Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Phan Phú Hiệp - BỤI PHẦN

03 Tháng Mười Hai 20223:37 CH(Xem: 5956)
Phan Phú Hiệp - BỤI PHẦN

BỤI PHẤN

truongxua-05

Trong số rất nhiều các nhạc phẩm ngợi ca công ơn dạy dỗ của Thầy Cô giáo, có một bài hát tuy ngắn nhưng khiến tôi xúc động và có ấn tượng nhất là bài Bụi Phấn (nhạc: Vũ Hoàng - thơ: Lê Văn Lộc) như sau:

 

“Khi Thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi.

Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng

Có hạt bụi nào vương trên tóc Thầy

Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm

Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay

Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?

Ngày xưa Thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ ♪ ♪”

 

Ca từ đơn giản, nhẹ nhàng với giai điệu mượt mà, trong sáng của bài hát đã đưa tôi trở lại những năm tháng còn học dưới mái trường trung học Ngô Quyền - Biên Hòa, từ những ngày đầu vào lớp 6 (1970) tập làm người lớn đi học với đồng phục quần dài xanh áo trắng,cho đến khi giã từ mái trường thân yêu vào năm 1977. Trong thời gian 7 năm ấy, tôi đã được nhiều vị giáo sư đã tận tâm truyền dạy vô vàn kiến thức bổ ích, nhân cách sống tốt đẹp và các giá trị chân thiện mỹ , để làm hành trang bước vào đời làm người hữu dụng cho xã hội.

Đã nửa thế kỷ trôi qua, những kỷ niệm về trường xưa lớp cũ trong ký ức của tôi đôi lúc còn mù mờ, do bị che khuất bởi lớp bụi dày đặc của thời gian, nhưng tôi cố hồi tưởng lại những giờ học tuyệt vời do các Thầy Cô giảng dạy, vốn đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp và mãi không phai mờ.

Nhớ về những giờ học Cổ Văn của Cô Nhã Ý vào những năm lớp 7, lớp 8 (1971-1972)

Những bài giảng về văn học sử của Cô rất hay và cho chúng tôi nhiều ấn tượng sâu đậm .Tôi nhớ một buổi chiều trong giờ Cổ Văn, Cô đã diễn giảng xuất thần bài thơ Chinh Phụ Ngâm .Lúc ấy Cô như đã hóa thân thành một nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu, đi ngược thời gian để tái hiện lại hình ảnh lịch sử hào hùng trong buổi lễ xuất quân ra trận chống giặc ngoại xâm của những chàng trai trẻ và tâm trạng da diết buồn của những người chinh phụ, đã cố vén nỗi niềm riêng để đưa tiễn chồng đi tùng chinh.

Bằng chất giọng nhẹ nhàng và truyền cảm khi bình thơ,Cô đã đưa học sinh chúng tôi trở về với bối cảnh lịch sử xa xưa như để trực tiếp can dự, để lắng nghe tiếng trống trận thúc quân từ Trường Thành dồn dập rền vang và nhìn thấy xa xa khói lửa từ Cam Tuyền ngun ngút xông lên báo hiệu giặc ngoại xâm đã tiến đến gần biên thùy. Nhớ giọng Hà Nội của Cô vô cùng sang trọng, lên bổng xuống trầm, như thể còn văng vẳng bên tai tôi các câu thơ đầu của bài Chinh phụ ngâm:

“Trống trường Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

Chín tầng gươm báu trao tay

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh….”

 

Trong giờ Cổ văn,các kiệt tác Chinh Phụ Ngâm ,Cung Oán Ngâm khúc, Chuyện Kiều, Lục Vân Tiên…qua bình giảng của Cô đã cho chúng tôi một ấn tượng sâu đậm và khắc ghi vào trong lòng , giúp chúng tôi nhớ mãi các tuyệt tác văn học cổ trong kho tàng văn chương phong phú của VN.

Nhớ về giờ Công dân giáo dục lớp 9 (CDGD) của Thầy Nguyễn Viết Long. Thầy đã dạy cho chúng tôi những bài học về quyền và nghĩa vụ công dân, các quy tắc ứng xử trong xã hội. Đặc biệt Thầy dạy chúng tôi cách thuyết trình có lớp lang về một chủ đề trước đám đông.Thầy khuyến khích học sinh đưa ra các ý kiến tranh luận, phản biện để làm rõ hơn về đề tài thuyết trình, nhưng không quá gay gắt mà phải lịch sự tôn trọng nhau. Thầy hướng dẫn học sinh cách hợp tác làm việc theo nhóm… Các bài học ứng xử trong giờ CDGD do Thầy dạy đã giúp tôi rất nhiều trong suốt quãng đời đi học và làm việc sau này.

Nhớ về giờ học Vạn Vật của Cô Phạm thị Khang lớp 7 lớp 8, Cô có cách giảng bài nhẹ nhàng dễ hiểu với những hình vẽ thật đẹp trên bảng để minh họa các nội dung trong bài học .Cô ra qui định nếu Cô gọi lên trả bài, bạn nào có nhiều hình vẻ đẹp liên quan đến bài học sẽ được thêm điểm trình bày.Nên các học trò nhỏ chúng tôi đua nhau trang trí trong tập Vạn Vật thật đẹp với nhiều hình vẽ đầy màu sắc.

Nhớ về các giờ học Anh Văn theo bộ sách English For Today book 1-3 từ lớp 6 đến lớp 10 của Cô Luông, Cô Tốt , Thầy Lý, Thầy Hoàng , Thầy Hoan… đã giúp chúng tôi có một nền tảng tiếng Anh tương đối vững để không quá ngỡ ngàng trong việc giao tiếp và học hành sau này.

Nhớ về giờ học nhạc vào những năm lớp 7, lớp 8 của Thầy Tỵ với các bài học ký xướng âm và các bài hát giành cho lứa tuổi học trò rất dễ thương. Đặc biệt, thỉnh thoảng trong những lúc sinh hoạt cuối giờ, Thầy thường cho chúng tôi hát đồng ca bài Việt Nam - Việt Nam (Phạm Duy). Cả lớp chúng tôi, vừa vỗ tay vừa hát say sưa, từng lời ca của bài hát như thấm đẫm vào bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ chúng tôi. Ngày nay, mỗi khi có dịp nghe lại các bài hát Trường Làng Tôi, Ngày Khai Trường, Học sinh hành khúc, Khỏe vì nước…là tôi lại nhớ đến người Thầy khả kính với cặp kính cận dầy,đã đưa những giai điệu âm nhạc trong trẻo của lứa tuổi học trò in sâu vào trong ký ức của chúng tôi.

Nhớ về những giờ học Toán của Cô Khương thị Bàn, Cô Nguyệt Thu,Thầy Ân,, Thầy Trần Thiện Cơ, Thầy Bùi Thọ Thích, Thầy Túy, Thầy Dũng.  Đặc biệt Vào năm lớp 10 (1974), chúng tôi bắt đầu làm quen với môn Tân Toán Học do Thầy Diệp Cẩm Thu dạy.Lúc ấy Thầy vừa trở về trường Ngô Quyền dạy học sau một thời gian du học tại Pháp.Thầy có phong thái hiền lành , nho nhã. Thầy dạy rất dễ hiểu và thường hay minh họa các thuật ngữ toán học vốn còn xa lạ với chúng tôi như Tập hợp con, Tập hợp rỗng, Hội, Giao, Phần tử ... bằng các câu chuyện sinh động trong thực tế đời thường. Năm lớp 11 (1976), tôi học môn toán hình học không gian với Thầy Nguyễn Phong Cảnh .Các khái niệm trừu tượng về hình học không gian được Thầy diễn giải bằng những ví dụ gần gũi dễ hiểu. Một kỷ niệm vui là có một lần, Thầy đưa ra câu hỏi, khi các học trò không trả lời được, Thầy đã không trách mà ghẹo chúng tôi rằng “Thầy biết các em hiểu, nhưng mà hiểu trong lòng chứ không diễn tả ra ngoài bằng lời được. Nên các em phải cố gắng học giỏi môn toán. Vì khi giỏi toán, bất kỳ suy nghĩ nào trong đầu đều có thể diễn đạt bằng lời.Hiểu được mà không nói ra được cái hiểu của mình, tức là các em chưa thật sự giỏi toán”.

Nhớ về giờ học Vật lý của Thầy Mai Kiến Phúc vào năm lớp 12,Thầy rất oai nghiêm và có cách dạy sinh động, dễ hiểu và truyền cảm hứng cho học sinh sự khao khát kiến thức và ham muốn tìm hiếu về khoa học . Trong một số giờ học, Thầy thường đem các học cụ để làm các thí nghiệm ngay trong lớp ,làm cho chúng tôi vô cùng ham thích học môn Vật Lý, đến độ có lúc tôi mơ ước sau này được trở thành giáo sư Vật lý như Thầy. Đặc biệt vào năm cuối trung học, chuẩn bị thi đại học, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi cách trình bày một bài thi gọn gàng, đầy đủ, chặt chẽ để có được kết quả tốt.

Nhớ về những giờ học môn Địa Lý thật hấp dẫn và vui nhộn của Thầy Đại .Thầy có phong cách trẻ trung, gần gũi với học sinh và có cách cách dẫn chuyện rất hài hước, tạo tiếng cười vui vẻ trong lớp, đến độ học sinh chúng tôi cứ muốn giờ Địa Lý của Thầy cứ kéo dài ra, đừng kết thúc sớm.

Nhớ về giờ học môn Quốc Tế Sử lớp 10 với Thầy Đức. Cả lớp ngồi yên lặng chăm chú nghe Thầy kể những câu chuyện và các giai thoại lịch sử về thế chiến thứ 1, thứ 2 vô cùng ly kỳ hấp dẫn.

Và còn nhiều lắm những kỷ niệm đẹp trong những giờ học tuyệt vời của các Thầy Cô quý kính của trường mà trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chưa thể liệt kê hết được.

Dòng đời trôi nhanh, cuộc sống vô thường, nhiều Thầy Cô năm xưa của tôi đã quá vãng, nhiều Thầy Cô hiện tiền, nay đã da mồi tóc điểm sương. Các học trò chúng tôi năm xưa, nay cũng đã đứng bên kia dốc của cuộc đời. Nhưng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh Thầy Cô khi đứng trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão, những khát vọng để vươn tới trong cuộc đời. Khi đang miệt mài giảng dạy, Thầy Cô đâu hay rằng lúc ấy, bụi phấn đã vô tình vương lên trên mái tóc. Hình ảnh ấy để lại chọ những học trò chúng tôi một cảm xúc dạt dào và lòng biết ơn vô hạn khi Thầy Cô đã hiện thân là người lái đò thầm lặng, tận tụy để đưa chúng tôi đến bến bờ của tri thức.

Bài hát Bụi Phấn đã lay động trái tim của tôi chính từ những cảm xúc như vậy.

 

 

Hiệp Phan--- Mùa Tạ ơn tháng 11/2022

21 Tháng Ba 2014(Xem: 64631)
Lúc đó tôi chỉ cầu xin thượng đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quãng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian này với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình .
20 Tháng Ba 2014(Xem: 39245)
Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta,
14 Tháng Ba 2014(Xem: 64527)
Từ cái nôi trung học Ngô Quyền, các học sinh bé bỏng ngày nào nay đã lớn khôn, bung ra tứ tán theo sinh hoạt của dòng đời. Nhất là sau khúc quanh lịch sử 30 tháng 4, 1975,...
14 Tháng Ba 2014(Xem: 73372)
Những kỷ niệm thân thương đó nằm ngủ yên trong tâm tư gần 40 năm, đã dấy lại trong tôi vào những ngày thầy Phạm Đức Bảo từ bên Tây Đức qua thăm Hoa Kỳ và được các cựu học sinh Ngô Quyền tiếp đón
09 Tháng Ba 2014(Xem: 18016)
Vẫn thương và nhớ Muội với biết bao kỷ niệm đẹp của chúng ta từ hơn 40 năm qua cùng với bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống sau năm 1975, … Bây giờ Muội đã nhẹ nhàng rồi phải không??
08 Tháng Ba 2014(Xem: 9520)
Tôi chỉ làm một công việc là khơi dậy khả năng trời cho trong mỗi em học sinh... Thật sự tôi không hảnh diện về những gì mình đã thực hiện được mà buồn vì mình không làm được gì nhiều hơn cho các em học sinh.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 74696)
Kính tặng thầy Bùi Quang Huy Nhân bàn chuyện Kỷ Yếu Ngô Quyền, cùng các bạn lớp Ðệ Tam B3 (1966-1967) nhắc nhớ lại chuyện người thầy Cổ Văn độc đáo của lớp mình.
05 Tháng Ba 2014(Xem: 30262)
Nay đã gần 40 năm trôi qua, thầy trò đều lưu lạc mỗi người một phương trời. Đám tiểu quỉ của tôi hẳn đầu đã hai thứ tóc, và có người có lẽ đã thành ông nội, ông ngoại không chừng. Liệu trong số này, có ông nào còn nhớ chuyện cũ đó không?
28 Tháng Hai 2014(Xem: 64659)
Tất cả đã đem đến cho tôi những tình cảm thân thiết, mà tôi không tìm được ở bất cứ trường nào. Những tình cảm ấy sau đó đã giúp tôi quên đi cảm giác khó chịu lúc ban đầu
27 Tháng Hai 2014(Xem: 7887)
Tốt nghiệp ĐHSP Toán Lý năm 1970, Thầy Nguyễn Văn Có nhận nhiệm sở đầu tiên tại trường trung học Thủ Đức – Sài Gòn. Năm 1972, Thầy xin thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
27 Tháng Hai 2014(Xem: 19560)
Từ 1969 đến 1975, trong thời gian 6 năm phục vụ ở Biên Hòa của tôi dù ở cương vị thầy giáo hay quân nhân, tôi cũng có nhiều kỷ niệm không thể quên được.
22 Tháng Hai 2014(Xem: 30578)
Cũng cần nói ra đây là lần đầu tiên tôi gặp Thầy sau không biết bao lần hẹn găp từ khi khi Thầy còn khỏe. Cứ hẹn rồi chưa gặp, hẹn rồi chưa đến... cho tới khi Thầy bệnh.
14 Tháng Hai 2014(Xem: 6276)
vì Thầy lên Công Thanh nhận chức Hiệu Trưởng trường Trung học ở đây. Từ đó về sau tôi không gặp Thầy, nhưng vẫn luôn nhớ lối ” nhấn nhá” trong lời giảng của Thầy qua thơ văn và nhớ nhất chiếc vespa màu xám của Thầy.
12 Tháng Hai 2014(Xem: 21903)
Tôi vẫn có mơ ước như Đại Tướng Carnot, trở về trường xưa, vào lại lớp học cũ, để kính cẩn nghe thầy giảng dạy như ngày còn bé. Cái mơ ước tầm thường, nhưng vượt quá tầm tay của một con người trong cái thời gian và không gian.
03 Tháng Giêng 2014(Xem: 38518)
Là một người khách không mời trong đêm từ giã năm 2013, tôi đã cùng thầy Phạm Gia Hưng từ Virgina, và hai đàn anh Lữ Công Tâm, Ma Thành Tâm cùng count down đón mừng năm 2104 tại nhà thầy Mai Kiến Phúc.