NHÌN LẠI CUỘC DI CƯ 1954 - 1955 (1)
Tầu USS Montrose (APA-212) cập bến Sài Gòn Nguồn National Geographic June 1955, Truyen-thong.org
Tôi chỉ là một hạt cát trong cái biển người di cư từ Bắc vào Nam. Đã sấp sỉ 70 năm rồi. Những hạt cát ấy trở thành mảnh đất phù sa mầu mỡ của miền Nam Việt Nam trước 1975. Những hiểu biết của tôi về cuộc di cư ấy trước đây vẫn chỉ là những mảnh rời. Phần đọc còn nhớ lại lãng đãng, nhớ nhớ quên quên trong cuốn: Cuộc di cư vĩ đại, Sài Gòn 1956 do chính quyền miền Nam xuất bản. Sách in khổ lớn với rất nhiều trang hình ảnh, trình bày trang nhã và đẹp mắt.
Nay tôi nhìn lại cuộc di cư ấy trước hết là sống lại hình ảnh kỷ niệm quá khứ.
Như một cái vẫy cánh của một con chim xa tổ, đã lìa cành, nhìn lại.
Sau nữa nhìn lại chiến dịch Operation Passage to Freedom của Hải quân Mỹ để thấy rằng không có chiến dịch này, cuộc di cư của gần một triệu người có thể không trọn vẹn. Nghĩa là thất bại và để lại nỗi tuyệt vọng cho bao nhiêu người đã không ra đi được.
Và mặc dù đã có những cố gắng tột bực trong việc đưa gần một triệu người di cư vào miền Nam, nhiều người đã không đi được và bị kẹt lại. Việc bị kẹt lại trở thành một hệ luỵ ê chề không tránh khỏi cho những người còn ở lại miền Bắc – sẽ trình bày ở cuối bài viết.
Và nếu nói theo một thứ lý luận của người trong cuộc, tức người di cư từ Bắc vào Nam, người viết nghĩ rằng đã có một thời những con người di cư ấy không có một thời đại nào khác, không có thứ lịch sử nào khác ngoài thời đại và lịch sử mà họ đã sống, đã trải nghiệm.
Đó là thời đại của cuộc di cư không tiền khoáng hậu đã để lại dấu tích không phai nhòa trong mỗi mảnh đời của họ.
Chẳng hạn, hình ảnh bà mẹ còn giữ lại chiếc đồng hồ quả lắc cũ treo trên tường cũng như những tấm phản đã mang vào miền Nam mà cho đến bây giờ, bà vẫn nằm trên đó. Hay hình ảnh đồng bào Thiên Chúa giáo xứ Kẻ Sặt còn mang theo quả chuông nhà thờ. Họ đã để lại hết, nhưng quyết đem cho bằng được quả chuông này tượng trưng cho niềm tin sắt đá của họ.
Và hơn mọi thứ khác, mỗi người di cư đã không mang được thứ gì khác ngoài niềm tin rằng chủ nghĩa cộng sản là tàn bạo mà bằng bất cứ giá nào họ cũng phải ra đi.
Và đó là tất cả phần đời của họ còn lại.
Vì thế, tôi bùi ngùi nhớ đến những người đã muốn đi mà không đi được và chịu cái cảnh đọa đầy thêm mấy chục năm và nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua.
Còn đối với người Mỹ, qua chiến dịch của Hải quân Hoa Kỳ, ngoài vấn đề chi phí vật chất đồ sộ trong việc giúp người tỵ nạn di cư vào Nam, tôi còn nhìn thấy ở đấy tính cách nhân đạo của chiến dịch này.
Cũng từ đó tôi nhận ra hai điều: những tấm lòng của thủy thủ các tầu Mỹ, đồng thời nghị lực phi thường với một quyết tâm sắt đá cuả người di cư. Sự phi thường ấy làm ngỡ ngàng, gây ngạc nhiên cho các thủy thủ đoàn trong các chuyến tầu của Mỹ chở người tỵ nạn vào Nam“The determination of the men of Viet Nam: determined to worship their God, determined to be free, determined to escape to be so”.
Điều mà tôi muốn nhắc lại ở đây là cái quyết tâm của lớp người di cư miền Bắc, bằng mọi giá, giá nào cũng trả để di cư vào miền Nam. Không có cái quyết tâm ấy, họ đã không đi được.
