TÌM HIỂU KHÁI QUÁT VỀ “A-LẠI-DA THỨC”
Thích Nữ Hằng Như
I. DẪN NHẬP
Một người được ghi nhận là bình thường, khi người đó có đầy đủ các căn và tinh thần lành mạnh. Thể xác là phần vật chất chúng ta có thể trông thấy và sờ mó được, nhưng tinh thần là phần vô hình không ai thấy nó được. Tuy vô hình, nhưng nếu không có nó thì con người sống cũng bằng như chết. Phần tinh thần đó là tâm, là cái biết của con người, trong kinh gọi là “thức”.
Theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy thì hệ thống tâm lý của con người có sáu thức. Khi giác quan thuộc phần thân thể là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với đối tượng bên ngoài là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì có sáu cái biết, đó là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Khi Phật Giáo Đại Thừa xuất hiện, ngoài sáu thức trên người ta thấy có thêm thức thứ Bảy là Mạt-Na và thức thứ Tám là A-Lại-Da. Các nhà nghiên cứu Phật học cho rằng A-Lại-Da thức là một khái niệm quan trọng của Duy Thức tông. Trước khi tìm hiểu A-Lại-Da thức có công năng như thế nào đối với đời sống của con người, chúng ta cùng lướt qua vài nét về Duy Thức để xem từ đâu mà có khái niệm A-Lại-Da thức này.
II. VÀI NÉT VỀ DUY THỨC TÔNG
Duy Thức Tông là một trường phái Phật Giáo Đại Thừa. Phái này có nhiều tên gọi, nhưng phổ thông nhất là Duy Thức và Du Già Hành.
- Gọi là Duy Thức, vì trên phương diện lý thuyết, trường phái này chủ trương tất cả những gì chúng ta nhận thức trong tâm chỉ là “hình tượng” của thế giới bên ngoài, được phản chiếu lên tâm của chúng ta do thức biến hiện.
Ngoài sáu loại thức quen thuộc mà Phật Giáo Nguyên Thủy nói đến, Duy Thức phái đề xướng thêm hai loại thức vi tế hơn tạo thành “hệ thống tám thức”. Trong đó năm thức đầu phát xuất từ năm căn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức được xếp là “tiền ngũ thức”.
Ý thức là thức thứ Sáu. Đối tượng của Ý thức là các pháp bao gồm tất cả mọi hiện tượng thế gian, kể cả những gì xảy ra trong tâm thức của chúng sanh. Thức thứ Bảy là Mạt-Na. Mạt-Na là căn cứ phát sanh Ý thức, nên còn gọi là Ý Căn. Và sau cùng thức thứ Tám là thức căn bản hay nền tảng vì nó chứa tất cả bảy thức trên gọi là A-Lại-Da thức (Ãlaya vijnãna).
- Trên phương diện pháp hành, trường phái này có tên khác là Du Già Hành (Yogãcãra) theo nghĩa chiết tự,“ãcãra” là sự thực hành, sự thực tập, “yoga” là du-già. Du Già Hành đặt trọng tâm ở sự “ thực hành thiền” với mục tiêu đạt được sự giải thoát tối hậu.
Theo Phật sử, hai anh em tôn giả Vô Trước và Thế Thân được xem là đồng khai sáng tông Duy Thức . Tuy nhiên xét về mặt tư tưởng thì những khái niệm liên hệ đến nền tảng của tám thức, lý duyên khởi, si mê vọng chấp, giác ngộ hay duy thức... thực sự đã được lưu hành trong các bản kinh “Giải Thâm Mật và Lăng Già” từ khoảng một trăm năm về trước. Hai vị Vô Trước và Thế Thân đã có công nghiên cứu, khai triển và hệ thống các khái niệm này thành những tác phẩm giá trị và lấy đó làm nền tảng cho trường phái Duy Thức sau này.
III. TÌM HIỂU KHÁI QUÁT VỀ “A-LẠI-DA THỨC
“A-Lại-Da” âm từ tiếng Phạn “Ãlaya”, có nghĩa là “cái kho chứa”, danh từ Hán-Việt là “Tàng”. Gọi là “Tàng” vì A-Lại-Da thức chứa tất cả những hành vi, ý nghĩ do chúng sanh gây ra từ thân, miệng, ý. Nó là một cái kho vô hình khổng lồ, dung chứa tất cả những tác động thiện ác, vui buồn, hữu lậu hay vô lậu từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng sanh, gọi chung là chủng tử. Các chủng tử cùng loại, cùng tính cách trong A-Lại-Da thức sẽ tự thu hút nhau thành từng nhóm như: chủng tử tham lam trộm cắp gom lại thành một nhóm, chủng tử ghen ghét, bất mãn, sân hận quy tụ lại thành một nhóm v.v... Tuy sắp xếp lại thành từng nhóm, nhưng chúng không hề nằm yên mà tác dụng lẫn nhau sanh ra những hành động tạo chủng tử mới. Thí dụ như các chủng tử vọng ngữ “nói xấu hay hung dữ” tác động lẫn nhau khiến cho chúng sanh ngày càng hay “nói xấu” người khác nhiều hơn, đó gọi là “chủng tử sinh chủng tử” (tương sinh)...
Nếu như một người lỡ “lấy nhằm” tiền bạc hay vật dụng của người khác, nhưng lại thường hay có hành động “bố thí giúp đỡ” người hoạn nạn nhiều hơn tiền bạc đã lỡ cầm nhầm, thì “các chủng tử bố thí” sẽ hóa giải phần nào chủng tử “ăn cắp” làm cho chủng tử này yếu dần đi (tương diệt).
Như vậy các chủng tử tuy ở dạng tiềm ẩn nhưng chúng có tính cách tương duyên, tương sinh, tương diệt. Những chủng tử này chính là lậu hoặc còn gọi là nghiệp. Khi nó đủ mạnh, tức chín muồi chúng sẽ hiện hành thành sự kiện xảy ra trong thực tế. Đó là lúc “Nghiệp trổ ra trong thực tế”.
Do đó, chúng ta có thể hiểu Nghiệp có hai loại: “Bất định nghiệp và định nghiệp”. Bất định nghiệp là các chủng tử còn tiềm ẩn, có thể chuyển hóa được bằng cách tu tập. Còn định nghiệp không thể thay đổi vì chủng nghiệp đã chín muồi, đủ điều kiện, đến lúc phải hiện hành, cho nên A-Lại-Da thức cũng có tên khác là “Dị thục thức”. Dị là khác biệt, thục là chín muồi. Dị thục có ba ý nghĩa:
1) Dị thời nhi thục: Chủng tử nghiệp không hiện hành liền mà phải trải qua một thời gian chủng tử nghiệp chín muồi mới trổ quả.
2) Dị loại nhi thục: Khi nghiệp chín muồi, lúc hiện hành thì chuyển sang loại khác. Thí dụ như chủng tử ăn cắp tiền bạc của cải người khác, khi chín muồi sẽ trổ nghiệp. Khi nghiệp trổ thì người này cũng bị thất thoát tiền bạc, của cải, nhưng không phải do người bị cắp trước kia lấy lại, mà do chính mình làm ăn thất bại, tiền bạc nhà cửa tiêu tan, hay do con cái tiêu xài phá của v.v... Đó là quả trổ khác loại (dị loại) khi nghiệp chín muồi.
3) Biến dị nhi thục : Nghiệp đủ điều kiện hiện hành nhưng biến đổi. Thí dụ như mình vô ý hay cố tình giết hại chim muông, gà, vịt, côn trùng, kiến, gián... Khi nghiệp trổ không phải những con vật bị mình giết quay lại giết hại mình, mà khi quả báo trổ, thân mang nhiều bệnh tật, trị hoài không hết, người ta nói đó là “bệnh nghiệp”.
Tóm lại, A-Lại-Da thức là một dòng tâm thức biến đổi không ngừng. Tất cả những hành vi, lời nói, vọng tưởng sanh khởi trong A-Lại-Da thức sẽ kéo theo nhiều vi tế Tưởng cùng phát sanh. Các pháp này luôn luôn ở trong hai trạng thái hoặc là hiện hành tức thế giới hiện tượng, hoặc là trạng thái tiềm ẩn gọi là chủng tử hay hạt giống, hạt mầm. Những hạt giống tốt xấu này liên tục tương sanh, tương diệt cho đến khi đầy đủ nhân duyên sẽ “trổ quả” tác động vào đời sống của chúng sanh gọi là hiện hành.
Tùy theo hạt giống nghiệp lực thiện nhiều, hay ác nhiều trong A-Lại-Da thức của mỗi chúng sanh, mà sau khi thân hoại mạng chung sẽ thọ sanh vào cảnh giới tương ưng trong sáu cõi. Khi con người chấm dứt mạng sống, sáu tâm vương đầu sẽ ngưng hoạt động nghĩa là chết trước. Tâm vương thứ Tám là A-Lại-Da thức sẽ thoát ra khỏi thân xác người chết sau cùng. Mạt-Na thức là thức thứ Bảy luôn xem các chủng tử trong A-Lại-Da thức như là của chính mình. Vì đặc tính chấp ngã này, nên nó bám theo A-Lại-Da thức đi tái sanh cùng một lúc.
Vì khái niệm A-Lại-Da thức và Mạt-Na thức xuất ra khỏi thân người chết sau cùng, nên nhiều gia đình có người thân qua đời thường được khuyên không nên đụng chạm vào thân thể làm phiền người chết trong thời gian mới lâm chung, vì sợ rằng A-Lại-Da thức và Mạt- Na thức vẫn còn, có nghĩa là người này chưa hoàn toàn chết.
IV. CÔNG NĂNG CỦA A-LẠI-DA THỨC
1. Năng tàng (Kho chứa): A-Lại-Da thức có công năng chứa đựng, duy trì và bảo tồn tất cả những gì được chứa trong nó, bất kể pháp “hữu lậu” bao gồm các pháp tạp nhiễm tốt có, xấu có, lành có, ác có... do chúng sanh đã làm, có kinh nghiệm, có nhận thức về những hành vi, những suy nghĩ, hay các pháp “vô lậu” là các pháp thanh tịnh thuộc về thánh hiền.
Nhờ có khả năng này mà các pháp đã lập không bao giờ bị tiêu mất, nó vẫn luôn tồn tại trong trạng thái chủng tử, hoặc ở trong trạng thái hiện hành. Nhìn chung, thì A-Lại-Da thức chính là bản thân của Nghiệp. Nghiệp là do chúng sanh tạo ra qua thân, khẩu, ý. Nghiệp được phân loại, cất giữ trong A-Lại-Da thức không bao giờ mất, nó luôn tồn tại và chờ điều kiện thuận tiện sẽ hiện hành thành quả báo. Quả báo như thế nào là do giá trị nặng nhẹ thiện ác của con người gây ra.
2. Sở tàng (đối tượng của năng tàng): A-Lại-Da thức không phải chỉ là kho tàng chứa các hạt giống gọi là Năng tàng như trên, mà nó cũng chính là những hạt giống chứa trong Tàng thức gọi là Sở tàng. Cho nên Tàng thức ở đây vừa là chủ thể, là kho chứa, vừa là những hạt giống chứa trong kho. Công năng của chủ thể hay đối tượng luôn linh động biến chuyển. Các chủng tử trong Tàng thức khi chín muồi sẽ trở thành sự kiện hiện hành. Các hiện hành (nghiệp trổ) này, sanh ra những tư tưởng, hành động mới. Các tín hiệu mới rơi trở lại vào Tàng thức thành chủng tử mới. Sự hoạt động này hoàn toàn trong vô thức, ý thức của chúng ta không can thiệp được.
3. Ngã ái chấp tàng: A-Lại-Da thức là cái nôi, là nơi phát sanh ra Mạt-Na thức, là ông chủ của Mạt-Na, nhưng Mạt-Na lại nắm lấy ông chủ, xem hiện thân ông chủ và toàn bộ các chủng tử trong A-Lại-Da thức chính là nó, của nó, thuộc về nó, nên nó yêu thương và bảo vệ. Do vậy mà Tàng thức trở thành đối tượng chấp ngã của thức Mạt-Na. Vì sự liên hệ này nên Tàng thức bị gọi là “ngã ái chấp tàng”.
4. Công năng biến hiện: Biến hiện là công năng quan trọng của A-Lại-Da thức. Đó là khả năng làm biến chuyển các chủng tử của các pháp, làm cho chúng chín muồi, chờ có điều kiện thuận tiện là phát hiện thành hiện tượng (hiện hành). Trong thời gian này các chủng tử ở trong trạng thái tiềm ẩn, vẫn không ngừng chuyển biến theo định luật nghiệp báo. Nếu chúng được tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển bằng cách gia tăng thêm các chủng tử mới cùng loại, thì khi đủ sức mạnh tức đủ duyên các chủng tử tiềm ẩn này sẽ hiện hành. Nếu các chủng tử này không được nuôi dưỡng thì sẽ bị yếu đi khó hiện hành, hoặc có thể bị đồng hóa bởi các chủng tử khác mạnh hơn, để cuối cùng bị tiêu mất không còn hiện hành nữa.
