I. DẪN NHẬP
Đức Phật dạy trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta), ngoài việc quán Thân, Thọ, Tâm, còn có phần quán Pháp. Quán Pháp là quán các đề mục: Năm Triền Cái, Năm Thủ Uẩn, Sáu Nội Ngoại Xứ, Bảy Giác Chi và Bốn Thánh Đế. Với nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm trong lúc tu tập, hành giả có cơ hội liễu tri tất cả mọi gốc độ, mọi khía cạnh của mỗi pháp. Mục đích là nhận ra tính chất vô thường, khổ, vô ngã, đồng thời cũng nhận ra tánh sinh diệt của ngũ uẩn. Từ sự nhận thức này hành giả tự mình buông bỏ mọi chấp trước, thoát khỏi phiền não bởi tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến... chuyển đổi nhận thức tâm phàm phu thành nhận thức tâm bậc Thánh. Bài viết vừa rồi, chúng tôi đã thông qua phần quán đề mục “Năm Triền Cái”. Quán Năm Triền Cái: Tham, Sân, Hôn Trầm, Trạo cử và Nghi ngờ để thấy rõ chúng là các loại pháp si ám gây phiền não trong đời sống hằng ngày, và là nguyên nhân khiến việc tu thiền của hành giả không thể thành tựu. Hôm nay, tiếp tục phần quán pháp, chúng tôi xin mạn phép trình bày đề tài “Quán Ngũ Thủ Uẩn trong kinh Tứ Niệm Xứ”.
II. KHÁI QUÁT VỀ “NGŨ UẨN”
Ngũ là năm. Uẩn là nhóm, là khối, là tổ hợp. Như vậy Ngũ uẩn có nghĩa là năm nhóm kết hợp thành đời sống một chúng sinh. Mỗi chúng sinh, tức mỗi con người nhìn chung có 2 phần: Vật chất và tinh thần. Phần vật chất gọi là thân. Phần tinh thần gọi là tâm. Thuật ngữ nhà Phật gọi thân là sắc, tâm là danh. Danh chia ra làm 4 phần đó là: Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Như vậy một người sẽ có năm phần: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức nên gọi là Ngũ uẩn.
- Sắc uẩn là thành phần vật chất tạo nên chúng sanh còn gọi là thân. Thân thì có đầu mình tay chân. Trên đầu có tóc, trên mặt có chân mày, mắt, tai, mũi, miệng... Đó là những thứ mà soi gương chúng ta có thể nhìn thấy được hình dáng màu sắc, có thể va chạm được. Bên trong thân thì có xương, cơ bắp, gân, bao tử, gan, phổi, thận, mật, lá lách, ruột non, ruột già, máu, mũ v.v... là những thứ được lớp da bên ngoài bao phủ.
- Danh uẩn là tâm. Tâm thì trừu tượng, không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không thể nếm. Tâm không nhìn thấy được, nhưng chúng ta biết có tâm qua sự biểu hiện của thân, như tâm buồn thì khuôn mặt chảy xệ nặng nề, hai mắt xụp xuống, tâm sân hận thì hai vành tai và khuôn mặt đỏ tấy, con ngươi của hai mắt nở to, trồng trắng mắt nổi gân đỏ li ti, tâm vui thì nét mặt rạng rở, môi luôn nở nụ cười v.v... Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn thuộc về tâm, nên được dọi là Danh uẩn.- Thọ uẩn là những cảm giác dễ chịu hay khó chịu hoặc là trung tính, tức không dễ chịu cũng không khó chịu. - Tưởng uẩn là thành phần kinh nghiệm, bao gồm hai khía cạnh: Nhận thức và hồi ức. Đó là sự hấp thụ về văn hóa, giáo dục, vốn liếng sống của mỗi cá nhân. - Hành uẩn là tất cả những phản ứng, hoạt động và tạo tác của tâm. Tâm có tới 52 tâm sở. Thọ là một tâm sở. Tưởng là một tâm sở. Mỗi tâm sở biểu lộ một tính chất, một trạng thái. 50 trạng thái tâm còn lại là Hành uẩn. - Thức uẩn là khả năng biết đối tượng thông qua 6 giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Khi 6 giác quan tiếp xúc với 6 đối tượng của nó là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thì trong tâm xuất hiện 6 loại nhận thức tương ưng là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Như vậy, bất kỳ một chúng sinh nào cũng có tối đa là 5 uẩn. Ngũ uẩn còn gọi là Ngũ thủ uẩn, trong Hán tạng có khi dịch là Ngũ ấm. Nhưng lúc nào gọi là Ngũ uẩn, lúc nào gọi là Ngũ ấm, và lúc nào gọi là Ngũ thủ uẩn?
