Nguyễn Văn Lục
Uyên Thao là một con người đặc biệt, khác mọi người trong cách ứng xử, cách sống, nhất là thái độ chọn lựa hành động. Có thể nói anh là loại người thay vì lụy một người mà trên vạn người thì anh chọn vế thứ hai, đứng về phía vạn người để nói tiếng Không với một người.
Khi viết bài này, tôi nghĩ tới một người bạn chưa có dịp gặp mặt…. Cảm giác gây ấn tượng nhất là anh viết với đầy sức lửa và nghĩa khí.
Xin chào mừng nhà báo Huỳnh Việt Lang.
Nếu có một Uyên Thao trước đây thì nay có một Huỳnh Việt Lang tiếp nối trong một bối cảnh khác – một bối cảnh đầy những gian lao và thử thách.
Và thời nào, dù là thời mạt vận cũng có những con người đáp lại tiếng gọi của lương tri.
Một lần nữa, tôi cảm thấy vui mừng khi người bạn trẻ ra khỏi nhà tù để tiếp tục lên đường … Và hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ được đọc những bài viết của anh. Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết mới đây của anh, “Những Con Người Dấn thân lặng lẽ” trên DCVOnline.net. Nó phản ảnh trung thực những ngày lao lý trong tù của anh.
Mừng cho anh và mừng cho đất nước còn có những con người như thế!
Tản mạn với tác giả “Giấy bút lầm than”
Uyên Thao: “Có gì đâu”
Nguồn: Tiếng Quê Hương
18 giờ mạn đàm với anh Uyên Thao được cắt quãng bằng những khoảng không gian ở San Diego, ở quận Cam và cả ở Hoa Thịnh Đốn. Và có thể tại một quán phở, tại nhà những người bạn như nhà anh Phạm Bá Cát, hoặc ngay cả trên xa lộ, hoặc ở chính ngôi nhà hiện anh đang ở tại Hoa Thạnh Đốn. Có khi chỉ có hai người, có khi có bạn bè khác để nói đủ thứ chuyện.
Chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện con người, chuyện báo chí, chuyện chính trị, chuyện chế độ, chuyện tôn giáo, chuyện tranh đấu và dĩ nhiên có cả những chuyện vui, chuyện buồn, chuyện liên quan đến một cá nhân, v.v… Mỗi câu chuyện mà anh Uyên Thao kể lại, nó mang một ý nghĩa, một góc nhìn và chúng ta có thể rút ra được một điều gì là tùy theo mỗi người.
Cuộc đời của anh cũng như một cuốn film nhiều tập với nhiều tình tiết và giai thoại kỳ ngộ.
“Có gì đâu”
Uyên Thao là một con người đặc biệt, khác mọi người trong cách ứng xử, cách sống, nhất là thái độ chọn lựa hành động. Có thể nói anh là loại người thay vì lụy một người mà trên vạn người thì anh chọn vế thứ hai, đứng về phía vạn người để nói tiếng Không với một người.
Nhiều người bảo anh gàn có thể vì thế.
Nhiều quyết định trong mỗi giai đoạn đời sống của anh làm tôi ngỡ ngàng. Nhưng đối với riêng anh, anh chỉ coi đó là những chọn lựa bình thường. Anh thường đi đến kết luận là “có gì đâu”.
Có gì đâu là cách trả lời của anh Uyên Thao mỗi khi bị cật vấn về mỗi một quyết định của anh.
Nhưng với người đối diện đang đàm đạo với anh thì sự chọn lựa ấy quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của anh.
Cách chọn lựa ấy xem ra cho thấy hình như anh có vẻ coi nhẹ mọi chuyện ở đời này. Nó là một thứ triết lý của riêng anh, thứ triết lý vừa như người ở trong cuộc, vừa như thể đứng ra bên lề, không thiết thân. Nó giản lược vào câu nói: “có gì đâu!”
Và có thể nói chính sự chọn lựa của anh trong một số tình huống làm nên cá tính, nét đẹp con người của Uyên Thao. Uyên Thao là như thế! Sống đẹp với những chọn lựa của mình.
Kinh nghiệm ít người có được anh vừa ở trong nhà tù Quốc Gia về một câu chuyện “vớ vẩn” và khổ nhục nhưng vẫn can trường trong nhà tù cộng sản.
Một người từng ở hai chế độ nhà tù sẽ hiểu bản chất của cả hai chế độ ấy và định lằn ranh giới đâu là địa ngục, đâu là trần gian.
Anh đi tù chỉ vì ngòi bút của anh – điều mà anh gọi là giấy bút lầm than.
Đối với chế độ miền Nam trước 1975, thái độ cầm bút của các nhà văn, nhà báo là một thái độ dấn thân, nhập cuộc.
Sau 1975, người cầm bút chỉ cần là người viết như một người tử tế đã đủ là một vinh dự cá nhân rồi.
Mặc dầu biết tiếng anh khá lâu. Nhưng phải đợi một cơ duyên là có một tập tài liệu về báo Sóng Thần được anh đồng ý cho nhà Nam Sơn trước đây in lại. Tập tài liệu này nói về Phong trào Nhân dân chống tham nhũng của Lm Trần Hữu Thanh, rồi Ngày ký giả đi ăn mày và ngày Báo chí thọ nạn, đặc biệt là vụ Sóng Thần ra tòa. Tập tài liệu quý báu với đầy đủ một số hình ảnh, tên tuổi do chính anh và những người trong nhóm tờ báo Sóng Thần ghi lại như sau: Uyên Thao – Lê Văn Thiệp soạn thảo với sự cộng tác của Giáo sư Đặng Thị Tám, nhà văn Trùng Dương, ký giả Trần Phong Vũ soạn thảo trước 1975.
Khi Nam Sơn in lại xong, tôi gửi đến anh như một món quà quý giá. Chắc là anh phải thích lắm vì tìm lại được đứa con tinh thần của mình.
Nhưng vẫn chưa có cơ hội được gặp anh.
Từ đó, mối liên lạc cứ thế mà thêm chặt chẽ. Lần đầu tiên được gặp anh cách đây 6 năm trong buổi họp mặt của nhóm anh em Đàn Chim Việt tổ chức.
Anh là khách mời đặc biệt của DCVOnline. net từ Washington sang cùng với Bùi Tín, Vũ Thư Hiên từ Pháp và một số anh em trẻ từ Mỹ, từ Đông Âu sang.
Anh xuất hiện trong các buổi họp mặt khá mờ nhạt, ít nói, ít phát biểu bên cạnh những khuôn mặt trổi bật như các anh Bùi Tín, Vũ Thư Hiên.
Quả thực, anh không phải là mẫu người của đám đông, của những xuất hiện công khai.
Bản tính vốn dản dị, ăn mặc đến xuyềnh xoàng không tươm tất. Dáng người lại gầy gò, ốm yếu, xanh xao. Anh đến các buổi họp mặt của Đàn Chim Việt để nghe, để quan sát nhiều hơn để nói.
Cho đến khi anh về lại thủ đô Hoa Thạnh Đốn, tôi cũng ít có dịp để nói chuyện riêng với anh.
Có lẽ cái xa hoa duy nhất của Uyên Thao là ngồi với bạn bè đấu láo, phì phèo hút thuốc lá ba số 555. Vì thế khi sang Mỹ ở nhà anh Phạm Bá Cát thì thấy trên bàn khách anh Cát đã biết ý mua vài bao thuốc lá ba số 555 để dành cho anh.
Đãi khách hôm ấy, chủ nhà cho uống trà tầu và ăn vài cái bánh rán. Vậy mà nhớ lại không khí tọa đàm hôm ấy nổ ran từ việc này sang việc khác.
Hôm ấy là buổi gặp lại bạn bè, nhưng chính là đì tìm lại chính mỗi người qua những câu chuyện quá khứ đã một thời làm nên họ.
Hành Trình thời tuổi trẻ của Uyên Thao
Đường Cổ Ngư, Đền Quán Thánh cạnh Hồ Tây. Nguồn: Collection PIERRE-MARIE DIEULEFILS (1862-1937)
Theo như lời Uyên Thao kể lại thì anh học tại các trường Thăng Long Hà Nội nơi có một số lãnh đạo cộng sản giảng dạy như Võ Nguyên Giáp. Anh cũng theo học ở trường Văn Lang mà hiệu trưởng là giáo sư Ngô Duy Cầu. Một giáo sư toán dạy nổi tiếng ở miền Nam thập niên 1955-60. Các trường tư ở Hà Nội lúc bấy giờ vẫn còn giảng dạy theo chương trình Pháp.
