Giới thiệu và đánh giá cuốn Opusculum de sectis apud sinenses et tunkinenses (II)
Giới thiệu vài dòng về tác giả Adriano di St. Thecla và tu hội của ông
Giám mục Adriano thuộc tu hội dòng Augustine chân đất, hay còn được gọi là Dòng Augustine Chiêm niệm. Dòng này có từ lâu, thời thánh Augustine năm 354-430
Dòng tu của Adriano xuất hiện từ thế kỷ 16 xuất phát từ dòng Thánh Augustine khổ hạnh ở trên. Dòng tu Augustine chân đất áp dụng một lối tu trì với những luật lệ, nghi thức nghiêm khắc hơn dòng Thánh Augustine khổ hạnh.
Cuộc sống tu trì của họ là đề cao đời sống nghèo khó, hành xác và xa lìa khỏi thế gian. Họ tôn trọng sự im lặng. Sự im lặng ở đây được coi như một thứ “triết lý vô ngôn”. Im lặng nghe thì dễ mà thật sự không dễ gì trong thực tế. Và quy luật dòng đề ra một cuộc sống vật chất cực đơn giản mà mỗi ngày chỉ có nước, bánh mì, trái cây, dầu olive và rượu vang. Nội việc đi chân đất vào mùa đông ở Âu Châu như nước Ý đối với tôi đã là một thử thách rất lớn. Theo Đức cha Giovannii Nicolucci di S. Guglielmo (1552- 1621) đã nhấn mạnh:
“Hãy cảm nhận sự sâu lắng của miền đất này vì nó linh thiêng. Trước hết, con hãy để chân trần, nó sẽ tác động đối với tâm hồn con, trần trụi và tự do.”
(Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài, trang 32).
Việc hành xác như dùng roi da quất vào sau lưng. Hay đeo những dây thắt lưng có những đầu sắt nhọn quay vào phía bụng, v.v. là những sự hành xác “thông thường” được áp dụng trong nhiều dòng tu khổ hạnh.
Sở dĩ có sự hành xác như thế vì có quan niệm nhị nguyên về con người mà thân xác được coi là đầu mối của tội lỗi. Quan niệm này dĩ nhiên đã trở thành lỗi thời và nay không còn được áp dụng nữa.
Ngoài cuộc sống chiêm nghiệm, họ còn có thêm sứ mạng truyền giáo. Vì thế, họ đã được gửi dến Phi Luật Tân, rồi Việt Nam ở Đàng Ngoài và ở Trung Hoa vào năm 1696 một vài giáo sĩ đến trước cả giáo sĩ Adriano.
Hình: Các tu sĩ Dòng Augustine đến Philippines vào năm 1565. Nguồn: History of the Order of St. Augustine written by David Gutierrez
Phần Giám mục Adriano sang Việt Nam trên một con tàu Pháp, ngày 18 tháng 12, năm 1736. Gần hai năm sau, ông mới đặt chân lên Đàng Ngoài qua ngã Ma Cao. Họ đã ở lại Kẻ Vân để học nói tiếng Việt. Vị giáo sĩ này đã mau chóng học được tiếng Việt khi đến Đàng Ngoài.
Về những hoạt động của giám mục Adriano thì ít nhất cũng có một vị bề trên của ông, trong một lá thư đã đưa ra nhận xét như sau của giám mục Ignazio Barbagallo:
“Đức cha Adriano là một nhà tu hành có công tích lớn lao, và đức hạnh của ông ấy với tôi là đáng mến mộ.”
(Đức cha Adriano di St. Thecla. Luận về các phái của người Trung Hoa & Đàng Ngoài. Nguyễn Thanh Xuân dịch. Võ Minh Tuấn hiệu đính, trang 41)
Cũng trong thời gian giám mục Adriano, người được bổ nhiệm đến giáo phận Đông (Giáo hội phía Đông nằm ở phía Đông sông Hồng), thì nơi đây có loạn lạc. Nhiều làng mạc bị bỏ hoang, những băng đảng côn đồ, rồi lính tráng cướp bóc dưới các phong trào nổi dậy tự phát của quần chúng nông dân do các thủ lĩnh phản loạn.
Cho nên việc truyền đạo cũng không dễ dàng gì.
Adriano di st.Thecla được chỉ định đại diện giáo phận ở phía Đông.
Và lúc này, ông trở thành giáo sĩ Augustin Chân đất cuối cùng ở phía Đàng Ngoài. Và những năm cuối đời, việc thực hiện sứ vụ bị thất bại là do những tranh chấp và mâu thuẫn với các giáo sĩ Dominicain đến từ Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, Adriano đã từ chối nhượng bộ các giáo sĩ Tây Ban Nha.
Cuộc tranh cãi tranh chấp kéo dài cũng đến vài thập niên cho đến lúc có văn thư chính thức chấp thuận để các giáo sĩ Dominicain cai quản hoàn toàn vào năm 1745.
Có lẽ cũng cần nói rõ tại sao có sự tranh chấp về nghi lễ giữa hai dòng này. Nguyên do việc tranh cãi về nghi lễ này là người ta tự hỏi liệu các nhà truyền giáo có thể giảng dạy thế nào về các bài giảng của họ làm sao phù hợp được với văn hóa địa phương, nhưng lại không thể đi trái hoặc phương hại đến đức tin.
Nhiều giáo sĩ khi đến truyền giáo ở Trung Hoa cũng gặp những trở ngại này và đi đến thất bại lúc ban đầu. Làm cách nào tránh được xung đột trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên và việc sùng bái Khổng Tử?
Nói chung, xu hướng của Giáo Hội là có sự tách biệt các nghi lễ công giáo với nghi lễ của địa phương. Và nếu, hội truyền giáo nào không tuân thủ sẽ bị trục xuất theo thông tư của Giáo Hoàng Clément XI. Ông đã ký một sắc lệnh cho phép Tòa án dị giáo cấm viết về cuộc tranh cãi liên quan đến nghi lễ.
Cuộc tranh cãi này, kéo dài đến hàng thế kỷ, mà chúng ta đừng tưởng lầm là nó chỉ xảy ra tại Việt Nam giữa hai dòng tu như đã trình bày. Nhưng tại bất cứ nơi nào có xứ truyền giáo như tại Trung Hoa. Một số nhà truyền giáo tại Trung Hoa cũng có quyết tâm duy trì sự liên kết giữa những nghi thức hành lễ có tính nghi lễ địa phương với Kitô giáo. Và do đó, họ cũng phải đối phó với nguy cơ bị triệu hồi và rút phép thông công.
Cho nên, việc làm của giám mục Adriano là can đảm chấp nhận có thể bị trục xuất.
Ở thời điểm với sự có mặt của gm. Adriano tại Đàng Ngoài thì đã có sắc lệnh: “Ex quo singulari” của Giáo Hoàng công bố vào ngay 11-7, 1742 “quy tội cho bất kỳ nhân nhượng nào đối với phong tục địa phương, kể cả việc thờ cúng tổ tiên và sùng bái Khổng Tử, được coi là thuần túy mê tín, và do đó được coi là báng bổ Kitô giáo.” (Đức cha Adriano, Ibid, trang 38)
Thế nhưng quan điểm của Adriano về cuộc tranh cãi nghi lễ này cụ thể như thế nào?
Trong phần 11, chương 2 của cuốn sách, xem ra, vị giám mục muốn một việc miễn cho sự sùng kính Khổng Tử và tổ tiên khỏi các cáo buộc về sùng bái tượng thần. Ít nhất thì việc thờ cúng tổ tiên và sùng bái Khổng Tử được xem là không mang bản chất thần thánh và do đó cũng nên được ứng xử một cách khoan dung, it nhất là cho đến khi cộng đồng Ki-tô giáo được hình thành.
Tuy nhiên, cách ứng xử của ông sau này bị các giáo sĩ dòng Dominicain và Fransisco ở Tây Ban Nha phản đối, do lo ngại làm mất đi tính thuần khiết của Ki tô giáo.
Thế là từ đó dấy lên một phong trào đối kháng giữa đôi bên lên quan đến mối quan hệ giữa nhà truyền giáo và dân chúng địa phương, giữa các nhà truyền giáo và Tòa Thánh, nhất là giữa các dòng tu với nhau.
Và để chấm dứt sự tranh cãi này, Phái bộ Truyền bá và Đức tin đã có đề án “Đề án triệu hồi các giáo sĩ Augustine Chân đất ở Đàng Ngoài.”
Tuy nhiên gm. Adriano di St. Thecla đã không chịu rời đất nước mà ông đã hiến dâng hết nửa đời mình và ông đã mất sau đó ở Đàng Ngoài tháng 9-1765.
Tác phẩm của vị gm. gồm 6 chương: Giới thiệu, Khổng giáo, Thần Linh, Phái Thuật sĩ (tức đạo giáo), Bói toán, Phật giáo và Kito giáo.
Trong đó, 19 trang dành cho Khổng giáo, 12 trang cho đạo giáo, 24 trang cho Phật giáo. Và điểm đặc biệt, ông dành 36 trang cho các thần linh.
Người viết sẽ không đi vào chi tiết các nhận xét về các tôn giáo bạn của gm. Adriano và xin để dành cho độc giả tự đọc.
Nhưng người viết dựa trên bản dịch này đánh giá lại quyền bính của Vatican với các giáo hội địa phương mà cái nhìn và quyết định của Vatican thì không nhất thiết phù hợp với quyền lợi của giáo hội địa phương và cũng từ đây rút ra một bài học cho ngày hôm nay.
Nhận định chung về sự tiếp xúc, cọ sát giữa văn hóa của người ngoại quốc đối với Văn hóa địa phương
Nói một cách chung, khi một người ngoại quốc tiếp xúc với người Việt Nam và viết về xứ sở này thì thật khó tránh là họ không có cái nhìn thiên khiến. Thiên kiến là khó tránh cũng như người Việt trước đây có thói quen gọi đồng bào Thượng là “mọi” vói ý miệt thị, thấp kém.
Lý do phải nhìn nhận là họ văn minh và tiến bộ hơn chúng ta về mọi mặt nên it nhiều không tránh được sự so sánh với xứ sở của họ. Họ thường đem so sánh các tiêu chuẩn về văn hóa, nếp sống, nếp suy nghĩ của bản thân họ, từ đó đánh giá tốt xấu điều mà mà họ nhận thấy ở người dân Việt Nam. Nói chung, phần đông là một cái nhìn tiêu cực.
Một cái nhìn của những người không có trình độ chuyên môn về môn Nhân chủng học mà ngày nay những tài liệu ấy chỉ có giá trị tham khảo so sánh. Chúng ta không nên dùng các tài liệu này để lên án tính cách hời hợt của người Phương Tây.
Cũng vì vậy, khi người Pháp sang Việt Nam, họ đứng trước một thực trạng là dân trí người Việt còn thấp kém về nhiều mặt trong đó còn nặng tinh thần chủ nghĩa duy hồn. Vì vậy, họ có tham vọng khai thác tài nguyên, nhưng cũng muốn “mở mang dân trí”. Đó là chính sách hai mặt của chủ nghĩa thực dân Tinh thần của người Pháp ấy cũng không xa lạ gì đối với một số thừa sai ngoại quốc, nhất là thừa sai Pháp khi được phái sang truyền đạo ở Việt Nam.
Trong cuốn Histoire du Tonkin của cố đạo A. De Rhodes mà người viết có đề cập đến nhiều lần, ông cũng nói đến một số các dị đoan và mê tín như thế lực tà ma gọi là Võ Tuấn. Những người già cả tin rằng vào cuối năm vị Võ Tuấn này có thể sát hại và bóp cổ những người già nên họ phải vào trú ẩn trong các chùa chiền không dám ra ngoài cho mãi đến ngày mồng một tết mới trở về nhà. Ở chỗ khác, xin chép lại nguyên văn ý của cố đạo như sau:
“Nhưng sự chọn Thành Hoàng hay vua dị đoan này thì được thực hiện do một nguyên nhân rất kỳ dị rất điên rồ và bỉ ổi. Vì nếu có đứa trộm cướp trứ danh nào hay một kẻ trọng tội nào bị quan tòa hành hình ngoài thành và nếu vì tai nạn hay mưu mô ma quỉ nào mà có con bò, con trâu hay con heo nào bị ngã hay chết ở chỗ đó, ngay cạnh thi hài hay trên mộ phạm nhân thì người ta đồn thổi là tội nhân qua con vật ngẫu nhiên được họ nhận, từ nay được coi như vị thành hoàng.”
(A. De Rhodes. Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài. Bản dịch của Hồng Nhuệ, trang 68.)
“Cũng vậy, một cô gái con một vua Tàu, vì sống quá bê tha, bị cha ném trôi trên biển từ bên Tàu, dạt vào bãi biển của VN.. Dân làng vớt xác cô gái và lo việc chôn cất và cô được dâng kính như một nữ thần bảo hộ.”
(A. De Rhodes, Ibid, trang 68)
(Còn tiếp)Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline