Thích Nữ Hằng Như
I. DẪN NHẬP
Sống trên đời, có ai không mang ít nhiều âu lo? Người nghèo thì lo làm thế nào để mọi người trong gia đình mình đủ ăn đủ mặc. Người có nghề nghiệp vững chắc thì lo nghĩ đến việc làm sao tạo nhà cửa, xe cộ, tiền bạc đầy đủ cung phụng cho gia đình. Người có lòng tốt thì muốn được dư giả ít nhiều góp sức giúp đỡ người cơ nhỡ thiếu thốn nghèo khó... Vấn đề lo lắng này, nói lên tinh thần trách nhiệm và bổn phận chăm lo cho người thân trong gia đình là điều tốt nên làm!
Nhưng thói thường ít ai chịu dừng lại ở một mức độ nào đó, mà luôn muốn ráng kiếm thêm chút nữa, thêm chút nữa, rồi chút nữa, không chịu buông, cho đến khi sức khỏe kiệt quệ… cũng chưa muốn buông! Có ai khuyên nên buông bớt đi, thì câu trả lời thường là để từ từ… Nếu sự mong cầu được thỏa mãn thì sự cố gắng lo lắng được phần nào đền bù, ngược lại thì khổ. Đó là phần khổ về vật chất, còn về phần tình cảm gia đình, nhà nào êm đềm hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, hiếu học, chồng vợ yêu thương chung thủy… thì mừng. Không may lỡ con cái hư hỏng, chồng hay vợ thay lòng đổi dạ thì người trong cuộc khổ biết dường nào! Để giúp mọi người có đời sống quân bình hạnh phúc, giáo lý nhà Phật có pháp tu “Hạnh buông xả”. Vậy thế nào là “Hạnh buông xả”?
II. HẠNH BUÔNG XẢ
Buông xả: Có nghĩa thông thường là buông bỏ, xóa bỏ, xa lìa, không chấp nhận… Trái nghĩa với buông xả là dính mắc, bám víu, chấp nhặt...
Buông xả dịch từ tiếng Pãli là “upekkha” có nghĩa là “cho qua”, trong giáo lý nhà Phật, thuật ngữ này chỉ cho “đức tính buông xả” hay “trạng thái quân bình của tâm”.
Tâm quân bình hay tâm xả là tâm không niệm lạc, niệm khổ quấy rầy nên cũng được xem là tâm thanh tịnh. Để đạt được “tâm buông xả” hành giả phải tu tập theo lời Phật dạy. Phải biết sống “thiểu dục tri túc”, buông bỏ lòng tham lam, vị kỷ nhiều chừng nào thì thân tâm nhẹ nhàng, an lạc nhiều chừng nấy. Ngoài ra, hành giả còn phải tu tập duy trì chánh niệm hằng ngày để tâm được rỗng lặng, hoặc tu quán, để tuệ tri những gì cần buông bỏ thì không nên cố chấp.
Người mới tu tập thiền, tâm chỉ yên lặng bình an trong một khoảng thời gian rất ngắn, bởi tầm và tứ, là sự nói thầm trong não, thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện khiến tâm dao động. Vì vậy hành giả tu thiền phải đạt được trạng thái tầm tứ yên lặng, tức Ngôn hành yên lặng, và Ý hành tức thọ, tưởng không động, thì tâm mới thực sự buông xả.
III. NHỮNG ĐIỀU CẦN BUÔNG XẢ ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
Là người phàm phu, chúng ta thường hay dính mắc nhiều tật xấu gọi chung là ác pháp. Càng dính mắc với nhiều ác pháp chúng ta càng đau khổ nhiều. Dưới đây là một số ác pháp chúng ta cần buông bỏ để có cuộc sống an vui hạnh phúc.
1) Buông bỏ sự ân hận dai dẳng: Trên đời này, không một ai dám tự nhận mình không hề phạm lỗi lầm, ngoại trừ người đó là đức Phật hay các bậc thánh A-la-hán. Những lỗi lầm chúng ta gây ra do vô tình hay cố ý khiến những người xung quanh phiền muộn, đau khổ. Gây khổ cho người, bản thân chúng ta khi nghĩ đến cũng cảm thấy ray rứt hối hận. Trong pháp tu nhà Phật có pháp “Tàm Quý ” là pháp biết xấu hỗ khi phạm lỗi lầm, thành tâm sám hối và chừa bỏ không tái phạm nữa, tạm xem như sạch tội lỗi. Buông bỏ sự ân hận dai dẳng không có nghĩa là mình đồng lõa với mọi sự dễ dãi, xem nhẹ lỗi lầm. Vì nếu mình dễ dãi cho qua, thì mình sẽ dễ dàng tái phạm, và cứ thế tội lỗi ngày một chất chồng tạo thêm nhiều ác nghiệp.
Cho nên, sau khi hối hận, thành tâm sám hối. Bây giờ là lúc chúng ta nên buông xả sự ray rứt hối hận đó đi! Như một chiếc khăn bị dính mực, mình giặt sạch rồi, tuy vết mực không hoàn toàn bay mất, nhưng mình không nên cứ vò mãi dấu vết mực đã phai. Vò mãi một chỗ như thế, coi chừng chiếc khăn sẽ bị rách!
2) Buông xả lòng ích kỷ: Người có lòng ích kỷ là người luôn muốn gom tất cả mọi thứ về cho riêng mình. Người ích kỷ không hề muốn chia xẻ bất cứ thứ gì mình có, cho người khác, dù là những người đang thiếu thốn nghèo khổ cần sự giúp đỡ bố thí.
Chúng ta hãy buông bỏ tánh ích kỷ, thay thế vào đó là lòng rộng lượng thương yêu. Hãy học tánh từ bi vô lượng nơi đức Thế Tôn. Sau khi thành đạo, Ngài đã dành bốn mươi lăm năm đi giáo hóa nhiều nơi trên đất Ấn, nhằm giúp chúng sanh giác ngộ thoát khổ. Đến lúc từ giả các đệ tử để nhập Niết-bàn ở tuổi tám mươi, Ngài còn tế độ cho một đệ tử cuối cùng là lão du sĩ ngoại đạo Subhadda (Tu-Bạt-Đà-La) bấy giờ đã một trăm hai mươi tuổi. Sau khi đức Phật nhập diệt không lâu sau đó, tôn giả Tu-Bạt-Đà-La đắc quả A-la-hán.(***)
Muốn buông xả lòng ích kỷ, chúng ta cần tập sống hy sinh và yêu thương mọi người. Chúng ta chịu thiệt thòi một chút mà được nhìn thấy sự hạnh phúc của người khác, đó không phải là phần thưởng tinh thần cho chúng ta hay sao?
3) Buông xả sự kiêu ngạo: Đời người ngắn ngủi, sở học của mỗi người như “nắm lá trong tay, những điều cần học hỏi thì giống như lá trong rừng”. Điều này có nghĩa là kiến thức chúng ta rất hạn chế, tài năng cũng giới hạn, cái biết chỉ ở trong một lãnh vực nào đó, mà cứ ngỡ kiến thức của chúng ta trùm khắp thiên hạ, cái gì cũng biết hết! Tính kiêu ngạo tự mãn, khiến chúng ta dừng lại một chỗ, không phát triển được sở học, sở hành của mình… Do đó buông bỏ tính kiêu ngạo là điều cần thiết mang lại cuộc sống an lạc và hạnh phúc cho chúng ta.
4) Buông bỏ oán hận: Thay vì ôm ấp trong lòng mối oán hận về một người đã phản bội hay lừa gạt mình. Chọn thái độ buông bỏ oán hận để tâm trạng được ổn định đón nhận niềm vui mới.
5) Buông bỏ sự lười biếng: Dù là cư sĩ tại gia hay người xuất gia. Những ai có tính lười biếng (trái ngược với sự tinh tấn), thì nên buông bỏ chấm dứt nó đi. Lười biếng chỉ khiến cuộc sống của chúng ta ngày một đình trệ, đưa đến thất bại, phiền não. Buông bỏ tánh lười biếng, nỗ lực siêng năng sẽ giúp chúng ta sớm thành tựu trên con đường học vấn, thành công trong nghề nghiệp, tiến xa trên con đường tu tập tâm linh v. v… Nhờ vậy, cuộc sống sẽ được vui vẻ hạnh phúc hơn.
6) Buông xả phiền muộn do người ngoài mang đến: Ngoài việc buông xả những ác pháp do thói quen của mình gây nên. Chúng ta cũng cần buông xả những phiền muộn do người khác vô tình hay cố ý làm tổn thương mình. Nếu chúng ta có thể tự tha thứ lỗi lầm của chúng ta đối với người khác được, thì cũng nên tha thứ những lỗi lầm của người khác mang đến cho chúng ta. Bởi vì nếu chúng ta không xả bỏ, thì sự bất an và phiền muộn ngày một gia tăng chỉ khiến chúng ta khổ tâm, bực tức, ăn không ngon, ngủ không thẳng giấc, chứ người gây phiền muộn cho chúng ta, họ vẫn nhỡn nhơ vui vẻ sống.
Trong đời sống gia đình, giữa các thành viên ruột thịt với nhau , dù thương yêu nhường nhịn nhau cách mấy cũng sẽ có những bất đồng ý kiến, những xung đột phiền toái có thể xảy ra. Nếu chúng ta cứ giữ mãi những điều phật lòng do thân nhân hay người ngoài gây ra, chỉ khiến cho cuộc sống của chúng ta ngày thêm nặng nề phiền muộn, dễ đưa đến căn bệnh trầm cảm. Đức Phật đã từng khuyên “mọi phiền muộn người khác mang đến cho chúng ta, giống như họ mang đến cho chúng ta món quà, nếu chúng ta không nhận lấy thì gói quà ấy ắt về với họ”. Thái độ xả bỏ phiền muộn giúp cho tâm chúng ta nhẹ nhàng thảnh thơi như vừa buông gánh nặng trên vai xuống vậy!
Trên đây, chỉ là một vài điều cần buông xả để tâm chúng ta được nhẹ nhàng thanh thản. Thực ra, trên con đường tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát, hành giả còn nhiều bất thiện pháp phải buông bỏ như: tham, sân, si (tà kiến), mạn, nghi, đố kỵ v. v…
IV. “BUÔNG XẢ” TRONG BỐN TẦNG THIỀN ĐỊNH
Trong bài “Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm” (*) có ghi lại một đoạn đức Phật mô tả sự trải nghiệm của Ngài qua bốn tầng Thiền cho Bà-la-môn Janussoni (**) tại Kỳ-đà-lâm (Jetavana), vườn ông Cấp-Cô-Độc (Anathhapindika). Nguyên văn kinh văn như sau:
“Này Bà-la-môn, Ta ly dục, ly các ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Diệt tầm, diệt tứ, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu, đã cảm thọ trước, Ta chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.” (hết trích)
Trong đoạn kinh trên, đức Phật có đề cập đến các thuật ngữ: “ly (dục); ly (các ác pháp) diệt (tầm) diệt (tứ); ly (hỷ trú xả); xả (lạc), xả (khổ), diệt (hỷ ưu…)”. Ý nghĩa của các thuật ngữ trong đoạn kinh này, chúng ta có thể hiểu như là “buông bỏ, buông xả” hay “chấm dứt, đoạn tận”.
- “Ly dục, ly các ác pháp” có nghĩa là Ngài lìa bỏ, buông bỏ mọi khát ái, dục vọng, tài, sắc, danh, thực, thùy (từ bỏ ngai vàng, ngôi vua, vợ đẹp, con ngoan, cuộc sống lợi dưỡng vật chất xa hoa…)
- “Diệt tầm, diệt tứ” có nghĩa là đoạn tận, chấm dứt tầm tứ.
- “Ly hỷ trú xả” buông bỏ, không dính mắc với hỷ, là niềm vui trong tâm do định sanh, chỉ trú trong xả, tức trong tâm định không tầm không tứ.
- “Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước” nghĩa là đức Phật buông lạc, buông khổ (thân), buông luôn hỷ và ưu (tâm).
Tóm lại, qua bốn tầng Thiền, đức Phật đã buông xả mọi khát dục, tình ái, xa lìa mọi ham thích ngũ dục, là các bất thiện pháp, chứng và an trú tầng Thiền thứ nhất. Tiến lên bước nữa là diệt tầm diệt tứ, tức buông bỏ mọi vọng tưởng dao động trong tâm, chứng và trú tầng Thiền thứ hai. Tiếp theo, Ngài ly hỷ, tức biết trong tâm có hỷ nhưng không dính mắc với nó mà trú trong tâm xả, là tâm yên lặng (không tầm không tứ). Sau cùng Ngài buông lạc, khổ, hỷ, ưu đã có từ trước. Ngay lúc này không còn lạc, không còn khổ, chỉ còn niệm thanh tịnh, Ngài xả luôn niệm thanh tịnh, chứng và an trú trong tầng Thiền thứ Tư gọi là Định Bất Động .
IV. KẾT LUẬN
Trên bước đường tu theo Phật, “Hạnh buông xả” đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là pháp tu cần thiết trong đời sống hằng ngày của người cư sĩ cũng như của người xuất gia tu hành giải thoát. Thuật ngữ “xuất gia” có nghĩa là rời bỏ gia đình, nhà cửa, sự nghiệp. Xả bỏ vật chất, tình cảm riêng tư, hành giả mới nhẹ nhàng thong dong, đặt hết tâm trí vào việc tu hành. Đối với Phật tử tại gia, buông bỏ một số vấn đề cũng chính là hành động có trí tuệ, như xả bỏ những tánh ác xấu, tự nhiên trở thành người thiện lương v. v…
Thông thường, con người hay bị lôi cuốn theo những gì mà bản thân cảm thấy ưa thích dễ chịu, nhưng lại phản ứng khó chịu khi gặp phải những đối tượng không ưa, không thích. Trong giáo lý nhà Phật nói đó là hai loại cảm thọ: Lạc và Khổ. Khi không có khả năng để buông xả Lạc và Khổ, thì chúng ta sẽ dễ dàng bị cuốn vào dòng xoáy của hai loại cực đoan: tham muốn (lạc) và chán ghét (khổ) tức tham và sân.
Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, người tu “Hạnh buông xả” sẽ có cơ hội trải nghiệm được sự bình an nội tại. Buông xả ít thì giải thoát ít, buông xả nhiều thì giải thoát nhiều, ngược lại dính mắc ít thì đau khổ ít, dính mắc nhiều thì đau khổ nhiều.
Như bốn tầng định nêu trên, hành giả phải buông xả tất cả mọi thứ trong tâm, ngay cả “niệm thanh tịnh” cũng không bám víu, chỉ còn Nhận thức biết không lời thì mới thành tựu được tầng định cao nhất là Bất động định, còn gọi là Chân Như định. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Thích Nữ Hằng Như
(Sinh hoạt online với đạo tràng Tánh Không Sacramento và San Jose, CA ngày 24-9-2023)
Tài liệu:
(*) Trung Bộ Kinh I: Bài 4 “Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đãm”, Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ văn Pàli sang Việt ngữ.
(**) Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, Bà-la-môn Janussoni quy y Phật, Pháp, Tăng.
(***) Kinh Trường Bộ tập I, Tụng phẩm 5 ; Cố HT. Thích Minh Châu chuyển dịch từ kinh Pãli.