Nhớ Nguyễn Xuân Hoàng
Hôm nay Diễn Đàn Thế Kỷ mời độc giả cùng nhớ tới nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nhân ngày giỗ đầu của anh. Để phù hợp với tính tình thanh tao nhẹ nhàng của anh, chúng ta sẽ cùng nhau nhớ tới anh một cách đơn sơ không ồn ào, với vài bài mới viết về anh và một số bài viết cũ của anh hoặc liên quan tới anh.
Một nhà văn của Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua cuộc đổi đời năm 1975 thì khó mà không mang nỗi truân chuyêntrong tinh thần. Viết văn, từ chỗ giống như con ngựa phóng khoáng phi trên đồng cỏ, thì từ 30-4-1975 nó đã được đóng một cái ách vào cổ, và cài thêm hai miếng che hai bên mắt. Con ngựa vẫn chạy, nhưng từ nay phải theo một hướng nhất định, không được nhìn trái nhìn phải, không được tùy ý chạy mau chạy chậm như trước nữa. Nó chạy dưới một cái roi điều khiển.
Nguyễn Xuân Hoàng từ vai trò một nhà giáo, một nhà văn, một người làm báo văn học của miền Nam bỗng rơi vào cái truân chuyên đó, đã tự mình cảm nghiệm những điều anh đã biết rồi một cách lý thuyết qua những tin tức về Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, BorisPasternak , Solzenitsin... Và rồi anh đã thoát ra, đã “làm lại” ở hải ngoại công việc viết văn và làm báo.
........Một nhà văn của Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua cuộc đổi đời năm 1975 thì khó mà không mang nỗi truân chuyên
Nguyễn Xuân Hoàng từ vai trò một nhà giáo, một nhà văn, một người làm báo văn học của miền Nam bỗng rơi vào cái truân chuyên đó, đã tự mình cảm nghiệm những điều anh đã biết rồi một cách lý thuyết qua những tin tức về Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Boris
Sau đây là bài của cô Tanaka Aki cô gái Nhật Bản, người chưa từng gặp Nguyễn Xuân Hoàng nhưng đã quyết định dịch cuốn Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật.
(DĐTK)
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng
Cô Tanaka Aki |
Lời giới thiệu: Tác giả bài này, cô Tanaka Aki, là một cô gái Nhật Bản. Hiện cô đang theo học Cao học về Văn học Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo.
Năm 1997, ở tuổi hai mươi, cô đã đến Việt Nam làm việc cho một số công ty Nhật đang hoạt động tại đây, và ở lại đất nước này tổng cộng 13 năm. Một trong các công việc của cô là làm thông dịch, phiên dịch giữa người Việt và người Nhật. Năm 2013, cô Tanaka Aki đã được mời sang Mỹ để tham gia và phát biểu trong cuộc “Triển Lãm và Hội Thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn” tổ chức vào hai ngày 6 và 7 tháng Bảy. (DĐTK)
Tháng 7 năm 2013 tôi đã tham dự cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Little Saigon, Nam California, và tôi được biết ông Nguyễn Xuân Hoàng là một người đã được ban tổ chức mời để điều hợp các buổi hội thảo. Đáng tiếc là bệnh trạng của ông Hoàng vào thời điểm này đột ngột trở nên trầm trọng nên ông không thể tham dự hội thảo, và tôi đã không được gặp ông trong dịp ấy.
Vào tháng 9 năm đó, cô giáo gốc Việt dạy tiếng Việt tại trường Đại học của tôi, rủ tôi đi đến một tiệm sách tiếng Việt ở Tokyo do ông Đỗ Thông Minh làm chủ. Khi đó, ông Đỗ Thông Minh chuẩn bị đóng cửa tiệm sách, vì thế, rất may mắn tôi được chủ nhân tặng một thùng sách tiếng Việt, trong đó tôi chọn lựa được mấycuốn như “Người đi trên mây”, “Sa mạc”, “Bụi và rác” của tác giả Nguyễn Xuân Hoàng. Thường thì tôi đọc sách rất chậm, nhưng khi tôi bắt đầu đọc “Người đi trên mây” thì tôi bị cuốn hút ngay và đọc khá nhanh. Có lẽ vì tôi đã ở Sài Gòn lâu năm (sau 1975) nên tôi quan tâm nhiều về môi trường, hoàn cảnh, tình hình... của Sài Gòn ngày xưa, và tôi đọc “Người đi trên mây” thì tôi hình dung ra được nhiều hình ảnh của khung cảnh ấy. Rất thú vị. Và đặc biệt, tôi có cảm giác - chắc là cảm giác riêng của tôi thôi - rằng, trong tác phẩm “Người đi trên mây” tôi thấy phảng phất không khí tiểu thuyết của nhà văn Nhật Murakami Haruki. Tôi cảm nhận như vậy. Sau khi tôi đọc xong “Người đi trên mây”, tôi có ý muốn dịch tác phẩm này sang tiếng Nhật, tôi muốn chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.
Một thời gian sau, bất ngờ tôi nhận được e-mail của ông Hoàng. Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vô cùng. Ông Hoàng biết địa chỉ e-mail của tôi qua ông Phạm Phú Minh - người đứng đầu tổ chức cuộc hội thảo TLVĐ. Khi trao đổi với ông Hoàng qua e-mail, tôi như trông thấy được ông đang nằm trên giường bệnh với nỗi đau của cơ thể, cùng sự buồn bã tuyệt vọng với bệnh nan y.
Một hôm mở cuốn “Người đi trên mây” ra xem thì tôi tình cờ thấy chữ ký của ông Hoàng ở trang đầu sách. Trước đó, tôi không để ý nên tôi không biết có chữ ký của ông Hoàng trong cuốn sách của mình. Và tôi đã tưởng tượng, đêm khuya trong khi tôi ngủ say, ông Hoàng từ Mỹ bay qua Nhật đến nhà mình và để lại chữ ký của ông trong cuốn sách của tôi. Sau khi tôi phát hiện chữ ký của ông Hoàng, tôi viết e-mail (kèm theo tấm hình tôi chụp chữ ký của ông) cho ông ngay để hỏi thử “chữ ký này là của ông Hoàng phải không ạ?” thì được ông xác nhận đó chính là chữ ký của ông. Khi đó, tôi khẳng định đây là số mệnh của tôi, việc dịch cuốn “Người đi trên mây” là việc đã nằm trong số mệnh của tôi.
Trong cuộc nói chuyện qua e-mail, ông Hoàng hỏi tôi rằng “Cháu có đọc ‘Rừng Na Uy’ của Murakami Haruki chưa? Chú thích truyện này”. Tôi có đọc “Rừng Na Uy”, và tôi gửi lại cho ông Hoàng đường link Youtube của phim “Rừng Na Uy” do ông Trần Anh Hùng đạo diễn. Ở đây, tôi thấy có mấy điều thú vị, thứ nhất, như tôi đã nói trên, tôi có cảm nhận không khí Murakami Haruki trong tác phẩm “Người đi trên mây”, mà chính ông Hoàng nói rằng ông thích Murakami Haruki; thứ hai, người đạo diễn của bộ phim “Rừng Na Uy” lại chính là một người Việt Nam (nói chính xác hơn thì người Pháp gốc Việt) trong khi ông Murakami, trước đó, không đồng ý cho làm phim đối với bất cứ tác phẩm nào của ông.
Một hôm, tôi xem trang Diễn Đàn Thế Kỷ, tôi đọc bài “Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc Tử Sinh” (http://www.diendantheky.net/2014/06/ngo-vinh-nguyen-xuan-hoang-tren-con-doc.html) và tôi viết e-mail cho ông Hoàng ngay, tỏ ý mong muốn dịch “Người đi trên mây” sang tiếng Nhật, và đồng thời xin ông Hoàng cho phép tôi dịch tác phẩm của ông. Ông Hoàng đồng ý cho tôi dịch và mong rằng Aki dịch được một đoạn nào thì gửi cho ông xem. Ông nói “MONG LẮM”... Tuy nhiên, lúc đó, tôi bận thi ở trường nên không thể dịch ngay được. Sau khi thi xong và vào nghỉ hè, tôi đi Sài Gòn với mục đích tìm kiếm tài liệu nghiên cứu của tôi, sau đó tôi thăm anh ruột của tôi làm việc ở Bangkok, rồi về Nhật thăm mẹ tôi.
Ở nhà mẹ được một thời gian, tôi thật hết hồn khi tôi đọc tin ông Hoàng qua đời. Tôi rất ân hận và trách mình vì sao tôi đem theo cuốn “Người đi trên mây” trong suốt hành trình Sài Gòn - Bangkok - quê mẹ mà tôi không dịch chút nào cho ông Hoàng xem. Thực sự ra, tôi có ý định dịch trong nghỉ hè, nên tôi mới luôn đem theo cuốn ấy. Tôi tự hỏi, mặc dù trong đầu tôi luôn vang lên câu “MONG LẮM” của ông Hoàng mà tại sao tôi không thực hiện - không đáp ứng cho mong đợi của ông Hoàng? Vì sao? ...vì tôi nhút nhát, tôi sợ, tôi cứ tưởng tượng rằng nếu tôi gửi bài dịch cho ông Hoàng xong thì ông sẽ đi mất qua thế giới bên kia. Có thể có người cho rằng đó là một nguỵ biện cho tính lười biếng của tôi, nhưng tôi đã có cảm giác mang máng như vậy.
Vừa rồi, tôi đi Hà Nội và gặp một anh sưu tập sách cũ, rồi xin được bản photocopy của “Ý nghĩ trên cỏ” của Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi rất muốn biết suy nghĩ và tư tưởng của ông trước khi tôi dịch “Người đi trên mây”. Ngoài ra tôi cần phải biết bối cảnh lịch sử, cũng như tình hình xã hội thời bấy giờ..., tôi nghĩ như vậy mới dịch tốt được. Mà hiểu được những điều đó, đâu phải dễ dàng đối với người ngoại cuộc, hơn nữa là một người nước ngoài như tôi.
Hiện tại, tôi tập trung tìm hiểu về chuyên môn của tôi, như vậy, chưa biết khi nào tôi dịch được “Người đi trên mây”. Nhưng tôi biết, việc đó thế nào cũng có ngày thực hiện, vì đó là một định mệnh dành sẵn cho tôi, giống như việc nghiên cứu văn học Việt Nam cũng đã là một định mệnh trong cuộc đời của tôi.
Tôi ước mong sẽ có ngày “Người đi trên mây” được xuất bản trở lại trong nước Việt Nam, để cho giới trẻ Việt Nam tiếp cận và thưởng thức một tác phẩm mang giá trị văn học cao, rồi truyền lại mãi mãi cho thế hệ sau. Đó là ước mơ của tôi.
Tanaka Aki
(từ: DĐTK)
Nguồn: Trang web Bạn văn nghệ