
Kỳ XXXXVII
Chớm đứng dậy định bước ra cửa, bà quay lại:
“Ờ mà quên, có người gửi cho cậu một cái thư tay. Để tôi về nhà lấy cho cậu.”
“Cám ơn bác, để cháu đi lấy.”
Tôi theo chân bà Tư. Tôi hi vọng. Hy vọng điều chi thì tôi không biết, nhưng tôi hi vọng biết là bao nhiêu!
Ông Tư đang đốt nhang bàn thờ Phật. Bà Tư vào buồng trong lấy thư cho tôi.
Con hẻm chạy vào khu Mã Lạng hôm nay vắng. Nước từ ống cống tràn lên đọng ở những chỗ hủng.
“Thơ cậu đây!”
“Cám ơn bác.”
Tôi cầm cái thư. Đúng là thư đề tên tôi. Nhưng thư không dám tem. Ở góc trái tôi đọc được tiêu đề của Tòa Tổng Lãnh Sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh. Người gởi: ông Thierry Rousselin. Khó hiểu. Tôi không thể chờ đợi. Tôi xé thư. Tụi Tây nó gọi mình lên phỏng vấn cho đi chăng? Cái giấy khai sinh giả mua lại của một người đàn bà béo mập có ông chồng gầy nhom như một cái tăm ở góc đường Bùi Viện Trần Hưng Đạo có kết quả rồi chăng? Tôi hi vọng quá. Trời ơi. Tại sao Quỳnh không ở lại chờ tôi để cùng đi? Tôi vừa đi vừa đọc thư. Thư viết ngắn. Tôi mừng hụt.
Ông Thierry nói có một món quà của một bà tên Marguerite Malpighi từ bên Pháp gửi qua cho tôi, ông hi vọng tôi vẫn còn ở Việt Nam, và nếu nhận được thư này, xin liên lạc ngay với ông ở tòa tổng lãnh sự, đường Hồng Thập Tự trong các ngày thứ Hai, Tư và Sáu, buổi sáng. Tấm danh thiếp của ông kèm trong thư này là giấy vào cửa của tôi. Tôi cầm tấm danh thiếp trên tay săm soi. Như vậy không phải là tụi Tây nó cho mình đi.
Nhưng mà Marguerite Malpighi là ai? Không, mình có quen một người nào có tên là Malpighi đâu. Marguerite Malpighi? Kỳ lạ.
Thôi để đó rồi hẵng tính. Tôi trở về nhà. Kéo chốt cổng. Đóng cửa. Ngã xuống giường.
Marguerite Malpighi? Cái tên ấy trở lại trong trí tôi. Mình làm gì có quen đầm tây chớ. Mệt óc.
Trong đầu tôi bây giờ chỉ có Quỳnh. Và trùm lên tất cả là hình ảnh mấy đứa con tôi. Tất cả đều đã bỏ đi. Xa tít. Mù khơi. Đăng và Mai. Và cái thành phố Paris trong mộng tưởng của tôi, trong đó giờ đây có các con tôi đang cắp sách đến trường.
Trí nhớ tôi kém quá rồi chăng?
Chết. Mà quên. Tôi còn một cái thư chưa bóc. Tôi chồm dậy. Bao thư màu xanh vuông vức. Dấu bưu ấn: Barcelona. Phía lưng của phong thư có tên người gởi: Marguerite Malpighi. Lúc nãy vì sớn xác tôi không lật lưng lá thư. Nhưng tại sao lại Marguerite Malpighi? Tôi không chờ đợi được. Tôi xé thư ngang hông.
Thư dài viết tiếng Pháp. Tran nhớ không? “Ma Chirac” đây! Đêm nghe nhạc Nguyễn Giang ở đường Công Lý. My life. My Music (Đời tôi. Âm nhạc của tôi). Tình yêu như trái phá. Con tim mù lòa. Tran nhớ không?
Đêm giới nghiêm Sài Gòn. Khách sạn Caravelle... Trời ơi! Ma! Ma! Làm sao tôi quên được chớ.
...Một buổi tối Sài Gòn giới nghiêm. Ngôi biệt thự trên đường Công Lý. Mưa đủ ướt mặt đường. Gió thổi tấp chiếc áo mưa nhà binh mặc ngược đập vào ngực tôi. Nhà của một tay tùy viên báo chí tòa đại sứ Úc. Nguyễn Giang trình bày mấy ca khúc mới của anh. Có một tay người Pháp giới thiệu. Mọi người ngồi quanh trong phòng khách rộng. Người ngồi bên tôi là một thiếu nữ Pháp.
“Tôi tên Marguerite Chirac “Ma Chirac.” Chào ông.”
“Chào cô. Tôi tên Thăng. Trần Lâm Thăng.”
“Tôi vừa từ Pháp qua. Bố tôi làm việc ở tòa đại sứ.”
“Tôi làm nghề dạy học.”
“Tôi vừa tốt nghiệp HEC.”
Chúng tôi nói chuyện rất khẽ. Những người nghe ngồi quanh bị thu hút bởi âm nhạc Nguyễn Giang.
“Tôi thấy hay nhưng tôi không hiểu.” Ma Chirac nói.
“Thấy hay hay hơn là hiểu.” Tôi trả lời “Cô có muốn tôi dịch cho cô câu tình yêu như trái phá không?”
“...”
“Câu này có nghĩa là từ lúc đưa em về là biết xa nghìn trùng.”
