Những vấn đề lịch sử hay sử quan của người viết sử (3 - phần 2)
Vấn đề sử chữ viết và tài liệu.
Nhưng nếu trao đổi ở một mặt khác, tôi nghi rằng yếu tố chính là trước đây người Việt chưa có chữ viết. Họ còn sống du canh tiêu biểu của nếp sống bộ lạc, chưa hình thành một quốc gia, chưa cắm dùi một chỗ, nên đời sống còn rất lạc hậu. Họ chưa có nhu cầu để ghi chép hoặc bảo lưu tài liệu.
Không ghi chép đầy đủ làm sao có thể nói đến một nền văn hóa, đến sử học? Đến khi biết dùng chữ Hán hay chữ Nôm thì mới bắt đầu ghi chép những điều đôi khi xảy ra từ ngàn năm trước? Làm sao tránh khỏi được một thứ kiến thức truyền miệng.
Tình trạng yếu kém kiến thức sử ấy ở các đời vua trước không nói làm gì.
Nhưng cụ thể gần nhất và rõ rệt nhất trong trường hợp nhà Tây Sơn. Thật khó kiếm được một tài liệu đầu nguồn nào còn giữ lại. Trừ một vài tài liệu bằng chữ Hán như Bài Chiếu của Quang Trung Hoàng Đế lên ngôi, Bài Biểu xin ngựa của vua Quang Trung, Vài tài liệu về Ngọc Hân Công Chúa, v.v.(4) sau này được in lại trên tờ Nam Phong của Phạm Quỳnh, phần Hán Văn.
Từ giai đoạn mới khởi nghĩa đến lúc trở thành Bắc Bình Vương, ai là người có trách nhiệm ghi chép các biến cố, tàng trữ các văn kiện nếu có? Hoàn toàn không.
Trong khi đó, nhìn sang phía Trung Hoa, mọi quyết định của nhà Thanh dưới đời vua Càn Long trong việc cho quân sang đánh Việt Nam thì đều có văn kiện, giấy tờ ghi chép đầy đủ. Chẳng hạn, bộ Thanh Thực Lục – Sử liệu chiến tranh Thanh-Tây Sơn- bản dịch của Hồ Bạch Thảo là một bằng chứng.(5)
Trong đó cho thấy các chiếu dụ của vua Càn Long được ghi chép từng ngày tháng năm. Trong đó có đến 209 Chỉ Dụ liên quan đến nước ta dưới các triều vua Lê Chiêu Thống, Quang Trung, Quang Toản cho đến Gia Long.
Cuối sách lại có bảng tra cứu tên người, tên đất, các công trình xây dựng bao gồm 458 mục. Trong đó có 133 chỉ dụ đề cập đến Nguyễn Huệ.(6)
Còn các sử gia Việt Nam căn cứ vào đâu để viết sử giai đoạn Tây Sơn – Nguyễn Ánh?
Hoàng Xuân Hãn cất công đi truy tìm các văn kiện sử đời Tây Sơn ngay tại quê hương Bình Định phỏng được gì?
Và ông bằng lòng với việc dịch lại sử liệu Trung Quốc viết lại giai đoạn Tây Sơn như một nhu cầu cần thiết trám vào lỗ hổng sử học Việt Nam. Ông dịch: Việt Thanh chiến sử của Ngụy Nguyên, sử gia Trung Quốc đời Thanh mà nguyên bản là Càn Long Chính vũ An-Nam ký, năm đại đạo Quang thứ 22 – 1842.
Phần các sử gia người Việt khác thì bằng lòng trích dẫn lại Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt truyện. Sách trên do Phan Khoang dịch. Sách sau do Viện Sử học dịch, 1997.
Đại Nam Thực Lục là một công trình biên khảo đồ sộ do nhiều sử quan làm việc, gồm 38 tập, trong đó phải mất 88 năm mới hoàn thành thì ai dám cất lên một lời phản biện? Tuy nhiên, phải nói là cả hai tác phẩm này đều do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Đi tìm sự công bằng về sử liệu giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh trong Đại Nam Thực Lục không phải là dễ.
