“Vài Câu Chuyện Vui Về Chuột
Trong Văn Thơ, Ca dao, và Tục ngữ”
Gs. Phạm Trọng Lệ
(Một phần bài này đã dùng trong buổi nói chuyện tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn tại Falls Church, Virginia sáng thứ bảy 4 tháng 1, 2020.)
Kính chào quí vị đại diện Ban Quản Trị và quí vị Hội viên,
(Một con chuột nhà wikipedia)
=>Năm Canh Tý: mồng 1 tháng Giêng âm lịch nhằm vào ngày 25 January 2020
Nghĩ đến con Chuột, ta thường nghĩ đến loài này ăn hại thóc lúa, và còn gây bịnh. Bịnh dịch lớn trong lịch sử gọi là the Black Death thời Trung Cổ khiến 1/3 dân số Âu châu, Trung Đông và Trung Á ước lượng từ 50 - 200 triệu người bị chết vì bịnh dịch hạch.
(Dr. Yersin)
Trong trận dịch hạch thứ ba trên thế giới, tại Vân Nam, 12 triệu người chết tại Trung Hoa, Ấn Độ và Hongkong năm 1894, nhưng may, bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943), một bác sĩ Pháp gốc Thụy Sĩ, môn sinh của bác sĩ Louis Pasteur, đã tìm ra vi trùng gây bịnh dịch hạch do bọ chét ở chuột và tìm ra kháng huyết thanh antiserum cứu sống cả nhiều ngàn người Hongkong bị dịch hạch lúc đó (bubonic plague). Và để nhớ công ơn, y học lấy tên ông bác sĩ đặt tên cho vi trùng gây bịnh dịch hạch để hậu thế nhớ ơn người đã tìm ra plague vaccine (Yersinia pestis). Ngày nay, khi đã được định bịnh thì có thể trị bằng trụ sinh antibiotics.
(Theo Wikipedia en.m.wikipedia.org under “plague”)
Về mặt khác, Chuột cũng có lợi ích. Theo một tập san y học, chuột nhắt (mouse) và chuột đồng (rat) được dùng trong khảo cứu sinh y học (biomedical research) để nghiên cứu về công hiệu của thuốc, và cách giải phẫu để có thể áp dụng cho người, hay cho thú vật trong ngành thú y. Nguồn: Elisabeth C. Bryda, PhD, “The Mighty Mouse: The Impact of Rodents on Advances in Biomedical Research” in Mo.Med. 2013 May-June; 110(3): 207-211. Ncbi.nih.gov
Ngữ vựng để thỏa trí tò mò.
Sinh viên bỏ ra nhiều thì giờ đọc sách trong thư viện, tiếng Việt có chữ mọt sách, tiếng Pháp gọi là rat de bibliothèque. Tiếng Anh: Bookworm.
Rat d’hôtel không phải là chuột trong khách sạn, mà là tên trộm lẻn vào khách sạn rạch va-li lấy đồ của du khách, hotel thief. Tự điển Larousse ghi nếu là một bà hay một thiếu nữ làm công việc đó thì có chữ souris d’hôtel, female cat burglar. Còn chữ Petit rat de l’Opéra: chỉ nữ học viên “lính mới tò-te” mới ghi danh học một lớp vũ kịch nghệ Opéra, little ballet-girl, youngest ballet student.
Un vieux rat: không phải là con chuột già mà chỉ người hà tiện, keo kiệt, tiếng Anh: skinflint, cheapskate.
La souris scooter cũng chỉ tên thứ xe Vespa nhỏ 50cc giống như chiếc xe mà chàng phóng viên Joe Bradley, do Gregory Peck đóng, và nàng công chúa Ann, do Audrey Hepburn đóng, đèo nhau lái quanh đường phố Rome trong khi cảnh sát rượt theo trong phim Roman Holiday (Vacances Romaines) (1953) mà học sinh và sinh viên ở Saigon say mê xem ở rạp chớp bóng thường trực Lê Lợi.
(La souris scooter from the Internet)
=>Thành ngữ La montagne a fait naître une souris: The mountain gave birth to a mouse: một dự án tưởng là đồ sộ, quảng cáo rầm rộ nhưng kết quả không đáng kể. Ta có thành ngữ Đầu voi đuôi chuột. Much ado about nothing.
Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Điển (1895) của Huình Tịnh Của có thành ngữ “làm bộ chuột” để nói người làm bộ “lý lắc, liến xáo không nên nết.” Để mắng người hay sanh sự, hay chỉ chọc việc vô can” có chữ “quân thọc chuột”.
Chuột đồng ướp tỏi, và xì dầu, nướng muối ớt là món nhậu ngon hết xẩy của đồng bào miền Tây; tiếng Anh là field rats hay harvest rats.
=>Ướt như chuột lội (hay chuột lụt): drenched/soaked to the skin. Être trempé (e) jusqu’aux os. By the time we got back, we were soaked to the skin=Nous sommes rentrés trempés jusqu’aux os. Trở về đến nhà, chúng tôi ướt như chuột lội.
On entendrait trotter une souris: Yên lặng như tờ. So quiet you coud hear a pin drop. As quiet as a mouse.
Khi là một danh từ computer, mouse là con chuột, hay con “mao” để nhắm vào từng điểm di động (cursor) hay ra lệnh làm các thao tác trên màn hình.
CHUỘT TRONG VĂN HÓA
Trong văn hóa Đông phương, chuột đứng đầu 12 con giáp. Theo một câu chuyện Tết, trong dịp đầu năm, các con vật về chầu Thiên Đình. Vốn thông minh nhanh nhẹn, chuột ngồi trên đầu Trâu và khi tới nơi, nhẩy xuống trước, nên Ngọc Hoàng cho cầm đầu 12 con giáp. Đặc biệt, chuột được khắc họa trên dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Bức tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng. Trong tranh chú chuột đỗ cao cưới vợ, cưỡi ngựa đi trước, có lính mang lọng che, đằng sau nàng dâu chuột ngồi trong kiệu. Rồi hàng trên là hình ông mèo ngồi, có hai con chuột mang đồ biếu, là chim (hay gà) và cá, theo sau là hai con thổi kèn. Ông mèo hình dáng to lớn, tượng trưng uy quyền, tham nhũng.
(Đám cưới chuột)
O chuột (1937)
“O chuột” khác nghĩa với “o mèo”. “O” ở đây không có nghĩa là “cô” như tiếng miền Trung. Nhà văn Tô Hoài, tác giả truyện ngắn “O chuột”, tả một con mèo mướp già khi bắt được con chuột nhắt thì không ăn thịt mà chỉ vờn chơi. Để ban đêm nhà vắng vẻ, chú mèo mướp già chỉ đi luẩn quẩn “o chuột” tức là “đi rình nấp quanh quẩn để tìm để lùng bắt chuột mà thôi.”
Phân biệt với “o mèo” tả các chàng trai đi “ve vãn con gái.” Tự điển Việt Anh dịch “o” là “flirt.” Tự điển Việt Anh Nguyễn Đình Hòa dịch là “seduce” và giáo sư Hòa lại cẩn thận chú thích thêm hàng chữ [mèo girl] để các chàng trai biết “mèo” đây là thứ mèo chân dài móng đỏ và thường sợ chuột.
“Mouse-hunt” không phải là “kẻ săn chuột” mà với nghĩa “chàng o mèo”, “săn các cô các bà với ý “mèo chuột” như trong kịch Romeo and Juliet, bà vợ ông Capulet, mẹ của nàng Juliet, mỉa mai ông chồng rằng :“Ay, you have been a mouse-hunt in you time” (R & J act IV, sc. 4., l. 11) “Phải, thời trai trẻ ông cũng bám riết đeo đuổi các tà áo các nàng!” Oui, vous avez chassé la souris en votre temps (Roméo et Juliette, traduction de François Laroque et Jean-Pierre Villquin, Le Livre de Poche, 2005). Mouse-hunt như vậy là pursuer of women, skirt-chaser, ladies’ man, womanizer.
-Mèo Mắc Lừa Chuột, TCNN, trang 163
Trong truyện này, một hôm mèo già bắt được một chú chuột con, sắp ăn thịt. Chuột nhắt khôn ngoan van lạy, khất với mèo rằng: “Mai nhà tôi có giỗ, xin ngài tha cho, tôi đi mua tôm tép về làm cỗ mời ngài lại sơi.” Hôm sau mèo ăn mặc chỉnh tề đi ăn giỗ nhà chuột, tới nơi chẳng thấy tôm tép gì, té ra mới biết bị chuột đánh lừa:
“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”.
-Chuột Bạch và Hai Vợ chồng chuột chù, TCNN, trang 225
Trinh thử: Đây là truyện một con chuột bạch, góa chồng, một hôm ra ngoài kiếm mồi cho con chợt bị chó đuổi, phải chạy vào ẩn trong một cái hang. Không ngờ trong hang có một con chuột đực, nhân lúc chuột cái đi vắng, định bụng tán tỉnh, nhưng chuột bạch cự tuyệt. Chợt chuột cái về nổi ghen, rầy rà chuột đực. Cuốn truyện bằng thơ lục bát này giúp ta nhớ những ngôn ngữ đầy mầu sắc của tiếng Việt. Cũng nên so sánh hai đoạn thơ và văn xuôi.
=>Đoạn chuột cái chợt về bắt gặp chồng cùng chuột bạch trong nhà, bèn nổi ghen sỉ-vả chồng: [con số trong ngoặc chỉ số dòng]
Thơ:
“Cớ chi thiếp mới vắng nhà, (569)
Đã lòng nhử nguyệt quyến hoa tơi bời.
Vừa lòng thích ý thì chơi,
Nhà này còn có xem ai ra gì.
Cửa nhà lo lắng sớm khuya.
Sướng se, mạ cạn đi về xiết bao.
[sướng se: ruộng mạ hết nước, làm lụng vất vả, chú thích của Bùi Kỷ]
No cơm thì rửng hồng mao,
Dục hà dục hĩ muốn sao thì làm.
…….
Nàng rằng sự đã quả nhiên, (615)
Nào ai nói đặt cho nên đoạn trường.
Vợ con vừa bước ra đường,
Ở nhà thắc mắc lo lường đứng trông.
Phỏng rằng cậy dạ cậy lòng,
Thế thì dỗ gái về phòng làm chi?
[Vặn hỏi chặt chẽ, chuột đực tuy oan—vì có được ‘sơ múi’ nào đâu mà thiệt khó bào chữa! Lại còn bị mắng như tát nước! Đáng đời!]……..
Mê say chìm đắm má đào,
Như mèo thấy mỡ khát khao thật là.
Già chẳng thương, trẻ chẳng tha,
Khác nào như ếch thấy hoa thì vồ.
Thuồng luồng ở cạn có ru,
Mà toan bắt chước đứa ngu sờ sờ.
Chiếu chăn nào có hững hờ,
[Cái ‘dzụ’ đó tui có ‘bỏ đói’ ông bữa nào đâu?]
Mà như voi đói thì vơ dong dài
Quen mui bận khác ăn chơi,
Có ngày cũng được như ai ghẻ tầu.
Bây giờ khốn đổ cho nhau
Miệng kênh gọi chó, tay mau đuổi ruồi.
…
Rầm nhà tiếng hỏi lao xao, (671)
Ai hay rằng sự dấu đầu hở đuôi
Vẫn còn thèm thịt thèm xôi,
[Thèm của lạ hở? Già mà hổng nên nết!]
Ngày thường cơm tẻ thiếp nuôi lệ gì.
Có cãi rằng quí dịch thê, [sang thì đổi vợ, chú thích của BK]
Gái này chẳng dám nằn nì thương yêu.
Già rồi lận cận bỏ liều,
Sá chi vú ếch lưng eo sồ sề (678)
Nguồn: Truyện Trinh Thử, Trần Triều Xử Sĩ Hồ Huyền Qui soạn, Ưu Thiên Bùi Kỷ hiệu đính, Tân Việt, 1956. Cũng có thuyết khác cho là Hồ Huyền Qui không phải là tác giả.)
[Lúc đầu thì còn chàng chàng thiếp thiếp…khi cơn ghen nổi lên thì mày mày tao tao. Mà giận khi ghen thì còn thứ giận nào bằng!]
Còn trong văn xuôi thì sao?
-“À con này! Mày lừa buổi nay, bà vừa đi khỏi, mày đến mày chim chuột chồng bà, mày quyến rũ chồng bà, có phải không?
[Chồng em nó chẳng ra gì/Tổ tôm sóc đĩa nó thì chơi hoang… Dù hay dù dở cũng là chồng tôi. Là sĩ diện của tôi, là danh dự tôi. Đừng tưởng tui để cho ông chồng tui tự do đi chơi với bạn bè là tui thả lỏng đâu à nha! Củi mục bà để trong rương/đứa nào động đến trầm hương của bà!!!]
Mắng chuột Bạch xong, chuột cái quay ra mắng chồng. Xong nó lại chẳng nể gì chồng nó, nó quay lại chửi cả chồng, nó rít lên nó mắng rằng:
--Đã sướng chưa! Đã sướng chưa! Ăn no rồi dửng hồng mao. [từ trước đến giờ chỉ nghe nói ‘ăn no dửng mỡ’ hay ‘No cơm ấm cật dậm dật mọi nơi’, bây giờ nhờ bà chuột ghen này ta mới biết thêm ‘Ăn no rồi dửng hồng mao’!]
Dục hà, dục hĩ, muốn sao muốn vậy! Còn sợ gì ai nữa, còn lo gì việc cửa việc nhà nữa. Đói đã có kẻ lo cho, no cũng có kẻ lo cho. Còn biết đâu đến những điều khó nhọc của gái sề này. Hôm nay lừa cho gái này vừa ra khỏi ngõ, chưa chi đã vội rước đĩ về nhà mà hú hí với con đĩ (sic: nguyên văn trong truyện) (p. 229)…Ừ ừ mày cho tao bây giờ già, mày chê tao xấu, mày thấy cái răng tao nó muốn long, mày coi cái tóc tao hơi muốn bạc, mày nghĩ tao không được mơn mởn như lúc mới lấy mày…Mày định phụ tình tao. Rồi mày cố kiếm lấy một đứa cho xinh, cho giòn, cho đẹp, cho đẽ, hàm răng trắng như ngà, con mắt sáng như gương, cái mồm cười như bông sen mới nở, lông mày thanh như là lá liễu mùa xuân… Mày rước nó về, để nó đỡ việc cho, để nó lo việc cho. Nhưng lo cái gì! Lo con heo nhăn mặt, lo con bò trắng răng ấy à! Hay là lo ăn no ngủ kỹ, lo chổng tĩ lên trời. Thế mà lo! Thế mà lo! Lo thế là lo o-o mà ăn cáy, còn hơn rằng lo ngay ngáy mà ăn bò…
[Chửi có sách có ‘bài bản’ như thế này thì có thể dùng làm tài liệu cho sinh viên môn nhân văn nghiên cứu về tiếng chửi trong văn hóa nhân gian!]
(Nguồn: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Truyện Cổ Nước Nam, p. 229)
NGỤ NGÔN NGOẠI QUỐC.
-Chuột trong ngụ ngôn: Sư tử tha chết cho chuột được chuột kéo cả nhà ra cắn thủng lưới khi sư tử sa cơ.
Một hôm chuột nhắt bị sư tử bắt sống. Chuột nhắt van lạy sư tử: “Ngài tha cho tôi làm phúc. Tôi nhỏ thế này, ngài ăn thịt tôi chẳng bõ dính răng. Tha cho tôi sẽ có ngày tôi đền ơn đáp nghĩa cho ngài.” Sư tử ngẫm nghĩ một lát, mỉm cười rồi tha cho chuột nhắt. Ít lâu sau, Sư tử bị sa vào bẫy, vùng vẫy thế nào cũng không thoát. Nghe tiếng gầm của Sư tử, chuột nhắt bèn chạy ra cắn một hồi thủng mắt lưới cứu Sư tử.
Châm ngôn: Ngay cả kẻ nhỏ bé hèn mọn cũng có lòng biết ơn ở đời. A kindness is never wasted.
CHUỘT TRONG THƠ
Có thuở được thời mèo đuổi chuột
Đến khi thất thế kiến tha bò.
Được thua sau mới ăn năn lại
Vô sự chẳng hơn có sự ru?
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Quốc Âm thi Tập)
Chuột trong phim hoạt họa Mickey Mouse khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của Walt Disney.
Hình chú chuột Mickey Mouse xuất hiện lần đầu năm 1928. Mickey Mouse cũng là biểu tượng của hãng phim Walt Disney. Ông viết trong cuốn Disneyland (1954): “I only hope that we never lose sight of one thing – that it was all started by a mouse.” Bao nhiêu công trình sự nghiệp của tôi cũng không làm tôi quên được nguyên do khởi đầu nhờ một con chuột. Từ loạt phim hoạt họa Mickey Mouse sang Mickey Mouse Club, những phim như Bạch Tuyết và Bẩy Chú Lùn, Snow White and the Seven Dwarfs, Đại công ty tổ hợp Disney từ phim ảnh sang Khu Du lịch, và truyền thông, ngày nay có trị giá ước chừng 130 tỉ dollars! (Theo Wikipedia)
(Hình Mickey Mouse, copyright The Walt Disney Co.)
CHUỘT TRONG CA DAO TỤC NGỮ
-Even when a girl is as shy as a mouse, you still have to beware of the tiger within.
(Nguồn: List of proverbs.com) (Ngay cả một cô gái bẽn lẽn e-lệ như con chuột nhắt, cũng phải coi chừng con hổ ở trong nàng ấy.)
[Khi quí ông nhận ra sự thật này thì có thể… quá trễ chăng?]
-La souris qui n’a qu’un trou d’échappe est bien vite prise (tục ngữ Pháp)
The mouse that hath but one escape hole is soon caught. (Dutch proverb)
(Chuột nào chỉ có một đường tháo chạy trong hang thì sẽ sớm bị bắt)
-The early bird gets the worm, but the second mouse gets the cheese. (English proverb)
L’avenir appartient à ceux qui se lèvent tôt. La deuxième souris obtient le fromage.
(Chim tới sớm bắt được sâu, nhưng chuột tới sau được miếng phô-mát—(Vì con chuột tới trước thì bị bẫy sập chết rồi!). Tương đương với phần hai của câu tục ngữ là câu: Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau.
-Quand le chat n’est pas là, les souris dansent (tục ngữ Pháp)
(Vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm)
When the cat’s away, the mice will play.
-As poor as a church mouse: (nghèo như chuột trong nhà thờ) nghèo rớt mồng tơi, Pauvre comme Job.
-Burn not a house to fright the mouse away: (đừng đốt cả căn nhà để xua chuột đi) Don’t do something drastic when it is not necessary. Cắt tiết gà đâu cần tới dao mổ trâu.
CHUỘT TRONG TỤC NGỮ, THÀNH NGỮ VIỆT
=>Ướt như chuột lội (hay lụt) (chứ không phải lột): ướt sũng
-Ném chuột vỡ bình quí: hành động không đem lại kết quả đáng kể, còn tổn thất lớn hơn
-Chuột sa hũ nếp: may gặp nơi sung sướng, như chàng rể lấy được vợ giầu
-Chuột chạy cùng sào: bước đường cùng, không lối thoát. Running out of options. At the end of one’s rope.
-Lù rù như chuột chù phải khói: kém tinh nhanh, chậm chạp
=>Đi cùng bốn bể chín chu (châu)/Trở về xó bếp chuột chù gặm chân:
Tích Nguyễn Hữu Chỉnh bị vua Tây Sơn không tin dùng, bỏ lại; khi nhận thấy bị thất thế, nghĩ tới mình vào Nam ra Bắc vẫy vùng nay bị một nhóm vô danh tiểu tốt vây bắt tính nộp cho vua Lê, Chỉnh bèn nói vững: “Ta đã đi khắp bốn bể chín châu, chẳng lẽ khi trở về xó bếp, lại bị chuột chù gặm chân ư? Không sợ. Ta cứ ở đây xem sao!” Trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí, của Ngô Gia Văn Phái, hồi sáu. (Ấn bản pdf Nguồn: tuvienquangduc.com.au)
-Chuột chù chê khỉ rằng hôi/Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm. Tương tự: Chân mình còn lấm mê mê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Khuyên ta không nên chỉ trích kẻ khác nếu mình cũng có thói hư tật xấu như họ. Isn’t that the pot calling the kettle black? Trong Kinh thánh có chuyện chúa Giê-su và vụ án xét xử người đàn bà ngoại tình. Theo luật của Mô-se, người phụ nữ này phải bị ném đá cho đến chết. Chúa Giê-Su nhặt một viên đá, ngửng đầu lên và bảo: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc ném đá trước đi.” Nghe vậy, họ bỏ đi hết. Ngài bảo người phụ nữ: “Chị về đi và đừng phạm tội nữa.” (“Judge not that you be not judged.” (Luke 6:37-42) Don’t criticize others when you’re not perfect yourself. Ne jugez point, et vous ne serez point jugés.
=>Smell a rat: nghi có âm mưu gì. The minute I walked in, I smelled a rat. Surely, I had been robbed: vừa bước chân vào tôi đã nghi có gì không ổn, y như rằng: nhà có trộm. Tương tự: something smells fishy.
CHUỘT TRONG TÌNH DUYÊN:
Trong tục lệ “ở rể” thời trước, người con trai khi làm lễ hỏi rồi, phải về nhà vợ ở rể. Đây là một thời gian để nhà gái xem xét tính nết, cách ăn ở, xử sự của chàng rể trong khi làm việc nông hay khi xây nhà. Nhìn từ một khía cạnh, ở rể là một cách trả ơn nhà gái đã nuôi dưỡng người con gái mà chàng trai sẽ cưới làm vợ. Một mặt khác, ở rể là một hình thức unpaid labor, thực tập không lương, nên có người ở rể cả mấy năm vì nhà vợ thấy có chàng rể, nuôi đỡ tốn công mà có người lo việc trong nhà, ngoài ruộng. Để bớt sự lạm dụng tục này, vua Lê Thánh Tôn đã ban cấm điều: “Khi đã có lễ xin cưới hỏi rồi, thì cấm không được để đến ba bốn năm mới cho rước dâu…” (Nhất Thanh, Đất Lề Quê Thói, Saigon: Cơ Sở Xuất Bản Đường Sáng, 1973, tr. 361).
Có chuyện một anh đang làm rể mong gặp cô vợ tương lai lắm, nhưng mắt chỉ thấy cô nàng trong đám thợ cấy đằng xa hay cặp giò trắng của nàng trên mặt ruộng, hay cánh tay nõn nà đang thoăn thoắt cắm những cây mạ xanh non xuống mặt ruộng mịn. Anh bèn than:
Công anh làm rể Chương-Đài,
Ăn hết mười một mười hai vại cà.
Giếng đâu thì dắt anh ra,
Kẻo anh chết khát vì cà nhà em!
(Chàng và nàng tay cầm tay)
Thực ra đây chỉ là lòng ao ước của anh mong được gặp mặt người vợ tương lai. Chứ đã ở rể cả năm, thì anh chàng phải biết vườn trước vườn sau, còn lạ gì giếng ở đâu mà hỏi! Hỏi nàng đây là mong có dịp được cùng gặp riêng để mà đứng gần nhau nhìn nhau, mà hàn huyên tâm sự cho bõ cả ngày không gặp mặt! Bên cạnh bờ giếng, mặt nhìn mặt tay cầm tay. Les mains dans les mains restons face à face… Holding hands, let’s stay face to face..(Guillaume Apollinaire, Le Pont Mirabeau). Tuy nhiên cũng tùy. Có gia đình, người con gái thấy anh chồng tương lai của mình chịu thương chịu khó làm lụng mệt nhọc, rủ lòng thương, từ đó mới có nàng như người con gái trong ca dao giầu lòng độ lượng “vẽ đường cho hươu chạy” vào… rừng:
“Chuột kêu rúc rích trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay.”
(ca dao)
=>Kính chúc quí vị một năm Canh Tý phát tài sai lộc thật nhiều may mắn. Nếu nghe tiếng chuột kêu rúc rúc “chúc chúc” thì xin coi như điềm may vì các cụ bảo tiếng “túc túc” (Túc nghĩa là đủ), nhà có đầy đủ cơm ăn áo mặc, tiền hào rủng rỉnh, đô-la kìn-kìn suốt năm.
Thứ nhất đom đóm vào nhà
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.
Ghi chú: Bài này là một bài phiếm chủ ý vui xuân, nên có những từ ngữ có thể thiếu nghiêm túc, nhưng vì tôn trọng cổ văn, người viết để nguyên và có ghi chữ sic nghĩa là nguyên văn.
-- Viết xong tại Virginia, tháng 10, 2019, PT Lệ