TRĂNG SÁNG BÊN ĐỜI phần 2
(Hay Bài Thơ Năm Cũ )
Cái cảm giác được làm đến chức … “ông” nghĩ thật cũng thú vị. So với một số bạn bè đồng thời với ông, có người còn chưa hưởng được cái cảm giác thiêng liêng khó tả này. Hôm nay ông Hưng về dự đám thôi nôi của đứa cháu nội đầu tiên… . Chiếc xe lăn bánh êm ru khá nhanh mặc dù con đường gọi là quốc lộ này bây giờ xe cộ đủ loại, lớn nhỏ qua lại hầu như bất kể ngày đêm. Đến một ngả rẽ, lòng ông chợt thóang bồi hồi, đây là đường vào nông trường Phước An, nơi ông từng đến công tác làm… thầy giáo… .Mới đây mà đã mấy mươi năm và cũng mới đây mà đứa con trai lớn cưới vợ đã được mấy năm rồi, hiện ông chỉ còn cậu con trai út còn đang đi học thôi. Vì đến sớm, nên sau khi thăm hỏi những người thân quen, gặp gỡ con cháu… , lát sau ông tự dành cho mình một phần thời gian, bước ra đường đi dạo một vòng, thăm lại cái thị xã vốn trước đây cũng là một tỉnh của miền đông Nam bộ. Thời chiến tranh xưa kia, người ta nói nơi nầy bị tàn phá rất nặng nề, hầu như chỉ còn là đống gạch vụn. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến oái oăm, thật đau đớn khi người dân thường lẫn những người có cầm vũ khí đã thiệt mạng nhiều! Nhưng hôm nay quang cảnh khác xa, không còn chiến tranh, vùng đất đỏ bao la mầu mỡ này cùng với những cư dân cần cù đã góp phần tạo nên một cuộc đổi thay thấy rõ… .
Ông đang đứng tần ngần, ngắm nhìn và suy nghĩ mông lung, bất chợt bên kia đường có một người phụ nữ dáng vẻ có “của ăn của để” băng qua, cất tiếng vồn vã, mừng rỡ:
- Dạ, xin lỗi có ph..ả..i là… “thầy” Hưng không ? – Ông Hưng ngờ ngợ nhìn người đàn bà hình như mình đã gặp ở đâu đó, có nét hơi… quen quen rồi gật nhẹ đầu. Thấy trí nhớ mình đã có kết quả và được... công nhận, người đàn bà vội vàng nói tiếp:
- Nhà “em” ở bên kia đường, mời “thầy” ghé nhà … uống nước! “Em” là Thúy, học khóa… ở nông trường Phước An nè! – Đến đây có lẽ ông Hưng đã nhớ được khá đầy đủ:
- Phải Thúy… “đuôi gà”, sau đó về công tác ở phòng nông nghiệp huyện… ? – Bằng một nụ cười thật tươi vì “thầy” đã nhớ ra mình, người đàn bà tiếp lời ngay:
- Dạ phải rồi! Mời “thầy” qua nhà… !
Thấy mình cũng còn thời gian, hơn nữa trước tấm lòng của người “học trò” cũ, Ông Hưng chỉ mất vài giây do dự rồi bước qua đường.
Nhà của Thúy là một cửa hàng đại lý, chuyên bán thức ăn chăn nuôi và cả phân bón hóa học, trông rất bề thế, hàng hóa đầy ắp, phải có đến ba nhân viên – có thể là em, cháu – phụ giúp công việc buôn bán. Sau khi dặn dò công việc nhanh gọn, xong xuôi, Thúy - phải gọi là… bà Thúy thì đúng hơn - mời ông Hưng vào ngồi uống nước trên bộ salon to - rộng bằng gỗ quý trong phòng khách, bà Thúy – thật ra chỉ nhỏ hơn ông Hưng chưa đến mười tuổi - sau khi thăm hỏi “thầy” theo lẽ thường tình, bà bắt đầu nói về mình:
- Thầy biết không, khi học khóa của thầy xong, em học tiếp khóa trung cấp. – Sau khi ngừng một chút và mĩm cười, bà Thúy nói tiếp: “ -Rồi em quen với ông xã của em bây giờ đây, ảnh còn công tác, chỉ có em nghỉ ở nhà buôn bán, lo cho hai đứa nhỏ đi học ở Sài Gòn.”
Chuyện trò qua lại một hồi… , rồi việc gì đến cũng phải đến, ánh mắt bà Thúy sáng lên, gương mặt thoáng ửng hồng, giọng nói hình như… thấp xuống:
- Thầy có nhớ khóa học ở Phước An ai là người ngồi… kế em không? – Đã nhớ ra Thúy “ đuôi gà” thì làm sao không nhớ đến “người” đó, ông Hưng nói ngay và trong lòng có chút hồi hộp:
- Nhớ chớ!... , đó là… “ma-sơ”… Hạnh! – Với một nụ cười hoàn toàn trọn nghĩa, bà Thúy chân thật tiếp:
- Đúng ra phải gọi đầy đủ là... ma-sơ Theresa Hạnh.- Rồi bằng cái giọng như đang kể chuyện, một câu chuyện tuy không phải là... cổ tích, nhưng cũng đã mấy mươi năm rồi, bà bắt đầu nói, nói một hơi... dài:
- Chắc thầy cũng biết rồi, thầy hết môn chừng mấy ngày thì Hạnh cũng trở về tu viện... . Em và Hạnh học trung học trên miền này nên quen thân nhau từ trước, Hạnh học rất giỏi. Rồi nhìn thấy ông Hưng đang ngồi im chăm chú lắng nghe, bà Thúy nhắc: “Mời thầy uống nước đi thầy!” . Xong lại... tiếp tục câu chuyện của mình đang kể:
- Thầy biết không (cái câu mở đầu hầu như đã… quen miệng!), ngày làm lễ mãn khóa, Hạnh có về dự, hôm đó Hạnh đã “phá lệ” không mặc đồ tu nữa! Đến phần văn nghệ, thầy biết không (!), Hạnh có lên hát bài “Bay Đi Cánh Chim Biển” hay lắm! – Đưa mắt nhìn trân trân ông Hưng, Thúy không kể nữa mà... hỏi:
- Nhưng sao lần đó thầy không về dự? – Ra dáng lấy làm tiếc (mà là tiếc thật!) ông Hưng trả lời:
- Lần đó tôi phải đi công tác miền Tây, phải hơn tuần lễ mới về! – Rồi không biết thắc mắc thật hay… chiếu lệ, ông Hưng hơi cười và đăt câu hỏi với “học trò” của mình: “ Sao lúc đó dám hát mấy bài này ?!!”. Như một cô “học trò” năm nào, Thúy liếng thoắng trả lời:
- Trong nhiều bài hát mình… chen vô một bài, đâu ai biết hết… , với lại nội dung bài hát đâu “có gì”, chỉ nói về chuyện… tình cảm thôi.- Tiếp theo bằng cách ra vẻ như có chuyện gì rất... đặc biệt, Thúy nói tiếp:
- Thầy có biết tại sao lần đó Hạnh về “trường” với hình thức như vậy không? – Tất nhiên ông Hưng không thể có câu trả lời, rồi chính Thúy lại tự trả lời câu hỏi của mình:
- Chỉ hơn tháng sau Hạnh có tìm gặp em, nói rằng sắp phải đi xa! Hạnh có gởi thầy lá thư, nói rằng nếu có dịp cứ đưa tận tay thì thầy sẽ biết thôi... .- Rồi như một người có lỗi, Thúy tiếp:
- Thầy biết không, lá thư để ngỏ, Hạnh nói không có gì... riêng tư, em có xem cứ xem. – Thúy bắt đầu có vẻ... dông dài, tay chỉ ra ngoài đường!:
- Hồi đó con đường này còn là đường trải đá pha lẫn đất đỏ, cái nền nhà này cũng là nền đất luôn! Năm đó em hỏi thăm người ta, được biết thầy không còn ở sở nữa!... Em để lá thư kẹp trong quyển sách, cất cùng với mấy quyển nữa vào trong cái rương cây để dưới gầm giường. Mấy tháng sau, nhìn bên ngoài không thấy gì, nhưng bên trong đám mối đã gậm từ dưới lên trên, tan nát hết mấy quyển sách! Lá thư thì chữ nghĩa chỗ còn, chỗ mất!... . Thúy còn nói nhiều nữa, toàn những chuyện xoay quanh lá thư ngỏ năm xưa. - Vừa lúc đó điện thoại của ông Hưng có cuộc gọi, đứa con trai của ông đã gọi, nhắc ông trở về nhà để thắp nhang trên bàn thờ ông bà. Gương mặt thoáng phảng phất nét đăm chiêu ,ông đứng lên định tạm biệt ra về, nhưng bà Thúy đã mau miệng:
- Thầy ở lại dùng cơm với gia đình, “ông xã” em cũng đang trên đường về... . - Nhưng ông Hưng đã có lý do quá chính đáng để từ chối:
- Thôi, tôi xin cám ơn gia đình, nhưng vì có việc, để dịp khác còn lên đây tôi sẽ đến... – Qua cuộc trò chuyện từ đầu đến giờ, bà Thúy biết quả thật ông Hưng có việc riêng nên cũng không dám nài ép... , chỉ nói thêm:
- Vậy dịp khác thầy lên đây chơi lâu hơn nhé! Bây giờ để em đi lấy lá thư của Hạnh đưa thầy!
Thúy bước ra sau một lát trở vào, cái bao thư cũ toàn bộ đã được cho vào một bao thư khác mới hơn.Người nữ chủ nhà tiễn khách về với vẻ mặt thư thái, như ... trút được một gánh nặng trong lòng. Rồi chợt cái chất “học trò” hình như còn sót lại nơi người đàn bà đã trung niên, bà Thúy cười và cất tiếng hỏi... vớt vát thêm:
- Nếu đêm mãn khóa thầy có mặt và chúng ... em yêu cầu thì thầy sẽ ... hát bài gì vậy thầy? - Ông Hưng cũng đâu có vừa (!) khi bước ra khỏi cửa ông vừa cười mĩm vừa trả lời:
- Tôi sẽ hát bài... “Riêng Một Góc Trời”... .- Người ta chỉ thấy bà Thúy giương đôi mắt sáng tròn xoe!
Ông Hưng bước hơi nhanh, giờ đây trong ngực áo ông như trĩu nặng lá thư của mấy mươi năm về trước... .Chuyện mối mọt gậm nhấm sách- báo ông cũng đã từng là... nạn nhân. Không có ai lạ gì đâu!Cái đám sâu mọt này ghê lắm,ăn rỗng ruột từ bên trong, còn bên ngoài vẫn thấy như không có gì! Ngày trước, cũng trong căn gác trọ bằng gỗ ven kênh Thị Nghè – lúc ông còn tạm được “lưu dụng” tại một cơ quan thuộc Bộ Nông Nghiệp miền Nam – ông cũng đã từng gặp chuyện giống như vậy. Trong đợt đi “lao động tập thể” khoảng một tháng ở Cà-tum, thuộc tỉnh Tây Ninh, khi trở về cái rương gỗ rẻ tiền của ông mà sinh viên ngày xưa hay dùng cũng đã bị đám mối tấn công. Thế là sách, vở, mấy cuốn báo trường, và... mấy lá thư “đặc biệt” với vài tấm hình đen trắng (chụp ông ở tháp Bà và hàng thùy dương ven biển Nha Trang trong một chuyến công tác vào cuối năm 74) coi như chỉ còn là... vết tích! Đúng là “thời nào họa đó”, ngày trước là giấy thì gặp mối mọt, bây giờ ngay cả khi lưu vào USB hay ổ cứng máy vi tính, nếu sơ sẩy một chút vẫn có thể bị... virus “ăn” sạch như thường!! Thôi, ông mau mau bước để còn trở về nhà đứa con trai lo cho xong cái đám cúng thôi nôi... .
Mãi đến chiều tối đám cúng thôi nôi mới xong, vì buổi trưa dành cho khách người lớn, họ hàng, chòm xóm, buổi chiều khách là bạn bè cơ quan của đứa con. Tất nhiên ông Hưng cũng có uống, vừa rượu lại vừa bia – hai thứ này mà pha lại trong bụng thì “mệt” lắm! – cũng may vì là người lớn nên ông được quyền ngưng sớm, chỉ còn đám trẻ mới vui vẻ đến tối. (Riêng hồi trưa này ông đã tranh thủ đi ra sau lấy lá thư ra xem qua rồi, thật tức cho cái đám mối, mọt...!) . Đứa con trai đưa ông lên một cái phòng nhỏ trên lầu, nói là để ông nghỉ cho khỏe. Nhưng ông đâu có... “mệt” gì cho lắm! Ông ngồi vào bàn, lấy lá thư trong túi áo ra. Ngày đó giấy viết đã không được trắng, bây giờ qua thời gian nó lại càng vàng ố thêm. Ông Hưng nhớ lúc trưa Thúy có nói rằng : “Đã lấy lá thư ra đọc (vì Hạnh có ... cho phép) sau đó sơ ý để lại không cùng một chỗ trong quyển sách, kết cuộc bài thơ bị hư hại nặng, riêng lá thư còn khá nguyên vẹn...”
Lá thư có ngày tháng đúng vào ngày làm lễ mãn khóa, vậy là có thể Hạnh nghĩ rằng ngày đó ông Hưng cũng sẽ có mặt chăng (?).Nghĩ đến đây bất giác ông không sao nén được tiếng thở dài… .
Thưa thầy, Hạnh sắp có việc phải đi xa... .Hôm nay viết thư để xin lỗi vì đã nói dối thầy. Vào đêm Trung Thu có tổ chức đốt lửa trại, thật ra về bài thơ định dán lên hàng cây bên khu trường Luật, Hạnh vẫn còn giữ nên có gởi kèm theo đây để thầy xem và... toàn quyền quyết định, nếu có dở thì xin thầy đừng cười. Hạnh cũng đã qua rồi cái thời tuổi trẻ mộng mơ! Hạnh cũng tiếc rằng hôm đám giỗ thầy đã không đến nhà dự được. Giờ này Hạnh chỉ có một con đường để đi và đến mà thôi. Xin chúc thầy và các bạn một đời hạnh phúc.
Ngân Hạnh.
Đọc xong thư ông Hưng thấy có hai điều đáng suy ngẫm: thứ nhất ông "toàn quyền quyết định”, vậy có nghĩa là ông được quyền đưa cho người bạn tên Thành đọc? Thứ hai "chúc thầy và các bạn”, bạn ở đây là bạn của ông hay các bạn của Hạnh? Sẽ khó mà có được lời giải đáp cho thỏa đáng, người viết thì mãi tận phương nào, không biết giờ này ra sao, còn lá thư đã được viết từ mấy mươi năm rồi! ... .
Đến bài thơ lại càng... bi đát hơn. Giống mối là vậy, gậm nhấm đến đâu là đem theo đất đến đó để giấu kín, để che đậy. Màu đất đỏ loang lỗ trên mặt giấy vàng ố, cả bài thơ sáu câu lục bát giờ chỉ còn khoảng hơn hai mươi chữ! Chỉ riêng cái tựa là may mắn hơn nên còn nguyên vẹn. Ông Hưng lấy giấy và viết ra bắt đầu dò tìm từng con chữ, giống như thời đi học, làm bài tập ngữ vựng vậy, tìm những chữ thích hợp, điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa! Mày mò mãi ông cũng “làm” xong sáu câu thơ, trong lòng thầm nghĩ: “Không biết tác giả thực sự của bài thơ có đồng ý với chữ nghĩa của mình không?” Ông định bụng sẽ gởi cho anh bạn tên Thành xem – vì được “toàn quyền quyết định”! - và rồi nhờ anh ấy gửi lên báo điện tử hoặc trang web nào đó – người bạn này hay viết bài gởi báo lắm! – với hy vọng mong manh như “sương sớm đang chờ nắng mai”, vì biết đâu nơi phương trời nào đó có “người” đọc được và... lên tiếng!? Thế là ông cặm cụi chép lại bài thơ, chữ nào mới tìm ra và thêm vào được ông viết nghiêng... .
Chỉ là mây trắng.
Chỉ là mây trắng ngang trời.
Chỉ là trăng sáng bên đời đêm mơ...
Chỉ là một thuở tình thơ.
Chỉ là sương sớm đang chờ nắng mai...
Chỉ là tan hợp bèo mây.
Chỉ là chiếc lá hao gầy cuối thu...
Xong công việc, giấy, viết, cả hai cái bao thư mới và cũ ông để lại trên bàn. Riêng bài thơ nguyên bản và lá thư được ông xếp nhẹ nhàng, vuốt phẳng phiu (vì được viết trên giấy pơ-luya mỏng lại còn chi chít những lỗ do mối-mọt) rồi ông cho vào túi áo sơ-mi, treo lên mắc áo cẩn thận... .
Ông Hưng lên giường ngủ một giấc thật ngon, trong giấc ngủ ông mơ thấy mình đi đến một nhà thờ thật lớn và tráng lệ vô cùng! Nơi đó ông gặp một... nữ tu đứng tuổi, dáng quen quen, đang từ xa nhìn ông, cánh tay như ra dấu gì đó nhưng không nói năng chi cả.Tuy không nhìn rõ mặt người này , nhưng như bị thôi miên ông lần bước tiến về phía đó... .Chợt một hồi chuông giáo đường ngân vang... .
Ông Hưng thức giấc bởi hồi chuông sớm của nhà thờ chánh tòa thuộc giáo phận XL, không xa lắm với nhà con trai ông. Hai vợ chồng đứa con cũng đã thức dậy từ lúc nào rồi. Nghe câu chuyện qua lại của cả hai, ông như... ngạt thở khi biết bài thơ gốc và lá thư đã biến thành một ... cục giấy trong túi áo! Trong lúc ông ngủ, đứa con trai biết lúc chiều áo ông bị vài vết dơ nho nhỏ do rượu vang đỏ, sau khi tiếp bạn bè đã... “mệt” rồi lại còn cho áo ông vào... máy giặt! Sáng ra, con dâu ủi áo để cho ông mặc mới biết cớ sự! Ông vốn hiểu “tâm lý” của một số đàn ông mà, sau khi uống “mệt” rồi hay làm ra vẻ mình chưa có sao cả (!), hay làm việc này việc nọ để lấy lòng... “quý bà” ! Ông bèn nói lớn cho dưới nhà nghe:
- Thôi không sao đâu, chỉ có mấy câu thơ ba đã chép lại trên tờ giấy khác rồi!
Tuy nói vậy, nhưng trong lòng ông Hưng vẫn có chút... buồn buồn. Ông tự an ủi, miền đất này là nơi viết ra và rồi cũng là nơi... trở về của “bài thơ năm cũ”!
Huỳnh Văn Huê.