Thí dụ như nói về Sắc, mình nói thân thể này là tôi, là của tôi, tức Sắc này là của tôi, không ai được phép nói năng xúc phạm đến. Như vậy cái Sắc thay vì “Sắc uẩn” thì nó lại là “Sắc thủ uẩn”. Thủ là bám chặt, giữ chặt, xem cái sắc là của mình.
Đối với Thọ cũng vậy, Thọ là cảm giác dễ chịu hay khó chịu. Khi chấp cảm giác đó là của mình thì “Thọ uẩn” đã biến thành “Thọ thủ uẩn”. Tưởng cũng thế, khi cho những kiến thức, những kinh nghiệm, những tư tưởng là của ta, của tôi, thì không còn là “Tưởng uẩn” mà trở thành “Tưởng thủ uẩn”. Hành và Thức cũng thế. Khi có sự dính mắc cho rằng Hành và Thức là của ta, của tôi, thì gọi là “Hành thủ uẩn, Thức thủ uẩn”.
Tóm lại, nếu mình chấp Ngũ uẩn là mình, của mình, thì đó là Ngũ thủ uẩn. Khi quan sát Ngũ uẩn không chấp Ngũ uẩn là mình, của mình, thì Ngũ uẩn chỉ đơn giản là Ngũ uẩn. Còn như trong lúc tu tập tọa thiền, tâm mình bị tán loạn, không nhận ra Ngũ uẩn, thì có nghĩa là nó ngăn che mình, khiến mình không nhận ra, thì trường hợp đó Ngũ uẩn gọi là Ngũ ấm. Ấm có nghĩa là khuất lấp, ngăn che.
III. THÀNH PHẦN VÀ NỘI DUNG CỦA NGŨ THỦ UẨN
1) Sắc uẩn: Là phần vật chất hay là phần thân thể của chúng sinh. Thân thể ban đầu được thành hình bởi một phôi thai, do tinh cha và trứng mẹ kết hợp trong thời gian trứng rụng của người mẹ. Phôi thai đó sống trong bụng mẹ trung bình khoảng 9 tháng, dần dần phát triển thành một em bé trai hoặc gái, đầy đủ danh sắc và được sanh ra đời. Em bé được nuôi dưỡng bằng sửa mẹ, lớn lên một chút thì được nuôi dưỡng bằng các loại thực phẩm thích hợp. Em bé lớn dần biết lật, biết bò, biết ngồi, biết đi, biết nhận diện và biết nói. Cơ thể bé nhỏ đó lớn dần theo thời gian, trở thành một thành viên nam hay nữ trong gia đình và xã hội. Mọi người không ai giống ai. Người có làn da trắng mịn màng, người có làn da đen mượt, người khác lại có nước da bánh mật, vàng hay đỏ, có người tóc đen, tóc vàng, tóc nâu, tóc xoắn quăn, tóc thẳng mềm mại. Có người cao, thấp, mập, ốm với nhiều hình thù vóc dáng khác nhau. Tất cả những cái đó được gọi chung là thân thể con người qua cái nhìn tục đế.
Theo cái nhìn của Đức Phật thì thân thể con người được thành hình bởi 4 yếu tố: Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại và Phong đại, tức đất, nước, lửa và gió. Tính chất của mỗi yếu tố được ghi nhận như sau:
1) Đất là yếu tố của sự bền chắc, cứng mềm, trơn nhám, co giản. Đất là nơi để mọi vật nương tựa vào. Những thứ được ví như đất trên cơ thể con người gồm có: Da, xương, răng, tóc, móng tay, cơ bắp v.v...
2) Đặc tính của nước là lỏng, dính hay rời rạc, được ví như máu, mũ, nước mắt, nước mũi, mồ hôi, nước tiểu ... trong cơ thể con người.
