Lời thưa của người viết − Tôi có viết bài Chúc thư văn học của Nhất Linh: Một cái chết định trước. Tôi đã nhận được khá nhiều ý kiến phản biện. Và dư luận đồn. Tôi ghi nhận đó là một dấu hiệu tốt.
Nhưng điều khốn khổ nhất của một người cầm bút hiện nay là trở thành nạn nhân của những lời phê bình ngoài văn bản (out of context). Lẫn lộn lãnh vực này sang lãnh vực kia như dùng chiêu bài chính trị, đạo đức hay tôn giáo để phê bình người viết. Điều mà nhà phê bình văn học Tam Ích, cách đây gần 70 năm đã viết trong bài Bút chiến và phê bình như sau:
Trở lên là tôi nói những việc nên làm. Bây giờ xin qua những việc nên tránh. Trong việc phê bình và bút chiến, có nhiều người phạm phải một sự sai lầm ngược hẳn với “văn phạm phê bình” - nếu có thể nói thế. Đó là việc không trọng văn mạch (contexte) của tác giả. Nên nhắm tác phẩm mà phê bình, đừng nhắm người của tác giả. Đừng có thánh thán hay Mao tôn cương mà đọc, như thế, anh sẽ chỉ thấy cái vạn hoa kính (kadéidoscope) của người duy tâm”.
Điều chúng ta chưa biết thì có nhiều hy vọng là một ngày nào đó chúng ta sẽ biết. Nhưng sợ nhất là những điều chúng ta đã có sẵn trong tay tưởng như sự thật. Sự thật ấy sẽ giết chúng ta và tất cả những ai nói khác chúng ta.
Vì thế, mặc dù có nhiều ý kiến phản biện về cái chết của Nhất Linh, tôi vẫn bị ám ảnh về cái chết chọn lựa, định sẵn của Nhất Linh.
Đã biết bao nhiều nhà văn cách này cách khác đã chọn giải phải tự tử hay tự huỷ dần đời sống của họ như giải pháp cuối cùng đời họ. Nào có gì là xấu đâu? Đôi khi, chúng ta đòi hỏi những điều mà họ không có và họ chết vì những đam mê tuyệt vọng ấy?
Họ là nhà văn, chúng ta đã không cho phép họ làm người bình thường. Đó là nỗi khốn khổ đời họ.
F. Sagan mà cuộc đời đã chiều chuộng quá để cuối cùng cô dẫm đạp lên tất cả những thứ đó như một phá phách. Cô viết:
“Je porte ma légende comme une voilette, assure-t-elle, mais ce qu’on a dit n’était pas tellement faux... sauf qu’une voie humaine n’est pas uniquement cà, mais c’est comme une apparence.”
Tạm dịch: Tôi trót khoác vào mình cái áo thần tượng thêu dệt chỉ là bề ngoài như bức màn mỏng. Đã hẳn không phải là sai hết, nhưng về mặt con người thì đã hẳn không phải như vậy, đôi khi chỉ là cái bề ngoài mà thôi.”
Hay như một Tam Ích. Tôi có một số thư từ của Tam ích, xin dẫn chứng vài thư: Tôi già rồi anh ạ: (Chưa quá 60). Tôi sống vì phải sống như vạn vật vậy thôi, không tha thiết đến nhân sinh lắm.” Thư đề ngày Sài gòn 16 avril 1968:
“ À, cháu cưng của tôi là Phạm thị Ngọc Hoa, đậu Master of Arts, học về Linguistique, hiện dạy ở Vạn Hạnh và đại học Sài Gòn. vậy xin có lời gửi gắm cháu.
(Xin nhắn bà Ngọc Hoa, nếu muốn lấy lại thư từ của nhà văn Tam Ích, xin liên lạc với người viết.)
Còn tôi, càng ngày, tôi càng chán đời và trốn đời, phải nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ai là một điều khổ … Tôi già rồi, còn bao thì giờ để mà tranh đấu, biết đâu mai chết, mốt chết.. Nhưng thật ra càng già càng chán đời... (Thư đề ngày 17 avril, 1971. Điạ chỉ 12, Sương Nguyệt Ánh, Sài gòn.)
Ngựa là để chạy, nhà văn là để viết: nghiệp. Thì ra là thế. Có điều lạ là không đau liệt giường, liệt chiếu, chỉ đau đủ để khổ cái thân. Có lúc chả muốn sống. Không lẽ không viết thì buồn. Viết cho nó đỡ buồn thôi anh ạ. (Thư đề ngày 29 Juin 1971, địa chỉ viết, Tạp chí Văn học. 61 Lê Văn Duyệt, Sài Gòn.)
Và lá thư chót nhận được coi như dứt khoát để giã từ
“Riêng về rôi, tôi coi như dứt nghiệp văn chương, tôi đã ngán quá. Còn viết đôi bài là để lấy tiền tiêu vặt thôi. Và tôi rình rình, có dịp là dứt. Chưa bao giờ ngán quá như bây giờ”
(Thư đề ngày 14/10/1971.)
Một E. Hemingway, một Truman Capote, và mới đây nhất J.K. Rowling, người kiến ra được hàng tỷ bạc đã thú nhận cô bị depressed và muốn tự tử.
Vì thế, trên hết tất cả, ý muốn tự hủy cuộc đời của một nhà văn nằm trong chính họ và người đã muốn tự huỷ thì còn có giá trị nào hơn chính cái chết của họ?
Họ phải tìm đến cái chết như một giải thoát khỏi những ràng buộc họ.
Về Nhất Linh, xin đưa thêm một dẫn cứ khá quan trọng của học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét về tình trạng tâm thần của Nhất Linh ở Hội nghị Đà lạt như sau:
“Cái cay đắng của người quốc gia, của các đảng phái qua câu hỏi này của Nhất Linh. Vì thế Nhất Linh thường buồn, thất vọng và chán đời. Từ đó không thiết sống nữa”
Một nhận xét của nhà văn Nguyễn Vỹ trong bài Kỷ vật đầu tay và cuối cùng về Nhất Linh:
“Một vài tiểu thuyết ông khởi đăng trong Tạp chí văn hóa ngày nay của ông không được độc giả hoan nghênh. Văn Hóa ngày nay phải tự đình bản. Tinh thần và thể xác Nhất Linh bị suy sút rất nhiều. Mấy năm sau cùng của đời ông hoàn toàn kém vui. Với một giọng thiểu não ông nói với tôi rằng: “ không tin tưởng nơi đời sống nữa”.
Tình trạng không thiết sống nữa của Nhất Linh là có thật và đã kéo dài trên nhiều năm, Và do đó quyết định tự tử vì chán sống cũng là những yếu tố không thể bỏ qua về cái chết của Nhất Linh.
Thay cho những lời phê bình ngoài văn bản, gửi bạn đọc một bài viết mói về Nhất Linh và nhóm Tự Lự Văn Đoàn (TLVĐ).
Tự bài viết nói đủ Nhất Linh được trân trọng đúng mức như thế nào?
Muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn nhóm TLVĐ, thiết nghĩ không thể không tìm hiểu những nhóm văn học đi trước TLVĐ như nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh và sau TLVĐ như nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo ở miền Nam trước 1975. Trong việc đối chiếu tìm hiểu 3 nhóm đó, chúng ta sẽ hiểu chỗ đứng cũng như vai trò của TLVĐ đối với Văn Học như thế nào? Hướng tìm hiểu như thế kể là cần thiết và không thể không có những nhận xét đủ loại, khen chê cũng có. Nhưng điều chính yếu là cần công bằng với lịch sử, nhất là lịch sử văn học.
Và điều đó không thể không làm.
Nhưng cũng nhờ đó nêu bật được đặc điểm của mỗi thời kỳ, mỗi thế hệ văn học và cuối cùng nhìn rõ được hướng đi của cả một dòng văn học Việt Nam trải dài từ 1914 đến 1975 và sau 1975.
Trong hướng tìm hiểu đó, tôi chọn lựa lối phân chia thế hệ văn học dựa trên những biến cố lớn của lịch sử chính trị VN của Linh mục Thanh Lãng.
Sự phân chia thế hệ văn học của Thanh Lãng giúp nhận ra những dấu mốc văn học như điểm nhìn ngược và xuôi của mỗi thời kỳ văn học, nhận ra sự khác biệt của mỗi thời kỳ, sự tiến triển của từng thời kỳ cũng như tính đa dạng của mỗi thời kỳ.
Theo sự phân chia như thế, chúng ta có dấu mốc thế hệ văn học thứ ba 1913-1932, thế hệ văn học thứ tư với nhóm tiêu biểu là Nam Phong của Phạm Quỳnh. Bên cạnh Nam Phong dĩ nhiên có những nhóm khác trước đó hay đồng thời với Nam Phong, nhưng không có tầm mức quan trọng cũng như ảnh hưởng nên chỉ là nhóm phụ, hay gọi là nhóm vệ tinh như Đông Dương tạp chí.
