Hồi chuông báo tử cho một nền Văn Học miền Nam! (II)
Trong số những người cầm bút hết lòng với văn học miền Nam Hải Ngoại từ 1979 kể ra thì nhiều lắm. Như một Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Quốc Bảo, Võ Đình, Vũ Huy Quang, Nguyễn Bá Trạc, Trịnh Y Thư, Khánh Trường, Mai Kim Ngọc, Nguyễn Đức Lập, Trần Vũ đều xả thân với văn học với đầy thiện chí.
Nhưng tôi vẫn thấy có hai người để hết tấm lòng cho văn học miền Nam như Viên Linh và Trần Hoài Thư.
Nếu như báo Văn Học ít lắm có mặt được 16 năm mà vẫn cứ “ Xìu xìu ểnh ểnh” chết lên, chết xuống, thay mấy đời chủ bút mà dần đần số người đọc ít hơn số người viết.
Và nếu có cuốn sách nào được in ra thì đó không phải là nhu cầu của người đọc mà là nhu cầu của người viết.
Sau này, nhiều tác giả muốn có danh đã tự bỏ tiền in sách, mời bạn bè thân hữu đến ăn uống. Khi ra về, mỗi người còn nhận một cuốn sách biếu. Đúng là vừa được ăn, vừa được gói mang về. Vấn đề là người được tặng sách có đọc hay không lại là một chuyện khác.
Đó quả thực không phải là một sinh hoạt văn học lành mạnh và thiếu một điều quan trọng là niềm tự trọng.
Trở lại báo Văn Học. Mỗi khi hết tiền để trả tiền in, tiền tem thì Trịnh Y Thư chủ nhiệm lại móc tiền túi ra trả các chi phí. Có thế nào được coi là bình thường khi từ chủ nhiệm, chủ bút đến người viết bài trong 16 năm ấy, chưa một ai nhận được tiền nhuận bút dù chỉ một lần.
Sau này viết cho một “tờ báo chợ”, chắc chắn có tiền, nhiều thì không có, nhưng rủng rỉnh thì có.
Hiện nay thì có thêm nạn “Ti vi chợ” Từ 10 năm nay, nhiều đài Tivi chợ xuất hiện mà mục đích chính là quảng cáo thương mại về các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ. Tệ thêm một bậc là quảng cáo đủ loại các thuốc men trị bá bệnh. Thuốc thật hay giả là chuyện của luật pháp của chính quyền Mỹ.
Nhưng tôi cảm thấy hổ thẹn thay cho một bọn người nay có danh phận đã đồng lõa một cách vô lương tâm để lừa bịp những người dân, phần đông là có lợi tức thấp.
Sự trơ trẽn của họ làm tôi không vui. Nghĩ lại thời nào họ cũng chống Cộng vung vít lắm. Sự “xuống cấp” văn học Việt Nam hải ngoại với báo chợ, tivi chợ thì theo tôi thà chúng không có.
Nhưng tôi vẫn thấy có hai người để hết tấm lòng cho văn học miền Nam như Viên Linh và Trần Hoài Thư.
Viên Linh là tờ Khởi Hành, một mình một chợ, chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm tất cả cặm cụi suốt năm tháng với Khởi Hành.
Cuối tháng 3-2014, Viên Linh phải trải qua một cuộc giải phẫu tim thập tử nhất sinh để thay thế các “aortic valve, mitral valve và coronary valve” 31 tiếng đồng hồ sau mới tỉnh dậy, ông viết,
“Chủ trương lúc lên đường từ 1996 tới nay vẫn được tiếp tục: Khởi Hành có mặt để bảo tồn, duy trì và phát triển di sản văn học miền Nam, Văn Học Việt Nam.”
(Viên Linh, Chủ nhiệm, chủ bút Khởi Hành, số 209-210, May-July, 2014, lời mở đầu)
Có lẽ tờ Khởi Hành với Viên Linh là tờ báo có mặt lâu nhất cho đến nay nếu tính từ năm 1996.
Người thứ hai là Trần Hoài Thư. THT tự mua máy in, rồi một mình sưu tầm các tác giả là các nhà thơ trẻ có thơ trước 1975 cũng như các nhà văn trẻ mà một số ở trong quân đội, các nhóm như Sáng Tạo, v.v.. Ông đặt tên cho các tuyển tập ấy nằm trong Thư Quán Bản Thảo với nhiều chủ đề. Cặm cụi làm việc một mình, ngoài việc phải chăm sóc cho người vợ nằm liệt một chỗ, rảnh là chúi đầu vào in ấn, cắt xén và gửi bạn bè.
Trong số những tác giả lạc quan nhất về tương lai Văn học hải ngoại lúc ấy có Nguyễn Mộng Giác và Mai Kim Ngọc. Nhưng trong một số báo Văn Học, xem ra niềm tin vào sự trường tồn của văn học hải ngoại của ông Nguyễn Mộng Giác có phần lung lay. Ông đã viết một bài nhan đề“Triển vọng của văn học hải ngoại” trong đó, ở phần kết luận ông viết:
“Sinh hoạt văn nghệ di dân không còn biệt lập, dần dần yếu đi, khiêm nhường, đóng vai trò “đại lý” y như những người Thụy Sỹ gốc Pháp, gốc Ý, gốc Đức, hoặc những người Mỹ gốc Hoa ở New York, San Francisco.”
(Nguyễn Mộng Giác Văn Học, số 103, tháng 11 năm 1994, trang 39)
Người viết đông đảo với số lượng tạp chí văn học sầm uất như thuở nào với Văn, Văn Học, Thế kỷ 21 rồi Khởi Hành, Hợp Lưu, Làng Văn. Tại chỗ tôi ở, Montréal, có tờ Đi Tới và có tới ba tiệm sách.
Nhưng có một hiện tượng ngược chiều là số người đọc mỗi ngày một ít đi. Cắt nghĩa hiện tượng này thì có thể trong quá trình Hội Nhập vào bản địa từ giai đoạn: Thích ứng-Hội Nhập và Đồng hóa, có hiện tượng melting-pot. Trong đó cái đa số, số đông áp đảo cái thiểu số theo cái tinh thần rất thông tục là “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
Các tiệm sách thay nhau đóng cửa. Tôi cũng đã thấy có người từ khi di tản năm 1975 sang đây, chưa hề đọc một cuốn sách nào. Nhà trang trí nào đàn Piano, tủ kính đựng bát đĩa. Nhưng thiếu tủ sách, ngay đến một kệ sách cũng không có.
Trên bàn thờ, có bầy hương án, bài vị, dòng họ con quan cháu quan, các vị tổ tiên áo mũ, cân đai, thẻ bài trước ngực. Nhưng con cháu xem ra “mù chữ” theo nghĩa không đọc sách tiếng Việt.
Nhận xét như trên có vẻ sống sượng. Nhưng đó lại là sự thật.
Chỉ cần đưa ra một nhận xét rất đơn giản là: văn học hải ngoại mà chất liệu sáng tạo là quá khứ. Quá khứ kéo dài được bao lâu? Trí nhớ người cầm bút thì như mặt lõm của một ngọn đồi — nhớ nhớ quên quên. Chuyện hiện tại thì như mặt phẳng của một ngọn đồi, vừa nói xong đã quên.
Mà mất cái quá khứ thì như thể mất cái căn cước người tỵ nạn, mất chỗ trú ẩn, mất cái làm nên họ là họ.
Người giữ được quá khứ, theo tôi, không ai khác là nhà văn Xuân Vũ. Một cán bộ hồi chánh trước 1975.
Nhưng tệ hại nhất và vô cùng tệ hại là họ chuyển hóa những hoài niệm quá khứ thành lý tưởng, thành một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để họ hành xử và phê phán bất cứ ai không theo họ hay nghĩ khác họ.
Tệ hại này là lớn nhất, bi kịch nhất, đã kéo dài trong nhiều năm cho đến tận bây giờ. Cộng đồng người Việt khắp nơi dần trở thành những ghetto để bêu xấu, chửi bới nhau. Họ “mềm” và dễ sai bảo đối với người dân bản địa. Nhưng họ trở thành “cứng” hung dữ đến sẵn sàng “ ăn thua đủ” chỉ vì một nhận xét, một ý kiến trái chiều. Họ là nhất, ai không theo họ là bị chụp mũ, đủ thứ mũ. Họ độc tài hơn cả những kẻ độc tài mà họ từng phải bỏ chạy.
Đã có thời thư rơi, thư nặc danh hay ngay cả thư rơi có tên người viết nhiều như bươm bướm bêu xấu đời tư, chửi bới nhau thậm tệ và không cần bằng chứng. Người chửi và người bị chửi cùng ở trong cộng đồng người tị nạn chống cộng sản.
Tìm hỏi người đã “ký tên” trong một lá thư rơi tôi được biết chỉ có một tên — người đã viết lá thư rơi — là thật, còn lại những người “ký tên” khác cũng chỉ là nạn nhân. Tôi có lá thư này do do một nạn nhân giao lại. Nội dung những lá thư nặc danh, thư rơi giả tên người viết là rác bẩn trong cộng đồng người Việt, không đáng được nhắc đến. Chúng đã tạo ra một bầu khí vẩn đục, gây sự nghi kỵ giữa những người cùng trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản.
Khắp nơi, cộng đồng người Việt dần trở thành những ghetto để bêu xấu, chửi bới nhau mà những người làm báo, viết văn có trách nhiệm không nhỏ.
Nghĩ tới việc người Việt chửi bới người Việt, tố cáo chụp mũ nhau thân cộng. Tôi nghĩ đến cuốn truyện của nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhan đề “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Cuốn truyện cho thấy cùng trong làng xã, nhưng hai họ có mối thủ riêng, truyền hết từ đời cha dến đời con như thể không bao giờ dứt.
Phải chăng đó cũng là hoàn cảnh người Việt hải ngoại hiện nay? Tệ hại này sẽ còn kéo dài mãi cho dù nền Văn Học của hải ngoại đã khép lại.
Cái yếu tố làm cho nền văn học hải ngoại chết non, ngoài những yếu tố vừa nêu trên, còn có vấn đề nền văn học đó không có kế thừa.
Trên tờ Hợp Lưu, số 72, tháng 8-9, 2003 có dành hẳn một số báo cho các nhà văn được gọi là “Thế hệ sau chiến tranh” với các bài viết Đỗ Lê Anh Đào, Thơ Thơ, Quang Thanh, Nguyễn Hương, Bùi Hoằng Vị, Lê Quỳnh Mai, Bảo Phi, Nguyễn Việt Hà, Trần Tiến Dũng, Phan Huyền Thư, Đinh Linh, Phạm Thị Ngọc, Thận Nhiên, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Quốc Chánh, Đình Trường Chinh, Nguyễn Thanh Hùng Tylur, Thu Hiền ngô, Trần Tiễn cao Đăng, Đông Triều, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nam Trân, v.v..
Lúc đó các nhà văn trẻ trên dưới 40 tuổi trên không bị triệu chứng hậu chiến tranh, lại có trình độ, đủ mọi điều kiện vật chất.
Nghĩa là họ hội đủ các yếu tố khách quan để thành danh trớ thành những nhà văn như lớp kế thừa. Vậy mà họ dần dần buông bứt. Nhiều người chỉ vỏn vện có vài truyện ngắn rồi im bặt. Và tôi tự hỏi, bây giờ họ ở đâu?
Sau đó, tôi có viết trên Tờ Hợp Lưu, lúc bấy giờ người chủ bút là anh Trần Vũ, yêu cầu viết để khuyến khích các cây viết trẻ như: Đỗ Hoàng Diệu, Miêng, Mai Ninh, Trần Vũ, Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Bình Phương và rất nhiều nhà văn trẻ khác.
Những nhà văn trẻ trên dưới 40 tuổi này liệu họ làm được gì? Kỳ vọng gì vào họ?
Theo tôi, họ thường viết cho họ thay vì nghĩ đến chuyện kế thừa hay nghĩ tới chuyện thay thế ai?
Một nhận xét rất khác thường là họ cầm bút khá muộn và tính đến nay thì họ đã trên 60 tuổi! Tính đến năm 1995 thì Đặng Thơ Thơ sinh năm 1962, Hoàng Mai Đạt, 1960, Lê Thị Thấm Vân 1961, Lê Minh Hà 1962, Lê Thị Huệ 1953, Nguyễn Thị Ngọc Lan 1957, Nguyễn Ý Thuần 1953, Phan Thị Trọng Tuyến 1951, Trần Vũ 1962.
Nhận xét chung của tôi về họ là họ không còn viết như trước nữa.
Và cho đến hôm nay, không mấy người trong số họ tạo được một thế giá văn học.
Nhưng khi Trần Vũ ra đi khỏi Hợp Lưu thì như có một sự tan rã khó cắt nghĩa. Các nhà văn trẻ tứ tán mỗi người một nơi trên Web điện tử như Da màu, Gio-o.com. Theo tôi, cho đến nay, ít người nào có được tiếng tăm theo kiểu một Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên Sa. Ngay cả trường hợp Trần Vũ mà tôi trân trọng, quý mến.
Có thể nói, cái thời của một miền Nam Việt Nam trước 1975 với bao hào quang và vinh dự đã không bao giờ trở lại nữa. Vâng không bao giờ.
Những người còn ở lại sống vất vưởng và bị bỏ quên một cách rất vô tình trước sự bạc bẽo của tình người.
Họ không hẹn mà ra đi không kèn không trống.
Chỉ trong tháng 10-2017, nhà thơ kiêm nghệ sĩ thổi sáo Tô Kiều Ngân ra đi. Còn mấy ai nhớ đến Chương trình Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng.
Rồi học giả Lê Hữu Mục, một nhà Hán Nôm, đồng thời là tác giả cuốn: Tác giả Ngục Trung Nhật Ký không phải của Hồ Chí Minh cũng lặng lẽ ra đi
Rồi đến lượt Lê Phụng. Và mới đây nhất đến lượt ông Trần Thiện Đạo, ở Pháp ra đi ngày 25-11. Trước 1975, ông là nhà dịch thuật các tác phẩm của các triết gia Hiện sinh như các dịch giả khác như Vũ Đình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo, Nguyễn Minh Hoàng, Bùi Ngọc Dung, Võ Lang, Lê Thanh Hoàng Dân, Mai Vi Phúc, Phùng Thăng, Dương Kiềnvv..
Nhìn lại ngày hôm nay, số lượng các nhà văn nhà thơ trước 1975 còn lại bao nhiêu? Nguyễn Văn Trung, Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Đình Toàn hầu như đã vắng mặt. Những người khác như nhà thơ Viên Linh, nhà văn Trần Hoài Thư kể như suốt những năm ở Hải ngoại miệt mài với chữ nghĩa… với sưu tầm với nhiều tâm huyết. Những người còn lại như thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê thỉnh thoảng xuất hiện. Những nhạc sĩ như Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh là những nhạc sĩ nằm trong danh sách chót còn sót lại.
Trong khi đó không có người kế thừa chỗ của những kẻ đã ra đi. Ghế trống mỗi ngày một nhiều không ai ngồi thay thế. Ai có thể thay thế được những người ấy?
Requiem in Pacis cho nền Văn Học Miền Nam đã một thời sáng chói và nay đã tắt.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline