NHẬN DIỆN “NĂM TRIỀN CÁI”
I. DẪN NHẬP
Đức Phật đã từng xác định pháp tu Tứ Niệm Xứ là “Con đường độc nhất đưa đến: Thanh tịnh chúng sanh; Vượt khỏi sầu não; Diệt trừ khổ ưu; Thành tựu Chánh trí; Chứng ngộ Niết-bàn”. Người nào muốn đạt được năm điều lợi ích nêu trên, thì người ấy phải học và thực tập những gì Đức Phật dạy trong bài kinh này. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy hành giả thiết lập Chánh niệm trên bốn lãnh vực Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Các bài trước, người viết đã lần lượt giới thiệu các phần quán Thân, quán Thọ và quán Tâm. Nay, xin mạn phép chia sẻ đề tài thứ tư là “Quán Pháp trên các Pháp”
II. Ý NGHĨA VỀ TỪ “PHÁP”
Từ “Pháp” trong giáo lý nhà Phật được hiểu là tất cả những gì thuộc về nhân sinh và vũ trụ, tinh thần và vật chất, tâm lý và vật lý. Pháp chia làm hai nhóm: Tâm pháp và Sắc pháp. Tâm pháp là những pháp trừu tượng không có hình tướng nhưng có tri giác, thí dụ như: “Suy nghĩ, vui, buồn, phiền não, thương, ghét v.v”. Sắc pháp có hình tướng nhưng không có tri giác, thí dụ như: “Cái bàn, cái ghế, cái nhà, phòng học, chiếc xe, bình bông v.v... “
Về ý nghĩa “Pháp” tạm có hai nghĩa chính, đó là Phật pháp và Vạn pháp.
1) Phật pháp: Là những chân lý thường hằng trong vũ trụ đã được Đức Phật nhận ra và giảng dạy nhằm giúp chúng sanh giác ngộ, thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chẳng hạn như các đặc tính của hiện tượng thế gian là “Vô thường-Khổ-Vô ngã, Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế), Duyên khởi Duyên sinh” hay những phương pháp tu tập để chứng nghiệm trên thân tâm hành giả như: “Chú tâm cảnh giác, Chánh niệm tỉnh giác, Không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, Thu thúc lục căn, Văn-Tư-Tu, Giới-Định-Tuệ, Thiền Chỉ, Thiền Quán, 37 phẩm trợ đạo v.v...”
Pháp học và pháp hành do Đức Phật giảng dạy, hiện còn ghi lại trong Tam tạng kinh điển (Kinh, Luật, Luận). Tất cả đều là Pháp mà là Pháp Phật, được tôn xưng là Pháp bảo, tức một trong ba ngôi Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo).
2) Vạn pháp (Hiện tượng thế gian): Là tất cả mọi hiện tượng thế gian, cái gì, cái chi... cũng gọi là pháp. Thí dụ như con người là một pháp, con vật là một pháp, sợi tóc là một pháp, cái nhà là một pháp, cái ghế là một pháp, chiếc xe là một pháp, cây xoài là một pháp, cây bưởi là một pháp, suy nghĩ, buồn, vui, thương, ghét, mỗi sự kiện, mỗi hiện tượng v.v... đều là một pháp. Nói chung bất cứ thứ gì trên thế gian này mà giác quan tiếp xúc được thì gọi là pháp. Và thế gian thì có vô số pháp nên kinh gọi là Vạn pháp.
III. QUÁN “PHÁP TRÊN CÁC PHÁP”
“Quán Pháp trên các Pháp” nghĩa là quán bất cứ pháp nào xuất hiện trên thân tâm của hành giả. Nhưng trong kinh Tứ Niệm Xứ, không phải pháp nào cũng quán, Đức Phật chỉ dạy chúng sanh quán các pháp đưa đến sự giác ngộ giải thoát cho người tu tập như: Năm triền cái, Năm uẩn, Sáu nội-ngoại xứ, Thất Bồ đề phần (Thất giác chi), Tứ đế. Quán ở đây là ghi nhận sự xuất hiện của một pháp nào đó diễn ra trên thân tâm của hành giả, từ khi nó bắt đầu sanh khởi đến khi nó chấm dứt. Đức Phật hoàn toàn không đưa ra phương pháp đối trị, dập tắt hay nuôi dưỡng, mà chỉ “minh sát” nghĩa là soi sáng thực tại đối tượng. Khi hành giả “tuệ tri” được nó, thì nó biến mất. Ngay khi đó, hành giả nhận ra được bản chất tự “sinh diệt” của pháp đang quán. Pháp đầu tiên Đức Đạo Sư dạy quán trong kinh Tứ Niệm Xứ là pháp “Năm Triền Cái”.
IV. “NĂM TRIỀN CÁI” LÀ GÌ?
Muốn quán đề mục “năm triền cái” chúng ta cần hiểu “triền cái” là gì thì mới quán được. “Triền” có nghĩa là trì kéo, trói buộc, khiến mình không thoát ra khỏi sự nặng nề của nó. “Cái” là cái lộng hay cây dù che lắp, cản trở khiến cho tâm mình mù mờ, không sáng suốt. Nó là chướng ngại lớn khiến hành giả tu thiền không thể đắc định. “Triền cái” gồm năm món: Tham, Sân, Hôn Trầm-Thụy Miên, Trạo cử-Hối quá và Nghi ngờ.
Tham tiếng Pali là “Chanda”có nghĩa là mong muốn, ước nguyện, động lực, thúc đẩy. Tham dục này có khi thiện, có khi bất thiện, có khi không thiện cũng không bất thiện, tùy theo cái Tâm mình đi kèm. Thí dụ: Ham tu, ham học Phật pháp, ham làm việc thiện. Đó là tham dục, nhưng là dục tốt. Cũng vậy, trong 37 phẩm trợ đạo có phẩm “Tứ như ý túc” gồm bốn yếu tố: Dục, Cần, Tâm, Quán. Yếu tố đầu là: “Dục như ý túc” là một loại dục cực mạnh. Nhờ có dục (ước nguyện) thanh cao, muốn đạt được các tầng định hướng tới giải thoát giác ngộ ban đầu đó, mà về sau người tu chứng đắc được định. Dục này lại là thiện pháp. Còn tham lam muốn chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của người khác thì đó là dục xấu là bất thiện. Cho nên dục cũng có nhiều loại, chúng ta cần phân biệt hiểu rõ, để khi gặp tình huống ngoài đời chúng ta không bị lúng túng khi xử lý. Đặc biệt, trong đoạn kinh này, Đức Đạo Sư bàn đến ái dục và xem “ái dục là một triền cái”. Vậy ái dục là gì?
1) Triền cái thứ nhứt là “Ái dục”: Tiếng Pali là “tanhã” (dưới chữ “n” có dấu nặng) nghĩa là “ lòng khát khao ham muốn được thỏa mãn sự đòi hỏi của năm giác quan” về điều gì đó thuộc phạm vi tài, sắc, danh, thực, thùy trong đó có thú vui nhục dục... Dính với Ái dục là dính với phiền não. Tại sao? Vì lúc nào mình cũng sống trong lo sợ mất mát đối tượng mình yêu thương luyến ái. Muốn rời bỏ tâm ái dục này thật là khó, bởi con người ta sống với tâm ái dục này từ nhiều đời nhiều kiếp, đến đời này nó đã trở thành kiết sử trói buộc thân tâm mình, cho nên mình cảm thấy luyến ái là chuyện bình thường, thậm chí nó làm mình đau khổ, mình cũng chấp nhận...
Thí dụ như có một ngày con mình không may gặp nạn, thì mình lo lắng, sợ hải vô cùng, vì mình thương yêu nó. Còn như nghe tin con người khác gặp nạn thì mình không lo lắng nhiều như lo cho con mình. Lo lắng, sợ hãi là tâm trạng của phiền não, đau khổ. Hay là chồng/vợ của mình có tình ý với người khác thì mình ghen tuông đau khổ vì mình bị dính với hai chữ “luyến ái”, chứ người không quen biết thì họ làm gì cũng mặc kệ. Hoặc mình sẽ khổ sở vô cùng nếu tài sản tiền bạc của mình bị thất thoát, còn người khác bị mất mát cái gì... thì đó không phải là nỗi lo của mình. Khi mình đam mê, luyến ái với cái gì rồi thì khó mà buông bỏ, cho nên ái dục hay khát ái là những yếu tố căn bản của phiền não khổ đau, là nguyên nhân đưa đến luân hồi sinh tử triền miên.
Vì thế Đức Phật cho rằng “ái dục là triền cái”. Triền cái vì nó ngăn che không cho tuệ giác mình phát huy. Nếu tuệ giác phát huy thì mình hiểu vạn vật đều vô thường, đủ duyên nó ở với mình, không đủ duyên thì nó ra đi. Vật chất, tài sản, tình yêu vợ chồng, tình thương con cái cũng không khác. Nếu hết duyên mình có làm gì, bi lụy ra sao, cầu khẩn thế nào thì cũng không giữ được.
2) Triền cái thứ hai là “Sân”: Giáo lý nhà Phật nhấn mạnh Tham, Sân, Si là ba pháp độc hại. Ba cảm thọ đó luôn xuất hiện đầu tiên trong mọi phản ứng của tâm. Những gì khiến ta khoái lạc, yêu thích, cứ muốn được mãi như vậy, đó là tâm Tham. Ham thích điều gì mà không được thỏa mãn thì cảm thấy bực tức, khó chịu thì đó là tâm Sân. Người ta thường nói “giận quá mất khôn” vì trong lúc nóng giận mình không kiểm soát được lời ăn tiếng nói và hành động tổn hại đến người và tổn hại ngay cả với chính mình.
Sân có hai mức độ. Mức độ thứ nhứt là sân xuất hiện ở trong tâm. Đó là sự buồn giận, tức tối, âm ỉ trong tâm. Mức độ thứ hai là cơn giận dữ bộc phát ra lời nói trách móc, than phiền, chưởi bới, hoặc hành động đập phá làm tổn thương người đối diện. Mức độ sân thứ nhứt tuy không làm tổn thương người đối diện, nhưng lại tổn thương chính mình. Vì sự buồn phiền, sân hận đó cứ âm ỉ trong tâm ngày này qua ngày khác, sẽ khiến mình dễ mắc bệnh trầm cảm. Có câu nói “Hận này đến chết vẫn mang theo”. Nếu thực sự một người sắp chết mà tâm vẫn còn mang mối hận thù với ai đó, thì thật là nguy hiểm, vì người đó sau khi chết sẽ bị sanh vào một trong ba đường ác.
3) Triền cái thứ ba là Hôn trầm-Thụy miên: Hôn trầm-thụy miên là trạng thái tâm mê mờ, tăm tối, luôn cảm thấy người nặng nề, làm biếng, dả dượi, không muốn làm, không muốn học... chỉ muốn thả trôi mọi việc. Người bị hôn trầm trong lúc ngồi thiền cảm thấy lơ mơ, lờ đờ, không rõ biết gì cả, đến khi ngủ gật, mới giật mình tỉnh giấc. Để trị được hôn trầm phải có sự tỉnh giác. Tỉnh từng giây, từng phút, từng giờ, rồi từng ngày và đến cuối cùng là tòan giác. Muốn tỉnh giác chỉ có một cách duy nhất là phải thực tập quan sát.
4) Triền cái thứ tư là Trạo cử / hối quá : Trạo là nhô lên, trồi lên. Cử là di động, nhúc nhích. Trạo cử là sự xao động bất an trong tâm, biểu hiện ra ngoài thân và lời nói. Cho nên trạo cử có ba loại: Thân trạo cử, miệng trạo cử và ý trạo cử. Còn hối quá là sự hối tiếc.
- Thế nào là thân trạo cử? Đó là người đứng ngồi không yên. Khi đứng thì ỏng a, ỏng ẹo, nhúng nha nhúng nhảy. Mắt không nhìn thẳng mà liếc ngang liếc dọc. Khi ngồi thì gỏ tay lên bàn hay trên thành ghế. Còn chân thì nhúc nhích rung đùi không yên. Đó là thân trạo cử. Miệng trạo cử là không im lặng được. Không nói thì không chịu được. Người ta vừa mở miệng là mình nhảy vô liền, hoặc người ta nói chưa hết câu là mình chận lại giành nói. Sở dĩ miệng trạo cử ưa nói năng là tại vì tâm trạo cử. Tâm trạo cử là tâm không an trú trong pháp quán, tâm suy nghĩ lung tung hết chuyện này đến chuyện khác, hết chuyện mình đến chuyện người, hết chuyện quá khứ, hiện tại và chuyện chưa xảy ra ở tương lai, đó là tâm trạo cử. Có một từ khác tương đương với trạo cử là phóng dật. Phóng dật là phóng tâm xa lìa đề mục tu tập. Người có tâm phóng dật là người bị thất niệm.
Còn “hối quá” là sự hối tiếc dày vò khiến tâm luôn phiền não. Lưu ý “hối quá” khác với “tàm quý”. Tàm quý là người phạm lỗi, biết xấu hổ, hối hận, thành tâm sám hối và tự hứa sẽ không tái phạm. Còn “hối quá” là hối hận, hối tiếc những việc làm có khi tốt có khi xấu. Thí dụ như thời gian qua thích cái này, thích cái kia, mà không lấy, không mua, bây giờ muốn lấy muốn mua cũng không còn cơ hội, nên cứ tiếc nuối hoài.
5) Triền cái thứ năm là Nghi ngờ: Trạng thái Nghi ngờ là trạng thái tâm hoang mang, do dự, không quả quyết. Nghi ngờ pháp môn mình tu tập không đưa đến giải thoát giác ngộ. Hoặc là nghi ngờ chính bản thân mình không có khả năng tu tập pháp môn đang hành trì. Khi có bất cứ những loại nghi ngờ nào xuất hiện, hành giả cần phải tìm cách giải tỏa để tâm không còn hoang mang cản trở con đường tu tập của mình.
IV. QUAN SÁT hay NHẬN DIỆN “NĂM TRIỀN CÁI”
Năm triền cái là những pháp bất thiện vì nó cản trở việc tu tập của hành giả. Nó trói buộc, che lấp khiến cho tâm hành giả mù mờ không sáng suốt, tâm luôn dao động, không thể vào định được. Muốn đạt được định hành giả phải tập trung tâm vào một đối tượng để phát huy các thiền chi: “tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm” nhằm đoạn trừ năm triền cái: “tham, sân, hôn trầm-thụy miên, trạo cử-hối quá, nghi ngờ”. Nhưng đó là pháp tu thiền định. Còn thiền quán (Vipassana) trong kinh Tứ Niệm Xứ dạy rằng: Khi một trong năm triền cái sanh khởi thì hành giả chỉ ghi nhận, quan sát một cách đầy đủ tiến trình sanh, trụ, đoạn diệt của triền cái đó, mà không có sự tham dự của ý căn, ý thức hay trí năng, chỉ có cái biết của tâm thiền là tuệ giác tức chánh niệm mà thôi!
Kinh Trung Bộ, phẩm Tứ Niệm Xứ, phần quán Pháp, Đức Phật dạy như sau: “... Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo nội tâm có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi có ái dục”, hay nội tâm không có ái dục, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có ái dục”. Và với ái dục chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã sanh nay được đoạn diệt, vị ấy tuệ tri như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sanh khởi nữa, vị ấy tuệ tri như vậy.” * (hết trích)
Đức Phật dạy muốn thoát khỏi sầu não do ái dục gây ra, thì mình phải nhận diện ra nó bằng cách ngồi yên lặng nhìn vào trong tâm mình, xem ngay trong giây phút này, mình có đau khổ, có luyến ái khởi lên hay không? Nghĩa là mình có đang thương nhớ người này, thương nhớ người kia hay không? Mình có ham muốn cái này, ham muốn cái kia hay không? Nếu có thì mình phải nhận ra: “Đây là tâm ham muốn, đây là tâm ái dục!”. Ái dục đang sanh khởi. Mình biết là nó đang có mặt ngay lúc này. Hoặc ái dục không sinh khởi, thì lúc đó mình biết rằng: “ Ái dục không có mặt”, tức là ngay lúc này mình không bị khổ vì ái dục. Nếu thấy không có ái dục, thì “biết không có ái dục”. Hoặc ái dục nổi lên, rồi chấm dứt, thì cũng chỉ “tuệ tri như vậy”. Hay là ái dục đã đoạn diệt không còn khởi lên ở tương lai, thì cũng “biết như thế”.
Đức Đạo Sư dạy chúng ta nhận diện “ái dục” biết nó có mặt, hay không có mặt, sự nhận diện biết rõ đó gọi là “tuệ giác”. Khi chúng ta nhìn “ái dục” bằng “tuệ giác”, thì ngay lúc đó tuệ giác đang hiện hữu, chúng ta không bị những suy nghĩ tiêu cực đau buồn về đối tượng làm khổ mình, hoặc sung sướng phấn khởi khi niềm vui hạnh phúc khởi lên. Tất cả mọi thứ vui buồn tự nhiên rơi rụng ngay khi tuệ giác có mặt. Và cứ thế, tuệ giác phát sanh mỗi lúc một mạnh hơn.
Đó là cách Đức Đạo Sư dạy chúng ta đoạn trừ được triền cái “ái dục” bằng cách quan sát, chánh niệm, chứ không can thiệp dập tắt hình ảnh hay tư tưởng luyến ái đó ra khỏi tâm thức mình. Bởi nếu mình cố ý can thiệp bằng cách dập tắt nó, sẽ chỉ khiến tâm mình có cơ hội nổi sân.
Chúng ta cần nhớ là Tâm mình chỉ làm được một thứ trong một lúc thôi. Khi nó đang là niệm Tham thì không thể có niệm Tuệ. Chính vì thế mà Đức Phật dạy lúc nào chúng ta cũng giữ niệm biết. Đối tượng như thế nào nhận biết như thế đó mà thôi!
2, 3, 4, 5) Nhận diện các triền cái Sân hận, Hôn trầm, Trạo Cử và Nghi ngờ: Về cách quán sát các triền cái: Sân hận, Hôn trầm, Trạo cử và Nghi ngờ, kinh Tứ Niệm Xứ dạy cũng giống như cách quán triền cái Ái dục, nghĩa là hành giả chỉ cần chánh niệm liên tục trên các triền cái, từ khi nó sinh khởi cho đến khi nó tự tan biến, để nhận ra tánh “sinh diệt” của nó.
Ngoài những giờ tọa thiền. Hành giả cần thực hiện quán thân, tức giữ chánh niệm trên thân. Chánh niệm trong khi đi, trong khi đứng, trong khi ngồi. Bước đầu thực tập chánh niệm, tức luôn có cái thấy biết. Thí dụ: Biết đôi tay mình cử động. Biết đôi chân mình đi. Nghe giọng nói hay nghe hơi thở của mình thì đó là chánh niệm. Mỗi lần chánh niệm là mỗi lần tuệ giác xuất hiện. Chỉ có chánh niệm mới làm cho sự tỉnh giác phát sinh, và nó mới có thể đối trị lại năm triền cái.
Sau cùng Đức Phật đi đến kết luận: “ Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp. Hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.” (hết trích).
Những vị Tỷ-kheo nào quán năm triền cái như lời dạy của Đức Thế Tôn trong kinh Tứ Niệm Xứ, nghĩa là khi các bất thiện pháp đó có mặt, vị ấy an trú chánh niệm trên các pháp đó. Nhờ vậy mà tuệ giác (chánh niệm) ngày một phát triển mạnh mẽ hơn. Tuệ giác nhận diện bản chất sanh diệt của các pháp, nên vị ấy không còn nương tựa hay chấp trước một vật gì trên đời. Tại đây, Đức Phật xác định vị ấy sống quán pháp trên các pháp đối với năm triền cái.
V. KẾT LUẬN
“Năm triền cái” bị xem là năm pháp bất thiện, nó là những tập khí tùy miên nằm sâu trong tiềm thức. Khi đủ duyên nó trồi lên trì kéo, che đậy tâm thức khiến con người chịu nhiều phiền não, đã thế nó còn là nguyên nhân đưa đẩy con người tạo nghiệp. Rồi chính cái nghiệp này lôi kéo mình đi vào vòng luân hồi sinh tử. Cho nên, năm triền cái này dù ở dạng vi tế phát sinh nơi tâm, hay ở dạng thô, giận dữ thông qua nét mặt, lời nói, hành động... thì cũng cần phải được nhận diện rõ và xử lý theo lời Phật dạy bằng cách áp dụng phương thức “Nhiệt tâm-Tỉnh giác-Chánh niệm” trên triền cái xuất hiện. Đó là “Quán Pháp ”, là tu theo thiền Tuệ còn gọi là thiền Minh Sát (Vipassana).
Tu thiền Minh Sát là phát huy tuệ giác trong từ sát-na thời gian. Khi có một pháp thiện hay bất thiện xuất hiện trên thân tâm, chẳng hạn như một trong năm triền cái sanh khởi, hành giả an trú chánh niệm ngay trên triền cái đó. Khi triền cái biến mất, hành giả cũng nhận diện tâm đang không có triền cái. Nhờ an trú trong chánh niệm mà hành giả nhận diện tiến trình khởi sinh, tồn tại và biến mất của đối tượng. Từ đó, hành giả nhận ra đặc tính của các pháp là : “vô thường, khổ, vô ngã.” Tu tập thuần thục, hành giả tiếp tục nhận ra đặc tính “sanh-diệt” của hiện tượng thế gian.
Lưu ý: Chúng ta biết rằng trong tâm con người chỉ xuất hiện một niệm, nên khi niệm tuệ có mặt, thì ngay khi đó từng niệm tham, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi ngờ tự động rơi rụng. Đó là cách tu tập đoạn trừ năm triền cái, Đức Phật dạy trong bài kinh Tứ Niệm Xứ.
Trước khi tạm ngưng đề tài “Quán Năm Triền Cái”, người viết nguyện chúc các hành giả hữu duyên sớm thành tựu pháp tu theo lời Phật dạy. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ .
(Sinh hoạt ngày 04/5/25 với đạo tràng TTK. Houston, Texas)