm, đầy những tiếng động của máy xe và khói của dầu, bụi đường, thế mà bữa đó chỉ có mình anh với em. Anh không dám chạy nhanh lắm vì sợ cái khí lạnh thầm nhập vào da thịt, tuôn qua buồng phổi, gây thêm trong anh những trận ho mà em kêu là làm em đau xót. Có thể nào có được một người đau xót được nỗi đau xót của đời anh. Em đã đau được nỗi đau ở ngực anh, em thở dùm hơi thở cuộc sống anh, em đã nói giúp anh những điều anh không thể nói.
Vy yêu dấu,
Em yếu đuối là thế nhưng mạnh mẽ hơn anh biết là bao, em đạp mọi chông gai trên đường em đi, em dám đương đầu những bất trắc của đời sống phù phiếm, em giẫm lên mọi thị phi, đàm tiếu, em ngửng mặt nhìn lên cao, nghinh nhìn mọi thử thách, em dám sống đời sống đích thực của em. Còn anh, sự khỏe mạnh của thân xác, cái chiều cao của cơ thể, vóc dáng vạm vỡ của những thớ thịt thật ra chẳng là cái quái gì. Anh còn tiếp tục sống cái đời sống tưởng như sót lại của anh, anh còn tiếp tục hoạt động những công việc mà anh đã mất lòng tin tưởng, anh còn đi trên con đường mà anh đã từng nhiều lần vấp ngã đau nhòi, cũng là nhờ tình yêu của em dành cho anh. Tình yêu, tiếng gọi ấy tưởng chẳng bao giờ còn làm vang động được chút nào nữa ở trong chiếc đầu khô cứng và chai đá của anh từ nhiều năm nay, tình yêu ấy bỗng hiện ra rực rỡ như màu sắc của những chùm bông giấy, những ngôi sao, những món đồ chơi trên cây Giáng Sinh, có thực như những giòng chữ anh đang viết cho em đây. Tình yêu ấy có thực sự từ khi em yêu anh, chúng ta yêu nhau.
Vy yêu dấu,
Em không phải đau xót giùm anh, chính ra anh phải đau xót cho em mới đúng. Anh có vẻ là người từng trải, có vẻ thôi, vì thực ra anh có trải gì mà từng chứ? Anh coi trời bằng vung, anh khinh bỉ bọn trọc phú, anh ghét bọn háo danh rỡm chung quanh như những con múa rối… Chẳng phải anh đã nhiều lần nói với em như thế sao? Bởi vì, dù thế nào anh sẽ vẫn tiếp tục nói như thế, nghĩ như thế. Người ta bảo đó là những lời tự hào láo lếu, tự đắc và kiêu căng quá đáng. Một thứ mặc cảm tự tôn tầm thường. Cũng chẳng sao. Có gì thay đổi đâu.
Từ lúc em đi căn phòng vắng dễ sợ, sự gọn gàng ngăn nắp cũng theo em ra đi. Em biết không, mấy chai nước bây giờ chỉ còn cái vỏ không, bình lọc cà phê đen sì đầy xác màu nâu, những tờ báo cũ ngổn ngang dưới chân giường, trên bàn khách, ở sọt rác. Hộp mứt em mang đến cho anh từ mấy bữa trước cũng đã đầy kiến đen vì quên đổ nước ở chân dĩa. Hộp thuốc mà lẽ ra mỗi tối anh phải uống theo lời dặn của em, anh cũng quên luôn rồi. Những cuốn sách anh mang từ nơi làm việc về mỗi ngày một nhiều chồng chất thêm mãi, cao lên mãi và ngày càng lung tung vô trật tự mãi. Phương không đến từ hôm em đi. Cô ấy có gọi dây nói cho anh hỏi thăm tin tức của em, bởi vì cũng như anh, Phương không biết giờ em đang làm gì. Anh biết em đang gặp khó khăn và trắc trở. Tất cả chỉ là vì anh. Nếu không có anh, nếu anh đừng có mặt trong đời sống này, chắc gì em đã chông gai và phiền lụy như thế. Phải không?
Em ra đi, mang theo tất cả sự nồng ấm. Cái mát mẻ hiếm hoi của buổi sáng Sài Gòn giờ đây chịu ảnh hưởng cơn bão Thérèse vẫn còn đọng lại mãi trong căn phòng anh. Anh trở về vào lúc sắp đến giờ giới nghiêm. Bước từng bước lên cầu thang dốc, những miếng sắc khua vang dưới gót giầy anh và làm lay động giấc ngủ của những người bên cạnh. Mở khóa cửa, bật đèn, điều chỉnh tốc độ của chiếc quạt máy, cởi dây giầy, rửa mặt, đọc tin tức ở trang nhất của tờ nhật báo, vặn nút chiếc máy thâu thanh, tắt ngọn đèn đọc sách ở đầu giường, nhắm mắt. Cho đến khi choàng tỉnh dậy vì những cơn ngứa ở cổ, ho khan tức tưởi, anh đã nhìn thấy được những ngôi sao xa trên bầu trời xanh đêm.
