Ông còn nhắc nhở làm sao quên được những câu thơ của Tố Hữu, nhà thơ chính thức của Đảng đã viết vào năm 1953, khi Stalin chết.
“…Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người…”(Trích Tố Hữu, Đời đời nhớ Ông, Việt Bắc (1954))
Ông nhắc nhở là vào thời kỳ này, các thầy giáo còn dạy cho các học trò là chính nhờ Stalin mà các cháu có quần áo mặc cũng như đồ ăn. Và mặt các cháu sáng lên. Và chính Bùi Tín cũng nhìn nhận như sau,
“Je dois reconnaitre que je fus moi-même brisé de douleur lorsque j’appris sa mort.” (Tôi cũng phải nhìn nhận là chính tôi cảm thấy đau đớn khi nghe tin ông chết.)
(Bùi Tín, Ibid., trang 39)
Đọc đoạn trích dẫn trên, nhiều độc giả không khỏi ngạc nhiên với đôi chút ngỡ ngàng. Nhưng sự thật vào năm 1953 nó là như thế. Tác giả Trần Đĩnh trong cuốn sách Đèn Cù của ông có dịp viết lại là Tố Hữu với bài thơ Khóc Stalin. Tố Hữu đã bước lên sân khấu, để bức ảnh Stalin, đứng hồi lâu rồi bật khóc. Đó là cái khóc thật với sự đau đớn thật, của Bùi Tín cũng như của Tố Hữu khi Stalin chết; không phải họ đóng kịch.
Trần Đĩnh còn cho biết không phải chỉ mình Tố Hữu khóc mà chính HCM cũng khóc thật. Trong buổi lễ tưởng niệm, ngồi một hồi lâu thì HCM đứng lên vào một phòng. Trần Đỉnh thấy ông để quên bao thuốc lá nên vội mang vào phòng. Cảnh tượng mà Trần Đĩnh chứng kiến là cảnh HCM gục đầu khóc, mắt đỏ hoe, khóc thảm thiết.
Cho nên cái lòng trung của ông Hồ đối với Mao Trạch Đông và nhất là Stalin là quá rõ ràng, là vô bờ bến. Nhưng cũng vì thế, lòng trung đối với dân lại giảm đi.
Sự bưng bít đến tuyệt đối nên dưới mắt người dân, Stalin như một Đấng Cứu Thế tưởng cũng không có gì lạ. Và chúng ta sẽ hiểu được, tại sao dân Bắc Hàn đã khóc như cha chết, mẹ chết khi lãnh tụ của họ qua đời.
Nghĩ như thế mà chia sẻ được những giọt nước mắt của Bùi Tín khóc Stalin. Nhưng mặt khác nó để lộ ra cho thấy chế độ ấy đã bưng bít đến không có một thông tin nào khác, ngoài những thông tin đã được nhà nước loan tải.
Còn về Võ Nguyên Giáp, đây là những lời xưng tụng của Bùi Tín,
“Tướng Giáp là người đã đào tạo ra cả một thế hệ những sĩ quan trẻ. Ông dạy cho họ làm việc cực nhọc và làm gương cho họ một cuộc sống đơn giản và lương thiện.”
(Bùi Tín, Ibib., trang 40)
Ông cũng cho rằng thành quả chiến thắng trong chiến tranh làm do những chọn lựa chính trị đứng đắn và mở các cuộc hành quân với tư cách một bộ trưởng bộ Quốc Phòng và của vị tướng chỉ huy quân đội. Đó là hai vai trò thiết yếu đưa đến thành công. Ở đây, ông luôn luôn dùng chữ “chúng tôi” theo nghĩa ông là người trong cuộc.
Ông Bùi Tín có trích dẫn một câu chuyện sau đây và càng cho thấy tại sao ông quý mến tướng Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện được kể khi tướng Giáp vào thăm Dinh Độc Lập. Một sĩ quan vào trình với tướng Giáp là đã thu được một chiếc đàn Piano của địch và họ đã gửi ngay chiếc đàn đó đến tư dinh tướng Giáp ở Hà Nội. Ông Bùi Tín kể rằng, chưa bao giờ ông thấy tướng Giáp nổi giận đến như thế, mắt trợn trừng cho rằng không thể chấp nhận được món bổng lộc ấy. Nếu ông nhận thì tất cả những binh lính tham chiến họ sẽ chờ đợi để nhận được cái gì.
Bùi Tín kết luận “ Sau khi câu chuyện ở trên xảy ra, tôi càng kính trọng tướng Giáp hơn nữa.” (Bùi Tín, Ibid., trang 129)
Ông cũng dành ít trang để nói về ông Thủ tướng PhạmVăn Đồng theo cách của ông. Xin tóm tắt trong vài dòng. Đối với Bùi Tín thì:
“Phạm Văn Đồng như nhiều cấp lãnh đạo khác được ông kính nể từ lâu rồi. Đó là môt con người có văn hóa và có một đời sống giản dị và gương mẫu. Ngoài chuyện đi ăn với vợ một tuần một lần vào thứ bảy trong tuần. Thì giờ còn lại, ông sống một mình. Ông ngồi làm việc, nghe đài phát thanh và đọc rất nhiều sách. Ông cũng thường đi dạo nhiều cả buổi sáng lẫn buổi chiều. Người con trai là nguồn an ủi duy nhất của ông.
Phạm Văn Đồng quả là một người trí thức và một nhà tư tưởng. Ông tận trung với đất nước và nói với một giọng điệu đây xúc cảm.”
(Bùi Tín, Ibid., trang 115-117.)
Ông Phạm văn Đồng là một vị Thủ tưởng lâu đời nhất. Nhưng ông không có quyền hành gì, ngay cả việc chọn lựa các bộ trưởng cũng như kế hoạch đều do ở trên quyết định cả. Nói đúng ra, ông cũng chỉ là một thứ bù nhìn. Trong một lần ông đã đã phát biểu:
“Tôi không thể làm gì được. Khi tôi nói điều gì thì chẳng một ai thèm nghe. Nếu tôi đề nghị một phó thủ tướng thì điều đó thật sự không xảy ra. Tôi cũng chẳng thể tự mình chọn lấy các bộ trưởng. Mọi quyết định đúng ra đều xuất phát từ Trung ương Đảng chứ không phải từ quyết định của văn phòng Thủ tướng.”
(Bùi Tín, Ibid., trang 118.)
Bằng chứng rõ ràng là khi viên thư ký riêng của ông Phạm văn Đồng, ông Việt Phương bị bắt về vụ án xét lại để điều tra. Ông Đồng hoàn toàn giữ im lặng.
Nhưng dưới mắt một người dân thường như tôi thì ở cấp chính quyền, người ta cần một thủ tướng lãnh đạo hay một người có văn hóa cao?
Chính vì vậy, người ta mới hiểu tại sao ông Phạm văn Đồng ngồi cái ghế Thủ tướng lâu đến như vậy.
Phần dành cho Lê Duẩn đã được ông Bùi Tín bơi móc khá kỹ trong chương VII. Rénovation (Đổi Mới) Lê Duẩn có bao nhiêu căn nhà ở Hà Nội và những nơi khác. Nhưng câu chuyện mà ai ở Hà Nội cũng có nghe là vào năm 1985 Khi Lê Duẩn từ Moskva trở về Việt Nam. Tiếng là đi thăm viếng nước bạn, nhưng việc chính là đi du lịch và chữa bệnh. Đoàn tùy tùng của Lê Duẩn gồm 12 người thân cận và 16 phụ tá đi cùng Lê Duẩn. Ở phi trường Moskva, đoàn đã chở theo ba xe vận tải chở đồ cộng chung là 6 tấn thay vì 60 kí lô cho mỗi hành khách. Nước Nga đang trong thời kỳ đổi mới. Họ đã dạy cho Việt Nammột bài học. Họ đã cấm không cho phi cơ chở ông Tổng Bí Thư nước bạn được cất cánh vì lý do an ninh. Họ thừa biết trong đống hành lý 6 tấn gồm nhiều dụng cụ máy móc như máy bơm nước, máy may, bàn ủi, thuốc men, nhất là thuốc lá của Tây Âu. Đó là một cuộc chở hàng lậu để khỏi trả thuế và sẽ được tuồn về tiêu thụ ở Việt Nam. Cuối cùng thì máy bay chở Tổng Bí Thư Lê Duẩn đã phải cất cánh trễ. Số hàng hóa được dỡ bỏ lại và chuyên chở bằng đường biển qua các hải cảng như Vladivostok hay Odessa. (Bùi Tín, Ibid., tóm tắt trang 256)
Câu chuyện những valise ngoại giao chở hàng lậu không lấy gì làm lạ. Trong một lần kiểm soát ở phi trường Moskva, người ta đã tìm thấy 8000 chiếc quần Jeans và 2000 chiếc đồng hồ.
Phần còn lại của cuốn sách là nói về cuộc chiến trước 1975 cũng như việc xâm chiếm Cam Bốt. Ba nhân vật bị ông lên án nặng nề là ông Nguyễn Văn Linh, ông Lê Đức Thọ và Lê Duẩn.
Đôi dòng kết luận
Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel by Bui Tin, Do Van (Translator), Judith A. Stowe (Translator), Carlyle A. Thayer (Contributor) – Hình giữa hai trang 52-53
Theo tôi, muốn hiểu rõ con người thật của Bùi Tín, có lẽ cần tìm đọc cuốn “Theo chân Bác” [Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel by Bui Tin, Do Van (Translator), Judith A. Stowe (Translator), Carlyle A. Thayer (Contributor)].
Trong cuốn này, ông bộc lộ chân thực tấm lòng của ông mà theo đó cả đại gia đình ông, thuộc giới quan lại, khác biệt ý thức hệ với cộng sản, đã đồng lòng theo chân bước đường làm cách mạng của ông Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ một sự tự hào không dấu diếm về điều ấy. Ông dành một địa vị không ai có được, coi ông Hồ như người anh hùng, đưa đến kết quả dành được độc lập với những người phụ tá sát cánh với ông như thủ tướng Phạm Văn Đồng, tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó hầu như là một khẳng định không cần bàn cãi nữa. Tôi nghĩ ông đã bị nhồi sọ kỹ lắm đến gần như khờ khạo mới có thể tin tưởng rằng ông Hồ Chí Minh đã tin dùng Ông Bùi Bằng Đoàn trong chức vụ Thanh Tra đặc biệt? Đối với một vị vốn là Thượng Thư trong Triều đình An Nam trước đây nay được cho làm một chức vụ vô thưởng vô phạt thì có điều gì phải hãnh diện?
Ai cũng hiểu rằng vào thời kỳ đó, do áp lực mạnh của các đảng phái, Hồ Chí Minh đã phải cho thành lập chính phủ Liên Hiệp đồng thời để dành 70 ghế trong Quốc Hội cho các lãnh tụ của đảng phái quốc gia, trong đó Việt Nam Quốc Dân Đảng được 50 ghế và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, 20 ghế. Ngoài ra trong chính phủ Liên Hiệp thì ông Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch, ông Huỳnh Thúc Kháng coi bộ Nội Vụ. Nguyễn Tường Tam coi về Ngoại giao, Nghiêm Kế Tổ, Thứ trưởng Ngoại giao. Bảo Đại, cố Vấn, Gm Lê Hữu Từ cố vấn. (Xem thêm Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam Máu Lửa, trang 51-53)
Lẽ dĩ nhiên, ai cũng hiểu đây là những chức vụ chỉ có cái tên, còn mọi sự điều hành và quyết định đều do cán bộ cộng sản quyết định.
Và trong những chức vụ quan trọng ấy, chức vụ nào được dành cho ông Bùi Bằng Đoàn? Theo HCM lên Việt Bắc, có công trạng gì mà được
Hồ Chí Minh định cho quốc táng và được chôn ở Nghĩa trang Mai Dịch?
Tôi nghĩ, mối liên hệ cha-con đã khiến ông Bùi Tín thổi phồng, phóng đại vai trò của cha ông một cách không thực!
Tôi miễn cưỡng phải viết bài này, viết về một người đã chết là do sự cẩu thả một cách ngu ngơ của giới truyền thông hải ngoại nói chung, ca ngợi người chết thì nhiều nhưng không một ai biết để cho thấy rõ về sự có mặt của hai cuốn, “Theo chân Bác” (Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel) và “Bộ Mặt thật của chế độ” (Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime).
Tôi cũng có cảm tưởng là tác giả đã tỏ ra không trung thực. Ông viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết là để làm vừa lòng người Việt |Nam hải ngoại chăng? Nhưng nguyên nhân nào bắt buộc ông phải viết “Following Ho Chi Minh: The Memoirs of a North Vietnamese Colonel” (Theo Chân Bác) và coi đó chỉ là bản dịch từ Hoa Xuyên Tuyết? Tại sao “Theo chân Bác” không là một tác phẩm khác của tác giả, và chỉ viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp (Vietnam, 1945-1999. La face cachée du régime)?
Vai trò và trách nhiệm của hai “người dịch” sang tiếng Anh, ông Đỗ Văn và bà Judy Stowe — Chẳng lẽ khi dịch, cả hai không biết thực sự nội dung khác nhau giữa “Hoa Xuyên Tuyết” và “Theo chân Bác”?
Ai có thể trả lời cho nghi vấn này? Người còn lại duy nhất là ông Đỗ Văn? Người viết hy vọng là bài này tới tay ông Đỗ Văn vì bà Judy Stowe đã qua đời từ 13 tháng 9, 2007 ở London. Hy vọng được ông trả lời thắc mắc với tất cả bạn đọc. Có thật sự ông là người dịch Hoa Xuyên Tuyết ra tiếng Anh cùng với bà Judy Stowe không? Đâu là bản dịch chính thức của Hoa Xuyên Tuyết.
Người viết mong nhận được câu trả lời đồng thời làm sáng tỏ một nghi vấn mang tính toa rập, đống lõa, che dấu nếu không được giải thích rõ ràng.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline