Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - ƠN MẸ

16 Tháng Năm 202110:42 CH(Xem: 8906)
Nguyễn Thị Thêm - ƠN MẸ
Ơn Mẹ tựa

 

Mẹ mang thai con chín tháng mười ngày. Mỗi ngày như mọi ngày mẹ leo lên chiếc xe đạp đi làm. Con đường từ nhà đi ra nông trường cao su xa thật xa. Trên xe mẹ cột phía sau là sạt lai và cây phạt chồi.

Sạt lai là mẹ để dẫy cỏ và phạt chồi là để quất những cây cỏ vượt cao cho thấp xuống để dễ làm. Thời buổi tem phiếu mẹ đem theo cơm độn khoai mì và chút cá trích kho. Những ngày nóng quá cần có chút canh thì bình nước mang theo là món canh nhà nghèo mà mọi người gọi là “canh toàn quốc.”

 

Con như thế nào ư? Con vẫn nằm ngủ ngon lành trong bụng mẹ, nguồn nước dinh dưỡng ít ỏi nhưng vẫn cho con sức sống để phát triển. Người ta khi mang thai được ăn hai phần bổ dưỡng vừa cho con vừa cho mẹ. Còn mẹ chắc có lẽ chỉ dành đủ cho con bởi mẹ gầy nhom ốm yếu. Có khi nào mẹ được ăn một bữa no nê và ngon miệng đâu. Mẹ ăn để được sống mà lo cho gia đình. Còn con lại thừa hưởng tất cả tinh huyết và dinh dưỡng của mẹ. Con bất hiếu ngay khi còn trong bụng mẹ. Mẹ ơi!

 

Mẹ làm việc bởi vì lao động là vinh quang. Nhất là lao động chân tay chứ còn lao động trí óc chỉ dành cho bọn tư sản. Người ta ca tụng người vô sản vì vô sản thì chẳng có gì kể cả thức ăn. Con người phải lao động chân tay cật lực mới sinh ra sản phẩm đổi lấy miếng ăn để sinh tồn. Mẹ phải dẹp vào rương chiếc áo dài nhà giáo để thực sự đóng góp vào sự đi lên của xã hội mới để kiếm cơm cho cả nhà. Mang con đi làm mẹ đã mệt mỏi  biết bao nhiêu khi phải làm việc với cái bụng càng ngày càng lớn.

 

Mẹ dẫy cỏ giữa trời nắng chang chang. Cái sạt lai thúc vào bụng làm con khó chịu. Con đạp mẹ một cái thật mạnh. Mẹ ngừng tay ôm bụng rồi xoa lấy con dỗ dành:

- Mẹ xin lỗi, xin lỗi con. Đau phải không con?

Mẹ phạt chồi, hai tay cầm cái dao dài quất mạnh trên những đám cỏ. Cái trớn của nhát chém phải mạnh thật chính xác mới chém đứt những chồi cây cỏ hôi hay cỏ tranh cao khỏi đầu. Con không chịu nỗi khi cả con người con ảnh hưởng theo sự di chuyển của thân hình mẹ liên tục. Con tống mẹ một cái rõ mạnh để mẹ biết con đang rất khó chịu. Mẹ mất đà cái dao chặt cỏ văng ra xa. Mẹ ngồi xuống ôm bụng xuýt xoa.

 

Hết giờ làm, mẹ cột vật dụng lao động sau xe. Lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, mẹ uống một hớp nước còn sót lại để lấy sức trên đường về. Mẹ leo lên xe. Mẹ ơi! đầu con đã chúi xuống gần đụng vào cái yên xe mẹ ngồi. Hai chân mẹ đạp xe thì con cũng không thể nào nằm yên được. Con mệt lắm rồi, con không chịu được sau một ngày mẹ làm việc không ngừng lại cỡi xe đạp lên dốc như thế này đâu. Con đạp, con chòi, con gồng lên trong vùng nước ấm bao bọc quanh con. Mẹ không thể đạp được nữa, mẹ dừng xe lại và dựng vào một gốc cây cao su. Mẹ trải tấm vải nilon dùng che mưa lên trên đám lá cao su và nằm xuống. Ôi thật tuyệt vời mẹ của con ơi. Con khó chịu gò lên méo cả bụng mẹ. Mẹ nằm xuống nghỉ ngơi nhìn lên tàng lá cao su, ánh nắng chiều đang nhấp nháy mỉm cười với mẹ. Mẹ vuốt bụng mình để đưa con về vị trí tốt nhất, mẹ vuốt liên tục, mẹ xoa vào con với tất cả yêu thương và xót xa. Con từ từ dịu lại và nằm im.

 

Giữa rừng cao su bạt ngàn thẳng tắp, mẹ nhỏ bé cô độc với cái thai vượt bụng nằm phơi mình trên đám lá quả thật là một bức tranh tuyệt đẹp. Rừng cây không một bóng người, không một nhiếp ảnh gia nào có thể chụp được tấm hình tội nghiệp của mẹ tôi. Con đường về nhà vẫn còn xa và mẹ còn bao nhiêu là việc phải làm. Con thương mẹ quá nên nằm yên ráng chịu đựng. Mẹ thấy không? Con mẹ đã yêu mẹ ngay từ còn là một bào thai. Con muốn nói ngàn lần hơn." Con Yêu mẹ và cám ơn mẹ đã nặng nề cưu mang con."

 

Đúng ra mẹ phải nghỉ sớm để tịnh dưỡng chờ sinh. Nhưng với quy định của nhà nước thời gian nghỉ sinh rất ngắn. Mẹ muốn dành những ngày ấy để nghỉ dưỡng sau khi sinh còn non ngày non tháng. Vì thế con cứ cùng mẹ lên đường mỗi sáng sớm và về nhà khi đã hoàng hôn. Vì định mức công nhân một ngày lao động mẹ phải làm nhiều giờ hơn người khác mới có thể hoàn thành. Cận ngày sinh, mẹ phải dừng làm việc nhiều lần để lấy lại sức. Mẹ phải nghỉ lại giữa rừng cao su đôi ba bận mới có thể đạp xe về nhà.

Con đã đủ ngày tháng để sinh ra đời. Con cần ánh sáng mặt trời, con cần tự mình hít thở khí trời. Con muốn nhìn thấy mẹ, muốn mẹ ôm con vào lòng. Hai ngày liền con trở mình, con đạp con chòi, mẹ không thể đi làm được. Và một sáng tinh sương, khi kẻng báo hiệu giờ công nhân ra điểm danh đi làm, mẹ ôm bọc đồ em bé vào trạm xá nông trường. Cô mụ Ba nhìn mẹ với cái bụng không to mấy mỉm cười:

- Chưa sanh đâu, yên chí đi cô.

 

Mẹ đi ra hành lang trạm xá và bước từng bước nặng nề đau đớn. Các cô ý tá cứ nghĩ còn lâu lắm mẹ mới sinh nên ra đứng nói chuyện, thờ ơ chuẩn bị đồ nghề cần thiết để rước con ra. Thế nhưng con phản đối, con chòi đạp quyết liệt, con không muốn chờ đợi, con không muốn mẹ phải quá đau đớn vì con. Mẹ nói ba đi mua cho mẹ ly sữa nóng để uống cho lại sức. Ba vừa bước ra khỏi cửa trạm xá là mẹ chuyển dạ. Mẹ vào nằm trên giường sanh và quả quyết con sắp ra. Bà Mụ Ba chưa chuẩn bị xong đồ nghề, y tá còn đang nói cười ngoài hành lang thì trên giường sinh, nước ối vỡ òa và con đã ra đời. Con nhỏ xíu chỉ hai ký bảy khóc to, lớn họng  trong trạm xá buổi sáng mùa hè tháng 7.

 

Ba đem sữa về tới trạm xá là con đã nằm yên vị bên mẹ. Mẹ đưa tay nhận con từ người nữ hộ sinh già hiền hậu. Mẹ mân mê từng ngón tay, ngón chân con, mẹ xoay người con xem có dấu vết gì lạ. Da con nhăn nhúm xấu xí, người con bé tí nhưng mũi cao, khóc to và sinh mau nên mọi người đều khen con rối rít. Con là đứa bé làm mẹ mệt mỏi nhiều nhất nhưng con ra đời nhanh nhất vì con yêu mẹ.  

 

Mẹ từng bước chậm chạp đi về giường sinh, cô y tá bồng lấy con đi theo mẹ. Chiếc giường sản phụ bằng sắt từ thời Tây đã nhiều tuổi lắm rồi, là chiếc giường đầu tiên con trai mẹ được nằm. Chiếc chiếu trải lên nó đã cũ, ở vành chiếu các cọng cói đã rớt ra xấu xí. Thời đại mới XHCN nước ta còn nhiều khó khăn. Mẹ con mình cùng chia sẻ.

 

Mẹ lấy một cái khăn lông cũ trải xuống chiếu để đặt con lên. Con mặc bộ đồ em bé cũng đã cũ có những vết ố của sữa. Áo này là của anh tư, mẹ mặc cho con để dễ tính, bú no, mau ăn chóng lớn Mẹ dùng một cái tã lớn để quấn con thật kín, thật chặt. Mẹ nằm xuống xoay người nhìn con trong hạnh phúc vô bờ của một người mẹ. Mẹ đã an toàn vượt cạn và con ra đời khỏe mạnh bình an. 