Cái quyết tâm ấy còn giúp họ sau này xây dựng tương lai họ và cho con cái họ.
Việc di cư ấy nói cho cùng chỉ là sự kéo dài tình trạng trốn chạy cộng sản mà không phải đợi đến Hiệp định Geneva, 1954. Ngay từ đầu thập niên 1950, phong trào tỵ nạn cộng sản đã thành hình dưới hình thức “phong trào nhập thành”, hay nói nôm na là phong trào “dinh tê”. Đã có bao nhiêu người tìm mọi cách dời bỏ khu “an toàn Phát Diệm”, thoát đi bằng đường biển, từ cửa Cồn Thoi, ra Hải Phòng vào những năm sau 1950? Và đã có bao nhiêu người có tiền bạc của cải đã chạy trốn vào Nam khi mà Hiệp định Geneva chưa thành hình? Không phải theo Tây, cũng chẳng theo Mỹ, không theo Nhật, không theo Tầu cũng chẳng vì theo Thiên Chúa giáo mà người ta chọn đứng về phía này, phía nọ. Tất cả đều là những chọn lựa bất đắc dĩ chỉ vì không thể sống chung với người cộng sản được.
Cộng sản trước đây và cộng sản bây giờ cũng vậy.
Cho nên đơn giản là chỗ nào có cộng sản thì người ta chạy. Liều mạng mà chạy. Chết cũng chạy. Cuộc di cư 1954-1955 và cuộc di tản 1975 đều giống nhau ở một điểm: không chấp nhận sống dưới chế độ cộng sản.
Không phải chỉ người Việt mới trốn chạy như thế. Dân chúng Đông Âu, từ những nước chư hầu của Nga cũng tìm cách trốn sang Tây Âu. Vào măm 1966, 6110 người Đông Đức đã đào thoát được sang Tây Đức. Tính từ năm 1949 đến 1952, 228.500 người đã trốn thoát khỏi các vùng do Nga Sô kiểm soát để tới Bá Linh. Và cứ như thế, 5 vạn người Tiệp Khắc đã trốn ra khỏi nước họ. (Trích Cuộc Di Cư lịch sử, Phủ Tổng Ủy Di Cư tỵ nạn, trang 276)
Cũng vậy, ở Hung Gia Lợi (Hungary), ở Romania, ở Albania, ở Ba Lan (Poland), người ta cũng liều mạng trốn ra đi để tìm Tự Do.
Vì vậy, thế giới đã nhìn rõ thân phận người di cư, thấy họ lao đao khốn khổ liều mạng và đã giơ tay cứu vớt và không khỏi không khâm phục họ.
Theo nhận xét của phần đông thủy thủ Mỹ, nhiều người di cư đem theo những thứ lỉnh kỉnh không có đáng một đồng xu. Như một cái chậu, một cái thùng bằng nhựa, một tay nải quần áo cũ. Những thứ lỉnh kỉnh không đáng gì. Phải, nothing, nhưng lại chính là gia tài của họ.
Sản nghiệp ra đi có khi không có gì, có khi chỉ là đôi tay nải. Nhưng lòng lại tràn ngập niềm tin tưởng.