Vy yêu dấu,
Lúc này em đang làm gì trên cái thành phố cao nguyên lạnh lùng và buồn thảm kia? Những ngôi sao nhìn ta và không nói gì. Và cái khung cửa số tối tăm ấy, nơi em đã từng ngồi hàng giờ lặng nhìn lên bầu trời cao, mặc anh với những trang sách, khung cửa ấy bây giờ không có em.
Vy yêu dấu,
Em biết đấy, anh không phải là một tín đồ Ky Tô Giáo, anh cũng chẳng là tín hữu của bất cứ một tôn giáo nào khác. Nhưng anh được dạy dỗ để sống giữa những người khác cùng là người như anh, chứ không được giáo dục để sống với bầy thú. Mưu toan trong đầu để hãm hại người khác, bắt chẹt một vài câu nói để du người ta vào thế bí hầu phỉ báng và bôi lọ người ta, điều ấy chưa bao giờ anh được học.
Trong cái nôn nao của một mùa Giáng Sinh Hy Vọng, anh muốn bắt chước tất cả những con chiên của Chúa nguyện cầu cùng với sự ra đời của Ngài sẽ đem theo sự ra đời của phép mầu mang Hòa Bình đến cho nhân loại, thanh bình đến cho Việt Nam, và sự yên ổn trong tâm hồn của mỗi chúng ta.
Em biết một niềm mơ ước như trên đây có vẻ như là một niềm mơ ước công thức, cũ kỹ, lặp đi lặp lại, đã mòn nhẵn. Nhưng làm thế nào được, anh và em, chúng ta chỉ có thể thành hình một khi có sự Yên Ổn trong trái tim mọi người.
Vy yêu dấu,
Buổi sáng hôm nay, trời trong xanh, nắng vàng, mọi người mọi vật đều bừng bừng sức sống. Một đám tang vừa đi ngang qua trước cửa nhà, trong những giọt nước mắt của người lớn anh nhìn thấy có nụ cười của đám trẻ thơ. Trong sự mệt mỏi rã rượi của người này anh đọc thấy sức sống vũ bão của người khác. Bên kia bóng tối của dĩ vãng chắc chắn sẽ là ánh sáng của tương lai.
Vy, dù sao anh tin rằng những dòng chữ này sẽ đến tay em sớm hơn là anh mong ước. Anh cũng tưởng tượng là em choàng áo len dầy đang ngồi trên chiếc xích đu nogài sân nhà xây trên ngọn đồi cao buổi chiều sương đang xuống, đọc những ý nghĩ này của anh, những ý nghĩ rời rạc không ra đâu vào đâu, lang bang và lan man như đời sống anh. Em hỏi anh đang làm gì trong lúc này, anh đang nghĩ đến ai. Anh đang viết thư cho em và anh đang nghĩ đến em. Anh nhớ em vô cùng. Em như viên thuốc Ascorbine tan thơm trong miệng anh.
Vy, anh đang gọi tên em để làm thơm đời anh. Em là đôi cánh chấp vào thân anh để anh có thể bay cao hơn. Em là những chiếc bánh xe lắp vào chân anh để anh có thể lăn mau hơn. Em là ánh sáng gắn thêm vào mắt anh để anh nhìn rõ hơn cuộc đời đầy ngõ ngách. Em là trái tim đập mỗi phút giây trong lồng ngực anh để anh còn sự sống. Em là anh và anh là em. Chúng ta là một.
Vy yêu dấu,
Hãy thắp sáng buổi chiều trên thành phố cao nguyên đó bằng ngọn lửa của trái tim em, và hãy đọc thư anh bằng con mắt của niềm hy vọng mà em lúc nào cũng sẵn có.
Nếu những giòng chữ này vẫn không kịp đến với em vào phút thiêng liêng, em hãy nghe lại điệp khúc của bài ca quen thuộc của chúng ta, bài hát mà chúng ta đã từng nghe một ngày nào:
Nhớ tới đêm đầy ánh sáng
Hương trong khói tràn mênh mang
Giây phút như ngừng trôi thôi
Tiếng kinh muôn lời…
Hãy nhắm mắt lại, hãy đếm từ một cho đến khi nào tiếng chuông của ngôi giáo đường gần nhà em ở nhất ngân lên, lúc ấy em hãy mở mắt ra vì anh đã đến với em và em sẽ chẳng cần đọc những giòng chữ này nữa. Lá thư ấy là anh và chúng ta sẽ đọc những ý nghĩ của chúng ta trong mắt nhìn của người khác.
Nhưng, thư từ làm cái gì, chữ nghĩa cũng là điều vô ích, nếu một khi chúng ta đã không còn muốn đọc nhau nữa. Phải không Vy?

Tháng Mười Hai, 1971


Nguyễn-Xuân Hoàng


Nguồn: Facebook