Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - NHÀ TỪ ĐƯỜNG

21 Tháng Tám 201411:13 CH(Xem: 16493)
Nguyễn-Xuân Hoàng - NHÀ TỪ ĐƯỜNG

NHÀ TỪ ĐƯỜNG


Nhà Từ Đường

Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà. Hồi còn ở trong nước chẳng mấy khi tôi lên ngôi Nhà Chung này. Tôi thấy mình lúc nào cũng bị cái hiện tại lôi cuốn theo như một hạt bụi giữa cơn lốc. Học hành, thi cử, bạn bè, nghề nghiệp, chiến tranh, tình yêu.... Hết Đà Lạt rồi Sài Gòn. Giữa hai thành phố ấy còn có Huế, Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, U Minh, Cái Sắn...Trong cái mớ chằng chịt về con người và địa danh ấy, tôi thấy mình như một người bị quấn cuốn giữa những chiếc vòi của con bạch tuộc.

A, anh hỏi tôi chuyện chiến tranh hả? Chiến tranh? Ừ, thời của tôi ai mà chẳng bị chiến tranh chi phối. Tuổi tôi chỉ là tuổi bản lề, thời của ông anh tôi là một cuộc chiến, và thời kề cận tôi là tiếp tục một cuộc chiến sắp tàn. Tuổi trẻ tôi cũng thở cái không khí sặc sụa mùi tử khí. May sao, thế hệ kế đó vừa mặc bộ treillis vào người thì chiến tranh cũng vừa kịp kết thúc. Anh nói anh không biết chiến tranh hả? Năm nay anh bao nhiêu rồi? Mới hai mươi bảy à? Phải. Anh nói anh mới hai mươi bảy, có nghĩa là anh quá trẻ để biết cuộc chiến Việt Nam.

Anh nói lúc mẹ bế anh xuống tàu ở Bến Chương Dương trong một ngày Tháng Tư 1975, anh chưa đầy tháng tuổi phải không? Ừ. Tuổi ấy thì biết gì? Nhưng anh có biết là anh đã chào đời trong những giây phút của một cuộc chiến sắp tàn - chứ vẫn chưa tàn không? Anh có biết là mẹ anh bế anh chạy trong khi ven đô súng còn nổ và cả thành phố Sài Gòn chìm trong cơn hỗn loạn không? Còn bây giờ? Trên cái đất nước tưởng là yên ổn này, hải đảo của hòa bình, thiên đàng của hoan lạc, có thật là chúng ta đang đứng bên ngoài cuộc chiến không? Sau cái vụ 911, nước Mỹ có thật sự bình yên không? Còn tình hình Trung Đông hiện nay, vùng đất ngày nào cũng khét lẹt thuốc súng, ngày nào cũng có khủng bố và người chết. Và Iraq? Và bán đảo Triều Tiên? Và trước đó không lâu là Afghanistan. Liệu nước Mỹ có tấn công Iraq không? Liệu nước Mỹ có còn bị khủng bố chơi những đòn nặng như vụ Tháp đôi ở New York nữa hay không? Và liệu rồi đây con cái của anh có phải ra trận không?

Chiến tranh là ngu dốt. Nhưng liệu khi người ta muốn hòa bình thì có hòa bình được không?

Có lẽ, không một người Việt Nam nào không có kinh nghiệm về chiến tranh. Sài Gòn hay Hà Nội có chiến tranh theo cách riêng của nó. Những cuộc xuống đường. Những trái hỏa châu chiếu sáng khu ngoại ô hằng đêm. Lựu đạn cay trên đường phố. Mìn nổ ở một quán ăn. Bom phá sập một cao ốc. Và Hà Nội những ngày hoảng hốt vì bom Mỹ. Những lo sợ của người dân trước cuộc chiến leo thang. Đường mòn Hồ Chí Minh. Đường Trường Sơn "ào ào lá đổ"... Đâu cần phải nhích chân ra khỏi vòng đai thành phố người ta mới biết được thế nào là khói lửa và súng đạn.

Mới năm tuổi, tôi đã biết thế nào là chiến tranh. Những người lính Nhật đã trói Cha tôi bắt ông đi đâu. Má tôi bồng em tôi đi tìm chồng. Anh tôi đã vào rừng đi kháng chiến. Tôi đi suốt từ căn nhà này đến căn nhà khác gõ cửa tìm mẹ và xin ăn. Đôi khi người ta cho ăn [đôi khi người ta đuổi đi] ... Mỗi ngày tôi đi xa vào các làng quê. Tôi có khóc nhiều không lúc đó? Chiến tranh chỉ có chết chóc và đói khổ. Người ta đói khổ đã nhiều, người ta không muốn gánh thêm một miệng ăn và nổi khổ nào nữa, dù rất nhỏ. Tôi đi mãi, từ nhà này sang nhà khác, từ làng này sang làng khác.

Trong một cuộc hành quân của lính Pháp, một người lính già Lê Dương nhặt được tôi ngoài ruộng mang về nuôi. Đó là thời gian tôi có những phút giây gần với súng đạn và cận kề chết chóc hơn, bởi vì cha nuôi tôi - mà tôi gọi là papa Chopin - là một sĩ quan phụ trách vũ khí và cả bataillon luôn luôn di động. Cho đến ngày ông chết trong một trận phục kích, tôi lại bơ vơ. May sao, một người thông ngôn giúp tôi tìm lại được gia đình. Một cuộc trùng phùng đầy nước mắt. Má tôi ôm tôi khóc rấm rức. "Má tưởng không bao giờ gặp lại con." Mái tóc bà có những sợi bạc. Hai gò má hóp. Hai đứa em gái tôi ngồi hai bên cũng khóc. Sao hồi đó tôi không khóc, tôi nhớ như vậy! Đôi mắt má tôi luôn nheo lại, như lúc nào cũng cười, nhưng là một nụ cười buồn bã, và cái dáng đi của má sao mà tất bật, vất vả. Quê má tôi xa hơn quê cha tôi nhiều. Đó là khoảng cách của hai thành phố. Hai ngọn đèo. Hai dân tộc.

Tại sao hai dân tộc? Dì tôi - bà chị của má tôi - như những người Hoa trong vùng cắt tóc bôm-bê - nói tiếng Hoa và ở trong ngôi nhà gạch rộng thuộc loại dư ăn thừa để trong cái thị trấn heo hút nghèo nàn. Anh Bảy, con dì tôi, cao lớn khỏe mạnh, tóc quăn, có một chiếc răng vàng, làm chủ một tiệm chạp phô, nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ. Thỉnh thoảng, tôi nghe anh nói tiếng Hoa với má tôi, thứ tiếng mà bà không bao giờ nói với các con một lần nào.

Tôi trở về gặp mẹ, nhưng không gặp Cha. Cha tôi ở đâu? Bà nói suốt mấy năm nay, ông đã đi tìm tôi và giờ đây, ông đang ở trong một căn chòi dưới chân Hòn Lớn, một ngọn núi khá cao, cách xa nhà cả một ngày đường. Anh tôi thời đó như những thanh niên cùng lứa tuổi đã vào chiến khu chống Pháp. Và mãi đến khi ông Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống cha tôi mới trở về. Anh tôi đi Thủ Đức. Nhiều năm sau tôi rời Nha Trang vào Sài Gòn học tiếp... Chiến tranh có lúc như lắng xuống, nhưng có lúc ồ ạt... Chiến tranh là không khí của thành phố, chiến trận là không khí của thôn quê. Bạn tôi, nhiều đứa hôm trước còn ngồi với tôi nói nói cười cười, tháng sau, tuần sau, hôm sau đã không còn thấy mặt nữa, không bao giờ trở về nữa.

Trở về Việt Nam sau 15 năm, tôi quyết định trở lại nhà Từ Đường. Tại sao à? Bởi vì giờ đây, mộ Cha tôi, và mộ Anh tôi đã dời về đó. Hai ngôi mộ song đôi, nằm giữa một vườn cây xanh lá. Trong một buổi sáng tháng Tám nắng vừa lên, tôi ngồi bên mộ Cha và Anh, nghe tiếng chim hót trong bụi cây, tưởng như thấy lại khuôn mặt khắc khổ của Cha, cái vẻ lặng lẽ lầm lì suốt ngày không nói một lời của ông. Và khi ông phải nói, tôi nghe rõ cái âm thanh sấm sét mang theo hơi rượu nồng nặc từ miệng ông phả ra trong cơn bùng nổ của một hỏa diệm sơn. Tôi cũng thấy lại anh tôi, người đàn ông to lớn, khỏe mạnh, cười to, ăn mạnh, nói lớn, lúc nào cũng giam chật trong bộ quần áo trận. Một người đàn ông khỏe mạnh và quyết liệt, nhưng cũng tình cảm và lãng mạn biết là chừng nào. Anh yêu những người lính của anh như anh yêu gia đình mình. Và anh yêu những người nghèo khổ khốn cùng như anh yêu chính bản thân anh. Tôi chưa thấy ai có một trái tim phóng khoáng và quảng đại như anh. Ba đứa em của anh, không một đứa nào có được một chút lòng quảng đại và tính lãng mạn của anh.