“Hiểu ra rồi. Thấy hay chưa hay. Hiểu hay hơn.”
Hai giờ sáng. Khi Giang đặt cây đàn nằm xuống, uống những giọt rượu cuối cùng rót từ cái chai xanh đục cổ lùn, cũng là lúc tôi nằm bệt xuống sàn nhà.
Người thiếu nữ Pháp hỏi:
“Nhà ông Tran có gần đây không?”
“Gần.”
“Ông có xe không?”
“Có.”
“Ông về hay ở lại?”
“Ở lại.”
“Tại sao?”
“Tại vì tôi không có giấy đi trong giờ giới nghiêm.”
“Tôi có giấy đi trong giờ giới nghiêm. Ông có muốn đi với tôi không?”
“Tại sao không?”
“Thế thì đi.”
Ma đứng dậy. Tôi ngồi dậy theo. Chiếc xe “đơ sơ vô” mỏng dính, nhún nhảy. Máy tốt. Xe chạy trong một thành phố vắng. Mặt đường ướt. Mưa bụi phất qua cửa kính. Cái gạt nước buồn bã cử động đều đặn. Một thành phố chết.
“Sài Gòn buồn hơn là bố tôi tả trong thư.”
“Cô đến đây làm chi?”
“Thăm bố tôi. Ông ấy là tùy viên văn hóa Tòa Đại Sứ Pháp.”
“Sài Gòn không yên đâu.” Tôi nói cho qua chuyện khi xe chạy ngang qua Dinh Độc Lập, vòng ra đường Thống Nhất chạy ngang hông Nhà Thờ Đức Bà, rẽ xuống Tự Do.
“Tôi biết. Sài Gòn không yên. Nhưng tôi đã đọc cuốn Người Mỹ Trầm Lặng của Graham Greene. May ra có gặp được anh chàng Alden Pyle nào không?”
Ma cho xe dừng trước cửa khách sạn Caravelle.
“Bố tôi giữ cho tôi một phòng ở đây.”
Trời vẫn còn mưa. Ma mở cửa xe bước xuống. Thong thả.
“Ông có muốn nói chuyện về những cuốn sách không?”
Tôi không trả lời cô. Tôi mệt và đói. Tôi muốn có cái gì ăn hoặc là có chỗ nào nằm. Tôi không gật đầu cũng không lắc đầu.
Người giữ thang máy mặc đồng phục đứng ở cửa chào chúng tôi. Ma bấm nút. Tôi đứng sát vào cô. Mùi thơm ở mái tóc cô làm tôi nhớ Uyên. Có lẽ cả bà Phan và Uyên tối nay sẽ canh chừng tôi trở về. Nhưng tôi có cần phải về không?
Khi cánh cửa thang máy mở ra tôi đã hôn xong Ma cái hôn thứ nhất. Tôi không so sánh, nhưng rõ ràng là tôi không có cái cảm giác hôn người thiếu nữ này lần đầu. Cái biên giới giữa Uyên và Quỳnh là có thật, nhưng giữa Uyên và Ma ít ra trong cái hôn - tôi không nhận ra chút khác biệt nào.
Và đêm hôm đó tôi ở lại với Ma Chirac.
Khi vói tay bấm cái công tắc đèn ở đầu giường ngủ, tôi thấy cuốn “Ông Đại Sứ” của Morris West đang mở ra dở chừng.
“Em thích đọc những cuốn tiểu thuyết viết về Việt Nam.”
Đối với tôi, đó là một đêm không ngủ. Ma chỉ trở mình một lần. Da thịt cô mát rượi, mềm như lụa. Sáu giờ sáng, tôi rửa mặt, mặc quần áo, mang giày ra khỏi phòng xuống cầu thang, băng qua bên kia đường, vào quán Givral ăn một cái “toát bơ,” uống một ly cà phê sữa nóng và gọi điện thoại cho Uyên.
Sau đó tôi không bao giờ gặp lại “Ma Chirac.” Câu chuyện nghe nhạc và qua đêm với người thiếu nữ Tây phương trong khách sạn Caravelle có vẻ Bồ Tùng Linh quá. Tôi không nhớ tới nó cũng phải. Mặc dù trên đường đi cô có hỏi tôi rằng tên cô có làm tôi liên tưởng đến điều gì chăng? Tôi nói có, in hình như tôi có nghe tên một ông chính khách người Pháp tên Jacques Chirac, đô trưởng thành phố Paris thì phải. Cô nói chính vậy. Ông ấy là bác tôi. Và ông ấy sẽ là thủ tướng nước Pháp.
Thế thôi. Nhưng đó là Marguerite Chirac, đâu có phải là Malpighi.
Những dòng cuối lá thư của cô cho tôi biết chồng cô là Marcello Malpighi, một viên chức ngoại giao làm việc ở Barcelona. Thư nói hãy cho Ma biết Tran cần cái gì. Ma sẽ làm hết sức mình cho Tran. “Hãy đến gặp ông Thierry Rousselin.”
Ma Chirac, câu chuyện tưởng là liêu trai nhưng đang là sự thật.
Tôi nhắm mắt lại cố hình dung ra khuôn mặt cô, nhưng hoàn toàn vô vọng.
Trong tôi chỉ có Quỳnh và đứa con của hai chúng tôi.
Tại sao không có thư của Quỳnh?
Tại sao? Tại sao?
Tôi không hiểu. Tôi không có câu trả lời.
(Còn tiếp)