Một chuyến đi
Tính đến nay đã hơn HAI tháng, phần do sức khoẻ, phần do trí nhớ cũng không được tốt lắm. Nhưng tôi vẫn cố viết mấy giòng này, goị là kỷ niệm một chuyến đi, đi thăm thân hữu đồng môn Gặp mấy học trò cũ, cũng như cho biết cảnh trời Tây: Anh, Pháp, Bỉ và Lục Xâm Bảo.
Trước ngày đi khoảng 2 tháng, có email cho các bạn, nghĩ rằng để được tự nhiên và cũng là bớt những bận rộn cho nhau, vì ai cũng ngoại thất tuần, nhất là ở xứ Tây bây giờ, nên tôi có nói rõ sẽ ở Montpellier, cũng như ở Bruxelles, ở London trong những ngày đó và sẽ lại thăm các Bạn, thế là tôi nhận đươc hồi âm ngay:
-Anh Đinh văn Cẩm cho biết: “chúng tôi sẽ ra đón Anh ở gare Montpellier rồi đưa về Tệ-xá. Anh đi một mình hay có ai theo, nhà tôi có hai phòng trống đấy nhá”
-Ở Bỉ, Chị Trần thanh Mỹ, phu nhân của ông Bạn Trịnh quang Lừng cũng báo: “ Nhà tôi sẽ đích thân ra đón Anh tai gare Kortrijk, khoảng cách chừng 10 km thôi“
-Ở London, anh Vũ Khánh Thành cũng kỹ lưỡng dặn rằng: ”Đến London anh nhớ gọi cho tôi, nếu Số mob... không được thì gọi số này...”
-Thu-Cúc, học sinh cũ TT Xuyên, hiện ở bên Na-Uy cũng gửi email: “Thưa Thày, Thày đã sang Châu âu, thì thày cố qua Na-Uy cho biết, em sẽ book khách sạn và ngày đến đưa Thày đi xem các thắng cảnh. Nếu không em sẽ bay sang Paris để được gặp Thày.”
Ngày hôm sau Cúc còn cẫn thận, chu đáo hỏi thêm: ”Sang Paris, Thày có cần, em nhờ người quen đưa đi thăm tháp Eiffel và các nơi.”
Tôi cảm động, trả lời ngay:” Cám ơn Cúc, Thày đi với Quyền, con trai thứ Ba, em đã sang Pháp và Châu Âu vào những dịp hè Cúc cứ yên tâm.”
Riêng, Minh Khai học trò nhỏ Công thanh trước 75, hiện ở Luxembourg, tôi không trực tiếp dạy không biết mặt, cũng gửi email:
“Thày ơi, xin Thày cứ coi chúng con như con cháu trong nhà, mời Thày nghỉ tại nhà con vài ngày, vợ chồng con sẽ lái xe đưa Thày sang Bỉ và nhân tiện Thày ghé thăm vùng biên giới Đức luôn, đường đi khoảng 2 tiếng lái xe thôi, tiện lắm Thày ạ “
Thế là chương trình của tôi theo hướng chung của các Bạn và cả học trò, nên phải sắp xếp cho con tôi mua vé và book khách sạn ở Paris.
Chuyến bay Air Canada từ ST John’s, Newfoundland trưa ngày 20/9 qua Montreal, dừng 4 tiếng rồi bay tiếp trong đêm, sáng 21 /9 tới phi trường Charles de Gaulle lúc 8 giờ 15, sau đó chờ chuyến xe lửa tốc hành đi Montpellier.
Con tàu rời Gare Paris rồi lướt nhanh, bỏ lại hai bên đường những thị trấn nhỏ, những nông trại và đồng cỏ thanh bình của miền Nam nước Pháp, từng ga, rồi từng ga, chợt đến gare Lyon, cái tên quen thuộc, khiến tôi nhớ mang máng lời ca “Gare Lyon đèn vàng...”
2 giờ 02 phút, tàu đến Montpellier, ra khỏi toa xe, tôi còn đang loay hoăy với hành lý thì gặp Chị Cẩm: ”May quá, hôm nay mà không gặp Anh và cháu chắc Anh Cẩm giết tôi”. Rồi Chị cười nói tiếp:
”tại không hỏi số toa mà chỉ hỏi giờ tàu đến”. Tôi phải nói ngay:
“Đó là lỗi tại tôi, dân đi xe lửa lần đầu trên đât Pháp. Không nói rõ ràng, đâu phải tại Chị”.
Rồi cùng cười và đi về phía bạn tôi đứng cách đó chừng 10 mét. Đúng là qua bao ghềnh thác của cuộc đời, nhất là những tháng năm trong lao tù của cộng sản... Bạn tôi trông bé hẵn đi, có hơi yếu, nhưng phong cách vẫn còn như cũ, với nụ cười tươi và hiền hậu.
Tới cổng nhà Anh tôi hơi sững lại, vì quang cảnh trông giống nhà Bà ngoại của Nhà tôi, ở đường Đinh Tiên Hoàng Đakao Sàigòn, có điều tường nhà Anh màu vôi vàng còn mới hơn, mái ngói thẫm hơn, rồi khóm trúc bên cổng, hàng hoa ven lối đi, mấy chậu cảnh trước tiền đình, tuy đơn sơ nhưng mang nét cổ kính. Anh Cẩm đưa tôi lên căn phòng trên lầu, có cửa sổ nhìn ra vườn cây trái, còn Chị hướng dẫn con tôi đến phòng phía cầu thang. Quá là chu đáo, thân thương.
Tôi theo Anh Chị Cẩm xuống nhà
và ra phía sau, có hậu hoa viên, giải khát. Nhìn những cành uốn nắn tôi
khen đẹp, thế là chị Cẩm nói luôn:“ Vậy mà quay đi quay lại, Anh Cẩm
đã cắt một cành.” Anh chỉ cười cười, thủng thẳng nói:
“Cắt cành nhỏ cho thoáng và uốn cành kẹp hơn”.
Sáu, Bảy năm liền, chăm bón và uốn nắn các cành cho cây Táo phát triển theo dạng hình -Hình vuông-như ý muốn thì đủ biết sự kiên nhẫn dường nào cùng với cái lạc thú của nghệ nhân, quả thật không ngờ, ông Bạn ạ!
Cơm chiều xong chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện ngày xưa đến gần 11 giờ đi nghỉ. Sáng hôm sau điểm tâm xong, chúng tôi ra phố tản bộ hai vòng ở khu Place de la Comedie, lấy vé theo tour, nhờ thế mới tận mặt được ngắm Gate Montpellier cổ kính xây từ năm 1691, nhìn tượng đài kỷ niệm sừng sững trên ngọn đồi.
Ngày 23/9 đi thăm Palavas beach và Monguelone beach, có xe bus tiện đường, chỉ 20 phút thôi. Điểm du lịch đông vui, hotel trải dài hướng ra biển. Restaurant lớn nhỏ, có Casino cho những ai sẵn máu đỏ đen, hay dư tiền muốn nhờ sòng bài giữ giùm. Cũng đảo một vòng, rồi tôi thả bộ theo bãi cát dài thở hít không khí của miền Địa Trung Hải, vì nơi tôi ở gió và nước biển Đại Tây Dương khá lạnh.Tôi thấy tiếc vì không có bạn cùng đi cho vui, vẫn biết anh hơi yếu.
Thật không ngờ, sau 37 năm còn được gặp nhau và cũng rất vui khi thấy Bạn tôi có một cuộc sống an lành. Các cháu đã thành đạt, riêng vợ chồng con trai thứ ở xa Anh Chị, vì đều làm việc ở Hồng Kông. Nhìn những tấm hình kháu khỉnh dễ thương và qua lời kể của Chị về cháu nội cũng như cháu ngoại, tôi thấy các cháu thể hiện sự thông minh, đó là ước mơ và kỳ vọng của các Bậc Ông Bà cũng như hàng Cha mẹ.
Sáng ngày 25/9, tôi trở lại Paris, tàu từ phía Marseille vừa tới, bắt tay từ giã ... Cảnh chia ly nào cũng thường có những lưu luyến, nhưng hôm đó tôi thấy xúc động nhiều, vì nhìn cảnh Anh Cẩm đưa tay dắt Chị bước đi, nhưng Chị vẫn còn ngoái lại ngước lên tàu, vừa lúc tiếng còi tàu chuyển bánh. Cũng như Anh Chị Trịnh quang Lừng và Trần Thanh Mỹ ở gare Kortrijk Bruxelles, tôi đã lên tàu nhưng cố quay chụp tấm hình, thì cả hai người đều khoác tay giục tôi vào ghế, khi đã tạm yên vị, nhìn ra thấy hai bạn vẫn còn đứng đó. Con tàu chầm chậm rời ga, Chị Mỹ thân tình vẫy tay đưa tiễn, các chị có điểm giống nhau như thế. Tôi muốn nói lời chân thành cảm tạ và nghĩ rằng Anh Cẩm Anh Lừng còn diễm phúc hơn tôi.
Xế trưa 25/9, tớí Paris vào khách sạn nghỉ chừng một tiếng, rồi đi thăm Khải Hoàn Môn.
Do nhiều xe của 12 con đường từ bốn phía hướng về, nhất là đại lộ Champs Elysée, rồi chạy theo đường vòng quanh Khải Hoàn Môn ở giữa, nên khách du lịch tham quan, nếu muốn tới sát để biết những chi tiết ghi trên tường, thời gian xây dựng, hay bước lên hết 46 bậc tớí terrasse mục kích bức tranh toàn cảnh Paris, mà ông Seine gần nhất thì phải qua 1 trong 2 nderpasses ở Champs Elysées và Avenue de la Grande Armée. Nhìn các xe cứ lần lượt chạy vòng rồi tùy theo hướng đường muốn tới để ra dấu quẹo phải, cũng thấy một sự nhịp nhàng, một cảnh giao thông đẹp mắt. Mười Hai con đường từ BỐN phía qui về, tưởng như Khải Hoàn Môn là một vì sao đang tỏa sáng.
Khải Hòan Môn và Gate Montpellier thóang
nhìn có nét giống nhau về kiến trúc, nhưng có lẽ Khải Hoàn Môn xây dựng sau, lại
ở vị trí của thủ đô nên trông bề thế hơn và cũng nổi tiếng hơn. Sau
đó chúng tôi tiếp tục tới cung điện Versailles, cũng chỉ
lướt lướt như cỡi ngựa xem hoa, vì thời gian có hạn, dầu vậy cũng
cố chụp mấy tấm hình cảnh Hoàng cung, tượng vua Louis 14,
rồi tới Bảo
Tàng Louvre nổi tiếng với những bảo vật, không phải chỉ riêng
của Pháp quốc, mà còn là Tặng phẩm qua Ngoại giao, cũng như Chiến lợi
phẩm mang về theo những chiến thắng của các vua chúa Pháp từ xưa; khá
nhiều hình tượng Ai cập những ghi dấu của Mỹ thuật và của nền Văn minh
Cổ.
Sáng ngày
26, đến Quận 13 Paris theo
lời mời của Thu-Cúc, cô học
trò TT
Xuyên nhanh nhẩu ngày xưa, thấy tôi đã nói một hơi:
“Thày ơi, mừng quá, em tưởng là không sang được, hôm qua bên Na-uy đình
công gì đó, chuyến bay bị cancel, em ở luôn tại phi trường ăn vạ nó, bắt
nó phải xếp cho đi chuyến này, may mà được, vui quá, Thày có khoẻ
không? Thày đã thăm được những đâu rồi? “
Sau đó Cúc mời đi ăn phở ở quán Việt-nam gần đó, kế đến thăm tháp Eiffel và một vòng trên sông Seine, cũng là dip kiểm chứng lại những lời ca ngợi trước đây, vì có vài ông bạn đi về đã phát biểu: ”Sông Seine cũng vậy thôi, các Bố ấy cứ thi vị hóa!”. Tôi cố chụp mấy tấm hình, có gửi Chị Thu (gs Lê Tiến Đat + Lê Thu ) và nhận được Hồi âm rât ư là thi vị: “Các tài tử khá lắm, cảnh đẹp, xếp hạng A,”.
Tưởng cũng xứng công Thày trò, Bố con tôi có lúc dưới những hạt mưa và trên sông Seine lúc bấy giờ hơi lành lạnh. Hết một vòng, lên bờ vào quán giải khát vừa tránh mưa, vừa có dịp cho Thu Cúc kể chuyện ở Na-Uy hồi mới tới.
Chúng tôi tiếp tục tới Notre Dame, nhà thờ Đức Bà, nhìn cảnh lại nhớ tới Hai ngọn Tháp cao chót vót của Thánh đường trước Bưu Điện Saìgòn yêu dấu và nhớ tới bức Ảnh tuyệt đẹp của Nhiếp Ảnh gia nổi tiếng Cao Đàm ghi nhanh cảnh Cụ Bà, một tay ôm bó hoa, một tay vịn Cụ ông cùng bước vào nhà thờ chiều thứ Bảy trước 75, bức Ảnh có tên là HẠNH-PHÚC. Hôm nay thực có được cảnh này? Sàigòn sao nhớ mãi, thương thay! Ngày hôm sau, thày trò tôi tiếp tục một vòng mấy phố quận 13 rồi chia tay để chúng tôi sắp xếp sang Bỉ và Thu Cúc xuống phố Tàu mua đồ ăn Á châu đem về Na-uy, vì bên đó có nhưng mà mắc mỏ lắm.
Sáng 28/9 ra gare theo chuyến xe lửa tốc hành Liên Châu Âu đi Luxembourg, 11 g30 tớí nơi, Minh Khai đã đứng đón tôi:
“Thưa Thày, con là Minh khai, học trò Công Thanh, tôi ngắt lời:
”Các em đã gửi hình cho Thày coi trước, nên nhận ra ngay. Các em khoẻ cả chứ?.”
"Thưa Thày, Anh Hùng (chồng Minh Khai) đem xe gửi ngoài kia, bảo con đứng đây đón Thày, anh sẽ lại chào Thày".
Rồi Mihh Khai quay sang con tôi, tôi
giới thiệu:
"Em Quyền, con trai thứ ba của Thày". Hùng đến giành kéo cái xách tay cho tôi, rồi cùng qua mấy phố chính đẹp, rất sạch sẽ, mang nét cổ kính của Châu âu.
Luxembourg là một quốc gia nhỏ ở Tây âu, phía Bắc và tây giáp Bỉ, Nam giáp Pháp, còn đông có Đức kè bên, theo chế độ Quân chủ lập hiến, dân số chưa đến 1 triệu người, có 3 ngôn ngữ: Pháp, Đức, Luxembourg, nhưng có nền kinh tế mạnh, thu nhập bình quân đầu người rất cao, 81.000 usd/người/năm, đời sống ổn định thanh bình.
Ăn trưa luôn ngoài phố rồi về nhà, Minh Khai
nói: "trước nhà con Thày sẽ thấy đúng là nhà VN".
Thật vậy, giống như cảnh dãy phố mặt tiền có lầu đúc, sạch sẽ, gọn gàng, có 1 phòng rộng giành cho Minh- Hiếu, con gái đang học lớp 10, rất lễ phép khi đi học về khoanh tay chào tôi, một điều hơi ít thấy trong các gia đình VN ở xứ Tây này. Trong bữa cơm chiều, Minh Khai gần như chỉ nói chuyện quên cả ăn, tôi phải nhắc. Một điều làm tôi suy nghĩ, cũng giống như Thu-Cúc đã kể, hồi mới đến Na-Uy, quá vất vả, không biết tiếng nói, không người thân quen, Thu Cúc, Minh Khai khóc hoài. Nhưng rồi phải cố gắng, lại được người địa phương giúp đỡ nên dần dần vượt qua và đã khá ổn định. Tôi nhớ trong lúc ngồi tránh mưa tại quán giải khát, Cúc kể rằng: ”Hôm ấy, em ra ngoài phố, ăn mặc như bình thường và ngơ ngơ ngác ngác, cảnh nào cũng muốn nhìn, lại chân mang dép trong khi ngoài trời hơi lạnh, thấy một bà Tây cứ nhìn em, nhưng có vẻ tử tế, em gật đầu chào, vì có biết tiếng nói đâu, Bà ta cũng tươi mặt và gật lại, rồi cũng đi thôi. Nhưng chỉ môt lát sau đó, có xe police chạy tới, chớp đèn rồi đậu sát đường trước mặt em, em cũng lại nhìn và thấy bà Tây lúc nãy bước ra, bấy giờ hơi sợ nhưng như hiễu ý, bà tây cười cười, chỉ vào đôi dép của em rồi chỉ sang đôi giày của bà ta, cùng áo ấm bà đang mặc. Thế là họ ra dấu bảo em lên xe, rồi cùng đến tiệm mua cho em giày mùa đông, áo ấm. Thày biết không lúc đó, em muốn khóc được. Đưa em về nhà, có ghi cả tên và địa chỉ của Bà ta, rồi thỉnh thoảng bà ta lại thăm, thế là em có dịp nghe và tập nói tiếng Na Uy. Bà ấy giới thiệu em đến làm công việc trong nhà cho môt người bạn, lại được trả lương cao, rồi người này dẫn đến người kia, em làm mệt nghỉ thầy ạ. Mãi sau này biết là khi thấy em trong hoàn cảnh đó, bà tây gọi cho police bảo rằng ”có một phụ nữ Á châu đang đi ngoài phố mà quần áo không đủ âm trong khi trời lạnh,vậy phải giúp đỡ người ta”.
Nhưng bây giờ, có những người từ các nơi đến còn làm ẩu, nên họ không quí người VN như trước nữa, biết nói sao?
Ăn cơm xong, Minh Khai lên lầu gọi cho Đỗ ngọc Lệ, bạn cùng lớp ở Công-thanh trước 75, hiện đang ở Houston báo tin. Các em nầy tôi đều không nhớ, không biết mặt, nhưng qua email chia buồn khi nhà tôi mất năm 2011, thế rồi thày trò có dịp liên lạc và nay tôi gặp Minh Khai, rồi do đó gặp Ngọc- Lệ trên internet tại nhà Khai, Luxembourg, thật đáng ghi nhớ và cám ơn những học trò coi như nhỏ nhất của tôi, học trò Trung học Công- Thanh năm nào.
Sáng ngày 28/9, trên đường sang Bỉ, vợ chông
Minh Khai-Hùng lái xe đưa chúng
tôi ngắm cảnh vườn nho Luxembourg và qua cầu sang thăm một vùng ngoại ô
của Đức, đi lại tự nhiên, tất cả cho thấy cảnh thanh bình thịnh
vượng, sau đó trở về mua vé theo tour để du ngoạn một vòng trên sông
biên giới Đức Luxembourg, mặt nước trong xanh, phẳng lặng, nổi bật
những chú thiên nga như đang lờ lững chờ bầy.
Gần tới Bruxelles, thủ đô của Bỉ,
bạn tôi đã gọi: ”Ông Quýnh ơi, tới đâu rồi? “ thì vừa lúc gặp khúc
đường đang sửa chữa, từ 3 lane chuyển dần
vào 1. Nửa giờ sau, phone tay lại reng, tôi phải giải
thích cho bạn tôi rõ để yên tâm. Đến Bruxelles đã là 3
giờ chiều, phải dừng
lại nghỉ ăn trưa, rồi Minh Khai muốn chụp
hình, ngắm
cảnh Vương quốc Bỉ cũng nhỏ thôi,
nếu so với Pháp, dân số khoảng 10,7 triệu nhưng có 3 ngôn ngữ chính do sắc dân: khu nói tiếng Pháp, khu nói tiếng Hà Lan, một
cộng đồng nhỏ nói tiếng Đức. Riêng
Bruxelles, thủ đô thì nói hai thứ tiếng Pháp-HàLan, còn tiếng Đức,
cũng được thông dụng, nhất là tiếng Anh, vì Bruxelles sau thế chiến
đã là trung tâm chính của các Tổ chức chính trị thế giới, có
Tổng
hành dinh của North Atlantic Treaty Organization, với cái tên viết tắt:
NATO, cũng khá vui vui.
Rời Bruxelles, theo hướng Tây bắc đi Kortrijk nơi bạn tôi ở. Ngoài cái vui gặp chúng tôi, bạn cũ thời còn đi học, Anh Chị Lừng nhất là Chị tỏ ra rất quí những học trò xưa còn nặng nghĩa tình, nên câu chuyện thêm dài và các em ở lại dự tiệc vui tới gần 10 giờ mới về Luxembourg
Sáng 30/9, cậu con trai út chở phái đoàn đến nhà vợ chồng Trưởng nữ của Anh Chị, cặp này
đều là “Nghè“ cả, mà lại giỏi và đẹp nữa, rồi cùng dạo phố ăn
trưa, sau đi thăm Atomium rồi cũng tới
Bruxelles. Đặc biệt Bruxelles có 2 tượng toàn thân, ở hai vị trí, một
Nam đứng, một Nữ ngồi đang “Pee” kèm theo truyền thuyết và hiện có
365 Bộ quần áo, theo sắc phục của các Vùng, các Quốc gia trên thế
giới, mỗi ngày thay MỘT BỘ cho tượng Nam, Tôi đã đến HAI lần (trưa 29
và chiều 30) nhưng không gặp đúng ngày có BỘ KHĂN
ĐỐNG ÁO DÀI! và cũng phải vất
vả lắm mới chụp được tấm hình đặc biệt này. Có lẽ do ngôn ngữ và
sự phân vùng, với ít nhiều khác biệt nên Bạn tôi nói:
"Ở Canada hay ở Mỹ có nhiều điều kiện phát triển, tiến thân hơn, có tương lai hơn".
Tôi đã định trả lời, Các cháu ở đây đều thành đạt, cuộc sống ổn định, vững vàng, thăng hoa thấy rõ. Với 5 con; trai, gái, rể mà 1 kỹ sư, 1 dược sĩ, 3 bác sỹ; lại là bác sĩ giỏi, phải chăng ông thấy tôi và một số bạn ở Canada, còn đa số kể cả bào đệ của ông đều ở xứ Cờ hoa nên ông khiêm nhượng thế?
Sáng 01/10, tạm biệt tôi trở lại Paris để ngày 02 sang London, theo ngả đường hầm qua biển Manche, cảnh mà tôi từng mơ ước khi còn trong nước, thời đi học. Tới London vui, nhưng cũng hơi bị mệt, lại gặp mưa chiều nên nghỉ trong khách sạn và cũng không phone được cho Anh Vũ khánh Thành như chương trình đã định. Và Thành cũng đã kỹ lưỡng dặn là: "Đến London anh nhớ gọi cho tôi theo theo số mob., nếu không được thì số này..”
Để cho con tôi yên tâm, tôi cố ra phố
ăn chút ít và uống mấy viên thuốc cảm để sáng mai theo Golden Tours
London đã book trước đi thăm Buckingham Palace và Windsor cổ kính vàng son. Theo hướng dẫn
viên cũng khá mỏi chân, nhất là khi lên ngắm cảnh Oxford, Viện Đại học
lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh, giảng dạy từ năm 1096 và phát triển mạnh từ 1167, đã đào tạo nhiều nhân tài cho
Anh quốc
và cho
cả thế giới nữa.
Kế tiếp là đến Stonehenge, một kỳ quan của thế giới, theo các nhà quan sát thì Stonehenge đã có khoảng 2500 năm trước và mới đây trên TV tháng 11 có phim chiếu về Stonehenge được thêm ít tiết mục rất hấp dẫn.
Chiều ngày 5/10, nhận được tin buồn từ VN cho biết ông Anh tôi đã qua đời, thế là sửa soạn về Canada theo chuyến bay thẳng từ London tới ST John’s, Newfoundland. Mặc dầu ngày cuối của cuộc viễn du có tin buồn, lại không gặp Anh Chị Vũ Khánh Thành, nhưng cũng đã thăm được những nơi từng ao ước, thăm các thân hữu đồng môn sau 37 năm xa cách cũng như gặp những học trò cũ tràn đầy tình nghĩa và thực hiện được mong muốn của các con tôi, nên nói chung khá vui và toại nguyện.
St. John’s, ngày 20 /12/ 2012
Phạm ngoc Quýnh