Tiếp theo là thế hệ Tự Lực Văn Đoàn, năm 1932-1945, còn gọi là thế hệ các nhà văn tiền chiến.
Nhưng từ 1945 đến 1954 là thế hệ gì? Thời gian 1945 trở đi là thời kỳ chiến tranh Việt Pháp nên tạo ra một khoảng trống văn học đối với người phía Quốc Gia.
Phải đợi đến 1955 khi có cuộc di cư chia đôi bờ Bến Hải, lúc ấy trong Nam tiếp tục với nhóm Sáng tạo của Mai Thảo và nhiều nhóm khác cho đến 1975.
A. Bối cảnh chính trị − Trước khi Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện.
Sự thay đổi trong làng báo với tờ Phong Hóa số 11 có thể do rất nhiều nguyên nhân, trong đó không thể bỏ qua yếu tố chính trị.
Thứ nhất là cuộc nổi dạy ở Yên Báy đêm 9 tháng 10, năm 1930 do các chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học đã thất bại. Họ đã bị Pháp đàn áp, tiêu diệt nặng nề vì thiếu tổ chức, thiếu kinh nghiệm. Sự thất bại của Việt Nam Quốc Dân Đảng coi như là thất bại chung của các cao trào chống Pháp. Thứ hai, năm 1930 cũng là năm Đông Dương Cộng sản ra đời. Thứ ba, việc Bảo Đại hồi hương. có thể là biến cố quan trọng nhất mở ra một viễn cảnh chính trị mới như lời trần tình của vua Bảo Đại : Chí tôi là muốn trừ bỏ những cách chính trị quá cũ không thích hợp với thời đại này .
Sau đó, vua Bảo Đại đã có ý hướng cải cách chính trị và xã hội với việc thành lập nội các gồm thành phần trí thức trẻ như Ngô Đình Diệm 31 tuổi, Phạm Quỳnh 40 tuổi, Hồ Đắc Khải 38 tuổi, Bùi Bằng Đoàn 46 tuổi, Thái Văn Toàn, 47 tuổi. Toàn quyền Đông Dương Pasquier đã đưa ra nhận xét đối với nội các mới: Cái chế độ cũ trong nước, đả động đến phải cho thận trọng lắm, nhưng mà nếu xét ra thời thế phong tục khiến cho phải thay đổi thì cũng không nên ngần ngại mà sửa đổi. Vì thế, những Nguyễn Hữu Bài, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu đã rút lui nhường chỗ cho những người trẻ như Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh.
Bảo Đại chẳng những có ý hướng canh tân bằng cách cải tổ nội các trẻ, cá nhân nhà vua còn quyết định bãi bỏ tất cả những hủ tục trong Triều với những lễ nghi phiền phức. Và nhất là việc vua Bảo Đại chủ trương tự do kết hôn khi quyết định lấy một người con gái thứ dân, thuộc công giáo, chấp nhận chế độ một vợ một chồng thay vì đa thê như hủ tục.
Quyết định như thế, ở vào thời điểm đó là lớn lắm - như một cuộc cách mạng - vì đụng chạm tới tập tục của cả một truyền thống triều đình, rất khó được chấp nhận.
Vậy mà Bảo Đại đã làm và làm được.
Phải chăng tất cả những yếu tố trên đã khơi nguồn và mở đường cho những người trí thức trẻ như Nhất Linh, Khái Hưng khi chủ trương đả phá cái cũ và cổ suý theo mới, thổi một luồng gió mới vào xã hội Việt Nam đương thời?
Thứ tư, việc Phạm Quỳnh bỏ báo Nam Phong đi làm chính trị vào năm 1932. khiến báo này phải đình bản kéo theo sự ra đi thầm lặng của những cây viết thế hệ 1913-1932 như Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh, Tương Phố, Hoàng Ngọc Phách. Khoảng trống ấy đã mở đường và nhường văn đàn một cách gián tiếp cho những cây viết trẻ như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam. Chẳng khác gì vào năm 1916 khi Đông Dương tạp chí đình bản thì xuất hiện ngay Nam Phong tạp chí với Phạm Quỳnh. Lúc đó Phạm Quỳnh mới 25 tuổi.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline