Nụ Cười Xuân
Tạp ghi của Thu Lê
Mới đây đọc báo Reader’s Digest thấy người ta nói đến những ích lợi của cái CƯỜI, trong đó có nói là cười nhiều có thể làm cho người ốm bớt đi. Lý do gì mà các nhà khảo cứu lại quả quyết như vậy? Vài phút cười vui có thể thay thế thời gian đi bộ trên máy “treadmill” chăng? Chắc là không?
Nhưng theo các chuyên gia ở Vanderbilt University thì những cái cười có thể đốt vài ca-lo-ri nhiệt lượng và càng cười thì bạn càng mất bớt nhiệt lượng. Mấy vị này mộ được 45 cặp bạn bè và để cho họ xem phim hài hước ngắn, gồm cả các chương trình như “ Saturday Night Live” và những phim như “There’s Something about Mary”... Những người tình nguyện xem các cảnh của phim được ở trong phòng có trang bị máy đo số nhiệt lượng bị đốt cháy, và mỗi người được mắc vào một máy điều hoà nhịp tim. Vào cuối buổi thí nghiệm, các chuyên gia quả quyết: Cười làm tăng nhịp đập của tim từ 10 đến 20% và đốt chừng 1, 3 ca-lo-ri mỗi phút – ngang bằng với nhiệt lượng tiêu thụ khi bạn đánh máy, xếp hồ sơ, hay chơi bài. Chạy bộ thì đốt chừng10 ca- lo-ri mỗi phút. Cũng đừng nghĩ 1,3 ca lo ri thì nhằm nhò gì, chẳng đáng kể. Nhưng nếu bạn cười 15 phút mỗi ngày và cứ cười cả năm như vậy thì có thể mất đi 4 pounds chứ không có rỡn đâu à!
Thật vậy, trong bộ óc của người sắp sửa cười, trung khu vận động thi hành một số mệnh lệnh cùng một lúc gửi các tín hiệu đến cả chục bắp thịt và tuyến. Cái công việc “Cười’ này được các nhà khoa học xếp loại. Ta có thể làm nhiều tiếng động và bộ mặt khác nhau, cười theo các cường độ khác nhau và tính cách khôi hài cũng khác, nhưng những mệnh lệnh mà bộ óc gửi ra đều theo một công thức chính xác ảnh hưởng đến toàn thân thể:
Khi ta cười có ít nhất là 15 bắp thịt chuyễn động ở mặt để làm thành nụ cười. Lượng máu chạy trong mạch máu tăng lên làm cho mặt trở nên rạng rỡ. Nếu cười thả ga thì có thể tác động đến các ống dẫn nước mắt. Hèn chi có người vui quá mà cười đến chảy nước mắt và người ta cũng chứng minh được là nước mắt, dù là do vui hay buồn, đều có thể làm giảm đi những triệu chứng lo sầu. Mình chẳng thấy mỗi lần khóc xong thấy người nhẹ nhõm đấy ư? Tất nhiên là lúc cười miệng phải há ra để ''hà hà, hề hề, hì hì''. Người ta cũng xác nhận là nước miếng sau khi cười có mực độ chống bệnh tật cao hơn, nghĩa là cái cười có thể nâng cao chức năng miễn nhiễm của thân thể. Giây thanh âm cũng phải làm việc để tạo được giọng cao. Phần bắp thịt bụng ở phía dưới phổi cũng phải bơm lên xuống làm đầy lá phổi rồi thổi không khí ra khỏi buồng phổi vào thanh quản để tạo cái cười. Vì phải trao đổi không khí nhiều hơn bình thường nên nó làm cho máu thêm dưỡng khí.
Nhịp tim và áp suất máu vọt lên khi chúng ta cười, cũng tăng lên chút ít khi chúng ta ngồi ghế xem phim và cười khúc khích. Nụ cười, ngoài cái lợi lạc về miễn nhiễm, hình như cũng giúp điều hành lượng đường cho những người tiểu đường. Cái cười còn có ảnh hưởng trên màng phía trong của mạch máu (inner lining of the vessel). Cái cười làm nở màng này ra và như vậy chế tạo ra những chất tốt như là nitric oxide (giúp không bị tụ máu và viêm). Khi màng trong này co lại (vì sợ hãi hay lo lắng) thì cơ thể lại chế tạo ra những hormone như cortisol có tính cách làm đọng máu và có thể dẫn đến bệnh tim. Cái cười còn như làm giảm thiểu sự đau đớn. Chúng ta làm như chịu đau được nhiều hơn.
Các bạn vẫn nghe nói “cười đau cả bụng”, có phải không? Cái cười to có thể làm mình bò ra mà cười và làm mấy bắp thịt chính căng lên cùng một lúc và đến mấy phút lận! Ông bạn Lee Berk nói “Cười là tập thể dục, là ''chạy phía trong'' (Laughter is inner jogging.). Mạch tim và áp xuất máu tăng lên khi ta cười, và rồi lại tụt xuống y hệt như đi tập thể dục. Với người già hay người bịnh thì cái cười này là quan trọng vì họ không thể ra ngoài để chạy 2, 3 cây số được. Thật vậy, ông William Fry, một người chuyên nghiên cứu về nụ cười nói rằng ông cần 10 phút tập cái máy kéo (roving machine) để nâng nhịp tim bằng cái nhịp tim mà cái cười nghiêng ngả đến... đau cả bụng, đem lại. (Chắc ta chỉ nên xem những chương trình như “I Love Lucy” hay “Friends” đều đều trên TV mà không cần đi tới phòng tập chăng?)