Thủy thủ Majesky trên chiến hạm Menard đã viết thư về cho cha mẹ tả lại hoàn cảnh khốn cùng của những người di cư chân đất, chân không, không một thứ gì mang theo, bước lên tầu.Trong khi đó, chẳng hạn trên chiến hạm General House trớ trêu thay, có những thương gia Tầu giầu có đem theo cả gia sản tới hàng 200 tấn kiện hàng đủ loại. (Trích Operation Passage to Freedom, OPTF, Ronald B. Frankum, Jr., trang 194)
Họ còn ngạc nhiên như Zeigler và các bạn ông không hiểu được khi thấy những con người tầm vóc loắt choắt bé nhỏ ấy vác những bao gạo 200 pounds lên tầu LTS (Tank Landing Ship, tầu đổ bộ xe tăng) một cách nhẹ tâng, trong khi thủy thủ phải cần hai người Mỹ mới giúp bê nổi những bao gạo ấy (ta gọi nôm na tầu LST là tầu há mồm, tầu dùng để chuyên chở xe tăng, xe cộ v.v…)
Hình ảnh con tầu LST rất quen thuộc đối với người tỵ nạn vốn chỉ dùng để chuyên chở xe tăng, vũ khí hạng nặng dùng để giết người, nay chở những con người tỵ nạn bất hạnh. Và đã có 26 chiếc. (Có tài liệu viết 74 chiếc là không đúng, vì tất cả số tầu của Hải quân Mỹ tham dự vào chiến dịch là 113 chiếc bằng nhiều chuyến hải trình Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn). Dù chỉ là chiếc tàu nhỏ, bình thường chở được 170 người, tối đa 700 người, nhưng trường hợp khẩn cấp, có thể chở đến cả 1000 người di cư. Các tầu LST có thể cập bến dễ dàng để vớt người tỵ nạn, sau đó có thể dùng để chở ra các tầu lớn. (Trích Operation Passage to Freedom, Ronald B. Frankum, Jr. trang 137)
Đó là những chiếc LST- 526, LST-803, LST-825, LST- 840 v.v… Nhiều bạn đọc có thể còn nhớ tên những chiếc tầu LST thân yêu này…
Các tầu há mồm LST là biểu tuợng cho những con tầu chở người di cư
Những người di cư ấy đều quyết tâm, như thế mới đi được. Người ta nói đến cuộc bỏ phiếu bằng đôi chân. Có đến gần 1 triệu đôi chân đã bỏ phiếu như thế. Đó là đôi chân trần, chưa hề biết xỏ chân vào đôi giầy, đôi dép. Họ là những người dân quê nghèo nàn, cơ cực.
Cũng không phải chỉ có đa số là người Thiên Chúa giáo di cư như đã có sự hiểu lầm từ trước đến giờ. Cuộc di cư 1954-1955 là của toàn thể dân chúng miền Bắc, Kinh có, Thượng có và đủ thành phần xã hội và tôn giáo.
Họ thuộc đủ loại người, đủ thành phần xã hội. Đồng bào các tỉnh miền Thượng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang (vốn là những nơi sào huyệt của Việt Cộng) cũng cùng với đồng bào Thượng ở Hòa Bình bỏ lại tất cả rừng núi quen thuộc lần mò về Hà Nội để vào Nam. Đã có hơn 10 ngàn người Nùng ở Hòn Gai được di cư dưới quyền Đại tá Sung. Có 2340 người Nùng gốc Tầu đi vào Nam ngày 02/09 trên tầu Montrose. Có chuyến tầu như Beauregard chở các người thuyền chài và gia đình họ mang theo cả dụng cụ đánh cá. Đặc biệt hơn cả, có những gia đình và có khi cả một làng ở trong các vùng do Việt Minh kiểm soát như Vinh, Nghệ An tìm cách trốn thoát khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Tỉ dụ dân chúng ở Ba Làng, huyện Tĩnh Gia tụ họp hơn 2 vạn người đòi di cư bị Việt cộng nã súng bắn giải tán.Tỉ dụ những người di cư ở Vinh đà trải qua bao gian nan, khốn khó mới tìm được con đường đi đến tự do. Sau này, họ tụ tập định cư trong khu vực Bình Giả, Bà Rịa.
Trên bước đường đi tìm Tự do, nhiều người đã lên được tàu, nhưng vì quá mệt mỏi, kiệt sức đã chết trên tầu.
Trên chiến hạm Telfair, chuyến thứ tư chở người di cư vào miền Nam của Hải quân Mỹ ngày19/8. Người ta ghi nhận đã có hai người di cư chết trên tầu vì sốt rét và quá kiệt sức và bù lại có hai trẻ sơ sinh ra đời:
“The deaths were caused by malaria and general weakness. The physical condition of the Vienamese as they boarded the American ships was often observed as desperate. Many of the Vietnamese had traveled great distances to reach the embarcation center, often at peril to them and seldom without hardship”.
Căn bệnh sốt rét và sự ốm yếu chung đã gây nên chết chóc cho nhiều người. Người ta nhận thấy rằng tình trạng cơ thể của người Việt Nam khi họ lên những chiếc tầu Mỹ thường là tuyệt vọng. Nhiều người Việt Nam đã phải đi những đoạn đường rất dài để đến trung tâm tiếp cư, thường là nguy hiểm cho chính bản thân họ và ít khi mà không có sự gian khổ. (Trích OPTF, trang 82).
Nhưng nếu tính chung tất cả cuộc di cư thì đã có 66 người di cư chết trên biển vì nhiều nguyên do, nhưng đồng thời ghi nhận có 184 trẻ sơ sinh trên các tầu chiến.
Và còn bao nhiêu người bỏ xác trên biển trên những bè mảng ghép vội vàng để đi tìm tự do?
Tình trạng đó cho thấy người di cư đã phải trả giá cho chuyến hành trình đi tìm tự do của họ.
Bất kỳ ai, đã là người Việt Nam đều có đủ lý do chạy trốn cộng sản. Cho nên, họ đều có một quyết tâm phi thường dám từ bỏ tất cả chỉ để mưu cầu một cuộc sống tự do. Và không thể có lời biện minh nào hùng hồn, xác tín và rõ ràng hơn được nữa.
Có thể đó là đôi chân của một ông già trên 60 tuổi, râu tóc đã bạc mà chính ra chỉ còn đủ thì giờ để nghĩ tới chuyện đời sau, cụ đang ngồi nghỉ mệt qua ống kính của William Ray Park trên tầu USS SKAGIT và người ta hỏi: Sao cụ lại bỏ xứ ra đi?
Chắc là cụ có sẵn câu trả lời.
Hay là hình ảnh một bà cụ cõng cháu gái di cư, mang tương lai tuổi trẻ lên đường. Hay câu chuyện về những trẻ em Việt Nam thưởng thức món quà tự do. Đó là những chiếc kẹo Mỹ mà lần đầu tiên trong đời các em đã được ăn.
Henry Đỗ, một trong những đứa trẻ đã nhận ăn cái kẹo do người thủy thủ Mỹ cho năm 1954 viết lại như sau:
“I cannot forget the first moment I stepped onto a American ship to go to South Vietnam. A sailor handed me a candy, at the moment, I could not say thanks in English… Oh, my God, it was very very delicious. It was the best candy in the world. 21 year after, the sweet moment I meet the candy again at American soil…I can eat the candy anytime I want, but I didn’t eat many candy… I eat the candy only I want to remember the sailor and the ship that brought me and my family to the freedom land”. (Trích lại trong bài viết Passage to Freedom in Việt Nam của Gertrude Samuels, số tháng 6-1955)
Tôi không thể quên được cái giây phút đầu tiên tôi bước lên một chiếc tầu Mỹ để đi đến miền Nam Việt Nam. Người thủy thủ đưa cho tôi cái kẹo. Lúc ấy, tôi không nói được câu cám ơn bằng tiếng Anh. Ôi, trời ơi! Ngon thật là ngon. Cái kẹo ngon nhất thế giới. Hai mươi mốt năm sau, cái giây phút dễ thương là khi tôi lại trông thấy kẹo ở đất Mỹ. Tôi có thể ăn kẹo bất cứ lúc nào tôi muốn, nhưng tôi không ăn nhiều kẹo đâu… Tôi ăn kẹo chỉ để muốn nhớ đến người thủy thủ và chiếc tầu đã đưa tôi và gia đình đến vùng đất tự do.
Tôi cũng muốn viết ra đây câu chuyện cảm động xảy ra trên tầu General Brewster, chuyến chót của hải quần Hoa Kỳ chở người di cư vào ngày 15/03/1955. Trong chuyến tầu chót này, có một người cha và đứa con gái phải ra đi vì người vợ muốn ở lại Hà Nội. Họ đành chia tay. Đó cũng có thể là một thảm cảnh biểu tượng chia lìa trong một số gia đình di cư khác. Như trường hợp tài tử điện ảnh Kiều Chinh mà chúng tôi trích dẫn ở cuối bài viết.
Có những cuộc chia lìa bà con, anh em, họ hàng, làng nước.
Cũng đành đoạn mà bỏ đi thôi. Nào ai muốn thế đâu? Sau này, liên lạc Bắc Nam giới hạn vào một tấm bưu thiếp in sẵn. Nhưng dù chỉ là một tấm bưu thiếp, gia đình tôi ở trong Nam gửi ra cho anh tôi nhiều lần, nhưng đã không bao giờ nhận được thư trả lời của người anh Cả ở lại Hà Nội.
Sao cụ lại bỏ xứ ra đì. Nguồn: NVL
Họ đã vứt thư của gia đình chúng tôi.
Dù sao, cuộc chia lìa 1954, người di cư miền Bắc mới chỉ mất nhà, mất cửa.
1975, kẻ ra đi mới là nguời mất nước
Bên cạnh những khổ đau, cuộc di cư ấy không thiếu những nét đẹp
Tôi vẫn thấy đẹp và ý nghĩa là câu chuyện do một anh thủy thủ người Mỹ tên John Ruotsala trên chiến hạm Montrose (*) kể lại như sau:
Nguời di cư và thủ thủ tầu USS Montrose (APA-212)
Khi bước lên tầu, các người di cư phải xịt thuốc DDT để diệt trừ chấy rận (1). Nhiều người di cư hoảng sợ vì phải cởi quần áo, nhất là phụ nữ. Trong đó có trường hợp một bé gái khoảng 9 tuổi bế đứa em khoảng 3, 4 tuổi. Thủy thủ Mỹ đã chẳng may xịt thuốc vào mắt đứa em 3 tuổi. Nó khóc, chị nó bình tĩnh dỗ dành em và lau mắt cho em. Sau đó như không có chuyện gì xảy ra, ôm em bước lên thang để lên tầu.
Câu chuyện có vẻ bình thường, nhưng lại là những hình ảnh đẹp nhất trong cuộc di cư này.
Nó cho thấy tình nghĩa đùm bọc của gia đình Việt Nam, cho thấy tình chị em, cho thấy tình người, cho thấy tình liên đới nhân loại vượt lên trên những dấu ấn chính trị vốn đè nặng lên tâm trí người tỵ nạn.
Hình ảnh đó làm thủy thủ đoàn cảm động và nhận ra tính cách nhân đạo, tình người của cuộc di cư này. Đó là một khía cạnh đặc biệt bị quên lãng mà chỉ đến bây giờ đọc lại tôi mới nhận thức được rõ rệt về điều đó.
Và những thủy thủ đoàn trên các chiến hạm Mỹ có quyền hãnh diện về điều này. Điều mà cô Anne Peterson phục vụ trên tầu Consolation đã nói thay cho tâm tình của họ: “We were just heartbroken because we couldn’t do anything to help them”. (Chúng tôi đau buồn vì chúng tôi đã không thể làm được gì để giúp cho họ”. (Trích Operation Passage to Freedom, OPTF, trang 123)
Trong cuộc di cư này, cần ghi nhận rất nhiều thiện chí và những tấm lòng bên cạnh những con tầu chiến của Hải quân Mỹ.
Đoàn lũ ấy người di cư từ khắp nơi trên giải đất miền Bắc và một phần miền Trung, trẻ già lớn bé mà phần lớn là trẻ con đã được bồng bế, gồng gánh ra đi như thế.
Ra đi để tìm ra một con đường sống… ý nghĩa, có tự do cho tương lai của họ.
Có lẽ đây là cuộc di cư vĩ đại và có ý nghĩa nhất sau cuộc di cư trong việc phân chia nước Ấn Độ làm hai giữa Hồi Quốc và Ấn Độ vào năm 1947. Cuộc di cư này cũng nhắc nhở mọi người đến cuộc di cư từ Bắc Hàn sang Nam Hàn vào mùa thu năm 1950.
Nó là bằng cớ cho thấy không thể nào sống chung với cộng sản được, dù là cộng sản Bắc Hàn hay cộng sản Việt Nam.
Hễ đã là cộng sản thì con người muốn làm người không thể sống chung được.
Khi đã vào đến miền Nam, họ nghĩ ngay đến việc tái định cự lập nghiệp. Và vô số những trại định cư sau này ra đời. Có những địa danh mới, địa chỉ mới trên bản đồ miền Nam Việt Nam. Tên nó là Gia Kiệm, Hố Nai, Củ Chi, Phước Lý, sau này là Rạch Giá với các kênh 1, 2, 3, 4.
Hố Nai đi hàng đầu với 26.912 người ở giai đoạn đoạn đầu. Sau này con số người đến Hố Nai là trên 40 chục ngàn người mà dự liệu lúc ban đầu chỉ là 10 ngàn người. Gia Kiệm với 10.107, Củ Chi với 4.196 người và không thể quên Xóm Mới với 8606 người. Có những nơi ít đến không hiểu được như Đức Hòa, Chợ Lớn với 90 người, Chợ Gõ chỉ còn 50 người và Cây Co chỉ có 32 người.
Tỉnh đứng đầu trong việc dự liệu đón tiếp đông đảo người tỵ nạn là Xuân Lộc 200.000 người, Biên Hòa 100.000 người. (Trích Operation Passage to Freedom’ OPTF, trang 98)
Trong số những người mới di cư vào Nam thì đến 60% là nông dân, 10% là dân thuyền chài. Còn lại trải đều cho công chức, sinh viên, thợ thuyền và người buôn bán.
Những người dân nghèo, 80%, ít học tưởng đi theo Việt Minh mới phải thì lại là thành phần đông đảo sợ hãi cộng sản nhiều nhất. Và đi nhiều nhất. Đi rất đông. Đi cả nhà. Và nhất là đi cả làng. Không phải một làng mà nhiều làng. 25 ngàn người trong cùng khu vực không hẹn mà cùng nhau bỏ ra đi.
Bài học ra đi ấy nhắc nhở chúng ta nhiều điều. Nhưng cái chính là dạy cho người cộng sản một bài học: con người không thể sống yên ổn và tử tế với người cộng sản được. Phải ra đi thôi. Bài học đó còn được nhắc lại một lần nữa vào năm 1975, nhưng xem ra người cộng sản vẫn chưa thuộc hay không muốn học vì cái bệnh vĩ cuồng của họ đã che mờ tất cả.
Và tôi mường tượng gần một triệu người di cư miền Bắc thì nay sẽ là bao nhiêu người? Họ ra sao bây giờ? Họ là những ai?
Lịch sử một đời người và lịch sử cả một dân tộc qua cuộc di cư này đánh dấu những thời kỳ đen tối nhất của dân tộc dưới gọng kìm cộng sản, đen tối hơn cả thời kỳ thuộc địa 100 năm thời Pháp thuộc, bị đè nén và sợ hãi hơn 1000 năm Tầu đô hộ. Nói ra mà hổ thẹn.
Nhân chứng cho những thời kỳ đen tối của lịch sử đất nước với con người của 1955 và 1975 vẫn còn cả vài triệu người.
Tôi viết bài này để làm chứng cho cái thời kỳ đen tối ấy, cho thế hệ sau hiểu…
Cuộc di cư 1954-1955 dưới mắt người Cộng sản
Không gì tức tối bực bội hơn cho chính quyền cộng sản là chiến thắng xong, đuổi được thực dân Pháp phải ra đi. Vậy mà vô lý thay gần một triệu người đã ùn ùn kéo nhau bỏ chạy cộng sản. Gần một phần mười dân số toàn miền Bắc đấy. (Miền Bắc gồm 12 triêu người và chiếm 60.900 dặm vuông, miền Nam 11 triệu người và chiếm 66.300 dặm vuông) Ngay những người dân trong vùng bị Việt Minh kiểm soát từ 1946 như Vinh, Nghệ Tĩnh càng lo bỏ chạy bán sống bán chết. Họ phải hiểu tại sao chứ? Họ phải làm gì để hàng triệu người đã trốn chạy như vậy? Phải có một câu trả lời chứ?
Nhưng họ cố tình không cần biết điều ấy và tìm cách bôi nhọ hình ảnh cuộc di cư 1954-1955.
Vì thế, cộng sản Hà Nội đã cho xuất bản cuốn sách: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam, Hà Nội. Đó là sự thật của họ không phải là sự thật của người di cư. Cuốn sách này không dễ mấy ai còn giữ lại. Nhưng nó được tuồn sang Pháp. Sau này, ông linh mục, giáo sư Trần Tam Tỉnh, dạy ở tỉnh bang Québec, Canada đã dùng tài liệu này viết một cuốn sách rất bôi bác và tồi tệ về cuộc di cư này, đó là cuốn Dieu et César. Les catholiques dans l’histoire du Việt Nam, Rome ngày 19/05/1975. Vương Đình Bích, môt linh mục nữa đi theo cộng sản mà tôi gọi là một trong bọn Tứ nhân bang đã chuyển ngữ ra tiếng Việt và đã đổi nhan đề cuốn sách thành:Thập giá và lưỡi gươm. Vương Đình Bích cũng bỏ không dịch câu: Les catholiques dans l’histoire du Viet Nam. Sự tùy tiện của Vương Đình Bích còn thấy ở phần cuối cuốn sách. Ông đã bỏ phần Bibliographie selective của tác giả. Ông tự nhét thêm bài viết của Nguyễn Quang Huy, trưởng ban tôn giáo chính phủ về vấn đề phong thánh vốn chẳng ăn nhập gì với cuốn sách Dieu et Cézar. Đồng thời cho in bức thư chung của Hội đồng giám mục Việt Nam 1986. Phần ông Trần Tam Tỉnh, trong lời nói đầu của cuốn sách, ông đã viết:
Ce livre écrit avec amour par un des membres fidèles, de cette église catholique vietnamienne, n’a autre ambition que de présenter la vérité historique. Cuốn sách này được viết ra do một trong những đứa con trung thành của giáo hội Thiên chúa giáo Việt Nam, không có một tham vọng nào khác ngoài việc trình bày sự thật lịch sử.
(Trích Dieu et César, Trần Tam Tỉnh, trang 13)
Nay thì chúng ta thử tìm hiểu xem, căn cứ vào cuốn sách để thứ tìm hiểu thứ lịch sử mà ông Trần Tam Tỉnh đưa ra là thứ lịch sử nào, một thứ lịch sử sao chép theo tài liệu của cộng sản Hà Nội trong cuốn: Sự thật về vấn đề di cư ở Việt Nam?
Và đây là những sự thật dưới mắt Hà Nội:
– Có những tin đồn rằng quân Mỹ sẽ ném bom nguyên tử tiêu diệt miền Bắc.
– Đức mẹ được giao chức năng chính trị là để giải thoát những kẻ tôn sùng ngài.
– Chúa Ki tô đã đi vào Nam.
– Đức mẹ đã rời bỏ Bắc việt. Trong tập Passing the Torch, một trong những tuyển tập gồm 18 cuốn cũng nêu ra một nhan đề như sau: “The Blessed Virgin is moving South”, trích trang 95 (Đây là một vài khẩu hiệu mà ngày nay đọc lại người viết không mấy làm thích thú. Những khẩu hiệu này do đại tá Edward Lansdale in và phổ biến chung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Sau này đại tá Lansdale được giải thưởng: Distinguished Service Medal on January 8, 1957. Ông là người trực tiếp chỉ huy những chiến dịch tâm lý chiến vào giữa thập niên 1950, Psychological war-fare projects).
– Lời một nhân chứng: Tôi không cầm nổi nước mắt, họng tôi nghẹn ngào, trí óc ghi sâu bức tranh thảm cảnh di cư đó của những con người vô tội bị giật lôi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, rồi bị bốc lên xe, chở đi và bị đối xử chẳng khác nào những súc vật người ta chở tới lò mổ. Một bầu khí rất nặng nề, còn những người ở lại thì nín bặt không dám nói ra, vì chắc là sợ bị trả thù bởi những tay bạo chúa tổ chức di cư.
– Một tổ chức phá hoại có hệ thống tại Hà Nội trước khi quân Pháp rút đi, chẳng hạn sẽ làm hỏng kho dầu xe buýt, phá hư các máy móc và đặt mìn đánh sập chùa Một cột, ngôi chùa đầy giá trị lịch sử và tôn giáo có từ hằng trăm năm.
– Giám mục Phát Diệm, Lê Hữu Từ thì nhảy lên chiếc ca nô cuối cùng của quân Pháp đang rời cảng, bỏ quân lính của ông tại chỗ. Một vài tên thấy giám mục mình hành động hèn nhát như thế, bèn nổi giận đến nỗi lấy lựu đạn ném theo ông.
– Bị các linh mục lôi kéo vào cuộc mạo hiểm nhục nhã và bi đát này, họ cảm thấy mình bị bỏ rơi do sự phản bội của quân Pháp.
– Việc Đức mẹ hiện ra: một linh mục đã dàn dựng mặc áo Đức mẹ cho một thiếu niên và đã cho em đứng vào sau bàn thờ Đức mẹ Fatima. Trước mấy cây nến lung linh, một vài nhà “đạo đức” coi đó là Đức mẹ hiện ra, nói với họ một giọng dịu dàng nhưng minh bạch rằng, phải từ bỏ đất Cộng sản với bất cứ giá nào, mà tìm lánh sang vùng đất tự do, Đức mẹ sắp bỏ miền Bắc. (Trích dẫn tóm tắt Thập giá và Lưỡi gươm, Trần Tam Tỉnh, từ các trang 101-112)
Giám mục Lê Hữu Từ Nguồn chausonus.org
Sau này những khẩu hiệu có tính cách tuyên truyền này được nhóm Giao Điểm, ở hải ngoại rêu rao cùng khắp trên báo chí của họ.
(Còn tiếp)