Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - TÌNH BẠN NGÔ QUYỀN

29 Tháng Bảy 20183:18 CH(Xem: 15841)
GS. Lê Quý Thể - TÌNH BẠN NGÔ QUYỀN

                                                                           
Tình bạn Ngô Quyền.


hoingo3

Đã từ lâu tôi có ý định mượn trang Ngô Quyền để ghi lại những kỷ niệm khó quên và viết vài lời cám ơn tình cảm của các bạn đồng nghiệp đã dành cho tôi trong những năm tháng tôi dạy học tại Biên Hòa.

Tôi lưỡng lự mãi vì chữ nghĩa của tôi có giới hạn. Nay quyết định làm liều một phen. Nếu anh chị nào có đọc, xin ghi nhận ý tôi muốn gởi đến anh chị, còn những sai sót khác thì xin anh chị bỏ qua cho.

Tôi ra trường và bắt đầu dạy học từ năm 1962. Năm 1967 tôi được đổi về trường Ngô Quyền.

Tôi nhớ hôm lên Biên Hòa trình diện, tôi bước qua cửa sổ văn phòng và nhìn vào thì cũng đúng lúc ông hiệu trưởng nhìn ra. Thấy tôi, ông hiệu trưởng nói liền: “Thể, cậu phụ trách thể thao”. Đó là câu đầu tiên ông hiệu trưởng chào tôi. Ông biết rất rõ về tôi vì trước đây năm tôi học lớp đệ tam trường Quốc Học Huế, ông là thầy dạy môn sử địa và bốn năm gần đây lúc tôi dạy học ở Châu Văn Tiếp, Phước Tuy tôi đã một lần dẫn học trò lên quấy phá trường Ngô Quyền của ông. Sau đó tôi được nhận những giờ dạy của anh Lưu Chấn Thành. Anh Lưu Chấn Thành lúc đó bị bịnh, anh là bạn Đại học Sư Phạm cùng lớp với tôi nhưng tốt nghiệp sau tôi một năm và được chỗ dạy tốt hơn.

Tôi cũng nhớ hôm đầu tiên tôi bước vào phòng giáo sư. Mọi người nhìn tôi, trong đó tôi thấy có hai người quen biết từ bốn năm trước là anh Nguyễn Thất Hiệp và anh Phạm Ngọc Quýnh. Tôi tự giới thiệu và vui vẻ chào hỏi từng người.

Tuy là một người ra trường dạy học đã lâu năm nhưng tính tình của tôi rất khiêm tốn, ăn nói nhỏ nhẹ và muốn làm quen với mọi người. Tôi rất dễ hòa đồng với mọi người, luôn luôn tham gia những sinh hoạt học đường cũng như những vui chơi rượu chè cờ bạc với các đồng nghiệp. Tôi không phân biệt giáo sư già, giáo sư trẻ, giáo sư đệ nhất cấp hay giáo sư đệ nhị cấp. Nhưng tôi biết tôi có hai khuyết điểm. Với các nữ giáo sư đồng nghiệp, tôi luôn luôn xem là những người chị, ngay cả bạn học cùng lớp hồi tiểu học như chị Nguyễn thị Kim Còn tôi cũng một tiếng chị hai tiếng chị. Đối với các nữ đồng nghiệp tuổi trẻ thì tôi lại quá rụt rè nên cuối cùng cũng không làm nên cơm cháo gì. Cái khuyết điểm thứ hai là bao giờ tôi cũng giữ một khoảng cách khá xa giữa tôi và cấp chỉ huy, ngay cả người thầy cũ cũng vậy.

Anh Nguyễn Thất Hiệp là người đâu tiên đến với tôi. Anh hỏi tôi đã có chỗ ở chưa, tôi trả lời chưa. Thế là sau giờ học anh dẫn tôi về nhà trên đường đi vào nhà ga ở với anh. Anh là người dạy tôi đánh mạc chược. Anh lớn tuổi hơn tôi, tôi có cảm tưởng như anh coi tôi ngang hàng với người em Nguyễn Bát Tuấn của anh. Sau đó anh lập gia đình và đổi về Saigon, tôi vẫn liên lạc với anh và nhiều lần đến nhà anh chơi. Ngay sau 75, tôi vẫn còn đến nhà anh cùng với anh Nguyễn Bát Tuấn và hai ba thanh niên từ ngoài Bắc mới “di cư” vào, vừa đánh mạc chược vừa chửi đổng.

Người thứ hai đến với tôi là anh Lâm Tấn Văn. Tôi nhớ những ngày đầu sau giờ học buổi chiều, các anh Lâm Tấn Văn, Nguyễn Thất Hiệp, Nguyễn Bát Tuấn, Phạm Văn Dật và tôi cùng đi tắm sông Đồng Nai. Chúng tôi đến nhà ông hội trưởng hội phụ huynh học sinh ở cù lao, rồi nhảy xuống sông đùa giỡn với nhau cho đến lúc mệt nhoài mới chịu về. Anh Lâm Tấn Văn thích binh xập xám. Tôi nhớ có nhiều đêm chúng tôi phải đi gác trường, các anh Lâm tấn Văn, Lê Văn Túy, Nguyễn Văn Có và tôi vừa uống bia vừa binh xập xám, vừa nói chuyện trên trời dưới đất mà thấy đêm trôi qua quá nhanh. Trong những năm tháng ở trường Ngô Quyền anh Lâm Tấn Văn và tôi đã từng chia xẻ không biết bao nhiêu chuyện thầm kín khác. Tình cảm của chúng tôi càng đậm đà thêm sau bốn tháng rưỡi sống chung tại trại tù Tân Hiệp Biên Hòa. Sau đó tôi  phải bán xe hơi, xe vespa, rồi áo quần và cả sách vở để có tiền đánh... mạc chược. Đang lúc không biết phải bán cái gì tiếp thì anh Lâm Tấn Văn bảo lên gặp ông anh hiện là phó giám đốc công ty 471 ở Thủ Đức mà xin việc. Tôi được nhận vào làm ngay và nhờ đó tôi lại có tiền để nhậu nhẹt với bạn bè. Thật là khi khốn cùng mới thấy tình bạn là cao quí. Cách đây mấy năm tôi có gặp lại anh Lâm Tấn Văm cùng anh Trịnh Hồng Hải ở Saigon, anh Lâm Tấn Văn đi lại hơi khó khăn nhưng tôi thấy cả hai anh vẫn còn khỏe mạnh và vui đời.

Niên khóa 1968-1969, trừ các anh giáo sư biệt phái, các giáo sư khác đều đi nhập ngũ. Chúng tôi ở trại huấn luyện Quang Trung và thuộc một tiểu đoàn giáo chức gồm nhiều đại đội. Ở trong quân trường tôi mới thấy rõ tình cảm các bạn đồng nghiệp dành cho nhau. Sáng chú nhật nào được về thăm nhà, chiều quay trở lại, cả đám chúng tôi cùng đại đội là Kiều Vĩnh Phúc, Trần Thuần, Đinh Hữu Quyến, Hà Tường Cát và tôi tụ họp lại để thưởng thức những món ăn do anh Trần Thuần đưa vào, đó là gà hấp Hải Nam và cơm chiên Dương Châu. Trong chín tuần ở quân trường nầy hầu như không có một chiều chú nhật nào mà không được thưởng thức những món ăn anh Trần Thuần đưa vào. Sau nầy có lúc thèm quá, chúng tôi, có thêm Lê Hoàng Sang, Lâm Tấn Văn, kéo nhau đến nhà anh Trần Thuần để được thưởng thức lại món gà hấp Hải Nam và cơm chiên Dương Châu, đặc biệt lại có thêm một chai rượu vang nữa. Đó là cách đối xử với bạn bè của anh Trần Thuần, Anh Trần Thuần gốc Tàu, dạy Anh văn là một người bạn, một người thầy được mọi người quý mến.

Trong việc huấn luyện, môn chúng tôi sợ nhất là môn bắn súng Garant M1. Bắn chín viên đạn từ xa đến gần mục tiêu, ai bắn trúng mục tiêu chín phát là thiện xạ, ai bắn trật cả chín viên thi bị phạt. Tôi đã thấy một anh giáo sư Ngô Quyền ở đại đội khác bị huấn luyện viên phạt quì và nâng súng lên cao cả mười phút, sau nầy mới biết anh huấn luyện viên kia là học trò cũ trường khác của anh giáo sư bị phạt. Tôi được thiện xạ nhưng tôi biết tôi đã không bắn trúng mục tiêu chín lần mà người binh sĩ phụ trách cứ quay mục tiêu bất kể viên đạn cùa tôi đi đâu. Tại sao? Trước đó trong khi chờ đợi đến phiên mình, anh Đinh Hữu Quyến đã nói nhỏ vào tai tôi “đừng lo, đã có người lo cho cậu”. Sau nầy tôi có hỏi nhưng anh Đinh Hữu Quyến không chịu nói ai lo cho tôi. Vì là thiện xạ tôi được hưởng đặc biệt về phép tuần đó. Đó là tình bạn anh Đinh Hữu Quyến dành cho tôi, mấy ai mà được hưởng như vậy. Anh Đinh Hữu Quyến và tôi là người miền Trung, tôi có đến nhà anh chơi mới gặp được người bạn học ngày trước là anh vợ của anh. Sau nầy anh Đinh Hữu Quyến cũng dành cho tôi một bất ngờ khác. Năm đó tôi được giao phó phụ trách trung tâm Nguyễn Du trong kỳ thi vào lớp 6. Sau giờ thi buổi sáng, anh Đinh Hữu Quyến nhất định chở tôi đi ăn trưa. Lúc đó tôi nghĩ như mọi ngày chúng tôi ra chợ ăn cơm chỉ nhưng anh lại chạy vô ga. Anh dừng xe trước một căn nhà và một cô giáo viên ra chào và mời chúng tôi vô nhà ăn cơm. Cô giáo còn trẻ và khá xinh xắn. Chết cha tôi nghĩ anh nầy định làm mai mối gì đây. Chiều đến thi toán. Tôi thấy lại cô giáo hồi trưa và dừng lại định nói vài lời cám ơn thì thấy một cậu bé thí sinh đang chép lời giải bài toán từ một mảnh giấy nhỏ. Tôi vào tịch thu bài làm của cậu bé và đuổi cậu ra khỏi lớp. Cậu bé vừa chạy ra ôm cô giáo vừa khóc “chị, chị”.

 

Đại đội tôi có anh Hà Tường Cát. Vóc dáng của anh lúc đó và bây giờ cũng không khác nhau lắm, tuy vậy những hôm thực tập súng nặng anh luôn luôn tình nguyện vác súng nặng đi trước đại đội. Hôm thực tập bò dưới hỏa lực anh lại bị thương ở gót chân, nhưng tôi không biết vì đạn hay vì kẽm gai. Anh Hà Tường Cát không uống rượu nhưng rất mê mạc chược. Có nhiều đêm anh ghé chỗ tôi ở, đó là những đêm chúng tôi thức sáng đêm và hôm sau vào lớp người cứ lâng lâng như đi trên mây. Tôi còn nhớ khi các lớp đệ nhất A và B còn ở trên lầu dãy trước, một hôm ông tổng trưởng và phái đoàn bộ giáo dục đến thăm trường, tôi và anh Hà Tường Cát là độc nhất hai giáo sư “được” ông giám đốc giáo dục gởi thư... khiển trách. Anh Hà Tường Cát bị khiển trách về tội ra hành lang hút thuốc trong khi phái đoàn còn ở trong lớp học của anh. Tôi bị khiển trách về tội đứng trên bục cao bắt tay ông tổng trưởng đứng dưới thấp. Chúng tôi coi đó là những kỷ niệm một thời dạy học. Chúng tôi trở nên thân thiết vì cả hai cùng có một điểm giống nhau, đó là lo cho học sinh qua sinh hoạt học đường. Tôi thể thao, anh văn nghệ, chúng tôi làm việc không ngưng nghỉ trong bao nhiêu năm trời. Sau đó anh về làm việc cho bộ thông tin. Hôm tôi ra chấm thi ở Huế, anh đã liên lạc với ty thông tin Huế cho xe đưa đón tôi những ngày tôi ở đó.

 

Đại đội tôi còn có anh Kiều Vĩnh Phúc.

“Lúc đó anh cho là anh có may mắn được nhập ngũ chung với chúng tôi vì thật sự anh nói anh không đủ điều kiện. Anh không rượu chè, không cờ bạc, không hút sách và tôi nhớ không lầm thì anh chưa bao giờ tới chỗ tôi ở ở Biên Hòa, Anh sáng lên Biên Hòa dạy học và chiều về Saigon, anh là một giáo sư gương mẫu nhưng không quá nghiêm khắc. Anh và tôi có hai lối sống hoàn toàn khác nhau. Bây giờ nghĩ lại tôi không hiểu tại sao chúng ta lại trở thành hai người bạn thân như vậy. Có lẽ và có lẽ đúng tôi đã tìm đến anh vì anh là người mà tôi muốn trở thành. Anh đi du học Tân Tây Lan về rồi sau đó tôi có cơ hội đi coi thi với anh. Tôi nhớ hôm coi thi ở Mỹ Tho, anh và tôi cùng một số cô giáo viên ở Mỹ Tho đi thăm ông đạo dừa và anh khích lệ tôi nên ngỏ lời tán tỉnh một cô giáo trẻ xinh đẹp và tôi đã làm cho anh thất vọng. Lúc tôi tới trại tỵ nạn Pulau Bidong ở ngoài khơi Mã Lai thì hay tin anh vừa được đài BBC tuyển dụng và đã rời đảo. Sau đó tôi liên lạc được với anh. Năm 1990 tôi qua Âu Châu chơi và có ghé nhà anh ở ngoại ô thành phố Luân Đôn. Đêm đó anh và tôi đã chuyện trò quên cả thời gian và mãi sau 2 giờ sáng tôi mới bò về tới khách sạn ở trung tâm thành phố. Năm sau anh qua Mỹ và cùng anh Nguyễn Phi Long có ghé thăm tôi ở thành phố Garden Grove khi tôi còn thất nghiệp và anh ngỏ ý muốn tôi qua Luân Đôn làm việc chung với anh nhưng tôi đã từ chối liền. Sau nầy qua e-mail tôi mới biết anh nghĩ tôi giận anh vì nhà có xe mà anh quên đưa tôi về hôm tôi ghé thăm anh ở Luân Đôn. Tôi có hẹn cùng anh Nguyễn Văn Phố bất ngờ đến thăm anh để làm sáng tỏ mọi chuyện. Tôi chưa kịp đi thì anh đã bỏ đi. Xin vĩnh biệt anh”.

 

Sau chín tuần chúng tôi được biệt phái trở về dạy học như trước. Cả thầy lẫn trò đều vui vẻ, thầy thì khỏi phải huấn luyện dưới mưa nắng, trò thì được học với giờ giấc đầy đủ. Anh Nguyễn Thất Hiệp thuyên chuyển về Saigon và giao căn phố cho tôi làm chủ và anh Nguyễn Văn Lục thuyên chuyển tới. Tôi tự nhiên trở thành ma cũ đón tiếp ma mới. Chỗ tôi ở trở thành quán qua đêm của nhiều anh, trước đó là các anh Nguyễn Thế Văn, Trần Văn Kỹ, Nguyễn Văn Lục, rồi sau nầy đến anh Tôn Thất Để. Có lần sau một hai giờ sáng anh Mai Kiến Phúc còn gỏ cửa nhà tôi xin tạm nghỉ một hai giờ. Còn có nhiều anh cũng đến chung vui những đêm không ngủ như các anh Hà Tường Cát, Huỳnh Công Ân và ông bạn già Bùi Quang Huệ. Tôi xin gọi là bạn già vì lúc đó chúng tôi ở tuổi ba mươi mà ông bạn già của tôi đã gần tuổi về hưu. Không may cho ông bạn già của tôi, tối hôm đó cảnh sát đi xét sổ gia đình, cố nhiên chúng tôi không có nên cảnh sát tịch thu hết các thẻ kiểm tra và tội cho ông bạn già của tôi sáng hôm sau phải lom khom vào bót cảnh sát trình diện để xin lại thẻ kiểm tra. Thật là một kỹ niệm khó quên của một thời đi dạy học.

Tôi xin mở một dấu ngoặc ở đây để nhắc lại một người bạn đã quá cố từ lâu là anh Lê Công Bình, giáo sư tốt nghiệp Đại học Sư phạm ban Pháp văn. Anh Lê Công Bình ở chung với anh Đinh Hữu Quyến ở Biên Hòa nhưng lại rất thân với tôi vì hai chúng tôi là những kẻ bụi đời. Tôi có đến nhà anh chơi, nhà anh giàu có ở Saigon nhưng anh lúc nào cũng sống như bất cần đời. Tôi nhớ hôm đó bốn chúng tôi, các anh Lê Công Bình, Lê Hoàng Sang, Huỳnh Văn Khiết và tôi sau khi ăn nhậu say chúng tôi lái xe hơi đi bụi đời. Không may một trong bốn chúng tôi bị bắt đưa về bót cảnh sát Tân Bình. Anh Lê Công Bình phải lái xe chạy theo. Ba chúng tôi đang đứng trước bót cảnh sát và không biết phải làm gì để cứu bạn thì tôi nghe ai gọi “thầy”, tôi nhìn lại thì thấy một anh Đại úy Nhảy dù đang chào tôi. Sau vài lời chào hỏi tôi mới biết anh là học trò cũ của tôi tại trường Châu Văn Tiếp, Phước Tuy. Anh hỏi tại sao chúng tôi đứng đây, tôi đành phải nói thật. Không đợi tôi phải nói thêm, anh vào bót cảnh sát và 5 phút sau anh bạn và anh học trò của tôi bước ra. Các anh chị đừng ngạc nhiên, thời đó ở vùng nầy cảnh sát rất sợ Nhảy dù. Tôi vui chơi với anh bạn Lê Công Bình cũng không được lâu, anh tự kết liễu đời mình một khoảng thời gian ngắn sau đó.

Một người bạn dạy Pháp văn khác là anh Huỳnh Văn Khiết. Anh người Biên Hòa, vợ là dược sĩ có tiệm thuốc ở đường Trịnh Hoài Đức. Anh Huỳnh Văn Khiết không bài bạc nhưng thich ăn nhậu. Những lần họp mặt ăn nhậu của nhóm gốc Biên Hòa như các anh Huỳnh Văn Khiết, Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Văn Có, Nguyễn Ngọc Ẩn, Đào Văn Sáu (em chị Nga) ... đều có tôi. Tình bạn ăn nhậu của chúng tôi càng thêm thân thiết trong những ngày thiếu ăn thiếu rượu ở trại tù Tân Hiệp. Tôi còn nhớ những bữa không đủ ăn, anh Huỳnh Văn Khiết xin thêm một muỗng canh vào bát cơm theo anh cho “ướt đất”. Sau bốn tháng rưỡi thì tôi được chuyển lên Long Khánh và anh thì lọt sổ và sau đó nghe đồn anh được chuyển lên Bình Dương. Từ đó tôi mất liên lạc với anh.

Những người bạn thân trẻ tuổi của tôi phải kể hai anh Nguyễn Phi Long và anh Đỗ Hữu Tài. Anh Nguyễn Phi Long thì sống hồn nhiên thích họp mặt với bạn bè nhưng không cờ bạc, không rượu chè, không hút sách. Anh Đổ Hữu Tài thì rượu chè và khôn ngoan ở đời hơn. Cả hai anh đều xem tôi như một người anh rất gần gủi.

Bản tính tôi hay lè phè không chú trọng bề ngoài. Một hôm anh Nguyễn Phi Long bảo ở tiệm may Quân trên đường Lê Thánh Tôn có vải đẹp nên đến đó may áo, tôi vội đi may áo liền. Lúc tôi ra làm việc ở ty giáo dục Biên Hòa, anh Nguyễn Phi Long đưa tôi đôi giày, bảo tôi mang cho ra vẻ một ông phó trưởng ty, tôi không dám trái lời. Kỹ niệm khó quên là hai anh em chúng tôi đi coi thi ở tỉnh Pleiku. Anh Nguyễn Phi Long có bạn đang là trưởng ty hành chánh tỉnh nên ông nầy sắp xếp cho hai anh em chúng tôi ở tại  một villa sang trọng, có thể là nhà nghỉ mát của một tướng tá nào đó. Nhân đây tôi phải xin thành thật cám ơn anh Nguyễn Văn Phú, có thể anh đã vô tình cứu mạng sống của tôi. Lúc tôi đến trung tâm thi thì thấy một anh trung úy và tài xế chờ tôi, anh trung úy giới thiệu là em anh Nguyễn Văn Phú và cho biết đã biệt phái một xe jeep và tài xế để giúp tôi di chuyển trong những ngày coi thi ở đây. Như vậy hai anh em chúng tôi sáng trưa chiều tối có xe jeep và tài xế đưa đón, tối lại về nhà nghỉ mát ngủ với đầy đủ mọi tiện nghi. Những điều nầy có thể đã giúp tôi thoát được một tai nạn vì tôi đã làm một chuyện động trời. Tôi đuổi con gái của ông tỉnh trưởng ra khỏi phòng thi vì tội gian lận bài thi. Ở một nơi xa mặt trời như tỉnh Pleiku, ông tỉnh trưởng là một ông vua, nàng công chúa yêu quý của ông mà khóc thi cái gì ông vua cũng có thể làm. Nhưng họ chưa kịp tìm hiểu tôi là ai thì sáng hôm sau anh Phùng Thái Toàn, chủ tịch hội đồng thi sợ bài thi bị phá nên đã xin Trung tướng chỉ huy trưởng Quân khu 2 dùng trực thăng chở bài thi về Nha Trang và anh Phùng Thái Toàn kéo tôi theo. Đó là lần duy nhất tôi đi trực thâng, trực thăng thật.

Cũng như anh Huỳnh Văn Khiết, anh Đỗ Hữu Tài là bạn ăn nhậu của tôi. Chúng tôi đã từng la cà khắp các tiệm nhậu lớn nhỏ ở Biên Hòa. Trong những ngày sống chung ở nhà tù Tân Hiệp, anh Đỗ Hữu Tài đã khuyên nhủ tôi giữ n sức khoẻ, phải tắm rửa đều, lau chùi kỹ để tránh ghẻ lở. Chúng tôi cũng đã nhiều lần cùng dội cầu tiêu, cùng nấu ăn cho cả trung tâm. Vì cơm ăn thiếu thốn nên thường cơm cháy thuộc phần nhóm nấu ăn, nhưng anh Đỗ Hữu Tài quyết định chia đều cơm cháy cho cả trại, chỉ dấu đi những miếng thịt hiếm hoi cho riêng nhóm mình mà thôi. Đúng là tuổi trẻ tài cao. Có một lần anh ghi tên cho tôi cùng anh theo nhóm đi chuyển gạo từ Tân Mai vào trại, đứng trên xe GMC chạy suốt đoạn đường mà không thấy ai quen, sau đó phải vác những bao gạo cả trăm ký từ kho lên xe rồi từ xe vào kho. Hôm đó trời mưa lun phun, đường hơi trơn trượt, nhưng hai chúng tôi đã vượt được mọi khó khăn.  Sáng hôm đó chúng tôi được gọi ra tập trung ở sân trại. Anh Đỗ Hữu Tài ngồi vào nhóm các giáo sư Ngô Quyền, riêng tôi được ngồi vào một nhóm khác. Chúng tôi nhìn nhau biết là sắp chia lìa. Sau nầy tôi mới biết nhóm anh Đỗ Hữu Tài được trở về và nhiều người được trọng dụng trở lại. Riêng tôi được chuyển qua một trại khác. Sau đó tôi cũng lên Biên Hòa ăn nhậu và ngủ trên giường tre nhà anh nhiều lần. Rồi có một hôm anh nói nhỏ với tôi là “không lên Biên Hòa nữa, nguy hiểm”. Lúc đó tôi không hiểu nhưng sau nầy tôi biết lý do. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau ở Saigom. Năm tôi làm việc ở Thủ Đức, các anh Đỗ Hữu Tài, Lâm Tấn Văn và tôi đã nhậu say không biết đường về. Tôi không ngờ đó là bữa nhậu tiễn biệt. Sau đó tôi rời khỏi Việt Nam một thời gian khá dài. Cách đây hơn mười năm anh Đỗ Hữu Tài qua Mỹ để nhận bằng Ph.D. về Quản lý của trường UC Irvine, anh có mời tôi đi ăn nhậu và nhờ đó tôi được gặp anh chị Nguyễn Phong Cảnh. Cách đây khoảng ba năm tôi có ghé Biên Hòa, nghe tin anh Đỗ Hữu Tài cùng anh Diệp Cẩm Thu đi xe hơi có tài xe lái vội vàng đến thăm tôi tại quán ăn.

Còn những anh sĩ quan biệt phái như Nguyền Văn Phố, Nguyễn Văn Phú, Đoàn Hữu Ý phụ trách quân sự học đường, các anh cũng không quên ghép tên binh nhì Lê Quý Thể vào danh sách huấn luận viên để cho tôi được hưởng một chút ân huệ.

Tôi đã quá dông dài nhưng xin cho tôi nói thêm một người bạn nữa là anh Nguyễn Văn Lục. Từ ngày anh Nguyễn Văn Lục về Ngô Quyền, trưa nào chúng tôi đều ăn cơm tay cầm và đánh mạc chước cho đến giờ phải đi dạy học. Sau nầy tôi lại mở lớp luyện thi buổi tối và thêm gìờ Triết để anh có lý do ở lại qua đêm để đánh... mạc chược. Chúng tôi vào những thời gian thiếu tay thì lại chia xẻ với nhau những chuyện thầm kín khác. Không biết lúc nào anh hướng dẫn tôi hay tôi hướng dẫn anh, chúng ta đã sống một đời sống quá phóng túng trong những năm tháng cuối cùng. Tôi coi đó là những kỹ niệm mà không có một chút hối hận nào.

Tôi xin dừng ở đây và xin cám ơn tất cả các anh chị đã biến mười ba năm dạy học của tôi ở trường Ngô Quyền trở thành một khoảng thời gian quá ngắn và đầy những kỹ niệm không thể nào quên được.

Lê Quý Thể

Tháng 7, 2018.

 

 

20 Tháng Tám 201812:07 SA(Xem: 5487)
(CẬP NHẬT ĐẾN NGÀY 07 tháng 09 -2018)
29 Tháng Bảy 20188:50 CH(Xem: 4912)
Ngô Quyền Họp Mặt Truyền Thống kỳ 17_ July 1, 2018_ Phần 2: PHÁT HÀNH NGÔ QUYỀN TOÀN TẬP
21 Tháng Bảy 20188:41 CH(Xem: 4756)
Ngô Quyền Họp Mặt Truyền Thống kỳ 17 - Phát Hành NGÔ QUYỀN TOÀN TẬP _ July 1, 2018 Phần 1: KHAI MẠC và TRI ÂN THẦY CÔ
10 Tháng Mười 20199:44 CH(Xem: 8199)
Nguyễn Đạt - Camera - Kim Võ thực hiện Youtube
22 Tháng Chín 20198:10 CH(Xem: 9003)
Xin bấm vào hình đầu tiên và mũi tên bên phải sau mỗi hình để xem slideshow
20 Tháng Bảy 20191:19 SA(Xem: 11806)
Hình ảnh: Võ Kim Dung Thực hiện Youtube : Võ Kim Dung
20 Tháng Bảy 201912:24 SA(Xem: 8749)
Hình ảnh: Võ Kim Dung Thực hiện Youtube : Võ Kim Dung
14 Tháng Bảy 20199:53 CH(Xem: 8527)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Trường Ngô Quyền Họp Mặt 2019 (Phần II) Hình ảnh Phan Kim Phẩm Nhạc: Mùa hoa học trò * Chế Thanh - Bích Phượng Võ Thị Tuyết thực hiện youtube
14 Tháng Bảy 20192:43 SA(Xem: 10686)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Trường Ngô Quyền Họp Mặt 2019 ( Phần I) Hình ảnh Phan Kim Phẩm Nhạc: Ba tháng tạ từ - Niên học sau cùng Lưu Chí Vỹ - Khôi Nguyên trình bày
20 Tháng Giêng 201911:28 CH(Xem: 10231)
Nhìn lại trong năm qua, Đại Gia Đình Ngô Quyền chúng ta đã thành công rực rỡ khi thực hiện và phát hành được tác phẩm độc đáo Ngô Quyền Toàn Tập.
06 Tháng Tám 20182:25 SA(Xem: 16299)
Ôi! Thật là công trình và tốn rất nhiều thời giờ, các em đã bỏ quá nhiều tâm huyết, cùng chung sức hoàn thành một “Tập San” để đời, gom góp đầy đủ tài liệu và hình ảnh Thầy Cô...
04 Tháng Tám 201810:57 CH(Xem: 13456)
Thầy Cô và cựu học sinh Ngô Quyền luôn giữ trong tim những kỷ niệm dấu yêu xưa. Thời dạy học và thời học sinh luôn gắn kết với nhau để từ đó còn chút gì để nhớ để thương!
04 Tháng Tám 20182:14 CH(Xem: 22580)
Những nốt nhạc vui đã vang lên trong lòng mỗi chúng ta. Hãy hòa lời ca để bản hợp ca NQ bay lên cao, vang rộng và ý nghĩa nhất.
29 Tháng Bảy 20182:57 CH(Xem: 12449)
TÀI TRỢ TOÀN BỘ TIỀN SHIPPING Để sách có thể dễ dàng đến với mọi người trong Đại Gia Đình Ngô Quyền
22 Tháng Bảy 20187:27 CH(Xem: 12617)
Gửi sách trong TOÀN NƯỚC MỸ: qua UPS: 5 usd cho 1 quyển
22 Tháng Bảy 201812:38 SA(Xem: 13777)
Tìm lại dấu xưa là tìm lại một quá khứ đã bị quên lãng hoặc một mảnh quá khứ do sự dập vùi, biến dịch của cuộc sống che khuất. Cũng không khó mà cũng có thể dễ tìm lại được.
16 Tháng Bảy 20186:02 SA(Xem: 5973)
2. Tiệc chính July 01, 2018 tai nhà hàng Mon Amour
15 Tháng Bảy 20184:28 CH(Xem: 4082)
1 Tiền Hội Ngộ June 30, 2018 tại nhà anh chị Kiệt Chung
13 Tháng Bảy 20181:24 SA(Xem: 15621)
Đây là tổng hợp các danh sách Mạnh Thường Quân từ năm 2016 đến 2018 được cập nhật đến ngày 14 tháng 07, 2018
08 Tháng Bảy 20185:55 CH(Xem: 21756)
Chúng em vô cùng tri ân sự tận tình giúp đỡ, nhắc nhở và khuyến khích của các thầy cô, các mạnh thường quân và tất cả các anh chị em chs Ngô Quyền
28 Tháng Sáu 20187:40 CH(Xem: 9619)
I./ "sợ... hết sách!" II./ Rất có thể sẽ... hết sách?
28 Tháng Sáu 20188:05 SA(Xem: 9489)
PHÁT HÀNH TẠI ĐẠI HỘI - GỬI SÁCH BIẾU gửi đến các Mạnh Thường Quân - GỬI SÁCH BÁN đến các chs NQ khắp nơi.
20 Tháng Sáu 20182:38 SA(Xem: 11304)
Tường Trình chi tiết việc in ấn và phát hành NGÔ QUYỀN TOÀN TẬP
28 Tháng Năm 20183:39 CH(Xem: 2545)
Bộ ảnh Thầy Cũ Trò Xưa (7 trang) Layout sau cùng để xin được Thầy cô và các bạn cùng check lại trước khi in
16 Tháng Năm 20185:05 SA(Xem: 4196)
Bộ ảnh Chân Dung chs Ngô Quyền thế hệ đầu tiên Layout sau cùng để xin được Thầy cô và các bạn cùng check lại trước khi in
15 Tháng Năm 20184:18 CH(Xem: 2707)
Layout sau cùng để xin được Thầy cô và các bạn cùng check lại trước khi in các ý kiến đóng góp xin gửi về toanhtuan@yahoo.com trước ngày 18 tháng 5, 2018
15 Tháng Năm 20183:54 CH(Xem: 2933)
NGÔ QUYỀN TOÀN TẬP: Bộ ảnh PHỤ LỤC Chương 1: DỰNG LẠI TRƯỜNG XƯA Layout sau cùng để xin được Thầy cô và các bạn cùng check lại trước khi in
08 Tháng Năm 20189:59 SA(Xem: 4229)
Layout sau cùng để xin được Thầy cô và các bạn cùng check lại trước khi in
25 Tháng Hai 20188:14 SA(Xem: 12758)
THA THIẾT KÍNH NHỜ quý Thầy Cô, quý Bạn Hữu nhín chút thì giờ chung sức cùng Ban Biên tập CHECK LẠI các HÌNH ẢNH và các DANH SÁCH lần chót cùng trước khi layout để in. (update 3/3/2018)
01 Tháng Giêng 20185:13 SA(Xem: 10565)
Thời hạn cuối để bổ túc danh sách các khóa và ảnh chân dung cho NQTT sẽ là ngày 10 tháng 01, 2018.
19 Tháng Mười 201710:33 SA(Xem: 9804)
Theo dự trù, bộ ảnh và tư liệu về Thầy cô đến nay đã tạm hoàn chỉnh, đã đến lúc chúng ta hãy cùng nhau BỔ TÚC DANH SÁCH CÁC KHÓA, và cùng nhau CHỌN BỨC ẢNH ĐẸP NHẤT CỦA MÌNH để in trong NQTT.
04 Tháng Sáu 20177:34 CH(Xem: 10732)
Để các tư liệu lịch sử của Trường trong NGÔ QUYỀN TOÀN TẬP khi đem in được chính xác KÍNH NHỜ QUÝ THẦY CÔ CHECK LẠI các HÌNH ẢNH VÀ DANH SÁCH theo các link sau đây
09 Tháng Năm 201711:06 SA(Xem: 11508)
DANH SÁCH 13 khóa CHS. NGÔ QUYỀN BH Giai đoạn thành lập và phát triển: 1956-1975
09 Tháng Ba 20174:12 SA(Xem: 9655)
Tuy vậy, tính cho tới nay Khối TTBC chỉ mới nhận được khoảng 40 sáng tác cho tác phẩm "Ngô Quyền Toàn Tập" nên số lượng bài vở vẫn còn quá ít ỏi. Khối Truyền Thông Báo Chí xin giải thích cho rõ hơn để có thể có nhiều sáng tác của các tác giả:
19 Tháng Hai 20161:21 CH(Xem: 17481)
Bài vở xin gửi về cho Ban Truyền Thông trước ngày 1 tháng 5, 2016. Mọi chi tiết liên hệ sẽ được thông báo trong thời gian tới.