Báo Reader’s Digest có cái mục gọi là “Laughter, the Best Medicine” chắc cũng cùng cái quan điểm trên. Vậy thì chúng ta nên cười thật nhiều, cười ngả nghiêng để thân thể được tập thể dục tại chỗ mà không tốn công, tốn tiền và thì giờ, có phải không các bạn? Trở lại ngôn ngữ Việt, chúng ta thử xem có những lại cười nào có thể dùng trong năm mới này đây:
Xếp loại theo độ rộng của miệng khi cười, không nhìn thấy răng, không nghe thấy tiếng thì chúng ta có: cười mỉm, cuời nụ, cười tủm tỉm, cười mím chi... mà chỉ có nhìn mặt ngưòi ta thì mới biết là họ đang cười. Cũng trong nhóm không âm thanh này có thể có: cười duyên, cười tình... như mấy chàng trai muốn làm quen vơí mấy cô gái dễ thương mà... thương không dễ! Khi bị người ta từ chối thì hơi ngượng nghịu, chẳng nói được câu gì, chỉ biết cười trừ hay cười ruồi... Cười ngặt nghẽo, cười lỏn lẻn (miền nam) thì chắc chỉ dành cho mấy cô gái tuổi ô mai. Nếu miệng mở lớn hơn thì chắc có: cười toe (toét).
Khi đến giai đoạn có âm thanh, thì người nào cười xoà, cười khì, cười khà khà, hề hề, hì hì, hi hi thì có vẻ là người vui tính, dễ dàng, không hay bắt lỗi ai, chín bỏ làm mười (bị bỏ xuống giếng không vớt lên cũng không sao!) . Mấy cô gái mà rủ rỉ vơí nhau chẳng biết nói chuyện chi mà hay cười khúc khích (nụ cười khúc khích trên lưng...). Những tiếng cười ồ, cười rộ, cười phá, cười ngất... nói lên được sự hồn nhiên, thẳng thắn, biết vui chung với đám đông, không để ý sắc mặt, sắc mắt... trong khi những tiếng cười hô hố thì có vẻ nói lên nhiều cái cá tính của người cười không được nghiêm chỉnh lắm?? Còn cười ha hả, cười đắc chí, hả hê thì sao? có vẻ tự cao, tự đại và tự mãn chăng? Đến cái trình độ cười rũ, cười bò, cười đau cả bụng, chảy cả nước mắt nước mũi ra thì là tốt nhất cho sức khoẻ đấy.
Riêng có những cái cười sau đây thì chúng ta không nên sử dụng: cười khẩy (chứng tỏ sự bất bình, không đồng ý, khinh mạn), cười mát (giận hờn nhưng làm bộ không có gì, nhưng nuốt cũng không trôi), cười nhạt (giận thật rồi), cười gằn (giận sôi sục và có vẻ sẵn sàng ăn thua đủ?).... Còn những gì nữa đây...? xin moị người góp thêm cho tôi một mớ nữa... nhưng đừng có cười kiểu “Cười người hôm trước hôm sau người cười” nhé vì đây không phải là cười thật mà là cười ích kỷ, cười chê khi thấy ngưòi ta không bằng mình. Trong khi chờ đợi, xin tặng các bạn, các em một nụ cười xuân, một câu chuyên góp nhặt từ cuốn ''Thư gửi người bận rộn'' của nhà văn Đỗ Hồng Ngọc:
''Trong giới sinh viên y khoa vẫn thường truyền tụng nhau câu chuyện về Gs. Th., một vị thầy khả kính của nhiều thế hệ, một chuyên gia hàng đầu về mổ tim, ghép tim. Khi thầy mất, vào tuổi 80, hàng ngàn học trò đưa thầy về nơi vĩnh hằng, Trong đám tang, nhiều biểu ngữ và pa-nô vẽ trái tim đỏ rực lồng ảnh chân dung của thầy vào giữa, tượng trưng lòng yêu quí thầy cũng như nhắc đến chuyên khoa của thầy. Có một giáo sư cũng đã lớn tuổi, bạn thầy, cũng đi tiễn đưa người đồng nghiệp khả kính. Vị giáo sư cứ vừa đi vừa khóc lại vừa cười. Một sinh viên ngạc nhiên hỏi sao thầy vừa khóc lại vừa cười như thế? Vị giáo sư nói: “Tôi hết sức cảm động vì tấm lòng thành của sinh viên đối với các thầy nên tôi khóc, còn tôi cười là vì nghĩ đến thân phận mình, mai này tôi mất đi thì các sinh viên sẽ lồng ảnh tôi vào các pa-nô vẽ hình chi đây..?” “Nhưng thưa thầy, chuyên khoa của thầy là gì ạ?” Vị giáo sư đáp: “Tôi ấy à? Chuyên khoa sản phụ!”
Thu Lê