Biên khảo
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
07 Tháng 10, 2018
Khúc Quanh Lịch Sử Mỹ với Tối Cao Pháp Viện mới?
I/ Sự kiện "vô tiền khoáng hậu": biểu quyết tín nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện.
Thực vậy cuộc biểu quyết tín nhiệm Thẩm Phán Kavanaugh vào Tối Cao Pháp Viện được ghi nhận gay go, rắc rối, ồn ào và kết quả thay đổi bất ngờ & mong manh nhứt trong lịch sử Mỹ.
Vào ngày 9 tháng 7 năm nay, TT Trump đã chính thức chọn Thẩm Phán Kavanaugh để Thượng Viện Mỹ biểu quyết tín nhiệm vào Tối Cao Pháp Viện. Kể từ đó đến nay hầu như ngày nào báo chí cũng có tin tức "nóng hổi" đề cập chung quanh vụ này.
Điều này cho thấy cuộc biểu quyết tín nhiệm vô cùng quan trọng và được coi như một khúc quanh lịch sử cận đại Mỹ.
II/ Vai trò rất quan trọng của Tối Cao Pháp Viện trong việc điều hành chính trường Mỹ.
Tối Cao Pháp Viện là toà án liên bang cao nhất tại Mỹ, có quyền hạn chung quyết trong việc giải thích Hiến pháp, trong các tranh tụng về luật liên bang và cùng với quyền tài phán chung thẩm (có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội liên bang và tiểu bang là vi hiến).
Tối Cao Pháp Viện là định chế quyền lực cao nhất của ngành tư pháp Mỹ và tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện gồm có chín người được bổ nhiệm trọn đời bởi Tổng Thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện.
Chính vì tầm rất quan trọng đó khiến 2 chính đảng Mỹ đều hết sức tranh chấp trong việc bổ nhiệm một thẩm phán mới. Chẳng hạn hồi năm 2016 TT Obama (Dân Chủ) bổ nhiệm Thẩm Phán Merrick Garland nhưng Đảng Cộng Hòa lúc đó có đa số trong Thượng Viện đã bác bỏ với ý định là chờ cuộc bầu cử TT vào tháng 11/2016 nếu thắng cử thì Tân Tổng Thống của Đảng Cộng Hòa sẽ bổ nhiệm Thẩm Phán của phe mình vào Tối Cao Pháp Viện. Quả nhiên ông Trump thắng cử lên làm Tổng Thống và bổ nhiệm Thẩm Phán Neil Gorsuch với sự phê chuẩn số phiếu 54/45 bởi Thượng Viện vào tháng 4/2017.
III/ Tại sao kỳ này rất gay go ?
Có 2 lý do chính đã dẫn tới chuyện này :
1) Tối Cao Pháp Viện có 2 khuynh hướng chính trị rõ rõ rệt và đang ngang ngửa với nhau:
a) thiên hữu gồm có 4 thẩm phán: ông Neil Gorsuch (Trump), ông Samuel Alito (Bush con), ông John Roberts (Bush con) và ông Clarence Thomas (Bush cha).
b) thiên tả gồm có 4 thẩm phán: bà Elena Kagan (Obama), bà Sonia Sotomayor (Obama), bà Ruth Ginsburg (Clinton) và ông Stephen Breyer (Clinton).
Nếu bên Đảng Cộng Hòa có thêm một thẩm phán mới thì khuynh hướng thiên hữu sẽ luôn luôn thắng thế với số phiếu 5/4 tại Tối Cao Pháp Viện, cho nên Đảng Dân Chủ phải quyết tâm ngăn chận.
2) Trong cuộc bầu cử bổ túc Thượng Nghi Sĩ tại Alabama vào tháng 12/2017, Đảng Cộng Hòa bị thua nên chỉ còn đa số rất mong manh với số phiếu 51/49 trong Thượng Viện, mà trong đó có ít nhứt 5 TNS Cộng Hòa không ủng hộ hoặc chống đối TT Trump. Chẳng hạn TNS Mc Cain (còn sống tới ngày 25/08/2018) cùng 2 bạn thân gồm TNS Flake & TNS Graham hầu như bỏ phiếu chống các dự định quan trọng của TT Trump. Cho nên Đảng Dân Chủ rất hy vọng sẽ thắng vụ biểu quyết tín nhiệm này và chính vì vậy cho thi hành một mưu kế vô cùng độc địa.
IV/ Mưu kế vô cùng độc địa của Đảng Dân Chủ
Khoảng thời gian ngắn trước khi biểu quyết thì Nữ TNS Feinstein (Dân Chủ) trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện bất ngờ tung tin đã nhận một thư ẩn danh của một phụ nữ đã tố cáo Thẩm phán Kavanaugh trước đây 36 năm đã tính cưỡng hiếp. Nữ TNS Feinstein loan tin đã trao bức thư đó cho FBI để điều tra.
Chỉ một thời gian ngắn sau thì bức thư & tên họ phụ nữ (Christine Blasey Ford ) này được bí mật cung cấp cho giới Truyền Thông Dòng Chính thiên tả (Mainstream media (MSM)) để tung ra cho cả thế giới biết chuyện tố cáo này và đòi hỏi biểu quyết phải đình chỉ cho đến điều tra rõ ràng câu chuyện. Đòn độc địa này đã được Đảng Dân Chủ xử dụng thành công trong cuộc bầu cử bổ túc Thượng Nghị Sĩ tại Alabama vào tháng 12/2017 khi họ tố cáo ứng cử viên Roy Moore của Đảng Cộng Hòa có hành vi quấy nhiểu tình dục thời xa xưa không có bằng chứng cụ thể. Kỳ này tương tự áp dụng đòn độc địa này để đối phó với Thẩm phán Kavanaugh. Quả nhiên dưới áp lực dữ dội của dư luận do Truyền Thông Dòng Chính thiên tả gây ra khiến cho Đảng Cộng Hòa và TT Trump phải liên tiếp nhượng bộ cho thi hành các đòi hỏi của họ - trong đó cho FBI điều tra lại (lần thứ 7) - và phải dời cuộc biểu quyết đi cả tuần.
IV/ Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên
Ông bà mình thời xưa thường nói vậy và "lưới trời lồng lộng" đã khiến mưu kế vô cùng độc địa của Đảng Dân Chủ không thành công qua những sự kiện sau:
1) TNS Mc Cain chết vào ngày 25/08/2018 khiến phe chống đối TT Trump trong Đảng Cộng Hòa mất đi người cầm đầu và điểm tựa. Điển hình thấy rõ ràng nhứt là 2 trường hợp cụ thể:
a) TNS Graham trước đây luôn luôn chống đối TT Trump và nay đã quay 180 độ để trở thành tướng tiên phong tả xông hữu đột tấn công phe Dân Chủ tại Thượng Viện.
b) TNS Flake trước đây luôn luôn sát cánh với TNS Mc Cain "chọc quê" TT Trump, nhưng lần này ngay trong Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện đã bỏ lá phiếu rất quan trọng quyết định 11/10 để thông qua đưa ra Đại Hội Đồng Thượng Viện biểu quyết tín nhiệm Thẩm phán Kavanaugh.
2) FBI trong quá khứ nổi tiếng luôn luôn ác cảm & chống đối TT Trump, vậy mà lần này họ làm việc rất nhanh, đầy đủ và có kết quả hoàn toàn có lợi cho Thẩm phán Kavanaugh. Chẳng hạn FBI họ đã phỏng vấn 4 nhân chứng do bà Christine Blasey Ford đưa ra và tất cả đều khai rằng họ không biết gì về vụ suýt cưỡng hiếp cách nay 36 năm. Đó chính là "bằng cớ" rõ ràng bà Christine Blasey Ford đã nói sai và không có bằng chứng thì không thể kết án bị cáo được.
Chính vì vậy nhiều TNS đã thay đổi thái độ để cuối cùng bỏ phiếu tín nhiệm cho Thẩm phán Kavanaugh, đặc biệt trong đó quan trọng nhứt có TNS Collins (Cộng Hòa) và TNS Manchin (Dân Chủ). Cũng như TNS Murkowski chịu bỏ phiếu trắng để TNS Daines yên tâm đi dự đám cưới của con gái. Chính vì vậy Thẩm phán Kavanaugh đã đắc cử chắc chắn 100 % với số phiếu 50/48 vào ngày 06/10/2018 và ngay sau đó làm lễ tuyên thệ (xem hình phía đầu bài).
V/ Khúc Quanh Lịch Sử Mỹ với Tối Cao Pháp Viện mới
Đúng vậy, đây quả là khúc quanh lịch sử lớn cho nước Mỹ . Bởi vì sẽ có ảnh hưởng lớn lao như sau:
1) Nay thêm một thành viên mới, Tối Cao Pháp Viện với 5 Thẩm phán gồm các ông Neil Gorsuch, Samuel Alito, John Roberts, Clarence Thomas và Brett Kavanaugh sẽ theo khuynh hướng thiên hữu (bảo thủ), nên rất có thể nhiều chuyện trước đây do khuynh hướng thiên tả thông qua thì trong tương lai có thể bị tái xét lại.
2) Tối Cao Pháp Viện với khuynh hướng chống thiên tả này sẽ còn ảnh hưởng lâu dài hàng mấy chục năm nữa đến chính trường Mỹ vì đa số họ còn rất trẻ. Trong khi phía các thẩm phán thiên tả phần lớn già nua - chẳng hạn bà Ruth Ginsburg đã 85 tuổi và ông Stephen Breyer đã 80 tuổi - có thể chết hoặc về hưu bất cứ lúc nào thì thành phần thẩm phán mới được bổ nhiệm càng có khuynh hướng chống thiên tả hơn trong thời kỳ TT Trump (hoặc PTT Pence tiếp nối) nắm quyền.
3) Với một Tối Cao Pháp Viện khuynh hướng bảo thủ như vậy thì TT Trump khó bị gây rắc rối về tư pháp, nhứt là những vụ kiện tụng hình sự hoặc hầu toà làm nhân chứng ... Đây có thể nói là một thắng lợi lớn cho bản thân TT Trump.
4) Gần nhứt là ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Phía giới Truyền Thông Dòng Chính thiên tả lại xoay ra tiên đoán giới phụ nữ “phẩn uất” nên Đảng Dân Chủ sẽ thắng cử để kiểm soát Lưỡng Viện. Chuyện này chưa chắc vì chính họ đã từng tiên đoán rất nhiều điều bất lợi (tưởng chừng như tận thế) cho chính phủ cộng hoà TT Trump nhưng có xảy ra bao giờ đâu.
Theo thăm dò thì từ tháng 6 đến nay, Đảng Cộng Hòa đã gia tăng khoảng 10 % cử tri và ngang ngữa với Đảng Dân Chủ. Đây là kết quả rất bất ngờ vì thông thường đảng cầm quyền hầu như luôn luôn thua nặng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bởi vì họ khó vận động được cử tri của mình "chiu khó" đi bầu.
Như vậy nếu Đảng cầm quyền Cộng Hòa thắng cử kiểm soát được đa số trong Lưỡng Viện thì chính phủ TT Trump sẽ có cơ hội tiếp tục chánh sách đánh gục Trung Cộng và VN chúng ta mới không bị Đại Họa Mất Nước !
Hãy chờ xem sao!
Trần Nguyên / Người Xứ Bưởi
07 Tháng 10, 2018
-------- ---- -------
LGT : Dưới đây là 2 bài của tác giả Vũ Linh viết về chung quanh sự kiện biểu quyết cho Tối Cao Pháp Viện với nhiều chi tiết độc đáo .
Phụ đính:
VỤ KAVANAUGH TIẾP TỤC SÓNG GIÓ
Vũ Linh
October 06, 2018
Câu chuyện Thẩm Phán (TP) Kavanaugh chưa kết thúc. Hai bài bình luận hai tuần liền tưởng đã quá đủ. Nhưng rồi vẫn... chưa đủ. Xin thành thật cáo lỗi cùng quý độc giả nào cảm thấy quá nhàm chán, nhưng đây vẫn còn là câu chuyện thời sự nóng bỏng, đáng tiếc thay.
Tuy nhiên, kẻ này xin hứa đây là bài cuối, bất kể kết quả báo cáo của FBI viết gì hay Thượng Viện biểu quyết như thế nào. Cùng lắm thì sẽ chỉ có vài mẫu tin trong trang Tin Vắn thôi.
Trong khi mọi bên chờ FBI điều tra bổ túc thêm sau khi đã điều tra ông Kavanaugh 6 lần, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục, với bên bênh bên chống bắn nhau loạn đả không ngừng nghỉ.
Dưới đây là vài tin mới nhất, không theo thứ tự đặc biệt nào. Chỉ muốn giúp quý độc giả có thêm dữ kiện bàn ra tán vào.
Trong mấy ngày qua, thiên hạ đã nhìn thấy phe cấp tiến tung ra chiến lược mới chống TP Kavanaugh, dựa trên 4 mũi tấn công mới:
- Tố ông Kavanaugh phe đảng;
- Chê ông Kavanaugh thiếu bình tĩnh;
- Chỉa mũi dùi vào tội mới của ông Kanavaugh, nghiện rượu;
- Đặt vấn đề FBI điều tra hời hợt.
Câu chuyện tấn công tình dục bà Ford dường như lọt đài, chìm vào lãng quên phần nào vì quá lỏng lẻo.
Truyền Thông Dòng Chính (TTDC) loan tin TT Trump giới hạn cuộc điều tra tối đa, chỉ cho FB được thẩm vấn hai người là bà Ford và bà Ramirez, ngay sau đó bị TT Trump vạch tội loan tin fake news. Ông cho biết FBI có quyền điều tra và thẩm vấn bất cứ ai tùy nhu cầu, kể cả bà Swetnick mà ai cũng biết chỉ là màn xiếc tự quảng cáo lếu láo của luật sư Avenatti của bà đào đóng phim sex. Tuy nhiên, không được kéo dài cuộc điều tra thành màn đi mò cua vô hạn định như công tố Mueller đang làm. Hạn chót nộp báo cáo: Thứ Sáu 5/10/2018. Báo cáo được FBI hoàn tất và đệ nạp TT Trump khuya Thứ Ba 2/10. FBI không phỏng vấn bà Ford và ông Kavanaugh.
Về cuộc điều tra của FBI, ngay từ đầu, bà Feinstein đã chuẩn bị chiến trường cho trận đánh tới, viết thư cho Tòa Bạch Ốc và FBI yêu cầu làm sáng tỏ tầm mức cuộc điều tra vì bà nghi ngờ cuộc điều tra không đầy đủ và chu đáo. Đây là mũi dùi mới của khối Dân Chủ (DC): dàn trận để bác bỏ kết quả điều tra của FBI ngay từ khi FBI chưa bắt đầu điều tra vì biết báo cáo sẽ không thuận lợi cho phe DC. Đòi điều tra cho bằng được, đến lúc được thì đổi giọng tố điều tra không đáng tin. Cái lộ liễu của DC phảng phất mùi khinh thường cả thiên hạ.
Thật ra, chẳng có gì để điều tra hết. Câu chuyện xẩy ra giữa 5 người, 1 người tố, 1 người bị tố đã bác bỏ toàn bộ câu chuyện, và 3 người được đưa ra làm nhân chứng thì đều cho biết không nhớ đã có buổi tiệc đó. Thế thì điều tra cái gì? Phe DC chỉ là muốn câu giờ trong khi phe Cộng Hoà (CH) chấp nhận điều tra như là cái dù che mưa, giúp cho vài nghị sĩ lừng chừng có thể biểu quyết thuận.
Bà Rachel Mitchell, công tố đặt câu hỏi với bà Ford trong cuộc điều trần đã cho biết theo nhận định của bà, bà Ford không đủ lý do vững chắc để thưa kiện ông Kavanaugh trước một tòa án bình thường, và không có một công tố nào có thể kết tội ông Kavanaugh dựa trên tố giác của bà Ford được.
TNS Lindsey Graham, người bênh vực TP Kavanaugh mạnh nhất trong cuộc điều trần vừa qua, lên tiếng kêu gọi FBI điều tra làm sao bức thư nặc danh của bà Ford gửi cho bà Feinstein lại bị lộ ra cho Washington Post, ai xì ra, bà Ford hay bà Feinstein? Đồng thời, FBI cũng phải truy xét vai trò của bà Feinstein trong toàn bộ câu chuyện.
Phe cấp tiến tìm ra được chiêu võ mới tấn công ông Kavanaugh: chê ông này mang tính phe đảng quá nặng cũng như đã có vẻ quá xúc động khi ra điều trần, chứng tỏ không đủ công tâm và không đủ bình tĩnh để làm thẩm phán TCPV.
Nói về tính phe đảng, TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã cố biện hộ cho mình và phơi bày ra những tấn công vô lý của các đối thủ chống ông như họ đã tố ông là ‘evil’, là hàng triệu người sẽ chết nếu ông vào TCPV, là ông đã tham gia vào các vụ hãm hiếp hội đồng,… Ông đả kích những người đã tung những luận điệu xuyên tạc đầy ác ý và vô lý đó. Tại vì những người tung những tố giác đó chính là vài nghị sĩ DC trong Ủy Ban Tư Pháp, nên TTDC tố ngay ông Kavanaugh đã có tính phe đảng, dám đả kích các nghị sĩ DC. Theo kiểu lý luận này, các nghị sĩ DC tha hồ vu cáo, nhục mạ ông Kavanaugh, nhưng nếu ông này dám than phiền mấy ông bà DC đó thì đã có nghĩa là ông Kavanaugh có tính phe đảng. Nôm na ra, một quan tòa công tâm không phe đảng theo định nghiã của TTDC phải là một quan tòa không đụng đến đảng DC.
Về sự xúc động của ông Kavanaugh, quý độc giả thử đặt mình vào chỗ ông Kavanaugh: bị vu cáo và đánh tàn nhẫn như vậy, quý vị có thể bình tĩnh như cái tủ lạnh được không? Trước khi ném đá vào người khác, có nên tự soi gương không?
Năm xưa, thống đốc DC Micheal Dukakis ra tranh cử tổng thống. Ông chủ trương chống án tử hình bất kể tội phạm nặng cỡ nào. Trong cuộc tranh luận trên TV với ông Bush cha, ông Dukakis bị hỏi “Nếu như bà vợ ông bị hãm hiếp và giết chết, ông có chấp nhận án tử hình chống hung thủ không?”. Ông Dukakis mặt tỉnh bơ, không đỏ mặt cũng chẳng ‘nghiến răng nghiến lợi’ gì, bình tĩnh nêu ra đủ thứ luật lệ rồi nhấn mạnh ông sẽ áp dụng luật. Ông Dukakis thất cử. Các chuyên gia khi đó cho rằng ông Dukakis đã chứng tỏ mình là một cái máy không có tình người, không thể làm tổng thống được vì tổng thống là người lúc nào đầu óc cũng phải tỉnh táo dĩ nhiên, nhưng cũng phải có tình người để hiểu lòng người, ý dân.
Xin nhắc lại, vài ngày trước khi ra điều trần, hai ông bà Kavanaugh lên đài TV Fox để phỏng vấn. Ông nói chuyện bình tĩnh, nghiêm chỉnh vì nói với phóng viên đài Fox và cho khán giả nghe, là những người không có trách nhiệm gì trong vụ tấn công ông. Phe cấp tiến xúm vào chê ông là robot, người máy trả bài, không có tình người, có vẻ nhu nhược, không thể làm quan toà được. Không khác gì trường hợp ông Dukakis mấy. Vào cuộc điều trần, đối diện với những người cố tình muốn tàn sát ông, tàn sát sự nghiệp và gia đình ông, ông xúc động và nặng lời thì bị tố thiếu bình tĩnh. Nói cách khác, kiểu gì thì cũng bị đánh thôi.
Cụ xã nghĩa Bernie Sanders đã tung ra mặt trận mới, ồn ào lên tiếng đòi FBI điều tra cặn kẽ quá khứ của ông Kavanaugh từ ngày bắt đầu vào trung học đến hết thời sinh viên, xem ông này đã uống bao nhiêu bia, đã say xỉn mấy lần, tham dự các đêm hoan lạc bao nhiêu lần,… Cụ Sanders vẫn còn ‘nhân đạo’, chưa đòi điều tra xem ông Kavanaugh đã hãm hiếp bao nhiêu phụ nữ.
Ta thấy phe DC bắt đầu chuyển hướng, nại ra cớ khác để đòi FBI điều tra tiếp. TTDC (New York Times, Washington Post, CNN, NBC,...) tiếp hơi, đổi đề tài, không viết về bà Ford nữa vì cơ sở tố cáo quá lỏng lẻo, không ăn khách, bây giờ viết về chuyện ông Kavanaugh say xỉn thời sinh viên.
Ngoài ra, nhiều mũi tên khác cũng đang được bắn tới tấp vào ông Kavanaugh, hy vọng sẽ có một mũi bắn trúng tử huyệt.
Bà Feinstein than phiền ông Kavanaugh đã không tôn trọng các nghị sĩ DC. Làm như thể các nghị sĩ DC rất tôn trọng TP Kavanaugh vậy. Tôn trọng là con đường hai chiều chứ không phải một chiều. Đòi hỏi người khác phải tôn trọng mình trong khi mình đạp người ta xuống bùn là một đòi hỏi lố bịch.
Báo USA Today, có lẽ hy vọng đoạt giải Pulitzer về tin bẩn, đã đưa ra bài quan điểm kinh hồn: cần phải cấm TP Kavanaugh không được tới gần trẻ con, cấm không cho làm ông bầu đội bóng rổ của con gái ông. Bị phản đối quá mạnh, USA Today sau đó đã xóa đoạn này trên bài bình luận, đổ thừa đó là quan điểm cá nhân của người viết, nhưng không có một lời xin lỗi ông Kavanaugh.
Một tờ báo khác muốn dành giải Pulitzer với USA Today, đăng hình vẽ một cô bé gái quỳ cạnh giường cầu nguyện “Xin Chúa tha tội cho ông bố nóng tánh, nói láo, say xỉn của con đã tấn công tình dục bà Ford”. Ngay sau đó, phản ứng của độc giả quá mạnh khiến tờ báo đã phải xóa cái hình đó. Bức hình này bôi bác việc TP Kavanaugh trong cuộc điều trần đã kể lại chuyện con gái của ông, 10 tuổi, đã cầu nguyện cho bà Ford.
Bà Hillary cho biết bà theo dõi cuộc điều trần trên TV và thấy cần phải tin bà Ford. Bà nhận định phụ nữ đã bị coi thường, xử ép, không ai tin lời của họ từ quá lâu. Câu hỏi cho bà Hillary: thế năm xưa, trước khi cái áo đầm dính tinh khí của ông chồng bà bị lộ ra, bà tin cô Monica hay bà tin ông chồng? Kẻ này nhớ lại câu nói của đại triết gia Pháp Voltaire: “Chính trị là phương tiện để những chính khách không có nguyên tắc chỉ đạo dùng để điều khiển những người không có trí nhớ”. Bà Hillary có nguyên tắc gì không? Có nghĩ là dân Mỹ không có trí nhớ không?
Tổ chức cực tả ACLU (American Civil Liberties Union) so sánh ông Kavanaugh với cựu TT Clinton. Hai câu hỏi cho ACLU: 1) Với TT Clinton, có bằng chứng cụ thể là chiếc áo đầm dính tinh khí, vụ tố ông Kavanaugh có bằng chứng gì? 2) Hai trường hợp ‘giống nhau’, vậy tại sao ông Clinton vẫn xứng đáng làm tổng thống mà ông Kavanaugh không xứng đáng vào TCPV?
Về phần bà Ford, Bà nói trước Thượng Viện là bà đã run sợ khi đi thử máy dò nói dối. Tin mới nhất: bà Ford là chuyên gia về máy dò nói dối, và trong tư cách giáo sư tâm lý, biết rất rõ cách trả lời máy nói dối cho thông, đã từng chỉ dẫn cho một người bạn xin việc với FBI cách để lách qua cửa ải phải qua máy này mới được FBI nhận vào làm. Đây là tiết lộ của kép cũ của bà Ford. Bà bạn của bà Ford đã chối chuyện này. Không lẽ bà ta lại nhận đã gian trá với FBI? Đúng là chuyện lẩm cẩm.
Anh kép cũ này cũng cho biết trong suốt thời gian sống chung với bà Ford (1992-1998) anh ta không hề nghe bà Ford nói về vụ ông Kavanaugh gì hết và cũng chẳng thấy triệu chứng bà Ford bị khủng hoảng tâm thần gì.
Tin mới lạ về bà Ford:
Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện, bà Ford khai năm 2012 bà phải đi gặp bác sĩ cố vấn tâm thần vì bà bị khủng hoảng tinh thần dây dưa từ vụ tấn công tình dục của ông Kavanaugh.
Bà cho biết khi đó, bà nhất định phải làm thêm một cửa ra vào ở nhà bà. Ông chồng không đồng ý, hai vợ chồng cãi cọ. Ông chồng bắt bà vợ phải giải thích cho rõ tại sao muốn làm vậy. Bà Ford đành thú tội cho ông chồng bà cần có một cái cửa ra vào thứ hai vì bà cảm thấy sợ hãi, có cảm tưởng bị đe dọa thường trực, cần phải có nhiều lối thoát. Là hậu quả trực tiếp của vụ tấn công của ông Kavanaugh vẫn còn ám ảnh bà từ 30 năm trước. Cuối cùng thì ông chồng đồng ý, làm thêm cửa thứ hai và mang bà vợ đi khám bác sĩ tâm thần.
Trong cuộc điều trần, bà Feinstein hỏi mớm bà Ford “bà xây thêm cửa vì sợ hãi cảm giác tù túng?”. Bà Ford trả lời, “đúng vậy”.
Ai nghe câu chuyện này mà không cảm thông cho bà nạn nhân tấn công tình dục đáng thương này?
Vấn đề là có một anh nhà báo của Real Clear Politics tên là Thomas Lipscomb đã khúc mắc đi điều tra, và khám phá ra câu chuyện... ‘coi dzậy mà hổng phải dzậy’.
Theo anh Lipscomb, nhà bà Ford mở thêm cửa vào năm 2008 theo giấy phép của thị xã, vài tháng sau khi bà mới mua căn nhà cuối năm 2007. Bốn năm sau, bà mới đi khám bệnh tâm thần năm 2012, tức là hai việc dường như chẳng có gì liên hệ gì với nhau.
Vui hơn nữa, là anh chàng Lipscomb này cũng khám phá ra là trong nhà bà Ford, cái cửa mới xây đó là cửa của một phòng riêng trong nhà mà bà Ford sửa lại để cho sinh viên thuê lại. Khi làm thêm cửa thì bà Ford cũng làm thêm phòng tắm riêng cho căn phòng đó. Nói cách khác, đó là cửa ra vào riêng cho căn phòng bà Ford cho thuê. Hiển nhiên việc làm thêm cửa chẳng có liên hệ xa gần gì đến chuyện ông Kavanaugh tấn công tình dục ba chục năm trước như bà Ford tả oán.
Trong suốt cuộc điều trần tại Thượng Viện, bà Ford không hề nói một tiếng nào về chuyện sửa nhà, làm phòng riêng với cửa riêng cho sinh viên thuê, mà chỉ nói cần làm thêm cửa thứ hai vì sợ cảm giác tù túng, hậu quả của khủng hoảng tâm thần sau vụ tấn công của ông Kavanaugh.
Bà Swetnick, người đã từng tố cáo ông Kavanaugh tham gia vào những cuộc vui hãm hiếp tập thể thời còn học ở đại học Yale, đã được mời lên đài NBC phỏng vấn. Trên TV, bà xác nhận ông Kavanaugh ‘có mặt’ nhưng không tham gia, cũng không có chuyện ông cởi quần áo ‘chuẩn bị tham gia’ luôn. Chỉ là chuyện Yale luôn có những trận hãm hiếp tập thể như vậy và ông Kavanaugh với tư cách sinh viên Yale đã có mặt. Thế thì tội của ông này tóm lại là gì?
Bà Swetnick đưa ra tên bốn người nhân chứng. Một người đã bác bỏ ngay, cho là không biết gì về những chuyện hãm hiếp tập thể này, một người đã qua đời, còn hai người kia chưa tìm ra, không biết có thật hay không. Anh kép cũ của bà Swetnick công khai tố bà này là vua nói láo, đừng ai tin bà ta. Trong khi đó, bà cũng bị thưa kiện lung tung về chuyện tiền bạc lộn xộn và thiếu thuế, khiến nhiều người nghi ngờ bà đã được luật sư Avenatti trả tiền để tố ông Kavanaugh.
Điều lạ lùng là cả trăm sinh viên Yale đã bãi học, biểu tình chống ông Kavanaugh. Tức là họ nhìn nhận tại Yale đã có những buổi tiệc hoan lạc ‘hãm hiếp tập thể’ vậy sao? Chưa nghe bán giám đốc Yale lên tiếng. Cả sinh viên Harvard cũng bắt chước theo. Khiến ông Kavanaugh đã hủy bỏ ý định đi dạy học tại Harvard trong mùa hè tới. Tin buồn cho nước Mỹ: đó là những sinh viên luật của các trường lớn, tức là những đại luật gia tương lai của Mỹ: bây giờ nền tảng pháp lý của chúng là “có tội cho đến khi chứng minh được là vô tội’. Quý độc giả muốn an toàn, nhớ đừng chọc giận ai hết vì có thể bị tố bất cứ tội gì mà không cần bằng chứng hay nhân chứng.
Trong khi đó, hàng trăm phụ nữ khắp nước đã lên tiếng bênh vực ông Kavanaugh, chỉ trích việc ông này bị phe cấp tiến và TTDC lôi xuống bùn mà chẳng có bằng chứng hay nhân chứng gì. Báo cấp tiến The Atlantic gióng chuông báo động: các bà bảo thủ đang nổi giận và nhất quyết lên tiếng trong cuộc bầu cử tới khi thấy đảng DC đã đi quá xa, khai thác phụ nữ làm vũ khí chính trị.
TT Trump đã tuýt đả kích cuộc điều trần là đáng hổ thẹn khi nhìn thấy ông Kavanaugh bị đánh một cách cực kỳ vô lý. Ông cũng tiên đoán bất kể kết quả điều tra của FBI như thế nào, DC sẽ vẫn tiếp tục tìm cách đánh ông Kavanaugh. Ông kêu gọi cử tri CH có hành động bằng cách tích cực tham gia đi bầu trong cuộc bầu quốc hội một tháng nữa để ngăn chặn DC phá đám thêm nữa.
Một bình luận gia DC, Brian Dean Wright cho rằng DC tấn công ông Kavanaugh một cách quá đáng có thể sẽ gặp phản ứng ngược của cử tri, giống như năm xưa khi khối CH nghiến răng đàn hặc TT Clinton, đưa đến việc tỷ lệ hậu thuẫn của ông Clinton vọt lên đến mức kỷ lục gần hai phần ba dân Mỹ.
Khi bài này được viết thì mới có tin FBI đã nộp báo cáo cho Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện. Cả Tòa Bạch Ốc và Thượng Viện đều cho biết báo cáo chẳng có gì kết tội ông Kavanaugh hết. FBI phỏng vấn 10 người, không có một người nào xác nhận câu chuyện của bà Ford và bà Ramirez hết. Thượng Viện đã biểu quyết Thứ Sáu 5/10 gần như theo đúng làn ranh đảng phái, 51/49, với mỗi bên có một nghị sĩ ‘phản đảng’ (bà Murkowski của CH chống, trong khi ông Manchin của DC thuận), chấm dứt thảo luận, đưa vấn đề ra trước phiên họp khoáng đại để tất cả các nghị sĩ biểu quyết việc phê chuẩn TP Kavanaugh, có thể vào ngày Thứ Bẩy 6/10. Chưa có nghĩa đó sẽ là số phiếu cuối cùng về việc phê chuẩn TP Kavanaugh.
Phe cấp tiến phản đối dữ đội vì ‘FBI đã không phỏng vấn bà Ford’. Phỏng vấn gì nữa? Cả bà Ford lẫn ông Kavanaugh mỗi người đã bị tra hỏi bốn tiếng đồng hồ trước Thượng Viện. Bà nói gà, ông nói vịt, Thượng Viện yêu cầu điều tra xem ai nói thật. FBI chỉ cần giữ những lời khai của hai người trước Thượng Viện, rồi đi tìm dữ kiện hay nhân chứng để kiểm tra. Đó là việc FBI đã làm và FBI đã không phỏng vấn hai người này mà phỏng vấn 10 người khác. Phe cấp tiến cũng tố FBI đã phỏng vấn quá ít người. Thế nào là đủ? Nếu báo cáo của FBI bất lợi cho bà Ford thì phỏng vấn 1.000 người vẫn chưa đủ; nếu báo cáo bất lợi cho ông Kavanaugh thì phỏng vấn một người cũng là dư thừa, đó là quan điểm của phe DC.
Phe cấp tiến và TTDC đe dọa phê chuẩn kiểu này sẽ khiến phụ nữ nổi giận và CH sẽ thua to trong cuộc bầu cử tới. Bên nào thua, bên nào thắng chưa ai rõ vì chưa biết cử tri bên nào nổi giận mạnh hơn, nhưng chắc chắn là nếu được phê chuẩn, ông Kavanaugh sẽ ngồi trong TCPV hai ba chục năm, trong khi bầu cử quốc hội là chuyện bầu bán mỗi hai năm. Thua năm nay, hai năm nữa tính lại. Đường xa, bên nào thắng?
Vũ Linh
----------------
SỰ THẬT SAU TẤN TUỒNG ĐIỀU TRẦN
Vũ Linh
September 29, 2018
Cuộc chiến đánh thẩm phán Kavanaugh đã leo thang mạnh trong tuần qua, cùng lúc với cuộc điều trần trước Thượng Viện của cả ông Kavanaugh và bà Ford, là người tố giác ông sách nhiễu tình dục cách đây hơn 35 năm.
Cuộc điều trần hiện rõ như một tấn tuồng với các diễn viên cực dở.
Tại sao là một tấn tuồng? Tại vì ai cũng biết cuộc điều trần chẳng thay đổi một ly ông cụ nào về cuộc biểu quyết. Bất kể chuyện gì xẩy ra trong cuộc điều trần, các nghị sĩ chống vẫn chống, ủng hộ vẫn ủng hộ, lừng chừng vẫn bận thăm dò cử tri.
Câu hỏi quan trọng nhất: tại sao lại có thể có chuyện vô lý như vậy? Tại sao lại có chuyện coi thường sự thật và khinh mạn thiên hạ như vậy? Ta thử nhìn lại toàn bộ câu chuyện cho kỹ.
CUỘC ĐIỀU TRẦN TRƯỚC THƯỢNG VIỆN
Trước hết, phải nói ngay phe CH đã chịu thua từng bước từng bước. Liên tục dời ngày điều trần theo yêu sách của bà Ford khi bà này đòi thêm thời giờ để ‘chuẩn bị’, chấp nhận điều kiện không có đối chất với ông Kavanaugh, không dám chất vấn trực tiếp bà Ford mà phải thuê một bà công tố làm việc này, rồi hoãn ngày biểu quyết.
Trong khi CH rét, thối lui liên tục vì sợ mất phiếu phụ nữ, thì ông Rush Limbaugh, một bình luận gia bảo thủ cực đoan nổi tiếng qua các bài nói chuyện trên radio, đã lớn tiếng cảnh giác CH tiếp tục thối lui sẽ mất phiếu của cử tri của Trump trong cuộc bầu quốc hội tới. Đúng là tình trạng nhức răng, tiến thoái lưỡng nan cho các ông bà CH.
Phần điều trần của bà Ford:
Để tránh hình ảnh một chục ông đánh hội đồng một bà Ford cũng như để có vẻ đây là một cuộc điều trần chuyên nghiệp, không mang tính chính trị, khối đa số 11 nghị sĩ CH đã nhường quyền chất vấn của họ cho bà Rachel Mitchell, một công tố chuyên về những tố tụng sách nhiễu tình dục. Bà Mitchell đã tra hỏi bà Ford như một thám tử cảnh sát điều tra một nạn nhân. Mục đích của bà Mitchell hiển nhiên không phải là tố cáo bà Ford về tội gì hết, là điều mà khối CH muốn tránh tối đa, mà chỉ là đặt những câu hỏi để bà Ford liên tục trả lời “không nhớ”, reo mối nghi ngờ lên những tố cáo của bà Ford. Qua cả chục lần “không nhớ” của bà Ford, bà Mitchell coi như đã chu toàn trách nhiệm.
Khối thiểu số 10 nghị sĩ DC tất cả đều ca đúng một bài: ca tụng bà Ford mút mùa và đòi hỏi FBI điều tra. Nói cách khác, tìm cách câu giờ cho qua bầu cử. Chẳng ai có một câu hỏi về câu chuyện bà Ford hết.
Về phần bà Ford, bà diễn tuồng một nạn nhân đau khổ, bối rối, rất giỏi. CNN dĩ nhiên đăng ngay hình bà Ford đang mếu máo muốn khóc. Câu chuyện của bà không có gì mới lạ. Tất cả đều đã được báo chí phổ biến từ hai tuần nay. Hầu hết những chi tiết khác mà bà Mitchell hỏi thì đều chỉ có một câu trả lời: không nhớ rõ.
Bà Ford đưa ra tên 3 người mà bà cho là có thể làm nhân chứng, nhưng cả 3 người đều cho biết họ không nhớ là đã có câu chuyện bà Ford kể lại, kể cả bà Leland Keyser mà bà Ford gọi là bạn đời –lifelong friend-. Trả lời câu hỏi về chuyện này, bà Ford giải thích bà Keyser “có vấn đề sức khoẻ” (ai muốn hiểu sao thì hiểu), và bà Keyser đã viết thư xin lỗi bà Ford. Bà Ford ‘quên’ không nói rõ là bà Keyser xin lỗi vì đã phải nói sự thật bất lợi cho bạn chứ không xin lỗi là đã nói láo.
Phần điều trần của ông Kavanaugh:
Ông Kavanaugh mở đầu với bài phát biểu dài gần một tiếng đồng hồ, tự bênh vực và đả kích phe DC với những lời lẽ mạnh bạo nhất. Đôi lúc, ông quá xúc động, nói không ra lời. Ông chấp nhận việc bà Ford có thể đã bị tấn công tình dục đâu đó, nhưng khẳng định không phải là ông. Ông mạnh miệng đả kích việc phe DC đã lợi dụng câu chuyện vì mưu đồ chính trị, tàn sát ông, tên tuổi ông, sự nghiệp và cả gia đình của ông, đồng thời cũng gây tổn thương cho bà Ford qua tấn tuồng điều trần này.
Điểm quan trọng: ông Kavanaugh trình cho Ủy Ban một lịch trình sinh hoạt cá nhân trong đó ông ghi rõ việc làm mỗi ngày từ năm 1980, có ghi rõ 3 tháng mùa hè 1982, ông Kavanaugh đã không có mặt ở Maryland là nơi xẩy ra câu chuyện.
Trái ngược hoàn toàn với phần trình bày của bà Ford, các nghị sĩ DC không có một người nào có một lời khen hay lịch sự với TP Kanavaugh. Tất cả đều chất vấn với đủ loại câu hỏi hóc búa về điều tra của FBI, về tuổi trẻ của ông, về việc ông uống bia, có bạn gái, dự party,... Trong khi phần lớn các nghị sĩ CH thắc mắc tại sao bà Feinstein giữ im lặng trong hai tháng, đợi đúng một tuần trước khi biểu quyết mới tung hồ sơ bà Ford ra. Có cần FBI điều tra không?
Phần điều trần của bà Ford dĩ nhiên quan trọng hơn vì bà là người tố cáo. Nhưng tiếc thay, bà đã chẳng đưa ra được bằng chứng hay nhân chứng nào. Hầu hết các câu hỏi về chi tiết đều chỉ có một câu trả lời: “không nhớ”. Thế thì ai biết đường nào mà mò?
Kẻ này vừa coi vừa ngủ gật. Cho đến khi TP Kavanaugh đăng đàn thì tỉnh ngủ hẳn với bài diễn văn mở đầu nổ đùng như bom. Sau khi hai ba nghị sĩ nhường phần đặt câu hỏi cho bà Mitchell, tới phiên nghị sĩ Lindsey Graham thì ông này dành lại quyền chất vấn. Phát biểu của ông này nổ còn hơn bom CBU, mạt sát phe DC bằng những tố cáo nặng nề hiếm thấy trong quốc hội Mỹ. Đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất trong cuộc điều trần:
https://www.youtube.com/watch?v=iKmOMOxQPB4
Sau đó, tất cả các nghị sĩ CH đều tự phát biểu, cho bà Mitchell về hưu non. Sai lầm của bà Mitchell là hỏi như cái máy, hết sức nhàm chán, những câu hỏi chi tiết ít ai hiểu ý nghĩa của câu hỏi, khiến cả hội trường ngủ gật. Có lợi cho bà Ford.
Dù vậy, bà Mitchell cũng khơi ra được vài điểm đáng chú ý:
- Bà Ford cho biết hai luật sư thầy dùi ngồi bên cạnh là do bà Feinstein ‘giới thiệu’. Chứng tỏ bà Feinstein đã ‘hợp tác’ chặt chẽ với bà Ford ngay từ đầu, từ trước khi bà Feinstein tung câu chuyện ra. Điều này đi ngược lại cái biện giải muốn giữ bí mật cho bà Ford nên không công bố bức thư sớm hơn. Muốn giữ bí mật sao lại lo giới thiệu luật sư cho bà Ford?
- Bà Ford nói bà không biết ai trả tiền bà đi thử máy đo nói thật (kiểm tra nói dối) và cũng không nói rõ lý do tại sao phải làm chuyện này. Trước hết, chẳng ai biết bà đi kiểm tra nói dối về chuyện gì, có liên quan đến vụ tố ông Kavanaugh hay không. Sau đó, điều lạ lùng là bà Ford không nhớ ai đã giới thiệu chuyên gia làm việc này cho bà, không biết tốn bao nhiêu và ai trả tiền (số tiền này do hai luật sư thầy dùi của bà Ford trả, có lẽ do bà Feinstein ‘thu xếp’).
- Bà Ford khẳng định bà viết thư nặc danh vì không muốn chường mặt ra. Nếu bà nghĩ bà có thể gặp một dân biểu DC, viết thư cho bà nghị sĩ, thuê luật sư, kể chuyện cho báo Washington Post mà vẫn có thể không chường mặt ra thì hoặc là bà nói láo, hoặc là bà ngu ngơ hơn đứa con nít tiểu học chứ không phải là giáo sư đại học về tâm lý. Quái lạ hơn nữa, bà nghị sĩ Feinstein biện giải việc bà giữ câu chuyện bí mật vì bà tôn trọng ý của bà Ford muốn dấu tên. Xin lỗi, bà là ‘niên trưởng’ của DC trong Ủy Ban, đã làm chính trị Mỹ đến bát tuần mà có thể nghĩ sẽ giữ bí mật này sao? Trong chính trị Mỹ, giữ bí mật không khác gì lấy lưới đánh cá chặn nước. Sự thật giản dị hơn nhiều: bà Feinstein ngay từ đầu đã bàn thảo kế hoạch phục kích ông Kavanaugh với bà Ford, giới thiệu luật sư, trả tiền bà Ford đi thử máy nói thật, dìm câu chuyện, đợi đến giờ chót mới bung ra, với hy vọng sẽ là lý do chính đáng để hoãn mọi việc đến sau bầu cử.
- Bà Ford bị vạch rõ nói láo một chuyện: ban đầu, bà từ chối ra điều trần tại Hoa Thịnh Đốn, vịn lý do bà sợ đi máy bay và đòi FBI điều tra, y chang lập luận của khối DC, tìm cách câu giờ cho đến khi TNS Grassley cho tối hậu thư thì đành phải ra điều trần. Bà Mitchell chứng minh bà Ford đi máy bay rất thường xuyên, rất thích đi nghỉ hè tại Hawaii và du lịch thế giới. Khi chủ tịch Ủy Ban nhắc lại Thượng Viện sẵn sàng cử người đi San Francisco gặp bà để bà khỏi phải đi máy bay qua thủ đô, thì bà Ford nói bà “không hay biết” đề nghị này. Đề nghị này, cả nước biết vì báo đăng đầy rẫy (kể cả diễn đàn này), “không hay biết“ nghiã là sao?
- Bà Ford nói đi dự party tại một nhà gần một câu lạc bộ có hồ bơi, nơi bà đi lội trước khi đến dự party. Bà Mitchell đưa ra bản đồ cho thấy nhà bà Ford cách hồ bơi gần 9 miles, không thể đi bộ được. Bà Ford khi đó 15 tuổi, chưa được lái xe, tất nhiên có người chở đến và đưa về. Bà Ford không nhớ ai, và cũng chưa có một người nào nhận đã làm chuyện này. Party đó có 5 người tham dự theo bà Ford. Ngoài bà và ông Kavanaugh ra, cả 3 người kia đều ký giấy xác nhận không biết gì về cái party đó. Thế thì ai đưa bà về? Ý định của bà Mitchell: chứng minh cái party đó đã không xẩy ra, hay nếu xẩy ra thì bà Ford cũng đã không có mặt tại đó.
- Chuyện lạ: bà Ford khai bà lên lầu để đi vào nhà cầu trên lầu (căn nhà không có nhà cầu dưới nhà, gần phòng khách sao?), nhà cầu trên lầu ngay cạnh một phòng ngủ, bà bất ngờ bị xô vào phòng ngủ và đè ngay lên giường, bà đánh lộn, xô ông Kavanaugh ra, chạy ra khỏi phòng. Trong tình huống đó mà bà lại nhớ rõ căn phòng như thế nào, có bàn ghế tủ giường như thế nào theo lời khai của chính bà. Những chuyện lớn như nhà nào, của ai, bà đến và đi như thế nào,... thì lại không nhớ. Trí nhớ của bà Mỹ gọi là ‘selective memory’, trí nhớ có tuyển lựa.
(Những điểm trên, dĩ nhiên TTDC không nêu lên!)
SỰ THẬT
Toàn bộ câu chuyện bà Ford thấy rõ là chuyện bá láp, vô căn cứ, mà nếu ra trước tòa án thật, quan tòa sẽ bác bỏ ngay sau hai phút coi hồ sơ. Thế nhưng các nghị sĩ DC lại muốn bám vào để cản việc bổ phiệm một thẩm phán vào TCPV. Câu hỏi lớn dĩ nhiên là tại sao?
Ai cũng hiểu đây là một âm mưu lộ liễu của đảng DC để cản việc phê chuẩn TP Kavanaugh không hơn không kém.
Việc không có bằng chứng cụ thể và không có nhân chứng đã không cho phép khối DC thẳng thắn tố giác TP Kavanaugh, nhưng những tố cáo của bà Ford đã đủ là lý do để DC kiếm cách câu giờ, đòi điều tra một chuyện không thể điều tra. Chỉ với chủ đích là cố trì hoãn đến sau ngày bầu lại quốc hội, hy vọng DC chiếm được đa số tại Thượng Viện là coi như ông Kavanaugh tiêu tan hy vọng vào TCPV. Chẳng những vậy, mà TT Trump và khối CH cũng sẽ tiêu tan hy vọng bổ nhiệm bất cứ một thẩm phán bảo thủ nào khác vào TCPV.
Tại sao lại phải nghiến răng nghiến lợi, bất chấp mọi việc để cản TP Kavanaugh?
Thật ra đây không còn là việc cản cá nhân ông Kavanaugh nữa, mà cũng chẳng còn là chuyện phá TT Trump luôn. Vấn đề đi xa hơn hơn cá nhân hai vị này rất nhiều. Càng không phải là chuyện sex gì đó của mấy bà vô danh. Trên bàn cân là hướng đi của toàn bộ xã hội Mỹ trong cả một thế hệ tới.
Ta nhìn lại TCPV.
Tư pháp là nhánh thứ ba của cơ cấu chính quyền Mỹ, sau hành pháp và lập pháp, mà trong ngành tư pháp, TCPV là cơ quan có tiếng nói quyết định. Cho đến nay, ít người để ý đến vai trò của TCPV, nhưng trên thực tế TCPV nắm giữ vai trò then chốt hơn cả hai nhánh kia. Đây là nhánh có trách nhiệm ‘bảo vệ Hiến Pháp’ trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế, có quyền ‘diễn giải’ Hiến Pháp, nghiã là gián tiếp thay thế luôn cả Hiến Pháp, là nền tảng của thể chế chính trị Mỹ.
Từ trái qua phải:
- Hàng đứng: bà Elena Kagan (Obama); ông Samuel Alito (Bush con); bà Sonia Sotomayor (Obama); ông Neil Gorsuch (Trump).
- Hàng ngồi: bà Ruth Ginsburg (Clinton); ông Anthony Kennedy mới từ nhiệm (Reagan); chánh án TCPV John Roberts (Bush con); ông Clarence Thomas (Bush cha); ông Stephen Breyer (Clinton).
Điểm cực kỳ quan trọng của TCPV là nhân sự và quyết định của TCPV là chuyện vĩnh viễn. Các thẩm phán ngồi đó cho đến chết hay tự ý từ chức với lý do chính đáng. Các án quyết có giá trị hầu như vĩnh viễn, không ai thay đổi được, ngoại trừ chính TCPV. Trong khi nhân sự trong hành pháp và lập pháp đến rồi đi, có thể thay đổi vài năm một lần, và những quyết định của hành pháp và những luật của lập pháp cũng vậy, có thể thay đổi liên tục. Hơn thế nữa, TCPV cũng có quyền hủy bỏ các quyết định của hành pháp hay các luật của lập pháp, trong khi cả hành pháp lẫn lập pháp đều không thể đụng đến một án quyết của TCPV.
Trong cái nhìn đó, TCPV đóng vai trò cực kỳ quan trọng, như thuyền trưởng lái con tầu Cờ Hoa đi về hướng tả hay hữu. Hành pháp và lập pháp chỉ là thủy thủ đoàn.
Trước đây, TCPV có bốn vị bảo thủ, bốn vị cấp tiến và một vị... ‘trung dung’, là TP Kennedy. Một cách thật ngắn gọn và giản dị, ông Kennedy có khuynh hướng bảo thủ về các vấn đề chính trị và kinh tế như quyền mang vũ khí, quyền tự do gây quỹ tranh cử, quyền hạn của hành pháp,... nhưng lại thiên về cấp tiến trong các quyết định mang tính xã hội, như ủng hộ phá thai, hôn nhân đồng tính, trợ cấp,...
Khi TP Kennedy từ chức và ông Kavanaugh được bổ nhiệm thay thế thì phe cấp tiến hốt hoảng sợ những cải cách xã hội của các tổng thống cấp tiến từ thời TT Kennedy, qua thời các TT Johnson, Clinton và Obama sẽ bị thu hồi, nhất là luật cho phá thai tự do. Kinh hoàng hơn nữa cho phe DC là họ sẽ phải chịu đựng sự ‘thống trị’ của khuynh hướng bảo thủ, ngăn chặn bước tiến của ‘văn minh cấp tiến’ của họ trong hai ba chục năm nữa, tức là trong nguyên một thế hệ.
Đó là chưa nói đến việc trong ngắn hạn, TP Kavanaugh có thể là người sẽ cứu TT Trump nếu ông này bị thưa kiện ra trước TCPV vì bất cứ chuyện gì. TP Kavanaugh trước đây là phụ tá cho công tố Kenneth Starr truy tố TT Clinton. Nhưng sau đó, ông làm phụ tá cho TT Bush và thay đổi lập trường, cho rằng sau khi làm phụ tá cho TT Bsuh thì ông khám phá ra trách nhiệm khổng lồ của một tổng thống và sự nguy hại của việc truy tố một tổng thống đương nhiệm. Do đó, quan điểm hiện nay của TP Kavanaugh là không truy tố tổng thống khi còn tại chức, mà phải đợi sau khi mãn nhiệm muốn truy tố gì thì truy tố. Đây dĩ nhiên là chuyện phe DC không chấp nhận vì họ muốn đảo chánh TT Trump càng sớm càng tốt qua việc truy tố về một tội nào đó.
Vì hậu quả của việc bổ nhiệm ông Kavanaugh đối với họ quá lớn, quá tai hại, nên phe DC chấp nhận trả mọi giá để cản cho bằng được ông Kavanaugh. Đó chính là lý do tại sao bà Ford được lôi từ trong nhà kho của 35 năm trước, chùi rửa rồi mang ra trình làng. Cho dù không bằng chứng hay nhân chứng cũng không sao, vì đây không còn là chuyện pháp lý, phải chứng minh tội lỗi gì hết, mà là chuyện chính trị, đánh là đánh, không cần lý do hay lý luận.
Ai cũng thấy chuyện bà Ford là chuyện vớ vẩn. Cả phe DC cũng thấy vậy khi bà TNS Feinstein nhìn nhận không chắc bà Ford đã nói thật, nhưng đây là cách cuối cùng không còn cách nào khác để cản ông Kavanaugh cũng như để chiếm đa số tại Thượng Viện. Họ hy vọng việc này sẽ khích động cử tri phụ nữ trước ngày bầu cử, khiến các nghị sĩ CH rét, phải chịu thua.
Phe CH hiểu rất rõ vấn đề nên bằng mọi giá tìm cách phê chuẩn ông Kavanaugh trước bầu cử. Không ai biết chắc kết quả bầu cử, nếu CH mất Hạ Viện không sao, nhưng mất Thượng Viện thì sẽ là đại họa cho CH vì phe DC sẽ bác bất cứ ai được TT Trump đề cử vào TCPV (hay bất cứ chức vụ nào khác) để rồi tất cả các quyết định của các tòa phá án liên bang, phần lớn do quan tòa cấp tiến của các TT Clinton và Obama nắm, sẽ có hiệu lực (chuyện này đã bàn qua tuần rồi).
CH hiện chỉ có đa số đúng 1 phiếu tại Thượng Viện. Chỉ cần 2 nghị sĩ CH ‘đào ngũ’ là ông Kavanaugh sẽ không được phê chuẩn. Hiện chỉ còn ba nghị sĩ CH với quan điểm chưa rõ rệt, đòi FBI điều tra trước; bù lại, cũng có ít ra là 3 nghị sĩ DC có thể bỏ phiếu thuận.
Trong câu chuyện TP Kavanaugh, vấn đề xin lập lại để mọi người nhìn cho rõ: chẳng liên quan gì đến cá nhân ông Kavanaugh hay cá nhân TT Trump, càng không liên hệ đến chuyện sex hay bảo vệ phụ nữ hay gì gì khác. Quý bà trước khi la hoảng cần nhìn cho rõ họ đang bị lợi dụng làm vũ khí đánh nhau thôi. Tất cả chỉ vì mục tiêu của đảng DC và TTDC là bảo vệ ý thức hệ cấp tiến bằng cách cản việc ông Kavanaugh trở thành thẩm phán TCPV thôi. Cản việc nước Mỹ rẽ qua hướng bảo thủ. Do đó, tất cả những tranh cãi về thủ tục pháp lý và lý luận phải trái, bằng chứng hay nhân chứng, đều bằng thừa. Đối với phe DC, mục tiêu tối hậu biện minh cho mọi phương tiện. Chấm hết.
Tin giờ chót: Ủy Ban Tư Pháp đã biểu quyết khuyến cáo việc phê chuẩn TP Kavanaugh, theo đúng làn ranh đảng phái, 11 thuận, 10 chống. Tuy nhiên, Thượng Viện đã yêu cầu TT Trump ra lệnh cho FBI điều tra thêm, với thời hạn cuối nộp báo cáo là Thứ Sáu 5/10 để TV có thể biểu quyết Thứ Ba 9/10. Một lần nữa, phe CH tháo lui, nhượng bộ phe DC, để cho FBI điều tra trước khi biểu quyết.
Quý độc giả nào nghĩ sau khi FBI điều tra và bạch hóa ông Kavanaugh, phe DC sẽ vui vẻ chấp nhận, biểu quyết phê chuẩn ông Kavanaugh, xin cho biết danh tánh. Kẻ này sẽ trân trọng tặng giải thưởng “Người ngây ngô nhất thế giới”.
Vũ Linh