Sách lại viết bằng chữ Hán mà phần đông người viết sử không thông thạo chữ Hán thì đành bó tay.
Sách thông dụng và được xử dụng – loại ngoại sử như Hoàng Lê Nhất Thống Chí – một thứ Tam Quốc Chí của Việt Nam, thì giá trị sử học hẳn được bao nhiêu?(7)
Phần những nhân chứng sống còn ghi lại được trong giai đoạn đó là những câu chuyện bên lề. Đó là các lá thư thừa sai Ba Lê. Tự nó, đây không phải là chính sử.
Phía ngoài Bắc thì họ đã có công cho dịch cuốn Quân doanh kỷ lược – bút ký của viên bí thư của Tôn Sĩ Nghị – và được xuất bản tại Hà Nội. Lại thêm một tài liệu Trung Hoa, thêm một bằng chứng cho sự nghèo nàn của sử Việt. Tuy nhiên, cuốn sách này giúp ích nhiều cho những ai muốn tìm hiểu nội tình cánh quân Tôn Sĩ Nghị sang đánh Việt Nam như thế nào.
Vấn đề sử và tính cách bất cập của Sử học
Sau khi đánh thắng quân Thanh, để mừng đại thọ Càn Long 80 tuổi, Quang Trung đã gửi sang Bắc Kinh một người tên Phạm Công Trị, cháu gọi Quang Trung bằng cậu, ‘giả làm Quốc Vương’.
Chi tiết ngắn ngủi này bắt nguồn từ hai bộ sử triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (ĐNCBLT) và Đại Nam Thực Lục (ĐNTL). Thật ra sau này còn thấy nhắc lại trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí rồi lan tràn trong các sách sử khác.
Để minh bạch hóa truyện này, tác giả Nguyễn Duy Chính đã phải tra cứu, viết hẳn thành 170 trang đánh máy, nhan đề: Giở lại một nghi án lịch sử: Giả Vương Nhập Cận. Đặt vấn đề có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?
Và để viết tài liệu này, Nguyễn Duy Chính đã trưng dẫn 30 tài liệu sách tiếng Việt mà quan trọng nhất là tập Lịch triều Hiến Chương loại chí của Phan Huy Chú.
Tiếp theo là 28 tài liệu sách viết bằng Hán Văn.
Cuối cùng là 7 tập sách viết bằng tiếng Anh, và tiếng Pháp.
Tác giả Nguyễn Duy Chính đã dành ra bao nhiêu thời giờ, công sức, sưu tầm tài liệu để trả lời chỉ một nghi án sử học? Nếu mỗi sự việc đều phải mất công truy cứu như thế thì liệu công sức đâu làm cho xuể?
Vấn đề sử và huyền thoại: trường hợp giáo sư Trần Ngọc Ninh
Cuốn sách Tuyết Xưa của giáo sư Trần Ngọc Ninh(8) là một tập biên khảo tham bác rộng rãi nhiêu nguồn từ Đông sang Tây với rất nhiều hình ảnh họa đồ. Và đặc biệt ông đã dành một phần ba cuốn sách viết về huyền thoại để chứng minh cho lập thuyết của ông. Ông cũng là một nhà văn hóa ngoài khuôn khổ – ngoài kiến thức y khoa vốn là chuyên ngành của ông – về các vấn đề văn hóa, đặc biệt về ngôn ngữ học với ba bộ sách 7 quyển về Cơ cấu Việt ngữ I, II, III…, và VII.
Ở đây cũng cần ghi nhận bên cạnh chính sử cũng có phần ngoại sử với các truyện truyền kỳ, thần thoại dân gian mà có thể dân tộc nào cũng có. Chẳng hạn Việt Nam có hai bộ truyện mang tính thần kỳ, hoang đường là Việt điện U Linh tập và Lĩnh Nam Chích Quái vào các thế kỷ 14-15 và còn nhiều chuyện cổ tích truyền miệng nữa. Các câu chuyện này được diễn giải ở vào thế kỷ 13-14, vậy mà làm thế nào, người ta có thể dùng chúng để diễn đạt, giải thích cũng như cắt nghĩa các sự kiện thời tiền sử một cách rất tự nhiên?
