Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

vhp. Hạ Vũ - TÓC MAI (Chương V (tt) & Chương VI)

05 Tháng Ba 20196:49 CH(Xem: 13880)
vhp. Hạ Vũ - TÓC MAI (Chương V (tt) & Chương VI)

1b. Toc Mai Book Cover version      3


Chương 5  

         Có Vạn Lần Buồn (Tiếp Theo)




5.
Đến ngày hẹn, Hồng đi cùng với Phương dạo khắp cửa hàng ở Sài Gòn tìm mua vải may áo.  Khi hẹn với Phương, nàng quên mất những ngày cận Tết nhà nào cũng rất bận rộn, nhưng là con gái cưng lâu lâu mới về, cũng cần chưng diện cho đẹp mặt nên được mẹ thông cảm khuyến khích nàng cứ đi, việc trang hoàng nhà cửa và sắm sửa tiệc tùng cho ngày Tết một mình mẹ lo được.  

Sài Gòn vào những ngày sắp Tết thật đúng như cụ Nguyễn Du miêu tả: "Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần như nen."  Những cửa hàng trang hoàng bắt mắt.  Hàng hóa phong phú, đa dạng.  Hai nàng mê man ngắm nghía, mua sắm, quên cả giờ giấc, đến trưa mới chọn xong vải may áo.  Sau khi ăn uống no nê, hai cô đến chợ hoa vì đó là điểm quan trọng thứ hai.  Hoa đua sắc thắm thu hút hai cô. Tới gian hàng hoa nào các cô cũng đứng ngắm, hoa nào cũng muốn mua, nhưng mỗi người chỉ có hai tay nên tới lui mấy lượt mới đành quyết định mỗi người chỉ mua một chậu hoa mà thôi.  Phương chọn một cành mai rất đẹp, nhiều nụ còn búp, có thể đến ngày mùng một Tết mới nở rộ khoe sắc.  Cành mai có hơi lớn, vào taxi cũng khó nên Hồng chọn chậu lan màu tím để tiện cầm tay đi xe buýt.  

Trên đường về Phương vừa đi vừa tránh né người qua kẻ lại, giơ cao cành hoa khỏi đầu vì sợ  người đi đường đụng phải làm nụ hoa rơi rụng.  Tội thân cô nàng, vì yêu hoa nên khổ vì hoa, đem thân bảo vệ hoa!   Hai nàng đang đi, một cậu bé vuột khỏi tay mẹ, chạy lăng xăng, va vào người Phương.  Phương mang guốc cao cả tấc mất thăng bằng, lảo đảo, cành hoa lắc lư.  Hoảng hốt, Hồng vội vàng chụp cành hoa vì sợ hoa rơi rụng, bầm giập thì mất đẹp.  Hồng cũng thuộc loại yêu hoa, lấy thân che chở cho hoa và quên mất bạn mình có thể té giập mặt.  Nàng cũng quên mất hai tay mình đang cầm lỉnh kỉnh mấy túi vải may áo và chậu hoa lan.  "Bộp"... lọ hoa lan trong tay Hồng rơi xuống nền xi măng, bể tan tành.  Lo cứu Mai mà quên Lan!  Nàng nhìn hoa mà đau lòng, vừa xuýt xoa vừa lui cui nhặt hoa, đếm xem hoa rụng mất mấy nụ, quên luôn Phương.  Chừng sực nhớ, nhìn ngó chung quanh vì tưởng bạn nằm dài giữa chốn chợ đông, ai ngờ khi nhìn lên... thì thấy cô nàng đang e lệ, đỏ mặt tía tai, lập bập cám ơn một người hùng đẹp trai, cao to, nước da sạm nắng, tóc hớt cao kiểu nhà binh.  Kiểu này có lẽ là một anh sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang nghỉ phép đây.  "Người hùng cứu mỹ nhân" đúng tiêu chuẩn người lý tưởng của cô nàng.  Giữa trưa nắng nóng của Sài Gòn hoa lệ, “tiếng sét” giáng xuống Chợ Hoa Nguyễn Huệ trúng phải nàng Phương!  Anh lịch sự tự giới thiệu tên Lưu, đỡ lấy nhánh mai, và giúp Hồng đứng lên. 

Nhìn người lại ngẫm đến ta, Hồng cảm thấy tủi thân.  Nàng không vô duyên đến nỗi không có lấy một người để lọt mình vào mắt xanh.  Có ít nhất hai người đang đeo đuổi kỹ nhưng sao nàng lại trơ trọi, cô đơn giữa mùa Xuân đang tưng bừng mở hội!  Nhìn Lưu đưa bạn mình lên taxi về nhà, nàng nhớ chuyến xe định mệnh ngày nào ở Phi Trường Đà Nẵng, chuyến xe đưa nàng vào mộng ước rất bình thường của người con gái, nhưng sao nàng cảm thấy mong manh vô cùng. 

Hồng thui thủi về nhà, cảm giác mỏi mệt chợt ập tới.  Khi bước vào nhà, nàng thả mình xuống ghế, gạt đồ đạc trên bàn qua một bên, đặt mấy túi vải mới mua lên đó, xoa đôi bàn chân tội nghiệp của nàng.  Hai đứa em gái chạy đến xem mấy xấp vải.  Chúng reo lên:
- Vải đẹp quá, cho em xấp vải màu thiên thanh này nghe.
-  Em cái màu lá mạ non.
Hồng cười:
- Được, nhưng chờ vào đại học đã.  Bây giờ mặc đở màu trắng đi.  Hai xấp vải xoa trắng của hai em đó. 
Chợt Hồng thấy một gói quà được bọc giấy hồng (lại là hồng, tên nàng) nơ đỏ nằm chễm chệ trên chồng sách đặt trên bàn. Vậy mà nàng vô ý, không nhìn thấy lúc nảy.  Đứa em nhỏ thấy nàng nhìn, liền nói:
- Hồi sáng có một anh đến tìm chị mà không có chị ở nhà.  Quà của anh ấy tặng chị đó.
-  Anh ấy tên gì vậy? 
 Nàng hỏi với hi vọng là Quang đã đến tìm mình và than thầm: "Sao mà xui dữ vậy nè!  Anh tới tìm em đúng vào lúc em đi chợ Tết.  Sao chúng ta ‘vô duyên’ đến thế này!"
 Đứa em nhỏ liến thoắng đáp:
- Anh Đông ở bên Mỹ mới về.  Ảnh chờ chị cả tiếng đồng hồ làm má bắt em nói chuyện với ảnh lâu bắt chết. Ảnh nói chuyện vui lắm, kể chuyện bên Mỹ, chuyện lái máy bay, chuyện mấy người bạn Mỹ, Tàu, Phi...  Hấp dẫn lắm.
Một sự thất vọng ụp tới, đồng thời một tia vui len lén đi vào tâm tư Hồng.  Đứa em lớn góp lời:
- Chị à, sao chị đi lâu quá!  Sau khi ở nhà mình ra, em thấy ảnh đứng ở trạm xe buýt xế trước nhà mình lâu lắm, bỏ qua không biết bao nhiêu chuyến xe.   Em chắc ảnh đợi chị đó!
Nghe em nói, Hồng bứt rứt khôn tả.  Tuy biết là đã muộn lắm rồi nhưng từ trong vô thức, một động lực nào đó thúc đẩy khiến nàng bước ra cửa nhìn về trạm xe buýt rồi ngó quanh quất tìm Đông nhưng không thấy dáng anh.  Chán nãn, nàng hỏi:
- Ảnh có nhắn gì với chị không?  Có để lại địa chỉ không?
Hồng hoàn toàn thất vọng khi thấy hai đứa em của mình đứng lặng thinh. Nàng mở hộp quà hi vọng có địa chỉ của Đông, nhưng không có gì ngoài món quà anh mang về cho nàng kỳ này là một máy sấy tóc và một lọ nước hoa Chanel 5.  Lúc nào Đông cũng điệu nghệ, chọn đúng ý thích của con gái.  Sợi dây chuyền anh tặng Hồng nhân dịp Giáng Sinh năm nào nàng vẫn còn đeo nơi cổ.  Nàng thầm mong ngày mai anh sẽ trở lại để được một ngày dung dăng dung dẻ với anh.  Cuốn phim ngày gặp mặt đầu tiên ở Quân Trường Không Quân Nha Trang quay lại rõ nét trong đầu nàng.  Nàng mong nhìn lại dáng cao gầy, miệng cười mỉm trêu chọc nhưng lại biểu lộ một sự thân mật của anh.  Những khó khăn gian khổ anh gặp phải trong quân trường dưới cách kể của anh đều biến thành chuyện vui.  Nàng tự hỗ thẹn vì mình trẻ con, đã đỏng đảnh với anh ngay trong lần gặp mặt đầu tiên.  Nàng đã hờn dỗi vì nụ cười trêu chọc của anh, đồng thời cũng bị nụ cười đó cuốn hút vào cuộc đấu "võ mồm" với anh để hôm nay vương vấn khó rời.  Sau hơn hai năm xa cách, nàng muốn nhìn lại anh xem nụ cười vừa dễ giận vừa đáng yêu đó còn trên khuôn mặt của anh không, dáng cao gầy của anh có bị hamburger Mỹ làm biến dạng không?  Do đó, suốt mấy ngày nghỉ Tết nàng không đi đâu nữa cả, ngồi nhà chờ Đông.  Vậy mà anh không quay lại.
Mấy ngày Tết Hồng mất đi cái vui Xuân!  Nàng thắc mắc không biết Đông nghĩ gì?  Có phải anh nghĩ nàng đang tay trong tay đi chơi với người yêu?  Anh là một người chậm bước vì trong thời gian hơn hai năm qua xa mặt nên cách lòng?  Nếu anh nghĩ vậy thì vừa oan cho nàng mà cũng vừa đúng, nàng đang yêu Quang  nhưng vẫn có cảm tình thân thiết với Đông.  Bây giờ nàng rơi vào hoàn cảnh "nội chiến" giống Cẩm Vân nên đâm ra ân hận năm xưa đã trách chị.  Quân, người anh họ của nàng, không được về phép Tết này  nên nàng đành viết thư nhờ  Quân tìm địa chỉ của Đông.  Hồng đã viết đi viết lại, xóa tới xóa lui  mới hài lòng một lá thư cám ơn và xin lỗi Đông đã để anh chờ.  Nàng đợi khi nhận được địa chỉ của Đông sẽ gởi đi ngay.  Nàng tự trách và than thầm:  Sao mình không về nhà sớm, sao anh không đến trễ một ngày.  Có phải chăng "vô duyên đối diện bất tương phùng?"  
Sau cái Tết không được vui lắm, Hồng trở lại trường trông ngóng ba lá thư từ KBC:  thư của Quang, Đông, và anh họ của nàng.  Từ ngày báo tin Sang, người bạn thân  thứ hai đã vĩnh biệt cõi đời, Quang viết thư từ cho nàng rất thưa thớt.  Chiến tranh ngày càng leo thang, càng khốc liệt.  Nàng theo dõi tin tức chiến trường rồi sốt ruột và viết thư liên miên cho Quang. Thư đi thì nhiều, thư về lại hiếm.  Nàng buồn vô cùng và có lúc nghĩ vẩn vơ, thỉnh thoảng thoáng qua đầu nàng hình ảnh một cô gái Huế tóc thề mượt mà dài ngang lưng, tay trong tay với anh dạo bờ Hương Giang.  Nàng chắt lưỡi than thầm: mình ở xa quá, không đem đến niềm vui từng ngày cho anh nên tình cảm nhạt phai dần theo thời gian và không gian! 
Về phần Đông, Hồng thắc mắc sao anh không viết thư cho mình dù là một lá thư trách móc nàng cũng hài lòng, để nàng có dịp thanh minh và cám ơn tấm lòng của anh qua hai món quà ngày Tết.  Nàng không sai hẹn, nàng không có lỗi mà sao anh giận dai thế?  Đó đâu phải bản tánh của anh, một người rất vui tính?  Hồng tự trách, tự biện hộ, rồi thắc mắc:  Hay là mình gặp phải "hai cánh bướm chỉ lượn vành mà chơi?"  Nàng ôm lấy tâm sự này mà ưu sầu một mình, không dám thố lộ cho đồng nghiệp ở chung nhà là Tuyết và Phương biết, chỉ sợ hai người đó lại cười nàng bắt cá hai tay nên vuột mất cả hai.  Nàng cũng không dám viết thư tâm sự với chị Hai Cẩm Vân của nàng, vì sợ "câu kinh nhật tụng" của chị: "Tao đã nói rồi mà, mấy anh chàng Không Quân là những cánh bướm chỉ lượn vành mà chơi.  Ai ngu ráng chịu."  Nàng cũng giấu ông anh họ Quân của nàng vì nghĩ anh có lẽ cũng là một cánh bướm lượn vành, sẽ cười nàng thúi đầu, nên không dám thúc giục anh tìm địa chỉ Đông.  Thế là nàng đành chờ đợi trong âm thầm câm nín!
Giờ đây Hồng mới thấm thía câu "Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây" trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm.  Có chờ có đợi mới thấy thời gian trôi sao quá chậm!
6.
Để thoát ra khỏi nỗi buồn chờ đợi tin nhạn gởi về, Hồng sống hòa mình với thế giới học đường của nàng.   Hồng may mắn hơn người chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm ở chỗ cuộc sống của nàng có thế giới bên ngoài song hành với thế giới tình cảm riêng tư nội tại.  Hồng có bạn bè, đồng nghiệp, và học trò.  Bận rộn với học đường giúp nàng đỡ ủ dột hơn người chinh phụ.  Phương và Hồng được bầu vào trong Ban Giáo Sư Cố Vấn của trường.  Đây là một sự bầu cử có tính cách o ép của các thầy vì họ muốn đưa hai cô giáo trẻ vào làm việc chung cho vui.  Hai nàng biết "ý đồ" đó và phản đối nhưng vô hiệu quả.  Các thầy đông quá, toàn thể giơ tay biểu quyết tín nhiệm.  Thế là cuộc bầu bán "độc diễn" thành công.  Hai cô đắc cử với số phiếu tuyệt đối và không có tiếng bấc tiếng chì hậu bầu cử.  Hai cô chiến thắng vẻ vang hơn nhiều lãnh tụ các quốc gia khác, nhưng... hình như hai nàng là bù nhìn.  Và, năm nào cũng được tái đắc cử với số phiếu (bằng tay) đa số tuyệt đối.  Hai cô chỉ có lấy một buổi họp đầu niên khóa với Ban Đại Diện Học Sinh để hoạch định chương trình  cho cả năm.  Sau đó các thầy làm tất cả mọi việc.  Khi đề cử, hai cô giẫy nẩy lắc đầu, các thầy đã hứa sẽ giúp đỡ mọi việc, cho nên mấy thầy phải gánh mà thôi.  