 

Ngoài kia trời mùa hè nóng bức oi nồng, những lát chiếu gãy đâm vào lưng mẹ rõ đau. Những con ve ngoài sân trạm xá trên cây phượng vĩ kéo đàn inh ỏi để chào đón con. Mẹ nói cây phượng đó già tuổi lắm rồi, ngày còn bé mẹ hay ra hái hoa ép vào vở học trò. Bây giờ mẹ đã làm mẹ, cây vẫn xanh lá hoa phượng đỏ rực một góc sân thật đẹp.

 

Nói sao hết về mẹ về con. Nguồn sữa mẹ đầu đời con nhận được chắc là ngon lành và bổ dưỡng. Da con không còn nhăn nhúm xấu xí, mặt con căng ra mũm mĩm dễ thương. Những ngày mẹ đi làm, con ở nhà với nội, uống nước cháo thay sữa mẹ. Mẹ về, mồ hôi ướt đẫm, hai bầu sữa căng cứng. Mẹ lau sạch sẽ hai đầu nhũ hoa và xịt những tia sữa đầu tiên lên vách. Bà nội nói đó là những giọt sữa đầu nắng, con bú vào sẽ đau bụng. Mẹ bồng lấy con và cho con bú. Con bị ngộp vì sữa xuống nhanh, khi con vội nhã ra sữa xịt đầy mặt mũi. Mẹ lại âu yếm nhìn con:

- Từ từ con cưng. Háu ăn quá vậy.

 

Có lẽ nơi xấu xí và hôi hám nhất là giường sản phụ. Nó bao gồm nhiều mùi tệ hại nhất. Mùi dầu khuynh diệp nồng nặc, mùi của khói than xông lên giường chiếu nằm cữ. Mùi của thuốc xông, lá xông và mùi của nước đái. Vâng! chỗ khô con nằm, chỗ ướt phần mẹ. Mà vì là con trai con cứ xỉa lên trời mà bắn súng nước. Tội nghiệp mùng, mền, chiếu gối và đôi khi cả mặt mẹ cũng vương đầy nước đái của con. Mẹ ơi! biết nói thế nào cho hết những gì mẹ đã hy sinh cho con

 

Những lúc con ấm đầu sổ mũi mẹ thức suốt canh thâu. Những lúc con đi tướt liên tục, mẹ vất vả chăm sóc. Những lúc con quấy khóc cả đêm mẹ bồng con trên tay dỗ dành. Khi con khóc mẹ dường như cũng khóc, con cười mẹ rạng rỡ niềm vui. Con tập vào đời bằng nghị lực và sự cố gắng của mình ngay từ hồi bé xíu. Mẹ khuyến khích con nhưng không đưa tay ra giúp để con tự mình cố gắng. Khi con nằm ngửa hai chân đạp lòng còng, mẹ cột một chùm vải cho con tập nhìn tập với. Con tập lật, nhiều lần cố gắng cũng không xong. con khóc vang lên đòi giúp nhưng mẹ không lật con lại mà cứ để phải tự mình làm. Khi con lật được phải tự mình tập trườn, tập bò, tập ngồi, tập đứng chựng, tập đi. Mỗi giai đoạn con phải tự chủ bản thân và luôn luôn có mẹ một bên để vỗ tay khuyến khích. Bước chân đầu tiên con đi được là lao vào người mẹ hân hoan. Mẹ bồng con đưa lên cao mừng rỡ. Con đã tự đứng trên đôi chân của mình và bước tới trước Phải chăng đó là giáo dục của mẹ để con phải tự lập và đối diện với khó khăn trong cuộc đời mình. Cám ơn Mẹ. Cám ơn những gì mẹ đã cho con ngay từ những ngày thơ ấu và cả khi con đã trưởng thành.

 

Con đã lớn lên bằng sự giáo dục nghiêm khắc của ba và sự vỗ về khuyên răn của mẹ. Gia đình qua Mỹ định cư theo diện HO. Ba và mẹ đã không còn trẻ để có thể tìm cơ hội dễ dàng. Gia đình tị nạn nghèo nên chúng con luôn thiệt thòi hơn các bạn cùng lớp. Mỗi cuối tuần nhà mình thường đi tìm những nhà bán garage sale để mua đồ cũ. Quần áo chúng con và cả cha mẹ đa phần đều ở chỗ này. Mẹ mua về, giặt sạch và chúng con đến trường rất tinh tươm sạch sẽ. Chúng con không hề thấy mình thiệt thòi hay thiếu thốn. Mẹ luôn dạy các con rằng tư cách làm người không phải qua lớp quần áo mặc ngoài mà từ nội tâm và kiến thức.

