
Kỳ XXXX
Tôi nghĩ thầm, vậy là yên. Tôi mong gặp Quỳnh và con. Tôi bồn chồn nôn nóng. Tôi che tay, bấm cái nút nhỏ ở chiếc đồng hồ xem giờ. Thời gian chậm quá sức. Cái áo nhà binh Long đưa tôi mặc dày như thế mà vẫn không che nổi cái lạnh. Tôi ngồi bệt xuống đất, đầu tựa vào mồ. Long vẫn ngồi một chỗ, mắt dán vào cái ô của viên gạch lở. Tôi cảm thấy mỏi mệt, quá mỏi mệt. Ngày hôm kia vừa mới chạy ra khỏi cái nhà tù ở tận phía Nam, bây giờ đã ở một thành phố ven biển miền Trung. Hôm kia là nhà tù, bây giờ là nhà mồ. Giữa hai cái nhà này, hôm qua tôi nằm trong căn nhà của tôi ở khu Mã Lạng, một căn nhà quạnh quẽ, trống trơn, đầy kỷ niệm. Không ai chờ đợi tôi.
“Anh Thăng!” Long bỗng đập tay lên vai tôi. “Kìa, có người đến rồi kìa!”
Tôi chồm dậy đẩy Long ra lấy chỗ nhìn. Tôi chẳng thấy gì. Bên ngoài là một vũng đen hoàn toàn.
“Thấy không? Thấy chưa anh Thăng?”
“Thấy gì đâu!”
“Trời ơi!” Long kêu nhỏ, “anh nhích ra, để tôi.”
Tôi rút đầu lại, ngả lưng vào thành ngôi mộ.
“Họ đang đến!” Long đứng xổm dậy, “anh ngồi yên đây, để tôi xem sao?”
Long bước ra nhà mồ. Tôi ngồi dậy dụi mắt, ngó chăm ra lỗ gạch lần nữa. Tôi nghe có tiếng trẻ nhỏ khóc.
Tiếng chân đang đến gần. Tôi ép mặt tôi sát vào. Tôi cố phân biệt tiếng nói của Quỳnh và tiếng khóc của con tôi. Nhưng vô ích. Bất thình lình mọi tiếng động bỗng im bặt, tắt ngúm như ngọn đèn bị gió thổi. Tiếng khóc của trẻ thơ như bị một bàn tay bụm lại. Và một loạt những ngọn đèn bấm sáng lên chiếu dồn một tụ điểm. Từ cái ô tròn của viên gạch trong ngôi nhà mồ tôi nhận thấy lố nhố mấy chục con người dớn dác, há hốc mồm, tay dụi mắt.
Tiếng lên cò súng cùng lúc với tiếng nói ra lệnh:
“Đứng yên! Các người đã bị bắt!”
Một tia sáng lớn chiếu quét vào từng khuôn mặt. Những người đàn bà, những đứa trẻ. Vài thanh niên. Một ông lão tóc bạc trắng. Một cái đầu với chiếc mũ nồi.
Một bàn tay đặt lên vai tôi bất ngờ làm tôi giật mình.
“Tôi đây mà!” Tiếng nói của Long sát bên tai tôi. “Ngủ đi!”
Anh tựa lưng vào lưng tôi.
Tôi làm sao ngủ được.
Ánh sáng chấp chới của mấy cây đèn bấm. Tiếng người nói chuyện rân ran. Trẻ con khóc thả giàn.
Cả đám người xa dần nghĩa địa xuống con đường lớn.
Tôi nghe tiếng máy xe nổ, xa dần.
Tôi trở về Sài Gòn ngay buổi sáng hôm sau. Long đã hỏi dò và cho biết chắc chắn mẹ con Quỳnh đã đi trót chuyến vượt biên đêm trước. Trót có nghĩa là không bị công an biên phòng bắt, còn có lọt đến được một nước nào khác không thì quá sớm. Phải đợi ít nhất một tháng hoặc có khi nhiều tháng sau mới có thể có tin tức dội về, nếu...
Tôi không muốn nghĩ gì hết sau chữ nếu. Tôi nhớ con tôi, tôi nhớ Quỳnh. Cái nôi nhỏ vẫn còn tấm màn vắt lên. Chiếc bàn ăn sát bên cửa sổ ngó ra sàn nước. Cầu thang bằng gỗ tạp đã gãy vài đoạn dẫn lên căn gác thấp lợp mái tôn chứa đồ lặt vặt và là chỗ phơi quần áo. Căn bếp thông qua con hẻm bên rạp Quốc Thanh nguội lạnh như mùa Đông.
Làm gì?
Tôi đi lang thang các khu chợ sách, chợ trời. Hình như đồ đạc trong tất cả các gia đình của thành phố đều được tuôn xuống dưới đường. Sách vở không thiếu thứ gì. Những tạp chí cũ mà trước Bảy Lăm tôi ao ước được có một bộ trong tủ sách gia đình, nhưng giá quá đắt không cách nào mua được thì nay đang nằm chổng chơ trên một cái sạp làm bằng những miếng ván chồng lên bốn chiếc ghế đẩu. Một người bạn cũ trước làm ở đài phát thanh nay là chủ một hành sách nói với tôi: “Cứ ngồi với tao. Vượt biên thì không đủ tiền. Nhưng sống qua ngày thì được!” Nhưng tôi không cách nào ngồi lại được ở một chỗ.
Tôi lại thang lang qua các khu chợ trời quần áo, chợ trời máy ảnh, đồng hồ, chợ trời ti-vi, cát-sét, băng nhạc.
Tôi thong dong, dạo qua khắp phố phường như một người không chủ đích. Mà tôi còn có chủ đích gì. Chiếc đồng hồ đeo tay của tôi đã bị giật trên đường Hồng Thập Tự sau chuyến ở Phan Thiết về. Đó là món quà đắt giá duy nhất tôi có trên người do bác Ngô đã tặng khi tôi đi tìm mẹ con Quỳnh. Chìa khóa nhà tôi là vật còn lại tương đối nặng trong túi. Người tôi nhẹ tênh như mây.
Tôi lại ra các quán cà phê vỉa hè.
Tôi uống cái thứ nước đen nhạt nhẽo làm bằng bắp rang, vỏ măng cụt ấy với số tiền bán những cuốn sách cuối cùng, những bàn ghế, quần áo cuối cùng... trong nhà tôi.
Tâm khô-khốc-thiền-sư đã có việc làm, một thứ công nhân chạy việc cho một hợp tác xã tiêu thụ.
Đình bị bắt vì có tên nội tuyến trong chuyến tổ chức vượt biên tố. Cả đám ngồi trên xe đò đi nửa chừng đường đã bị công an chặn lại gọi từng tên một xuống trói thúc kéo chở về Chí Hòa.
Đó là thời gian tôi quen một số bạn mới. Những người đầu đường xó chợ. Những người từ ngoài Bắc vào thuộc loại không sống nổi ở ngoài đó. Những người vừa ở cải tạo ra. Những người đàn bà không biết ngày mai. Những đứa con gái phung phí đời mình trong cái xã hội tuyệt vọng. Những người nuôi một mối căm thù muốn lật đổ chế độ. Những lý thuyết gia của một chủ nghĩa hoàn toàn không cộng sản mà cũng chẳng tư bản. Tôi nghe đến một thứ tên gọi là chủ nghĩa bình sản.
Như thế nào là bình sản? Chỉ nghe vậy thôi, còn cụ thể thì không rõ. Người ta nói đến Đài Loan như một quốc gia muốn vươn tới chế độ bình sản. Điện khí hóa tối tân nông thôn. Không có người giàu quá. Không có người nghèo quá.
Tiện nghi công cộng được chăm sóc tối đa. Đời sống tinh thần lành mạnh. Y tế hoàn toàn miễn phí. Giáo dục hậu trung học là cưỡng bách. Trẻ em và người già được nhà nước quan tâm đặc biệt. Những tên sát nhân đều bị xử tử. Trại trừng giới dành cho những người phạm pháp là xưởng thợ sản xuất nhu yếu phẩm. Phạm nhân được thả khi xét hạnh kiểm đã tốt. Mỗi người dân đều có sẵn giấy thông hành trong tay, có thể đi đến bất cứ nước nào, miễn là phải thông qua tòa đại sứ của nước ấy.
Cũng có người nói đó chỉ là một chủ nghĩa không tưởng. Điều kiện kinh tế, xã hội chính trị của mỗi xứ, mỗi quốc gia trên toàn cầu không giống nhau nhưng nó phải đồng bộ. Một chế độ như kiểu bình sản trước hết cần phải có một chủ thuyết, và muốn có một chủ thuyết trước hết phải có một con người cha đẻ của chủ thuyết ấy.
Tôi cứ như thế quanh quẩn trong các khu phố. Có lần tôi gặp Nguyễn Giang. Đôi kính cận màu nâu trên khuôn mặt xương nhỏ, mái tóc dài thưa hơi gợn sóng. Nguyễn Giang vẫn gầy, có phần còn gầy hơn nữa. Giang viết một số ca khúc mới, làm nhạc cho phim, hát một vài nơi công cộng. Âm điệu trong nhạc anh không gì mới. Lời hát nếu có đôi bài ca ngợi cuộc sống mới thì cũng có những bài nói lên cái tạm bợ của cuộc sống. Thấp thoáng qua những lạc quan là bóng dáng của tuyệt vọng. Suốt buổi Giang uống nhiều, cái thứ rượu Bình Đông làm ở Chợ Lớn pha trộn đủ thứ chất hóa học làm xé ruột xé gan. Cái cảnh Giang cúi xuống thùng đàn so dây, chiếc kính to mặt, gọng nâu, tụt trên sóng mũi, và những ngón tay anh run lên vì thiếu rượu vẫn ám ảnh tôi.
Có vẻ như Giang ngày càng xa lánh bạn bè cũ. Cùng với một người viết văn và một nhạc sĩ tập kết trở về, Giang tạo thành một bộ ba lúc nào cũng xuất hiện bên nhau ở những chốn công cộng.
Tâm khô-khốc-thiền-sư thì lúc nào cũng nồng nặc mùi rượu. Từ khi hay tin vợ con chết mất xác trên biển đông, Tâm vốn còm cõi càng còm cõi hơn. Chúng tôi gặp nhau ở các quán cà phê vỉa hè. Phùng đã vượt biên đường bộ qua đất Miên và Thái, mang theo một bé gái, vợ nằm nhà chờ xem tình hình ra sao. Lỡ có gì còn bới cơm thăm nuôi chồng con.
Lộc học tập cải tạo về đã vượt biên đến được Canada. Nghĩa biệt tăm. Ký sau ngày được trả tự do, gầy ốm hẳn, bẳn tính và chua chát. Sau cùng đã nằm chết trên bãi chỗ ghe vượt biên đã đón vợ con anh đi.
Tôi bây giờ đâu khác gì Ký.
Tôi không có gì để sống. Tôi đi lăng quăng. Nhiều khi tôi thấy mình như một con thú, có lẽ như một con chó hoang thì đúng hơn. Hai vợ chồng bác Ngô thỉnh thoảng dúi cho tôi ít tiền. Nhưng tiền không bao giờ nằm lâu trong túi tôi. Tôi bệ rạc, xơ xác. Nhiều bữa tôi nằm vùi trong nhà, mệt mỏi, như một con cá khô. Tôi ngó xung quanh thấy sao lạnh lẽo, đầy hồn ma bóng quế.
Tôi đã chết chưa?
Tôi chưa chết. Nhưng tôi thấy mình đã không còn sống. Cái xác sống. Tôi chỉ là cái xác sống.
(Còn tiếp)