Cô Phương lãnh chức Cố Vấn Văn Nghệ & Báo Chí, chỉ có việc đọc và chọn bài đăng vào Đặc San Tết, còn những việc trang trí, quảng cáo, in ấn... các thầy lãnh hết.  Văn Nghệ cuối năm cũng vậy,  Phương không cần biết tới, có người lo vẹn toàn.  Riêng Hồng với chức Cố Vấn Xã Hội chỉ mỗi việc làm “Bang Chủ Cái Bang” dẫn đám "đệ tử," đứng mấy chỗ có đông ông đi qua, bà đi lại như ngã ba, ngã tư, chợ búa, tiệm ăn để xin tiền giúp đồng bào thiên tai, địch họa, thương binh tử sĩ.  Hồng hơn Bang Chủ Tổ Tiên của nàng là Hoàng Dung trong truyện kiếm hiệp Kim Dung ở chỗ nàng không bị buộc ăn mặc nghèo nàn, rách rưới, mà phải mặc áo dài xinh xắn, tha thướt, mượt mà đi ăn mày đầu đường xó chợ.  Vậy mà thiên hạ đã ưu ái cúng nhiều tiền lắm.  Người phụ trách tiên liệu trước, không xài mấy cái nón rách mà dùng thùng cạc tông to để đựng được nhiều tiền.  Đem thùng tiền về, giao Hiệu Trưởng hay Giám Học xong hai nàng phơi phới ra về.  Việc của Hồng có Phương tình nguyện làm phụ tá, việc của Phương có Hồng tình nguyện giúp. Thầy trò bỏ tiền túi ăn cơm nhà vác ngà voi, vậy mà vui vô cùng.  Ở tỉnh nhỏ tình người rất dễ thương vô cùng! 

Tình thầy-trò càng ngày càng thêm thân thiết.  Vườn cây trái của trò lại được hai cô giáo trẻ này thăm viếng.  Thế là hai cô được ăn, được thương yêu, còn được gói mang về.  Học trò của một trong hai cô nếu có bài vở gì không thông suốt thì hỏi bất cứ cô nào cũng được nhiệt tình giúp đỡ.  Dần dà rồi không biết tự bao giờ không còn phân biệt học trò riêng hay cô giáo riêng của ai nữa.  Học trò của hai cô tự dưng đông gấp đôi, tỉnh lỵ lại nhỏ nên nhất cử nhất động của thầy cô giáo không lọt khỏi cặp mắt đông đảo của học sinh. 
Vào một buổi sáng Chúa Nhật, Phương, Hồng, một vài cô giáo trẻ về trường niên khóa sau, và hơn chục học trò đang tập họp chuẩn bị đi cắm trại tại Núi Sam, anh chàng người hùng Lưu bỗng đến thăm Phương.  Thầy trò của bọn Hồng lịch sự có thừa, cùng nhau đi cắm trại, bỏ lại giai nhân Phương cho người hùng Lưu săn sóc.  Anh là "lính đi bộ", quen đi xe Jeep nên bắt xe đò đổ đường từ Sài Gòn xuống thăm nàng, còn hai "cánh bướm" của Hồng quen "bay" nên không quen ngồi xe đò, để cho nàng nhìn bạn mà tủi thân.  Buồn ơi!  Chào mi! 

Thầy Kim kỳ này vắng mặt trong cuộc vui cắm trại vì thầy bận về Sài Gòn lo giấy tờ ly dị. Thế mà khi trở về trường thầy lại biết được tin cô Phương có người yêu đến thăm. Tin "tình báo học trò" rất chính xác và vô cùng nhanh chóng.  Thầy tới nhà trọ tìm Phương đúng vào lúc Phương và Hồng đang trò chuyện vui vẻ với dăm em học sinh. Thấy gương mặt thầy sa sầm xám ngắt, Phương giữ học trò ở lại chơi, Hồng thì ra dấu bảo về.  Các em biết ý nên lần lần rút lui êm.  Phương nắm tay Hồng giữ lại không cho vào phòng.  Hồng là "đồng minh" trung thành của Phương nên quyết tâm bảo vệ cô nàng.  Hồng ngồi lại làm con kỳ đà.  Để làm giảm cơn buồn giận của thầy Kim, Hồng lên tiếng trước:
-  Về Sài Gòn kỳ này, anh lo xong giấy tờ chưa?
-  Xong rồi.  Anh mất nhiều công sức mới lo xong sớm.  Không ngờ vắng mặt có mấy ngày, ‘người ta’ xoay lưng lại với anh.
Nghe vậy, Phương nổi nóng nên nói thẳng:
- Phương chỉ coi anh như một người anh thôi.  Anh không giống mẫu người lý tưởng của Phương chút nào cả.  Chuyện riêng của Phương, anh không có quyền xen vào.  Nếu còn xen vào, mất tình anh em đó.
Vậy mà thầy Kim cố nói:
-  Không có em, anh sống không nổi nữa.
-  Sống nổi hay không là việc của anh, tùy anh.
Nói xong cô nàng quày quả đi vào nhà sau.  Thầy Kim đứng dậy nói vói theo:
- Anh chết trước mặt em cho em hài lòng. 
Nói xong thầy rút con dao xếp thủ sẵn trong túi áo.  Trong khi thầy mở dao thì Hồng nhanh tay đoạt lấy, bỏ vào túi áo của nàng và an ủi thầy:
- Anh à, anh muốn cảnh sát tới đây rần rần, làm liên lụy tới anh Tư chủ nhà, mang tai tiếng khắp trường, khắp tỉnh hay sao.  Bình tĩnh đi, duyên ai nấy gặp, cưỡng cầu không được, mà nếu được liệu có hạnh phúc không?  Anh suy nghĩ lại đi.  Nó không yêu anh, làm sao sống với nhau có hạnh phúc?  Anh nói anh yêu nó, vậy anh muốn nó vui vẻ, hạnh phúc hay anh muốn thấy nó buồn rầu, héo hon? 
Nói xong, Hồng cảm thấy mình như một bà cụ non.  Sao triết lý... vụn hay như vậy!
Thầy Kim ngồi phịch xuống ghế, thừ người, ôm đầu một lúc lâu, rồi đứng dậy cám ơn Hồng, ra về.
Nàng vào phòng tường thuật cho Phương nghe.  Cô nàng cười khen:
-  Giỏi!  Bạn học võ hồi nào mà ra chiêu Tay Không Cướp Vũ Khí(!) tuyệt vời, không bị trầy tí da nào cả?
- Mình biết ổng chỉ hù dọa thôi, nhưng nếu ổng biết mình không tin, sẽ làm nư, lỡ có xây xát thương tích thì thiên hạ biết, đồn tùm lum ra, mắc cỡ chết.
Phương trêu Hồng:
- Ôi chao!  Hôm nay Hồng lập được công "giai nhân cứu người hùng,"  ổng sẽ mang ơn cứu mạng(!) này suốt đời.  Cám ơn bạn đã nói lên giùm mình những điều khó mở miệng.

Mỗi lần thầy Kim "ra chiêu" Hồng lại nhớ tới sư huynh Lữ của nàng ngày xưa.  Khi gặp Hồng, anh cũng đã có vợ con như thầy Kim, nhưng cách hành xử của anh khác.  Một người động, một người tĩnh.  Bây giờ anh ở đâu?  Trong vòng vây lửa đạn, anh có an lành không?  Anh có tìm được hạnh phúc bên vợ con không?  Hay anh bất hạnh như thầy Kim?  Những câu hỏi không có câu trả lời mà vẫn được Hồng hỏi đi hỏi lại mãi.  Còn Quang của nàng, ba lá thư  gởi đi rồi mà chưa có hồi âm.  Nàng tự an ủi thời buổi chiến tranh anh bận hành quân liên miên không rảnh thì giờ và tâm trí để viết nên chậm thư.  Ngày nào nàng cũng hồi hộp theo dõi tin tức thời sự và chiến trường qua báo chí và truyền thanh.  Vùng I Chiến Thuật đang dầu sôi lửa bỏng.  Tuần nào đi cắm trại ở Núi Sam, nàng cũng vào Chùa Tây An và Chùa Bà Chúa Xứ để cầu phước lành cho anh.  Nàng cầm cuốn sổ tay Hướng Dẫn Cấp Cứu anh đã tặng để nhớ tới anh, để thấy anh trong đó.  "Anh cần cuốn này hơn em mà, học trò của em ít khi gặp tai nạn hơn chiến hữu của anh.  Cám ơn anh.   Mỗi lần nhớ tới anh, em đọc nó.  Nó đã sờn gáy rồi, nhưng em sẽ giữ nó mãi mãi như giữ tình yêu của em với anh."  Hồng lẩm bẩm với mình.
7.
Phương về, từ ngoài cửa nàng đã nói như reo:
-  Này Hồng, có tin vui.  Bạn có quà từ KBC gởi.  Công mình từ trường mang về, đãi mình một bữa chè nghen!
-  Chuyện nhỏ, mấy bữa cũng được.
Phương nhá một bao thơ lớn dày cộm trước mặt Hồng, xong giấu sau lưng.
- Thôi mà, làm khó mình chi vậy.  Làm ơn đưa gấp đây, mình đang đợi mấy tháng nay rồi.
Phương ra điểu kiện để trêu:
- Nói đúng tên người gởi thì mình đưa ngay.
- Quang.
- Sai.
- Đông.
- Sai.
Mặt Hồng kém tươi, ưu tiên 1, ưu tiên 2 đều không phải.  Vậy là thư của anh Quân.  Anh Quân đã tìm được địa chỉ của  Đông? 
- Cho nói lần cuối.
Hồng hớn hở nói:
- Kỳ này mình nhất định trúng lô an ủi khá lớn đây.  Thư anh Quân
- Đúng rồi.  Chèn ơi, gì mà tới ba KBC lận.  Đào hoa dữ đa!
 Hồng hí hửng mở gói quà ra.  Trong đó một lá thư của anh Quân, và một hộp giấy nhỏ hình chữ nhật được bọc kỹ và dán kín.  Nàng để hộp quà sang bên, mở thư của anh Quân ra đọc, mong sao có địa chỉ của Đông trong đó.
Nha Trang, ngày... tháng... năm...
Em gái thân yêu của anh,
Việc đầu tiên anh xin lỗi em vì đã chậm việc em nhờ.  Cho anh trăm ngàn lần xin lỗi em. Mọi lý do bây giờ đều là ngụy biện, không thể tha thứ được.  Chính anh cũng không thể tha thứ cho anh.  Anh thiếu trách nhiệm với em, với Đông, anh không sốt sắng, không tích cực hỏi tìm địa chỉ của nó cho em.  Anh đã dần dà lần lữa, hẹn nay hẹn mai.  Anh đã làm mất đi mấy tháng vàng ngọc của Đông và em. 
Đông yêu em, yêu ngay lúc đầu gặp gỡ.  Anh biết và xác nhận là đúng.  Đông mang tình yêu nồng nàn tích lũy mấy năm trời về nước để trao cho em.  Không gặp được em, nó nghĩ rằng em ra trường gặp người xứng đáng hơn nó.  Nghĩ lại thân mình sinh mạng mong manh, sáng ra đi còn yêu đời, khỏe mạnh, chiều về có thể xác nằm trong poncho hay rơi vung vải trong rừng núi nên nó cứ chần chờ không gởi thư cho em.  Anh thông cảm với nó vì cũng cùng một tâm trạng.  Trong đời anh, nó là người bạn thân nằm xuống đầu tiên cho Tổ Quốc.  Bạn bè cùng đơn vị của nó gom hết mấy lá thư của em viết và lá thư cuối cùng của nó viết cho em còn dang dở gởi đến anh nhờ chuyển cho em.  Em đọc thư sẽ rõ tình yêu của nó....
Mắt Hồng nhòe đi, không đọc tiếp được nữa.  Hồng gục xuống bàn nức nở.  Phương ngỡ ngàng. nhìn bạn, liếc qua bức thư, thừ người ngồi im lặng bên cạnh.  Phương đang nghĩ tới Lưu, chợt rùng mình.  Tương lai của mình, của tuổi trẻ Việt Nam đi về đâu...?  Mọi lời nói an ủi bây giờ đều vô ích.  Phương nắm lấy bàn tay Hồng siết chặt biểu lộ sự cảm thông.  Nàng cảm thấy căn phòng vắng lặng, lạnh ngắt mặc dầu có tiếng khóc thút thít của Hồng  vang lên từng cơn.  

 Sau buổi gặp gỡ tình cờ đầu tiên ở Chợ Hoa Nguyễn Huệ dịp Tết, Lưu đã tận dụng những ngày nghỉ phép đến gặp Phương.  Cô nàng đã cùng anh hưởng trọn những ngày vui Xuân cùng nhau.   Anh đã gác qua một bên những ngày gian nguy nơi chiến trường để tận hưởng những ngày vui ít ỏi của mình với Phương.  Đơn vị anh đóng ở Lai Khê (Bình Dương) cũng là một cái may, khoảng cách không gian giữa hai người không quá xa để vượt khỏi tầm tay với.  Từ tình cảm quý mến lúc ban đầu dần dà phát triển thành tình yêu.  Nhưng, lại chữ nhưng quái ác!  Cha của Phương tỏ ý không muốn có chàng rể là lính trận.  Ông sợ con gái cưng độc nhất của mình sớm làm quả phụ, trong lúc ông có nhiều bạn bè ngỏ ý muốn kết xui gia với ông.  Những người bạn này có con trai là bác sĩ, kỹ sư trong các ngành dân chính. 

Giờ đây thấy Hồng ngồi khóc vì Đông đã hi sinh cho Tổ Quốc, Phương thương cho bạn và đau lòng cho mình.  Cha nàng có lý khi phản đối tình yêu này.  Đó cũng là do tình cảm của người cha đối với con.  Mẹ nàng mất sớm, bỏ lại bầy con cho ông.  Ông không tục huyền, nuôi con nhọc nhằn cho đến giờ.  Ông lấy hạnh phúc của các con làm hạnh phúc của mình, bất hạnh của các con làm bất hạnh của mình.  Nàng không muốn làm cha mình buồn bã lo âu, đồng thời cũng không muốn phải xa Lưu.  Trái tim có những lý lẽ không giải thích  được.  Biết rằng kết hôn với Lưu là đánh đu với số mệnh, nhưng chỉ mới nghĩ tới ngày nào sẽ mất Lưu trong đời nàng không thể chịu được. 

Để tránh cho cha nàng buồn phiền, Phương giấu cha và hẹn hò với Lưu ở Châu Đốc.  Một vài khó khăn và bất tiện xảy ra.  Vì thời giờ eo hẹp, những cuộc gặp gỡ giảm xuống và ngắn lại.  Đường bộ thiếu an toàn dù anh "tam tứ núi cũng trèo" thì sá chi mô mìn dọc đường, nhưng cũng là một vấn đề khó nghĩ cho Phương.  Cặp mắt học trò khắp nơi làm giảm đi tự do, giảm đi tình tứ lãng mạn, một nắm tay, một nụ hôn cũng không dám, và thầy Kim nữa...  Ôi chao, nhắc tới thầy Kim là nhắc tới rắc rối cuộc đời.  Sau màn tự tử hụt, thầy không buông bỏ hi vọng, vẫn tới lui thường xuyên, và vai trò kỳ đã cản mũi của Hồng vẫn phải tiếp tục.   Ngày mai Chúa Nhật, Lưu có hẹn sẽ gặp Phương.  Phương sợ thầy Kim chạm trán với Lưu, lùm xùm, tai tiếng không đẹp ở một tỉnh lỵ nhỏ, nơi mà hình ảnh thầy cô giáo được phụ huynh đem ra làm tấm gương mẫu mực cho con em noi theo.  Chưa biết giải quyết cách nào Phương nghe Hồng tức tưởi nói:
- Anh Đông còn quá trẻ!  Quá trẻ!...  Anh mới về nước có hơn bốn tháng thôi,  Phương ơi!
Phương nghe nói, tự dưng cũng nhói đau và ứa lệ.  Hồng tiếp:
- Mình mắc nợ anh một lời xin lỗi và một lời cám ơn.  Làm sao bây giờ!  Làm sao bây giờ!
Phương không thể trả lời được, nàng ôm lấy bạn, chỉ biết an ủi một câu mà nàng biết bạn mình không tin:
- Anh ấy không trách đâu.  An tâm đi.
 Phương biết Lưu đã đến tỉnh lỵ, ở tại khách sạn độc nhất của tỉnh nhưng  không thể đi găp anh được.  Nằm bên cạnh Hồng, Phương trằn trọc suốt đêm, thỉnh thoảng tiếng nấc của bạn trong giấc ngủ mệt mỏi làm nàng thêm bứt rứt.
Sáng sớm hôm sau, Phương lấy khăn nóng đưa cho bạn chườm hai mắt cho bớt sưng, ái ngại nhờ bạn:
- Hồng à, giúp giùm mình một việc.  Mình đi Long Xuyên với anh Lưu để tránh cặp mắt của mọi người, chiều về.  Nếu anh Kim có tới, Hồng tìm cách nói khéo giùm mình nghen.
- Hãy vui vẻ khi có dịp.  Đừng để lỡ như mình, rồi ân hận mãi...  

 Phương đi rồi, Hồng mở thư của Đông ra đọc.  Nơi hàng ghi ngày tháng hai chữ  Đà Nẵng đập vào mắt nàng.  Vậy là Đông về cùng Phi Đoàn với Quang. Anh là một đàn em chiến hữu của Quang mới về nước mấy tháng đã vĩnh biệt cõi đời.  Chuyện này thế nào cũng gây sốc cho Quang.  Vậy là tình hình chiến sự nơi địa đầu giới tuyến rất gay cấn.  Hồng mới đọc vài hàng, nước mắt lại ứa ra, nàng gấp lại, đọc sau vậy. Hồng lấy những lá thư của Đông và thư của nàng sắp xếp chung lại với nhau theo thời gian và cất vào hộp.  Nàng không có can đảm đọc lại, chờ thời gian cho tâm tư lắng đọng rồi đọc sau.  Không đọc nhưng quá khứ cứ quay về, quà anh tặng còn đây, kỷ vật còn đây.  Nàng chua chát nhớ tới lời của Ngọc đã chọc ghẹo khi đeo sợi dây chuyền vào cổ nàng:  "Từ giờ trở đi nàng mang theo chàng luôn bên mình.  Hai ta trở thành chim liền cánh cây liền cành."  Ngọc ơi, cánh gãy, cành rơi mất rồi! 

Hồng còn đang mân mê sợi dây chuyền nơi cổ thì bé Châu thông báo có thầy Kim tới tìm Phương.  Hồng bước ra, thấy mặt thầy Kim méo xẹo, mặt nàng cũng không tròn.  Chưa kịp ngồi xuống ghế, thầy Kim đã lên tiếng:
- Phương đi rồi phải không?
Hồng nghĩ "tin tình báo học trò" nhanh thiệt, liền đáp:
- Phải.  Nó có chuyện riêng, đi khỏi rồi.
- Anh đi kiếm Phương.
Hồng vờ giận dỗi:
- Anh chỉ biết có nó thôi.  Còn đứa em gái nuôi này chết sống thế nào anh không cần biết tới, phải không?  Anh nhìn kỹ lại em đi, xem có gì khác lạ hơn mọi ngày không?
Thầy Kim dừng bước, nhìn kỹ Hồng, thấy mắt nàng còn sưng mọng, đoạn kéo ghế ngồi xuống hỏi:
- Có chuyện gì vậy?  Em với Phương gây lộn hả?
- Nếu chỉ có gây lộn thì làm sao em rơi nước mắt?  Em buồn lắm.  Đừng hỏi nữa, chỉ làm em khóc thôi.  Anh ngồi lại đây kể chuyện đứa con gái dễ thương của anh cho em bớt buồn.
Bị gợi đúng vào yếu huyệt, thầy Kim huyên thiên kể chuyện đứa con gái của thầy từ lúc mới chào đời, giai đoạn chập chững biết đi, bập bẹ biết nói, cho đến ngày cắp sách đến trường.  Thỉnh thoảng Hồng chêm vào một câu hỏi “câu giờ” để thầy Kim kể tỉ mỉ hơn.  Nàng phòng hờ nếu Phương gặp trường hợp phải đợi lâu xe đò mới khởi hành thì cũng đủ thoát nạn.  Yêu nhau mà như tội phạm, phải lén lút.  Thật tội nghiệp cho người bạn này của Hồng!

Nhìn dáng thiểu não của thầy Kim ra về, một nỗi thương  cảm tràn vào tâm hồn Hồng.  Nàng chợt cảm thấy mình có một thay đổi lớn trong tính tình.  Ngày xưa nàng dễ vui dễ cười, bây giờ dễ buồn dễ khóc.  Cuộc sống biến đổi nàng hay là nàng đã giã từ tuổi thơ?  Nàng thẫn thờ đứng lên ngồi xuống, đi tới đi lui, không biết làm gì.  Đọc thư không vô, viết thư không được, chấm bài học trò không xong.  Nàng bước ra cửa ngắm nhìn mông lung, chợt thấy Điền, cậu học trò nuôi mộng làm phi công, đang thập thò trước cửa. Hồng ngoắt tay mời Điền vào nhà và mở đầu:
- Em còn nuôi mộng làm phi công không vậy Điền?  Nếu còn thì đừng, nghe em.  Cô đang hối hận vì đã trích giảng mấy bài trong quyển Đời Phi Công, gieo vào đầu các em hình ảnh thơ mộng.  Thực tế bẽ bàng và đau buồn lắm.  Em hãy mộng làm bác sĩ để cứu dân, làm luật sư để binh vực cho người nghèo, làm thầy giáo để đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai dân tộc, học ngành khoa học để xây dựng đất nước tiến bộ, giàu mạnh bằng người.  Nhiều ngành nghề lắm.  Đừng, đừng bao giờ đi Không Quân...
Nói đến đây, Hồng khựng lại, chợt thấy mình có tư tưởng lệch lạc.  Cả một thế hệ trẻ làm theo lời nàng thì lấy ai bảo vệ Tổ Quốc chống Làn Sóng Đỏ, bảo vệ Tự Do?  Không có những người chiến sĩ Hải Lục Không Quân đổ xương máu giữ an lành cho dân chúng thì nàng và đám học trò này làm sao đến trường dạy và học hằng ngày?  Nàng lật đật tiếp:
- Thôi, bỏ đi.  Coi như cô không nói mấy lời vừa rồi.  Xin lỗi em, hôm nay cô nói lung tung quá. 
Ấp úng một lúc, Điền dè dặt hỏi:
- Cô đang có chuyện buồn?
- Đúng.
- Để em hát một bài cho cô nghe đỡ buồn.
Không đợi Hồng trả lời, Điền cất cao giọng bài ca vinh danh Phạm Phú Quốc, (một phi công bị bắn rơi trên bầu trời Miền Bắc), mà thầy trò thường hay hát khi đi cắm trại với nhau.  Điền mới hát được vài câu đầu, Hồng lật đật ngăn lại:
- Thôi, thôi, em đừng hát nữa.  Cô mệt lắm.  Cô cần nghỉ một lúc.  Cám ơn em đã đến thăm cô.  Hẹn ngày khác.
Điền đứng lên, ngập ngừng một lúc rồi ấp úng nói:
- Em đến đây để nhờ cô giảng cho bài này.  Nhưng cô mệt, thôi để hôm khác.  Em để lại đây, khi nào rảnh cô xem cũng được.
 Điền ra về, Hồng cầm lấy xấp giấy Điền đưa, cất ngay vào tủ.  Nàng đâu còn tâm trí để mà đọc bất cứ gì.  Nàng vào phòng nằm vùi, thả hồn về quá khứ.  Hình ảnh bãi biển Nha Trang với Đông, bãi biển Đà Nẵng với Quang quay cuồng lẫn lộn trong đầu nàng, và nàng mệt mỏi thiếp đi trong tiếng sóng ầm ì và tiếng cười nói rộn ràng của quá khứ... cho đến lúc một bàn tay mát lạnh sờ trán làm nàng giật mình tỉnh giấc.  Phương đang đứng trước mặt nàng, nói:
- Hồng sốt cao quá.  Ngồi dậy uống miếng sữa và viên thuốc hạ sốt này.
- Chiều rồi à?  Mấy giờ rồi?
- Cũng còn biết chiều là thời gian mình về hả?  Vậy chưa sao.
Hồng nhìn bạn, ánh mắt nàng tỏ vẻ cám ơn.  Nhìn mặt Phương tươi tắn, nàng chúc mừng bạn được một ngày vui, rồi thuật lại chuyện thầy Kim tới nhà hồi sáng.  Nàng kết thúc bằng câu: " Việc Phương cần làm tiếp theo là phải làm sao cho thầy Kim tuyệt đường hi vọng mới xong."  
Sau một lúc suy nghĩ, Phương nói với giọng cương quyết:
- Chỉ còn cách xin thuyên chuyển nhiệm sở đến tỉnh khác để tránh gặp mặt hằng ngày và sự phiền phức.  Mình sẽ xin về quê nhà ở Mỹ Tho trong niên khóa tới.  Thời gian phục vụ ở đây cũng đủ để mình xin chuyển đi tỉnh khác rồi, từ từ đổi về Sài Gòn sau. 
- Như vậy tốt đó.  Rút ngắn không gian lại để Phương và anh Lưu tiện gặp nhau hơn. 





Chương 6  

         Ngã Rẽ Đường Tình




1.

 

Hồng bệnh nên được nghỉ dạy vài ngày.  Có thời giờ rảnh nàng lấy giấy viết thư cho Quang, nhất định không để lỡ việc nữa.  Bình tĩnh, nàng lấy hết can đảm viết đòi Quang cho nàng biết chuyện quan trọng mà anh đã hứa sẽ nói với nàng là chuyện gì.  Thư nàng vừa bỏ bưu điện, tin của Quang lại tới.  Lá thư dài gấp đôi mọi lần khiến nàng mừng thầm được một bức thư dài để đọc cho phỉ những ngày vắng thư anh.  Sau những câu thăm hỏi, khích lệ thông thường anh bắt đầu nói về những cảm xúc của anh khi chở những chiếc poncho có thân xác không toàn vẹn của các chiến sĩ tử trận về hậu cứ, tiếp theo là đoạn trọng tâm sau:

"... Mặc dù anh đối diện với chết chóc hằng ngày  nhưng tim anh vẫn bằng thịt, máu anh vẫn đỏ thắm nên anh đau lòng vô cùng khi thấy những người vợ trẻ, người yêu vật vã, rũ người bên xác người thân, những cặp mắt mở tròn của trẻ thơ ngơ ngác nhìn quanh không biết chuyện gì xảy ra, miệng mếu máo khóc theo mẹ.  Như em đã biết Hưng và Sang ra đi trong khi tuổi đời còn tươi thắm.  Sang  bỏ lại người vợ mới rời ngưỡng cửa học đường một năm và đứa con còn nằm ngữa. Vừa mới đây, trong chính Phi Đoàn của anh, một đàn em mới về nước vỏn vẹn có bốn tháng mười ngày đã nằm yên trong lòng đất mẹ, xác nó cháy đen co quắp.  Bạn  bè thân của nó cho anh biết nó đang viết một lá thư gởi cho cô gái nó yêu, cũng là cô giáo như em, vẽ ra một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.  Vẽ chưa xong tương lai đời mình nó vĩnh biệt cuộc đời. Một mơ ước đơn sơ mà cũng không thành.  Những người bạn này đã gom tất cả thư từ của cô gái cùng lá thư viết dang dở đó làm kỷ vật cuối cùng của nó và gởi cho cô ta.  Anh cầu chúc cô ấy đủ nghị lực để vượt qua nỗi mất mát này.  

Anh yêu em nhưng anh không muốn em rơi vào hoàn cảnh đau buồn như thế.  Em quên anh đi, hãy tìm một người chồng dân sự để được sống trong một gia đình hạnh phúc, không phải trông đứng trông ngồi, hồi hộp từng giây từng phút mỗi khi người chồng bước chân ra cửa.  Ngày nào anh được tin mừng của em, tất nhiên anh sẽ buồn nhưng sẽ thật sự mừng cho em, và không còn ray rứt nữa..." 

 

 Đúng là một lá thư không mong đợi!  Không còn can đảm đọc tiếp nữa, Hồng buông rơi lá thư trên bàn, mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn khoảng không gian trước mặt.  Nàng không muốn tin đây là lá thư Quang gởi tới nàng.  Không, không...  Nó chỉ là lá thư trong tiểu thuyết và nàng đang đọc một truyện tình lãng mạn.  Hồng nhặt lá thư lên, vuốt nhè nhẹ, nhận ra rằng đó là một tờ giấy, không phải quyển sách.  Nàng thẫn thờ ngồi bất động, không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra.  Bóng tối dần dần phủ ngập căn phòng, phủ trùm luôn hi vọng của nàng.  Phương về, rón rén bật đèn, bước đến gần Hồng.  Nhìn bạn, Hồng nói như than van:

- Phương ơi, bức thư này không thật.  Anh ấy chép từ trong tiểu thuyết ra, phải không?

 Phương đọc nhanh bức thư, đoạn nàng đặt tay lên vai Hồng vỗ nhè nhẹ, ngập ngừng một lúc rồi nói:

- Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng.  Mình nói ra những gì mình nghĩ nghen.  Ý kiến của mình chưa chắc là đúng nhưng có thêm một ý kiến để rộng đường cho Hồng nhận xét và suy nghĩ.  Theo mình thì anh ta yêu Hồng chưa đủ nặng để “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua." 

Hồng nhìn bạn, cầm bức thư đọc lại, cảm nhận sự bẽ bàng của mình, nàng bật khóc thành tiếng. Phương ngồi bên cạnh, để mặc cho bạn khóc, thả hồn về với chuyện tình cũng nhiều trắc trở của mình.  Hồi lâu sau Phương siết tay Hồng, cất tiếng với giọng cương quyết: 

- Không đầu hàng khó khăn trở ngại.  Phải vượt qua cho bằng được.  Bạn cần giải tỏa cái gút mắc trong lòng của anh ta trước đã.  Nếu anh ta cứ khăng khăng giữ ý định xa nhau thì có chuyện không ổn rồi.  Hiện giờ đã có gì đâu mà bi quan.

Được bạn khích lệ, Hồng lấy lại bình tĩnh, viết thư bày tỏ tâm tình, cho Quang biết nàng sẵn sàng chấp nhận mọi thương đau, và gởi bảo đảm cho chắc chắn thư không bị thất lạc.  Điều nàng lo lắng nhất là anh bị thương tật, trở thành người tàn phế có thể mang tâm bệnh rồi xa lánh tất cả mọi người thân yêu. Thư của Hồng  không bị bưu điện hoàn trả nhưng nàng cũng không nhận được hồi âm.  Điều này có nghĩa là Quang còn sống, nhận được thư Hồng nhưng vẫn quyết định chia tay. Tình huống ấy càng làm cho nàng lo lắng không yên.  Hồng kiên nhẫn, mỗi tháng gởi một lá thư.  Những lá thư mang tình yêu của nàng chìm trong vô vọng.  Hồng quyết định vào kỳ nghỉ hè sắp tới nàng phải đi Đà Nẵng một chuyến để tìm hiểu sự thật.

 

2.

 

Phương bước vào nhà miệng cười rạng rỡ, líu lo nói:

- Hồng này, ngày mai đi lạc quyên.  Hai nhóm ở chợ, mình phụ trách.  Còn một ở bến đò và một ở Chùa Bà, Hồng lo nghen.  Hồng là "Bang Chủ Cái Bang" nên chịu khó đi xa vậy, còn mình là “Phụ Tá” đi gần gần thôi.

- Ôi chao, mi bắt ta đạp xe đi đi về về tới Núi Sam mấy lượt thì làm sao tấm thân liễu yếu đào tơ này kham cho nổi!

- Đừng lo, có xe hơi.  Anh Phó Quận Hành Chánh cho mượn xe nhà kìa.  Hồng lái đi.

- Giỡn mặt với luật pháp hả?  Mình mới tập lái có hai lần, lái chưa thẳng, bộ muốn ngồi đếm lịch sao?

- Đùa với bạn thôi, anh Trưởng Ty Xuân tình nguyện làm tài xế đưa đón bọn mình đây này.  Đừng lo, mọi việc sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

- Vậy thì cũng được.

Thấy bạn còn phân vân, Phương nói tiếp:

- Nếu không chịu đi xe hơi thì ngồi xe Mobylette của Điền, học trò lớp Hồng đấy.  Nó trong nhóm ở Chùa Bà.

     - Điền còn nhỏ, lái xe gắn máy có vững không?  Eo ơi!  Mình không dám ngồi đâu.

Phương trêu bạn:

- Tui biết mà... Bà Chúa Ăn Mày, đi công xa vẫn ngon hơn.  Xe gắn máy chỉ là trường hợp dự phòng, bất đắc dĩ mới tạm sử dụng thôi. 

 

image001

Một số thầy cô giáo trường trung học Thủ Khoa Nghĩa và thân hữu thuộc Tòa Hành Chánh tỉnh Châu Đốc vào khoảng năm 1968-1969                                                                                                        


Trong vòng một năm nay, các thầy cô giáo thường hay có những buổi cắm trại chung với các anh chị trưởng ty, trưởng ban tòa Hành Chánh tỉnh rất vui vẻ và thân mật.  Các cô giáo độc thân  đều là tầm ngắm của các chàng dân sự lẫn quân sự độc thân vui tánh.  Phương và Hồng cũng không thoát khỏi các cặp mắt ấy nên có rất nhiều bàn tay đưa ra khi trường cần giúp đỡ.  Phương và Hồng là cặp bài trùng, vì thế ai chấm cô này cũng phải lấy điểm với cô kia.  Anh Xuân để mắt xanh tới Hồng, tìm cách làm quen, dạy nàng lái xe, và dạy luôn Phương, nhưng hai nàng mới học được hai buổi, lái đường thẳng còn chưa xong, làm sao mà dám cầm lái một mình.  Hồng không sợ leo lề, không sợ hư xe (xe "chùa" mà!), chỉ sợ gây tai nạn chết người, ủi sập nhà của đồng bào mà thôi.  Xuân đã nhiệt tình chở hai cô tới từng nhóm học sinh để động viên, giúp đỡ, và đưa đón các thiện nguyện viên này.  Cuối buổi anh mang thầy trò và thùng tiền toàn vẹn về nộp cho Hiệu Trưởng để chuyển giao cho Ban Xã Hội của tỉnh.

 Lâu ngày sự giao thiệp, liên hệ này đã giúp tình cảm giữa hai người trở nên thân thiết hơn. Vậy mà tận sâu trong trái tim Hồng, hình ảnh Quang vẫn còn chờn vờn, không mất hút, những kỷ niệm với Quang vẫn hiện diện rõ nét, không phai.  Và, Hồng vẫn có linh cảm rằng Quang còn yêu nàng. Trí óc của nàng cho biết linh cảm là chủ quan, mà chủ quan thì không chính xác, nhưng trái tim của nàng nói khác cho nên nàng quyết định kỳ nghỉ hè sắp tới đây sẽ đi một chuyến ra Đà Nẵng tìm gặp mặt Quang hỏi cho ra lẽ.  Nàng đã từng đi suốt từ Bến Hải tới biên giới Việt-Miên thì ngại gì một chuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. 

 An tâm, Hồng thu dọn đồ đạc chuẩn bị cho chuyến "vạn dặm tìm chàng" của nàng.  Nàng gom góp thư từ của Quang được cất kỹ trong tủ bấy lâu nay mang ra đọc lại, cố tìm và đánh giá tình yêu của Quang được cất giấu trong những lá thư   đó.  Ô hay, sao lại có một sấp giấy là lạ đây!  À, thì ra là của cậu học trò Điền. Hồng nhớ lại hôm ấy Điền đến nhờ nàng giảng một bài thơ trong lúc nàng có nhiều chuyện bối rối, buồn, thương nên đã quên mất.  Hồng mở sấp giấy ra đọc, thấy bốn câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: "Yêu là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà đã được yêu,  Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu, Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết" kèm theo là một bức thư.  

 

Ngày... tháng... năm...

Cô yêu quý của em,

Em biết viết bức thư này cho cô là không nên không phải nhưng em phải viết, vì nếu em không nói ra những tâm tư tình cảm của em thì em không thể nào chịu nổi.  Cô có giận em, em chịu, nhưng đừng ghét bỏ em.  Ngay từ ngày đầu cô bước vào lớp, em đã bị đôi mắt cô, nụ cười của cô hút hồn em. Em biết cô yêu thích các chiến sĩ Không Quân nên em quyết tâm sau này đăng vào binh chủng Không Quân.  Cô chờ em ra trường, em cưới cô.  Em thật lòng yêu cô.  Điền

 

Hồng ngỡ ngàng, không ngờ sự việc có thể xảy ra như thế này. Từ lâu, trong những lần thầy trò sinh hoạt xã hội chung với nhau, thỉnh thoảng nàng bắt gặp ánh mắt trìu mến của Điền nhưng nàng cố tình bỏ qua, nghĩ rằng đó chỉ là một tình cảm bất chợt, đến rồi đi của tuổi học trò.  Nàng nhắm mắt lại, nghĩ đến mối tình ngang trái của mình, thầm thì than thở: 

- Quang ơi, anh có thấy không, học trò của em gan cùng mình, không sĩ diện hão, "Yêu ai cứ bảo là yêu."  Nó bảo nó sẽ cưới em kìa.  Chờ nó thành pilot phải mất gần cả chục năm nữa.  Khi ấy, em đã thành một cô gái già, không biết chừng đó, được các hồng nhan vây quanh, nó còn nhớ tới em không hay là giống như anh vậy, quên mất em rồi!  Ông Trời ơi, trêu ngươi chi lắm Ông ơi!  Em chờ thư người này lại nhận được thư người khác, chờ một lời đính ước của người này lại nhận được của người kia.  Chao ôi! Từ giờ trở đi làm sao em đối mặt với nó đây!  Cũng may sắp sửa tới hè, sang niên khóa mới nó lên lớp, em không còn dạy lớp nó nữa, khỏi phải đối mặt thường xuyên.  Hi vọng xúc cảm bồng bột ban đầu của tuổi dậy thì theo thời gian và sự trưởng thành sẽ tàn phai.   

 

 Hồng còn đang than thở cho thân phận mình bỗng nghe tiếng Phương về tới nhà.  Nàng vội vã giấu bức thư.  Nàng cảm thấy mình bị xúc phạm vì cậu học trò này đã ngang nhiên “yêu” chứ không xem nàng như một người Thầy.  Nàng đâm ra xấu hổ với Phương, sợ bạn cười mình dạy dỗ thế nào để học trò coi thường cô giáo như vậy.  Hồng xuất thân từ một ngôi trường rất trọng luân lý Khổng Mạnh.  Trong nền luân lý này người Thầy (Sư) được xếp hạng trên cha mẹ (Phụ) một bậc, vậy mà Điền dám “yêu” nàng,  xem nàng ngang hàng với cậu ta.  Nàng xấu hỗ vì "bị" học trò yêu và bị người mình yêu khước từ tình yêu, chứ nàng không nhận thấy thầy và trò có cùng tâm trạng bị người ta “phụ hoặc thờ ơ chẳng biết" để mà đồng cảm với nhau.  Từ đó, nàng đâm ra cáu gắt, trở nên lầm lì, vào lớp mất đi nét tươi vui hằng ngày. Nàng lập nghiêm, vẽ lằn ranh giới rõ rệt giữa thầy và trò,  để bọn nhóc ngồi dưới nhận ra chúng là “trò” và chúng hãy đứng yên trong vị trí “trò” của chúng.  Khi ấy, Hồng nhớ tới thầy Châu dạy Sử Tây Phương của mình, nàng mới hiểu tại sao ngày xưa lúc nào thầy cũng "đóng bộ" và nàng thấy mình cảm thông với thầy nhiều, thật nhiều. 

 

3.

 

Trên đường về Sài Gòn nghỉ hè, Hồng ghé thăm cha mẹ Quang, tiện thể hỏi thăm ông bà về cuộc sống hiện tại của anh.  Sau khi biết anh vẫn còn ở đơn vị cũ, Hồng mua vé máy bay đi Đà Nẵng.  Nàng đến nhà chú thím Cảnh, một gia đình quen thân ngày xưa.  Mỗi khi Hồng và các bạn từ Huế vào Đà Nẵng chơi đều được chú thím dang tay tiếp đón.  Cảnh vật Đà Nẵng không thay đổi, phi trường vẫn nhộn nhịp, ồn ào.  Cảnh vật đã kéo tâm tư Hồng trở về chuyến bay quân sự định mệnh ngày xưa thật rõ nét.  Hình ảnh Hưng, Sang vui vẻ đượm chút cợt đùa, phong cách nghiêm trang như một ông giáo già của Quang làm lòng nàng xao xuyến, những lần nàng theo Quang quá giang trực thăng đi Tây Lộc - Đà Nẵng - Tây Lộc, những ngày cùng chàng dung dăng dung dẻ ở Bến Ngự, Đà Nẵng, ngày cuối cùng ở Huế, và lời khuyên lầm lẫn của bà hàng nước chợ Đông Ba... Ôi, kỷ niệm tràn về như nước lũ làm  Hồng nghẹn ngào, nghẹt thở.

Thím Cảnh là một phụ nữ rất tinh ý. Thấy thần sắc của Hồng không được tươi tắn lắm, thím nhận biết ngay nàng có chuyện không vui cần giúp đỡ.  Nhân dịp  hai người ngồi riêng với nhau, thím khơi mạch sầu của nàng và nàng trút bầu tâm sự, nhờ chú thím tìm cách giúp nàng  gặp Quang.  Thím sốt sắng hứa:

- Để thím nói với chú tìm cách giúp cho nhưng  coi bộ không dễ gặp nếu anh chàng quyết tâm trốn cháu.  Chú là sĩ quan nên có thể đưa cháu ra vô phi trường dễ dàng. Nhưng vào Cư Xá, nó khóa cửa nằm trong... "vắng nhà," vào phi đoàn thì... "đi bay rồi," tới lui nhiều lần, nó càng trốn lẹ, không ích gì.  Để thím bàn với chú xem sao.  Có thể chú có cách nào khác hay hơn.   

Chiều hôm ấy, khi chú Cảnh về đến nhà, thím kể ngay chuyện của Hồng nhờ chú giúp.  Chú thông cảm nhưng không khỏi  thắc mắc:

- Phi Đoàn Trưởng của nó là bạn của chú.  Nếu cần chú nhờ anh này sắp xếp một cuộc gặp gỡ tình cờ cho cháu.  Nhưng mà này, mấy anh chàng pilot đào hoa lắm.  Có khi nào cháu nghĩ rằng nó đang cặp bồ với một người nào khác rồi không?  Hay là nó đã hết yêu cháu?  Vậy cháu liệu xem sau khi gặp, có thay đổi được tình cảnh không?

Hồng lại nghĩ khác, nàng đang lo lắng đến sự an nguy của Quang nên đau khổ trả lời:

- Dù sao đi nữa, cháu cũng muốn gặp anh ấy lần cuối.

- Thôi được, để chú gọi phôn nói chuyện với anh Bình, Phi Đoàn Trưởng của nó, trước đã.

Chú Cảnh quay điện thoại ngay cho ông Phi Đoàn Trưởng của Quang, kể qua sự tình rồi chú lắng tai nghe đầu dây bên kia.  Một hồi lâu sau, chú đáp:

- Vậy thì khoảng 7 giờ tối, "moa" tới nhà "toa" để “toa” nói cho cháu nó nghe  trực tiếp, OK?

Sau đó, chú vào phòng nói chuyện với thím một lúc lâu.  Cơm chiều xong, thím ôm vai Hồng nói:

- Cháu đi với chú thím gặp Phi Đoàn Trưởng của nó để biết về nó. Chuyện gì cũng do số mệnh mà ra cả.  Điều mà mình tưởng là họa biết đâu lại chẳng là phúc cho mình, và ngược lại đó cháu! 

Nghe chú thím Cảnh nói, Hồng cảm nhận một chuyện không lành nhưng nàng cũng cố lấy bình tĩnh theo chú thím lên xe.  Gặp Hồng, ông Trung Tá Phi Đoàn Trưởng của Quang vòng vo khen ngợi anh là một sĩ quan năng động, có trách nhiệm cao, tốt bụng, hay giúp đỡ đồng đội, can đảm, nhiệt tình.... Tai Hồng lùng bùng, không nghe ông ta nói được gì thêm, nàng ngồi lặng im, tâm trí tưởng tượng anh trong một thân thể khi chỉ có hai chân, khi thì hai tay "vắng mặt',  khi mù lòa sờ sẩm đi trong bóng tối... mà thất thần.  Thấy vậy, thím Cảnh lay nhẹ vai nàng bảo:

- Cháu à, nó không xứng đáng cho cháu thương yêu đâu.

Chú Cảnh tiếp lời:

- "Toa" kể hết mọi chuyện cho nó biết đi.  Thuốc đắng giã tật mà.

Ông Trung Tá hớp một ngụm nước, tằng hắng vài tiếng.  Xong, ông hạ giọng nói:

- Nó được chúng tôi xếp vào loại những quân nhân có nếp sống đàng hoàng nhưng… từ sau khi bị thương tưởng chết vào Tết Mậu Thân, nó đâm ra sống bạt mạng, đêm nào không trực ở Phi Đoàn thì "trực" ở vũ trường.  Mấy anh chàng không quân có ai mà không mê nhảy nhót.  Tới mấy chỗ đó thì làm sao khỏi bị  các “ma nữ” vờn.  Đám đàn ông Không Quân của bọn tôi không đứa nào là Liễu Hạ Huệ* cả, cô à!  Mỡ đến miệng mèo làm sao nhịn được.  Kết quả là có một cô nàng đến tìm tôi, bảo rằng cô mang bầu với nó và nó trốn biệt tăm mấy tuần lễ nay rồi.  Cô ta nhờ tôi tìm người cha "đi lạc" cho đứa con trong bụng của cô...

 

----------------------------------------

Chú thích:

* Liễu Hạ Huệ (720-621 BC) thời Xuân Thu, tên chữ Triển Cầm, tự là Quý, người vùng Liễu Hạ thuộc nước Lỗ (Trung Quốc).  Ông nổi tiếng là chính nhân quân tử.  Truyện kể rằng một hôm ông nghỉ đêm ở ngoài thành, có một nữ nhân trẻ đẹp cùng trọ, bị cảm lạnh rét cóng.  Ông đã cởi áo mình khoác lên cho cô ta mà vẫn không đủ.  Cuối cùng ông phải ôm cô ta vào lòng để chuyền hơi ấm cho tới sáng.  Ông đã giữ được mình, không phạm điểu phi lễ.

------------------------------------


Nghe tới đó, mắt Hồng tối sầm lại, nàng ngồi thẫn thờ, không nói được lời nào.  Thì ra Phương nói đúng, chú Cảnh nghĩ đúng, chỉ có nàng là chủ quan, thần tượng hóa người mình yêu, cho rằng mình là người duy nhất trong trái tim của chàng nên mới gặp cảnh bẽ bàng hôm nay.  Hồng nhớ lại câu ca dao nàng đã từng đọc cho học trò nghe ngày nào và đặt mình vào hoàn cảnh người bị tình phụ mà cảm nhận hết sự cay đắng của mình:

 

"Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài,

Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây."

 

Khi ra về, Hồng bỏ ý định gặp mặt lần cuối với Quang và xin Ông Phi Đoàn Trưởng đừng tiết lộ việc nàng ra tận Đà Nẵng để tìm anh.  Trên đường về nhà, chú thím Cảnh giữ im lặng để cho nàng chìm đắm trong nỗi giận hờn, mất mát niềm tin của nàng.  Tới nhà thím mới an ủi: 

- Biết đâu điều mình tưởng họa lại là phước cho mình.  Cháu đừng buồn.  Hãy lấy những bất như ý mình gặp làm kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống của mình. 

Chú khuyên Hồng, rất thực tế:

- Cháu à, thiếu gì người đàn ông tốt hơn anh ta rất nhiều.  Bỏ quá khứ đi, hãy lo cho bản thân và tương lai của mình.  Chú mong sớm nhận được thiệp hồng của cháu với người đàn ông thương yêu cháu hết lòng.

 

Thế rồi mùa tựu trường năm đó, Hồng trở về Châu Đốc dạy học, nàng quyết tâm vất lại Quang cùng kỷ niệm sau lưng.  Khi xe chạy ngang Long Xuyên, nàng ghé lại, đi đến công viên nơi bờ sông.  Nàng xếp một chiếc thuyền giấy thả xuống và nói với dòng sông:  “Dòng An Giang ơi, ngày xưa nơi này là ‘chứng nhân’ cho mối tình đầu đời của tôi với anh Quang.  Hôm nay cũng xin làm chứng tôi trả thuyền tình này lại cho anh ấy…”

 

image002

 

Vào niên học mới, nàng bước vào cuộc sống mới với niềm vui nghề nghiệp, đón nhận tình yêu mới với Xuân.  Mỗi khi hình ảnh Quang hiện về, nàng an ủi mình bằng câu nói của thím Cảnh để thấy rằng mình may mắn, không lấy phải anh chàng "bạc tình lang", khỏi phải hát ru câu:  "Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ."  Tuy vậy, mỗi khi nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời đôi mắt nàng vẫn ngước trông theo. Giận thì giận mà thương thì cứ thương?!  Nàng nhớ lại câu nói “độc mồm độc miệng” của mình  khuyên Ngọc khi cô bạn này bị phụ tình: "Cái thứ bạc bẽo đó, hơi đâu mà thương mà tiếc.  Bỏ cho chó gặm đi!"  Nói thì dễ, thực hành sao khó quá!  Rồi nàng lại tự an ủi “thời gian là thuốc tiên” sẽ chữa lành mọi tâm bệnh.

Cuối cùng, dưới sự thúc hối của gia đình, Hồng lập gia đình với Xuân, người yêu thương mình, bỏ lại sau lưng người mình thương yêu cùng những kỷ niệm hoa mộng của thời cắp sách.  Sau đó, nàng thuyên chuyển nhiệm sở theo chồng, cố loại ra khỏi tim óc của mình những vùng đất quê hương đầy kỷ niệm, nơi nàng đã sống vui vẻ trong quá khứ... 

(còn tiếp)


11 Tháng Bảy 202212:05 SA(Xem: 5785)
Bài viết này tôi viết lại những gì tôi đã sống, đã trải nghiệm. Nó là một phần đời tôi cùng với nhiều người miền Nam khác cùng thế hệ- trong đó có nhạc sĩ họ Trịnh
10 Tháng Bảy 202210:47 CH(Xem: 2696)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: TÁC PHẨM "QUÊ CŨ TÌNH XƯA" - NHÀ THƠ THÁI HƯNG Nhạc nền: SUỐI MƠ - Văn Cao Tiếng hát: Ngọc Hạ
09 Tháng Bảy 20224:49 CH(Xem: 6645)
Thế giới tiếc thương người chính trực Toàn cầu ca tụng đấng tu mi Nara thành phố rền lởi nguyện Đất nước Anh Đào Dũng-Trí-Bi
09 Tháng Bảy 20224:37 CH(Xem: 7108)
Rằng: Về gom chữ ca dao Đốt rừng Nho, Lão tìm vào hư không Tự nhiên rất mực tâm đồng Như câu lục bát, vợ chồng đủ đôi. Ta đi về phía chân trời Hỏi vầng dương có ai ngồi ngâm thơ?
30 Tháng Sáu 20222:09 CH(Xem: 5279)
Ai kể chuyện mình? Ai xót thương? Nỗi đau. Của ai người đó biết, và người đó đau. Người khác khó lòng cảm cái đau không phải của mình. Làm sao so sánh.
28 Tháng Sáu 20221:13 SA(Xem: 10580)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!
27 Tháng Sáu 202211:27 CH(Xem: 7979)
Mùng ba tháng bảy năm nay Mừng vui hội ngộ Cô Thầy trò xưa Nắng mưa dầu dãi bao mùa Không quên mái ấm ân thưa tình hồng.
26 Tháng Sáu 20224:25 CH(Xem: 5473)
Ôi tình yêu người lính chiến miền Nam sao thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng đầy đau thương, bi hận ...
25 Tháng Sáu 20221:32 CH(Xem: 2635)
Ta mê nghe hát Ả Đào, Hội Xuân vừa mở lễ nào vui hơn? Tuổi U chín chục nhớ ơn Trời cho khỏe mạnh keo sơn chúng mình! (1)
25 Tháng Sáu 20221:09 SA(Xem: 5286)
Tôi lan man nghĩ đến mình. Cả đời không nghiện gì nhưng về già hình như tôi nghiện Iphone. Phải công bằng một chút là tôi nghiện internet.
24 Tháng Sáu 202210:54 CH(Xem: 5284)
Đốt lên Ngọn Lửa Cao Nguyên Xua tan bóng tối triền miên đêm dài Langbiang đá dựng chờ ai Núi Ông đứng đợi choàng vai núi Bà.
23 Tháng Sáu 202212:36 SA(Xem: 5098)
Xin đốt một nén hương cho những kẻ cách này cách khác đã bỏ mình trên dòng sông đó. Phải chăng đó là câu chuyện của dòng sông
21 Tháng Sáu 20223:32 CH(Xem: 6805)
Cố hương xa nửa địa cầu Nửa sầu nửa nhớ, một bầu tang thương Vật xưa nằm nát bên đường Nhặt lên ghép lại nét gương bẻ bàng
20 Tháng Sáu 202211:47 CH(Xem: 6671)
Thôi rồi... ngõ vắng, trăng tà Rồi em, thuộc của người ta... bao giờ! Thương sầu lột xác thành thơ Ngồi ôn HUYỀN THOẠI TRĂNG mơ... thuở nào!
20 Tháng Sáu 20222:28 SA(Xem: 6017)
Chúc mừng cháu mùa hè tươi trẻ Tiến lên đi thế hệ thứ ba Xin đừng quên nước Việt quê nhà Ở nơi đó ngoại gọi là tổ quốc.
18 Tháng Sáu 20223:19 SA(Xem: 5137)
Bài dưới đây, muốn được chia sẻ với những người bạn cùng trường. Tôi, Lý khánh Hồng cùng chung một ngôi trường một thời với những người bạn của tôi.
18 Tháng Sáu 20222:33 SA(Xem: 7387)
Ta về Đại Hội đồng môn Ngô Quyền trường cũ mất còn biết không? Bạn nào hạnh phúc ấm nồng Bạn nào bươn chải thành công ngoài đời?
18 Tháng Sáu 20222:09 SA(Xem: 5860)
Bộ môn CL trong lịch sử đã từng là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam VN, nên cần được bảo tồn cẩn thận và có chính sách khôi phục tốt
17 Tháng Sáu 20225:07 CH(Xem: 8139)
Em hãy hình dung bóng của ai Bên Đồi Gió Thoảng ngắm trăng vơi Gởi em tình cũ dù chưa trọn Mà vẫn còn vương hết cả đời
17 Tháng Sáu 20223:10 SA(Xem: 5190)
Theo ba tôi trước tiên phải lo tu chỉnh bản thân để quản trị mái ấm gia đình tốt đẹp, còn việc trị quốc bình thiên hạ tính sau.
17 Tháng Sáu 20222:59 SA(Xem: 5928)
Vào mỗi tháng 6, hình ảnh của các người cha luôn rõ nét hơn bao giờ hết, những người cha đã làm hết sức để các con có một đời sống bình an, hạnh phúc,
17 Tháng Sáu 20222:41 SA(Xem: 6631)
Sắp đến NGÀY LỄ CHA Xin kính chúc : Quý Thầy, Quý Bạn Quý Anh trai, Anh rể Quý Em trai, Em rể một ngày Lễ bên gia đình thật đầm ấm hạnh phúc.
16 Tháng Sáu 202211:50 CH(Xem: 3300)
Chiều nay Mẹ có đôi lời : Cám ơn tất cả xin mời nâng ly ! Cùng nhau Ta chúc nhau đi Bình an vui khỏe như khi Xuân Thì !
16 Tháng Sáu 20221:49 SA(Xem: 5303)
Ngày của những người cha, trong đó có ba và con. Những người được ơn trên cho nhận một thiên chức vô cùng tốt đẹp và cao quý.
13 Tháng Sáu 20226:54 CH(Xem: 6912)
Rượu rót nằm đau trong cốc lạnh Xa người, ta uống với ai đây?! Tàn canh khói thuốc vàng cô quạnh Ngọn nến đời soi...chiếc bóng gầy!
13 Tháng Sáu 20221:04 SA(Xem: 6402)
Sự tử tế của miền Bắc hầu như không thể có theo như nhận xét của của nhà phê bình kỳ cựu Hoài Thanh. Hơn ai hết, ông HT đã hiểu rõ chân tướng của dân miền Bắc cũng như chính quyền ấy.
13 Tháng Sáu 202212:55 SA(Xem: 6941)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ƠN CHA - Sáng tác Y Vân Nhạc đệm Ngô Nguyên Tiếng hát: Kim Phụng Kiều Oanh thực hiện youtube
12 Tháng Sáu 20229:28 CH(Xem: 7600)
Những điều bình thường nhưng vĩ đại Khi trưởng thành con hiểu nhiều hơn Để ngậm ngùi tiếc "Giá cha còn" Thật hạnh phúc có cha bên cạnh.
12 Tháng Sáu 20229:21 CH(Xem: 5029)
Ông đã trở lại là một người bố sáng suốt không bị cơn nghiện dày vò. Ông bước khập khiễng nhưng đầy cương quyết sau chị tôi. Chúng tôi theo ông ra xe và may mắn thoát khỏi thiên đường Cộng Sản.
11 Tháng Sáu 202211:35 CH(Xem: 7564)
Duyên may gặp lại ơn Trời? Tay trong tay nắm nhớ thời còn thơ? Thỏa lòng Ta vẫn ước mơ! Ngày vui tái ngộ là cơ hội vàng!
11 Tháng Sáu 20221:04 SA(Xem: 5992)
Hoa nở rồi tàn, trăng khuyết rồi tròn, nước lớn rồi ròng, bèo hơp rồi tan, sinh ký tử qui... là LẼ THƯỜNG của cuộc đời. Có sinh thì có diệt, và đó là một kiếp người.
11 Tháng Sáu 202212:29 SA(Xem: 5192)
Cuộc đời của ba tôi rất bình lặng với nghề thợ may khiêm tốn nhưng đối với tôi, ông là biểu tượng của một người cha lặng lẽ, cần mẫn sống âm thầm chu toàn cuộc sống cho vợ con.
10 Tháng Sáu 20221:05 SA(Xem: 7011)
Ta về đây. Rồi cũng sẽ đi Trăm năm bỏ cuộc biển dâu này Ta vào mê ảo đêm trăng lặn Như bóng sương mờ cánh vạc bay
10 Tháng Sáu 202212:26 SA(Xem: 7075)
Cha Là Nắng Ấm Thái Dương Là sao bắc đẩu soi đường cho con Trăm năm hiếu nghĩa vuông tròn Thiên thu nước mắt chảy mòn nhớ thương...
10 Tháng Sáu 202212:00 SA(Xem: 6627)
Anh như cơn trốt đêm khuya Tôi như cánh én bay về quạnh hiu Lẽ loi bên vạt nắng chiều Mưa sa, bão táp cô liêu dốc đời
01 Tháng Sáu 202211:34 CH(Xem: 6161)
Sau hơn hai năm bó gối ngồi nhà, khuya ngày 13 tháng tư năm 2022 tôi bước lên máy bay của hảng Singapore Airlines để bắt đầu cho chuyến du lịch đầu tiên sau mùa đại dịch,
31 Tháng Năm 202210:40 CH(Xem: 3699)
Nguyện ơn trên gia hộ cho thầy cô sức khỏe, an lạc và hạnh phúc. Xin tri ân những vị đã lái con đò trí tuệ dẫn dắt chúng em vào đời.
31 Tháng Năm 20221:58 SA(Xem: 6315)
lửa mặt trời tôi nhìn thấy sáng nay bừng đỏ trong bình mình chiếu sáng toàn nhân loại cho tôi thấy rõ hơn khổ đau. chiến tranh và tuyệt vọng…
31 Tháng Năm 20221:58 SA(Xem: 5225)
Phần thế giới nói chung, mỗi vùng trên trái đất tự thân họ cũng coi mặt trời như của riêng họ. Họ tìm hiểu, khai trác triệt để những gì thiên nhiên ưu đãi đã dành cho họ.
30 Tháng Năm 202211:20 CH(Xem: 6101)
Tuổi học trò, chưa nếm mùi sương gió Cũng tập tành thố lộ chuyện yêu đương Lá thư xanh ép cánh phượng, sân trường Thầm trao gởi... rồi vấn vương mộng mị
30 Tháng Năm 20229:57 CH(Xem: 5112)
Chiều nay tôi thật vui Thấy mình thật yêu đời. Chúc các em sinh nhật Tuổi 65 đẹp tươi .
29 Tháng Năm 20221:52 CH(Xem: 7052)
Mỗi hè sang... Mỗi lần hoa phượng Cuối đời rồi... Vẫn nhớ lắm... Phượng ơi! Cuối đời rồi... Vẫn nhớ mãi... Người xưa!
28 Tháng Năm 202211:31 CH(Xem: 5207)
Một xã hội mà số đông người làm việc có đạo đức nghề nghiệp thì xã hội đó sẽ phát triển, tử tế, trung thực, văn minh và chắc chắn sẽ tạo nên nhiều kỳ tích.
27 Tháng Năm 20221:49 CH(Xem: 6576)
Nhưng chỉ là mơ có phải không? Khi mình bèo nước rẽ đôi dòng Mỗi độ hè về như nhắc nhở Tình đầu muôn thuở khắc ghi lòng!
26 Tháng Năm 202211:10 CH(Xem: 4993)
Ông X làm thinh đạp xe đi, bỗng nghe như cái liêm sỉ của ông nó nặng như chì. Vậy mà bao nhiêu lâu nay, ngày ngày ông vẫn còng lưng cõng nó để đi tìm một chân trời, một lối thoát,
24 Tháng Năm 20221:05 SA(Xem: 3932)
Ta hãy gặp nhau dù một ngày Biết đâu ta chẳng có ngày mai Để mà mừng rỡ tay nắm chặt Nhắc chuyện ngày xưa thuở áo dài.
24 Tháng Năm 202212:25 SA(Xem: 6565)
Lang thang hạnh phúc khỏe tươi Vào đời lúc tuổi sáu mươi là vừa Bạc tiền danh vọng giờ thừa Vui tươi sẽ giúp ngăn ngừa bệnh đau
23 Tháng Năm 20222:56 SA(Xem: 5153)
Tôi đọc được một câu “danh ngôn”, không biết của ai. “Ai cũng có tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng có tuổi già”. Phải có phúc có phần mới được già.
23 Tháng Năm 20221:03 SA(Xem: 5360)
Tưởng rằng nơi đất khách khó gặp được người thân, ai ngờ tôi vẫn còn nghe những câu chào “Cô còn nhớ em không?”. Cô nhớ chứ.
20 Tháng Năm 20225:44 CH(Xem: 6448)
Mít tố nữ sai oằn, thơm, ngọt lịm Vườn chôm chôm chín mọng thắm lòng ai Khách phương xa lưu luyến dạ thương hoài ÔI! PHÚ HỘI!... Những ngày yêu dấu cũ...
20 Tháng Năm 20225:40 CH(Xem: 7079)
Thủy chung không phải dễ Sợi ngắn thương sợi dài Những chăm sóc mỗi ngày Là bền lâu hạnh phúc.
20 Tháng Năm 202212:22 SA(Xem: 4044)
Gặp nhau nhắc về dĩ vãng chung trường chung lớp. Theo vận nước bôn ba. Dòng đời trôi nổi. Vào tuổi thất thập còn gặp nhau là hạnh phúc lắm rồi.
20 Tháng Năm 202212:10 SA(Xem: 5584)
.....thậm chí còn nghĩ thành phố Sydney là thủ đô của Úc. Không ít người ngỡ ngàng khi biết Canberra mới thực sự là thủ đô của xứ sở chuột túi này.
20 Tháng Năm 202212:02 SA(Xem: 6024)
Anh giờ tóc đã hết xanh Em còn xanh tóc loanh quanh dấu buồn Gởi lời thăm hỏi Sài Gòn Thấy trong cõi nhớ chỉ còn mình em!
19 Tháng Năm 20229:18 CH(Xem: 6850)
Hương vờn khói quyện Mẫu thân tôi ! Giọt tủi tràn mi… nghẹn cả lời Giọng nói hiền hòa êm sóng gió Câu khuyên ấm áp lặng trùng khơi
17 Tháng Năm 20221:01 SA(Xem: 4753)
Mong rằng cô tôi đầy đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua trận chiến gay go này. Nguyện ơn trên gia hộ cho cô giáo Huỳnh thị Ba của tôi mau bình phục.
16 Tháng Năm 202210:29 CH(Xem: 7195)
Nhiều đêm thao thức thở dài Xuân về Tết đến bên ngoài tuyết sương? Lệ tràn vì nhớ cố hương Giọt sầu nhỏ xuống trang thơ gửi người!
16 Tháng Năm 202212:37 SA(Xem: 6687)
Mẹ đi xa chỉ một lần Là lần sau cuối cách ngăn ngậm ngùi Một lần tiễn Mẹ trong đời Mất đi phương hướng lạc loài trong đêm!
15 Tháng Năm 20222:22 SA(Xem: 5126)
Giây phút này tôi chợt nhận ra tôi đã vẽ biết bao màu sắc cho cuộc đời mà vẫn còn thiếu sót hình ảnh tôi đã từng biết, từng gần gũi.
14 Tháng Năm 202211:59 CH(Xem: 8305)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: VẠN DẶM ĐƯỜNG XA Nhạc và Lời: Phạm Chinh Đông - Tác giả Trình bày
14 Tháng Năm 20229:37 CH(Xem: 6820)
Cám ơn cháu cho ta giác ngộ Một lạy thôi rực rỡ hào quang Cử chỉ khiêm cung bát ngát sen vàng Ta học Phật, học từ đứa bé.
14 Tháng Năm 202212:48 SA(Xem: 4642)
Với tôi, ông bà là hai người có trái tim lớn lắm, vì họ có tới 5 ngăn dành cho những đứa trẻ mồ côi. Đối với ông bà chỉ có chữ “Nuôi Con” không có chữ “Con Nuôi”.
10 Tháng Năm 202212:58 SA(Xem: 5988)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
07 Tháng Năm 202211:38 CH(Xem: 7164)
Bài thơ tôi viết buồn độc vận Tôi tự ru tôi khúc ngậm ngùi Xin hỏi ai từng làm Mẹ khóc Có mơ thấy Mẹ giống như tôi?
07 Tháng Năm 202212:29 SA(Xem: 4932)
Xin cảm ơn mẹ tôi, vợ tôi và bà suôi của tôi cũng như các bà mẹ trên khắp thế gian đã mang một sứ mệnh gian lao và cao cả là “làm mẹ”.
06 Tháng Năm 202211:54 CH(Xem: 6865)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 202211:36 CH(Xem: 7160)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: LÁ THƯ GỬI MẸ - Nhạc Nguyễn Hiền & Thái Thủy Tiếng hát: Lệ Thanh Kiều Oanh thực hiện youtube
06 Tháng Năm 202212:37 SA(Xem: 6520)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
06 Tháng Năm 202212:21 SA(Xem: 7002)
Hồn “MỘNG DƯỚI HOA” buồn viễn xứ Giọt “SẦU LẺ BÓNG” rụng trong tim “MỘT CÕI ĐI VỀ” đời lữ thứ “NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG” gởi về em!
06 Tháng Năm 202212:14 SA(Xem: 6382)
Hạ ơi! Đừng khép cổng trường Ve ơi! Đừng hát lòng đường bâng khuâng Ngày mai bên vạn nẻo đường Còn đâu tiếng trống tựu trường nôn nao
05 Tháng Năm 202212:10 SA(Xem: 5176)
Và chốc nữa đây tôi sẽ vào chùa thắp nhang… sám hối vì bấy lâu nay tôi cứ hùa theo Liên chê trách bà mẹ chồng này. Mong bà tha lỗi cho tôi.
02 Tháng Năm 202210:56 CH(Xem: 6433)
Nghe tin mầy vượt trùng khơi Ra đi chẳng có nửa lời với tao Cuộc đời như vậy thế sao !! Xin câu khấn niệm Gửi Vào Thiên Thu...
01 Tháng Năm 202211:01 CH(Xem: 10798)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 202212:25 SA(Xem: 8993)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
01 Tháng Năm 202212:08 SA(Xem: 5953)
Ba tôi rời Việt Nam sang Hoa Kỳ đoàn tụ cùng các con vào đúng ngày 30 tháng 4 năm 1987. Ông viết bài thơ sau vào ngày 30 tháng 4 năm 1988,
30 Tháng Tư 202211:59 CH(Xem: 7080)
Đêm café thao thức Mùi quê hương đâu đây Bóng mây chìm bóng mây Café chìm nước mắt Mây vẫn trôi bàng bạc Lưng chừng treo câu thơ
30 Tháng Tư 202211:00 CH(Xem: 7503)
Thôi đã tàn rồi một giấc mơ Còn gì nữa đâu mà đợi chờ Tháng Tư về, lòng tôi xao xuyến Nhớ Sài Gòn, nhớ một người xưa!
29 Tháng Tư 202211:17 CH(Xem: 7148)
Quê cha Quảng Trị mẹ Biên Hòa Lịch sử hình thành đã ghi ra Dù đi khắp năm châu bốn bể Hãy nhớ rằng đây cũng là nhà.
29 Tháng Tư 202210:26 CH(Xem: 5702)
Thì ra bao nhiêu năm qua, cuộc sống và tuổi gìa đã vô tình che khuất đi hình bóng cũ, chỉ những dịp như hôm nay hình bóng anh Xuân lại trở về trong lòng cô Hoa
29 Tháng Tư 20222:58 CH(Xem: 7560)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: NGÀY EM TRỞ LẠI SÀI GÒN - Thơ Vương Đức Lệ Nhạc Trần Xuân Kính Tiếng hát: Đèo văn Sách
29 Tháng Tư 202212:52 SA(Xem: 6439)
Ta ngồi nhìn giọt mưa rơi Tháng Tư Buồn Lắm tơ trời khóc than Thương cho mộ chí da vàng Bao nhiêu tiếng nấc hồn oan dật dờ.
29 Tháng Tư 202212:00 SA(Xem: 7466)
Phải chăng ảo ảnh cuộc đời Xa rồi áo trắng của thời nguyên trinh Đắm chìm trong cuộc phù sinh Giấc mơ thiên cổ... DẤU TÌNH CHƯA PHAI!...
28 Tháng Tư 20222:21 CH(Xem: 7117)
Nói đi anh một lần cho đủ lẽ Dù mặn nồng cay đắng có mềm môi Dù ray rức có đầy vơi mắt lệ Thì mất nhau mình cũng mất nhau rồi?!
22 Tháng Tư 20222:01 SA(Xem: 5503)
Năm nay, tháng tư lại về, những thương đau của quá khứ gần nửa thế kỷ một lần nữa lại ùa về, chúng ta nhớ Sài Gòn da diết.
22 Tháng Tư 20221:30 SA(Xem: 3233)
chúng ta có thể hiểu A-Lại-Da thức chính là thức sanh ra “tâm sinh diệt” là Vọng tâm, và cũng chính A-Lại-Da thức này hiển lộ tâm thanh tịnh là Chân tâm.
21 Tháng Tư 20223:50 CH(Xem: 7039)
Muốn tóc bay trong dạt dào biển gió Cảm nhận được ngàn ve vuốt trùng khơi Nghe hồn ngập tràn niềm thương nỗi nhớ Về một người yêu dấu đã xa rồi.
21 Tháng Tư 20222:12 CH(Xem: 7512)
Rượu cạn bầu chưa? - Trăng xế bóng! Giọt sầu năm tháng cứ tuôn sa Canh tàn, nến lụn - Hồn thao thức NỬA KIẾP LƯU ĐÀY... Ta khóc ta!
21 Tháng Tư 20221:30 SA(Xem: 7823)
Tháng năm làm biển dần thay đổi Cát sẽ không còn tiếng gọi nhau Chân giẫm đau, cát buồn không nói Chỉ thấy ngàn xanh biển hóa dâu
20 Tháng Tư 202210:33 CH(Xem: 5351)
Xin ơn trên đừng cướp đi ông bà ngoại yêu quý của tôi. Hãy để tôi còn có thời gian trả chút nghĩa tình ông bà trao cho tôi từ lúc tôi mới lọt lòng.
20 Tháng Tư 20222:17 CH(Xem: 7838)
Gỗ quí đâu? rừng vẫn im Tháng qua ngày lại người thêm muộn sầu! Thân Anh rách rưới ốm đau Rừng ơi gỗ quí cất đâu hỡi rừng?!
20 Tháng Tư 202212:27 CH(Xem: 6894)
Cám ơn mỗi sáng mai thức dậy Yên vui thanh thản sống một ngày Trần thế thiên đường ngay trước mặt Cám ơn đừng để lỡ ngày qua.
19 Tháng Tư 20223:53 CH(Xem: 6941)
Biết viết làm sao hết nhớ thương Lòng con khoắc khoải vạn đêm trường Bâng khuâng một chút niềm suy tưởng Của một người con BIỆT CỐ HƯƠNG
17 Tháng Tư 202212:52 SA(Xem: 3970)
Nói cho nghiêm túc, đây là buổi họp đầu tiên của Ban Tổ Chức hội ngộ kỳ thứ 19 của trường trung học Ngô Quyền chúng ta.
15 Tháng Tư 202212:38 SA(Xem: 6115)
Đêm càng về khuya, nỗi nhớ về Sài Gòn xưa càng quay quắt, tôi ước mơ được một lần sống lại ở thành phố Sài Gòn, một hòn ngọc Viễn Đông trước năm 1975.
14 Tháng Tư 202211:50 SA(Xem: 7166)
Bảo toàn biển đảo nước non Duy trì tiếng Việt cháu con đời đời Lo sao nước Việt rạng ngời Sánh vai thế giới một thời Hùng Anh
14 Tháng Tư 202212:49 SA(Xem: 7731)
*Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: NGƯỜI LẠC XỨ Thơ Dr. Nguyễn Quý Đoàn Nhạc Bùi Kim Cương
12 Tháng Tư 202211:36 CH(Xem: 5929)
Đêm nay thức trắng bên con Rạng ngày con Mẹ nỗi buồn chia hai Ôm con ủ ấm đêm nầy Rồi mai gió sẽ lùa đầy phòng con
11 Tháng Tư 202211:43 CH(Xem: 5387)
Tôi không cảm thấy vui trọn vẹn, tròn trĩnh lắm vì trong một góc khuất nào đó của bộ não hình ảnh tang tóc, chết chóc tức tưởi lúc kết thúc VNWar 1975, cứ hiện về như phim quay chậm!
11 Tháng Tư 20226:15 CH(Xem: 5364)
Chúng tôi phải hoàn tất ba khóa học: Chương trình học tiếng Anh (ESL program), Cultural Orientation (CO) và Work Orientation (WO) trước khi đi Mỹ.
11 Tháng Tư 20225:04 CH(Xem: 8084)
Hôm nay ngày giỗ mẹ của tôi Nén hương dâng mẹ lòng bồi hồi Không cây vú sữa bên thềm cũ Mà sao nhớ quá mẹ hiền ơi!