BỨC ẢNH “EM BÉ NAPALM” MỘT LIỀU ĐỘC DƯỢC
CỦA TRUYỀN THÔNG PHẢN CHIẾN GÓP PHẦN GIẾT CHẾT VNCH
Bức ảnh “Em bé napalm”
Bức ảnh “Em bé napalm”, còn gọi là The Terror of War, ghi lại khoảnh khắc Kim Phúc, một bé gái 9 tuổi, và nhiều em nhỏ khác đang tháo chạy khỏi các vụ ném bom napalm xuống khu vực.
Bức ảnh không chỉ phơi bày sự kinh hoàng của chiến tranh Việt Nam mà còn giúp Nick Ut đoạt giải Pulitzer và để lại di sản lẫy lừng cho ông trong làng báo chí thế giới.
Nhưng gần đây, sau cuộc trình chiếu cuốn phim Stringer tại Liên hoan phim Sundance ngày 25-1 đã gây ra những gây tranh cãi xoay quanh câu hỏi: Ai là tác giả của bức ảnh “Em bé napalm”.
Liên hoan phim Sudance do Viện Sudance tổ chức là liên hoan phim thường niên tổ chức tại Mỹ. Năm nay Liên hoan phim Sundance diễn ra từ ngày 23-1 đến ngày 2-2.
Nick Út (trái) và Nguyễn Hữu Thể (phải)
Phim The Stringer khẳng định bức ảnh thực ra được chụp bởi một phóng viên tự do người Việt tên Nguyễn Thành Nghệ, một nhà báo bị lãng quên trong dòng chảy lịch sử, thay vì nhiếp ảnh gia Nick Út như thế giới đã biết suốt nửa thế kỷ qua.
Đạo diễn phim Bảo Nguyễn và nhiếp ảnh gia Gary Knight đã tiến hành điều tra với sự hỗ trợ của công ty pháp lý INDEX và phỏng vấn 55 nhân chứng. Họ kết luận rằng Nick Út không ở đủ gần hiện trường để bắt khoảnh khắc lịch sử này.
Thay vào đó, Nguyễn Thành Nghệ (87 tuổi) cho biết ông chụp bức ảnh kể trên vào ngày 8-6-1972 trong một chuyến đi đến Trảng Bàng (Tây Ninh) với vai trò tài xế cho một đoàn nhà báo Đài NBC.
Sau chuyến đi, ông Nghệ bán bức ảnh cho Associated Press với giá vỏn vẹn 20 USD. Ông cũng chia sẻ thêm rằng họ đã đưa cho ông một bản sao nhưng vợ ông đã hủy đi do không muốn các con mình thấy khoảnh khắc kinh hoàng thời chiến.
Trong phim có cảnh Carl Robinson - cựu biên tập viên ảnh của Associated Press - khẳng định ảnh do một cộng tác viên địa phương mang đến và bị thay đổi tên tác giả bởi Horst Faas, trưởng nhóm nhiếp ảnh của Associated Press lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Thành Nghệ cũng xuất hiện tại thảm đỏ buổi chiếu phim The Stringer và đưa ra tuyên bố ngắn gọn: "Chính tôi là người chụp bức ảnh đó".
Tuy nhiên, ông không hề cho biết thêm lý do tại sao đến tận bây giờ mới tiết lộ thông tin chấn động này.
Sau khi phim công chiếu tại Liên hoan phim Sundance, Hãng thông tấn Associated Press (AP) đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố rằng người chụp bức ảnh này không ai khác ngoài nhiếp ảnh gia Nick Út.
Theo Associated Press, kết luận trên là thành quả của một cuộc điều tra gấp rút kéo dài 6 tháng và hiện vẫn đang tiếp tục.
Nhiều nhân chứng được Associated Press phỏng vấn, bao gồm các phóng viên nổi tiếng như Fox Butterfield, Peter Arnett hay thậm chí là nhân vật trong bức ảnh là Phan Thị Kim Phúc, cũng xác nhận thông tin.
Hãng thông tấn này cũng đang thúc giục ê kíp làm phim The Stringer mau chóng bỏ những thỏa thuận không tiết lộ (NDA) đang ràng buộc các nhân chứng để Associated Press có thể điều tra sâu hơn.
Đại diện của Associated Press (AP) cho biết thêm rằng họ ngạc nhiên và thất vọng khi tổ chức này bị miêu tả trong The Stringer có hành vi gây khó dễ cho ê kíp làm phim trong quá trình điều tra.
Không chỉ có Associated Press, luật sư của nhiếp ảnh gia Nick Út - ông James Hornstein - cũng gửi thư yêu cầu dừng việc chiếu phim The Stringer nhưng không thành.
"Chúng tôi nhất định sẽ đính chính những cáo buộc này tại tòa án và minh oan cho danh tiếng của Nick Út" - James Hornstein phát biểu một ngày sau khi phim The Stringer công chiếu.
Trong văn bản luật sư ông Nick Út gửi đến Công ty NCR có phát biểu của Phan Thị Kim Phúc, bà chia sẻ rằng mình đã từ chối tham gia cung cấp thông tin cho phim tài liệu này vì bà nghĩ nó sai sự thật.
Đồng thời, chứng nhân lịch sử này còn khẳng định không chỉ có bà mà còn cả chú bà sẵn sàng làm chứng cho Nick Út vì ông chính là người đưa bà đến bệnh viện để chữa trị vết bỏng.
Đối với chúng ta, những người dân miền Nam không ai quan tâm đến chuyện tranh cải ai là tác giả tấm hình “Em bé napalm” mà ý thức rằng bức ảnh đó đã giúp đám truyền thông phản chiến tây phương lên án cuộc chiến tự vệ của miền Nam chống miền Bắc xâm lược.
Nick Út hay Nguyễn Thành Nghệ vì chút hư danh hay ít tiền bạc đã giúp cho cộng sản có cơ hội tuyên truyền trên toàn thế giới rằng quân đội miền Nam tàn sát người dân.
Thực tế, bộ đội cộng sản đã dùng người dân làm bia đỡ đạn nên mỗi khi có sự rủi ro xảy ra do quân đội miền Nam truy kích địch, họ có cớ đổ tội cho quân đội miền Nam giết hại dân lành. Nick Út hay Nguyễn Thành Nghệ thay vì đưa tấm ảnh “Em bé napalm” ra thế giới sao không tìm chụp cảnh CS tàn sát người dân Huế năm 1968 tại Huế hay cảnh CS pháo kích vào đoàn người di tản trên “đại lộ kinh hoàng” Quảng Trị năm 1972.
Giải thưởng hay tiền bạc hoặc danh tiếng mà dù Nick Út hay ông Nghệ nhận được đẫm máu và nước mắt quân dân miền Nam sau ngày 30/4/1975. Có thể hai ông ấy rời khỏi Việt Nam trước ngày định mệnh đó vì làm việc với người Mỹ nên không thấm thía nỗi đau của người miền Nam còn ở lại.
Câu chuyện “em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc được đài BBC kể lại:
“Vào buổi sáng, không quân Việt Nam Cộng Hòa điều động máy bay ném bom napalm.
Gia đình Kim Phúc đã trú ẩn cùng với những thường dân và binh lính miền Nam Việt Nam khác trong một ngôi chùa.
Khi nghe thấy tiếng máy bay của đồng đội ở trên cao, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã kêu gọi mọi người bỏ chạy. Nhưng cả nhóm đã bị nhầm lẫn với đối phương, và bị thả bom.
Sau khi chụp bức ảnh, ông Nick Ut đã lái xe đưa bà đi bệnh viện. Bà Kim Phúc phải nằm viện hơn một năm để chữa trị các vết thương bỏng sâu. Từ đó bà vẫn chịu đau đớn và hạn chế trong cử động.
Tháng 8 năm 1979, Kim Phúc 16 tuổi, đó là khi gia đình bà, từ Tây Ninh, cố gắng vượt biên lần đầu tiên nhưng thất bại.
Kim Phúc kể, tháng Tám 1981, khi vừa tốt nghiệp trung học ở Tiền Giang và chuẩn bị thi vào đại học, bốn cán bộ từ Tây Ninh đến tìm bà.
Sau vài tuần, bốn người quay lại, đưa Kim Phúc đi lên Sài Gòn, nơi nhiều phóng viên chờ gặp bà để hỏi về trải nghiệm kinh hoàng năm 1972.
Đó là bắt đầu của những lần phỏng vấn bà: “Trong các cuộc phỏng vấn đó, các phiên dịch viên do chính phủ chỉ định tiếp tục truyền tải cho các nhà báo những quan điểm về chiến tranh, về vụ tấn công bom napalm và về cuộc sống thời hậu chiến ở miền Nam Việt Nam”
Biết mình bị trở thành công cụ tuyên truyền cho chính phủ cộng sản nên Kim Phúc tìm cách thoát ra khỏi Việt Nam.
Năm 1985, thủ tướng cộng sản Phạm Văn Đồng cho Kim Phúc đi du học ở Cuba.
Bà trải qua 6 năm tại thủ đô Havana của Cuba.
Năm 1988, tại Havana, bà quen một sinh viên từ miền Bắc Việt Nam, Toàn, và sau đó kết hôn với người này vào năm 1992.
Cho kỳ trăng mật, hai người được phép bay từ Havana sang Moscow.
Khi họ chuẩn bị quay về Cuba, bà Phúc nói với chồng: “Em không muốn quay lại Cuba.”
Trong hồi ký, Kim Phúc đã kể lại lúc máy bay chở họ từ Moscow quay về Havana, máy bay cần dừng lại ở sân bay quốc tế Gander thuộc Newfoundland, Canada để tiếp nhiên liệu..
Kim Phúc ngày nay
Bà đã quyết định cùng chồng đào tẩu ngay tại sân bay này, để xin tị nạn ở Canada. Sau đó họ định cư ở thành phố Toronto.”
Chúng ta ai cũng cảm thông sự đau đớn trong tai nạn chiến tranh của Kim Phúc nhưng lên án việc phổ biến bức hình “Em bé napalm” vì nó tiếp tay cho bọn phản chiến và cộng sản thay trắng đổi đen lên án QLVNCH khi chinh CS mới là kẻ độc ác giết hại đồng bào của họ.
Bức ảnh “Em bé napalm“ là một liều độc dược góp phần giết chết chế độ VNCH.
Huỳnh Công Ân
Tài liệu tham khảo:
-BBC News
Tranh cãi về tác giả bức ảnh lịch sử Em bé Napalm
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c8r5vxy0357o.amp
-Ti Vi Tuần San
Napalm’ Phan Thị Kim Phúc điều trị bỏng lần cuối
03 Tháng Bảy, 2022 | Người Việt đó đây,Tin Việt Nam