Mạn đàm với Vĩnh Phúc:
Huyền Thoại & Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm (IV)
VP: Cám ơn hảo ý của ông trong những nhận xét về các nhân vật được phỏng vấn, ông đã nói trúng ý tôi. Riêng cụ Đoàn Thêm tôi đã cố thử xin phỏng vấn nhưng khó lắm, vì cụ dè dặt. Nay rất tiếc cụ đã qua đời. Bây giờ xin trưng dẫn ý kiến của ba người đó.
Ông Cao Xuân Vỹ: “Việc tấn công chùa là do đề nghị của các tướng. Ông Nhu nói với tôi thế này: Phải giải quyết vụ Phật giáo cho xong, không thì anh em binh sĩ ngoài tiền tuyến không an tâm. Sau đó, tôi có hỏi các tướng, các ông chối hết. Nhưng mấy anh em ấy họp nói rằng, chính Tôn Thất Đính chủ trì phiên họp. Nhưng đứng ra hành động là Lực lượng đặc biệt và Cảnh sát.”
Ông Cao Xuân Vỹ cũng có mặt ở chùa Xá Lợi, lúc chùa bị tấn công. Chắc hẳn những điều ông nói là đúng.
Cụ Quách Tòng Đức: Có lẽ với vai trò của cụ là Đổng lý văn phòng phủ Tổng thống, cụ cũng có thể biết được tường tận vụ khủng hoảng Phật giáo. Nhà cụ lại ở ngay cạnh chùa Xá Lợi nên cũng thấy cuộc tấn công chùa. Đây là những câu tôi hỏi cụ:
- “Có đàn áp Phật giáo hay không?”
- “Không có đàn áp Phật giáo. Chính phủ giúp xây chùa Xá Lợi và nhiều chùa khác. Ông Diệm vốn biết nhược điểm của mình là người Thiên Chúa, ông cố giữ quân bình.”
- “Ai ra lệnh tấn công chùa?”
- “Lúc đó ra lệnh miệng thôi à. Tấn công chùa là Cảnh sát, không phải quân đội. Tôi ở ngay bên, các chùa cũng để loa rầm rộ lắm. Nghe họ hô những khẩu hiệu ghê lắm. Xem thường chính phủ lắm.”
- “Có vài tướng đề nghị đánh chùa?”
- “Chắc là các tướng như tướng Đính có ý kiến đánh vào các chùa. Tôi thấy khi có vụ Phật giáo rồi, cụ Diệm buồn. Tôi đoán thấy ông hơi chán nản. Phật giáo làm quá rồi, ổng không muốn làm việc nữa. Một số công việc tôi trình lên. Ổng nói đưa cho ông Nhu. Tôi không thấy ông Nhu có tham vọng thay ông Diệm. Không thấy gì”.
Hòa Thượng Tâm Châu: Theo Ông Cao Xuân Vỹ: “Ông Tâm Châu không biết gì cả, vừa là nạn nhân, vừa là anh hùng.” Tôi đã hỏi Hòa thượng Tâm Châu như sau:
– Theo Hòa Thượng, Tổng thống Diệm và ông Nhu có kỳ thị Phật giáo không?
– Thực ra đối với TT Diệm khi đó tôi có gặp thì biết. Ngài là người nho học. Ngài có tinh thần dân chủ hơn. Còn vấn đề kỳ thị, thì tôi không dám nói có hay không có. Chắc chắn thì tôi nói thẳng thắn ở cấp trên thì đương nhiên hiểu biết rộng hơn cấp thừa hành dưới, hoặc là chẳng hạn bị ảnh hưởng của Tổng giám mục Ngô Đình Thục là người vẫn muốn làm sao tôn giáo mình phát triển, nên tìm phương thức... Có thể người dưới làm những cái nó sinh ra chuyện không tốt. Tôi tin tưởng là cấp trên không đến nỗi nào.
– Hồi đó sự phát triển Phật giáo nói chung, mà điển hình là sự phát triển các chùa chiền, có gì trở ngại không?
– Thực ra không có gì trở ngại. Nó chỉ có vấn đề trong sự bình thường chỗ nào làm chùa mà xin phép thì được xét thôi. Chung chung không có gì cả.
– Không bị trở ngại?
– Chỗ nào thì tôi không biết chứ trong Sàigòn thì tôi không thấy.Tôi thực sự không thấy.
– Hôm cảnh sát tấn công chùa, Thầy đang ở đâu?
– Tôi đang ở chùa Xá Lợi. Tôi cũng bị bắt, bị giam, nhưng không biết là giam ở đâu. Giam cho đến ngày 2/11/1963 mới được về.
– Thầy có bị hành hung không?
– Đánh đập thì không có.
TT Thích Tâm Châu: Tôi không bao giờ có,
tôi chống Cộng từ Bắc.
Nguồn: sc.groups.msn.com
– Phong trào tranh đấu Phật giáo có bị ảnh hưởng của Cộng Sản không?
– Dạ không. Không có. Ở miền Trung thì tôi không biết, nhưng trong Nam thì tôi không thấy có vấn đề Cộng sản. Về sau mới có chứ lúc ấy không có gì.
– Riêng thầy, Cộng sản có cho người liên lạc không?
– Tôi không bao giờ có, tôi chống Cộng từ Bắc.
– Thầy nghĩ sao về thầy Trí Quang? Người ta nói thầy Trí Quang thiên Cộng?
— Tôi không được gặp thầy Trí Quang nhiều. Ngài ở ngoài Trung. Chỉ nói thẳng thắn cái cao vọng của cụ ấy nặng hơn, chứ còn Cộng sản thì không biết sao cả.
Cần nói thêm là ngoài một số viên chức chính phủ làm bậy để lấy điểm, còn một số cha di cư lợi dụng tên tuổi ông Diệm để trục lợi.
NVL: Có thể ông cho biết một vài trường hợp cụ thể.
VP: Thì như ông Cha Khai, đi đâu cũng lấy danh nghĩa người của Tổng Thống . Ông Diệm đã gọi vào và từ đấy, ông không còn được héo lánh đến dinh Độc Lập như trước nữa.
NVL: Còn một người nữa không thể không nói đến. Bà Ngô Đình Nhu. Nếu Thượng Tọa Trí Quang có thể làm rung chuyển nước Mỹ thì Bà Nhu có thể làm lung lay chế độ? Ông đồng ý chứ?
VP: Đồng ý một nửa. Câu hỏi của ông có tính gài bẫy, trả lời cũng chết, không trả lời cũng chết.
NVL: Tôi có cảm tưởng ông có vẻ ghét, khinh thường bà Nhu về những ngôn ngữ, cử chỉ xấc xược của bà ấy. Mặt khác, tôi lại có cảm tưởng ông biện hộ, bênh vực bà ấy. Chẳng hạn, trong sách ông cố tình chứng minh rằng bà ấy không kinh tài, không tham nhũng, hối lộ? Điều đó có mâu thuẫn không?
VP: Không có gì là mâu thuẫn cả. Ghét là một chuyện. Ghét tính nết, không ưa. Nhưng ông cho phép tôi dùng lại chữ của ông đã dùng, tôi phảicông bằng với bà ấy. Theo tôi, bà là nạn nhân bị bôi nhọ một cách thô bỉ nhất thời ông Diệm.
NVL: Xin cho vài tỉ dụ cụ thể.
VP: Nó hạ cấp đến chả muốn nói ra đây như ghế khoái lạc, phòng bà Nhu bốn phía lắp gương, ngủ với ông Diệm, giữa thanh thiên bạch nhật ngồi trên lòng ông Diệm, ỏn ẻn bá vai bá cổ.
NVL: Tôi nghĩ rằng, đối với Hà Nội khi họ bôi bẩn bà Nhu, nó không còn chỉ nhằm vào cá nhân bà Nhu và chế độ ấy nữa, nó vượt lên trên những bôi nhọ cá nhân. Nó trở thành chính sách, đường lối của nhà cầm quyền Hà Nội bấy giờ nhằm bôi xấu miền Nam.
Họ dùng những sách báo bôi bẩn chế độ miền Nam để tuyên truyền chống lại miền Nam. Miền Nam đã để sơ hở về điều này. Ở miền Nam thì Cộng sản khuynh đảo, thổi phồng bịa đặt để gây rối loạn. Ở ngoài Bắc thì ngược lại bưng bít, ém nhẹm và xuyên tạc miền Nam.
Điều đó cho thấy Cộng Sản chỉ có thể tồn tại bằng sự che đậy, gian trá và lừa đảo.
Đồng thời, nó cảnh báo chúng ta phải cảnh giác một số những cây viết ngoài nước, một số diễn đàn điện tử đang tuyên truyền cổ võ làm tay sai cho Cộng Sản.
Tôi cũng xin được phép bạch hóa một vài tác giả mà ông vẫn muốn né tránh, không tiện hài tên họ ra. Đã đến cái thời điểm phải đưa tên họ ra rồi. Đó là những tác giả như ông Mặc Thu, Lê Trọng Văn (cán bộ Cộng Sản), Nguyễn Đắc Xuân (cán bộ Cộng sản), Hoàng Trọng Miên. (Học giả thiệt trong việc đạo văn cuốn sách của Nguyễn Đổng Chi ngoài Bắc vào năm 1955-1956)
VP: Trước đây, tôi đã không thể nào mường tượng nổi ảnh hưởng tai hại của những cuốn sách do họ viết. Bởi vì, miền Nam có tự do viết, ngay cả bôi nhọ. Người đọc tự mình phải biết chọn lựa đọc và chọn thế đứng của mình.
Nhưng nay thì tôi đau sót nhìn nhận rằng, ảnh hưởng đó xâm nhập vào tim óc, lục phủ ngũ tạng của một số người một cách vô thức rồi. Chẳng hạn, sau biến cố 1/11/63, đợi đến năm 1964, chính quyền của mấy ông Tướng đã mang trưng bầy tại phòng Thông Tin Đô Thành một chiếc ghế được mênh danh là Ghế Khoái Lạc, biểu tượng sự sạ đọa của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mà thực ra đó chỉ là cái ghế của thợ uốn tóc, có thể bấm cho lên xuống, ngả ra, xoay qua xoay lại, mà bà Nhu cho đem vào dinh Độc lập, vì bà không muốn ra ngoài làm tóc. Không biết khi bà Nhu ngồi trên ghế đó thì có cảm giác khoái lạc như có sóng trong bụng em không? Và cũng không biết rằng có ai đó, một phụ nữ, bất kể là ai đã ngồi thử để biết thực hư thế nào? “Ghế khoái lạc” thì có. Bà Nhu đã ngồi, đã “khoái lạc”. Chỉ rất tiếc sau đó đã không ai ngồi thử để minh chứng cho lời cáo buộc bà Nhu là sự thật?
NVL: Nhưng điều chắc chắn là nó thỏa mãn và đem lại sảng khoái cho hàng ngàn, hàng vạn người đọc cuốn sách Đệ Nhất phu nhân của Hoàng Trọng Miên mà trong thư viện Việt Nam chỗ tôi ở cũng bày ra vài cuốn.
Đến lượt ông Nguyễn Đắc Xuân viết một bài đăng trên Giao Điểm, theo ông Nguyễn Đắc Xuân, phái đoàn sinh viên của ông được các sĩ quan hướng dẫn cho biết, muốn vào phòng bà Nhu bắt buộc đi qua phòng ông Diệm. Ở đây ám chỉ sự thông đồng giữa bà Nhu và ông Diệm. Trong phòng bà Nhu thì chung quanh đều có lát gương bốn phía và được giải thích công dụng của chúng để làm gì? Một ám chỉ rất vô giáo dục?
Nguyễn Đắc Xuân, cán bộ cộng sản với cái tâm lụi xụi
Nguồn: toquoc.gov.vn
VP: Tôi nghĩ, một cái dinh của một Tổng Thống không thể lụi xụi, phòng nọ sát phòng kia như cái tâm lụi xụi của Nguyễn Đắc Xuân được. Không biết dinh Gia Long thế nào, cho dù nó bằng nửa dinh Độc Lập đi, tôi xin mạn phép nói về sự bài trí trong dinh Độc Lập để độc giả tiện so sánh.
Theo cụ Quách Tòng Đức, dinh Độc Lập có hai tầng, tầng dưới có hai phòng khánh tiết tráng lệ và có văn phòng cố vấn Ngô Đình Nhu, văn phòng Bộ trưởng phủ tổng thống, văn phòng đổng lý, văn phòng Tổng thơ ký phủ tổng thống và nhân viên. Tầng trên chia ra ba phần: phần giữa là hai phòng khánh tiết lớn, phía trái của hai phòng khánh tiết dành làm văn phòng và phòng ngủ của tổng thống, rồi phòng sĩ quan tùy viên. Phòng tổng thống Diệm trang trí sơ sài với cái giường nhỏ bằng gỗ, một bàn tròn và ba ghế da. Nơi đây, ông Diệm thường dùng cơm và tiếp bộ trưởng, tướng lãnh. Phía phải phòng khánh tiết là nơi cư ngụ của gia đình bà Nhu. Sự bài trí như thế có quy củ, có sự trang trọng đúng cáiprotocole của một dinh tổng thống. Có lẽ nào nó lùi xùi, lẹo tẹo, phòng bà Nhu dính sát phòng ông Diệm?
Phải khinh mình và khinh người đọc lắm mới dám viết như vậy.
Tôi nghĩ thêm rằng, trong đám sinh viên hơn hai chục người còn lại, rất có thể có những người khác đọc bài này sẽ không ngần ngại lên tiếng. Tôi hy vọng là như thế? Có gì ghê gớm lắm đâu? Nếu quả thực bà Nhu là như thế thì bà chỉ là một thứ đàn bà dâm đãng? Trong thiên hạ, thiếu gì những người đàn bà như thế? Nếu có cũng chỉ là chuyện bình thường. Còn nếu quả thực bà không như thế thì những người còn có chút công tâm cần trả lại danh dự cho bà. Vả lại, một người không cần thông minh cũng có thể thấy rằng nếu là người dâm đãng thì bà Nhu phải tìm những người đàn ông khoẻ mạnh, đẹp trai, có vô số trong hàng sĩ quan hay công chức cao cấp. Cớ gì bà lại chọn ông anh chồng gần như một nhà tu, lùn tì, bụng phệ, buổi sáng chỉ thích ăn điểm tâm cháo trắng với cá kho?
NVL: Việc ông Nguyễn Đắc Xuân viết chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng nó trở thành đại sự khi mới đây, tôi sửng sốt đến sợ hãi qua bài viết ngắn của ông Bùi Tín: Kết thúc cuộc đối thoại vô bổ, đăng trên Talawas, ra ngày 3/1/2007 và lá thư của ông Nguyễn Trung Lương, cũng trên Talawas, đề ngày 10/1/97.
Chỉ trong vài dòng của ông Bùi Tín, tôi khám phá ra được sự tàn bạo, sự đê tiện, sự khốn nạn và bất hạnh cho những ai phải sống trong chế độ Cộng sản. Ông Bùi Tín viết như thế này: “Tôi đã tìm hiểu và suy nghĩ rất kỹ... Không có chuyện ông Diệm tằng tịu với bà Lệ Xuân, ông Diệm không có vợ thật sự cũng không có con riêng, con hoang ...”
VP: Theo tôi, phải chăng kể từ cuối những năm 1950, ông Bùi Tín cũng như nhiều người khác ngoài Bắc đều tin là thật chuyện hủ hóa của bà Nhu với ông Diệm? Và ông Bùi Tín phải mất nhiều năm tháng, nhiều ám ảnh mới truy ra điều vu cáo ông Diệm là chuyện gian dối? Thì ra, trong suốt những năm tháng ấy, ông tin chuyện ông Diệm tằng tịu với bà em dâu là có thật?
NVL: Tôi tự hỏi đã có bao nhiêu người được như ông Bùi Tín, còn biết tra vấn, cất công tìm hiểu và sau đó có cái may mắn để truy tìm ra được sự thật? Trong khi đó, người trong Nam chỉ coi truyện đó như loại chuyện tiếu lâm tào lao xích đế?
Phải chăng người dân miền Bắc đã bị nhiễm độc, tuyên truyền đến nỗi có thể tin được một câu chuyện như thế?
VP: Tôi có đọc lá thư của ông Nguyễn Trung Lương gửi cho ông Bùi Tín. Ông Lương cho biết, vào cuối những năm 50, khi còn ngồi ghế nhà trường Hà Nội, ông đã nghe và tin chắc thế: Ông Diệm ngủ với bà Nhu. Ông Lương còn cho biết thêm Hoài Thanh đã có lần tiết lộ bà Thụy An, dính líu đến Nhân Văn giai phẩm (NVGP), thường ăn chơi với bọn trong Ủy Ban kiểm soát đình chiến như bọn Gia Nã Đại và bọn NVGP đã dùng Thụy An làm Mỹ nhân kế với những văn nghệ sĩ trẻ dại dột như Phùng Quán, Lê Đạt ... Hiện nay, ông Lê Đạt hay có mặt ở tòa báo Tia Sáng của Văn Thành chắc có thể lên tiếng cải chính?
Câu chuyện về những hệ thống tuyên truyền rỉ tai, đầu độc dư luân, ngụy tạo, chụp mũ, bôi bẩn của chính quyền Cộng Sản còn tinh vi hơn thế nữa: đến cái độ mà người dân mất cảnh giác đến không phân biệt đâu là thật, đâu là giả nữa
NVL: Nay đã đến lúc chúng ta phải tạm ngưng hai buổi trọn mạn đàm với ông. Tôi phải thú thực là trong suốt hai buổi mạn đàm đó, chúng ta có dịp trao đổi nhiều điều bổ ích. Còn quá nhiều chi tiết mặc dầu tôi đã thu vào băng, tôi cũng không tiện ghi hết ra đây. Có một số điều tôi đã ghi chú riêng về cảm tưởng của tôi về buổi mạn đàm này, tôi đã nói ở phần đầu xin khai triển thêm, xin được thưa với ông:
Thái độ lương thiện trí thức của một người cầm bút như ông với cuốn sách này: Cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm sẽ giúp bạch hóa một số điều đã bị ngộ nhận theo tin đồn hoặc theo những luận điệu bôi bẩn, chụp mũ của một số người. Chẳng hạn hai ông Diệm Nhu không kỳ thị tôn giáo, không đàn áp, giết, hay giam cầm hằng vạn người đối lập. Ông Nhu không hút thuốc phiện. Ông Diệm không ăn cắp nghiên mực của vua Tự Đức theo lời tố cáo của Nguyễn Đắc Xuân. Nhất là ông Diệm không có chính sách đàn áp, giết hại người Phật Tử như biến cố Đài phát thanh. Và theo như lời nhận xét của ông Tuyến: “Mọi chuyện diễn ra như một định mệnh đã được an bài”. Bà Nhu không kinh tài, không có tiền gửi nhà băng trên thế giới. Ông Nhu cho đến lúc chết, không ai có thể nói ông có đồng xu nào? Có ai có thể cho biết ông Nhu có bao nhiêu tiền?
Cuốn sách của ông tóm tắt lại bao gồm rất nhiều chữ KHÔNG. Mỗi trang sách là một chữ không. Mỗi vấn đề được nêu ra là một chữ Không.Tôi chưa từng đọc cuốn sách nào nhiều chữ không như thế. Lòng can đảm và sự trung thực. Đó là hai giá trị tiêu biểu nhất của cuốn sách này. Cuốn sách của ông sau này sẽ là tài liệu tham khảo cho bất cứ ai muốn biết một số sự thật và một số sự không thật về chế Ngô Đình Diệm. Mong là cuốn sách sẽ được nhiều bạn đọc để biết sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm.
Đặc biệt nhất là giới trẻ sau này.
Mộ Tướng Trình Minh Thế tại núi Bà Đen (Tây Ninh)
trước khi bị csvn phá huỷ
Nguồn: Ảnh gia đình Trình Minh Sơn
Chỉ còn lại một vấn đề tồn nghi: Về cái chết của Tướng Trình Minh Thế. Theo tôi thì có hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất là Tướng Trình Minh Thế bị giết hay bị ám sát? Vấn đề thứ hai là ai là kẻ sát nhân hay ra là ra lệnh cho kẻ khác giết? Có hai giả thuyết:
– Vấn đề bị giết hay ám sát: theo tôi, xác chết bao giờ cũng là nhân chứng cuối cùng và đáng tin cậy nhất. Theo bà Kim, phu nhân tướng Thế thì đã có HAI viên đạn bắn rất gần, còn để lại ám khói trên vết thương. Có nghĩa là tướng Thế bị ám sát chứ không phải bị bắn chết. Một giả thuyết thứ hai của ông Nhị Lang và của viên sĩ quan tình báo Savani, trước khi chết Savani thú nhận người của Pháp giết với chỉ MỘT viên đạn. Với một viên đạn thì có thể là bị bắn chết nhưng không phải bị ám sát.
Về vấn đề này, nếu tin vào lời xác nhận của bà Kim thì quả thật tướng Thế đã bị ám sát chết, không thể là bị giết như lời chứng của ông Nhị Lang.
– Vấn đề ai ám sát: Nhưng ai ám sát hay ra lệnh ám sát tướng Thế? Ai giết thì chính bà Kim không chắc, chỉ giả định có thể là bị giết trong dinh độc lập khi họp với ông Ngô Đình Nhu. Riêng Lê Trọng Văn mạo nhận là mật vụ của Ngô Đình Nhu và xác nhận ông Nhu đã giao cho đại tá Văn Thành Cao, tư lệnh phó Cao Đài và đại úy Tạ Thành Long, tùy viên của tướng Thế để giết tướng Thế. Ông Tuyến cho biết nếu là mật vụ thì ông phải biết và phủ nhận không có một ai tên Lê Trọng Văn trong đám bộ hạ của ông. Vậy những điều gì Lê trọng Văn xác nhận không đáng tin cậy, phải gạt bỏ.
– Vì giả thuyết cho rằng chỉ có một viên đạn nên ông Nhị Lang và cả ông Tú Gàn trong bài: Sự kiện mới đều cho người bắn là có thể từ dưới sông bắn lên và gián tiếp gạt bỏ giả thuyết của bà Kim cho rằng chồng bà bị giết trong dinh Độc lập.
Qua trình bày trên, nếu tin vào lời bà Kim hơn những người ngoài gia đình tôi có thể đi đến kết luận là tướng Thế bị ám sát, không phải bị giết, nhưng ai giết thì chưa biết rõ chắc chắn, tất cả chỉ là giả thuyết thôi. Không một ai trong những nhân chứng ở trên có thể quyết chắc ai chính là thủ phạm giết tướng Thế.
Nên nhớ rằng ngay cái chết của hai anh em nhà Kennedy, biết rõ ràng là hai vụ ám sát mà cho đến nay vẫn chưa có cơ hội tìm ra thủ phạm giết hai người họ. Chúng ta căn cứ vào cái gì để có thể hơn những cuộc điều tra riết ráo của Mỹ?
Trong trường hợp VN, thiếu hẳn cơ quan điều tra ngay trong thời kỳ đó, việc xác định không phải là dễ và rất có cơ nguy không bao giờ tìm ra thủ phạm.
Xin nói thêm việc ông Tú gàn (Lữ Giang) viết như sau:
Từ ngày tướng Thế bị tử trận đến ngày qua Mỹ, gia đình tướng Thế không bao giờ nêu ra một nghi vấn nào về cái chết đó. Nhưng kể từ ngày Lê Trọng Văn qua Canada, tìm đến gặp gia đình bà Trình Minh Thế “thầy dùi”, nghi vấn mới bắt đầu được đưa ra.
Về điều quả quyết này, căn cứ vào đâu, ông Tú Gàn có thể xác quyết như thế? Con trai tướng Thế là Trình Minh Sơn đã phủ nhận điều này và cho rằng gia đình ông không hề bao giờ gặp Lê Trọng Văn cả. Ông Tú Gàn trách nhiệm về việc xác quyết này.
Nguyễn Văn Lục
(Bài phỏng vấn với Vĩnh Phúc như để tưởng nhớ một người bạn)
Nguồn: DCVOnline
Vĩnh Phúc
Nguồn: DCVOnline
DCVOnline: Về Vĩnh Phúc — tác giả tên thật là Kiều Vĩnh Phúc. Trước 1975 là nhà giáo tại miền Nam Việt Nam. Từ 1979 “làm mõ” tại London. Vì dị ứng với không khí nơi làm việc, đến 1996 đã về hưu sớm để trồng hoa, nuôi chim...
Tác phẩm đã xuất bản: Dòng Thames Thì Thầm (Phiếm), Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm (Tài liệu sử), Đối Thoại(Tài liệu văn học), Phiếm 2006.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline
Tác giả Nguyễn Văn Lục, trước và sau 1975 đã làm việc ở nhiều lãnh vực khác nhau, rất tâm đắc với việc làm hiện tại.