Bài Học Thương Yêu Đầu Đời
Nguyễn Thị Minh Thủy
Trong mớ hình cũ mà chị tôi tình cờ tìm được và gửi sang cho tôi, bức ảnh làm tôi xúc động nhất lại là tấm hình chụp năm tôi lên mười, ngồi chồm hổm bên cạnh một con chó. Đó là con Tô Tô, chú chó thân yêu một thời tuổi nhỏ của tôi.
Trải qua gần nửa thế kỷ, mầu ảnh đã vàng úa, lốm đốm nhiều nơi. Không chỉ gợi nhớ bao kỷ niệm ấu thơ, bức ảnh làm sống lại nhiều tình cảm ân hận, thứ tình cảm mà khi lớn khôn tôi mới có được và thường lấy đó để nhắc mình sống cho tử tế.
Được kể lể về cục cưng bốn chân của mình dường như là một hạnh phúc cho những ai có chó. Đương nhiên tôi cũng muốn được kể về Tô Tô của tôi với đầy đủ chi tiết, nhưng thiết nghĩ cái chết của nó mới là một trang sách đẹp và buồn đáng đọc nhất, nếu đời nó được viết thành sách.
Chó chết thì có gì là lạ, khi mà kiếp chó quá ngắn so với kiếp người, bạn sẽ nói như vậy phải không? Nhưng cái chết của Tô Tô một phần cũng vì sự vô tâm, ích kỷ của tôi, cái đó mới là đáng nói.
Lu Lu, con chó mà vợ chồng tôi đang nuôi, năm nay lên chín. Con gái của chúng tôi, vô tư là thế, mà còn biết hỏi, “Mẹ ơi, Lu Lu đang già phải không mẹ? Chừng mấy năm nữa thì nó chết?” Vậy mà ngày xưa tôi đã thật sự mù mờ về sự kiện này. Con chó thân yêu già yếu tới nơi mà tôi nào có biết.
Có thể vì lúc nuôi con Tô Tô, tôi còn nhỏ dại hơn con gái tôi bây giờ. Cũng có thể vì trong xã hội Việt Nam nhất là vào thời xa xưa ấy, nuôi chó cốt là để giữ nhà bên cạnh lý do thứ yếu là cho con nít chơi cho vui chứ chưa có quan niệm “chó là bạn của loài người” như ở xứ Mỹ này nên tôi không quan tâm tới đời sống của chó cho lắm.
Thật vậy, khi ba tôi xin con chó con Nhựt Bổn lông xù xinh xắn như một món đồ chơi này từ bác Tư tôi thì tôi hãy còn là một cô bé lên năm lên sáu. Tôi đùa giỡn nghịch ngợm với nó như chơi một món đồ chơi đặc biệt. Thích nhất là đồ chơi này biết chạy biết giỡn và biết… ăn. Khi tôi ăn mía thì nó cũng nhai một khúc, tôi gặm hột xoài thì nó cũng “làm” một hột, tôi cạp bắp luộc thì nó cũng cạp bắp luộc, rồi ổi, rồi mận, ôi thôi đủ thứ. Trái cây mà nó còn xơi được thì nói gì đến bánh ngọt, bánh nướng là những thứ thơm tho hấp dẫn hơn nữa.
Còn bé thì hú hí với nhau như vậy đó, ấy mà khi bước vào “lứa tuổi thích ô mai” thì tôi đành đoạn quên người bạn nhỏ thiếu thời, bây giờ nhớ lại mới thấy mình quá tệ. Đã vậy, khi thấy nó ghen với em tôi, tôi ngạc nhiên và thất vọng biết bao thay vì hiểu biết và thông cảm. Số là má tôi, sau khi hạ sanh một loạt sáu đứa con cách nhau hai năm mà tôi là Út, mười một năm sau bà cho chào đời một cậu “Út thêm” nữa. Em bé kháu khỉnh nhỏ nhít nhất nhà dĩ nhiên là được cả nhà thương yêu. Nhưng Tô Tô thì không, không bao giờ. Khi em bé mới về, nó gầm gừ thiếu điều có thể gây nguy hiểm cho “đối thủ”, mà “đối thủ” thì ngây thơ có biết gì đâu, tới tuổi lẩm đẩm biết đi cứ lăm lăm đuổi theo Tô Tô mà đòi nắm đuôi mới chết chứ. Thế là Tô Tô càng quạu, và càng quạu thì càng bị mắng, bị rầy.
Ba tôi vốn nổi tiếng nghiêm trị con cái cũng như tất cả các thành viên trong gia tộc. Tô Tô cũng không ra khỏi nội qui “thưởng phạt phân minh” của ông. Ở Việt Nam, ngoài đức tính trung thành là chuyện đương nhiên, một con chó được yêu quý, làm nở mặt nở mày cho chủ là phải khôn ngoan, biết giữ nhà, biết “làm vệ sinh” đúng chỗ, biết phân biệt người quen kẻ lạ, biết giữ của, và biết tuyệt đối vâng lời (tuy chủ đang cầm cây roi đợi sẵn cũng phải bò lết tới mà chịu tội). Tội nghiệp Tô Tô, với đầy đủ những nết na phẩm hạnh đó, nó luôn được tôi đề cao khoe khoang mỗi khi bè bạn tới nhà. Nhưng tôi có thực sự dành cho nó một tình bạn đúng nghĩa không, một tình thương vô điều kiện không? Sau này nhìn lại, tôi phải công tâm mà nhìn nhận rằng không. Hay là ở tuổi mới lớn người ta thường có khuynh hướng vị kỷ? Biện minh cách nào đi nữa thì tôi cũng phải xấu hổ mà nhìn nhận rằng có một thời mình vô tâm như thế.
Tô Tô đã ở tuổi xế chiều mà tôi nào để tâm. Cho đến một buổi sáng nó nôn ói ra ngay trong phòng khách nơi tôi vừa quét dọn xong. Thường ngày nó luôn làm vệ sinh ở chỗ vùng đất mãi tận mé rào, không khi nào tiêu tiểu hay ói mửa trên khoảnh xi măng của sân huống chi là trên nền gạch trong nhà. Tôi tức mình vì tiếc công mình vừa lau nhà nên dậm chân dậm cẳng la mắng nó. Thế là nó hốt hoảng bỏ chạy ra sân trong lúc tôi lo tìm nùi giẻ để giải quyết chỗ dơ. Mãi đến chiều, vì không thấy nó xuất hiện để ăn tối, má tôi mới đi quanh nhà tìm kiếm.
Trong nhà, có lẽ má tôi là người duy nhất ban cho nó thứ tình thương vô điều kiện. Dù nó ngoan hay hư bà vẫn trộn cho nó những bữa ăn mà nó không chê vào đâu được. (Thậm chí hôm nào nó ể mình chê thức ăn thông thường, bà chế ra món cơm trộn đường tán băm nhuyễn hoặc với sữa đặc để dỗ cho nó ăn). Có lẽ do trực giác, chính má tôi là người đã phát giác ra Tô Tô nằm chết trong khoảng hẹp giữa hai bức vách của hai căn nhà, nơi dựng những chiếc xe Honda hai bánh của gia đình. Hôm đó ông anh họ tôi vừa làm việc ở một căn cứ Mỹ về và ghé thăm chúng tôi. Anh cũng dựng xe trong góc ấy, nơi con Tô Tô tìm chỗ yên ắng ẩn mình. Không hiểu sao hôm ấy xe anh sực nức mùi thuốc khai quang hay thuốc sát trùng chi đó đến độ ai ngửi thấy cũng muốn ói. Có người còn kết luận rằng có lẽ xe anh đã bị nhiễm chất hóa học trong sân cỏ nơi căn cứ Mỹ mà anh làm việc.
Quỳ cạnh cái xác lạnh ngắt cứng đơ, nước mắt tôi chảy ròng và trái tim như có ai bóp thắt. Tô Tô ngẫu nhiên tới ngày giờ phải từ giã cõi đời hay chết vì bị nhiễm hơi hóa học đúng lúc cơ thể đang yếu, tôi thực sự không biết được. Tuy nhiên, niềm ân hận bùng vỡ cõi lòng tôi lúc ấy. Có lẽ tại nó sợ bị la rầy nên tìm một chỗ kín nhất để nằm, tôi nghĩ vậy. Nếu tôi đã không la mắng nó thì chắc nó chưa đến đỗi mất mạng vì cái mùi thuốc hóa học đáng kiếp này rồi.
Thật điềm tĩnh, má tôi trịnh trọng lo hậu sự cho nó ngay tối đó với đôi mắt đỏ hoe. Lần đầu tiên tôi thấy mình vụt lớn. Cũng lần đầu tiên, tôi bắt đầu học được một bài học từ người mẹ quê mùa chơn chất của mình: âm thầm chăm sóc, ban phát thương yêu, hằng ngày, hằng ngày…
Westminster, tháng 3, 2013
Nguyễn Thị Minh Thủy