3) Lửa tức nói đến yếu tố hỏa có tính chất nóng hay ấm, ví như nhiệt độ nóng ấm trong cơ thể con người. Năng lượng nhiệt giúp tiêu hóa được thực phẩm, những khi nó yếu ớt ta có thể bị sình bụng hay đau bụng.
4) Tính chất của gió là di chuyển, lay động. Trong cơ thể con người có nhiều luồng gió. Khi chúng ta bị chứng ợ hơi, ho, nhảy mũi, là do luồng gió hay khí từ dưới bụng di chuyển lên. Các chất cặn bả từ trong ruột non, qua ruột già, xuống hậu môn, bị tống ra ngoài là nhờ sự vận động của gió trong đường ruột. Máu di chuyển khắp châu thân cũng do hoạt động của luồng khí. Nếu luồng khí này bị cản trở không được tự do lưu thông ở chỗ nào thì những cơ bắp liên hệ với chỗ đó bị tê cứng và đau nhức. Ngoài ra, hơi thở là luồng không khí chúng ta dễ nhận ra nhất, khi chúng ta hít vào và thở ra.
Bốn yếu tố này tồn tại khắp vũ trụ gọi là Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại và Phong đại.
2) Thọ uẩn: Thọ là những cảm giác nảy sinh trong tâm khi giác quan tiếp xúc đối tượng bên ngoài. Thọ có 3 dạng: Thọ khó chịu, Thọ dễ chịu, và Thọ xả không dễ chịu cũng không khó chịu. Kinh gọi là Khổ thọ, Lạc thọ và Bất khổ bất lạc thọ. Khổ thọ biểu hiện cảm giác buồn bực, khó chịu, giận hờn, ganh tỵ, lo lắng, sợ hãi... Cảm giác tiêu cực này sẽ dẫn đến tâm sân. Lạc thọ biểu hiện cảm giác tích cực như thích thú, hoan hỷ, an vui, hạnh phúc. Muốn kéo dài cảm giác hạnh phúc, hay niềm an vui thoải mái ở mãi bên mình sẽ dẫn đến tâm tham. Có một loại cảm giác khác vượt lên trên hai loại cảm giác này, đó là cảm giác thản nhiên, không bị vướng vào thiện duyên hay nghịch duyên, tức không vướng vào hạnh phúc hay khổ đau, gọi là Thọ xả. Thọ xả là trạng thái tâm bình thản đối với mọi hoàn cảnh sống, họ là người có tu tập và làm chủ được tâm cảm xúc của mình trước mọi tác động vui buồn, chứ không phải thản nhiên bởi họ là loại người vô tâm, bất chấp, thờ ơ hay ích kỷ!
3) Tưởng uẩn: Là tri giác, bao gồm tri giác suy nghĩ, tri giác hình dung, liên tưởng, tưởng tượng và phân biệt. Nói chung Tưởng uẩn là những kiến thức, những kinh nghiệm, những gì chúng ta đã từng học, biết qua và ghi nhận vào ký ức. Khi có điều kiện thì nó nhớ lại, nhận ra. Thường thì Tưởng có hai loại phản ứng, một là phản ứng đúng khi chúng ta suy luận đúng, hoặc phản ứng sai do chúng ta suy luận sai. Để có được các loại tri giác đúng chúng ta phải có những dữ liệu đúng.
Thí dụ, khi mình gặp một người nào đó, mình biết đây là ông A, đây là bà B. Mình biết, vì trước đây mình đã từng gặp họ, đã từng quen biết và hiểu đúng về họ. Bây giờ gặp lại mình nhớ tất cả những gì về họ thì đó là Tưởng uẩn. Còn nếu lần đầu tiên gặp mặt người lạ, mình không biết bất cứ một thông tin gì về người đó, như vậy mình không có kiến thức hay Tưởng về người đó. Nhưng ít ra mình cũng biết đây là con người. Nhận ra đây là con người thì đó chính là Tưởng. Hoặc phân biệt thế nào là con người, thế nào không phải là con người, đó cũng là Tưởng.
Trong đời sống hằng ngày con người rất cần đến Tưởng. Nếu không có Tưởng, mình sẽ không phân biệt được đây là cái nhà, đây là chiếc xe, đây là vợ, đây là chồng, đây là con, đây là bạn, người lớn, người nhỏ, ông chủ, nhân viên, không biết xưng hô như thế nào cho thích hợp...Thậm chí khi trò chuyện, những suy nghĩ trong đầu như thế nào để trình bày cho người ta hiểu ý mình muốn nói gì, thì đó cũng là Tưởng. Như vậy, Tưởng uẩn chính là một dạng kiến thức. Nếu không có Tưởng uẩn thì mình chỉ là một người khuyết tật, bị xem như một bệnh nhân về tâm thần, bởi mình không biết gì cả.
Trong vấn đề tu tập, chúng ta thường hay nghĩ Tưởng là một pháp bất thiện. Đó là vì chúng ta đánh đồng ý nghĩa của các từ “vọng tưởng” hay “tưởng tượng” giống nhau với “Tưởng”. Thật ra Tưởng uẩn hay vọng tưởng hoặc tưởng tượng, ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. “Tưởng uẩn” là kiến thức, là trí hiểu biết đáp ứng cho đời sống cần thiết của con người. “Vọng tưởng” là sự suy nghĩ miên man không chủ đích, hết chuyện này sang chuyện khác, từ chuyện quá khứ, đến hiện tại, hay vị lai không ngừng. Còn “tưởng tượng” là những suy nghĩ, vẻ vời, không đúng với thực tại. Thí dụ như thấy sợi dây cuộn tròn tưởng là con rắn chẳng hạn.
Người bị “vọng tưởng” hay “tưởng tượng” trong lúc thực hành thiền bị xem là đang “phóng dật” hay “trạo cử”. Phóng dật là tâm hướng đến chỗ này, hướng đến chỗ kia, nó suy nghĩ chuyện này chuyện kia liên miên không ngừng. Trạo cử cũng vậy, tâm luôn dao động vì suy nghĩ lung tung. Trường hợp này người ta hay dùng hình ảnh “tâm viên ý mã” để so sánh. Tâm dao động giống như con khỉ luôn chuyền từ cành cây này sang cành cây khác không dừng, như con ngựa đứt dây cương, chạy từ đường này sang đường khác không đứng yên một chỗ. Người tu thiền mà vọng tưởng cứ khởi lên hoài, sẽ không thể nào nhập định được, nên vọng tưởng hay trí tưởng tượng bị xem là các pháp bất thiện. Còn Tưởng uẩn chưa phải là pháp bất thiện hay pháp thiện, nó tùy thuộc theo cái tâm ngay lúc đó.
4) Hành uẩn: Là những hoạt động, những phản ứng hiện hữu hay vi tế của tâm gọi là tâm sở. Tâm có 52 tính chất tức 52 tâm sở, trừ tâm sở Thọ và tâm sở Tưởng. 50 tâm sở còn lại là Hành uẩn. 50 tính chất này có cả tính chất thiện như: Tín, Tỉnh giác, Tàm, Quí, Vô tham, Vô sân, Vô si, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Từ, Bi, Hỷ, Xả... Hoặc tính chất bất thiện như: Tham, Sân, Si, Hôn trầm, Hối tiếc, Giải đãi, Tán loạn, Kiêu mạn, Nghi ngờ, Tà kiến, Ganh tỵ, Tật đố, Vô tàm, Vô quí. Và có cả những tính chất chưa thiện cũng chưa bất thiện, mà nó tùy thuộc cái tâm nó đi theo như: Xúc, Thọ, Tri giác, Chú tâm, Tác ý, Nỗ lực v.v...
Các hoạt động tâm tư đó làm cho tâm không bao giờ ngừng nghỉ. Nó hoạt động liên tục, ngay cả trong lúc chúng ta ngủ hay thức.
5) Thức uẩn: Khả năng nhận biết đối tượng đơn thuần thông qua 6 giác quan. Sáu giác quan đó là: Mắt, tai mũi, lưỡi, thân và ý còn gọi là Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn. Sáu căn có sáu đối tượng khi nó tiếp xúc là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Để biết được các đối tượng này thì có 6 Thức tương ưng khởi lên là: Nhãn thức, Nhỉ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Những Thức này chỉ biết đối tượng một cách đơn thuần thôi. Chẳng hạn Nhãn thức chỉ biết hình ảnh, nó chưa biết được đây là con người, con vật hay cây cảnh, những cái biết như vậy thuộc về Tưởng uẩn. Tương tự âm thanh cũng vậy. Khi có âm thanh khởi lên, Nhĩ thức chỉ biết đây là âm thanh. Còn biết được âm thanh này là tiếng người nói, âm thanh này là tiếng kêu của máy lạnh hay là tiếng kêu của con dế, con mèo ... đó là do Tưởng uẩn phân biệt và biết. Khi mũi ngửi mùi, thì Tỷ thức chỉ biết đây là mùi. Còn biết đây là mùi thơm của thức ăn, mùi tanh của thịt cá hay mùi thơm của hoa lan, hoa hồng... phân biệt được như vậy là do Tưởng uẩn. Khi lưỡi nếm vị, thì Thiệt thức chỉ biết đây là vị, chưa biết đây là vị gì. Để biết được đây là vị cay, đắng, chua, béo, ngọt, bùi, mặn, chát v.v... thì đó là trách nhiệm của Tưởng uẩn. Hay khi xúc chạm, Thân thức chỉ biết có cảm giác trên thân. Còn phân biệt ra đây là nóng, lạnh, cứng, mềm, đau, nhức ... là do Tưởng uẩn biết. Cũng vậy khi tâm có một trạng thái, một tính chất, một hoạt động nào đó, Ý thức nó nhận biết. Còn khi phân biệt rõ tâm là đang buồn, đang sân, đang tham, đang hôn trầm, đang hoài nghi, đây là chánh niệm, đây là niềm tin... là do Tưởng uẩn phân biệt và nhận ra.
Như vậy Thức uẩn chỉ biết 6 loại đối tượng là: Sắc, hương, thanh, vị, xúc, pháp chứ nó chưa phân biệt, chưa biết rõ tên gọi, chưa nhận diện tính chất của những đối tượng này như thế nào. Sự phân biệt, nhận biết đó là việc làm của Tưởng uẩn. Tuy nhiên trên mặt thực tế, khi mình nhìn một đối tượng, là mình biết ngay đó là cái gì liền, nên Tưởng và Thức đi kèm với nhau, mà ngay cả Thọ và Hành cũng đi kèm với nhau nữa. Bởi vì khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, thì mình sẽ nhận diện ngay đối tượng và sẽ có cảm giác là dể chịu hay khó chịu hoặc không dễ chịu không khó chịu. Trong tâm có liền những phản ứng liên quan đến đối tượng thì đó là Hành.
Như vậy khi mắt tiếp xúc với đối tượng bên ngoài, thì Sắc khởi lên, ngay lập tức có Thọ, có Tưởng, có Hành, có Thức đi kèm liền. Mặc dù theo lý luận thì nói cái này có trước, cái kia mới sinh khởi, nhưng thực ra khi có một uẩn sanh ra, thì nhanh như điện chớp, bốn uẩn kia sanh theo liền ngay khi đó, có nghĩa là bốn uẩn thọ, tưởng, hành, thức luôn đi chung một cách bất khả ly, nên nói Ngũ uẩn luôn luôn có mặt là vậy!
IV. “QUÁN NGŨ UẨN” TRONG KINH TỨ NIỆM XỨ
Vì ngũ uẩn mang tính tổ hợp bởi nhiều yếu tố, cho nên chúng không thường hằng, không tồn tại mãi với thời gian. Do vậy mỗi người đều phải trải qua giai đoạn sanh, già, bệnh, chết. Để làm chủ được các phản ứng của tâm, khi vô thường xảy ra đối với cơ thể chúng ta, hay đến với người thân của chúng ta, thì ngay bây giờ chúng ta cần làm quen với quy luật “sinh-trụ-hoại-diệt”, cần có “nhận thức đúng đắn về ngũ uẩn”. Nếu không, thì cái nhìn lệch lạc sẽ khiến chúng ta luôn sống trong phiền não khổ đau.
Trong việc thực tập quán Ngũ Thủ Uẩn. Đức Phật dạy hành giả phải tư duy về các uẩn: “Đây là Sắc, đây là Sắc tập, đây là Sắc diệt. Đây là Thọ, đây là Thọ tập, đây là Thọ diệt. Đây là Tưởng, đây là Tưởng tập, đây là Tưởng diệt. Đây là Hành, đây là Hành tập, đây là Hành diệt. Đây là Thức, đây là Thức tập, đây là Thức diệt...”. Nghĩa là hành giả phải tư duy biết rõ cái gì là Sắc, cái gì là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Quan sát khi Ngũ uẩn có mặt, tồn tại và đoạn diệt như thế nào.
Thiền Tứ Niệm Xứ dạy hành giả lấy Hơi Thở làm đề mục để thực tập. Biết rõ khi hơi thở vào từ mũi xuống ngực xuống đan điền. Tự ngưng một chút rồi thở ra, hơi thở bắt đầu từ đan điền, lên lồng ngực, qua hai lỗ mũi rồi ra ngoài. Hơi thở ra vô là do sự chuyển động của gió. Ngay chỗ này phong đại có mặt. Khi gió chuyển động như vậy thì có sự xúc chạm tạo cảm giác nóng hoặc lạnh nơi mũi. Cảm giác nóng lạnh đó chính là hỏa đại. Rồi khi thân đang ngồi thiền, biết thân cứng hay mềm, lạnh hay ấm, đó là địa đại. Vậy quan sát hơi thở hành giả nhận ra được tứ đại, tức nhận diện được Sắc uẩn.
Trong lúc thực hành chủ đề Hơi thở, nếu tai nghe âm thanh, mình biết đây là âm thanh, đó là cái biết của Thức uẩn. Nếu biết âm thanh đó của con chó hay con mèo, thì đó là Tưởng uẩn có mặt. Khi âm thanh khiến cho mình khó chịu hay dễ chịu, đó là Thọ uẩn có mặt, hoặc là buồn ngủ, hay có sự nghi ngờ, hoặc chú tâm chỗ này chỗ kia, thì đó là Hành uẩn.
Vậy trong lúc ngồi thiền, hành giả quan sát được cả Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Và khi quan sát Ngũ uẩn, hành giả thấy rằng năm uẩn này nó tự vận hành theo quy luật, theo cái cách của nó, chứ không có cái tôi, cái ta nào điều khiển nó cả!
V. LỜI KẾT
Nhận diện được Ngũ uẩn khởi sanh chính là quán Pháp. Thấy được mối liên hệ của các uẩn với nhau, đó là quán Pháp. Thấy được một uẩn khởi lên thì bốn uẩn kia khởi lên đồng thời với nhau thì đó là quán Pháp. Nhưng quán Pháp không phải chỉ đơn thuần quán sự có mặt của từng uẩn hay toàn bộ Ngũ uẩn, mà sâu sắc hơn là hành giả thấy được tánh Vô thường, Bất như ý, Vô ngã và sanh-diệt của Ngũ uẩn như lời Đức Phật dạy trong kinh “... Vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp, hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp, hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp”. Đó mới chính là mục tiêu của thiền Tứ Niệm Xứ.
Lời nhắn nhủ cuối bài học quán Ngũ thủ Uẩn, Đức Phật dạy rằng: “Có những pháp ở đây” vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng tới chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp với năm thủ uẩn” . Thẩm thấu lời dạy của Đức Phật, sau thời gian kiên trì tu tập, hành giả nhận ra bản thể của Ngũ uẩn không thực chất tánh, nó vô thường, biến dịch, vô ngã. Nó chịu quy luật của Sinh-Trụ-Hoại-Diệt như tất cả mọi hiện tượng thế gian. Theo giáo lý Duyên khởi của nhà Phật, tất cả các pháp hữu vi, tức những pháp có điều kiện, hễ có sinh thì có diệt. Chính vì vậy, một hành giả có tuệ giác về tánh sanh-diệt sẽ không còn vướng mắc với bất cứ vật gì ở trên thế gian này, ngay cả không còn “chấp trước Ngũ uẩn này là ta, của ta hay tự ngã của ta”, hành giả sẽ thoát được sự phiền não khổ đau ở kiếp sống hiện tại.... Tiếp tục tu hành buông bỏ mười kiết sử vi tế, chứng quả vị A-la-hán, vị ấy trở thành một bậc vô sanh, bất tử. Việc cần làm đã làm xong, vị ấy thoát khỏi Tam giới an trú Niết-bàn. Chúng tôi tạm ngưng bài viết “Quán Ngũ Thủ Uẩn” tại đây. Kính chúc quý thiền sinh, quý độc giả hữu duyên thành tựu pháp tu đã chọn của mình. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật./.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(20/3/2025, An cư tại Thiền Viện Chân Như Navasota, TX)