Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - SÁCH CŨ MIỀN NAM 1954 - 1975

Sunday, December 24, 20232:51 AM(View: 2171)
GS. Nguyễn Văn Lục - SÁCH CŨ MIỀN NAM 1954 - 1975

SÁCH CŨ MIỀN NAM 1954 - 1975
Nguyễn Văn Lục

dot-sach

 

Đã định tâm như thế rồi. Cho nên, khoảng 6 tháng trước khi về Sàigòn để thăm lại bạn bè, bà con mình, tôi đã nhờ bạn bè bên ấy tìm cho tôi những sách mà tôi muốn tìm. Thật ra ít có ai có thì giờ và có lòng để đi làm một công việc vô bổ như thế. Biết bao nhiêu phần đời tôi, biết tìm cái gì, biết mua ra sao?

 Rất may là tôi còn những người bạn có lòng để tâm giúp đỡ, tên anh là Hồ Công Danh. Đó không phải là đi mua sách cũ mà là một việc truy lùng, sục sạo, mò mẫm đầy bất trắc và may rủi, nhưng cũng đầy thú vị và mủi lòng.

Bởi vì sách vở thời ấy, số phận nó như số phận người. Nó cũng phải trốn chạy, chui rúc, ẩn náu. Chúng cũng rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ, cảnh lạc đàn, cảnh tan nát, cảnh tan hoang mất còn.

Vận người dân miền Nam thế nào, vận chúng như thế.

Đứa may trốn thoát. Tôi có đứa cháu trai, hồi đó, 6,7 tuổi. Khi đi di tản năm 1975, cháu chỉ mang cặp sách của cháu và nhặt một cuốn sách giáo khoa tâm lý học tôi viết thời đó. Sang sau vài năm, cháu đưa lại cho tôi.

 Kể cũng mừng và cũng buồn cười.

 Đứa yểu tử thì làm mồi cho cuộc phần thư. Đứa không may làm giấy gói sôi buổi sáng. Đứa bất hạnh làm giấy chùi đít. Đó là cuộc trốn chạy vô tiền khoáng hậu mà những kẻ đi truy lùng chỉ là các trẻ con lên 12, 13 tuổi. “Các cháu ngoan bác Hồ”. Họ xô những đứa trẻ con vô tội đó ra đường. Chúng quàng khăn đỏ hô hoán, reo hò như trong một vụ đi bắt trộm, hay đi bắt kẻ gian. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng.

Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó nên kẻ mà phải hy sinh đầu tiên chính là sách vở.

Sách vở gì cũng sợ nên sách gì cũng phải tẩu tán. Sách vở bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mặc dầu chúng là người ngoại quốc, mặc dầu chả dính dáng gì đến chuyện chính trị hay chiến tranh Việt Nam, chúng cũng chịu chung số phận. Tôi cũng có khá nhiều sách vở bằng tiếng Pháp, nhưng tôi biết rằng, trước sau gì tôi sẽ không bao giờ dùng đến chúng nó nên lôi ra bán ve chai mà không thương tiếc. Sách nhỏ bán trước, sách lớn bán sau, cuối cùng là bộ Bách Khoa tự điển bằng tiếng Anh tuần tự rơi vào tay các ông bà bán ve chai.

 Ở nơi ấy, chẳng mấy khi mà Aristote gặp được Kant. Cũng chẳng ai ngờ được Bùi Giáng gặp mặt được Heideigger.

Sách cũ đối với tôi là một ám ảnh mời gọi tìm về. Trong đó đặc biệt có chuyện sưu tập tài liệu triết cũ. Cũng từ những sách cũ đó mà trước đây tôi lớn lên, được nuôi dưỡng và phát triển về trí năng mỗi ngày.

 Nếu cơm gạo miền Nam cho tôi lớn lên thì sách miền Nam nuôi dưỡng tôi thành người thông tuệ.

Đi truy lùng lại sách cũ là tìm lại một phần bản thân tôi vậy.

Nhưng khi tôi nói sách cũ thì không có nghĩa là sách cổ, mà là sách của miền Nam xuất bản trước 1975. Sách mà theo bá cáo của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng tại kỳ họp thứ nhất của Quốc Hội, ngày 26 tháng 6, năm 1976 là :

Việc xây dựng nền Văn Hoá mới đuợc tiến hành trong cuộc đấu tranh quét sạch những tàn dư mà Mỹ đã gieo rắc ở miền Nam. Đó là thứ Văn Hoá “nô dịch”, lai căng, đồi trụy, cực kỳ phản động..”[i].

Để thực hiện nghị quyết trên. Họ đã làm mọi cách : tịch thu, tàng trữ và đốt sách và coi sách vở báo chí miền Nam chỉ là thứ rác rưởi. Phần tôi, tôi dám gọi đó là đống rác tinh thần, tài sản của tất cả trí thức, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà khoa học miền Nam trong vòng hai mươi năm đã bị đốt. Tóm lại, đó là đống rác thân yêu của miền Nam, cho người miền Nam gìn giữ lấy.

 

A.- Tình hình sách cũ hồi 1975.

Cộng chung số sách đã bị tịch thâu, hay bị đốt theo là bao nhiêu? Hình như chưa có ai hỏi câu hỏi đó và cũng chưa bao giờ có câu trả lời. Có thể chẳng ai biết được. Chỉ tính theo đầu sách thôi, các số liệu cũ của Bộ Thông Tin cho thấy, vào tháng 9- 1972,  theo Ủy Hội Quốc Gia Unesco Việt Nam Cộng Hòa trung bình đã cấp giấy phép cho 3000 đầu sách được xuất bản một năm. Cộng chung từ năm 1954 đến 1975, đã có khoảng từ 50.000- 60.000 đầu sách đủ loại được xuất bản, thêm vào đó 200.018 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Giả dụ mỗi đầu sách in tối thiểu 3000 cuốn.

 Sẽ có 180 triệu cuốn sách tiếng Việt bị tiêu hủy.

 

Đây chỉ là một lối tính ước chừng. Và như vậy số sách bị tịch thâu, bị đốt, bị bán ra vỉa hè hay ve chai là khoảng 180 triệu cuốn trên khắp miền Nam. Miền Nam theo nghĩa từ Bến Hải vào đến Cà Mâu.

Con số này đã không còn đúng nữa khi ta đọc một bài viết của ông Vũ Hạnh, một nhà văn thời VNCH và là một đảng viên cộng sản trong bài: “Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới đăng trong tuần báo Đại Đoàn kết: Từ 1954 đến 1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam, với số bản là 800 triệu bản’.

 Trong khi đó sách của ông Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra con số 357 ngàn loại. Và ông Đàn dám cả gan nói: Như vậy là con số của Vũ Hạnh gần như khớp với con số chúng tôi tìm được. Thưa ông Trần Trọng Đăng Đàn, con số cách nhau gần một trăm ngàn mà ông dám bảo là khớp thì tôi chịu ông.

 Các ông đã bao giờ biết nói thật chưa?.

Cũng vậy, tờ Tin Sáng số ra ngày 1 tháng 8, năm 1976 tính rằng: Từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa trung học xuất bản cùng thời gian.[ii] Con số này, xin nhờ những vị chuyên gia về Kim Dung cho biết xem thực hư ra sao.

Độc giả thân mến, xin ghi nhận những thống kê của Ủy Hội Quốc Gia Unesco VN là tài liệu đáng tin cẩn. Tôi chỉ xin nói một điều, nước Pháp hiện nay mỗi năm xuất bản khoảng 1000 đầu sách tiểu thuyết mới. Làm sao VNCH có thể xuất bản mỗi năm hơn 20 chục ngàn đầu sách một năm. Những con số của ông Vũ Hạnh hay gì khác là một thổi phồng đến phi sự thực. Tôi không dám bảo là ông ấy nói láo khoét.  Hãy trả lại các ông ấy những gì các ông ấy viết. Chỉ cần so sánh con số dự đoán giữa ông và Trần Trọng Đăng Đàn đưa ra cũng cách nhau cả gần một trăm ngàn đầu sách.

Điều đó muốn nói với chúng ta điều gì?

Nay tất cả những sách đó đều ra tro. Đây là một chính sách man rợ và xuẩn động của nhà cầm quyền Hànội. Dĩ nhiên, người ta đã không đốt hết mà mang bán, chính vì thế nay còn rơi rớt lại một số nhỏ nơi các tiệm bán sách.

Vì sợ hãi nên người ta mang sách vở tài liệu ra chợ bán ký, đó là thứ hàng vô dụng và nguy hiểm nhất trong lúc ấy. Người ta đốt những sách nào liên quan đến chính trị, nhất là sách vở chống Cộng. Người ta đốt những nhà văn nào liên quan đến chính trị như Nguyễn Mạnh Côn, Nhã Ca,  Phan Nhật Nam v.v… Người ta cũng đốt tài liệu, hình ảnh cũ, giấy tờ, huân chương, bằng khen. Đó cũng là thứ mà những người chủ mới không muốn nó có mặt.

Người ta đốt tất cả những kỷ niệm, dù đẹp nhất của đời mình.

Mọi người phải tự hiểu rằng, phải đốt tất cả những gì cần đốt, không phải chỉ đốt những kỷ niệm mà tất cả những gì liên quan đến đời sống đó. Một đời sống mà tự nó đã là một điều xấu, một bản án.

Muốn sống yên, người ta phải đốt tất cả quá khứ đời một người cùng với những kỷ niệm, những sự nghiệp từ quá khứ đó mà ra.

Sách không đốt thì được bày bán lén hoặc công khai. Sự bầy bán sách vở như thế coi như dân chúng bắt mạch được thâm ý người chủ mới muốn gì ? Nhưng trong số vạn người bán, vạn người mua,vẫn có những người nhà buôn bất đắc dĩ mà đặc loại là một số nhà văn, nhà giáo chế độ cũ nắm được cái chìa khóa của nhu cầu và ý nuốn của người đọc. Họ tìm ra giữa những kẽ hở để thấy được trong hàng tấn sách báo thải loại, cái nào là thứ hàng có giá trị,có giá đối với người chủ mới. Nạn chợ đen, nạn săn tìm sách cũ cho một thị trường mới nhờ thế càng phát triển.

Một cách nào đó, chính những nhà giáo, nhà văn, những kẻ bán sách lề đường, những tên lái sách trở thành những người bảo tồn Văn hoá miền Nam.

Sách phản động càng cấm, càng có giá. Đó là phản ứng ngược chiều ở thời điểm đó. Trên báo Đại đoàn kết, ngày 10-11-1982, Đinh Trần Phương Nam thú nhận một thực tế phũ phàng như sau: “Các hoạt động của chúng ta vừa qua thật rầm rộ, thật phong phú và đa dạng, song các loại sách báo phản động đồi trụy, đã bị quét hết chưa. Xin thưa ngay là chưa.”

Số Tiền Phong ngày 23-9-1985 cũng than thở: “Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều đợt bài trừ sách báo xấu, nhưng hiện nay hiện tượng mua bán và cho thuê các loại sách báo xấu vẫn còn tồn tại”[iv]

 Càng những sách bị cấm lại càng có giá trên thị trường đen. Trên vỉa hè phố, những sách từ ngoài đó được phép bầy bán nằm chống mốc, cong queo ít được ai ngó tới. Người ta bầy những sách trên để che mắt mà thôi. Người mua sách sành điệu chỉ cần hỏi tên một tác giả nhà văn Ngụy. Năm phút sau, chạy đi một lúc có liền.

Lại một thách đố nữa cho người chủ nhân ông mới.

Sách Ngụy trở thành một thách đố chính quyền mới, thách đố ai hơn ai chứ không phải ai thắng ai!!Thách đố mang tầm vóc văn học, giá trị nghệ thuật dựa trên nhu cầu người đọc. Sách hay thì tìm đọc, sách tuyên truyền thì không đọc.

Đài phát thanh thành phố ra lệnh phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng tư được coi là đồi trụy. Nhiều người tiếc rẻ đem bán kilô. Các gói xôi bán buổi sáng, nay có tên Nguyễn Thụy Long, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền. Vừa ăn, vừa đọc kể cũng vui. Nhiều chỗ mang sách vở cũ ra đốt. Mà phải đốt lén vào ban đêm.

Nhưng sau đó ai cũng thấy đốt là phí phạm. Không đốt thì sách vở đó đi đâu ? Không ai biết nữa. Nhiều người nhắc nhở đến tên Tần thủy Hoàng. Nhưng chẳng ai để ý đến có mối liên hệ gì giữa chuyện xưa và chuyện nay.
 

Tại sao lại dị ứng với văn học như thế? Không lẽ tất cả đều là phế liệu, tàn dư Mỹ Ngụy hết sao ? Sách nào là phản động, đồi trụy ? Vì thế sách cũ ở đây được đồng hóa với sách cực kỳ phản động, không phản động thì đồi trụy, không đồi trụy thì lai căng.. Mấy chữ trên như những khẩu lệnh bao trùm và truy chụp hầu như bất cứ tác giả nào và bất cứ quyển sách nào.

 

- Trước hết, các nhà xuất bản sách thiếu nhi bị cấm toàn bộ.

Đó là các nhà xuất bản như Tuổi thơ, Nắng sớm, Tuổi Hoa Niên, Sách Đẹp, Viễn Du, Hùng Dũng, Hoa Hồng, Hoa Hướng Dương, Hoa Mai, Hoa Hồng.

- Các dịch giả kiếm Hiệp sau đây cũng bị cấm : Kim Dung, Cổ Long, Trần Thanh Vân, Nam Kim Thạch, Từ Khánh phụng, Phan Cảnh Trung, Long Đức Nhân.

- Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ như : Bùi Giáng, Chu Tử, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ, Đinh Hùng, Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Hải Thủy, Lệ Hằng, Mai Thảo, Nguyên Sa, Nguyễn Đình Toàn, Thế Uyên, Thanh Nam, Võ Phiến, Văn Quang, Vũ Hoàng Chương, Vũ Tài Lục, Nguyễn Mộng Giác, Thảo Trường, Nguyễn Thị Hoàng..

 

Nhận xét :

 

-  Những nhà xuất bản sách thiếu nhi này ấn hành đặc biệt các truyện dành cho thiếu nhi. Những sách đó có tính cách giáo dục, giải trí, hay nêu gương tốt cho các em thiếu nhi. Nội dung lành mạnh và có chất lượng giáo dục. Những nhà xuất bản này thường bất vụ lợi, có sự tài trợ đằng sau của những tổ chức tôn giáo, hay những nhà xuất bản có lòng như trường hợp ông Khai Trí. Vậy mà tội tình gì cũng bị cấm. Cứ cấm là cấm, cấm một cách chùy dập vô tội vạ và vô ý thức.

 

Các trẻ em miền Nam tự nhiên mù chữ vì không có sách đọc.

 

- Về các dịch giả truyện Kiếm Hiệp cho thấy đây là những sách dịch vô tội vạ, vô thưởng vô phạt xét về mặt luân lý, giáo dục. Chủ đích của người dịch trước hết có thể là giải trí người đọc. Ai đọc truyện kiếm hiệp chả thấy hấp dẫn và hay, đọc để giải trí.  Sau đó mới nói tới những chủ đề tình yêu, y học, võ thuật, nhân vật truyện, chất hài, chất ghen tuông, chất giang hồ, kiếm pháp trong các truyện kiếm hiệp ấy. Sách phải được coi là bổ ích và nó là bộ phận không nhỏ trong sinh hoạt Văn học miền Nam. 

Trẻ đọc, già đọc, bình dân đọc, trí thức đọc.. Mỗi người tìm ra được cái thích thú cho riêng mình. Đến có thể nói, một trong những nét đặc thù trong sinh hoạt Văn Học miền Nam là sách của Kim Dung. Xin cos, nguoifw vieets bafi nayf, xin gioisw thieeuj moojr nhaan vaajt ddawjc bieetj trong truyeejn Kim Dung: Nhaan vvajt Leenhj Hoof Sung

 Kim Dung tên thật là Trà Lương Dung. Truyện võ hiệp đầu tay là Thư kiếm ân cừu, xuất bản ở Hương Cảng, từ đó có bút danh Kim Dung. Năm 1957 ra bộ Anh Hùng Xạ Điêu, 1969 ra Lộc Đỉnh Ký. Cho mãi đến 1978 Đài Loan mới rút lệnh cấm tác phẩm Kim Dung và 1986, sau khi tiến lên 4 Hiện đại hoá ở Trung Quốc mới xuất hiện Kim Dung. Truyện chưởng Kim Dung "độc bá quần hùng" trong sinh hoạt văn học ở miền Nam thời ấy. Vào năm 1968, khi xuất hiện Tiếu Ngạo Giang Hồ trên tờ Minh Báo thì có đến 44 nhật báo ở Sàigòn đều tranh nhau dịch và đăng lại. Tình trạng mê Kim Dung đến như thế, và kéo dài cho đến 1972-1974 khi bộ Lộc Đỉnh Ký ra đời. Và đây là lời Vũ Đức Sao Biển, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa, Sàigòn, ban Hán Văn: "Tôi học cách làm người, cách đối xử nhân thế, đắc thủ được những kiến thức hoàn toàn không có trong giáo trình đại học từ các tác phẩm của một nhà văn nước ngoài chưa hề biết mặt."

Với lượng tác phẩm đồ sộ như thế, với số người đọc đông như thế, không thể không tìm hiểu văn học miền Nam nhất là văn học dịch mà bỏ qua tác giả Kim Dung. Người ta có thể bàn về bất cứ vấn đề nào của con người, của xã hội. Có thể từ tình yêu, bạo lực, đạo đức, tâm lý hay sự đánh tụt giá của chủ nghĩa bạo lực trong truyện Kim Dung. Từ vấn đề nghệ thuật, cách xây dựng nhân vật tiểu thuyết, chất thơ, chất hài... đến chứng cứ kiếm pháp, Võ và Hiệp, cho đến những vấn đề có thể trở thành tranh luận văn học như hư cấu nhân vật, hư cấu lịch sử. Kim Dung đã hư cấu lịch sử Trung Hoa cách đấy ba thế kỷ mà vẫn hay với cấu trúc tiểu thuyết liên hoàn. Vương Sóc, nhà văn-nhà phê bình Trung Hoa (mà nghĩ đến ông tôi bắt nghĩ đến Trần Trọng Đăng Đàn của Việt Nam), đã gọi tiểu thuyết Kim Dung là một trong "tứ đại tục" bởi đã hư cấu méo mó hình tượng người Trung Hoa. Từ đó đã gây thành những tranh luận lớn khắp Hoa Lục. Lại còn vấn đề tôn giáo, giáo phái trong tiểu thuyết. Luận về anh hùng và những nhân vật biểu tượng như Kiều Phong, một đại trí, đại dũng lại rất giầu tình cảm và lòng nhân ái vời vợi? Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung, tài trí hơn người, hành xử quang minh lỗi lạc, tốt bụng hơn người? Dương Quá, Địch Vân, Hồ Phỉ... Rồi còn nhân vật nữ, những mỹ nhân như Hân Tố Tố, Nhậm Doanh Doanh, Triệu Minh, Tiểu Siêu, Song Nhi, v.v.. mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một thông điệp. Không có những nhân vật nữ đó, tiểu thuyết Kim Dung còn gì?

Vấn đề tâm đắc đối với tôi: Vấn đề chính hay tà, vấn đề thị phi trong cuộc đời, giữa Hiệp nghĩa và xã hội đen, giữa danh môn chính phái và ma giáo. Ai chính, ai tà. Tà chính khác nhau chỗ nào? Đọc Kim Dung sẽ thấy sự phân biệt Chính và  là vô thực. Trong Kim Dung, có một cố gắng đánh tụt giá những người tự nhận là Chính Nghĩa, và qua họ, những giá trị mà họ tượng trưng. Sự sa đọa xuống tới sự bất nhân, sự dâm loạn, sự ngu xuẩn của những đệ tử phái Toàn Chân thì còn ai tin gì ở Chính Nghĩa?

Chuyện đã hay, cơ man nào nhân vật, cơ man nào tình tiết chòng chéo lôi kéo người đọc. Kim Dung phải là người kiến thức rộng, đọc nhiều, dùng Quan Thoại, một thứ ngôn ngữ trong sáng, lại kế thừa truyền thống của những nhà văn như Lâm Ngữ Đường, Tào Ngu, Lỗ Tấn… đã biến những chuyện võ hiệp tầm thường thành những tác phẩm để đời. Đã vậy, có những dịch giả như Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ tài tình làm say mê độc giả VN.

 Hễ hay thì người đọc, dở thì bị người bỏ quên.

 

-  Về các tác giả, các nhà văn bị xoá sổ cho thấy tính cách tổng quát hoá và khái quát hoá đồng loạt. Tỉ dụ thơ của Vũ Hoàng Chương như Hoa Đăng, Thơ say, Tâm sự Kẻ sang Tần thì tại sao cấm. Gìn Vàng giữ Ngọc và Giòng sông Định mệnh của Doãn Quốc Sĩ thì chỗ nào là phản động, chỗ nào là đồi trụy. Duyên Anh với Hoa Thiên Lý, Sa Mạc tuổi trẻ, Ngựa chứng trong sân trường, Dấu chân sỏi đá thì chẳng những không đồi trụy mà còn có tác dụng giáo dục nữa. Thơ Nguyên Sa, Gõ đầu trẻ, Một bông hồng cho văn nghệ thì hoặc là có tác dụng giáo dục, hoặc đặt ra những vấn đề tranh luận trong văn học.  Hầu hết người ta không biết hoặc quên rằng Nguyên Sa còn có tập thơ *Những năm 1960*, trong đó là thứ thơ dấn thân, nhập cuộc. Thảo trường với Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp thì có giá trị tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh.  Bùi Giáng với Mưa nguồn, Đi vào cõi thơ  là những chất ngọc nào phải thứ đồi trụy rẻ tiền.

Có vẻ nhà cầm quyền lúc đó muốn truy chụp tác giả hơn là tác phẩm. Vũ Hoàng Chương, Mai Thảo, Duyên Anh, Đinh Hùng, Hoàng Hải Thủy, Nguyên Sa, Chu Tử, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Võ Phiến, Văn Quang, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mạnh Côn, Tạ Tỵ  có viết gì cũng vẫn bị coi là thứ biệt kích văn nghệ.

Xin lấy trường hợp Vũ Hoàng Chương làm điển hình. Ai đã gặp Vũ Hoàng Chương rồi thì đều thấy đó là một thi sĩ gầy ốm tong teo, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng ăn mặc rất chải chuốt, tươm tất, đầu chải mượt với cà rà vạt. Tác phẩm thì tóm gọn trong hai chữ mà thôi : Thơ Tình. Cả đời chỉ biết làm thơ. Và chỉ biết có thơ. Nhưng dù chỉ làm thơ cũng bị coi là người bội phản. Ông đã đi tù như một số nhà văn khác như trường hợp Hồ Hữu Tường. Khi ra khỏi tù được vài ngày thì ông chết.

 Mai Thảo dù chỉ viết truyện thuần túy văn chương như Người thầy cũ, Mười đêm ngà ngọc, Căn nhà vùng nước mặn hay Bày thỏ ngày sinh nhật cũng vẫn bị coi là tên Biệt kích văn nghệ hàng đầu của miền Nam. Thanh Tâm Tuyền dù siêu thực hay lãng đãng bí hiểm như Tôi không còn cô độc, Bếp lửa, Cát lầy cũng là kẻ cấy mầm độc tư tưởng ngoại lai thoái hoá. Hủy diệt các niềm tin thì đã có Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện. Duyên Anh có viết Dấu chân sỏi đá, Hoa thiên lý, Thằng Khoa, Gấu rừng, Giặc ô Kê cho trẻ con cũng vẫn là tên đầu sỏ văn nghệ nguy hiểm.

Người ta nhắm đánh vào người, nhắm thái độ lập trường chính trị để đánh giá tác phẩm của tác giả. Vì nhắm tác giả nên có nhiều nhà văn tự nhiên được sót tên một cách cố ý. Đó là những nhà văn một mặt nào đó có thể không chịu xếp hàng trong xã hội miền Nam cho dù thực sự họ cũng xếp hàng như mọi người. Có nghĩa là xét về mặt tác phẩm thì những nhà văn này cũng chẳng khác gì các nhà văn vừa kể ở trên. Có gì phân biệt được về phong cách viết giữa Bình Nguyên Lộc với Lê Xuyên hay với Võ Phiến. Nhưng Bình Nguyên Lộc được tha. Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung mà đôi khi ta tưởng hai người có cùng một lập trường, cùng một quan điểm và cùng một đường lối. Nhưng sách vở thì lại bị phân biệt đối xử khác nhau.

Trong số những người sót tên trong sổ đen phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thích Nhất Hạnh.

Sự đánh phá và truy chụp đó nói cho cùng là một sự muốn xoá trắng Văn học miền Nam.

Đó là cái tội đối với lịch sử văn học nói chung, chứ không phải chỉ có tội đối với miền Nam nói riêng. Xin trích dẫn vài tư liệu làm bằng cớ trong sách Văn Học VN dưới chế độ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, trang 200 :”Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức, trong Nhà Văn VN, từ 1954-1975 có 286 bài viết nhằm vu khống, xuyên tạc văn học miền Nam. Chỉ thị của Lê Duẩn sau giải phóng, kỳ họp Quốc Hội khoá 5 : Sau ngày giải phóng nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hoá ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để.”

Về những bài viết, xin kể vài bài : Tiếp tục đấu tranh xóa bỏ tàn dư văn hoá mới. Nọc độc văn hoá nô dịch. Những tên biệt kích cầm bút. Lại bàn về nọc độc văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-75.

Tên những người viết đó là: Trần Trọng Đăng Đàn, Lê Đình Ky, Trần Văn Giàu, Nguyễn Huy Khánh, Thạch Phương, Phan Đắc Lập, Bùi Công Hùng và cả Lữ Phương.

 Miền Nam có thể thua cuộc. Nhưng cái văn học đó không có lý do gì bị xoá trắng oan uổng như thế. Bởi vì trong 20 năm sinh hoạt văn học đó, nó xác định cho thấy chỗ đứng của nó với sắc thái và cá tính của một nền Văn học đích thực. Một nền văn học mà sản phẩm của nó là kết quả của tự do suy nghĩ, tự do sáng tác.

 Đấy là cái ưu vượt của sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam mà trong suốt mấy chục năm chia cắt và cả sau mấy chục năm thống nhất đất nước rồi, người ta vẫn chưa thực hiện nổi một điều đơn giản đó.

Đặc biệt các giáo sư Triết, dù bị phê phán vì rao truyền chủ nghĩa Hiện Sinh, nhưng sách vở của họ lại không bị cấm lưu hành toàn bộ như Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh, Trần Văn Toàn, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các lớp giáo sư trẻ như Đặng Phùng Quân, Nguyễn Trọng Văn. Trừ một trường hợp đặc biệt, dù là giáo sư triết, nhưng viết văn nên cấm lưu hành toàn bộ như sách của Huỳnh Phan Anh và Nguyễn Xuân Hoàng.

Phần tôi nghĩ rằng, thời kỳ sau 1975, đó là thời kỳ Văn Học bất hạnh cho toàn miền Nam

Bất hạnh vì sách bị tịch thu, bị thiêu hủy. Bất hạnh vì hơn 200 nhà văn, nghệ sĩ bị đưa đi cải tạo. Bất hạnh theo suốt cả đời họ. Vì kể từ đó, họ bị khước từ là nhà văn, bản án tù cứ thế kéo dài mãi mãi vì họ không bao giờ còn có cơ hội để viết. Và kể từ đó đến sau này, ta không còn bắt gặp lại mảnh đất miền Nam với những cây trái văn học nữa, cùng lắm có những cây trái đau khổ, đọa đầy và hủy diệt.

Và cái người bất hạnh nhất, tiêu biểu nhất có lẽ là nhà văn Nguyễn Thụy Long mà người ta quen gọi là nhà văn “Loan mắt nhung”. Sau 1975, ông lê kiếp số phận nhà văn như một  con chó đói, một loài chuột chui nhúc để kiếm sống.