Một câu hỏi khác cũng là một thách đố lớn cho giới viết sử suy tôn chủ nghĩa dân tộc. Nếu cốt lõi của nhưng câu chuyện như Việt điện U Linh tập và Lĩnh Nam Chích Quái bắt nguồn từ các câu truyện dân gian thời viễn cổ được truyền lại, thì họ phải giải thích được sự lưu truyền đó đã xẩy ra như thế nào đồng thời giải thích tiếng Việt phát triển qua các thời đại ra sao để rồi những câu chuyện truyền miệng này rốt cuộc được dịch sang và chỉ được chép lại bằng tiếng Hán cổ.
Do đó, khi chưa có trả lời cho những vấn đề vừa nêu thì các câu chuyện kể trên phải được dành riêng trong một lãnh vực riêng biệt và không thể được dùng cho việc ghi chép tài liệu chính sử được!
Tôi có thể đứng ở quan điểm dân tộc học, nhìn một khối người Việt-Mường, Việt-Mán đi tìm một nguyên tổ và cắt nghĩa nó trong một khuôn khổ, một ‘cơ cấu ý nghĩa huyền thoại’ mà không có quyền phản bác. Chẳng những thế, nó còn là điều đáng cổ võ và nên làm!
Về mặt này, các câu truyện huyền thoại của Việt Nam cũng quả là phong phú và đa dạng.
Chẳng hạn nếu chúng ta biến câu truyện huyền thoại “Đẻ trăm trứng” trong ý nghĩa huyền thoại thì chẳng ai có thể bắt bẻ được. Người ta có thể giải thích ý nghĩa câu truyện đó như một ước mơ của con người mong sinh con đẻ cái đầy đàn khi mà dân số còn thưa thớt.
Sự khác biệt giữa một sự kiện lịch sử và huyền thoại ở chỗ một bên chú trọng tới sự kiện với sự xác định nơi chốn hay ngày tháng. Còn huyền thoại dùng chuyện kể như một cái cớ, một phương tiện chuyên chở một ý nghĩa. Dùng chuyện kể để vượt sự kiện.
Biểu tượng ấy cũng có thể tìm thấy nơi hình vẽ trên các hang động vẽ người đàn bà bụng chửa mang ý nghĩa thực dụng là đẻ nhiều con.
Các nhà dân tộc học hàng đầu của Pháp như Claude Lévy-Strauss, Marcel Mauss đều chủ trương có một hệ tư tưởng hoang dã (Pensées sauvages) khác biệt với tư tưởng văn minh mà không có mang ý nghĩa một so sánh hơn kém. Nhưng chỉ muốn nói rằng đó là một nền văn minh khác với văn minh của chúng ta (Civilisations diférentes).
Vì thế, có thể nói, các dân tộc cổ sơ sống và sinh hoạt dựa trên hệ thống huyền thoại để lý giải mọi hiện tượng thiên nhiên cho phép họ ứng sử và tồn tại.
Như thế, họ không có sử theo nghĩa của chúng ta.
Nhưng khi nghiên cứu tìm hiểu ý nghĩa các huyền thoại, cần dừng lại ở quan điểm dân tộc học và không nên dẫm chân sang lãnh vực sử học.
Tham vọng đem thần thoại để giải lý lịch sử là một tham vọng đưa sử học vào một ngõ cụt không lối ra. Chẳng hạn làm sao có thể giải lý câu chuyện Mặt trăng, mặt trời là hai chị em gái. Cả hai cùng lấy một chồng là con cá Bơ, nhưng rồi bỏ chồng. Con cá vẫn đi theo hai vợ cũ (Huyền thoại, HT5b)(9).
Cái lầm lẫn là trộn lẫn hai lãnh vực sử học và dân tộc học vào làm một, dùng cái này giải thích và nhất là chứng minh cái kia.
Trong khi đó kết luận đã được khẳng định dứt khoát ở tiền đề.
Trong cuốn Tuyết Xưa, giáo sư Trần Ngọc Ninh đã dành hẳn một chương nhan đề, Văn Hóa trong sự trường tồn của lịch sử.
Sự khẳng định dứt khoát như thế đã được ông dứt khoát luận thuyết như sau:
“Vết tích con người ở đất Việt bắt đầu có từ thời đại các nhà khảo cổ gọi là Hòa Bình, rồi Bắc Sơn, nhưng trong truyền thống lịch sử thì lập nước là vua Hùng. Từ lúc khai nguyên trong huyền thoại ấy, lịch sử Việt Nam đã phát triển cho tới ngày nay, và mặc dầu trong hơn 40 thế kỷ, đã có nhiều bước thăng trầm và có những lúc mà dòng lịch sử đã như bị chận lại rồi phải uốn khúc rẽ ngang, nhưng con người Việt Nam rồi lại ngoi lên và sống để tiếp tục xây dựng dòng sử Việt Nam theo ý thức và truyền thống Việt Nam.”(10)
Thật khó mà chia xẻ những khẳng định như trên của tác giả!
Và hẳn là tin vào truyền thuyết như thế mà tác giả dự định cho xuất bản một vở kịch: Một Bi Kịch – Sự tích An Dương Vương.
Chẳng hạn chúng ta vẫn coi truyền thuyết 18 đời Hùng Vương là một sự kiện lịch sử đã được nhìn nhận một cách minh nhiên. Ngày giỗ tổ Hùng Vương vẫn được tổ chức long trọng vào ngày 10 tháng ba mỗi năm.
Đó chẳng khác gì câu chuyện cái cầy đi trước con trâu là ở chỗ đó.
Theo tôi hãy để các câu chuyện huyền thoại là huyền thoại. Đó là những nét đẹp của con người cổ xưa đã sống như thế.
Cắt nghĩa huyền thoại theo tư duy vụ lợi của chúng ta là một cách gián tiếp thô tục hóa huyền thoại và giết chết huyền thoại!
Tiêu biểu ở trong nước là bộ sử viết muộn, sau 1975, Lịch sử Việt Nam, NXB Trẻ, do nhóm chủ biên Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Mạc Đường chủ biên.
Họ cũng tự hào đây là một bộ thông sử!
Họ cũng đi vào vết cũ mang tất cả các truyện huyền thoại như Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Chích quái, truyện họ Hồng Bàng, truyện Ngư Tinh, truyện Hồ Tinh, truyện Mộc Tinh, truyện Phù Đổng Thiên Vương, truyện Nhất Dạ Trạch, truyện Cây Cau, truyện Bánh Chưng, truyện Dưa Hấu, truyện Chim Bạch Trĩ, truyện Núi Tản Viên, truyện Lý Ông Trọng, truyện Rùa Vàng để đẻ ra một cuốn thông sử Việt Nam(11).
Cũng trong cái tinh thần tìm hiểu lịch sử nguồn gốc Việt tộc, tôi cũng cảm thấy không thể nào chia xẻ và đồng tinh được với giáo sư Trần Ngọc Ninh – mặc dầu có sự kính trọng giáo sư về sự uyên bác của ông – Nhưng vẫn không thể đồng ý với ông về quan điểm nguồn gốc xã hội thái cổ Việt Nam, như trong bài, Xã Hội và Văn hóa Thái cổ Việt Nam(12).
Thật ra, đây là bài nói chuyện của giáo sư Trần Ngọc Ninh tại Thính đường trường Quốc Gia Âm nhạc Saigon, ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương 10-3 Tân Hợi (1971) do đoàn Văn Nghệ Thanh niên Sinh viên Học sinh Tiên-Rồng tổ chức.
Tất cả những dẫn chứng về nhiều lãnh vực mà giáo sư đưa ra về những khám phá nhân chủng học, của khảo cổ học ở Hà Nội của Australia hay Tân Tây Lan đi nữa vẫn chỉ là những giả thuyết chưa được nhìn nhận như chính lời thú nhận của giáo sư, giáo sư viết:
“Một cái nhìn tổng hợp cũng chưa có và cho đến nay (1999) cũng còn nhiều giả thuyết chưa được chứng minh hoàn toàn. Mọi người đồng ý rằng có một chân trời mới đã được mở ra cho sự khảo cứu, nhưng các chủ nghĩa quốc gia địa phươ ng còn quá nồng nhiệt và mẫn cảm để khoa học có thể khách quan hoạt động.”(13)
Vấn đề lịch sử và sử quan
Quan tâm chính yếu của một nhà viết sử không hẳn là viết cái gi? Mà viết dể làm gì?
Trong một bài viết năm 2015, Nhìn lại chiến thắng Xuân 1789 (Kỷ Dậu)(14), tác giả Vũ Ngự Chiêu viết:
“Quang Trung, Nguyễn Huệ và nhà Tây Sơn là một thí dụ tiêu biểu của lối viết sử một chiều trong khối sử văn cổ điển. Các tác giả thường chọn một phe để tái dựng giai đoạn lịch sử này.”
Sự chọn lựa một thái độ viết sử thường là cố gắng bảo vệ những lợi ích liên quan đến quan điểm chính trị, tôn giáo, miền địa lý và gốc gác xã hội của người viết sử. Và cứ thế mà trong mỗi tình huống, nhà sử học lộ diện đứng về phía nào?
Khi Nguyễn Nhạc nổi dậy đế chống chính sách thuế khóa của triều đình, có nghĩa là từ nay tiền thuế chính phủ thu được sẽ vào tay anh em Nguyễn Nhạc. Bọn họ bị gọi là bọn ‘vô lại’ và gán cho Nhạc cái tội cờ bạc, ăn quịt tiền thuế của nhà Nguyễn.
Ngày nay ai có thể nói chắc được về chuyện này?
Các thừa sai ngoại quốc – mặc dầu sứ mệnh chính của họ là thu phục linh hồn, nhưng về mặt chính trị họ lại nghiêng về phía bảo hoàng nên chẳng ngần ngại gì họ gọi bọn Nhạc là ‘giặc Tây Sơn’ hoặc bọn phiến loạn. Quang Trung tự xưng Bắc Bình Vương, tức vua bình định xứ Bắc, được coi như biểu lộ mưu đồ muốn thanh toán Bắc Kỳ. Họ gọi là Tiếm Vương (usurpateur). Ngả về phía Nguyễn Ánh nên các thừa sai gọi Nguyễn Ánh là ông Hoàng (prince). Chỉ cần xem cách gọi đã biết được thái độ chính trị của một người. Tuy nhiên, về một số mặt khác, các thừa sai khoảng 30 chục người là các đặc phái viên chiến trường gửi tin tức đều đặn về Pháp. Đó là những nhân chứng sống duy nhất kể lại nên người ta vẫn bắt buộc phải trích dẫn như khi họ nhận xét về quân Tầu của Tôn Sĩ Nghị:
“Càn Long đã gửi một số khá đông quân lính sang Bắc Hà vào khoảng cuối năm ngoái (1788), nhưng đoàn quân vừa yếu, vừa quá mê tín dị đoan. Giống như vị hiền triết Hy Lạp đã nói, ‘Tôi mang mọi thứ theo tôi’, lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính, vừa là lái buôn, bồi bếp.”
Chỉ mấy dòng trên đã lột tả đầy đủ đoàn quân ô hợp trên và Tây Sơn có đánh hạ được họ cũng không mấy làm lạ.(15)
Cũng những truyện như thế, xin trích dẫn hai tác giả viết về Quang Trung, trong Tập San Sử Địa (TSSĐ) miền Nam, trước 1975.
1. Tác giả Nguyễn Nhã, chủ trương biên tập TSSĐ với bài: Tài dùng binh của Nguyễn Huệ – Nguyễn Huệ: Một thiên tài quân sự chưa hề nếm mùi thất bại.
Trong bài, Nguyễn Nhã đưa câu chuyện một cung nữ cũ của vua Lê từ Trường An ra Thăng Long nói với Thái Hậu như sau:
“Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hửu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không còn một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn Tổng Đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi.(16)
Dùng miệng lưỡi một cung nữ suốt ngày ở trong cung cấm biện luận về Nguyễn Huệ thật cũng hiếm có. Nhưng thật ra câu chuyện trên được trích dẫn từ sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trang 252. Một loại sách như một thứ tiểu thuyết hư cấu lẫn lộn giữa thật và giả. Xin đọc tiếp một đoạn khác của Nguyễn Nhã:
“Vì thích dùng voi, nên Nguyễn Huệ đã tạo ra tượng binh rất lợi hại. Sách Cương Mục chép về Nguyễn Huệ dùng voi đánh quân Thanh,
‘Hồi trống canh năm sớm hôm sau, Văn Huệ sắn tay áo đứng đậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên trước. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn 100 voi khỏe đi trước. Tờ mờ sang, quân Thanh lùa toán quân kỵ binh tinh nhuệ ồ ạt tiến lên. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau.. […] Voi trận của Nguyễn Huệ thật là một lực lượng xung kích rất lợi hại, chẳng khác nào lực lượng ‘xe tăng thiết giáp’ thời nay, khiến cho quân Nguyễn Huệ thêm dũng mãnh.’”
Sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề dùng tượng binh của Quang Trung trong phần sau.
2. Tác giả Phù Lang Trương Tấn Phát
Cũng trong TSSĐ, số 13, Kỷ niệm chiến thắng Xuân Kỷ Dậu, có bài viết của tác giả Phù Lang Trương Tấn Phát nhan đề, Trận Đống Đa. Trong bài, tác giả cũng nhắc tới tài dùng Tượng Binh của Quang Trung, trích từ tuần báo Tri Tân như sau:
“Ngày hôm sau, vào lúc trống canh năm, vua Quang Tung khởi binh, tự tay cầm quân cho hơn 100 voi đi trước. Mờ mờ sáng, quân Tầu đuổi, tinh kị tiến trước, chợt thấy voi, ngựa sợ hãi mà chạy, vấp ngã và xéo lên nhau. Vua Quang Trung cho voi đuổi theo quân địch chạy vào lũy, súng bắn như mưa, tên sắt tứ phía. Tây Sơn lại đốt những bó rơm to đi trước, quân sau kế tiếp, hết sức đánh Tầu.”
Trong bài, tác giả còn viết tiếp như sau:
“Vua Quang Trung truyền lấy 60 chục tấm ván, ghép liên ba tấm làm một bức, tất cả là hai chục bức, dùng rơm xấp nước bện vào rồi kén hạng lính khỏe tợn, giao cho 10 người phải khiêng một bức, mỗi người đều vác một thanh đoản đao, mỗi bức lại cho hai chục người nữa cầm các binh khí đi theo. Toán quân nay dàn hàng chữ nhất tiến thẳng lên trước, vua Quang Trung cỡi voi đi đốc thú, mờ sáng ngày mồng năm xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi.”
Hầu hết nội dung bài viết, tác giả đều xử dụng tài liệu rút ra từ sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí một cách dễ dãi và tùy tiện, không kể đúng sai.

Thọ Xương Giang Chi Chiến (寿昌江之战) – 1788
Một bức họa của người Trung Quốc về trận đánh: Quân Thanh do Phúc Khang An và Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, vượt sông Thọ Xương (sông Thương) trên đường tiến về Thăng Long, phía xa là quân Tây Sơn đang tháo chạy. Tranh là kết quả của sự hợp tác giữa các họa sĩ Trung Quốc và châu Âu. Các giáo sĩ Dòng Tên tham gia thực hiện các bản vẽ ở Trung Quốc là Giuseppe Castiglione, Jean-Denis Attiret, Ignace Sichelbart và Jean Damascene. Các bản khắc đã được làm tại Paris dưới sự điều hành của Charles-Nicolas Cochin của Académie Hoàng gia dưới Triều của Louis XVI và những chuyên viên chạm khắc gồm Le Bas, Aliamet, Prevot, Saint-Aubin, Masquelier, Choffard, và Launay. – http://www.battle-of-qurman.com.cn/e/hist.htm
(còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline