(Phần kết)
Trong lời nói mở đầu tờ Trình Bầy với nhan đề “Con đường đi tới”
“Một phần tư thế kỷ đã trôi qua trên cuộc cách mạng mùa thu, Tuy vậy những hy sinh ròng rã suốt 25 năm ấy dường như chưa đủ cho một dân tộc yêu chuộng hòa bình như như dân tộc Việt Nam có thể buông súng xuống vui hưởng tự do.
- Bây giờ vẫn còn những cụ già tóc bạc bị trói tay, bịt miệng, những em bé bất lực quằn quại trên vũng máu, những thanh niên bị đánh đập dã man, những thiếu nữ bị hãm hại.
- Bây giờ vẫn còn những cảnh tra hỏi, bắt bớ ở mỗi nẻo đường, những tiếng hét rùng rợn của những nạn nhân trong những phòng tra tấn… cả một Đất Nước biến thành một cái chuồng thú vĩ đại. Máu hòa nước mắt. Roi da và thép gai, thép gai trùng trùng, điệp điệp..
- Con đường đi tới là con đường giải phóng, giải phóng Đất Nước và giải phóng con người toàn diện.”
Sau 42 số, tờ Trình Bày đã nghĩ đến việc đình bản, lúc đó là tháng 9 năm 1972 rồi. Thế Nguyên viết chia tay bạn đọc như sau:
“Nhìn lại những số báo xuất bản hai năm qua, chúng tôi rất vui mừng khi thấy tờ báo đã có được tính cách là một diễn đàn chung của anh em văn nghệ, trí thức tiến bộ trong cũng như ngoài nước. Ở đó, không có chỗ cho bè phái, địa phương, văn nghệ thù tạc. Nhưng đấy chính là nơi đây tụ họp của những con người tin rằng ngày mai nhất định sẽ phải tốt đẹp ngày hôm nay. Phụng sự cho ngày mai, chúng ta đã sống và đã viết.”
Thế NguyênThế Nguyên có phải là người cộng sản hay không?
Có lẽ cần minh định rõ rệt hơn về câu hỏi này. Khi viết cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa, có thể nói không có dấu hiệu gì rõ rệt cho thấy Thế Nguyên theo cộng sản. Và tiến trình theo cộng sản là những cơ duyên ngoài ý muốn ngay cả từ cá nhân Thế Nguyên.
Ông là một người Bắc công giáo di cư, ở Nam Định, một vùng có nhiều người theo đạo, có nhiều xứ cả làng theo cha xứ dẫn dắt đi vào Nam. Vào Nam, nếu gia đình không khá giả có thể định cư tại Hố Nai, Gia Kiệm hay Gò Vấp. Thế Nguyên theo học trường Trần Lục hồi đó hiệu trưởng là một linh mục.
Lại nữa, cơ duyên là ông lấy vợ là một gia đình người Tàu lai, bà Tăng Hoàng Xinh ở Mỹ Tho. Bà Tăng Hoàng Xinh lại có một người chị và được biết chị này nằm vùng đã móc nối với cậu em rể.
Nhiều phần Thế Nguyên được móc nối theo Giải phóng miền Nam có thể từ thập niên 1960. Chính trong cái quan hệ ruột thịt đó, bà chị vợ đã lôi kéo được Thế Nguyên từng bước một đi theo cộng sản. Ở nơi đây, ông có dịp gặp gỡ Nguyễn Ngọc Lan[8], Nguyễn Ngọc Lương, bút danh Nguyễn Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Trần Quang Long, v.v..
Sau 1975, như nhiều người khác từng theo cộng sản, ông không được trọng dụng. Ông chỉ là một nhân viên tờ tuần báo Văn Nghệ, T.p. Hồ Chí Minh. Ít lâu sau, ông lẳng lặng giã từ tuần báo không thèm lãnh lương.
Phải chăng, ông chỉ là người theo đuôi cộng sản và bị loại khi họ đã là kẻ chiến thắng. Đâm chán, ông theo gót chân Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương làm bạn với Ả phù dung.
Quá khứ chính trị một thời đã qua mà nhiều người đã lầm lỡ bước vào và sau đó thất vọng. Bước vào – Bước ra là một kinh nghiệm của ông và cũng của nhiều người. Những chặng đường ấy Thế Nguyên cũng đã từng trải qua và thất vọng sau 1975.
Đối với người viết bài này, cái còn lại không phải là những vướng mắc chính trị của một thời đã qua, mà những gì còn lại trong văn học, nghệ thuật. Nếu kể đến công khó, thiện chí cũng như nhiệt huyết mà ông đã dành cho văn học miền Nam thì sự góp mặt của ông là không phủ nhận được. Tôi khai triển những điều không thể phủ nhận ấy về một điều mà Văn học miền Nam có thể bỏ qua, bỏ quên vì mấy ai còn nhắc đến.
Nhà xuất bản Hành Trình đã sưu tập và bỏ tiền ra để dịch cũng như sáng tác của một số nhà văn, rồi in ấn là một công trình đồ sộ cả về phẩm cũng như về lượng ở vào một thời điểm đầy biến động chính trị có nguy cơ mất còn. Hãy nhớ những thời điểm ấy để mở rộng vòng tay đón nhận.
Những công trình về văn hóa nghệ thuật của nhà xuất bản Trình Bầy còn để lại
Sách dịch
- Chúa đã khước từ, truyện của Richard. E. Kim, bản dịch của Lê Khắc Cầm.
- Oe Nuôi thù. Oe Kenzaburo. Bản dịch của Diễm Châu.
- Ngàn cánh Hạc. Truyện ngắn của Yasumari Kawabata. Bản dịch của Trùng Dương, in lần II.
- Ông Đại sứ. Truyện của Morris L. West. Bản Việt văn của Chu Việt.
- Con Voi. Truyện của Slawomir Mbo.Mrozek. Bản dịch của Diễm Châu.
- Xứ Tuyết. Kawabata Yasumari. Bản dịch tiếng Việt của Chu Việt
Trong số những tác phẩm dịch này, tôi rất trân trọng và thích thú khi đọc các tác phẩm Chúa đã khước từ và Ông Đại sứ.
Và sau đây một số tác phẩm của những nhà văn Việt Nam.
- Thảo Trường, “Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp”
- Nguyễn Thế Anh, “Kinh tế và xã hội VN dưới các vua triều Nguyễn”
- Đỗ Long Vân, “Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương” và tác phẩm “Vô Kỵ giữa chúng ta”
- Lê Văn Hảo, “Về phác họa một chân dung con người”
- Lữ Phương, “Mấy vấn đề về Văn Nghệ”, “Descartes nhìn từ phương Đông”
- Nguyên Sa, “Một bông hồng cho Văn Nghệ”
- Nguyễn Văn Trung, “Ngôn ngữ và thân xác”
- Lý Chánh Trung, “Tìm về Dân tộc”
- Nguyễn Khắc Ngữ, “Mẫu hệ Chàm”
- Trương Bá Cần, Trương Đình Hòe và Nguyễn Hồ Đỉnh, “ Hòa bình cho con người”
- Trần Quang Long, “Bông cúc vàng”
- Đinh Phụng Tiến, “Hòn bi”
Đỗ Long Vân (1934- 1997)
Nói chung, một số tác phẩm, tác giả tôi đã đọc và khá quen thuộc. Tôi đã có bài viết về Thảo Trường. Ông vẫn là nhà văn chuyên chở nhiều thứ và luôn luôn đặt vấn đề cho người đọc phải suy nghĩ.
Tuy nhiên, có một tác giả duy nhất viết rất ít, Đỗ Long Vân, và hầu như cũng ít người biết đến. Nhưng những bài khảo luận ông viết ra đều có phẩm chất cao và sâu sắc. Ông vốn là một người di cư vào Nam, sau du học tại trường Sorbonne. Ông đậu Cử nhân văn chương.
Về nước 1954, có thời gian dạy đại học Huế. Con người ông thích tự do, thích buông thả, không ràng buộc. Chi tiết sau đây cũng ít ai biết thuộc lãnh vực đời tư: ông bị động viên, thay vì đi sĩ quan trừ bị Thủ Đức như mọi người. Ông dấu văn bằng và tình nguyện đi quân dịch như một người lính.
Mấy bài ông viết, tôi rất là tâm đắc như Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương. Đây là một cái nhìn phân tâm học, cấu trúc học và hiện sinh như một thách thức văn học của ông nhằm bác bỏ những dư luận đời thường coi thơ Xuân Hương là dâm dục, thơ phóng đãng ẩn ức tình dục mang chiêu bài luân lý, đạo đức.
Vì thế Nguồn nước ẩn là một khám phá, Nước là nguồn cơn, là tất cả về thơ văn của Hồ Xuân Hương.
Đọc bài viết này của Đỗ Long Vân có thể giúp độc giả có cái nhìn nhân bản, gần gũi hơn về con người. Sự gần gũi ấy có thể là sự bất lực và ngay cả sự nổi loạn với một trật tự xã hội giả dối. Sự nổi loạn ấy có thể đặt ra trong mối tương quan xã hội tù túng và lạc hướng của xã hội trong văn chương và ngoài văn chương, trong dư luận khen-chê. Sự lạc hướng ấy đứng về mặt suy luận có thể là một đối đầu, một cọ sát một cách khách quan hoặc chủ quan giữa Trong-Ngoài, giữa Khép-Mở, giữa Thực-Hư.
Tác giả Đỗ Long Vân có thể đứng Ngoài và Đứng Trên những nguồn dư luận ấy.
Bài Vô Kỵ giữa chúng ta của ông cũng là nguồn cảm hứng cho tôi viết bài Lệnh Hồ Xung, một kẻ buôn mộng.
Tổng ổng kết gia tài ông Thế Nguyên để lại những tác phẩm đã xuất bản, về phẩm cũng như lượng, tôi đếm tất cả được 50 cuốn sách trong vòng chỉ 5 năm. Phải chăng điều đó cũng đủ cho một cuộc đời một người cầm bút vắn số.
Những ngày cuối đời của Thế Nguyên
Cái chết đã đến bất ngờ, lãng xẹt.
Theo lời kể lại của Nguyễn Quốc Thái, một người bạn thân nhất của Thế Nguyên còn kẹt ở lại Saigon sau 30-04-1975 kể rằng một bận Thế Nguyên dùng dao cắt một mụn cóc ở chân. Lưỡi dao bị nhiễm độc mà ông không biết. Đêm đó, ông lên cơn sốt, nghĩ không quan trọng “cũng thường thôi”. Nhưng qua hôm sau, ông bị nhiễm độc và co giật với cơn sốt lên quá 40 độ C. Người nhà cầu cứu Nguyễn Quốc Thái, họ Nguyễn vội chạy đến đưa đi bệnh viện.
Trên giường bệnh, lúc tỉnh táo, linh cảm rằng mình đã bước gần tới cõi chết, ông bảo bạn: “Chậm rồi Thái ơi!”
Thật oan nghiệt, Thái nói: “Chứng phong đòn gánh (tétanos) không phải là một chứng bệnh khó chữa. Nhưng thời gian đó, Sàigòn hầu như thiếu mọi thứ thuốc. Bác sĩ giỏi mấy cũng bó tay.”
Thái kể thêm:
“Dù sao tôi cũng vẫn tin rằng, cuối cùng Thế Nguyên ra đi trong thanh thản. Trước giờ bạn đi, tôi đã mời được cha làm phép xức dầu, xưng tội, giải tội, cùng mọi nghi thức tôn giáo.”
Tính cho đến nay, ông mất đã được hơn 30 năm rồi.
Nghĩ cho cùng nếu có cơ hội nhìn lại, không thể phủ nhận rằng miền Nam đã cho ông cơ hội, một số tự do đủ để được nhìn nhận sống có tư cách để cất lên tiếng nói như một nhà văn, như những người cầm bút thuộc đủ thành phần. Ông đã để lại cho đời một gia tài đồ sộ về văn học ít ai sánh bì dưới danh hiệu NXB Trình Bầy.
Tôi xin ghi lại như một lời tri ân như một niềm an ủi cho ông ở bên kia thế giới và một niềm an ủi của người còn lại, như kẻ viết bài này.
© 2023 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài của tác giả. DCVOnline biên tập, trình bầy và phụ chú.
[1] Truyện “Nuôi con nhơn tình” hiện lưu trữ ở dạng ấn bản và microfilm tại 3 đại học. Nguồn: WorldCat https://www.worldcat.org/title/64078830
[2] Hồi Chuông Tắt Lửa, NXB Trình Bầy (1963, 1966) và NXB Nam Sơn (1964). Hiện có 5 bản (bản in và microfilm) lưu trữ tại 9 đại học.
[3] Cùng địa chỉ nhà riêng của Thế Nguyên ở Lý Thái Tổ, Saigon.
[4] Câu số 1 trong Kinh Cựu ước, Psalmus 129 (130): De profundis clamavi ad te Domine nghĩa là “Từ vực sâu con kêu Chúa, lạy Chúa:”
[5] Lại cùng địa chỉ nhà riêng của Thế Nguyên ở Saigon.
[6] Thế Nguyên di cư vào Nam lúc khoảng 12 tuổi.
[6a] Theo Cựu ước, lễ ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đàng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa như một sự Cứu Chuộc, một bí tích: mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được thiêu huỷ đi, nó mang theo luôn tất cả những vết tích nhơ bẩn đó. (Chú thích của nhà xuất bản NAm Sơn, Saigon, 21.2.1964)
[7] Hai câu này “Pópule méus, quid féci tibi. Aut in quo contristávi te Respón de mihi” và “Quia edúxi te de térra Aegýpty Parásti Crúscem Salvatóri túo” trích trong phần cuối truyện “Hồi Chuông Tắt Lửa” của Thế Nguyên.
Tuy nhiên, Thế Nguyên không dẫn nguồn, không viết đúng tiếng Latin, nguyên văn là: “Popule meus, quid feci tibi? Aut in quo contristavi te? Responde mihi” và “Quia eduxi te de terra Aegypti, Parasti Crucem Salvatori tuo.” Đó là hai đoạn đầu “Popule meus” (Micah 6:3), và “Ego eduxi” (Jeremiah 2:21) của bài Thánh ca Gregorian, “Improperia “Popule meus, quid feci tibi?”” gồm 11 đoạn.
Bài thánh ca này dịch sang tiếng Việt mở đầu bằng điệp khúc “Popule meus” (Micah 6:3) [Hỡi dân ta ơi, ta đã làm gì cho ngươi? Hay ta đã làm làm phiền lòng ngươi điều gì? Hãy trả lời ta] và câu đầu chính là và “Ego eduxi” (Jeremiah 2:21) [Vì Ta đã dẫn các ngươi ra khỏi đất Ai Cập: Các ngươi đã dọn sẵn Thập Giá cho Đấng Cứu Thế của các ngươi], tựa đề bài thánh ca là
“NÓI VỚI DÂN TA”
ĐK: Này dân Ta hỡi Ta đã làm gì, Ta đã làm gì cho ngươi! Mà ngươi nhẫn tâm đóng đinh Ta vào thập giá, đóng đinh Ta vào thập tự!
1. Phải chăng vì Ta đã cứu thoát ngươi khỏi đất Ai Cập mà ngươi dọn sẵn thập tự cho Cứu Chúa của ngươi.
[8] Hoàng hôn của bạo lực (thơ, truyện ngắn, lời chứng về cuộc chiến) của một nhiều tác giả (Diễm Châu – Phạm văn Rao; Thái Lãng; Du Tử Lê – Lê cự Phách; Đặng thần Miễn; Thế Phong – Đỗ mạnh Tường; Nguyễn Quốc Thái; Tạ Quang Trung; Thảo Trường – Trần duy Hinh; Lê Tất Hựu) do R.P. Nguyễn Ngọc Lan và Lê Hào (giáo sư Lê văn Hảo) dịch sang Pháp ngữ Le Crépuscule de la violence (poèmes, nouvelles, témoignages d’un guerre). Trang 2 ghi: Copyright 1960, by Les Éditions Trình Bầy, Saigon. Thật ra tập sách này in vào thập niên 70, không kiểm duyệt — ghi năm xuất bản lùi lại, trên dưới 10 năm — để qua mặt Sở Phối hợp nghệ thuật/ bộ Thông tin (Sở Kiểm duyệt). Nguồn: Đường Bá Bổn, “ceux qui sont morts” par Thế Nguyên, traduit par R.P. Nguyễn Ngọc Lan, 26 Sept. 2015.