Bàn về con người, thì sự sinh diệt của một đời người chỉ là sự thay đổi trong quá trình biến chuyển của cả dòng sống. Khi con người chết đi, những “chủng nghiệp” dung chứa trong A-Lại-Da thức vẫn tương tục biến chuyển, và từ trong dạng tiềm ẩn chúng sẽ hiện thành một sinh mạng mới, trong một môi trường sống mới, tùy theo bản chất và giá trị của tổng thể nghiệp lực. Về phương diện này A-Lại-Da thức được xem là thức tái sinh, nó mang theo tất cả hạt giống nghiệp và tạo nên mối liên kết giữa đời sống này với đời sống kế tiếp.
Lưu ý một điểm quan trọng là theo học thuyết “Nhân quả nghiệp báo”, con người sau khi chết không phải là chấm dứt mà tái sanh vào một trong sáu cõi tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sanh đã tạo ra. Về vấn đề này chỉ có bậc giác ngộ đắc “Thiên nhãn minh” như Đức Phật Thích Ca mới có thể nhìn thấy xuyên thấu chúng sanh tái sanh vào cõi nào sau khi chết, chứ phàm nhân như chúng ta thì không thể nào biết rõ được.
5) Vô thỉ vô chung: A-Lại-Da thức đã có trước khi chúng sanh ra đời. Khi chúng sanh đó chết rồi nó vẫn không biến mất. Và cứ như thế A-Lại-Da thức của mỗi con người có mặt từ đời này sang đời khác. Trải qua trăm ngàn muôn kiếp đời sống cá nhân đó vẫn tiếp nối, nhưng chưa ai xác định A-Lại-Da thức xuất hiện vào lúc nào, và chấm dứt khi nào trên dòng sống của con người, nên nói A-Lại-Da thức không những “vô thỉ” mà cũng “vô chung”.
V. BẠCH TỊNH THỨC
Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng sanh biết tu tập thì dần dần sở tàng của A-Lại-Da thức sẽ toàn là những chủng tử thiện lành, nghĩa là tiền ngũ thức (năm giác quan) thường xuyên tiếp xúc với chân lý Phật dạy. Việc học hỏi Pháp và thực hành Pháp sẽ tác động vào A-Lại-Da thức hiện hành ra những ngôn ngữ và hành động thanh tịnh trang nghiêm. Các hiện hành này được huân tập trở vào A-Lại-Da thức thành ra các chủng tử trí huệ.
Nếu chúng sanh trì công tu tập nghĩa là tiếp tục huân tập các chủng tử vô lậu thanh tịnh tràn ngập vào Tàng thức, cô lập các chủng tử hữu lậu nhiễm ô phiền não, nghiệp báo luân hồi, khiến chúng không còn nữa, thì bấy giờ A-Lại-Da thức xem như hoàn toàn trong sạch gọi là “Vô Cấu thức” còn có tên là “Bạch Tịnh thức” hay Thanh Tịnh thức, Chân Như thức, Như Lai thức v.v...
Khi chúng sanh đạt quả vị A-La-Hán thì các chủng tử hữu lậu bị hủy diệt, nhưng thật ra vẫn còn chủng tử vi tế nằm tiềm ẩn trong thức thứ Tám này. Chỉ khi nào các vị A-La-Hán tiếp tục tiến tu pháp tối thắng “Vô Phân Biệt Trí” đạt tới quả Phật thì thức A-Lại-Da chuyển hóa thành thức cực kỳ thanh tịnh gọi là “Đại Viên Cảnh Trí”.
VI. KẾT LUẬN
Bài viết này chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu giải tỏa thắc mắc của một số Phật tử, thiền sinh hữu duyên muốn hiểu biết khái quát về A-Lại-Da thức. Người soạn bài này không chủ ý đi sâu vào việc nghiên cứu chi tiết về học thuyết “Duy Thức”, và vì vậy xin tạm ngưng phần chia sẻ để đi đến kết luận như sau.
Qua phần “Tìm Hiểu Khái Quát Về A-Lại-Da Thức” trên, chúng ta có thể hiểu A-Lại-Da thức chính là thức sanh ra “tâm sinh diệt” là Vọng tâm, và cũng chính A-Lại-Da thức này hiển lộ tâm thanh tịnh là Chân tâm. Cả hai mặt nhiễm và tịnh luôn tiềm ẩn trong tâm của chúng sanh. Nếu chúng sanh biết cách tu tập, sống trong chánh niệm tỉnh giác, thì sẽ có cuộc sống an lạc. Ngược lại, nếu chúng sanh mãi chìm đắm trong khát ái câu hữu với tài, sắc, danh, thực, thùy ... đương nhiên phải chịu cảnh luân hồi sanh tử vay trả, trả vay.
Đời sống của mỗi người như một dòng sông. Chiều dài dòng sông thì có khúc trong, đục, cạn, sâu, êm ả, bộc lưu... Dòng sống của con người cũng trải qua nhiều giai đoạn như vậy, khi vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, khi bệnh hoạn, đau khổ, chán đời... Những sự kiện đó xảy ra, trong nhà Phật lý giải không phải tự nhiên mà có. Đó là do con người thừa tự những gì người đó gây ra trong quá khứ và những gì con người tạo ra bây giờ sẽ là nguyên nhân quả báo xảy ra cho người đó trong tương lai. Tất cả những hành vi có tính cách ác độc, xấu xa, ô nhiễm, hại người hại vật hay những hành vi thiện lương giúp người giúp đời, học hỏi tu tập khai mở trí huệ tâm linh đều được cất giữ trong Tàng thức. Khi đủ duyên thì những ô uế phẩm, hay thanh tịnh phẩm do con người tạo ra, sẽ hiện hành khiến người đó thừa hưởng quả lành hay chịu đựng quả dữ ở đời này hay nhiều đời sau... Học thuyết Nhân Quả trong nhà Phật dạy rằng không ai trốn tránh được nghiệp mình đã gây ra. Nghiệp theo con người từ đời này qua đời khác, cứ thế nó tương sanh, tương diệt, rồi lại tương sanh, và tiếp diễn mãi mãi không bao giờ dứt. Chính vì thế, con người cứ lẩn quẩn trong luân hồi sanh tử chịu khổ.
Được sanh làm người là một phước báu lớn vì không bị đọa vào ba đường dữ. Đành rằng như thế, nhưng con người sanh ra đời không ai giống ai. Có người xinh đẹp, thông minh, giàu có, nhưng cũng có người ngay lúc mới sanh ra đã chịu nhiều thiệt thòi về mặt thể xác hay tinh thần. Hoặc cuộc đời đang tràn ngập vui vẻ hạnh phúc bỗng dưng tai ương ập xuống không kịp trở tay... thì nên biết đó là kết quả của nghiệp do chính mình gây ra. Cho nên những ai sanh ra đời được sống trong điều kiện tốt đẹp hơn người, thì đừng quá tự đắc, quá đam mê hưởng thụ, bởi vì trong lúc say mê hưởng thụ, lòng dục khiến con người dễ dàng trở nên kiêu căng, ngạo mạn... tạo ra nhiều ác nghiệp. Khi phước cạn rồi, thì những nghiệp xấu còn ẩn chứa trong Tàng thức đủ sức mạnh bùng lên trổ quả!
Do đó, chúng ta cần có thái độ sống tốt lành hơn trong đời sống hiện tại dù ở trong hoàn cảnh nào. Theo lời Phật dạy, căn bản là “không làm điều ác, thực hiện hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch”, đó là cách giữ gìn cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh, để hóa giải những chủng tử xấu đang tiềm ẩn trong Tàng thức không cho nó có đủ điều kiện hiện hành. Xa hơn, cao hơn là tu tập theo hạnh các bậc thánh giả, ly dục, ly bất thiện pháp, thiền định, thiền quán phát huy trí huệ tâm linh, đến một ngày nào đó tất cả các chủng tử nhị nguyên hoàn toàn triệt tiêu, chỉ còn dòng Nhận thức không lời trong sáng thì A-Lại-Da thức chuyển thành Bạch Tịnh thức, người đó sẽ đạt được mục tiêu giác ngộ giải thoát./.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Mùa an cư 17/4/2022
Thiền Viện CHÂN NHƯ, Navasota, Texas
Tài liệu:
- Sách “Duy Thức Học Nhập Môn”; Bài 6: A-Lại-Da thức; Tác giả: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa.