XUÂN VŨ NGƯỜI CẦM BÚT KHÔNG BIẾT MỆT MỎI
(sinh 19-3-1930, mất 01-01-2004)
Đáng nhẽ, người viết bài này phải có bài viết về nhà văn Xuân Vũ từ lâu. Những năm thập niên sau 1970 ông mới Hồi chánh và được mọi người biết đến qua cuốn truyện: Đường Đi Không Đến.
Người viết chỉ nghe tiếng mà chưa có dịp đọc ông. Điều ấy tạm hiểu và chấp nhận được.
Ra đến hải ngoại dưới danh nghĩa Boat Poeple những năm đầu, người viết như mọi người phải vất vả trong việc hội nhập từ công ăn việc làm, việc học của con cái đến nhà ở.
Vấn đề cơm áo gạo tiền đã chiếm trọn thời giờ và phải mất đến 10 năm trời mới tạm ổn định. Sau đó, ưu tiên của người cầm bút là những vấn đề nóng hổi của thời cuộc chiếm hết khoảng thì giờ còn lại.
Phải mãi đến những năm 2005 trở đi, người viết mới có dịp đọc nhà văn Xuân Vũ.
Kể ra là trễ và muộn màng. Nhưng trễ còn hơn không!
Lúc sau này, do sự nổi tiếng vượt trội của Xuân Vũ nên đã có nhiều cây bút viết về Xuân Vũ như như Phan Quang Trọng: Tưởng nhớ nhân 20 năm ngày mất của Xuân Vũ.
Thứ đến là một số người bạn trẻ làm việc trong cụm tình báo chiến lược A.17 như anh Bạch Diện Thư Sinh do có điều kiện làm việc trong ngành tình báo đã cung cấp khá nhiều những dữ kiện với những chi tiết xác thực và chuẩn mực giúp người viết nắm bắt được một kho dữ kiện quý báu. Người viết khiêm tốn nghĩ rằng cần có thời gian để chỉnh sửa những thiếu xót của mình cho hoàn chỉnh hơn.
Một người nữa không quên là Lê Tùng Minh, tác giả bài: Xuân Vũ: Một ngôi sao văn học đã tắt giúp người viết nắm bắt được những chặng đường trải nghiệm và cầmbút của nhà văn Xuân Vũ.
Sự bày tỏ ở trên như một thú lời nhận những thiếu xót bản thân đồng thời cũng là dịp bày tỏ lời tri ân tất cả những ai đóng góp cách này, cách khác như anh Nguyễn Liệu,” Hồi ký Đời tôi”, Anh Song Nhị, tác giả Kim Nhật với cuốn Về R. Và cuối cùng, tác giả Vy Thanh với cuốn “Lớn lên với đất nước”. Mỗi người trong họ giúp hiểu hơn về những người Hồi chánh và hiểu rõ hơn về nhà văn Xuân Vũ.
Những bày tỏ trên như một lời tri ân đến tất cả, không trừ.
Nay thì ông Xuân Vũ không còn nữa.
Bài viết này của người viết là một tưởng niệm ông trong tinh thần viết về những người kháng chiến trở về miền Nam trong chính sách Chiêu Hồi.
Ông là tiêu biểu đắt giá nhất, đáng trân trọng nhất trong số những người cầm bút phía bên kia trở về với chính nghĩa quốc gia.
Đôi dòng về cuộc đời hoạt động kháng chiến của ông.
Xuân Vũ là người đã từng tham gia hoạt động chống Pháp trong thời Nam Bộ kháng chiến tại chiến khu U Minh- Cà Mâu vào những năm 1945-1954 với tên thật là Bùi Minh Triết với tư cách phóng viên của tờ báo “ Tiếng súng kháng chiến” thuộc sở Văn Hóa Thông tin Nam bộ (1950-1954). Và sau này là nhà văn Xuân Vũ .
Trong thời kỳ này, sau khi tập kết vào năm 1954 ra Bắc, ông được chứng kiến cảnh “đấu tranh chống ảnh hưởng của Nhân Văn Giai Phẩm”. Cũng nhờ đó, ông đã có cơ hội đọc chuyện : Ông Năm chuột của cụ Phan Khôi, câu chuyện của Phan Khôi thật mỉa mai và sâu sắc làm các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ đều nổi giận.
Và nhất là bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần: “Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ… đã đưa một số nhà thơ, nhà văn và các văn nghệ sĩ chịu chỉnh huấn và kiểm thảo tư tưởng, sau đó được gửi đi các công trường, nông trường để cải tạo tư tưởng..
Dưới con mắt của Đảng thì “Đi thực tế để có vốn sống hiện thực, nhằm giúp cho các nhà văn sáng tác nên những tác phẩm có tính Đảng cao.”.
Thực tế mà nói, đó chỉ là “giai đoạn khủng bố mang tính cách nhà nước” mà người cầm đầu các nạn nhân là ông Viện trưởng viện Triết học Hoàng Minh Chính.
Tôi thiển nghĩ, chính những cảnh trù dập các văn nghệ sĩ miền Bắc mà ông từng được chứng kiến sẽ là bước mở đầu, viên gạch lót đường cho việc Hồi Chánh của ông sau này.
Cũng chính trong giai đoạn này, ông quen được Nguyễn Tuân và một số văn nghệ sĩ khác. Nhờ đó, ông viết một cuốn sách” Những văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết.”
Cuốn sách một lần nữa cho thấy ông quý mến và trân trọng những văn nghệ sĩ miền Bắc như thế nào? Sự quý mến ấy một lần nữa cho thấy, ông đứng về những kẻ yếu thế, chống đối lại nhà nước cộng sản một cách tiềm ẩn, không tiện nói ra.
Sau này, theo lời tâm sự của ông, chính ông là người tình nguyện đi B, và vận động sự ủng hộ của đảng đoàn Văn Nghệ mãi mới được Ban tổ chức Trung ương chấp thuận.
Tình nguyện đi B, trước hết, phải chăng là một gián tiếp mở đường cho ông có cơ hội Hồi Chánh?
Về tới Trung Ương Cục, ông được phân công về Tiểu ban Văn Nghệ, trực thuộc Ban Tuyên huấn do Trần Bạch Đằng phụ trách.. Ông cũng cho biết đã gặp bà Nguyễn Thị Định – Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Quân sự Miền và bà ấy đã đề nghị ông nên về quê hương Bến Tre, lấy tài liệu sống để viết một tác phẩm lịch sử mang tên “Bến Tre. Ngọn cờ đầu của Phong trào Đồng Khởi” do bà ấy lãnh đạo hồi năm 1959-1960.
Ông rất phấn khởi và tin tưởng vào quyết định này để trải nghiệm và kiểm chứng thục tế luôn.
( Xem thêm bài của Lê Tùng Minh. Một ngôi sao văn học đã tắt.)
Ông đã từng trải nghiệm sự trù dập của chính quyền miền Bắc đối với giới văn nghệ sĩ. Ông cho ra đời ba tập: Những văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết” trải nghiệm bằng những đớn đau tinh thần lẫn thể xác.
Trải nghiệm thứ hai lớn lao và đau khổ cả thễ xác lẫn tinh thần trên đườngTrường Sơn đã đưa nhà văn Xuân Vũ đến cuốn sách: Đường đi không đến..
Trải nghiệm thứ ba trên địa đạo Củ Chi như một lừa bịp đã cho ra đời cuốn: 2000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi viết chung với Dương Đình Lôi.
Cũng theo anh Lê Tùng Minh, ông muốn kéo Xuân Vũ về với Quốc Gia để anh có cơ hội phát huy sáng tạo văn học, sau khi đã trải nghiệm thực tế sau khi “ đã va đầu vào thực tế phũ phàng” của cái gọi là “ Đồng Khởi Bến Tre” mà Hà Nội đã thần thánh hóa “vai trò vĩ đại của chị Ba Định” đã đánh thắng cả Sư đoàn Mỹ-Ngụy..
Quả đúng như vậy. Vào năm 1971, Văn phòng của Sở Điệp Báo A.17 ở Sài gòn cho hay Xuân Vũ đã ra trình diện với tư cách người đi tìm Tự Do.
Việc ông rời bỏ hàng ngũ cộng sản là một hành vi tự nguyện, thức tỉnh không vì sợ gian khổ, hoặc quyền lợi cá nhân của riêng mình.
Sau một thời gian kết thúc thẩm vấn, ngành an ninh đã làm sáng tỏ Tư cách đi tìm Tự Do của Xuân Vũ. Anh đã được Bộ trưởng bộ Bộ Thông tin Chiêu Hồi bổ nhiệm vào chúc vụ Phó Giám Đốc Trung Tâm chiêu hồi, tại Thị Nghè.
Sau đây xin trích dẫn một vài ý kiến của bác sĩ Hồ Văn Châm, tổng trưởng thông tin Chiêu hồi.“Tôi đã có dịp tiếp xúc và nói chuyện với anh Xuân Vũ cho thấy nội dung cuốn sách” Đường Đi không đến” đượm tính xác thực, không dài dòng lê thê, không hoa hòe hoa sói, không bịa đặt, không xuyên tạc, không phỉ báng ai mà cũng không ca tụng ai. Người viết chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe cùng những cảm nghĩ của mình trên đường vượt Trường Sơn về Nam thi hành nhiệm vụ giao phó.. Nói tóm lại, tập Hồi ký này ghi lại trung thực một đoạn đời của nhà văn Xuân Vũ trong sự nghiệp phục vụ quê hương.”.
Sài Gòn, ngày 2 thang 7 năm 1973.
Bác sĩ Hồ Văn Châm
Một số sách do nhà văn Xuân Vũ sáng tác.
Ông là một nhà văn chuyên nghiệp, đa năng, viết nhiều thể loại. Sách truyện ký, ký sự, khảo luận, kịch. Có tài liệu cho biết tổng cộng 57 cuốn. Rất có thể còn nhiều hơn con số vừa kể.
Trong đó cuốn Hồi ký: Đường Đi không Đến được giải thưởng Văn học của TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu. Cuốn này được tái bản đến 8 lần, in trên nhật báo Tiền Tuyến và sau này được tái bản nhiều lần ở hải ngoại.
Cuốn sách cho thấy ông có một trí nhớ phi thường- dù chỉ là những chi tiết nhỏ-.
Nó không chỉ có vậy, dù gì đi nữa nó vẫn chỉ là nguyên liệu ròng. Cái thực tài của ông là biến nó những câu truyện đã bập vào đọc thì bị cuốn hút không rời ra được. Nó hấp dẫn một cách kỳ diệu, đã đọc là phải đọc hết.
Trường Sơn như con đường ông đã đi qua. Nó phô bày ra những đe dọa làm khó con người. ông viết là một thiên nhiên ác độc: Rau độc, nấm độc, khí hậu khắc nghiệt, nước độc.
Đó là con đường của đói, con đường dốc của bệnh tật, của muỗi độc, của sốt rét ác tính với đủ nỗi nguy hiểm rình rập của thiên nhiên.
Chưa kể bom đạn trên không dội xuống bất ngờ chôn vùi, xé toang rách nát con người, chết không toàn thây, chết vất vưởng trên cành cây, cạnh bờ suối, thối rữa trong nỗi bất lực và tuyệt vọng của con người.
Đó là con đường dài bất tận, con đường đi mà không đến chết vì bom, chết vì hỏa tiễn, chết nằm trên võng, chết trong hốc đá, chết mà không ai chôn, chết đủ kiểu..
Nhiều đoạn đọc đến rởn tóc gáy thương cho số phận con người bị đầy đọa trong chốn hỏa ngục do chính con người tạo dựng nên.
Ngoài ra, bên cạnh đó còn các cuốn như “ Mạng người lá rụng”, “Xương trắng Trường Son” “ Đồng bằng gai góc.” Đến mà không đến” cũng nằm trong tầm viết của tác giả.
Mỗi cuốn gợi lên một sự việc, gây một cảm xúc mới lạ. Nhưng vẫn không một lời kết án ai một cách trực tiếp.
Nhưng nó đặt ra cho mỗi con người tự mình phải tìm ra một lời giải đáp cho riêng mình.
Một vài cuốn sách khác của Xuân Vũ cần được lưu ý.
- Cuốn” Văn Nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết.”
Nó gồm 3 tập với rất nhiều tên tuổi của các văn Nghệ sĩ miền Bắc. Hầu như không thiếu một tên tuổi nào.
Tập I với với Nguyễn Tuân, Văn Cao, Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Kim Lân, Nguyễn Xuân Khoát, Ngân Giang, Nguyễn Bính.
Tập II với Phan Khôi, Phùng Quán, Văn Cao, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Vũ Anh Khanh, Đỗ Phồn, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Vũ Đình Liên.
Tập III với Xuân Quỳnh, Tố Hữu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước.
Ông kể những giai thoại, những nét đặc trưng của từng tác giả như Tố Hữu, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Thế Lữ, Nguyễn Xuân khoát, Nguyễn Công Hoanvv.
Với tựa đề như: Phùng Quán đến thăm Hoàng Cầm. Cọp Thế Lữ nhớ rừng, Bưóc đường cùng của Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Xuân Khoát hiện lên tiếng chuông nhà thờ.
Xuân Vũ đã vẽ lên một bức tranh “vân cẩu”của mỗi nhà văn trong cái toàn cảnh của xã hội miền Bắc bị gò bó, chèn ép.
Nó cho thấy, tác giả do tiếp xúc hiểu rõ từng chân dung các nhà văn, nhà thơ của giới văn nghệ sĩ miền Bắc mà không dễ mấy ai làm được.
Trong đó, ông đặc biệt coi các nhà văn như Xuân Tước, Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan như bực thầy của ông. (Những bực thầy của tôi, ký sự Văn học. Arlington, VA. 1998. 300 trang)
Khi ra hải ngoại ông viết: Nửa thế kỷ Phạm Duy, ( San Jose, Thằng Mõ 1994) . Ông theo dõi bước chân Phạm Duy trên khắp mọi nẻo đường đất nước, từng giai đoạn, từng hoàn cảnh sáng tác với một sự trân trọng và sự ngưỡng mộ người nghệ sĩ với cây đàn.
Còn một tác phẩm, ông viết chung với Dương Đình Lôi, hồi ký gồm 7 tập: 2000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi. Hồi ký.
Trong tập Hồi ký này, Dương Đình Lôi là người trong cuộc, người đã sống và chỉ huy chiến trường Củ Chi từ 1965-1970 là thời sôi động nhất trên chiến trường miền Nam.
Hai tác giả đã vạch trần những tuyên truyền gian dối, mưu chước với những cuộc hành quân trong vùng địa đạo chỉ giống như những hang chuột mà cộng sản đã huyễn hoặc biến thành những kỳ quan của lịch sử.
Cộng sản tuyên truyền trong các địa đạo có đầy đủ tiện nghi, có sở chỉ huy, có điện đài, có kho chứa lương thực, đạn dược, có nhiều ngõ ngách chằng chịt.
Nhưng cũng chính nơi đây đã là mồ chôn con người Nguyễn Chí Thanh sau những trận mưa bom B,52, cầy nảt tất cả.
( Sau này, cộng sản biến thành địa điểm du lịch, có hướng dẫn tham quan các địa đạo ấy.)
(Xem thêm: Xuân Vũ, một ngôi sao Văn học đã tắt . Lê tùng Minh. Đăng lại trên Nam Kỳ Lục tỉnh, Lâm Văn Bé tháng 2/2008).
Vài hàng về cuộc đời cầm bút của ông
Cuối thập niên 1970, danh tiếng nhà văn Xuân Vũ đã đạt tới đỉnh điểm mà nhiều nhà văn miền Nam mong muốn cũng không được.
Ông cộng tác với báo Tiền Tuyến. Và quan trọng hơn hết, ông được bổ xung trong Đài tiếng nói : Mẹ Việt Nam với tư cách Biên Tập Viên. Và tháng tư 1975, Người Mỹ đã bốc toàn bộ nhân viên và các văn nghệ sĩ đài này ra Phú Quốc. Nhờ đó ông được bốc thẳng sang Mỹ trước khi cộng quân chiếm miền Nam.
Tóm tắt vài dòng về chương trình phát thanh của các đài này.
Theo bà Đinh Thị Khuê, một thành viên trong Ban tổ chức ngày họp mặt các thành viên trong Đài phát thanh Quê Mẹ mà tôi chưa liên lạc được với bà qua điện thoại.
Theo đó, Đài Tiếng Nói Tự Do(VOF), Mẹ Việt Nam và đài Gươm Thiêng Ái Quốc, tại địa chỉ “ Nhà số 7” đường Hồng Thập Tự.
Theo bà Khuê, thoạt đầu Đài tiếng Nói Tự Do ( VOF) được thành lập năm 1964 và các nhân viên được các nhân viên đài VOA huấn luyện. Thoạt đầu, chương trình phát thanh được thu vào băng, rồi chuyển lên một máy bay đến Hạm đội 7 và sau đó được phát thanh ra Bắc.
Sau gần một năm thì có cải tiến khi thiết lập được Trung Tâm Phát Tuyến Thanh Lam rồi Cồn Tề ở Huế, từ đó phát thanh 24/24 giờ một ngày. Công xuất của đài Cồn Tề là 500/KW giờ, mạnh nhất Đông Nam Á.
Những nhân viên Dân sự của Đài được tuyển chọn hoặc được mời như các ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Kim Tước,, Quỳnh Giao, Mai Hương, Thanh Lan, Bích Thủy, Linh Sơn, Vũ Huyến, ban AVT và các nhà văn như Phan Tùng Mai, Lê Tuấn, Dương Nghiễm Mậu, gia đình Phạm Duy, Từ Công Phụng, Lê Tuấn , Nhã Ca,Trần Dạ Từ và hầu hết các văn nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ.
(Theo tôi được biết gia đình Nhã Ca-Trần Dạ Từ bị kẹt lại. Sau này được bảo lãnh sang Thụy Điển. Ba người con trai của Phạm Duy cũng bị kẹt lại. Ngoài ra các nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều và nhà văn Xuân Vũ cũng nằm trong danh sách di tản..)
Nhà văn Xuân Vũ ở Hải ngoại.
Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tên tuổi ông một lần nữa bừng sáng của đỉnh cao văn học. Một lần nữa như thể được tái sinh. Sách của ông được bày bán khắp các tiệm sách. Một lần người viết ghé tiệm sách Tự Lực, cả một kệ sách bày các sách của Xuân Vũ như thể một mình một chợ.
Trong khi các nhà văn miền Nam nổi tiếng một thời Việt Nam như thể mất chân đứng, mất chỗ tựa. Như thể thời của họ đã hết. Như thể ngọn lửa sáng tạo đã cạn nguồn.
Trong khi đó, trong vòng 25 năm, từ 1975- đến 1995, Xuân Vũ đã cho ra đời thêm với 40 tác phẩm văn học đủ loại, gồm 7000 trang.( gồm có Hồi ký, Tiểu thuyết, Khảo luận.) Và ít nhất có 7 nhà xuất bản in sách của ông như: Đất Mới, Nam Cường, Xuân Thu, Người Việt, Đại Nam, Trời Nam và Tổ hợp xuất bản miền Đông.
Tính trung bình, ông cho ra đời mỗi năm hai tác phẩm văn học trong những hoàn cảnh rất khó khăn cho một người di tản, vì vừa phải lo lao động bảo đảm đời sống cho gia đình, vừa dành thời gian rảnh rỗi để cầm bút.
( Về số sách của Xuân Vũ ghi chép có khác nhau, chính bản thân nhà văn Xuân Vũ cũng khiêm tốn cho rằng có khoảng 80 đầu sách)
Người viết xin mượn lời nhà thơ Xuân Tước mà tôi nghĩ không ai đủ tư cách hơn ông, ông đã viết về Xuân Vũ như sau:” Tôi đã đọc rất nhiều truyện ngắn, truyện dài của Xuân Vũ, thấy rằng anh có một lối kết cấu rất đặc biệt: Phải đọc hết, đọc cho đến chương cuối hay đoạn chót của truyện thì mới thấy nổi bật cái kết cuộc khéo léo và bất ngờ.”
“ Với tôi, chưa có nhà văn nào hiểu biết thấu đáo về cảnh quê và dân quê miền Nam hơn Xuân Vũ. Anh đã đi khắp miền Nam, từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc trở về Nam, anh đã sống, đã từng tranh đấu với dân quê. Vì thế mỗi ngôn từ mà anh viết ra đều chính là ngôn từ của họ, một mảnh đời anh vẽ lại, đều chính là cuộc đời của họ. Anh thấu hiểu tâm tình người dân thôn quê hơn ai hết.”
Qua nhận xét trên của Xuân Tước, tôi chợt nghĩ đến nhà văn Sơn Nam, được mệnh danh là “nhà văn miệt vuờn.”
Liệu sự so sánh có thể nào khập khiễng hay không?
Một nhận xét của một cán bộ phía bên kia được coi như thay cho lời kết của bài viết này. Người cộng sản thường né tránh và im lặng.
Bác sĩ Phạm Thành Tài, Giám đốc cũ của Xuân Vũ ở Nha Chiêu Hồi kể lại về ảnh hưởng tai hại của Xuân Vũ đối với xhcn. Một cán bộ công an Sài gòn đã nói với bác sĩ Phạm Thành Tài: “ Thằng Thiệu trốn, bỏ lại đất nước, ta còn có thể sửa lại, còn thằng Xuân Vũ bỏ lại tác phẩm thì chả sửa lại được, vì nó là chất độc, cực độc.”