“TỨ NHƯ Ý TÚC”
Thích Nữ Hằng Như
Tứ Như Ý Túc, là pháp hành thứ ba, đứng sau Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần. Sau Tứ Như Ý Túc là Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo, thuộc 7 hành phẩm trong 37 phẩm trợ đạo do Đức Đạo Sư giảng dạy. Hai phẩm đầu Tứ Niệm Xứ và Tứ Chánh Cần nghiêng hẳn về phần phát triển trí tuệ hơn là định. Để cân bằng hai mặt định và tuệ, Tứ Như Ý Túc là pháp tu tập để tâm hành giả không bị tán loạn.
Tứ: Là bốn, Như ý: Là vừa ý, hài lòng, thỏa mãn, toại nguyện, không cần thêm cái gì nữa. Túc: Là đầy đủ, tròn đầy, viên mãn. Đức Phật dạy có bốn điều cần phải học tập và thực hành để được Như Ý Túc, đó là Dục Như Ý Túc, Cần Như Ý Túc, Tâm Như Ý Túc và Quán Như Ý Túc .
Tứ Như Ý Túc là bốn nền tảng căn bản vững chắc, là nơi nương tựa phát sinh ra các thứ công đức thiền định cho hành giả, và kết quả của chúng thành tựu như ý muốn của người tu tập, nên còn được gọi là Tứ Thần Túc. Thần đây là thần kỳ, linh diệu, người ta hay gọi là thần thông. Thần thông là khả năng đạt được những điều vi diệu, khó khăn, ngoài tầm tay, mà hành giả mong muốn đạt được. Ví dụ như muốn định có định, muốn tuệ có tuệ, muốn giải thoát có giải thoát....
Qua sự thành tựu của Bồ tát Siddhattha cũng như các vị Thánh đệ tử của Đức Phật. Ban đầu họ cũng chỉ là những con người thường, nhờ ý chí (chanda) tu tập, mà từ con người phàm phu trở thành những bậc Thánh có khả năng thành tựu thắng trí, hóa hiện thần thông như: Túc mạng thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Biến hóa thần thông ... cho thấy khả năng của con người thật là vô hạn, nếu biết cách áp dụng các phương tiện tu tập theo lời Phật dạy.
II. THÀNH PHẦN VÀ NỘI DUNG CỦA “TỨ NHƯ Ý TÚC”
1) Dục như ý túc: Dục tiếng Phạn là Chanda, có nghĩa là sự mong muốn, ý chí tha thiết, mãnh liệt, cho dù có trở ngại xuất hiện cũng không ngăn chặn được ước muốn đó. Nếu như ước muốn trở nên yếu ớt, lui sụt khi gặp chướng ngại, thì đó không phải là “Dục như ý túc”.
“Dục như ý túc” là ước muốn nung đốt bằng nhiệt huyết, bằng nguyện vọng tha thiết làm một việc gì, hay thủ đắc một việc gì, chẳng hạn như một người mong muốn xuất gia trở thành một vị Tỳ-kheo. Hay một người tu mong muốn chứng đạt các tầng thiền, hay chứng đạt được Niết-bàn. Tất cả những mong muốn chân thành hướng thiện một cách quyết liệt đó, đều nằm trong lãnh vực của “tâm sở ý chí ”, là chanda, là “dục như ý túc”.
Dục này khác với loại dục tham lam, đầy khát vọng, mong muốn được thỏa mãn ngũ dục của bản ngã đó là: tài, sắc, danh, thực, thùy... là lòng khao khát mãnh liệt không bao giờ đủ, đối với những thứ thuộc về vật chất như tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những thú vui nhục dục. Tham dục này bao gồm ba thứ độc tố tham, sân, si, đưa đến phiền não, khổ đau luân hồi sanh tử. Đức Phật dạy muốn đạt giác ngộ trên con đường tu tập, hành giả phải từ bỏ thứ tham dục này.
“Dục như ý túc” là dục hướng thượng, là ý chí muốn thoát khỏi luân hồi sinh tử, muốn thành tựu Chánh đẳng chánh giác, giống như Bồ tát Siddhattha khi ngồi dưới cội Bồ đề đã phát ra lời thệ nguyện “thà thịt nát xương tan, nếu không thành tựu chánh giác thì không rời khỏi cội Bồ đề này”. Ước nguyện dũng mãnh này mới chính là “Dục như ý túc”. Cho nên trong tất cả mọi lãnh vực, Dục là điều kiện đưa tới sự thành công, vì với người có ý chí dũng mãnh, tất cả mọi sự việc đều có thể thực hiện được.
Ở đây Dục câu hữu với Định. Hành giả ước muốn đạt được Định thì bằng mọi giá phải tu tập cho đến khi nào đạt ý nguyện mới thôi, chứ không phóng túng bỏ ngang nửa chừng. Quyết tâm thực hành tu tập cho đến khi thành tựu pháp tu, thì Dục này mới được gọi là “Dục Như Ý Túc”.
2) Cần như ý túc: Là nỗ lực, siêng năng, cần cù, còn gọi là “tinh tấn như ý túc”. Một người cần cù nỗ lực là người giữ vững ý chí, quyết theo đuổi đến cùng ước muốn ban đầu cho tới khi đạt được mục tiêu của mình mới thôi, thì đó mới là “cần như ý túc”. Ví dụ như hành giả phát tâm muốn tu thiền thì cố gắng hành trì theo đúng chánh pháp cho đến khi định phát sanh. Thiền định phát sanh nhờ vào sức tinh tấn chuyên cần nỗ lực tu tập. Khi đã có ước muốn dù hướng thiện, tốt đẹp như thế nào đi nữa, mà không nỗ lực tu tập, nghĩa là thiếu sự tinh tấn dũng mãnh thì ước muốn đó mãi mãi cũng chỉ là ước muốn suông mà thôi!
Chúng ta nhớ rằng, tinh tấn cần cù, không phải chỉ là sự hăng hái, siêng năng bồng bột nhất thời trong chốc lát, như sự bốc cháy của ngọn lửa bén rơm rồi nhanh chóng tắt lịm. Tinh tấn là nghị lực tu tập mạnh mẽ, thường hằng, không bao giờ gián đoạn cho đến khi thành tựu ước nguyện thì mới gọi là “Cần như ý túc” hay “Tinh tấn như ý túc”.
3) Tâm như ý túc: Tâm như ý túc là sự chuyên chú gắn bó với pháp tu không để tâm tán loạn bởi năm triền cái: tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ. Tâm chỉ mãn nguyện thanh thản khi nào thấm nhuần những vấn đề liên quan đến thành tựu pháp tu.
Ở đây Tâm câu hữu với định. Hành giả muốn đạt nhất tâm tức đạt định thì phải chú tâm chánh niệm, cho đến khi nào đạt ý nguyện mới hài lòng, chứ không phải lúc tập, lúc không, như ấm nước chưa sôi đã vội tắt bếp, khi nước nguội rồi lại vặn lửa nấu tiếp. Cứ thế làm mãi, nước sẽ không bao giờ sôi. Cũng vậy người tu thiền, nếu không tinh tấn chuyên cần thì tâm sẽ không bao giờ đạt định.
4) Quán như ý túc: Thiền định phát sanh nhờ sức mạnh của sự quán sát, tư duy chân lý Phật dạy. Nương vào sức mạnh tư duy quán sát nên phát sanh định lực. Quán nghĩa là dùng trí tuệ sáng suốt quan sát pháp mình đang tu. Trí ấy do tâm chuyên nhất mà phát sanh, trí ấy là trí thanh tịnh khách quan. Vì trí thanh tịnh cho nên nó có thể thông đạt hiểu rõ như thật về chân lý của vũ trụ và có năng lực phá tan tận gốc vô minh. Triệt tiêu được vô minh thì không còn tạo nghiệp nữa và ngay khi đó trí tuệ hiện phát.
Sâu sắc hơn, quán hay tuệ như ý túc, là một loại trí suy ngẫm về sự thống khổ cùng với phương pháp thoát khỏi khổ, không còn cảm thấy vui thích với khoái lạc của trần gian. Người ấy chỉ hài lòng với pháp giải thoát thâm sâu vi diệu. Nếu như ước nguyện của hành giả càng to lớn cao cả bao nhiêu, thì trí này khi thành tựu sẽ càng thâm sâu vi diệu bấy nhiêu!
III. KẾT LUẬN
Dục, Cần, Tâm, Quán được gọi là Tứ Như Ý Túc hay Tứ Thần túc, vì đây là bốn phương tiện giúp hành giả đắc được các tầng thiền Định, như ý muốn.
Trước hết, do tự tâm tha thiết mong muốn thành tựu pháp tu, đó là “Dục như ý túc”. Để đạt được ý chí đó, hành giả phải kiên trì nỗ lực tu tập cho đến khi thành tựu viên mãn thì đó là “Tinh cần như ý túc”. Nhờ tu tập thiền Chỉ, dẹp tan mọi dao động, mọi tán loạn, nên phiền não trong tâm biến mất, đạt được Nhất tâm (chuyên nhất), tức “Tâm định”. Như vậy, hành giả đạt được “Tâm như ý túc”. Khi tâm được yên lặng, hành giả chuyển sang quán pháp. Quán pháp là quan sát nhận diện các pháp xuất hiện trong hay ngoài tâm. Nhờ sức mạnh của quán mà đạt được định và phát sinh trí tuệ. Trí tuệ này có năng lực phá tan tận gốc rễ vô minh. Người tu hành đạt được mức này thì tự thân vị ấy có đầy đủ định-huệ đồng thời để tự độ mình và độ chúng sanh, chứ không chờ đến khi chứng được lục thông mới được tự do tự tại.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Ngày 23/2/2025 An Cư Kiết Xuân tại Thiền Viện Chân Như, TX)