Ra Mắt Sách của ba nhà thơ nữ,
duyên -- Lê Chiều Giang -- Nguyễn Thị Khánh Minh
Buổi Ra Mắt Sách giới thiệu tuyển thơ của ba nhà thơ nữ duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh đã diễn ra tốt đẹp trong vòng thân mật chiều thứ Bẩy 29 tháng 3, 2025 với sự tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ và thân hữu. Dưới đây là bài nói chuyện của nhà thơ Vũ Hoàng Thư trong buổi RMS và vài hình ảnh do nhà báo Phan Tấn Hải ghi nhận vào ống kính.
Thân chào 3 nhà thơ & quý anh chị,
Trước hết xin chúc mừng 3 nhà thơ Duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh vừa cùng nhau chào đời đứa con tinh thần của mình!
Thật là một hân hạnh cho cá nhân chúng tôi được đứng lên phát biểu đôi lời về tập thơ của 3 nhà thơ Duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Tôi cũng có đôi chút bối rối vì phải nói như thế nào cho đủ, để kể hết tài hoa của 3 nhà thơ này! Làm thế nào để diễn tả hết vẻ đẹp cùng một lúc về 3 ngôi sao mà mỗi ngôi rất riêng biệt lung linh? Thật là khó phải không quý vị!
Với thời lượng cho phép, tôi sẽ xin nói rất tóm lược vì thú thật trong 10 ngày qua sức khỏe của tôi không được tốt nên tôi không có cơ hội cũng như thời gian để đào sâu hơn như tôi mong ước vì vậy sẽ có rất nhiều thiếu sót, mong 3 nữ sĩ và quý vị niệm tình thông cảm bỏ qua cho. Xin cám ơn.
Duyên
Trước hết là nhà thơ Duyên. Nói đến chữ duyên, tôi liền nghĩ đến 2 điều: thứ nhất là duyên dáng và thứ hai là nhân duyên. Duyên dáng thì nhà thơ Duyên đã vốn sẵn có trời sinh như quý vị đều nhận thấy. Nhân duyên chính là điều tôi muốn nói. Mối duyên đầu tiên là sự quen biết qua internet giữa tôi và nhà thơ Khánh Minh, nhà văn Nguyệt Mai, chủ biên trang web Trần Thị Nguyệt Mai, và Duyên. Và qua Duyên, nhờ duyên đưa đẩy tôi được gặp lại ngoài đời những người bạn thân thuở thiếu thời lúc mới vào trung học Võ Tánh ở Nhatrang hơn 60 mươi năm trước. Đó là hai bạn Đỗ Thanh Tùng, phu quân của Duyên, và Khoa Minh người anh cả của Khánh Minh. Những mối nhân duyên rất đáng nhớ trong đời, tôi không bao giờ quên. Xin cám ơn Duyên!
Ngoài Duyên nhà thơ, Duyên còn là một họa sĩ tài hoa nữa. Duyên làm thơ và vẽ dễ dàng như hít thở, như buổi sáng mở cửa sổ nhìn xuống khu vườn, có mây trắng, có chim bay, có hoa nở, và thế là thơ, là tranh ra đời. Thật dễ và tự nhiên. Duyên còn khéo tay và tài giỏi về những món thủ công, đặc biệt quý vị phải nhìn thấy những bookmark ghép từ lá ngân hạnh khô chắt chiu ép vào trang sách Duyên làm để tặng bạn bè, rất trang nhã, quý phái và đầy nghệ thuật.
Trong tập thơ này, tôi nhìn thấy 3 chủ đề từ thơ của Duyên: mùa thu, bạn hữu, và gia đình. Có rất nhiều bài thơ về mùa thu. Tôi nghĩ những người yêu mùa thu và viết về mùa thu là những người có tâm hồn mẫn cảm, thấy được sự thay đổi của vũ trụ bên ngoài, từ đó chiêm nghiệm tính phôi pha của nhân sinh, của vạn vật, từ đó giá trị tất cả những gì mình có được trong tầm tay. Thơ mùa thu của Duyên cũng không ngoài việc hướng người đọc đến sự mong manh và nhất thời đó của cuộc sống.
Duyên có lối viết thơ như một người kể chuyện, giản dị miêu tả như câu chuyện đang là, như đang xảy ra, cho dù đối tượng là sự vật, thiên nhiên hay con người. Lối diễn đạt tự nhiên ấy tạo cho thơ Duyên một sự lôi cuốn đặc biệt đến người đọc, khiến ta thấy thân thuộc như chính mình đang trải nghiệm. Lời thơ thân ái, dịu dàng, chữ dùng trong sáng khiến người đọc dễ dàng bắt được mạch thơ như sợi dây liên ái về cái đẹp, sự đằm thắm của tình người, mối tương lân với thiên nhiên cùng cảnh vật quanh ta.
Xin đọc một đoạn bài thơ “lá thu rơi” của Duyên:
có em
ngày đầu mùa thu cũ*
trong gió thu se lạnh
lịm hồn
bên khung cửa
lặng nhìn chiếc lá vàng. rơi
một mình...
đọc O’Henry, The Last Leaf
ước mơ. mơ ước...
chiếc lá vàng nhoè dần
trong nắng sớm
ơi mùa thu cũ. đã xưa...
vẫn tìm về
mỗi độ, lá thu rơi...
(lá thu rơi)
Một bài thơ khác khi nhớ về quê cũ cùng với quá khứ buồn thảm, qua màn mưa:
mưa tuôn ra biển cả
vào thái bình dương
về chốn xưa. tìm dấu chân trên cát…
tất cả đã tan. chìm trong đáy nước
cố xóa đi một quá khứ. buồn…
con còng đỏ ẩn mình trong cát trắng
chứng cớ cuối cùng…
nước. không thể cuốn đi…
(những cơn mưa)
(những cơn mưa)
Một ghi nhận đáng nói đến, Duyên thường viết những câu thơ ngắn, tiết điệu bất thường, ngắt dòng đột ngột với dấu chấm bất ngờ ở giữa câu. Điều đó tạo một nét riêng của thơ Duyên. Tôi mường tượng nhà thơ như một quan sát viên đang bước, mang mang hồn thơ, bỗng khựng lại vì một nhịp đập khác tự đáy lòng. Từ đó có những dấu chấm, từ đó có những khúc ngắt, mà thật ra tất cả là một chuỗi ý, lời đang cùng nhau chạy đua với cường độ khác nhau. Vâng, đó là Duyên, những hạnh ngộ tôi bắt gặp trong thơ cũng như ngoài đời.
Lê Chiều Giang
Tôi quen biết với nhà thơ Chiều Giang qua một đôi lần gặp mặt sinh hoạt văn nghệ ở quận Cam. Hai năm trước nhân có nhà thơ Hoàng Xuân Sơn từ Canada qua chơi, tôi có mời chị Chiều Giang đến nhà cùng với một số bạn bè khác. Từ San Diego chị đã bắt metro, rồi Uber đến nhà tôi. Chị đã ngâm thơ, hát cho chúng tôi nghe, và nâng ly cùng chúng tôi. Thế rồi khi cuộc vui chưa tàn, khi men chưa kịp thấm môi, chị phải hối hả ra về cho kịp chuyến tàu chót về San Diego. Chúng tôi thật cảm động và nhớ mãi thịnh tình chị đã dành cho bạn bè, không quản ngại xa xôi. Tôi có ấn tượng từ hôm đó chị là một người khi làm việc gì là sẽ hết lòng với việc đó.
Quả vậy, đọc những bài thơ của chị trong tập thơ, tôi thấy được sự quyết liệt, đánh thẳng và đánh ngay vào trọng tâm của vấn đề không nhân nhượng.
Thử đọc một đoạn của bài thơ “Bỏ nhà”:
Cánh cửa
Sầm. Đóng lại
Chìa khóa? Quăng lên trời.
Ta.
Bước chân phiêu bạt
Tay không,
bầy cuộc chơi.
Lưu linh?
Ờ, lưu linh
Tản Đà?... Ta chấp hết !
Cafe?
Dạ, Khổng Tử
Ngàn ly, chưa thấm tháp
Mắt sắc như kiếm dao
Chém chơi, vài
Phạm Thái...
Đàn đứt dây lỗi nhịp
Hết hơi, đêm chưa tàn
Ta hát lời ly biệt
Tử Kỳ. Chết
dưới trăng
(Bỏ nhà)
Tôi mường tượng một người ngang tàng, bỏ hết tất cả, cất bước ra đi. Đi đâu? Không cần biết. Đi về hố thẳm, nếu ta mượn ngôn ngữ của Phạm Công Thiện để nói lên nét bi hùng và bi tráng của một con người tuyệt vọng trước những chán mứa của cuộc đời. Đọc bài thơ làm tôi nổi ụ da ốc vì ngôn ngữ mạnh mẽ, có lúc kịch liệt tận cùng như để cho độc giả cảm nghiệm được cái phi lý của phận người, của sự lựa chọn, khi sự lựa chọn nào cũng dẫn đến cô đơn và bế tắt. Bàng bạc trong thơ Chiều Giang là sự phản kháng, phản kháng tột độ, phản kháng tới cùng. Phải chém hết cái sự đời sao mãi đẩy ta vào ngõ cụt. Đứng mãi trong tranh như một người mẫu với sự trầm trồ giả tạo của nhân gian, hay bước ra khỏi tranh để đối diện với thực tại, để sống đúng như bản thể chân thật của chính mình như lời chị viết trong bài thơ “Đầu hàng”. Thơ Chiều Giang biểu hiện sự cấu xé, dằn vặt giữa hai tâm thế: ở mãi trong tranh, an toàn trong phù phiếm nhất thời hay bước ra để thấy mình bị quật ngã và vùng đứng dậy trên đôi chân của chính mình. Có lẽ Chiều Giang đã bắt gặp chính mình bước ra và bước vào trở lại tranh rất nhiều lần. Nhà thơ khát khao một sự cảm thông, một mối luyến ái gần như vô vọng trong kiếm tìm.
Hãy nói ra lời. Dù
Trong im vắng
Để ta được nghe chút thanh âm
Đừng nhìn nhau bằng ánh mắt lặng câm. Như
Tưới rượu đầy thơ nhưng
Uống toàn…
Nước lã
(tửu lượng)
Ai trong chúng ta không có những phút giây xung đột trong hành trình đi tìm nghĩa lý của nhân sinh khi phải đối đầu với sự phi lý và dửng dưng của cuộc đời trước mặt? Bên cạnh sự giằng co và mâu thuẫn đó ta cũng bắt gặp được những phút giây yếu lòng và lãng mạn của người thơ Chiều Giang, rất người và rất thơ,
Đứng giữa nắng mưa
Ngày sắp hết
Bình bát ta
Đầy.
Những bóng trăng
(sa di)
Đọc thơ Chiều Giang ta không khỏi bàng hoàng, ray rứt như nghe kể lại những kinh nghiệm của chính mình ở một thời khắc này hay ở một hoàn cảnh khác. Đánh động lòng chúng ta như những tiếng nấc nghẹn giữa đêm khuya. Thật ra, có tuyệt vọng, có phản kháng, có yêu thương, có ước vọng, tất cả đều nằm trong sự sáng tạo mà nhà thơ muốn hướng tới: cái đẹp của Chân, Thiện, Mỹ.
Nguyễn Thị Khánh Minh
Cuối cùng xin nói đến nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, cuối cùng nhưng trang trọng không kém!
Như đã kể khi nãy, nhà thơ Khánh Minh và tôi cùng lớn lên ở Nhatrang. Không ngờ hơn 50 năm sau gặp lại, cô bé năm nào ở ngôi nhà đường Đống Đa, Xóm Mới, Nhatrang bây giờ đã là một thi sĩ lẫy lừng, danh tiếng từ hải nội ra đến hải ngoại. Khánh Minh đã có gần 20 tập thơ, văn xuất bản, và mới tuần trước ra mắt một tuyển tập đặc biệt của khoảng 40 nhà văn nhà thơ trong và ngoài nước phê bình và nhận định về thơ văn của Khánh Minh. Tôi cho đó là một công trình sáng tác thật đồ sộ, đáng nể và đã được đánh giá rất cao từ nhiều văn nghệ sĩ khác.
Tôi nhìn ký họa chân dung nhà thơ Khánh Minh của BS Đỗ Hồng Ngọc vẽ trong tập thơ với lời ghi chú:
tôi nhìn em
thục nữ
tại sao mà làm thơ?
(Đỗ Hồng Ngọc)
Tại sao mà làm thơ? Tôi nghĩ có lẽ thơ là lẽ sống của Khánh Minh. Tôi bắt gặp trong thơ Khánh Minh suốt cuộc bình sinh sống chết với Thơ, cật lực hít thở Thơ, nhà thơ Khánh Minh viết như thế này,
Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời
(Phút mong manh giữa những từ)
Thơ Khánh Minh nói rất nhiều đến bóng và chiêm bao. Bóng ở đây phải hiểu là một ẩn ngữ. Bóng chính là vai ảo nhà thơ mặc vào để nhảy ra khỏi chính mình. Ta thành người quan sát về chính chủ thể. Ta hiện hữu trong khiếm diện. Bóng là hóa thân để tầm nhìn tổng quan hơn trong biển dâu hàm hỗn dưới ánh mờ nhạt của phong trần.
Từ đó, thơ luồn phong ba dồn dập, thơ ghé bầu khí hậu bàng bạc cô đơn, thơ đưa người vào mơ. Để làm gì? Để mơ với mình thành một.
Ngôn ngữ tôi nghe một lần
trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực
sống…
(Khoảnh khắc giấc mơ)
hoặc,
Hãy nhìn em cho em thấy ánh nắng
Vì em sợ
Bóng tối sẽ nuốt chửng những giấc mơ
(Nói nhỏ)
Hy vọng hay thất vọng, Khánh Minh vẫn tinh tế thấy một xếp đặt, luôn luôn ở đó. Sự xếp đặt mang tên hạnh phúc hay khổ đau. Hãy tin đi, có thể gọi là bất ngờ, nhưng thật ra không phải, bởi chưng mọi hiện hữu đều có lý do của nó. Không nói ra, Khánh Minh nhắn nhủ đến một chữ duyên chăng?
Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa…
(Hy vọng)
Hành trình thơ là một hành trình tìm về tuyệt đối đối với Khánh Minh. Không chấp nhận dễ dãi, chữ nghĩa chọn lọc vì thơ là mạch sống của chính bản thân nhà thơ. Tưởng là với đến được, ngỡ là đã đến đích, nhưng không, Khánh Minh luôn luôn tự khó tánh với chính mình, thấy điểm hẹn với thi ca vẫn tiếp tục di chuyển ngoài tầm tay. Nên mãi hoài vẫn là phút giây vươn mình và dang tay với…
Bài thơ hoàn tất. Là một điểm hẹn quyến rũ
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Là lúc đóa hoa đang nở. Đang tỏa hương
Tôi có gì đâu phải vội
(Phút mong manh giữa những từ)
oOo
Tôi vừa phác thảo sơ lược, rất sơ lược tập thơ tuyển của 3 nữ sĩ Duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Đó là một sự kết hợp diệu kỳ của những cõi thơ rất riêng rẽ. Vô hình trung, sự tập hợp của họ như vẽ lên một dòng sông lớn, sông Cửu Long lớn nhất nước ta. Từ sự êm ả yêu thương, vỗ về từ nước thượng nguồn Tây tạng ở thơ Duyên, sông chảy xiết qua bình nguyên với cuồng lưu phù sa bờ bãi trong thơ Chiều Giang, để cuối cùng đổ về Thái Bình Dương với những đợt sóng ngầm suy nghiệm nhân sinh bằng thơ Khánh Minh.
Không hẹn mà tam đại cô nương qua tập thơ đã vẽ ra một bức tranh của cuộc đời, hàm chứa hai mặt của yên bình và bão dữ, của hạnh phúc và khổ đau. Cứ nhìn họ bề mặt là những nữ sĩ đằm thắm phong lưu, thế mà bên dưới là diệm sơn bốc cháy của đam mê sáng tạo, thật đáng nể vì.
Một lần nữa xin chúc mừng 3 nhà thơ Duyên, Chiều Giang và Khánh Minh, chúc 3 bạn thành công rực rỡ với tuyển tập thơ mới này. Xin cám ơn tất cả quý anh chị.
-- Vũ Hoàng Thư
3/29/2025
Hình ảnh (Phan Tấn Hải):

Nhà thơ Lê Chiều Giang đang phát biểu và đọc thơ