 

Nghỉ hè mẹ không cho con rong chơi, mẹ bảo con xuống phụ anh Hai sửa xe. Mẹ nói khi con có một chiếc xe riêng của mình con sẽ gặp những lúc xe giở chứng. Con biết được cách giải quyết những trục trặc hư hỏng của chiếc xe là con thực sự làm chủ nó. Hãy lợi dụng kỳ nghỉ hè này học thêm một nghề cầm tay. Nhờ vậy mà con đã nhiều lần giải quyết những trục trặc ở xe con và bè bạn. Con đã tiết kiệm được tiền và giải quyết cấp kỳ những trở ngại của xe trên xa lộ. Cám ơn mẹ.

 

Mẹ ơi! Vùng con ở tuyết rơi trắng xóa. Tuyết ngập lối đi, tuyết đội vương miện lên những bụi cây trồng trước nhà. Tuyết đóng lại rơi xuống mái hiên như những sợi dây trắng xóa, lấp lánh đẹp như thạch nhũ. Tuyết làm bạc đầu cây Magnolia mẹ trồng trước nhà. Con nhớ mẹ quá mẹ ơi! Tóc mẹ đã bạc khi con trưởng thành, khi con đã làm chồng làm cha. Giờ này con muốn ôm mẹ vào lòng, muốn bồng mẹ lên xoay mấy vòng như những mùa Xuân năm trước. Con đã thức suốt đêm khi con con bị bệnh, con đã mừng rỡ khi bước đầu tiên nó chạy vội vào con. Con đã rơi nước mắt khi nhìn vợ con sau khi sinh nằm trên giường nệm trắng tinh, thức ăn bổ dưỡng. Còn mẹ con tưởng tượng cái giường nhỏ với cái mùng cáu vàng vì nước đái của con ngày xưa mà thương mẹ quá mẹ ơi!.

 

Vợ con đem lên cho con tô mì gói có cái trứng gà ở trên. Con lại nhớ tiếng mẹ gõ cửa phòng con lọc cọc. Mẹ bưng vào tô mì mẹ nấu một gói rưởi với hai cái trứng chiên ốp la để lên trên cùng với mấy con tôm. Mẹ bảo:

- Bài vở nhiều vừa ăn vừa học đi con.

Rồi mẹ bước ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Lúc đó đói mà bài vở quá nhiều, con ăn vội vàng, làm bài xong là vội đến trường. Con không kịp nói hay quên hẳn câu nói cám ơn mẹ cũng như bưng tô mì đã hết ra ngoài. Chiều con về phòng con mẹ đã dọn dẹp xong. Những ngày con đi học xa nhà, những ngày đi lính, nhìn ra biển trời mênh mông, trên hạm đội con nhớ tô mì mẹ nấu chảy nước mắt.

 

Tháng năm có ngày Lễ Mẹ, con ở bên này nhớ mẹ nhiều. Con gửi về cho mẹ chậu hoa bonsai làm quà mừng mẹ khỏe mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh đã qua, mẹ nhớ cố gắng thu xếp qua thăm con và cháu. Cây bonsai dáng nhỏ nhưng chắc chắn, sau này nó sẽ ra hoa đẹp lắm. Con biết khi mẹ mở gói quà, mẹ nghĩ ngay là của con gửi về tặng mẹ. Chỉ có con mới tặng mẹ cây hay hoa để trồng vì con biết mẹ thích chăm chút và nhìn từng chồi non mới nhú, những cánh hoa mới bắt đầu hé nụ. Mẹ sẽ thấy trong hộp còn có một gói nhỏ, trong đó có một ngư ông bằng sành ngồi câu. Cây bonsai là mẹ, người câu cá là con, con núp dưới bóng mát của mẹ để lớn lên trưởng thành và ra ngoài làm việc. Dù con là thằng bé đi học mẫu giáo, một người lính hay một ông già ngồi câu cá thì con vẫn là con của mẹ, vẫn nhờ dòng sữa mẹ lớn lên.

 

Mẹ ơi! Ơn nghĩa sinh thành biết chừng nào con đền đáp được. Con nguyện cầu cho mẹ khỏe mạnh, an lạc để sống đời với con.

                                                                      Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

 

10 Tháng Năm 2022(Xem: 5931)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6829)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6475)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
01 Tháng Năm 2022(Xem: 10731)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 2022(Xem: 8942)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
11 Tháng Ba 2022(Xem: 5780)
tiệc Tân Niên 2022 của Hội Ái Hữu Biên Hòa vẫn ngọt lịm tình người đồng hương xứ bưởi, với sự tham dự của nhiều thầy cô, cựu học sinh Trung Học Ngô Quyền cùng gia đình và thân hữu.
05 Tháng Ba 2022(Xem: 8210)
Kính chuyển hình ảnh Tiệc Mừng Xuân Nhâm Dần Hội Ái Hữu Biên Hòa Tổ chức lúc 10:30 Ngày 27/2 /2022 Tại nhà hàng Paracel Seafood.
04 Tháng Ba 2022(Xem: 13101)
Xin mời thưởng thức video " HƯƠNG BƯỞI GỌI NGƯỜI VỀ" Lấy ý tưởng từ 2 bài thơ "Dỗ Dành Hương Bưởi" và "Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống" của Trần Kiêu Bạc.
24 Tháng Hai 2022(Xem: 6010)
vậy là đúng như mẹ em nói tuổi nào cũng có số mệnh của nó, nhiều khi chỉ ngẫu nhiên mà hoạn nạn rơi vào tuổi Dần rồi gây ra ấn tượng và mang tiếng thêm cho người mang tuổi Dần mà thôi
01 Tháng Hai 2022(Xem: 6191)
Bài sẽ bàn về tục ngữ ca dao dinh dáng ít nhiều đến hổ,
28 Tháng Giêng 2022(Xem: 9302)
Nhưng các loại hoa quả chưng ngày Tết và dịp Tết Trung Thu người ta không thể thiếu bưởi. Bài này tôi chỉ xin bàn về quả bưởi thôi.
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 8925)
Hai năm nay chỉ ưu tư vì Covid nên làm gì có xuân thủy tiên. Gửi cho em vài hình thủy tiên cũ, với tựa đề "Xuân này em không về.." Chúc mừng năm mới các em.
22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6807)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
02 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 6651)
Tạ ơn thời có lắm điều Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa; Bao niềm vui mới nên thơ Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra Khi ta nhìn khắp gần xa Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6805)
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, một nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1986 - 1987 đã tổ chức Họp mặt vào ba ngày October 08/09/10 năm 2021 tại Arizona.
04 Tháng Chín 2021(Xem: 10328)
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng.
01 Tháng Chín 2021(Xem: 10506)
Yêu nhau trọn vẹn sắt son Xuân đi đông đến vẫn còn bên nhau Anh xin nguyện ước một câu Đôi ta vẫn mãi bên nhau suốt đời
27 Tháng Tám 2021(Xem: 11566)
Bước chân buồn lặng lẽ trôi Hắt hiu một bóng, luân hồi phù vân Câu kinh nhật tụng vọng âm Một người ở lại thế trần quạnh hiu.
16 Tháng Tám 2021(Xem: 12422)
một nén hương thắp cho người bạn thời thơ ấu, vào ngày giỗ đầu. tháng 8, năm 2021.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10773)
Thương ai tóc rối tơi bời Tình ơi một kiếp rong chơi ta bà Lạy người yên nghỉ nơi xa Sợi buồn ta giữ trăng tà nhớ ai.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 11584)
Mùa VU LAN Nhìn màu hoa nhớ MẸ Nhớ cả TRÁI RỪNG đã trôi vào cổ tích nhớ thương.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10641)
Chiều nay em đã đi rồi Bên bờ bến vắng bồi hồi nhớ nhung Triều dâng ngọn sóng ngập ngừng Chờ em quay lại nơi từng bên nhau
08 Tháng Tám 2021(Xem: 10651)
Phận con chữ hiếu chưa tròn Chưa ngày chăm sóc, mỏi mòn cách xa Cho con cúi lạy xin tha Một lời sám hối xót xa cõi lòng
07 Tháng Tám 2021(Xem: 11416)
Gửi dấu yêu vào dạt dào gió lộng Tơi tả bay khăn áo lụa xuân thì Làm lạc mất hình ra xa khỏi bóng Gần cuối đời nước mắt vẫn tràn mi.
01 Tháng Tám 2021(Xem: 11002)
Có lúc tưởng mình chỉ là cái bóng Yêu nồng nàn lại chẳng thể gần nhau Anh... Lặn lội phương xa nhiều lận đận Em... Ẩn mình vào ốc nhỏ long đong.
28 Tháng Bảy 2021(Xem: 9833)
Những cánh chim ẩn mình đã tung bay vào nắng sớm, cây cỏ sau vườn chổi dậy những mầm xanh…
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 9839)
. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên: -Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?