TRĂNG SÁNG BÊN ĐỜI.
Trong giai đoạn có một cuộc đổi thay vô cùng lớn lao… , đang công tác ở một cơ quan cấp trung ương tại Sài Gòn, Hưng đành chọn cách trở về quê hương làm việc để được gần nhà, dù sao cũng vẫn là nghành nông nghiệp đúng với sở học của mình. Môi trường mới, hầu như đơn độc giữa những con người mới…, dần dần Hưng cũng phải thích ứng với hoàn cảnh này mà thôi!
Ngoài công tác chuyên môn, có lúc Hưng được phân công tham gia giảng dạy vài môn chuyên nghành cho một lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật nông nghiệp để giúp người dân “tăng gia sản xuất”. Học viên được các phường - xã, các huyện gửi về rất đông, thời điểm này hầu như mọi người ai ai cũng không nề hà những công việc “chân lấm tay bùn” đâu! Tuy tập trung đông nhưng chuyện cơm nước đã có “bếp ăn tập thể” của cơ quan nhà nước chủ quản lo… .
Thành phần học viên tham gia rất phong phú về… tuổi tác, thành phần cũng như trình độ. Nguyên tắc chung là học vấn phải từ lớp 9 trở lên, nhưng thực tế qua những lúc “lên lớp” Hưng thử ngầm kiểm tra thì… không phải vậy! Thôi không sao, hướng dẫn một chút kỹ thuật phổ thông thôi thì cũng không nên yêu cầu tất cả học viên đúng chuẩn làm chi.
Học viên có thể là cô, cậu học sinh lớp 9 mặt còn non choẹt, hoàn cảnh … tạm thời khó khăn bèn tham gia để mong có thêm kiến thức giúp gia đình trong việc chăn nuôi, trồng trọt. Rồi đến những nông dân… thứ thiệt trong lúc nông nhàn cũng tham gia để… mở mang kiến thức. Nhưng có một học viên làm Hưng chú ý nhất là một… ma-sơ (ma soeur). Khi tiếp xúc Hưng được biết vì nữ tu viện có một rẫy lớn ở L-K đủ cả chăn nuôi và trồng trọt, nên cử ma-sơ đi học về hướng dẫn lại các ma-sơ khác. Trình độ của ma-sơ này khỏi nói, thật… tuyệt. Theo nguyên tắc học viên phải học tập trung, ở lại “trường”, mỗi tuần lễ mới về nhà ngày Chủ nhật. Hưng cũng vậy thôi, chỉ khi nào có công tác đột xuất, trên sở chủ quản thông báo mới phải về (… và tạm sắp xếp “thời khóa biểu” lại). Thế là Hưng có dịp giao tiếp với ma-sơ “học trò” của mình.Có lẽ khi nghe những danh từ nữ tu, rồi ma-sơ, ai cũng dễ tưởng tượng rằng đây là một “nữ thầy tu” lớn tuổi, đạo mạo và… khắc khổ lẫn khó tính. Nhưng không, ma-sơ là một cô gái trạc tuổi Hưng – lúc đó chỉ hai mươi mấy - vui vẻ, hòa đồng, có điều hơi nghiêm trang hơn người… ngoài đời thôi.
Hôm đó là một đêm Trung Thu, chung quanh “trường” bốn bề vắng lặng – thật ra trường học chỉ là một… nông trường hẻo lánh, thuộc một huyện khá xa trung tâm tỉnh – các học viên tổ chức đốt lửa trại và hùn nhau nấu… chè! (Ngày đó làm gì có bánh Trung Thu nhiều và phong phú như bây giờ!). Hưng thấy ma-sơ ngồi đơn độc ở góc sân, không ngồi chung quanh đống lửa như mọi người, nên tiến lại gần bắt chuyện:
Sao “ma-sơ” không ngồi chung với mọi người cho vui?- Mĩm cười hiền hậu, ma-sơ trả lời:
“Thầy” không thấy mặc đồ như thế này… nóng lắm! – Hưng cười nhẹ, bối rối vì chợt thấy mình vô ý khi nhìn bộ đồ tu đang mặc trên người của ma-sơ.
Chuyện trò qua lại, điều Hưng vô cùng bất ngờ khi biết được là thời gian Hưng theo học tại Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp cùng lúc đó ma-sơ đang học đại học Văn Khoa, hai cổng trường gần như đối diện nhau! Tên ngoài đời của ma-sơ là Hạnh, Hạnh chỉ mới… đi tu gần hai năm nay thôi, còn bỡi lý do gì thì Hưng làm sao dám tò mò tìm hiểu. (Đôi lúc nhìn Hạnh chăm chỉ ngồi học trong lớp, Hưng thầm nghĩ, đến giờ mình mới thấm thía bài thơ của Nguyễn tất Nhiên đã được phổ nhạc và nổi tiếng “Em hiền như Ma Soeur”.)
Bầu trời càng về đêm càng trong vắt, ánh trăng rằm vằng vặc tỏa luồng ánh sáng mát dịu, khác xa đống lửa ở giữa sân vẫn còn phát ra hơi nóng dù cũng đang tàn lụi dần… .Mọi người còn gần như đầy đủ, quây quần quanh đống lửa với những trò chơi lửa trại. Chợt ma-sơ ngước nhìn ánh trăng, rồi hỏi Hưng:
- Phần vỉa hè đường Duy Tân bên khu trường Luật và Kiến Trúc lúc đó có hàng cây me đẹp ghê! – Ngạc nhiên xen lẫn chút ngờ ngợ Hưng hỏi:
- Ủa ! “Ma-sơ” bên Văn Khoa mà có chú ý đến hàng cây này à? Đó là… “ Con đường có lá me bay”… – Miệng thoáng cười nhẹ, ma-sơ tiếp:
- Còn biết có trên mấy cây trồng ven đoạn đường này có viết những… chữ gì nữa kìa! – Hưng không còn ngạc nhiên mà là chuyển qua trang thái … sửng sốt. Đây là “tác phẩm” của anh bạn quen học trường Luật, cách đây đã mấy năm rồi.(So với những cách tỏ tình gây… “sốc” của vài người trẻ bây giờ được đưa lên mạng dạo gần đây thì “tác phẩm” nói trên cũng đâu có thua kém gì!) Hồi đó đã làm xôn xao đám sinh viên trường Luật, trường Kiến Trúc và có thể còn lan tỏa đến những trường khác khá gần đó như: Văn Khoa, Dược Khoa, Nông Nghiệp. Vẫn với nụ cười mĩm, ma-sơ nói:
- “Thầy” viết tên H. bằng nhiều kiểu chữ đẹp ghê! – Đến nước này thì gần như… hốt hoảng, Hưng thầm nghĩ trong bụng:(Trời đất! Cái thằng Hưng này đâu phải…tác giả. Đây là do cái “ông” Thành mà! Chàng ta “chấm” một cô sinh viên tên H., rồi tô điểm con đường đến trường của “nàng” bằng cách viết tên H. lên từng gốc cây!) Hưng vội vả… đính chính:
- Không phải tôi đâu, của anh bạn quen bên Luật tên là Thành.
- Nhưng lúc đó sao thấy “thầy” đi đi, lại lại, ngắm nghía… ? – Chợt hiểu ra, Hưng vỗ nhẹ trán và trả lời ngay:
- À! Lúc đó nghe bạn bè bàn tán nhiều nên tôi đến … xem đó mà. Nhưng tôi nhớ hôm đó chính “tác giả” là anh Thành cũng đang chăm sóc mấy cây hoa dưới… gốc cây (do anh ta… “tự nguyện” trồng). – Rồi chợt nhớ ra điều gì, Hưng hỏi lại:
- Vậy hôm đó… “ma-sơ” cũng có mặt à? Nhưng sao… ?.- Hiểu ý Hạnh trả lời:
- Cũng đến… xem với mấy đứa bạn. Lúc đó có “ai” biết “ai” đâu! Trên lề đường nên người qua lại nhiều mà. Nhưng “thầy” nhắc như vậy nên nhớ rồi, anh ngồi lui cui chăm sóc mấy bồn hoa có mái tóc dài... nghệ sĩ.- Không biết có phải vì mãi mê nói, Hạnh… lỡ miệng nói tiếp với dáng vẻ thoáng chút tư lự, mơ màng…:
- Hồi đó tóc “thầy” cũng… dài! Từ đó đến giờ cứ tưởng là… .- Rồi như chợt có một chút sực tĩnh nào đó, Hạnh nói thêm:... không biết bây giờ chị H. và… anh Thành ra sao rồi?- Thoáng chút trầm tư, nhưng rồi Hưng trả lời nhanh chóng:
- Thật ra tôi cũng không biết được nhiều đâu. Chỉ biết sau này mỗi người có riêng… một “con đường” !
Đến đây hai người chợt không hẹn mà cùng… im lặng! Phải chăng họ cùng thả hồn về trường xưa, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm thời áo trắng?! Rồi Hạnh - bây giờ trông như là một … sinh viên Văn Khoa năm nào - miệng cười nhẹ nhưng gương mặt không… cười, nói như để nói với “ai” ngày xưa nghe vậy:
-Hồi đó có làm bài thơ, định đem qua… dán lên gốc cây để… “ghẹo” anh chàng si tình… .Nhưng mấy đứa bạn nói coi chừng mưa, gió, hoặc người đi đường làm mất đi, bài thơ cũng sẽ không đến được tay “người nhận” đâu! – Tim Hưng bắt đậu đập mạnh hơn, không biết có phải vì ăn chè ngọt quá hay là vì… chuyện kể chân thật của ma-sơ. Hưng nói nhanh,cũng với lòng chân thật như sợ mất cơ hội:
- Vậy “ma-sơ” cứ đọc lại
đi, biết đâu tôi sẽ có dịp gặp, hoặc có cách nào đó chuyển bài thơ đến anh Thành…
.
Như chìm đắm trong thời gian và không
gian của năm xưa, thuở ngày xanh còn đi về trên con đường, trên vỉa hè cũ năm
nào, còn vào ra giảng đường đại học. Rồi
không biết Hạnh nói hay đọc thơ nhưng dường như chỉ đang hiện hữu có một mình:
- “Chỉ là…”. Bỗng nhiên như thức tỉnh, như chợt nhớ mình đang là… một nữ tu, một ma-sơ, Hạnh im lặng. Sau đó nhân lúc mọi người bắt đầu lục tục thu dọn để đi ngủ cho đúng giờ theo qui định, Hạnh trở về thực tại với hiện thân là một… ma-sơ, cất tiếng cố tình ra vẻ bình thản:
- Thôi, đến lúc phải trở
vô trại -Và sau cái nhoẻn miệng rất duyên:
- Bài thơ thì đã… quên rồi!... .
* * *
Mấy ngày sau, môn học mình phụ trách chấm dứt, Hưng phải quay trở về sở với những công việc như trước kia. Qua một người bạn – công tác chung - có môn học còn tiếp tục dạy, Hưng được biết tu viện đã xin ban Giám hiệu khóa học triệu hồi Hạnh về để dự lớp học đặc biệt về đạo giáo của chính tu viện. Thay thế là một ma-sơ lớn tuổi khác. Vì mục đích của khóa học ngắn ngày này là nhằm chuyển giao kỹ thuật, kiến thức phổ thông thôi chớ không phải chú trọng để lấy chứng chỉ, bằng cấp này nọ… , nên yêu cầu của tu viện đã được chấp thuận.
Riêng Hưng sau đó cố công thăm hỏi bạn bè thì được biết người bạn tên Thành cũng đã đi đâu mất tăm! Vào thời đó, một người đột nhiên “mất tích” một ít lâu là chuyện vẫn xảy ra… .Mọi việc tưởng chừng như được phủ mờ bởi sương khói thời gian… .
Mới đó mà đã mấy mươi năm rồi! Hàng cây ven đường giờ vẫn còn đó, đã vươn cao hơn, đã phát tán rộng hơn trở thành cổ thụ, như là chứng nhân của biết bao quãng đời tươi đẹp. Thời gian gần đây, qua những lần gặp lại bạn bè ngày xưa (có khi nhờ internet!), Hưng được biết Thành đang… trở lại với các bạn văn chương qua mấy bài thơ thắm đượm chân tình, gây nhiều xúc động- bồi hồi trong lòng mọi người, trong đó có bài “Chỉ là bóng mát”. Vốn là một người thích văn – thơ, có lẽ vào dịp nào đó, khi trở lại con đường xưa, Thành đã cảm tác nên bài thơ này(?). Bài thơ có nói đến lá me bay, nói đến bóng mát của hàng cây ven đường, tuy mới đọc qua nhưng Hưng đã… nhớ luôn 4 câu đầu… . Hưng vốn một người không tin vào chuyện… “thần giao cách cảm” hoặc những chuyện tương tự. Nhưng không hiểu sao bài thơ này có tựa đề và hai chữ đầu các câu lại đúng hai chữ đầu của câu nói (hay là bài thơ??) mà người con gái tên Hạnh, sinh viên Văn Khoa đã nói vào một đêm Trung Thu bên đống lửa hồng của mấy mươi năm trước!?
Còn ma-sơ Hạnh năm nào giờ nghe đâu đã trở thành một nữ tu uyên thâm, khả kính, có học vị rất cao, đang hành đạo mãi tận bên trời Âu… .
CHỈ LÀ BÓNG MÁT
Chỉ là rây rắc lá me bay.
Chỉ là ngan ngát hương tình say.
Chỉ là hoa mộng ngày xanh cũ.
Chỉ là bóng mát quyện hình ai?
…………………………………
HUỲNH VĂN HUÊ