Hà ô Lôi là ai nhỉ? Tên gọi nghe đến lạ!! Nghe như thế là gốc Tàu hay gốc Việt đã thuần hóa? Thật khó mà trả lời cho một câu chuyện cách đây đã trên 5 thế kỷ.
Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi.[1]
Đó là một câu truyện truyền kỳ giống như các câu truyện Ngư Tinh, Hồ Tinh, Đổng Thiên Vương, truyện bánh chưng, bánh dày, truyện rùa vàng và Man Nương. Man nương cũng là nhan đề một truyện của nhà văn nữ Phạm thị Hoài.. tất cả những truyện trên đều rút ra từ sách " Lĩnh Nam chích quái" của Vũ Quỳnh và Kiều Phú.[2]
Truyện Hà ô Lôi nằm trong số những truyện đó, nhưng mang rất nhiều kỳ tích, phức hợp và hư cấu tuyệt diệu. Nó đặt để con người vào một tình thế của sự giao tranh giữa tối và sáng, giữa những đòi hỏi của tình dục và những bó buộc câu thúc của lề luật xã hội.
Và để rồi cuối cùng tình dục đã thắng thế.
Nếu nói theo lề luật đạo đức thì đạo đức trói buộc bị vấp ngã và xâm phạm.
Nhưng con người có một khả năng là hóa giải giữa hai thái cực, một của tội lỗi đi theo tiếng gọi quyến rũ của dục tình và hai là tiếng gọi chối từ biết nói không để vươn lên.
Nói khác đi là Hướng Thượng và Hướng Hạ.
Cái đi xuống, hướng hạ bao giờ cũng là cái mời gọi quyến rũ. Hết 9 đến 10 người đều đi theo hướng đó. Và có khi cả cái người thứ mười.
Cái người cuối cùng rơi rớt lại lại của đạo đức mà ta quen gọi là bậc quân tử, trượng phu. Và ảnh hưởng lối xếp hạng của cụ Khổng thì có thể là hiền nhân. Về phía tôn giáo, người ta gọi là ông Thánh. Về phía chính trị tạm gọi là “bác Hồ”.
Tất cả cái đám người ấy, nếu có sự phán xử công minh thì đều vẫy gọi nhau xuống " hoả ngục".
Thiên đàng thì có thể nhiều người biết rồi. Cứ đọc các cáo phó thì thấy.
Nhưng hỏa ngục thì phải xuống đấy mới biết dược!!
Nhưng như đã nói ở trên, con người là một con vật kỳ diệu nhất, biết hoá giải, biết đóng kịch đến không nghĩ là mình đóng kịch với khả năng che dấu, mà trong triết học người ta gọi là ngụy tín (Mauvaise foi ), hoặc theo phân tâm học gọi là Cao thượng hóa (Sublimation).Mà nói cho bình dân dễ hiểu thì đó là ông Nhạc Bất Quần.
Tôi là nhân vật ấy.
Diễn tiến câu chuyện với rất nhiều khúc nẻo. Bất ngờ đến kỳ lạ và có sức thuyết phục dẫn dụ. Và tất cả câu truyện hình như xoay quanh cái chủ điểm của tiếng hát Hà ô Lôi. Tiếng hát của cả một đời người. Tiếng hát mê hoặc, ma quái và dẫn dụ làm say mê lòng người. Nói đúng ra tình dục và nghệ thuật như thể hai đôi cánh vỗ bay lên tít trời cao!!
Cái quan trọng nhất là tiếng hát đó còn trở thành lời bào chữa che đậy cho tất cả những hành vi khuất tất, mờ ám đầy dục vọng của con người.
Cho nên, câu truyện chính là tình dục- tình dục ở mức độ đạt tới đỉnh Vu Sơn. Tội lỗi chảy lênh láng trên đùi, ẩm ướt trên vùng cỏ nhớ mà vẫn mang tính chất lãng mạn. Câu truyện trở thành lời mời gọi mọi người say mê vào sức cuốn hút của tình dục sa đọa mà vẫn có cảm tưởng mình là thanh cao tốt đẹp.
1.- Câu chuyện bắt đầu như thế này.
Năm Thiệu Phong, đời Trần Dụ Tông có người làng Ma La là Đặng sĩ Doanh, làm đến chức An phủ xứ. Ông có lệnh triều đình phải sang Bắc Quốc nên để vợ là Vũ Thị ở nhà.
Vũ Thị là người tôn ti, hiền thục, nết na đạo hạnh. Trong làng, từ xóm trên đến xóm dưới, nhà có con gái còn xử nữ thì bậc cha mẹ đều mang Vũ Thị ra để răn đe lấy làm gương cho con gái.
Ai có thể xô ngã Vũ Thị được? Vậy mà chuyện đã xảy ra ngoài ý muốn của mọi người. Sự xô ngã này cuối cùng đổ hết lên đầu thần. Thần Ma La được kể dưới đây trở thành con dê tế lễ thay cho con người!!
Trong làng có đền thờ Ma La. Chẳng hiểu duyên cớ gì, thần lại mê Vũ Thị. Mà thần đã là thần thì muốn làm gì chả được.
Thần ngủ với thần hà cớ gì thần lại đi kiếm người trần để ngủ.
Thần đã bầy ra cái cớ, ban đêm đóng vai giả làm Đặng Sĩ Doanh, từ thân thể, giọng nói, đi đứng, cử chỉ y hệt Đặng Sĩ Doanh. Rồi mỗi đêm thần nhập vào phòng Vũ Thị để tư thông, làm chuyện mây mưa. Chuyện mây mưa giữa người và ma nghe kể củng rỏ nước miếng.
Nó như người mà còn quá hơn người ở cái mức mà trí tưởng tượng có thể nghĩ ra được. Cứ thế hết đêm, đến gà gáy sáng mới bỏ ra đi. Vũ Thị là người hiền thục, đạo hạnh nhưng cả tin nên vẫn đinh ninh thần là chồng mình. Chuyện mây mưa là một sự thoả thuận tuyệt vời.
Nhưng tôi là loại người phàm tục-tính ưa nói thẳng- thần thánh tôi chẳng tin nên tôi đâm nghi ngờ!!
Theo tôi, thần Ma La cho dù có tài đóng y hệt Đặng sĩ Doanh đi nữa thì đến cuộc mây mưa đã hẳn vẫn là khác chứ!! Cái gì thần cũng có thể bắt chước giống cả- từ tiếng nói, thân thể- thói quen- đến cử chỉ- cách ăn mặc.
Nhưng cái chuyện kia thì dù có muốn thần cũng không thể bắt chước được. Theo tôi nghĩ như vậy!!
Thần có cái gout của thần. Cái làm nên thần là thần.
Có thể thần cho thêm gia vị, mắm muối, có thêm chút đậm đà quá độ, quá mẫn.
Phần Vũ Thị, đến một lúc nào đó thì Vũ Thị có ngu dốt cách mấy cũng nhận ra rằng người thì đúng thật chồng mình, nhưng trong cuộc tình mây mưa thì có khác, mà có thể là khác lắm. Cái khác ở chỗ nó lạ lẫm đến kỳ diệu, cách tân đến ngỡ ngàng và say mê đến cùng tột như chẳng dời ra được.
Bụng đã nghi như thế nên lần sau đến, thị đã thỏ thẻ hỏi cho ra nhẽ : Phu quân phụng mệnh sang xứ Bắc, sao đêm đêm thì về mà ngày lại không thấy? Thần dối rằng: Vua đã sai người khác đi thay, để ta hầu bên tả hữu, thường giữ ta đánh cờ không cho ra ngoài. Song ta nhớ tình vợ chồng mà lẻn về với nàng để cùng ân ái. Sáng sớm lại phải nhập triều, không dám ở lâu?
Vũ Thị có ý ngờ, nhưng chuyện kia làm sao quên được. Nó ngầy ngật cả ngày, ám ảnh chờ đêm tối. Và cứ thế, cứ thế chẳng mấy chốc đã một năm qua đi.
Đọc đến đây, quý vị có nghĩ rằng đây là màn kịch của lương tâm Vũ Thị không? Nhưng mà tốt hơn hết, mỗi người chúng ta cứ tin là thật đi để còn nghe câu truyện ở những hồi sắp tới.
2.-Nay đã đến lúc Đặng Sĩ Doanh đi xứ trở về .
Đặng sĩ Doanh trở về.. Không còn che dấu được nữa. Câu chuyện vỡ lỡ ra. Vũ Thị đã có thai chín tháng. Sĩ Doanh tâu lên vua .. Cái điều tôi thắc mắc ở đây là thần Ma La có thể làm đủ mọi chuyện, đến cái lúc cần cái tài quán thế, xoay chuyển tình thế khó xử gây khó cho người đàn bà mà ông đã ôm ấp trong 9 tháng, ông lại đành chịu buông theo tình thế, bó tay bất lực?
Đã bảo là hư cấu mà. Như thế mới có truyện kể.
Thế là Vũ thị bị giam vào ngục. Cũng may là thần Ma La còn có cách.. Ban đêm ông về báo mộng cho vua như thế này : Tôi là thần Ma La, lấy vợ đã có mang, bị Sĩ Doanh tranh mất con. Tan giấc mộng, hôm sau vua truyền cho cai ngục đem vũ Thị tới rồi phán rằng: Vợ thì trả cho Sĩ Doanh, con trả cho thần Ma La.
Quả thực, tôi chưa bao giờ nghe một phán quyết một cách quá thực tế, quá khôn ngoan, nhưng lại dẫm đạp một cách trắng trợn lên đạo đức như thế này!!! Vừa che đậy tội thông dâm của Vũ Thị, vừa thỏa mãn đòi hỏi của thần- biểu tượng cho sức mạnh thần linh.
Nghĩ tới bản án cực kỳ đơn giản và phán xét chỉ dựa trên thực tế mà lý đoán, chẳng câu nệ đến pháp luật cũng như luân lý gì cả. Tôi nghĩ một cách trắng trợn, phải chăng cái bụng người phụ nữ cuối cùng như một thứ room for rent?
Lại thêm một điều lạ.. Tại sao thần Ma La không can thiệp trực tiếp mà phải mượn tay vua xét sử.
Được con mà mất vợ thì nghĩa lý làm sao? Còn cái ông chồng có tội tình gì nhận của thừa, của ôi để lại.
Cái tội nghiệp một cách bất công nhất là thân phận người đàn ông mà cho đến bây giờ tên tuổi là ai chúng ta cũng không được biết tới!! Đó là ai cũng được.
Hình như tất cả ba bề bốn bên đều thuận theo lý đoán đó mà không ai phiền toái gì cả.
Bản án này, một lần nữa gián tiếp thừa nhận sự gian dâm bằng cách trá vào một vị thần. Ngủ với ai cũng là tội gian dâm. Nhưng ngủ với thần thì lại xí xoá. Rõ là có thiên vị..Nhưng có người lại nhủ vào tai nói thầm : Đừng có mang con mắt thế gian để xét đoán việc trên trời.. Cái gì không phải người làm thì đừng có vạ miệng.. Trời là ai thì chưa biết. Nhưng rõ ràng ở chỗ này có cái gì không ổn. Thôi quên đi để nghe tiếp phần ba của câu truyện.
3.- Vũ thị đẻ con, có tên là Hà ô Lôi
Ba hôm sau, Vũ Thị sinh một bọc đen, nở được một con trai, da đen như mực. Năm 12 tuổi đặt tên là Hà ô Lôi. Hà tuy đen như sơn, nhưng da thịt bóng mỡ như cao. Năm 15 tuổi, vua triệu vào hầu, được rất mực yêu dấu, đãi như tân khách.
Rồi một hôm Hà ô Lôi đi chơi ở Hồ Tây, gặp cụ già Lã Đông Tân.
Lã hỏi rằng :" chú bé con kia, có muốn gì không? Đáp : Đương lúc thiên hạ thái bình quốc gia vô sự, coi phú quý như phù vân, chỉ ham muốn thanh sắc làm vui tai đẹp mắt mà thôi " Đông Tân cười nói "Thanh và sắc của người, mất một được một, song tên tuổi có thể lưu lại cho đời". Rồi bảo Hà ô Lôi há miệng, nhổ nước bọt bảo nuốt, sau đó bay lên trời mà đi.
Mẹ kiếp, lại một ông thần nữa can thiệp vào chuyện thiên hạ sự. Cái lạ của thần là làm cái gì cũng ra vẻ bí mật. Hiện ra nói đôi câu rồi biến mất!!
Bằng vào mấy dòng kể truyện trên, đây là một chuẩn bị chu đáo cho việc vào đời của Hà ô Lôi và cũng biểu tỏ, ám chỉ cái hành trạng sau này của con người Hà ô Lôi . Tại sao, Hà ô Lôi, con một vị thần lại sinh ra xấu xí, dị dạng như thế? Chỉ là một bọc đen, da thịt bóng mỡ như cao.
Có chủ đích cả đấy.
Phải đầy đọa cái thân xác, hình hài của Hà ô Lôi xuống, càng xấu xí dị dạng bao nhiêu, cái tài hát càng được đánh bóng. Xấu như thế mà mê hoặc lòng người. Người đời nghe truyện kể, không sao mường tượng ra được tiếng hát cho đời ấy. Nhưng bằng vào cái dị dạng như một tương phản, ta nắm bắt được cái thần của tiếng hát. Phần Hà ô Lôi phải trả giá đó. Phải xấu để đổi lấy tiếng hát cho mình và cho đời.
Có tài thì có tật.. Ngoài tật dị dạng, còn cả cái tính nết nữa. Được thần hỏi muốn gì, thích gì ? Vinh hoa, phú quý không màng, gạt sang một bên. Chỉ ham muốn chuyện thanh sắc, trắng ra là chuyện mây mưa khoái lạc. Lã Đông Tân, một trong những Bát Tiên của Trung Hoa cũng giống như thần Dionysos trong thần thoại Hy Lạp, vị thần của rượu chè hoan lạc. Ông đã nhổ nước bọt bắt nuốt rồi phán : giữa Thanh và sắc, ngươi mất một được một. Hà ô Lôi được cái thanh thì mất cái sắc. Cái thanh là tài ăn nói thu phục lòng người, tiếng hát reo vui mê hoặc lòng người. Cái sắc thì đành chịu thiệt thòi.. Nhưng ta nên lưu ý một điều. Tuy sắc không có, da thì đen.. Người kể truyện đã nhấn mạnh một ý, đọc lướt sẽ không nhận ra. Hà tuy đen, nhưng da thịt bóng mỡ như cao. .
Cứ xét theo y lý Đông Phương, da den mà bóng mỡ là người khoẻ mạnh, thận tốt, năng lực tình dục không phải loại thường. Đây không phải là chuyện bàn giải, mò đâu.. Cuộc đời sau này của Hà ô Lôi sẽ chứng thực như vậy.
4.- Hà ô Lôi vào đời mang theo tiếng hát : tiếng hát của một đời người và của cả một thời .
Truyện kể rằng, từ đó Hà ô Lôi tuy không biết chữ, nhưng thông minh, nói giỏi hơn người, những câu từ chương thi phú, khúc điệu ca ngâm, giao xướng phụng vịnh, trào phong lộng nguyệt đều khiến mọi người kinh ngạc. Đàn bà con gái ai cũng muốn biết mặt. Đến như vua mà còn nói với triều thần rằng : Sau này thấy Hà ô Lôi gian phạm tới nhà ai, bắt tới trước điện sẽ được đền nghìn quan, nếu giết chết, phải bồi thường nghìn quan.
Hồi ấy ở làng Nhân Mục có vị quận chúa thuộc dòng họ vua, tên là A Kim vừa 23 tuổi, chồng chết sớm, ở goá, nhan sắc có một không hai. Vua rất yêu, gạ gẫm không được thường lấy làm giận, một lần bảo Hà ô Lôi rằng :" Ngươi có kế gì giúp ta được nàng chăng. Hà ô Lôi tâu: “Thần xin một năm, nếu không thấy về là sự không thành, thần đã chết ".
Tài ăn nói, tài ca hát đều là cửa ngõ đưa tới dục vọng. Nó chỉ là cái cớ, cái bên ngoài che chắn cái dục tính. Vì thế, tự nó đàn hát không là gì cả. Đàn hay hát giỏi sẽ không có nghĩa lý gì nếu không có người nghe và nếu không đưa tới được một cái gì khác nó.
Nó chỉ là viên gạch lót đường cho một phiêu lưu hay một khát vọng. Tất cả những ngón nghề đó, Hà ô Lôi đã có được đến đàn bà con gái ai cũng muốn biết mặt. Chữ đàn bà con gái ở đây ám chỉ từ gái chưa chồng đến có chồng, từ những người thuộc gia đình quyền quý danh gia vọng tộc đến hàng dân giả. Nghĩa là tất cả không trừ. Lại chỉ có đàn bà mê thì phải? Đàn bà mê thì có gì đổi chác được. Đàn ông lấy gì mà đổi. Nhưng điều đó cũng chỉ là cái cớ, cái cớ mê hát để thoả lòng ham muốn trao đổi thỏa mãn dục tình.
Đã bao nhiêu truyện tình ngang trái, qua tiếng hát của một đời người, đã bao nhiêu tình lụy đến độ nhà vua phải phán rằng : Ai bắt được Hà ô Lôi gian phạm thì được thưởng ngàn quan. Nhưng đừng giết, vì giết thì phải bồi thường ngàn quan.
Chuyện dâm như thế, rõ ràng như thế mà còn đợi bắt được, bắt được thì thưởng và không đá động gì tới phạm nhân. Lại còn bao che, nếu giết can phạm thì phải bồi thường. Đạo đức , pháp luật ở đây phải lùi một buớc, nếu không nói là đồng lõa .
Nhưng tiếng hát của Hà ô Lôi cần một thách đố lớn hơn nữa. Thách đố mà Hà ô Lôi mang cả cuộc đời mình ra đánh cuộc . Thua thì không có ngày trở về và sẵn sàng nhận lấy cái chết. Không còn gì gay cấn và thắt buộc hơn nữa trong phần này. Hà ô Lôi cần mang tiếng hát của mình ra đánh đổi lấy tình yêu của một người con gái mà chính vua đã nếm mùi thất bại. Hà ô Lôi đã xin cái hạn một năm. Một năm trời cho việc mang tiếng hát của mình đổi lấy nụ cười của người con gái? Chúng ta chờ xem.
5.- Hà ô Lôi và cuộc thử thách sinh tử .
A.- Màn thử thách thứ nhất . Nhận lời rồi, bèn bái từ mà về nhà, cởi bỏ hết quần áo, dầm dưới bùn, dầm dãi nắng mưa cho xấu hẳn rồi đóng khố vải, giả làm người chăn ngựa, gánh một đôi sọt tre đến nhà quận Chúa, lấy một gói trầu cau đút lót cho tên gác cổng để xin vào vườn cắt cỏ. Tên giữ cổng cho vào. Hồi đó, vào khoảng tháng năm , tháng sáu, hoa thái lê đang đua nở. Hà ô Lôi đem cắt hết cho vào trong gánh. Thị Tỳ của quận chúa thấy hoa trong vườn hết sạch, hô trói Hà ô Lôi để chờ gia chủ tới chuộc. Giữ quá 3 ngày không thấy có người đến nhận, thị tỳ bèn hỏi : " Mày là gia nô nhà ai, sao không thấy người đến chuộc và đền hoa trong vườn? Hà ô Lôi đáp :" Tôi là kẻ phiêu bạt, không có gia chủ, không có cha mẹ, thường gánh đồ cho bọn con hát kiếm ăn, hôm qua thấy một vị quan quất ngựa đi ở phía Nam Thành, ngựa đói, không có cỏ, chủ ngựa cho tôi năm đồng trinh mà sai đi cắt một gánh cỏ. Tôi mừng được tiền vội đi cắt cỏ, không biết hoa thái lê là vật gì, nay không có gì đền xin đem thân làm gia nô để bồi thường vậy. Thị tì bèn lưu Hà ô Lôi ở cổng ngoài.
Để vượt qua đợt thử thách thứ nhất này, Hà ô Lôi đã dùng kế hạ sách, cởi quần áo, trầm mình xuống bùn ao cho xấu đi, rồi đóng khố vải giả làm người chăn ngựa. Đọc có hơi ngạc nhiên, có lẽ nào Hà ô Lôi chưa xấu đủ sao mà phải dầm nắng dãi mưa cho xấu hẳn đi. Hóa ra cuộc thử thách phải đi tới cùng của nó, phải ở tận cái đáy của khổ nhục.. Càng khổ nhục bao nhiêu thì bù sớt lại cái thành công càng có giá. Cái giá phải trả đã đạt được. Từ nay, Hà ô Lôi nay được ở cổng ngoài. Màn kịch mà Hà ô Lôi đang diễn hứa hẹn nhiều điều sau nữa.
B.- Hà ô Lôi với tiếng hát cho đời
Đã hơn một tháng ở nhờ, Hà ô Lôi nhẫn nhục chịu đói , chịu khát. Thị Tỳ thấy vậy bèn cho ăn uống. Nay đã đến lúc Hà ô Lôi trở ngón nghề. Đêm đêm, chàng thường ca hát cho người gác cổng nghe, bọn thị tỳ và nội thị đều xúm lại lắng nghe. Một hôm trời tối đã lâu mà đèn chưa thấy thắp, quận chúa ngồi một mình, không ai hầu hạ. Quận chúa gọi bọn thị tỳ mà mắng về tội hầu hạ không đầy đủ, lại toan cầm roi toan đánh. Bọn họ cúi đầu tạ tội rằng :" Chúng con nghe tên cắt cỏ hát trong lòng ham say, không ngờ đến nỗi này, quận chúa đánh đòn cũng xin cam chịu. Quận chúa thôi mà không hỏi tội nữa.”
Lúc đó đang giữa đêm hè, quận chúa cùng thị tỳ ngồi ở giữa sân, ngóng gió đùa trăng để tiêu khiển. Bỗng cách tường nghe tiếng hát của Hà ô Lôi, thoảng như điệu ca chàng ngư phủ, khác hẳn âm thanh chỗ dương gian, tâm thần mê mẩn, tình riêng xúc động, bèn vời Hà ô Lôi vào trong nhà cho hầu hạ ở tả hữu, thành đứa gia nô thân cận.
Người kể truyện đã giàn trải câu chuyện chỗ này đến là khéo. Bắt đầu là bọn thị nữ bỏ bê công việc đi nghe tiếng hát của Hà ô Lôi. Mê tiếng hát của Hà ô Lôi đến biếng trễ việc hầu hạ quận Chúa. Tội đâu có nhỏ? Vậy mà cả bọn đã thà chịu tội không cưỡng lại được giọng hát mê hoặc của người thanh niên. Cái gì đã mê hoặc họ thì người kể không hề hé lộ. Chỉ cho biết cái phản ứng, thái độ của bọn nô tì. Đã hẳn, tiếng hát đó, lời ca đó, giọng hát đó đi vào cõi lòng mỗi người, hòa vào tim óc, chảy tràn lan trên từng mạch máu cơ thể đến mê si, cuồng dại. Nhưng chính nhờ bọn thị nữ Quận Chúa mới có dịp thường thức giọng ca chết người ấy. Điều đó cũng nằm trong chủ đích của chàng thanh niên. Dùng bọn thị nữ như bắc cầu để có dịp gặp gỡ quận chúa.
Cái đêm hôm ấy đêm gì? Đêm mùa hè, có gió lây phây thổi nhẹ, có trăng thay đèn soi tỏ. Nóng, gió, trăng sáng là những thành tố gợi dục nhắc nhở, mời gọi sự hưng phấn, sự ham muốn, sự ứ đọng tràn trề. Cảnh thì hữu tình như thế. Người thì gái goá, trẻ đẹp, đang độ xuân nồng , tình nồng phơi phới chờ đợi.. Còn đối tượng là chàng thanh niên xa lạ, tiếng hát mê hồn như "điệu ca chàng ngư phủ, khác hẳn âm thanh chốn dương gian". Tiếng hát đó, đã hẳn làm siêu lòng quận chúa nên mới quyết định cho làm gia nô hầu cận.. Từ đứa cắt cỏ ngoài cổng, nay tiến một bước xa, bước quyết định trở thành đứa hầu cận gần kề quận chúa. Quận chúa tâm thần mê mẩn tình riêng xúc động.
C.- Quận Chúa u sầu, u uất .
Quận chúa thường bảo Hà ô Lôi ca vịnh ngâm xướng để tiêu mối sầu u uất. Hà ô Lôi hết lòng hầu hạ, quận chúa càng yêu mến tin cậy, ngày cho ở dưới trướng, đêm cho khêu đèn ngồi hầu " Hà ô lôi cũng hết lòng nỗ lực, hầu hạ dưới gối, suốt ngày quấn quít, không lúc nào rời ". Khi thì sai ca hát, giọng ca bay khắp trong ngoài, quận chúa quá cảm động mà mang bệnh u uất. Qua ba bốn tháng, bệnh càng trầm trọng. Thị tỳ hầu hạ lâu cũng mệt nhọc mà bị ốm mệt, ốm mệt lại thường ngủ say, quận chúa gọi cũng không dạy. Duy còn một mình Hà ô Lôi ở lại hầu hạ, quận chúa không nén nổi dục tình mật bảo Hà ô Lôi rằng : " Ngươi ở cạnh ta, ta vì giọng hát của người mà mang bệnh". Bèn cùng Hà ô Lôi tư thông, bệnh tình cũng có bớt hơn. Tình yêu ngày càng mặn mà, quận chúa chẳng kể gì đến sự đẹp xấu, không còn tiếc gì nữa, muốn đem hết ruộng đất cho Hà ô Lôi làm trang trại. Hà ô Lôi nói :" Tôi vốn không có nhà cửa, nay được gặp quận chúa là bậc thiên tiên, đó thực là điều phúc lớn cho tôi. Tôi không cần điền trạch châu báu chỉ muốn đội chiếc mũ chầu của quận chúa thì chết cũng được nhắm mắt ".
Hà ô Lôi được mũ bèn cất lẻn mang vào triều. Vua trông thấy cả mừng, tức tốc sai vời quận chúa vào chầu, bảo Hà ô Lôi đội chiếc mũ đứng hầu bên cạnh. Vua hỏi quận chúa : Có biết Hà ô Lôi không? Quận chúa lúc ấy rất xấu hổ.
Vài lời bàn của người kể truyện.
Câu truyện đến đây kể như có thể chấm dứt. Nhưng cái lối kể truyện xưa bao giờ cũng để khe hở cho người đọc góp truyện thêm vào cho đầy. Câu truyện ở đây là có thực quận chúa mê tiếng hát? Hay chỉ dùng tiếng hát như cái cớ để thỏa mãn dục tình? Một thứ thăng hoa tình dục, ngụy tín tưởng là mê tiếng hát mà sinh bệnh? Bệnh nguyên do là tiếng hát hay do dục tình ứ nghẹt? Cái u uất của nàng phải chăng vì tiếng hát hay vì dục tình sôi bỏng mà u uất? Rõ ràng sau khi đổ vấy cho tiếng hát làm nàng u uất, bệnh họan đến 4 tháng.. Lúc đã được vui vầy thỏa mãn thì bệnh lập tức thuyên giảm? Điều đó chỉ ra rằng dục tình là cái chính gây nên u uất mà ta gọi là dồn nén (refoulement). Dồn nén không thỏa mãn thì sinh bệnh uất khí, nằm bệnh liệt giường đến 4 tháng, cơm chẳng thèm ăn, biếng nhác đủ chuyện.. Con hầu người hạ thức hôm, thức đêm mệt đứ đừ đến gọi không thèm thưa.. Cái này có phải là một màn dành cảnh trá hình cho một trận tình mây mưa thỏa chí chăng? Lại thêm một cái cớ trá hình nữa..
Bàn giải thế rồi mới hiểu được nguồn cơn. Bệnh là dục tính. Tiếng hát là cớ sự để thăng hoa, để trá hình..Cuộc đời lắt léo, thêm cớ sự phiền đa chỉ vì con người không đi thẳng tới mục đích, tới đòi hỏi. Chẳng hạn, đói thì ăn, khát thì uống, dục tình thèm muốn thì được thỏa mãn.. Con người có phái tính, chẳng tiện trực tiếp thỏa mản nó bèn đi vòng vo tam quốc rồi cuối cùng quay về cái gốc là dục tình.. Đó là điều mà Freud muốn bàn tới.
Và như thế, suy rộng ra, văn chương nghệ thuật, lời ca tiếng hát, âm nhạc chỉ là cớ sự, chỉ là con đường đi vòng vo tam quốc, cái trá hình của Libido. Không lạ gì những chuyện của Liễu trai chí dị và trăm truyện tình khác cuối cùng bao giờ cũng là chuyện ân ái, thỏa mãn cái Libido bằng cách mượn tay thánh thần ma quỷ. Mà thật ra ma quỷ chỉ là những nhiễu tượng, phóng chiếu cái mơ ước ngàn đời và muôn thuở của một con người với cái Libido.
Và cứ giã dụ rằng, không có cái Libido đó, sẽ không có văn chương nghệ thuật.
Có bao giờ ta còn dịp được nghe kể truyện thần thoại về tiếng hát của Hà ô Lôi nữa?
Khi cái truyện tình dục được thỏa mãn rồi thì tiếng hát của Hà ô Lôi trở thành không cần thiết nữa. Câu chuyện sau đó cho biết Hà ô Lôi thông dâm với với nhiều con gái các nhà quan tước mà không ai dám đánh, sợ vua bắt bồi thường. Nhưng chuyện phải đến đã đến, Hà ô Lôi đã thông dâm với con gái trưởng của Minh U Vương. Vương bắt được, nhưng chưa đem giết. Sáng hôm sau, Vương vào chầu vua tâu rằng :" Đêm qua, Hà ô Lôi lẻn vào nhà thần, tối như bưng không rõ trắng đen nên thần đã giết mất rồi, nay xin bệ hạ cho biết phải đền mấy nghìn quan để thần tiến nạp". Vua không biết là Hà ô Lôi chưa bị giết phán rằng :" trót lỡ mà giết thì ta chẳng chấp nê làm gì". Cũng xin thưa rằng Hoàng Hậu Vi Từ là chị ruột Minh Uy Vương. Vương về lấy trượng đánh Hà ô Lôi, Lôi không chết. Vương bèn lấy chầy giã chết. Khi sắp chết, Hà ô Lôi có ngâm thơ quốc ngữ rằng :
Sinh tử do trời có quản bao
Nam Nhi miễn đã được anh hào
Chết vì thanh sắc cam là chết
Chết việc ốm đau cơm gạo nào.
Lại nói :"Xưa Đông Tân bảo ta rằng:" Thanh sắc của người được mất bù nhau, lời ấy nghiệm thật". Nói rồi bèn chết.
Người đời thường nói : Chó chết hết truyện. Ta đổi đi một chút, tình đã phôi pha thì tiếng hát trở thành vô vị. Hà ô Lôi chết là phải, đã đến lúc phải chết.
Dù sao, tiếng hát Hà ô Lôi, tiếng hát của một đời người để phụng sự cho cái Libido.. Tiếng hát đó cũng để lại cho đời sau một truyện tình muôn thuở.. Vì còn Libido, tiếng hát Hà ô
Chết việc ốm đau cơm gạo nào.
Lại nói :"Xưa Động Tân bảo ta rằng:" Thanh sắc của người được mất bù nhau, lời ấy nghiệm thật". Nói rồi bèn chết.
Người đời thường nói : Chó chết hết truyện. Ta đổi đi một chút, tình đã tiêu pha thì tiếng hát trở thành vô vị. Hà ô Lôi chết là phải, đã đến lúc phải chết.
Dù sao, tiếng hát Hà ô Lôi, tiếng hát của một đời người để phụng sự cho cái Libido.. Tiếng hát đó cũng để lại cho đời sau một truyện tình muôn thuở..
__________________________________
[1] Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, truyện cổ dân gian sưu tập biên sọan ở thế kỷ XV, Đinh Gia Khánh chủ biên, nxb Văn Học, Hànội 1990.
Phải nói, khi tôi đọc chuyện này, tôi bị mê hoặc, dẫn dắt vào câu chuyện, bị đồng hóa vào câu chuyện.