Hãy nghe ông kể :”Tôi về sống với mẹ già ở Ấp Đông Ba Gia Định sau ngày “giải phóng”, bên này Cầu Bông, sau khi bị phía nhà vợ thuộc gia đình Cách mạng đuổi ra khỏi nhà.Tôi ngậm đắng nuốt cay bước ra khỏi nhà sau khi bị vu  bao nhiêu là thứ tội, kể cả tội ăn cắp tài sản của chính mình, suốt nhiều năm cầm bút tạo thành... Mất nhà, mất vợ chẳng nói làm gì, vì đã cạn tầu ráo máng rồi, nhưng mất con tôi mới đau.” Sau khi hồ Con Rùa trên đường Duy Tân bị nổ, ông cùng nhiều trí thức, văn nghệ sĩ bị bắt vì vụ này.

 Xin đọc tiếp :” Những câu chuyện vặt trong phòng giam bỗng im bặt, khi tiếng nói thật lớn thật to ở phòng giam tử tội cuối hành lang cất lên: Chào tất cả các anh em bạn tù, chúng tôi ba người mang án tử hình, sẽ bị xử bắn vào sáng sớm ngày mai, chúng tôi có lời chào vĩnh biệt tất cả các anh em còn ở lại. Tôi là Nguyễn Xuân Hùng, tự Ali Hùng, hai người bạn tôi, một là linh mục, một là chiến sĩ. Tôi là một người Việt Nam lai da đen, xứ Phi Châu Sénégalais, mẹ tôi là người Việt Nam, vậy tôi xin nhận nơi này làm quê hương, vì mẹ Việt Nam của tôi đã nuôi tôi khôn lớn và thành người. Trong phòng giam của tôi, vị linh mục đang quỳ dâng mình cho Chúa, người bạn chiến sĩ thì đang huấn nhục. Tôi có giọng khỏe, xin được hát thân tặng lại tất cả những anh em còn ở lại. Những bài hát thấm đượm tình quê hương của Phạm Duy mà tôi rất ngưỡng mộ.”

Chúng tôi đã mất Sàigòn thật rồi.[v]

Sau này, theo bs Trần Ngọc Ninh viết lại trên tờ Khởi Hành, tháng 9-2005, ông từ chối không cho nhà xuất bản sửa dù một chữ những tác phẩm của ông :”Tôi còn gì để mất ngoài liêm sỉ, thà chết đói chứ tôi không sửa văn tôi viết trước kia được.

Chính Nguyễn Thụy Long cũng kể lại về trường hợp có nhà xuất bản cho người đến đề nghị in lại cuốn Kinh nước đen với điều kiện nó phải được sửa chữa lại. Ông đã từ chối không chịu. Nay thì tờ Khởi Hành đang tiến hành giải văn chương năm nay dành cho ông. Thực tế trước mắt là ông sẽ nhận được một số tiền để sinh sống ra khỏi kiếp chó đọa đầy.

 

B.- Tình hình sách cũ hiện nay.

Về Sàigòn hôm nay, mục đích chính là chỉ ở Sàigòn thôi mà không ở Hànội, tôi tìm lại xem trong đống tro tàn đó còn lại được gì. Không còn bao nhiêu. Tôi thấy họa hiếm mới còn sót lại một vài cuốn truyện. Và càng ngày, số lượng nó càng ít đi, vì mua vào mà không bán ra hoặc theo thời gian bị tiêu ma vì không có thư viện bảo quản. Chỉ còn lại một số rất ít mà trên lý thuyết vẫn là sách cấm lưu hành, bất hợp pháp, nhưng lại được bày bán công khai như thể hợp pháp. Hơn thế nữa, các loại “sách ” thuộc loại sách chưởng, kiếm hiệp, mặc dầu vẫn là sách cấm lưu hành lại được in lại, sách cũ trở thành sách mới”, bày bán công khai và hợp pháp. Chẳng hạn những sách của Vũ Đức Sao Biển như Kim Dung giữa đời tôi gồm các quyển Kiều Phong, Khát vọng tự do, quyển thượng, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, quyển trung, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, quyển hạ và Thanh Kiếm và  cây đàn, quyển kết thì đã được Nhà xuất bản Trẻ in ấn và phát hành đoàng hoàng. Gần như toàn bộ các loại sách kiếm hiệp được in lại. Sách của nhóm TLVĐ cũng vậy. Sách Triết cũng được in lại rất nhiều với các tác giả Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm.

Thế thì những bá cáo chính trị suốt bao nhiêu năm cũng như những văn kiện, nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung Ương đảng Cộng sản phải chăng chỉ còn có giá trị như những tấm giấy lộn?

Để hiểu rõ thêm về phần sách cũ này, tôi có một nhận xét như sau : Kể tử 1975 đến 1985, Sàigòn hay miền Nam có hai bộ mặt sinh hoạt văn học : Mặt nổi và mặt chìm.

 

- Mặt nổi bao gồm những sách báo in ấn chính thức từ miền Bắc gửi vào. Đó là một thứ văn học Cộng Sản mà tự nó mang tính chất đồng phục, tính chất hợp pháp và giáo điều buồn nản và tầm thường. Tôi còn nhớ trên vỉa hè phố Sàigòn những cuốn sách dịch in trên giấy xấu đến khó coi cả từ bề ngoài đến tựa đề. Đọc lên nghe tức anh ách như : Mười ngày của Bôcaxiô. 10 ngày gì mới được chứ. Thằng cười, dịch V.Hugô. Cửa hàng vì hạnh phúc các bà của E.Zôla.. Dịch lạ quá, tôi đi tìm sách của nhà văn này, nhưng đành chịu không kiếm ra cái tựa đề Cửa hàng vì hạnh phúc các bà ở đâu. Trăm năm cô đơn của G.Market. Tuổi thơ mãi mãi cùng ta của M. Karim, Đất vỡ hoang của M. Sôlôkhốp, Thời gian để sống và để chết của E. Rơmacơ.  Ông già và biển cả của E. Hemingway, Đồi gió hú của E.Brônti. Cả ba cuốn này đều đã được dịch ở trong Nam trước đó rồi.  Đốt Đỉnh gió hú, đốt Lão ngư ông và biển cả, đốt Thời gian để sống và để chết của miền Nam mà chất lượng dịch đã hẳn là bảo đảm hơn miền Bắc để mang nguyên con những thứ đó vào miền Nam với phẩm chất không bảo đảm và giấy thì thật xấu. Để làm gì?

Vì thế dân chúng trong Nam vẫn chịu khó tốn công, tốn tiền đi tìm sách báo cũ để đọc, chuyền tay nhau để đọc. Bởi vì, chính những sản phẩm văn hoá đó đã làm nên họ, là của họ, là bản thân họ và trở thành biểu tượng của những giá trị quá khứ cần được nâng niu giữ gìn. Và như thể, nếu không có những thứ văn hoá phẩm đó được nuôi dưỡng thì họ không còn là họ nữa, khô chồi và thui chột.

Xin trích dẫn ở đây nhận xét và tâm tình của  một người bạn yêu sách miền Nam.

Vào những năm 76-79, tôi hay đi chợ Trời sách Sàigòn lục các sách kỹ thuật để xem bạn bẻ du học Mỹ, Tây, Tầu, Úc ai còn ai ở..Sự kiện như thế này: sách kỹ thuật mà bán ở chợ Trời, tức là chủ sách đã chạy rồi và người nhà hoặc con buôn đem sách đi bán hoặc là nhà bị kiểm kê. Sách kỹ thuật được gom lại rất dơ bẩn và được chuồi ra cho con buôn. Sau này, khi tôi vượt biên, bạn bè còn lại cũng thấy sách ngành luyện kim (metallurgy) của tôi bán ở chợ trởi.. Thế là biết nhau hết.

Cứ có sách ở đó, tức là người đã đi rồi. Tôi còn nhớ có một lần dược một chị con buôn sách vỉa hè tin cậy, cho lén xem kho sách chị thu gom được. Cả ngàn hay vạn cuốn sách chứa đầy một căn gác rộng và kín, chỉ có vài ánh nắng chiếu vào. Tôi lom khom ở trên gác lửng đó lục sách, thôi thì gì cũng có cả: tiếng tây, tiếng Mỹ, tiếng Tàu, tiếng Việt. Văn chương, khoa học kỹ thuật. Hàng vạn cuốn cũ chất đống, bụi bậm mịt mù mỗi khi nhấc một cuốn sách lên. Thật là một kinh nghiệm không bao giờ quên. Bây giờ nhắm mắt lại, vẫn còn thấy, còn ngửi được mùi sách, mùi bụi, mùi văn minh từ căn gác ấy. Không hiểu anh nghĩ sao, chứ bây giờ, tôi vẫn rất kính phục những con buôn sách đó, dù rằng họ giữ gìn sách quốc cấm  vì lợi nhuận chứ không phải vì họ quý trọng nền văn hoá và văn minh trong sách, bởi vì việc làm của họ đã giúp bảo tồn nền văn học của miền Nam tự do”.

Nhưng một phần thì sinh hoạt văn học miền Nam dừng lại ở đó, bằng lòng với tất cả những thứ đến từ dĩ vãng, quá khứ và trong tương lai sẽ mỗi ngày mỗi thưa vắng đi, bởi vì không có người làm công việc sáng tác nữa. Đó là thứ văn học không có tương lai mà chỉ còn mở ra một sinh lộ: Quay lại quá khứ của chính mình để nhớ, để thương và để sống lại. Nếu ở Hải ngoại thời đó người ta gọi VHHN là thời kỳ văn học lưu vong. Trong nước phải gọi là thời kỳ văn học của quá khứ, vang bóng một thời.

Từ một nền văn học đồng phục, bị động, nghèo nàn với những sách vở lưa thưa và chưa định hình. Sách báo miền Nam cũ vẫn có mặt mà chưa có kế thừa và thay thế. Kể từ đó, sau ngày 30-4, sách báo miền Nam vỉa hè, giống như số phận của chính nền văn học ấy, thực sự trở thành sinh động chỉ nhờ vào sách báo cũ. “Điều đáng chú ý là đa số chủ nhân các tụ điểm văn hoá này là những người có học. Không thể nói là họ không am hiểu nội dung và tác hại của thử sách ra. Lạ một điều là bất chấp mọi hậu quả, họ cứ thản nhiên bày bán, những thứ rác rưởi văn hoá đó, ngày này qua ngày khác. Cứ mỗi độ chiều về, ở những điểm này, người bán kẻ mua tấp nập[vi].

Không có gì lạ. Cái lạ là các ông không hiểu gì về nếp sống, nếp nghĩ, sinh hoạt văn học miền Nam cả. Những thứ mà quý ông gọi là rác rưởi thì dân miền Nam lại coi là thứ rác quý, rác hiếm.

Sau 30-4, miền Nam có nhiều thứ rác lắm. Những thứ rác có thể đốt. Nhưng đốt thứ rác sách vở, báo chí văn học nghệ thuật miền Nam, các ông đã đụng chạm đến tinh thần và niềm tự hào của cả một miền đất nước thân yêu của họ.

 

 Điều đó khó mà tha thứ được.

 

C.- Những người có công với sách cũ của Sàigòn.

Sách vở, báo chí miền Nam trở thành món ăn tinh thần là do công sức của các nhà văn, nhà phê bình, giáo sư đến các học giả. Điều hiển nhiên là thế. Nhưng sức bật, sự tác động để phổ biến những văn hoá phẩm ấy là nhờ vào một số  lớn nhà xuất bản có công với Văn Học.

 Họ là những nhà xuất bản như Trình Bày, Nam Sơn, Nguyễn Đình Vượng, Văn Hoá Á Châu, Diên Hồng, Xưa nay, Khai Trí, Lá Bối, An Tiêm. Những nhà xuất bản này đã đóng góp vào việc xuất bản 200 triệu cuốn sách trong 20 năm. Con số thật không nhỏ.

1.- Ông Khai Trí : Chẳng mấy ai biết tên thật của ông thành  thương hiệu nhà sách KT, 62 Lê Lợi được đồng hoá vào tên ông. Thật ra tên ông là Nguyễn Hùng Trương, với hai tay trắng làm nên sự nghiệp. Ông vừa là một doanh gia, vừa là người làm văn hóa. Ông biên sọan khoảng 15 cuốn sách như Thơ tình Việt Nam và thế giới chọn lọc, Chánh tả cho người miền Nam... và chủ trương tuần báo Thiếu Nhi cùng với Nhật Tiến.

Sau giải phóng, nhà sách KT là nạn nhân của nạn hôi của, đốt phá. Sách vở tung toé khắp nơi từ trong nhà sách ra ngoài đường. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh ấy trong nỗi bất lực, bất lực của một người tự xếp hàng vào người thua cuộc. Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu. Đứng ở đâu thì cũng cùng tâm cảnh đau xót đó thôi. Khi đã chứng kiến cảnh này rồi thì đừng bảo tôi có thể nghĩ hay cho những người mới đến. Họ không hiểu được điều đó vì quá hăng say trong men chiến thắng hay họ chưa bao giờ biết nghĩ tới người dân muốn gì, nghĩ gì. Tiếp theo đó là hai kho sách lớn cũng bị trưng thâu. Hằng vài trăm ngàn cuốn sách ra khỏi kho, rồi biến mất dạng.

 Ông trắng tay sau bao nhiêu năm tốn công gây dựng.

 Sau này, ông ở Mỹ về VN một lần nữa, mang theo hy vọng làm được một chút gì cho đất nước. Ông đã mang về 2000 đầu sách để tiếp tục làm Văn hoá. Sách bị tịch thâu với lý do: in trước 75. Theo Nguyễn Thụy Long, phần lớn sách bị tịch thâu là các loại sách Học Làm Người, báo chí quý hiếm trước 1954, như bộ Loa rất nổi tiếng. Sách ông mang về ai cũng biết là sách về giáo dục, sách hiền, sách tốt cả. Mà dại gì ông mang sách dữ, mà làm gì kiếm ra đâu được sách dữ. Nó chỉ có một cái tội: Tội đã in sách trước 1975.

 Trước 75 là xấu, vi phạm luật. Sau 75 là tốt.

 Ông đau lòng vì sách, ôm đơn đi kiện. Kết cục chẳng đi đến đâu.

 Trước khi ông mất, người ta đã không quên đặt tên ông cho một con phố nhỏ. Đúng như ông thày Thích Trí Quang nhận xét : “Hôm qua nó giết mình, hôm sau nó mang vòng hoa đến phúng điếu

 Ông ra đi lúc 5h15 ngày 11/3, linh cữu hiện quàn tại nhà riêng (237 Điện Biên Phủ, quận 3, TP HCM), lễ động quan lúc 6h ngày 14/3, hỏa táng tại Bình Dương. Nguyện vọng của gia đình là gửi tiền phúng điếu vào quỹ từ thiện thành phố.

Cụ Toan Ánh, năm nay 91 tuổi, trong bữa đưa đám ma ông Khai Trí than thở: tại sao mình sống lâu như thế, ông Khai Trí mới có 80 tuổi.

 

2- Nhà Lá Bối : nhà Lá Bối do nguyên Đại đức Từ Mẫn, tên thật là Võ Thắng Tiết trông nom. Sau ông hoàn tục. Ông là người có lòng, để việc phụng sự văn học nghệ thuật lên trên tiền bạc. Từ Mẫn đã giúp các nhà văn có nơi xuất bản những đầu sách có giá trị và người đọc có cơ hội đọc những cuốn sách trang nhã, chăm sóc từng chút trong việc trình bầy ấn loát và cả đến nội dung sách. Tất cả sách của Nhất Hạnh đều từ đây mà ra. Nếu không có Lá Bối, những Chiến tranh và Hoà Bình, Chiến Quốc Sách, Sử Ký Tư Mã Thiên, Kiếp người của Sommerset Maugham, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay và Lối thoát cuối cùng của V. Georghiu sẽ nằm ở đâu? Nếu không có Lá Bối, nhiều sách chắc gì đã có cơ hội ra mắt bạn đọc. Nhất là bộ Chiến tranh và Hoà Bình của Léon Tolstoi. Sách in tốn vài ba triệu thời bấy giờ, bao giờ lấy lại vốn. Sau này, ở Hải ngoại, ông tiếp tục làm công tác văn học với nhà xuất bản Văn Nghệ. Nếu cần một vinh danh gì cho 20 năm Văn học dịch nói riêng và Văn học nói chung, có cần nên nhắc đến Võ Thắng Tiết không? Kẻ lót đường cho Văn học miền Nam.

 

3.- An Tiêm Thanh Tuệ.

 Tôi chỉ xin trích dẫn ba bài viết lúc mà Thanh Tuệ nằm xuống để thấy được rằng nhà xuất bản An Tiêm với Thanh Tuệ có lòng với văn chương như thế nào.

 -Thái Kim Lan về Thanh Tuệ:

 Hình như dưới tay anh tác phẩm được in nào cũng mang một chút lòng trân trọng của anh như thế đối với tác giả và độc giả, một nét cười bao dung mời gọi, vừa cảm khái liên tài vừa khuyến khích thúc dục, một nhịp nối uyển chuyển tài hoa giữa giãi bày tâm sự và tìm kiếm tri âm trong chữ nghĩa và tri thức, giữa người và người…

An Tiêm đã khai phá, mở cửa khu vườn văn học của các nghệ sĩ trẻ miền nam trong khung cảnh sôi động của thập niên 60…

- Tiếc Văn Chương, thương chữ nghĩa, Trần Thị Lai Hồng.

 Biết là vô thường, nhưng vẫn không khỏi tiếc thương.Tôi tiếc thương người An Tiêm Thanh Tuệ hiền hòa đã đành, mà  nỗi tiếc Thương Văn Chương chữ nghĩa còn trĩu quá nặng.

 Thôi từ nay, còn ai khổ công lặn lội tìm tòi đãi lọc để phổ biến văn chương như đã từng với Tuệ Sĩ, Bùi giáng, Sao Trên Rừng, Nguyễn Đức Sơn. Thôi từ nay còn ai trân quý nâng niu bảo trọng chữ nghĩa như đã từng với Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Mười Hai con Mắt.. Đêm Nguyệt Động, Cái chuồng khỉ và còn nhiều, rất nhiều công lao với văn học đã, đang và chưa thực hiện được.

- Với nhà văn Lê Thị Huệ:

 Rồi bỗng nhiên nghe tin Ông chết. Đặng Ngọc Loan hôm trước rủ đi uống càphê với Ông một lần, gọi điện thoại nói với tôi: Tin gì kỳ cục. Sao người vậy mà chết nghe kỳ cục quá.

 

4.- Doanh nghiệp sách Thành Nghĩa, Sàigòn.

Có lẻ phải nói đây là một ông Khai Trí thứ hai. Trong một dịp đi dự một buổi phát giải thường, do cái TTNCBTVPHVHDT. Viết tắt thế để quý vị khỏi mất thời giờ với cái Trung Tâm đó.

 Người viết bài này có gặp anh Võ Thành Tân, Tổng giám đốc nhà sách Thành Nghĩa và nhất là  anh Vũ Quang Trình, trợ lý TGĐ trong bữa ăn trưa đó. Các anh cho tôi biết: Gốc gác các anh đều là dân Quảng Nam, Quảng ngãi mà người dân gọi đùa là: Cộng Hoà Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam Quảng Nam, Đà Nẵng. Gọi như thế để  thấy cái dân ngoài đó đi theo đảng nhà nước tận tình. Nay sau 30 tháng tư, Họ,những người dân miền ấy có mặt khắp nơi, nhất là trong ngành báo chí, xuất bản. Các báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên v.v. đều có người của họ. Chẳng hạn báo Thanh Niên có Nguyễn Công Khế, Tuổi Trẻ có Hùng Sơn Phước, Công An thành phố Trần Trữ Lang, Sàgòn time có Võ như Lanh, Kinh tế VN có Cung Văn, Nhất Ánh..

Võ Thành Tân, sau 75 đang còn học Văn Khoa. Với cái vốn liếng ấy, anh đâm ra hữu dụng, anh làm nghề mua bán sách cũ. Biết sách nào quý, biết sách nào giá trị là sở trường của một người mua bán sách cũ. Có tý vốn rồi, anh mua lại một cái ki ốt bán sách lẻ ở đường An Dương Vương. Kịp đến thời mở cửa,1986.. Theo lời anh Trình, các anh liên kết với các nxb của nhà nước để in sách. Họ đứng tên, cho giấy phép rồi họ mặc cho mình muốn làm gì thì làm. Một cuốn sách mới đầu ít vốn in 1000 cuốn thăm dò. Bán chạy thì in lại, bán tiếp. Một năm mới đầu xuất bản 4, 5 đầu sách, rồi cứ thế tăng dần. Đến năm 2004 thì đã cho xuất bản đến 3000 đầu sách đủ loại. 2005 tăng lên 3500 đầu sách một năm.

Nay thì các anh trở thành tỉ tỉ phú trong ngành xuất bản. Ngoài ra, các anh còn mở ra 18 cửa hàng bán sách với 2000 nhân viên. Tôi thắc mắc hỏ:tại sao có nhiều nhân viên như thế? Trả lời là để trông chừng những khách hàng ăn trộm đồ trong tiệm sách.

 Có những tiệm sách lớn có đến 40 chục ngàn đầu sách đủ loại.

  Tôi còn ghi lại một chi tiết nhỏ trong buổi ra mắt sách, mỗi khách mời ngoài phần ăn uống, còn có một phong bì 50.000 làm quà tặng. Còn các quan văn nghệ lớn từ miền Bắc vào, ngoài chi phí máy bay, khách sạn, còn phong bì không biết là bao nhiêu? Tôi không tiện hỏi. Đó là một cách đút lót hợp pháp.

Làm gì còn có những Thanh Tuệ, những Từ mẫn nữa. Làm gì còn có Lá Bối, An Tiêm, Nam Sơn nữa. Làm gì còn có Loan mắt Nhung  nữa.

Thôi chào vĩnh biệt sách cũ Sàigòn. Chào những đứa con tinh thần sinh trước 1975 còn sót lại.

Và như trong một số bài viết của tôi, tôi luôn luôn đòi hỏi nhà cầm quyền đương thời một điều, một điều thôi. Trước khi nói hoà giải, trước khi nói tình nghĩa, trước khi kêu gọi Việt kiều về nước, trước khi nói đến khúc ruột ngàn dặm v.v. và v.v., yêu cầu các ông một lời xin lỗi chúng tôi, xin lỗi những người lính VN cộng hoà, xin lỗi các nhà văn, nhà trí thức, xin lỗi các bà vợ, xin lỗi người mẹ, xin lỗi trẻ con miền Nam và cuối cùng xin lỗi sách vở miền Nam. Xin lỗi tất cả.

Không làm thì hãy khoan nói đến truyện gì khác.

 

----------------------------------------------------------------------------

[i] Trích Văn Hoá, Văn Nghệ..Nam Việt Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn, trang 779, nxb Văn Hoá Thông Tin Hànội- 2000.
[ii] Trích lại trong Văn Hoá Văn Ngệ Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Dàn, trang 502, nxb Văn Hóa Thông tin.
[iii] Trích lại trong Văn Hoá, Văn Nghệ, Nam Việt Nam 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn. Nxb Văn Hoá Thông tin. Trg 502.
[iv] Trích Văn Học Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, Nguyễn Hưng Quốc, trang 226, nxb Văn Nghệ, 1991
[v] Trích Ký ức về tiếng hát của người tử tù, Nguyễn Thụy Long, tạp chí Khởi Hành số tháng 9-2005, trang 23. 
[vi] Trích SGGP, ngày 15-2-1987. Trong Văn Học VN dưới chế độ Cộng Sản của Nguyễn Hưng Quốc, trg 228. nxb Văn Nghệ.
 
 
Friday, October 4, 2024(View: 178)
Đặc biệt, sau khi tiếp quản Quy Nhơn xong thì thủ tướng Ngô Đình Diệm có ra thăm ủy lạo dân chúng và sau đó, trong dân gian đã truyền tụng hai câu thơ như sau:
Sunday, September 22, 2024(View: 497)
Riêng tôi khi mình lung túng không chắc chắn về những từ Hán Việt mà không hỏi ai được thì cứ ‘nôm na là cha mách qué” là hay nhất!
Saturday, September 21, 2024(View: 742)
Hãy thử so sánh cuộc đời của Trân Huỳnh Duy Thức, một nhà khoa học Việt Nam với Václav Havel, một nhà văn Tiệp Khắc,
Saturday, September 21, 2024(View: 352)
Sau này những khẩu hiệu có tính cách tuyên truyền này được nhóm Giao Điểm, ở hải ngoại rêu rao cùng khắp trên báo chí của họ.
Saturday, September 7, 2024(View: 365)
Nếu so với cuộc sống ngoài Bắc bữa no bữa đói, lo từng bữa thì đây phải nói là thiên đàng. Những điều gì khác với điều tôi viết thường là do cộng sản lúc bấy giờ tuyên truyền.
Sunday, August 25, 2024(View: 876)
Quả thực, Francoise Sagan là một hiện tượng văn học phổ biến một cách rộng rãi ở miền Nam. Sagan có lối viết thật ngắn, gọn.
Friday, August 23, 2024(View: 925)
Năm 1970, chiếu theo giấy phép số: 3343/GD/KHPC/HD/7 thiết lập Nữ Học Viện bậc Đại Học, áp dụng mô thức một Viện Đại Học Cộng Đồng
Tuesday, August 20, 2024(View: 582)
Cuộc chiến này đã bắt đầu như thế và đã chấm dứt như vậy ngoài mọi sự quyết định của người Việt Nam.
Wednesday, August 7, 2024(View: 1253)
Với tôn chỉ Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng, nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà trong 21 năm tồn tại đã đào tạo những công dân Việt Nam hoàn thiện
Wednesday, August 7, 2024(View: 972)
Sự tuyên truyền khéo léo, che dấu đã cho thấy nhiều thanh thiếu niên đã tình nguyện xông pha vào "cõi chêt" vì bom Mỹ bỏ ngày đêm.
Tuesday, July 30, 2024(View: 1118)
Chiến tranh trước sau rồi cũng chấm dứt cách này cách khác như chúng ta đã thấy. Nhưng sau 1975, sự thật mới chính là sự thật được phơi bầy.
Saturday, July 13, 2024(View: 638)
Tóm lại, Quán Thân như lời Phật dạy thì có 6 đề mục để quán như đã nêu ở trên. Hành giả có thể thực hành thiền Quán bất cứ lúc nào trong ngày.
Tuesday, July 2, 2024(View: 1049)
Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Cộng ngày càng tăng cao. Trung Cộng lên án Việt Nam đàn áp Hoa Kiều và muốn đem Hoa Kiều về nước.
Tuesday, June 25, 2024(View: 806)
Thực hành Giới-Định-Tuệ, đời sống đạo đức của hành giả được thăng hoa, tâm định tĩnh, trí tuệ phát sáng. Kết quả sơ khởi của việc tu tập, giúp hành giả thoát khỏi một số ràng buộc
Monday, June 24, 2024(View: 1064)
Vậy thì có gì là lạ về hiện tượng khóc tập thể! Chúng ta đã từng chứng kiến hàng triệu người dân trong các nước cộng sản cùng vỗ tay, cùng hoan hô, cùng đả đảo thì nay nếu có hàng triệu cùng khóc có điều chi khác biệt?
Sunday, June 23, 2024(View: 997)
Không biết con số chính xác Sách Báo của Văn Hóa Miền Nam bị hủy diệt bao nhiêu, và sau này lại thấy những bộ Tự Điển quý giá
Friday, June 14, 2024(View: 980)
Tù vừa tròn 17 năm. Những ông tướng khác về trước ông chừng nửa giờ nên tướng Giai là người sau cùng, theo ý nghĩa tiêu biểu của lịch sử..
Sunday, June 9, 2024(View: 997)
Đọc cả bài viết này, có lẽ người đọc chỉ cần đọc đoạn kết trên là đầy đủ ý nghĩa.
Saturday, June 8, 2024(View: 1810)
ĐÁNH TƯ SẢN cũng là một sự kiện chấn động lịch sử Việt Nam ngang hàng sự kiện THUYỀN NHÂN VIỆT NAM và chỉ xảy ra sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Friday, June 7, 2024(View: 1165)
“Thiền Chỉ” hay “Thiền Định” là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, tạo sự an vui (sukkha) hỷ lạc cho hành giả.
Sunday, May 19, 2024(View: 1447)
Nhìn lại hơn 50 năm miền Bắc dưới chế độ cộng sản, người viết chỉ có thể thở dài và nghĩ mình còn may mắn – May mắn vì đã không phải sống dưới chế độ bạo tàn đó.
Sunday, May 19, 2024(View: 2051)
Lần đổi tiền này gây ra hậu quả kinh tế tai hại với nạn lạm phát lên hơn 700% năm 1986 và tiếp tục tăng cao trong 3 năm sau đó.
Saturday, May 11, 2024(View: 2469)
Người ta nói: làm thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người, làm chính trị sai lầm thì giết một thế hệ nhưng làm văn hoá sai lầm thì giết cả muôn đời.
Monday, April 29, 2024(View: 1581)
Theo ông Hoàng Tùng xác nhận, vụ án Bà Nguyễn Thị Năm đã được bộ chính trị họp và quyết định. Riêng ông Nguyễn Minh Cần, Phó chủ tịch Hà Nội than:
Monday, April 22, 2024(View: 1500)
Tôi viết lại bài này như một hồi ức đau buồn đã qua. Nó cũng giống như ngày nào “ Miền Nam sau ngày giải phỏng”. Bởi vì Đảng vĩ đại ngay cả trong những sai lầm của họ.
Wednesday, April 10, 2024(View: 1552)
Tu tập theo đạo Phật không phải để sở hữu được điều gì, mà thực ra là để buông xả không bám víu với bất kỳ những gì ở trên đời... mà chỉ nhận biết rõ ràng những gì đến rồi đi,
Monday, April 1, 2024(View: 2115)
Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tên tuổi ông một lần nữa bừng sáng của đỉnh cao văn học. Một lần nữa như thể được tái sinh. Sách của ông được bày bán khắp các tiệm sách.
Monday, March 18, 2024(View: 1989)
Hát Rong được gọi là Troubadour, tên của một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn vào thời kỳ trung cổ ở Âu Châu. Người phụ nữ hát rong được gọi là Troubairitz.
Saturday, March 9, 2024(View: 1555)
Bài viết này dựa trên kinh Nikãya nhằm cung ứng một vài khía cạnh cần biết trên đường tu học của thiền sinh Phật tử muốn tìm hiểu lộ trình tu tập trong đạo Phật như thế nào.
Saturday, March 9, 2024(View: 1384)
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt Văn Học Di Dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi
Friday, March 1, 2024(View: 1352)
Nếu “nhận thức về vô thường” được tu tập như vậy ngay trên tự thân, được làm cho sung mãn như vậy ngay trên tự thân ngũ uẩn, thì “tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả các sắc tham được chấm dứt
Friday, March 1, 2024(View: 1949)
Chỉ tồn tại có 21 năm, từ di sản của nền giáo dục thuộc địa của Pháp chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã khai sinh một nền giáo dục Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng mà giá trị đến ngày nay không ai có thể phủ nhận được.
Friday, March 1, 2024(View: 1342)
Tháng ba này, bác sĩ Quang lại lên đường sang Ukraine trong ba tháng.. Tháng bảy mới trở về. Tôi gợi ý anh nên viết hồi ký ghi lại những sụ việc, biến cố của từng ngày,
Saturday, February 24, 2024(View: 3577)
Kính chia sẻ đến quý anh chị CHƯƠNG TRÌNH CÙNG NHAU TU HỌC lớp Tìm Hiểu và Ứng Dung kinh NGUYÊN THỦY do Tuệ Huy- Tô Đăng Khoa phụ trách
Friday, February 23, 2024(View: 1515)
Chính qua sự chú ý, chúng ta không chỉ tương tác với thế giới mà còn duy trì, quyết định phẩm chất của sự tồn tại của mình một cách chân thực nhất.
Friday, February 16, 2024(View: 3488)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
Friday, February 16, 2024(View: 3717)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
Monday, February 5, 2024(View: 1654)
Đó là mùa Xuân không sinh không diệt. Chất Xuân vượt ra ngoài cảm xúc của con người, nó vượt ra khỏi thời gian, không gian. Nó không bị ảnh hưởng bởi quy luật vô thường
Sunday, January 28, 2024(View: 2979)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
Friday, January 26, 2024(View: 3527)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
Saturday, December 23, 2023(View: 2060)
Nghi ngờ là sợi dây trói buộc thứ năm khiến hành giả phân vân, giải đãi, buông lung, không biết đi hướng nào trên con đường tu tập tâm linh.
Friday, December 1, 2023(View: 4026)
Vai trò bảo tồn, duy trì ngôi nhà hữu thể là trách nhiệm chung của từng cá nhân, nó mang lại ý nghĩa cao đẹp cho sự hiện hữu có giới hạn của chúng
Friday, December 1, 2023(View: 2370)
Bài này, người viết đã tự ý bỏ phần văn hóa chữ viết, một sản phẩm đặc thù của các xã hội văn minh để chỉ nói đến vấn đề ẩm thực và hệ quả của nó.
Wednesday, November 22, 2023(View: 2624)
Chuyến đi gian nan của nguời di cư thế nào thì chữ nghĩa cũng vậy. Chữ ở lại, chữ ra đi, chữ nào còn, chữ nào mất? Hình như chẳng còn ai tâm trí đâu để lưu tâm tới điều đó. Chữ được di cư vào miền Nam,
Saturday, November 4, 2023(View: 2744)
Đứa con hoang có thể là cuối cùng của Sartre có lẽ là giáo sư tiến sĩ Trần Trọng Đăng Đàn. Đối với văn học miền Nam nói chung, ông giáo sư này là kẻ chém treo ngành.
Friday, November 3, 2023(View: 2563)
Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, người tu “Hạnh buông xả” sẽ có cơ hội trải nghiệm được sự bình an nội tại. Buông xả ít thì giải thoát ít, buông xả nhiều thì giải thoát nhiều,
Saturday, September 23, 2023(View: 5628)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
Monday, September 11, 2023(View: 3027)
Kể từ khi phi công Charles Lindbergh được chọn là Nhân vật của năm 1927 – Person of the year – đến nay đã 95 năm. Tuy nhiên Time không những chỉ chọn một cá nhân...
Thursday, August 24, 2023(View: 4195)
Phần tôi khiêm tốn nghĩ rằng: đôi khi chúng ta đòi hỏi những điều mà thật sự nó đã nằm sẵn trong túi chúng ta mà chúng ta không biết.
Saturday, August 5, 2023(View: 6093)
Tôi gấp sách lại vì đã đọc đến chữ cuối… và tôi nhớ lại tôi trong cái đêm cuối thăm thẳm, thinh lặng, tôi lên sân thượng nhà tôi và bật khóc một mình.
Saturday, August 5, 2023(View: 3018)
Trong nhiều năm qua, chúng ta thường tụng “Bát Nhã Tâm Kinh”. Tụng hoài mà nhiều người vẫn còn than khổ! Đó là do mình học kinh mà không chịu ứng dụng kinh vào đời sống của mình.
Wednesday, June 28, 2023(View: 8538)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
Saturday, April 22, 2023(View: 3584)
Mỗi lần có dịp đọc các tài liệu có liên quan đến đạo và nhìn lại quá khứ là mỗi lần rút tỉa ra được một bài học về đời sống, về nếp sống đạo của một thòi
Saturday, April 8, 2023(View: 3462)
Mỗi một cuộc đời, như Phan Châu Trinh, đều để lại một bài học dù chưa trọn vẹn cũng đáng để cho những người đời sau suy nghĩ.
Friday, March 31, 2023(View: 3439)
Thật hiếm có nhà văn quân đội miền Nam nào viết với một thái độ thanh thản, không hận thù, biết quý trọng con người như Nguyễn Bửu Thoại.
Thursday, March 30, 2023(View: 2722)
Bên cạnh thứ tài sản không bền vững đó, đức Phật cũng dạy có một thứ tài sản không bao giờ mất, đó là Tín tài, Giới tài, Tàm tài, Quý tài, Văn tài, Thí tài và Trí tài.
Tuesday, March 21, 2023(View: 3433)
Tiếng Quê Hương hoạt động mạnh là nhờ vào hai người. Người đọc và edited lại là anh Uyên Thao. Và người thứ hai là anh Trần Phong Vũ,
Sunday, March 19, 2023(View: 2922)
Nếu chúng ta không quyết tâm giữ chặt khoang thuyền tức không giữ chặt Giới pháp, thì làm sao tránh được những trận bảo to, những cơn sóng lớn...
Monday, March 13, 2023(View: 6431)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
Monday, March 13, 2023(View: 3174)
Việc chọn “ngày lành tháng tốt” để tiến hành những công việc hệ trọng trong đời sống của người Việt, được biết bắt nguồn từ thói quen do ảnh hưởng văn hóa, tập tục cổ xưa
Friday, March 3, 2023(View: 3638)
Uyên Thao là một con người đặc biệt, khác mọi người trong cách ứng xử, cách sống, nhất là thái độ chọn lựa hành động.
Wednesday, March 1, 2023(View: 3094)
Sống ở đời ai cũng mong cầu được hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Các nhà tâm lý học ngày nay mô tả hạnh phúc là một trạng thái tâm lý tích cực của con người ...
Monday, February 20, 2023(View: 7176)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.
Tuesday, February 14, 2023(View: 3707)
Tôi xin ghi lại như một lời tri ân như một niềm an ủi cho ông ở bên kia thế giới và một niềm an ủi của người còn lại, như kẻ viết bài này.
Friday, February 10, 2023(View: 3981)
Vì thế, việc giới thiệu tập san Trình Bầy, xin khép lại và chỉ xin giới thiệu phần mở đầu và phần giã biệt của chủ nhiệm Thế Nguyên.
Tuesday, January 31, 2023(View: 4315)
Tôi tự hỏi mình, Mai Thảo cuối cùng chỉ là một nhà thơ xuất chúng. Hay trong văn của ông đã có thơ và trong thơ là cả trời đất.
Saturday, December 31, 2022(View: 7435)
Mỗi chuyện là một góc nhìn xoáy vào những nết ăn, nết ở tiêu biểu cho một con người và tiêu biểu cho một nét Văn Hóa một thời dần biến dạng.
Tuesday, December 13, 2022(View: 3675)
. Đó là hạng người thuận dòng, hạng người ngược dòng, hạng người tự đứng lại và vị thánh A-La-Hán đã giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử.
Friday, December 2, 2022(View: 9007)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
Sunday, November 20, 2022(View: 3909)
Đương nhiên sống ở đời không ai là không lầm lỗi. Chúng ta phải học hạnh nhẫn nhịn và tha thứ của đất về những lỗi lẫm nho nhỏ của nhau thì tình bạn mới được bền lâu./.
Tuesday, November 8, 2022(View: 4021)
Đọc qua lịch sử của Tỳ-khưu-ni Khema, chúng ta biết rằng chết không phải là hết! Cho nên đời này may mắn gặp Phật pháp ...
Thursday, September 22, 2022(View: 4070)
Tóm lại con người có hai phần thân và tâm. Cả thân và tâm đều quan trọng như nhau. Tâm gá vào thân để hiện hữu. Thân nhờ tâm chủ trì hướng dẫn để xử sự và hành động.
Wednesday, August 17, 2022(View: 3851)
Tóm lại tu pháp mười hai nhân duyên, hành giả chỉ cần cắt đứt một mắt xích là phá vỡ được toàn bộ mười hai mắt xích. Hành giả thoát khỏi vòng sinh tử.
Tuesday, July 26, 2022(View: 8504)
Như vậy Vô Lậu Học là môn học giúp hành giả được tự do tự tại, đoạn tận mọi phiền não khổ đau, không còn rơi rớt trong luân hồi sanh tử.
Tuesday, July 12, 2022(View: 4300)
Trong bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của phước hữu lậu và phước vô lậu hay là phước đức và công đức khác nhau như thế nào?
Monday, June 13, 2022(View: 8102)
Sự tử tế của miền Bắc hầu như không thể có theo như nhận xét của của nhà phê bình kỳ cựu Hoài Thanh. Hơn ai hết, ông HT đã hiểu rõ chân tướng của dân miền Bắc cũng như chính quyền ấy.
Friday, April 22, 2022(View: 4139)
chúng ta có thể hiểu A-Lại-Da thức chính là thức sanh ra “tâm sinh diệt” là Vọng tâm, và cũng chính A-Lại-Da thức này hiển lộ tâm thanh tịnh là Chân tâm.
Thursday, November 4, 2021(View: 10312)
Sau lưng họ là người phụ nữ được gọi là đệ nhất phu nhân. Vậy có những vị đệ nhất phu nhân nào trong lịch sử được người đời nói đến nhiều nhứt?
Tuesday, October 26, 2021(View: 10103)
.... Sau lưng họ là người phụ nữ được gọi là đệ nhất phu nhân. Vậy có những vị đệ nhất phu nhân nào trong lịch sử được người đời nói đến nhiều nhứt?
Saturday, September 4, 2021(View: 11257)
Ngày xưa ở Việt Nam, người đóng vai chọc cười khán giả được gọi là anh hề, ngày nay người ta gọi là diễn viên hài hay nghệ sĩ hài.
Saturday, September 4, 2021(View: 5193)
Phàm ở đời, những ai muốn xây dựng sự nghiệp lớn, đều phải có đức nhẫn nhục để vượt qua bao lần thất bại mới đạt được thành công.
Sunday, August 22, 2021(View: 5008)
Bài kinh “Phật thuyết Vu-Lan-Bồn” là một trong những bài kinh ngắn dễ hiểu, là một thông điệp giá trị nhắc nhở chúng ta đạo làm người, trong đó đạo hiếu với cha mẹ là nền tảng đạo đức quan trọng
Monday, June 7, 2021(View: 6076)
dù quý vị là người sẽ xuất gia theo dạng "Thân xuất gia, Tâm xuất gia" hay quý vị tự xếp mình vào dạng "Thân không xuất gia, mà Tâm xuất gia" thì bài pháp này sẽ giúp cho quý vị mạnh dạn chọn cho mình một con đường đi,
Monday, May 17, 2021(View: 5147)
Trong bài chia sẻ này chúng ta cùng nhau tìm hiểu khái quát về ảnh hưởng của nghiệp tác động vào cái chết của mỗi người,
Saturday, March 13, 2021(View: 8334)
“Ai thấy Pháp người ấy thấy Ta, ai thấy Ta người ấy thấy Pháp”. Đây là lời dạy của đức Phật dành cho tỷ-kheo Vakkali.
Friday, February 12, 2021(View: 6502)
Chủ đích của bài là ghi lại một số ca dao, tục ngữ Việt, Anh, Pháp ít nhiều liên hệ đến con trâu trong văn hóa “dĩ nông vi bản” mà Việt Nam là một trong những nước một thời được gọi là vựa lúa ở Đông Nam Á
Monday, January 25, 2021(View: 17312)
Tôi ra đời ở một làng nhỏ, làng Trình Phố thuộc tỉnh Thái Bình. Tôi sinh ra và lớn lên theo chiến tranh giữa Việt Minh và quân Pháp. Dù còn nhỏ nhưng tôi sợ cả hai.
Thursday, December 31, 2020(View: 16738)
Năm nay với những ngày ‘cấm cung’ vì dịch Covid-19, tôi mới nghĩ đến việc ngồi xuống viết về “Tỉa Thủy Tiên” để chia sẻ với bạn bè thân hữu ở xa những kinh nghiệm và hiểu biết (có thể chỉ là căn bản) về thủy tiên.
Sunday, November 29, 2020(View: 6108)
Trong giấc ngủ bình an, Đại đức không còn nhớ gì ngoại trừ câu nói ấm áp của Đức Phật: "Thời gian không chờ đợi ai, hãy tinh tấn lên thầy Ananda.".
Saturday, October 24, 2020(View: 6673)
Bài kinh “Thừa Tự Pháp” phác họa cho thấy hình ảnh của người xuất gia chân chánh phải là người “thừa tự Pháp” chứ “không thừa tự tài vật”.
Tuesday, September 29, 2020(View: 6880)
Tứ Nhiếp Pháp giúp con người quay về với đường ngay nẻo phải, hay chính xác hơn là trở về với Phật pháp. Phật pháp là con đường tu hành chân chính, hướng về tâm linh đi đến giác ngộ giải thoát.
Monday, September 14, 2020(View: 7038)
Tóm lại khi người Phật tử đặt trọn niềm tin vào Tam bảo và thực hiện những gì mình đã thọ nhận trong lúc quy y, giữ tròn năm giới luật thì người đó đang có được tám nguồn công đức,
Friday, August 21, 2020(View: 6970)
Niết-bàn là trí tuệ rốt ráo (bát nhã) được biểu lộ qua sự thoát khổ, giác ngộ, giải thoát của một bậc chứng đạo, ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Sunday, August 2, 2020(View: 6941)
Ở bước căn bản, khi thực hành hạnh lắng nghe, chúng ta cần luôn tự nhắc nhở: “Im lặng để nghe. Lắng nghe để hiểu. Có hiểu mới có thương”. Hiểu là trí tuệ. Còn thương là lòng từ bi.
Sunday, July 19, 2020(View: 7636)
Tóm lại, “Pháp Tu Sám Hối” trong đạo Phật không phải là nghi thức rửa tội để được sạch tội, mà sám hối mang đủ hai yếu tố “nhận lỗi và sửa lỗi”. Nhờ có sửa lỗi nên tội trước được giải trừ, tội sau mới không sinh khởi.
Thursday, July 9, 2020(View: 7481)
thuốc Hydroxychloroquine có hiệu quả nhứt khi được xử dụng nhanh ngay sau khi nhập viện với liều lượng tiêu chuẩn,
Sunday, July 5, 2020(View: 6616)
Nếu lý thuyết giỏi, mà không có kinh nghiệm hành trì, thì kiến thức thu thập cũng không ích lợi gì, mà nhiều khi kiến thức đó chỉ tô bồi thêm cái Ngã ngày một lớn mà thôi!
Sunday, June 14, 2020(View: 6674)
Trong thời gian đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành. Kính cầu nguyện bình an đến với tất cả mọi người. Khi ra khỏi nhà xin nhắc quý vị nhớ mang khẩu trang và ráng giữ khoảng cách 2 mét
Saturday, May 30, 2020(View: 7594)
Biết đâu cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay có thể sẽ vô cùng quan trọng không những cho Mỹ mà còn cho Trung Cộng, Việt Nam và nhân loại.