Mộ Anh nằm cạnh mộ Cha, dưới bóng mát những tàng cây chôm chôm. Đứa con trai lớn của anh từ trại tù cải tạo về, được nhà nước báo cho biết khu nghĩa trang trên lưng một ngọn đồi gần đèo Rù Rì phải giải tỏa, đã mang hài cốt ba cháu về chôn cạnh mộ ông nội trong vườn Nhà Từ Đường. Còn hài cốt má, vốn được chôn cất cạnh bên đứa con trai, sau cùng theo ý nguyện của bà phải đưa về quê ngoại để nằm bên cạnh những người chị em của bà. Khi sống Cha và Má tôi là hai người khắc khẩu, và lúc ra đi, mỗi người trở lại với nơi chốn riêng tư của mình.

Sau 15 năm trở lại ngôi Nhà Từ Đường, thăm lại mộ Cha và mộ Anh, tôi mới nhìn ra cái ngôi nhà đầy ánh nắng, lúc nào cũng ấm tiếng cười kia nay sao mà lạnh lẽo!

Chiến tranh đâu còn nữa. Nhưng cái gì làm cho ngôi nhà kia âm u, khu vườn cây ăn trái kia trở nên buồn bã?

Ngôi Nhà Từ Đường ấy, mặc dù vẫn còn cái sân tráng xi măng nằm dưới dàn cây thanh long, và vườn sau nhà là những cây mãng cầu Xiêm, cam và bưởi, tôi nhìn thấy nó đang xuống cấp. Cái vẻ lạnh lùng và ảm đạm của ngôi nhà quạnh hiu không còn chút sức sống như thân thể của một người già máu đã rút dần ra khỏi thân xác, chờ ngày chia tay...

Ông chú bà thím tôi cũng đã ra đi. Những người con của chú thím cũng đã người ở Úc, người ở Pháp. Ngôi nhà bây giờ trao lại cho hai vợ chồng người cháu gái, người phụ nữ trẻ đứng trước mặt tôi phải nhắc mãi tôi mới nhớ ra ngày xưa chị chính là con bé tóc ngắn, mặt mũi trắng trẻo xinh đẹp đứng thập thò bên chại nước mưa hái cho tôi những chùm chôm chôm.

Chiến tranh Việt Nam đã qua rồi. [Qua thật chưa?] Cha tôi nếu còn sống, chắc thuốc lá và rượu cũng sẽ giết ông. Và anh tôi, một người cương trực, ghét sự ác, yêu cái thiện, người tranh đấu không hề mỏi mệt cho những bất công xã hội. Và một con người như thế vốn là một sinh vật hiếm hoi trong thế giới loài người.

Này anh bạn, anh có bao giờ nhìn thấy cảnh một chiếc xe nước to tưới cho cả một cánh đồng chưa? Chưa bao giờ thấy à? Nếu anh có dịp xem phim Chúng Tôi Muốn Sống anh sẽ thấy xe nước đó. Nó nằm trên thửa ruộng thuộc Nhà Từ Đường của dòng họ nhà tôi.

Từ thành phố Nha Trang, muốn lên Nhà Từ Đường của họ nhà tôi nếu đi xe đò, cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Xe bỏ anh ở một góc đường đầy ổ gà và bụi. Anh phải xuống xe đi bộ một quãng nữa. Băng qua những bờ ruộng và sau cùng là một con đường mòn nhỏ giữa những hàng rào những bụi cây. Tốt nhất là anh nên đi xe gắn máy hay xe đạp.

Hồi trước, người trông coi Nhà Từ Đường là chú thím tôi. Ông là một người đàn ông nho nhả, khuôn mặt trắng hồng, môi đỏ, dáng dấp nhẹ nhàng như một thầy đồ; còn bà thím tôi là một phụ nữ cao lớn, da ngâm đen, khuôn mặt có những nét thô cứng. Bà có vẻ khó tính, nhưng là một phụ nữ tốt bụng và quán xuyến. Tôi có cảm tưởng tất cả chuyện trong nhà ngoài ngõ đều do một bàn tay bà. Ngôi Nhà Từ Đường ba gian. Những cây cột to lên nước đen bóng. Mái ngói đỏ, cửa lớn rộng, chạm trỗ những hoa văn kỳ lạ. Có lần chú bảo tôi, lẽ ra cha mày phải là người trông coi Nhà Từ Đường, nhưng ổng đã không làm công việc đó. Chú không nói cha tôi bỏ làng ra đi từ hồi nào? Ông giang hồ bốn phương tám hướng, trong làng từ lâu không ai nghe tên ông. Ông quen má tôi và cưới bà trong trường hợp nào, và tại sao ông không đưa bà về quê, không ai trong nhà biết chuyện đó. Tôi tưởng tượng ra cảnh một người đàn ông giang hồ, một hôm lạc vào một thị trấn nhỏ, gặp cô thiếu nữ xinh đẹp con một nhà buôn người Hoa, anh chàng phải lòng nàng dừng chân ở lại. Nhà gái chắc là không ưng chàng rễ vì nó là người Ố Nàm, và đặc biệt nó không có vẻ gì là con nhà làm ăn buôn bán. Chắc má tôi phải yêu lắm sự ngang tàng của ông mới chịu lấy ông. Và bên ngoại tôi chắc cũng không cho của hồi môn. Chúng mày yêu nhau thì ráng mà sống với nhau như thế cho biết đá biết vàng. Như thế Cha tôi không đưa Má tôi về Nhà Từ Đường. Hai người quyết sống với nhau như thế - bất cần mọi thứ trên đời - coi có chết con giáp nào không. Không ai nói cha tôi là con một ông Kinh lược của triều đình. Cũng không ai nói với tôi rằng Má tôi con một chức sắc ngoại giao người Bắc kinh làm việc ở Luân Đôn vì đâu lưu lạc đến một vùng quê nghèo khổ nhất miền Trung Việt Nam làm ăn buôn bán?

Phải chăng đó chỉ là một câu chuyện hoang tưởng do một đầu óc không được khỏe mạnh của tôi bịa đặt ra.

Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi trở lại thăm nhà, thăm lại khu vườn nơi chôn cất Cha tôi và Anh tôi. Hai ngôi mộ nằm sát nhau, được xây cất rất sơ sài. Vôi hồ gạch đã vữa nát. Đất giữa mộ đã chìm xuống, lá cây rơi ngập úa nhão nhớp nhúa không ai dọn dẹp. Những dòng chữ trên mộ bia màu đỏ kia đã phai. Tôi đọc được ngày sanh ngày mất của Cha và Anh. Tôi tưởng tượng mỗi ngày Cha và Anh trò chuyện với nhau như hai người bạn. Có lẽ Anh sẽ là người được Cha tâm sự nhiều nhất. Anh là người biết rõ mối tình của Cha, biết rõ người phụ nữ xinh đẹp gốc Hoa kia vì sao chịu lấy một anh chàng Việt Nam giang hồ không một đồng xu dính túi, đi lang thang như một tên du thủ du thực, không ngày mai. Và tôi tưởng tượng một ngày nào đó khi tôi ra đi, liệu tôi có được một chỗ bên cạnh Cha và Anh tôi không? Thật ra tôi có được cái quyền ấy không? Khi người ta không làm được điều chi tốt đẹp trong cuộc sống, người ta không thể đòi cuộc sống một điều chi hết. Khi người ta không nợ nần nhau, người ta không phải trả.

Mười lăm năm sau khi ra khỏi Việt Nam, tôi đã trở về thăm lại ngôi nhà xưa, ngôi nhà mà lẽ ra Cha tôi phải ngồi đó thay mặt cho cả một dòng họ, nhưng ông đã bỏ đi giang hồ khi ông vừa mới lớn. Ông đã xuống tàu viễn dương đi khắp năm châu bốn bể như một thủy thủ, đã sống ở Pháp những năm của tuổi trẻ, đã có con với một người phụ nữ bản xứ, đã đi lính Pháp, đã bị Nhật bắt, đã vào rừng sống như một Lỗ Bình Sơn thời chiến, đã yêu một phụ nữ Trung Hoa, đã đẻ ra một bầy con, và sau cùng đã trở về ngôi nhà của tổ tiên khi hai tay ông đã buông xuôi....

Mười lăm năm sau ngày ra khỏi nước, tôi quay trở về như một người xa lạ. Thành phố tôi đã ở thời tuổi nhỏ như nhỏ lại, những con đường quen đã xa lạ, tiếng sóng biển vọng lại âm thanh đều đặn kỳ quái của một vùng biển chết nào. Bãi cát không còn cái màu của thời tôi mới lớn và rừng dương đã bị xóa khỏi bản đồ của trái tim.

Tôi nhớ những trận mưa bão thổi mù trời, nước dội xuống ngập thành phố, những hàng cây trụ điện gẫy gục, và sóng biển thổi táp lên tận nhà hàng Frégate, nơi có cô bé đầm lai tên Odette chờ tôi mỗi khi tan lớp ra về.

Tôi nhớ bà Dì của bạn T.T.L. người thường xuyên cho tôi được đến nhà hàng của Dì "ăn cho bỏ những ngày cơ cực". Tôi nhớ tôi là đứa học trò không có sách cầm tay, đi lang thang từ nhà ông chú này đến nhà bà cô khác. Ngồi ăn một mình dưới ngọn đèn điện tối ám hơn cả ngọn nến leo lắt nhất của ai đốt trên ngôi mộ nghĩa địa. Tôi là một đứa trẻ lớn lên không có tình yêu. Và tôi hiểu tại sao tôi yêu tất cả mọi người, kể cả những người không yêu tôi.

Mười lăm năm sau trở lại thăm thành phố, nơi đã nhìn tôi lớn lên như một thứ cỏ cây, tôi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao tôi đã không đập phá nổi loạn thời gian đó? Tại sao tôi đã không nắm dao đâm thẳng vào những kẻ quyền thế hà hiếp kẻ khốn cùng? Tại sao tôi đã không cầm súng lia vào cái đám hãnh tiến khốn nạn vẫn thường vênh váo, dửng dưng trước nỗi đau của người khác? Tại sao tôi đã không cho nổ tan xác cái bọn phè phỡn trong khi những bà mẹ những bà chị những người em còng lưng trên những gánh hàng rong suốt ngày, suốt đêm, suốt đời vẫn không đủ tiền nuôi nổi một miệng ăn...Tại sao tôi đã không là một tên du đãng?

Mười lăm năm sau ngày ra đi khỏi nước, tôi trở về nhìn lại biển xưa thấy không còn lại chút dấu vết nào của những ngày trốn học, những buổi trưa hạnh phúc nằm trên bãi cát, gối đầu lên hai cánh tay, đấp mặt bằng cành lá dừa, ngủ một giấc chờ đến giờ tan học lủi thủi trở về ... Trở về nhưng không biết về đâu. Nhà ông chú hay nhà bà cô. Và ngôi nhà nào sẽ mở cửa cho tôi bước chân vào?

Nguyễn-Xuân Hoàng

Nguồn: voatiengviet.com
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 3432)
Dãy phố Tây 5 căn tọa lạc tại trung tâm đường THĐ Biên Hòa (BH) trước 1975, đối diện với chợ Lò Bò gồm 5 căn nhà liền kề (số nhà 38-40-42-44-46).
22 Tháng Năm 2023(Xem: 3437)
Xin chúc mừng ngày lễ vàng của anh chị Minh & Hoa. Chúc mừng những cặp tình nhân đã cùng bên nhau sắc son bền vững 50 năm, 60 năm, 70 năm. Xin ơn trên giúp đỡ và chúc phúc cho họ.
19 Tháng Năm 2023(Xem: 3526)
chúc mừng gia đình anh cựu học sinh khóa 6 Trần Văn Việt.” Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại “nhưng chúng ta còn có những mầm xanh.
17 Tháng Năm 2023(Xem: 2799)
Sau cái ngày nghiệt ngã của tháng tư 1975 Đồi Cù đã bị nhốt trong vòng kẽm gai gần bốn thập niên, nay người ta đã mang ra hành quyết.
15 Tháng Năm 2023(Xem: 3336)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6921)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 3245)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2993)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2995)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3451)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3394)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3964)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2982)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 3493)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."
22 Tháng Tư 2023(Xem: 3507)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3695)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3754)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 5262)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 5046)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3501)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.