Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trương Đình Tuấn - Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài thơ – bài hát “Ngậm Ngùi” (Huy Cận – Phạm Duy)

12 Tháng Mười Hai 202110:49 CH(Xem: 31471)
Trương Đình Tuấn - Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài thơ – bài hát “Ngậm Ngùi” (Huy Cận – Phạm Duy)
blank



“Ngậm Ngùi” là bài thơ của thi sĩ Huy Cận sáng tác từ thời tiền chiến, ra mắt độc giả vào năm 1940 trong tập Lửa Thiêng. Gần 20 năm sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ này để trở thành ca khúc Ngậm Ngùi, đã đi vào lòng công chúng yêu nhạc với ca từ da diết và điệu nhạc u buồn.

Hầu như ai cũng nghĩ là “Ngậm Ngùi” được thi sĩ Huy Cận viết về mối tình yêu đương đôi lứa thông thường. Nhưng thật ra hoàn cảnh để sáng tác bài thơ này không phải vậy, đây là bài thơ được Huy Cận sáng tác với nỗi buồn đau, thương tiếc, khi về lại quê thăm mộ em gái út của mình.

Năm 1990, Cù Huy Chử, em của Cù Huy Cận, đã thổ lộ với phóng viên:

“Quê Huy Cận ở Nghệ An, ông bố là một thầy đồ nho hết thời, tất cả trông nhờ vào sự tần tảo lam lũ của vợ. Ông bố là thầy đồ nên suốt đời chẳng làm ăn gì cả, ăn ở không suốt ngày ngồi gặm cái quạt buồm đến nỗi nó vẹt mòn mất cả cán. Nhà lại đông con, có đến 7 anh chị em.

Huy Cận rất thương cô em gái út. Vì nhà nghèo lại đông con nên ông phải vào Huế giúp việc cho một người bà con để được nuôi ăn học.

Ở nhà cô út chỉ quanh quẩn bên mẹ. Ngày xưa liên lạc đâu phải dễ dàng. Cô út khoảng 10 thuổi thì bị đậu mùa rồi qua đời. Nghỉ hè, Huy Cận về nhà mới biết em út đã mất.

Ông ra thăm mộ em ở cuối vườn, nơi có trồng mấy cây thông reo. Cỏ mắc cỡ lẫn cỏ dại trùm cả ngôi mộ”.

Sau đó, vào năm 1991, chính Huy Cận cũng xác nhận hoàn cảnh để sáng tác bài thơ Ngậm ngùi là đúng như em trai của ông đã nói: Viết sau khi thăm mộ của em gái nhỏ bạc mệnh:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát

Tựa đề của bài thơ là “Ngậm Ngùi” nên khi vào bài, tác giả vẽ nên cảnh buồn của chiều vắng, nắng cũng “chia nửa bãi”, như biết sẻ chia tâm sự buồn bã của lòng người anh trai khi ra thăm mộ em gái.

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi” – Hầu như những người thích thi ca thời tiền chiến đều quen thuộc với câu thơ ấn tượng này, như lửng lơ giữa thực và mộng trong không gian tiếp giáp giữa ngày và đêm.

Vườn xưa giờ đã như vườn hoang đầy các loài cỏ dại, và trong các loại cỏ dại đó có loài cỏ đã quen thuộc với tuổi thơ của hầu hết mọi người: cây mắc cỡ, còn gọi là cây trinh nữ. Hoa trinh nữ có màu hồng nhạt đẹp đơn sơ và lá cây cỏ mỗi lần đụng đến là tự động xếp lá lại, như Huy Cận đã tả loài cỏ hoa dại này rất hay: “Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu”.

Hình ảnh sợi tơ nhên giăng được cho là “sợi buồn” nghe như nỗi buồn mất em gái bàng bạc khắp nơi…, và “Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây”, như vẫn tưởng là em vẫn đang ngủ đấy thôi, hai tiếng “hầu quạt” thương yêu và trân trọng cho người nghe cảm xúc cảm động về tấm lòng yêu mến của người anh đang trìu mến quạt ru em ngủ.

Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ngủ đi em, mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ

Ngủ đi em, ngủ đi em…
Ngủ đi mộng vẫn bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ…

Tấm tình yêu mến thương của anh, mở ra với quạt này ru em vào giấc ngủ ngon có “trăm con chim mộng về bay đầu giường”. Ru giấc tuổi thơ em vào “mộng bình thường”, bình yên như bao giấc mộng đẹp ở trên đời. Vỗ về em vào giấc gọi là “mộng bình thường” là vì quá yêu mến em nên anh không muốn tin là em đã ngủ yên trong lòng đất. Vẫn tin em vẫn còn bé bỏng ngây thơ như ngày nào, vẫn còn ra vườn hái hoa cỏ dại bày những trò chơi con nít của ngày xưa, vẫn ngủ giữa những trưa hè bên quạt hầu của mẹ, của anh chị thân yêu.

Ru em vào mộng bình thường, anh sẵn sàng hầu quạt làn gió mát, và đôi bờ thùy dương sẵn tiếng vi vút như lời ru quê hương đưa em vào giấc ngủ như những ngày còn thơ. Thùy dương là loài cây dương liễu được trồng nhiều ở miền Trung nên ở đây còn được gọi là miền Thùy dương, như bài hát Về Miền Trung cũng của Phạm Duy có câu: “Về miền Trung miền thùy dương bóng dừa ngàn thông”…

“Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ” là câu nguyên tác của bài thơ, đem đến cho người nghe cảm nhận về tình yêu thương ấm áp gia đình, ngoài thâm tình ruột thịt, còn có tình quê hương bàng bạc từ tiếng ru của mấy bờ thùy dương ở khắp nơi đầu núi cuối biển, cho đến khu vườn nhỏ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm ấu thơ. Và lời ru của quê hương này đã ru từng giấc ấu thơ và đi theo ta trong suốt cuộc đời…



Click để nghe danh ca Thái Thanh hát


Cây dài bóng xế ngẩn ngơ

Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau
Tay anh, em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

Âm điệu bỗng vút cao lên như hàng thùy dương ngẩn ngơ giữa bóng xế hoàng hôn. Vút cao lên bàng hoàng giữa nỗi buồn bã trong giây phút cõi mộng đã nhường cho cõi thực: một sự thật không thể chối từ được là em đã không còn ở trên cõi đời này. Và anh ngậm ngùi nỗi thương tâm, hỏi em gái nhỏ thương yêu: “Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau?”. Đây cũng chính là nỗi lòng của anh đã chín đau buồn mấy mùa thương tiếc…

Trái buồn đau đã chín qua mấy mùa biết mùa nào mới lãng khuây. Tay anh đây em hãy tựa đầu như ngày xưa em vẫn còn bé bỏng, anh vẫn thường quạt ru em và vào giấc ngủ trẻ thơ. Em hãy tựa đầu vào tay anh để “cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…”, nghe như tiếp nối nỗi buồn biết bao giờ mới nguôi ngoai…


blankblank



Cũng như bao thính giả yêu thích ca khúc Ngậm Ngùi, ban đầu tôi cứ tưởng bài thơ này dành riêng cho tình yêu trai gái. Vì ca từ được phổ thơ lục bát của Huy Cận quá hay nên ai cũng đọc và nghe, phớt qua nội dung của từng câu thơ. Sau này khi biết bài thơ được Huy Cận làm cho em gái út của mình đã qua đời, tôi mới chú ý đến câu: “Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau” và cho hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này như lời thổ lộ của hai anh em nhà thơ Huy Cận là chính xác!

Bài thơ được Huy Cận in trong tập Lửa Thiêng vào năm 1940, bao trùm “Lửa Thiêng” là một nỗi buồn mênh mang da diết. Thiên nhiên trong tập thơ này thật bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng buồn, một nỗi buồn thương về cuộc đời, kiếp người.

Nhạc sĩ Phạm Duy nói trong hồi ký: “Tôi yêu thơ Huy Cận từ khi chưa bước vào thế giới âm nhạc… Có thể nói, sau ca dao, Thơ Mới (nhất là thơ trong cuốn “Lửa Thiêng”), ngay từ đầu, đã là chất liệu nuôi dưỡng con người soạn ca khúc là tôi. Trong loại nhạc tình cảm con người của tôi, nếu có thêm hồn vũ trụ, đó là nhờ ở những bài thơ Huy Cận”.

Gần 20 năm sau khi Ngậm Ngùi ra mắt, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc cho bài thơ Ngậm Ngùi. Tuy nhiên trong vài năm đầu, bài hát này không gây được nhiều chú ý như những tác phẩm khác của ông. Đến đầu thập niên 1960, sự xuất hiện của Lệ Thu trong làng nhạc đã làm sống dậy ca khúc này, đưa Ngậm Ngùi trở thành một trong những bài nhạc phổ thơ thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, và sau đó chính nhà thơ Huy Cận đã gửi lời cảm ơn Phạm Duy về việc giúp bài thơ này thêm nổi tiếng.


Click để nghe Lệ Thu hát


Thập niên 1960. Lệ Thu là ca sĩ ăn khách tại phòng trà Queen Bee hàng đêm, và ca khúc Ngậm Ngùi luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất. Trong số những khán giả đó có nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi, ông đã viết một bài báo gọi giọng ca trẻ Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.

Trương Đình Tuấn

20 Tháng Tư 2025(Xem: 647)
Xin mời thưởng lãm tác phẩm mới nhất của Duyên
18 Tháng Tư 2025(Xem: 955)
Tâm thần bà bắt đầu hỗn loạn, bà không biết chuyện gì đã xảy ra với con của mình. Liên tục các câu hỏi hiện ra trong đầu bà “Con mình đã biết nói? Tại sao nó không nói mà chỉ hát?...”.
18 Tháng Tư 2025(Xem: 1535)
Tôi vẫn tiếc một điêu khắc gia khác của Việt Nam, đại uý Nguyễn Thanh Thu tác giả bức tượng Thương Tiếc ở Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà với cuộc đời như một bi kịch lại không được đưa lên màn ảnh nhỏ.
18 Tháng Tư 2025(Xem: 2345)
Thoát hiểm “phá đài TV Qui Nhơn” về Saigon, tối hôm đó Tôi ngủ luôn trong đài vì trúng phiên làm sĩ quan trực Nhân Dân Tự Vệ cấm trại 50%, chia phiên cho anh em canh gác lo về an ninh
18 Tháng Tư 2025(Xem: 1803)
Hôm nay, tôi và bạn bè tam B3, lớp Pháp Văn, có cuộc hẹn gặp gỡ với bạn Đỗ Quang Nam và phu nhân, từ Houston về BH.
17 Tháng Tư 2025(Xem: 2561)
Nỗi thắc mắc nghĩ ngợi của Tôi nhớ về bạn Đồng Môn cùng lớp Nguyễn Văn Lê tới nay vẫn chưa có tin tức còn sống hay chết!
06 Tháng Tư 2025(Xem: 1591)
Ở miền tây, chiến trường không ác liệt như miền đông và miền trung nhưng đi hành quân vất vả hơn nhiều vì phải lội sình, có nơi sình lầy cao lên khỏi đầu gối.
05 Tháng Tư 2025(Xem: 3131)
Tôi viết những gì ghi lại đây là cho chính bản thân mình, với vài người bạn đồng hành là nhân chứng sống chuyến công tác đặc biệt coi như chết hụt tại Qui Nhơn đầu tháng 4-1975.
05 Tháng Tư 2025(Xem: 1808)
Mấy chục năm qua mỗi khi ngồi nhớ lại đời mình tôi lúc nào cũng nhớ tới Lực. Cậu trai trẻ chân đi cà thọt tật nguyền nhưng luôn dễ thương, yêu đời và tốt bụng.
04 Tháng Tư 2025(Xem: 1881)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
26 Tháng Ba 2025(Xem: 2721)
Chúng em, tất cả những cựu học sinh Ngô Quyền kính chúc Thầy Quýnh, thầy Đạt một ngày sinh nhật 90 tuổi thật hạnh phúc.
26 Tháng Ba 2025(Xem: 2485)
Trong số các loại rau dại vô cùng phong phú ở quê nhà, tôi thích nhất là rau càng cua, đây là một loại rau dại mọc khắp mọi nơi, đi đâu cũng thấy.
26 Tháng Ba 2025(Xem: 1718)
Thật là kinh hoàng, Tôi không đủ khả năng diễn tả nỗi lo sợ khủng khiếp xảy ra lúc đó, lòng phập phòng nơm nớp chỉ sợ máy bay rớt bất tử vì quá nặng.
24 Tháng Ba 2025(Xem: 2158)
Bữa ăn tối cuối cùng trước ngày “BỎ-HUẾ CHẠY” gồm 6 người, năm người đã quá vãng là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm, TLSĐ1BB rớt máy bay trực thăng chết ở Quảng Ngải.
17 Tháng Ba 2025(Xem: 2142)
Người già trong làng già này sống vui sống khỏe một cách độc lập chứ không bám vào con cháu. Họ “vô tư” ăn chơi! Và cũng không thấy ai đảm nhiệm chuyện “vá dù” cho con cháu
16 Tháng Ba 2025(Xem: 1842)
Gặp chuyện gì không phải. Chớ vội la bai bải. Hay mặt mày hớt hải. Cứ từ từ chậm rãi: Có hai điều phải nói:
16 Tháng Ba 2025(Xem: 2358)
Nhân ngày kỷ niệm 50 năm tháng 3 Ban Mê Thuộc, Tôi “người di tản buồn” rất thấm thía với cụm từ: “DI-TẢN CHIẾN THUẬT” xin lạy tạ “ƠN-TRÊN Trời Phật Chúa” độ trì sống sót đến ngày hôm nay!
14 Tháng Ba 2025(Xem: 2128)
Đã nhiều lần Nam có suy nghĩ rằng có phải cuộc đời tình ái của chàng gắn liền với những người con gái xứ Huế. Lạ lùng hơn nữa là hai cái tên, thật ly kỳ khó hiểu. Hồng Nghi… Đông Nghi…
24 Tháng Hai 2025(Xem: 2479)
Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
12 Tháng Hai 2025(Xem: 1779)
Thưa quí vị, nghe nói đến nhẫn, quí bà liên tưởng ngay đến cái hột xoàn lấp lánh chiếu như ánh sáng cầu vồng đính trên cái vật tròn tròn, nhỏ xíu để đeo vào ngón tay,