NGƯỜI THẦY DẠY VIỆT VĂN VÀ ĐỨA HỌC TRÒ THÍCH LÀM THƠ
Thầy Phạm Ngọc Quýnh
Sau khi học xong bậc tiểu học ở Chợ Đồn, niên học 1962-63, tôi nộp đơn dự thi vào lớp đệ Thất trung học công lập Ngô Quyền. Kết quả không được như mong muốn của bản thân và gia đình. Tôi phải học một năm đệ Thất ở trường tư thục Minh Tân để năm sau dự thi lại vào NQ. Bởi vì, nếu lúc đó được học ở trường trung học công lập duy nhất của tỉnh lỵ Biên Hòa là điều hảnh diện. Ăn Tết xong, tôi đã ôn tập bài vở, học luyện thi với ý chí cao để được "bảng hổ đề danh". Tôi đã được đền đáp xứng đáng, đậu thứ hạng 6 trong tổng số trên hai trăm học sinh được chọn.
Tôi được nhà trường xếp vào lớp đệ Thất 3 Pháp văn, toàn là nam sinh. Có lẽ đã
học qua một năm đệ Thất ở trường Minh Tân, kết quả học tập năm đó tôi có thứ
hạng cao trong lớp. Đầu niên học 1964-65, lên đệ Lục, thầy Đặng Ngọc Thiềm được
bổ nhiệm về làm giám học mới, chuyển 14 học sinh giỏi lớp Thất 3 sang Lục 1, và
số nam sinh Thất 1 sang Lục 3, vì vậy số còn lại là nữ sinh. Tôi lại gặp lại
một số bạn nữ đã học chung với tôi thời tiểu học ở Chợ Đồn. Năm đệ Lục, đệ Ngũ
trôi qua, tôi học tập đều đặn và có thứ hạng trong lớp.
Niên học 1966-67, lớp đệ Tứ 1 của chúng tôi đang ở giai đoạn cuối của trung học
đệ nhất cấp, để năm sau lên đệ nhị cấp, làm người lớn. Đó là lứa tuổi 16 trăng
tròn, tuổi bắt đầu biết mơ mộng. Theo chủ trương của Bộ Giáo Dục, niên khóa
1966-1967, là năm đầu tiên bỏ thi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, chỉ lấy kết
quả bốn năm học để xét tuyển cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Lớp đệ Tứ 1 của
chúng tôi do thầy Phạm Ngọc Quýnh làm giáo sư hướng dẫn, Thầy kiêm dạy luôn môn
Việt văn. Tôi nhớ rõ, lúc đó thể trạng thầy cao, gầy. Thầy đứng trên bục giảng,
mặc quần tây dài còn thấy rộng thùng thình, sợi dây nịt bó sát vào lưng. Bù
lại, Thầy có đôi mắt sáng tinh anh. Thầy giảng bài rất lôi cuốn học sinh, giọng
Bắc chuẩn, tiếng nói rất thanh, cuối lớp còn nghe rõ. Dù rằng không bị áp lực
về thi cử, nhưng do năm đó tôi có "để ý" cô bạn chung thời tiểu học,
bây giờ lại chung lớp, nên tôi cố gắng học tập để không thua chị, kém em.
Có lẽ với phong cách giảng bài lôi cuốn của Thầy và sự cố gắng học tập của tôi,
năm đó tôi đứng đầu lớp môn văn. Kết quả học tập cuối năm, tôi đứng thứ hạng ba
trong lớp, có lẽ kết quả một phần nhờ mãnh lực tình yêu. Trước ngày tổng kết
năm học ở trường và “chia tay phượng nở, sang hè", Thầy đã tổ chức tiệc
cuối năm cho cả lớp. Với tính cách người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng,
Thầy muốn buổi tiệc chia tay lớp của chúng tôi thật ấn tượng và có ý nghĩa.
Cũng có bánh trái, nước ngọt và văn nghệ tự biên, tự diễn. Thầy nói với cả lớp:
- Sang năm các em lên đệ Tam, phân chia ra nhiều lớp theo các ban A, B. Mỗi em
chuẩn bị một món quà lưu niệm, rồi đánh số. Em nào bắt thăm được số nào, nhận
món quà theo số đó. Đó là kỷ niệm của bốn năm đệ nhất cấp.
Vì không có sự chuẩn bị sẵn, tôi chọn đại một bản nhạc trong xấp nhạc do Võ Hà
Mỹ mang đến. Bản nhạc có tựa đề NHỮNG KHUÔN MẶT HÔM NAY, không nhớ tên tác giả,
do nam ca sĩ Duy Khánh trình bày. Ca sĩ này là thần tượng âm nhạc của tôi. Nội
dung bài nhạc nói về tuổi trẻ và cuộc chiến quê hương. Tôi ghi vội mấy dòng chữ
lưu niệm vào đấy. Kết thúc phần bắt thăm, tôi linh cảm người bạn gái của tôi
nhận được kỷ vật nầy. Rồi chúng tôi chia tay, lên đệ Tam được sắp xếp sang
nhiều lớp. Tôi vào đệ Tam B3, bạn gái tôi vào Tam B1, thầy giáo dạy Việt văn
chuyển nhiệm sở. Thầy chuyển về làm Hiệu trưởng trung học Công Thanh. Thầy và
trò không gặp nhau từ đó. Một khúc quanh của cuộc đời đối với tôi.
Năm học sau, ở lớp đệ Tam B 3, tôi gặp lại một số bạn Thất 3. Có một số bạn lên
Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Giữa năm học, dịp Xuân về, chiến cuộc Mậu Thân xảy ra.
Một số bạn bè tôi không đủ tuổi hoản dịch, phải vào quân đội, vào Đồng Đế,
Quang Trung. Năm đệ Tam, trước bối cảnh đất nước, với sức học về văn, tôi tập
tành làm thơ nói về thân phận quê hương. Tôi ký tên dưới bút danh THI QUỐC SẦU,
như nổi buồn của quê hương. Nhớ lại kỷ niệm ở năm đệ Tứ, nhớ về bản nhạc năm
xưa, tôi viết bài NHỮNG KHUÔN MẶT HÔM NAY, gồm bốn khổ thơ lục bát, kể về bốn
thân phận.
Chưa tròn tiếng khóc chào đời.
Tai nghe súng nổ thay lời mẹ ru.
Lớn trong khói súng sa mù.
Và quê hương mẹ mang tù chung thân.
CHIẾN TRANH
Mười năm cuộc chiến lớn dần.
Bàn tay lửa máu đốt lần quê hương.
Đàn con ra mặt chán chường.
Cất cao tiếng hát mười phương cũng buồn.
QUÊ HƯƠNG
Từng đêm chớp bể mưa nguồn.
Bom rơi, súng nổ, dậy hồn trẻ thơ.
Ngày lên nét mặt bơ phờ.
Ôi, quê hương đó từng giờ đạn reo.
HỌC TRÒ
Giả từ kiếp học trò nghèo.
Bỏ nghiên, bỏ bút, lên đèo núi cao.
Nằm đêm bên lũy chiến hào.
Nghe hồn uổng tử thét gào trong đêm.