THƯA CÔ LẦN CUỐI
Tết Giáp Ngọ 2014 với em không phải là một cái Tết vui, chẳng phải vì như Huỳnh Phước Minh (8/8) đã viết trong E mail gởi bạn đầu năm :
“…Hình như khi bắt đầu (hoặc đã) già, ngày Tết không còn vui như thời còn trẻ...”
Mà vì ngày mùng hai Tết, sáng thứ bảy ở Mỹ, em dậy sớm sau khi gọi điện thoại về thăm Mẹ ở Việt Nam, ngồi vào bàn đọc E mail, em nhận được tin Cô vĩnh viễn ra đi sáng sớm ngày mùng một Tết.
Đầu óc em chợt trắng xóa, chỉ còn hình ảnh của cô trên bục giảng Ngô Quyền xưa với tà áo dài màu xanh rêu hay tím nhạt. Có lần vui miệng, Cô nói với tụi em:
- Mặc áo dài một màu, tôi thấy mình gần với thời đi học hơn. Thời bằng tuổi các em, tôi chỉ mong làm người lớn để được mặc áo dài màu. Đến lúc lớn rồi, mới thấy thời còn được mặc áo dài trắng là thời đẹp nhất của đời người.
Học trò con gái ngây thơ, không những chỉ học được từ Cô những bài học Anh văn vở lòng trong "English for Today" quyển I mà còn học được từ Cô nhiều điều quý giá mà em nhớ nhất là :
"Làm việc gì nếu đặt cả đầu óc và tâm hồn vào thì kết quả sẽ tốt đẹp như mong ước" .
Khi khuyên điều đó, Cô nhìn vào mắt một vài bạn trong lớp bị điểm kém môn Anh Văn, nhưng cả lớp đều nghe thấy. Riêng em, từ đó em đặt cả tâm hồn và đầu óc mình vào bất cứ việc gì từ nhỏ đến lớn. Và Cô ơi, mỗi kết quả của công việc trong đời, khi nhận được lời khen của ai, em cũng thầm cảm ơn Cô về những lời khuyên năm xưa.
Niên học 74-75 chấm dứt tức tưởi cùng vận nước, tụi em chưa kịp thi đệ nhị lục cá nguyệt, và Cô chưa kịp thấy kết quả thi Anh văn tốt đẹp hơn, vì học trò đã theo lời khuyên của Cô, đặt hết đầu óc và tâm hồn vào việc học. Lúc đó, tụi em không hề biết Cô là chs NQ , và là con gái đầu lòng của Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo. Mình mất liên lạc với nhau từ đó, lúc Cô vừa bước vào tuổi 26, và tụi em chưa kịp bước vào tuổi 16 đẹp nhất đời người, chưa kịp nếm mùi mơ mộng của học trò con gái.
Lần cuối mình gặp nhau, trong khung cửa lớp Ngô Quyền, cả cô và trò đều còn quá trẻ, chưa bao giờ em nghĩ là thầy trò mình sẽ chẳng còn có dịp gặp lại nhau.
Hơn một phần tư thế kỷ sau, sống đời lưu lạc ở quê người, sinh hoạt với Hội chs NQ hàng năm, thân quen với các anh chị lớp lớn, nhất là các anh chị khóa 6 ở San Jose, em mới biết Cô cũng là học trò khóa 6 Ngô Quyền, như các chs NQ khóa 5 và khóa 7 đã dạy em (Thầy Phận, Cô Nhung, Cô Tài, và Thầy Thu)
Đầu thế kỷ 21, Cô qua du lịch ở Mỹ, có ghé San Jose, gần nơi em ở. Cô được bạn học NQ xưa (chị Lynh, anh Phẩm, anh Minh...) đưa đi chơi nhiều nơi. Khi em liên lạc được với Cô qua phone thì Cô đã về nhà chị Phú Xuân ở Sacramento . Thầy trò mình không có duyên hạnh ngộ phải không thưa Cô?
Hè năm 2013, em về VN, được bạn bè đưa đến thăm Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo cùng với Thầy Diệp Cẩm Thu. Em có hỏi thăm địa chỉ Cô để đến thăm Cô, vì không muốn lỡ dịp như đã hẹn lần sau và rồi không bao giờ còn có thể gặp Cô Khang. Thầy Bảo có cho biết Cô đã không còn nhận ra ai vì hậu quả từ một lần té xe ở Saigon từ vài năm trước.
Nếu em cương quyết hơn một chút thì đã thuyết phục được TL chở đến thăm Cô. Tụi em xin lỗi Cô đã bỏ lỡ dịp nhìn Cô lần cuối khi Cô vẫn còn hiện diện trên đời. Và vì không có duyên hạnh ngộ với Cô nên trong đầu em còn mãi hình ảnh một cô giáo trẻ duyên dáng, nhiệt tình với những tà áo dài màu nhạt còn phảng phất hình ảnh nữ sinh NQ.
Ở đời sống này, em xin được thay mặt cả lớp kính chào vĩnh biệt Cô. Cô ơi, ở cõi vĩnh hằng ít nhất cũng có BC, YN, KN, và Châu thay mặt cả lớp đón Cô. Ở hai phía sinh tử của đời sống, chỗ nào Cô cũng có học trò bên cạnh Cô.
Xin kính chào Cô lần cuối. Em sẽ cầu nguyện cho Cô mỗi ngày đến giỗ đầu của Cô. Xin gởi đến Cô một cành lan màu tím như màu áo tím Cô hay mặc thủa xưa khi Cô đứng trên bục giảng NQ. Trong ký ức của em, luôn có một chỗ trân trọng cho Cô vì em không bao giờ quên Cô là người đã dạy cho em những mẫu tự đầu tiên của môn Anh văn.
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Như một nén huơng lòng thành kính tưởng nhớ Cô Phạm Thị Hạnh 1949-2014)