Những nhắc nhở này gợi nhớ lại thời niên thiếu của mỗi người. Chẳng hạn như đạp xe đạp trên con đường Cổ Ngư – một thứ con đường tình như con đường Duy Tân sài Gòn thuở nào.
Hà Nội còn có những toa xe điện tiêu biểu cho một thành phố thuộc địa cách đây hơn một thế kỷ.
Những kỷ niệm chung như thế giúp người ta gần nhau hơn.
Năm 1953, anh đỗ tú tài một xong thì quyết định thôi học. Tại sao lại bỏ học ngang xương như thế? Bình thường, một học sinh đỗ tú tài hoặc sẽ chọn con đường tiếp tục học tú tài hai để rồi học tiếp lên đại học. Nếu không thì cũng sẽ đi sĩ quan theo con đường binh nghiệp như một số thanh niên thời bấy giờ.
Uyên Thao đã không chọn lựa hai con đường đó như mọi thanh niên khác đã làm. Anh chọn lựa một con đường cho riêng anh, theo cách lý giải của riêng anh.
Anh đã bỏ học một cách thản nhiên, không nuối tiếc. Anh cũng không theo con đường binh nghiệp như nhiều người đã làm mà sau này trở họ thành những nhân vật có tên tuổi. Anh nhắc lại vài người cùng thời với anh như tướng Ngô Quang Trưởng. Hiểu ngầm là nếu anh cũng đi học khóa sĩ quan thì biết đâu giờ này cũng “nên ông nên bà”.
Nhưng anh cũng nhắc đến một trường hợp khác chẳng may mắn gì. Đó là trường hợp Trung úy Kiều Duy Vĩnh chỉ hơn Uyên Thao hai tuổi khi chọn lựa ở lại miền Bắc.
Sau 1954, thay vì di cư vào Nam như nhiều sĩ quan quân đội quốc gia khác. Kiều Duy Vĩnh không biết vì lý do nào đó đã ở lại Hà Nội và đã bị bắt tù lên trại Cổng Trời.
Chính ở nơi đây, bị đầy lên Cổng Trời – nơi sinh ra để chết, theo một lối nói của Tạ Duy Anh. Kiều Duy Vĩnh còn sống sót trở về viết lại. Theo anh Uyên Thao, Kiều Duy Vĩnh cả đời chỉ cần viết hai bài đủ nổi tiếng một thời về trại Cổng Trời. Bài thứ nhất mang tên “Cuộc tuyệt thực ở trại Cổng Trời” đăng trên tờ Thế Kỷ 21, số 98, tháng sáu 1997 và bài thứ hai: “Đức thánh Tử vì đạo thứ hai mà tôi được gặp”, số 10 Thế kỷ 21, tháng 8, 1997 lúc Phạm Phú Minh làm Chủ bút.
Theo lời tòa soạn, bản viết chỉ để tên tắt K. Vĩnh và viết bằng bút mực lem nhem, không dễ đọc. Mặc dầu vậy, đây là hai bài viết “động trời”, đọc xong đến lạnh gáy về cái độ tàn bạo của chế độ cộng sản.
Trại Cổng Trời qua ngòi bút của Kiều Duy Vĩnh trở thành một bản án về sự tàn bạo tiêu biểu nhất của chế độ XHCN, nơi giam cầm những người tù như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Chí Thiện, tu sĩ Lâm Đình Túy (người mà Kiều Duy Vĩnh gọi là Đức Thánh tử đạo).
Xin được trích dẫn một vài đoạn biết đâu may ra có thể “làm gương” cho những lãnh đạo tôn giáo nào còn vẫn tin tưởng ngây thơ vào cộng sản.(1)
Đồng ý với anh Uyên Thao, tôi đọc Kiều Duy Vĩnh và xúc động khôn cùng về những gì xảy ra trên trại tù Cổng Trời ngày xưa, gợi nhớ đến người Anh Cả của tôi cũng từng bị giam trên Cổng Trời. Tôi xót xa và hình dung ra những gì anh tôi từng phải chịu đựng đói khát và rét và gông cùm. Và những gì đang xảy ra cho TGM Ngô Quang Kiệt với cùng thứ ngôn ngữ mạ lỵ, bôi bẩn của cán bộ trên Cổng Trời.
Tôi phải tự dằn lòng để không dùng thứ ngôn ngữ “bất xứng” của cán bộ Cự và nghĩ tới các tu sĩ lãnh đạo cao cấp của Thiên Chúa giáo như Hồng Y Mẫn, Tổng Giám mục Thể và Tổng Giám mục Nhơn.
Mời mọi người đọc để ra một phút đễ suy nghĩ về những điều tên cán bộ Cự phát biểu. Cán bộ Cự tiêu biểu cho những tên lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày hôm nay đối với TGM Ngô Quang Kiệt.
Phần anh Uyên Thao, sự chọn lựa của anh thật hiếm người đã làm.
Do ngay từ khi lúc 18 tuổi đầu, anh đã cầm bút viết cho tờ Cải Tạo. Tờ Cải Tạo là một tờ báo chuyên về văn học và chính trị, giới thiệu văn học cổ điển Pháp. Uyên Thao coi đây như giai đoạn vỡ lòng của nghiệp cầm bút. Nhưng cũng không thiếu say mê và hứng khởi mà sau này anh đành cay đắng viết bài “Giấy bút lầm than” mà người viết lấy làm chủ đề cho bài viết này.
Anh cộng tác bằng cách dịch sách báo Pháp và viết bình luận về Văn Học Pháp. Anh coi công việc này chỉ là chuyển tải có tính cách trường ốc những gì đã đọc được của Pháp mà thôi.
Rồi do mối quan hệ quen biết với văn chương, anh quen biết một vài người đàn anh trong giới văn học chính trị như Trần văn Ân, Nguyễn Đức Quỳnh trên tờ Đời Mới.
Anh đã vào Nam, do ảnh hưởng của những người trên chăng và anh đã gia nhập quân đội Cao Đài của tướng Trịnh Minh Thế với cấp bậc như thiếu úy.
Một quyết định quan trọng như thế liên quan đến số phận đời người, số phận tuổi trẻ, anh bình thản cho là quyết định của một đứa con nít, “Có gì đâu”.
Anh giải thích về quyết định gia nhập quân đội Cao Đài chỉ vì một lẽ đơn giản là không muốn bị bắt đi lính cho Tây và cũng không muốn đi theo cộng sản.
Đã có bao nhiêu người tuổi trẻ chọn con đường của Uyên Thao? Tôi không chắc có được bao nhiêu người! Hiếm hoi có những người như Đinh Thạch Bích hay lớn tuổi hơn như Trần Văn Ân, Nhị Lang, v.v.. Anh trực thuộc Trung Đoàn 60 của Cao Đài ở miền Đông. Hỏi anh về giai đoạn làm sĩ quan trong quân đội Cao Đài. Anh rất kiệm lời như thể không có gì đáng nói cả. Anh kể lại một cách bình thản về đời sống quân ngũ mà từ việc ăn uống thiếu thốn, lương bổng kể như không có – tiền lương lính cùng lắm đủ để phì phèo thuốc lá, uống vài ly cà phê.
Xem ra anh chọn lựa Cao Đài một cách hầu như một xung động, như một bất đắc dĩ vì không có chọn lựa nào khác. Có vẻ như anh cũng không thiết thân gì lắm với công việc của môt người lính tác chiến ở thế lưỡng đầu thọ địch với Pháp, với Quốc Gia thời Bảo Đại và với cả Việt Minh.
Hỏi thêm các chi tiết về con người tướng Trịnh Minh Thế, về tổ chức quân đội, về tinh thần binh đội Cao Đài, về trang bị võ khí, về các trận đánh, về mối liên hệ giữa binh đội cao Đài của tướng Thế và Tòa thánh Tây Ninh, v.v.. Anh thường kiệm lời, trả lời nhát gừng bằng đôi ba câu.
– Nói chung quân đội ấy có kỷ luật, có tổ chức, nhất là có cái tình, lương bổng thì có gì đâu.
– Về tướng Thế thì anh cho biết anh chỉ là một sĩ quan quèn, xa mặt trời, lâu lâu gặp tướng Thế có biết gì mà nói. Anh nhận xét là binh lính phải quý mến tướng Thế lắm nên mới quen gọi là anh Tư.
– Về các vấn đề khác thì anh tóm gọn: Chả có cái chó gì để nói . Như ông Văn Thành Cao chỉ là sĩ quan lo ẩm thực. Khi hết lương thực thì bất đắc dĩ đi ăn cướp. Lâu lâu ông sai lính sang Cao Mên lùa trâu, lùa bò về giết thịt cho anh em ăn. Nhưng lùa trâu, lùa bò của Cao Mên thì được coi là “hợp pháp”.
– Về ông Nhị Lang thì anh Uyên Thao có cơ hội gặp gỡ nhiều hơn vì đã có dịp ngồi nói chuyên với Nhị Lang. Anh nhận xét Nhị Lang là người ghét Tây. Nhị Lang cũng là người đàng hoàng, luôn nói sự thật, được tướng Trịnh Minh Thế tin dùng. Vì thế cuốn sách viết về Trình Minh Thế của ông Nhị Lang là đáng tin cẩn.(*)
– Có một người trẻ tuổi cỡ 20 tuổi cũng gia nhập Cao Đài thời đó là ông Đinh Thạch Bích (sau này là luật sư Đinh Thạch Bích cũng đứng tham gia biện hộ cho tờ Sóng Thần. Trong phần tiểu sử của luật sư Đinh Thạch Bích có đôi chỗ “cường điệu”. Đinh Thạch Bích sinh 14/8/1932 tại Ninh Bình, năm 1951 thì vào miền Nam. Anh Uyên Thao muốn cải chính một vài điều như Đinh Thạch Bích là người vấn kế cho Nhị Lang và tướng Thế đưa ra đề nghị truất phế Bảo Đại. Anh nhận xét: Ở tuổi đó, độ 20 tuổi, Đinh Thạch Bích còn là loại “măng sữa” làm sao có đủ uy tín để đóng vai cố vấn.
Trong phần tiểu sử của luật sư Đinh Thạch Bích có ghi như sau: tham dự việc thành lập Chiến khu Quốc Gia kháng chiến với tướng Trình Minh Thế. Khi đó ông mới vừa 19 tuổi.
-Về cái chết của tướng Trình Minh Thế(*). Uyên Thao cho rằng không dễ để biết hết những âm mưu bên trong. Nhiều điều chỉ là những lời đồn. Nhưng mặc dầu không nói thẳng ra, Uyên Thao xem ra không ưa chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa và luôn ở thế tránh ra xa.
Bằng chứng là sau khi tướng Trình Minh Thế bị thảm sát thì có một số lớn binh sĩ Cao Đài gia nhập quân đội Quốc Gia. Một số nhỏ quay lại núi Bà Đen, hoặc trốn sang Cam Pu Chia và một số rất nhỏ chọn ở lại Sài Gòn. Họ chọn sống lang bang ở Sài Gòn.
Uyên Thao lại một lần nữa chọn nằm trong số ít ỏi những người này! Phải chăng, anh là người luôn luôn đứng về thế đối lập với cái gì chính thức – một thái độ của một số người trí thức thiên tả? Và cũng như thế, sau này anh làm Chủ nhiệm tờ Sóng Thần, gây chống đối với chính quyền của TT Nguyễn Văn Thiệu về luật báo chí với vụ án lịch sử 31/10/1974, Ngày Công Lý và báo chí thọ nạn.
Uyên Thao lại ở trong số ấy. Tôi gọi đó là cách chọn lựa “rất Uyên Thao”. Chọn lựa của Uyên Thao thường khác người theo cách suy nghĩ của anh. Nó gần như ngược dòng, không đi theo số đông bất kể những bất lợi xảy đến cho những chọn lựa này.
Anh nói: “Còn tôi, tôi chọn lựa tan hàng, rã đám, sống tự do.”
Sống tự do thật ra chỉ là chọn lựa sống lang bang ở Sài Gòn và anh đã tìm một chỗ trú ẩn trong các ngôi chùa như một chỗ “nương nhờ cửa Phật” đối với các vị sư cho anh tá túc. Nhưng đối với anh có thể là một thứ “tỵ nạn chính trị”, hay một thứ chờ thời tương đối an toàn.
Trong nhiều tình hình chính trị khác nhau, trong nhiều năm tháng, từ năm 1956 khi rời bỏ Cao Đài, anh thường tìm chỗ trú ẩn trong chùa. Trước 1963 để trốn tránh chế độ Đệ nhất Cộng Hòa, anh cũng vào ở trong chùa. Sau 1963 đi tù được thả về lại anh cũng vào chùa. Sau 1975, không nhà không cửa khi đi học tập về, nhà chùa một lần nữa lại là chỗ để anh nương tựa.
Anh luôn luôn sống nhờ vào tấm lòng nhân hậu của một số tăng sĩ Phật giáo.
Anh nói đùa: “Tôi ở dưới trướng các vị sư.”
Và điều căn bản là các vị sư đều quý mến con người Uyên Thao và tận tình giúp đỡ. Điều đó đối với tôi rất là tự nhiên và không lấy gì làm lạ. Ai đã gặp Uyên Thao, ai đã có cơ hội nói chuyện với anh ấy rồi thì dễ bị cái tình cảm quý mến anh ấy chi phối. Nơi anh toát ra một cái chất thiện, một sự trung thực trong một thứ ngôn ngữ ngắn gọn, hà tiện lời làm cho người đối diện tin tưởng. Nó giống như một cô con gái nhà lành mà từ phong cách, lời nói, cử chỉ, ngôn ngữ toát ra sự tinh tuyền, không tỳ vết.
Sự trung thực và tấm lòng qua thân xác hiển lộ mà không cần một lời biện bạch. Sự trung thực nơi Uyên Thao như thể là bản tính con người của anh.
Uyên Thao lộ ra một nhân cách làm cho người tiếp xúc với anh tin những điều anh nói. Mà không cần anh phải dài dòng thuyết phục.
Thời gian “nằm chùa đợi thời”, anh đánh cờ tướng với các vị sư. Anh tự hào là anh đánh cờ tướng từ Sài Gòn ra Huế, xuống Cà Mâu “không có đối thủ”. Đánh là chấp xe, chấp pháo đối thủ tùy trường hợp. Những vị sư mà anh quý mến nhất là sư Đức Tuệ (sư thúc của TT. Thích Tâm Châu) rồi các vị sư khác như Đức Nhuận, Thích Thiện Hoa và Thích Tâm Châu.
Đã có lần thầy Tâm Châu nhận xét về cách đánh cờ của Uyên Thao và nói đùa: “May là chú không ở trong quân đội, vì nếu thế chú trở thành tên sát thủ.”
Nói đánh cờ chỉ là một thời gian chờ thời. Phần lớn thời giờ còn lại anh đọc sách, học hỏi thêm. Những bài viết của anh sau này, dù chỉ là một lời giới thiệu một cuốn sách cho thấy anh trích dẫn khá nhiều các tác giả ngoại quốc. Kiến thức của anh cho thấy đọc nhiều, rộng rãi, quảng bá. Cộng thêm lối hành văn khá chải chuốt, mượt mà, có lửa, dụng ý thâm thúy, có nhiều khi phải tìm đọc ý nghĩa giữa hai hàng chữ với chiều sâu của suy tưởng.
Văn viết của anh vì thế khác hẳn với lối nói chuyện đơn chất, đơn điệu của anh.
Nhìn lại mối liên hệ của anh với các vị sư trong chùa cho thấy có điều đặc biệt. Tình thầy trò, tình của một người chân tu với kẻ ngoài đời, lang bạt kỳ hồ có duyên gặp gỡ, hiểu nhau trong chiều hướng chia xẻ có lúc sẽ sinh hoa kết trái.
Mối giao duyên đó gợi nhớ cho tôi câu chuyện “Đôi Bạn Chân Tình” (Narcissus and Goldmund) của nhà văn Đức Hermann Hesse do Vũ Đình Lưu dịch. Nó miêu tả một kẻ chân tu và gã lang bạt ngoài đời đến một lúc nào đó – với hai con đường đi khác nhau – một khổ hạnh trong sự chiêm nghiệm và một phóng lãng giang hồ vào một lúc nào đó hiểu được chân lý ở đời, hiểu thế nào là đau khổ là hạnh phúc.
Và nhất là họ hiểu nhau. Họ trở thành Đôi bạn mặc dầu hành trình đi vào đời mỗi người một nẻo đi khác nhau.
Anh kể chuyện khi ở chùa, nhà sư Đức Tuệ ra lệnh cho nhà bếp mua thịt cá cho các chú ăn uống như ngoài đời, vì chúng nó có đi tu đâu. Nhưng khi được tin đệ tử ruột của nhà sư về thăm – sư Tuệ Hải – ông vội nói nhà bếp đừng mua thịt cá gì hết, bởi vì “thằng” Hải nó lên, nó rất nghiêm khắc biết được, nó sẽ la lối.
Thật là đẹp. Chúng tôi cùng cười về thái độ của thầy Đức Tuệ.
Cũng chính vì thế sau 1963 khi vừa ở tù ra, Uyên Thao lại ghé tạm trú nhà chùa. Sư Đức Tuệ đã vét quỹ công quả trong thùng được 1.200.000 đồng đưa cả cho Uyên Thao muốn làm gì thì làm.
Nhà sư Đức Nhuận góp ý là nên để anh Uyên Thao viết lại cuộc đấu tranh của Phật giáo. Anh Uyên Thao đã nhận lời và thế là cuốn sách được ra đời với lời đề tựa của TT. Thích Tâm Châu. Cuốn sách được in xong nhờ số tiền 1.200.000 của các thày cho, sau đó sách được giao cho các Phật tử mang đi bán. Phần Uyên Thao kể như công việc của anh đã hoàn tất và không còn biết điều gì xảy ra tiếp theo nữa. Rất mong là có ai đó còn giữ được cuốn sách này thì quý hóa biết bao nhiêu như một tài liệu lịch sử! Và cuốn sách đó cần được in lại.
Cũng vậy mong là cuốn sách của anh viết về một số nữ văn sĩ trước 1975 chóng được in lại như lời hứa đứng ra in lại của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình.
Cũng rất là “Uyên Thao”, anh là người trách nhiệm nhà xuất bản Tiếng Quê Hương nay đã xuất bản gần tới con số 100 tác phẩm của các tác giả khác.
Nhưng sách của Uyên Thao thì để người khác lo!
(Còn tiếp)
© 2011-2022 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi riêng cho DCVOnline.net. BBT hiệu đính, trình bầy và phụ chú. Đăng lần đâu ngày 10-11-2011
DCVOnline: (*) Đọc thêm Về cái chết của Tướng Trình Minh Thế – Phỏng vấn và ông Trình Minh Sơn, con tướng Thế công bố bí mật về cái chế của ông để biết rõ quan điểm của gia đình tướng Trình Minh Thế về cái chết của ông.
Chú thích của tác giả
(1) Tôi xin nhắc lại: Tôi không theo đạo Thiên Chúa và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994 . Vì những người cộng sản căm những người theo đạo Thiên Chúa nhất nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào họ. Thứ nhất là các đấng bậc trong Giáo Hội, rồi đến các tu sĩ nam lẫn nữ . Tôi đã gặp hai bà sơ bị bắt vào xà lim, rồi đến các chánh trương, trùm trưởng, cả đến hội trống, hội kèn cũng bị đi tù hàng loạt.
[…] Cho đến hôm nay 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài một người cộng sản là anh Nguyễn Hữu Đang.
[…] Cho đến hôm nay 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gạp lại ai, ngoài một người cộng sản là anh Nguyễn Hữu Đang.
[…] Linh mục Hiếu lên trại Vinh Quang lần thứ hai thì được phó giám thị Cự công bố với toàn trại tù là ông cha đạo Hiếu này chính là một tên lưu manh chuyên nghiệp. Mọi người cứ há mồm, ngớ ra không hiểu.
Cự giải thích như sau:
“Hiếu là một tên vốn lười biếng, thích ăn ngon mà không thích lao động, một tên ăn bám xã hội, trông mẻ người anh ta thì thấy ngay là loại ăn trắng mặc trơn, ăn ngon mặc đẹp nên đi tu, làm nghề tôn giáo, lừa bịp các giáo dân để kiếm ăn. Thử hỏi, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, những người yêu lao động có thể nào chấp nhận phần tử ăn bám đó. Trí thức như Hiếu, thì giá trị không bằng cục cứt (trích Mao Trạch Đông), mà trí thức gì cái anh ta: Học được mấy chữ “ la tanh tưởi” đến nhà thờ rao giảng, lẽ thường ra khấn khứa thì cứ theo như lối Việt Nam ta: gần bay là xa bay bổng mời các cụ về hưởng lộc cho con cháu. Nhưng y lại không khấn khứa như thế, y nói :”ca tê ri om, ca thế dran” ra cái điều cao siêu bí hiểm, nó có cái quái gì là bí hiểm đâu, nó là: cá trê rán, cá trê om nói trệch đi. Đấy y lừa bịp các giáo dân như vậy đấy. Chỉ để kiếm miếng ăn như mấy lão thầy cúng chập chững ấy mà.”