KÍNH TIỄN BIỆT ANH, NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG
Gặp nhau không nhiều, chỉ vỏn vẹn hai lần mà lần nào cũng ngắn ngủi. Anh ghé nhà trong dịp tham dự một sinh hoạt văn nghệ ở Boston khoảng đầu năm 2000 và một lần khác ở San Jose.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, ngày đến nhà tôi, đã ngoài 60 tuổi nhưng còn rất phong độ. Trong chiếc áo sơ-mi trắng quen thuộc, mái tóc chưa bạc hết và cách ăn nói nhẹ nhàng từ tốn của một nhà giáo anh đến bắt tay thăm hỏi từng người. Một lần khác, gặp anh ở San Jose trong một buổi ra mắt sách của tôi đầu mùa thu 2006. Tôi quá bận không kịp mời riêng anh nhưng ngạc nhiên khi anh đến. Anh bảo anh chỉ đọc tin trên báo và đến tham dự. Hai anh em đứng bên góc một trường trung học ở San Jose nói chuyện riêng với nhau vài phút. Anh khuyến khích tôi viết. Anh cho số điện thoại, email và dặn dò tôi gởi cho anh mỗi khi có bài mới. Tôi dạ cho qua chuyện nhưng biết khó mà giữ lời hứa.
Từ đó, tóc anh bạc dần cho đến khi bạc trắng. Ba năm trước nhìn tấm hình trong một sinh hoạt văn hóa ở California, anh giống như ông tiên tóc trắng. Tôi chia sẻ bức ảnh để các bạn biết anh đoán thử là ai. Nhiều người đoán ra anh nhưng tất cả đều ngạc nhiên anh Nguyễn Xuân Hoàng tóc trắng đều quá. Họ không biết anh đã bảy mươi tuổi rồi, tóc bạc trắng là chuyện tự nhiên.
Tháng tám, 2013, khi ngồi chờ xe lửa, tôi sững sờ khi đọc một tin nhắn của chị Trương Gia Vy trên Facebook, anh Nguyễn Xuân Hoàng bị ung thư ở xương sống giai đoạn bốn (Sarcoma Cancer stage 4). Tôi google một vòng mới biết đó là giai đoạn cuối của căn bịnh ung thư giết người này. Thời gian còn lại của bịnh nhân tùy thuộc nhiều vào tuổi tác, có thể một hai năm với những người còn trẻ và có thể chỉ vài tháng với những người già.
Ngồi nhìn những chuyến tàu đến và đi trong sân ga ở Rome nhộn nhịp tôi nghĩ đến anh Nguyễn Xuân Hoàng và sự mong manh của cuộc đời. Sân ga Rome là một trong những sân ga đông nhất nước Ý, nhiều lớp người chen chúc nhau để lên xe lửa, nhưng tôi biết, giống như cuộc đời, trong vài giờ nữa, mọi người, trong đó có tôi, rồi sẽ ra đi hết, chỉ khác nhau là giờ giấc và tên gọi của mỗi chuyến tàu.
Tôi không biết nói gì hay viết gì, chỉ biết cầu nguyện cho anh Nguyễn Xuân Hoàng sớm vượt qua.
Vượt qua, trong ý nghĩ của tôi, không chỉ giới hạn trong nghĩa là hoàn toàn hồi phục, sớm xuất viện trở về trong an vui mạnh khỏe bên gia đình và bạn bè. Nếu được thế quả là điều may mắn nhưng vượt qua còn là sự chiến thắng được căn bịnh về mặt tinh thần. Với điều kiện y khoa hiện nay ở Mỹ chắc anh không chịu đựng nhiều đau đớn về thể xác, nhưng điều anh có thể làm được và cũng là điều duy nhất căn bịnh không thể tàn phá được nơi anh là tinh thần vượt qua không sợ hãi.
Hôm nay, chuyến tàu có người khách Nguyễn Xuân Hoàng vừa rời ga nhưng anh không ra đi trong âm thầm buồn bã. Tại nhiều nơi ở hải ngoại và cả trong nước, độc giả của anh, bạn bè anh thuộc nhiều thế hệ, bằng một đoạn văn ngắn như tôi đang viết, bằng một bài thơ hay bằng những lời chân thật từ những tấm lòng đang tiễn đưa anh.
Trong một bài viết trước đây, anh cay đắng mô tả những người “tưởng quen mà lạ”: “Những người bạn và những người tưởng là bạn. Những người vừa tuần qua cùng ngồi ở đây – trên chiếc ghế này, ở chiếc bàn này, uống rượu từ chiếc ly này,… đã nói với mình những lời lẽ này, và vẫn người bạn đó, hôm nay ở một nơi nào đó – không xa nơi chốn mình đang ngồi - đã nói về mình bằng những lời trái ngược”.
Không, những người đang tiễn anh hôm nay là những người bạn chân tình. Họ là những người thầm lặng, không gặp anh nhiều, không trao đổi với anh nhiều nhưng luôn nghĩ về anh với một tấm lòng trân trọng. Không giống như đêm vượt biển đầy lo sợ hay những ngày ở trại tỵ nạn Bataan buồn tênh, anh đang được bao quanh bởi vợ con, gia đình và bè bạn. Là một nhà giáo suốt mười bốn năm từ Trung học Ngô Quyền sang Trung học Pétrus Ký, chấm không biết bao nhiêu bài, anh biết phần kết luận là quan trọng nhất. Điểm kết thúc của hành trình anh đang bắt gặp những nụ cười bao dung, thân thiện, chân thành.
Và anh có thể cũng không đọc hết và không nghe hết những lời tiễn biệt của mọi người nhưng nội dung chắc cũng không khác gì câu văn anh viết nhân dịp giỗ đầu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác “Thôi kệ! Ngủ yên nghe Giác. Trước sau gì thì bọn mình cũng sẽ gặp nhau thôi.” Vâng, các anh vừa “gặp nhau”.
Chấp nhận sự chết không có nghĩa là đầu hàng mà là đặt niềm tin vào vĩnh cữu trong sự hữu hạn của đời người. Cuối cùng, anh Nguyễn Xuân Hoàng đã vượt qua. Kính tiễn biệt anh.
Trần Trung Đạo
http://www.diendantheky.net/