NHẪN
Sao Khuê
Thưa quí vị, nghe nói đến nhẫn, quí bà liên tưởng ngay đến cái hột xoàn lấp lánh chiếu như ánh sáng cầu vồng đính trên cái vật tròn tròn, nhỏ xíu để đeo vào ngón tay, dĩ nhiên là hột xoàn càng to thì càng lấp lánh nhiều, càng lấp lánh nhiều thì càng đẹp và càng tăng (?) giá trị của người đeo chiếc nhẫn đó, phải không quí vị… còn các cô con gái thì … mơ màng đến lúc có một chàng trai hào hoa, phong nhã, quì chân bên gối mình, tay cầm cành hồng rồi run run mở cái bông hồng bằng nhung mầu đỏ…Uí chao! Coi kià! nó chiếu sáng quá chừng khiến cô nàng chỉ chăm chăm nhìn vào cái nhẫn đựng trong cái bông hồng, hồi hộp, lòng tự nhủ lòng :
- Cái hột bự thế kia, dễ phải ngoài 7 ly, nó lại còn lấp lánh màu tím thế kia thì ít nhất phải trên mười ngàn!Thôi bằng lòng quách cho rồi, thế là nàng làm bộ run run chìa cái ngón tay đeo nhẫn để cho chàng lồng cái vật đầy giá trị vật chất lẫn tinh thần ấy vào. Diamond for ever!
Mà ngón tay đeo nhẫn là ngón nào hả quí cô? Quí cô nhớ chìa cho đúng kẻo chàng đeo nhầm đấy nhé. À!ngón tay đeo nhẫn, rắc rối thật, đeo ngón nào mà chẳng được. Đúng thế, các cô con gái bây giờ đeo tùm lum, có cô ngón nào cũng đeo, trừ ngón cái, thật thế, Sao Khuê chưa thấy ai đeo nhẫn vào ngón tay cái bao giờ…vậy thì chìa ngón nào ấy à. Nè nhé, ngay từ ngày còn nhỏ xíu chúng mình đã học là: ma main a cinq doigts, le pouce, l’index, le majeur, l’annulaire et l’auriculaire. L’annulaire thì từ chữ anneau là cái nhẫn, có nghĩa ngón này để đeo nhẫn còn l`auriculaire (le petit doigt) thì từ chữ auriculaire có nghĩa là thuộc về lỗ tai vì ngón tay út thường được mọi người dùng để ngoáy tai. Nôm na là bàn tay năm ngón- anh vẫn xanh xao- có nămngón tay là ngón cái, ngón chỏ, ngón giữa, ngón tay đeo nhẫn và ngón tay út. Đó, đó, nó đó, ngón tay đeo nhẫn từ lâu được chỉ định, kể cả từ Đông sang Tây là cái ngón áp út và từ lâu, từ Đông sang Tây, đàn ông cũng như đàn bà đều đeo nhẫn ở ngón tay áp út tức ngón tay đeo nhẫn này,mà nhớ là bàn tay trái à nghe, vậy mà chẳng hiểu vì sao sau này các cô gái lại đeo tùm lum chả còn hiểu biết chức năng của mỗi ngón tay nữa.
Này nhé, ngón cái to nên đuợc làm Cái tức là lớn nhất trong nhà, như con Cả vậy đó, giống như hồi xưa dân Việt mình goị Bố Cái Đại Vương ấy mà, kế đó là ngón chỏ, vì ngón này dùng để chỉ chỏ, chỉ đường, chỉ vật khi muốn…chỉ cho người khác, ngón giữa to và cao nhất, dĩ nhiên chưa to bằng ngón cái nhưng cao hơn, lại đứng ở giữa nên Tây họ gọi là le majeur còn Việt Nam mình gọi là ngón giữa, rồi kế ngón giữa hơi nhỏ hơn tí tẹo, mình gọi là ngón đeo nhẫn vì mọi người đều đeo nhẫn ở ngón này, kế đó là ngón Út, út ít trong nhà vì nhỏ xiú xiù xiu, ngoáy lỗ tai rất tiện nên Tây cũng goị là ngón ngoáy lỗ tai –l’auriculaire…
Ấy Sao Khuê phải dài dòng giải thích vì có chuyên vui mà buồn như sau :
Trong một party, có bà nọ thấy bà kế bên có cái nhẫn hột xoàn đẹp quá nhưng lại không được đeo ở ngón tay đeo nhẫn trên bàn tay trái nên bà ấy buột miệng :
- Chị có gia đình chưa ?
- Dạ rồi ! ông xã tôi đang đứng kia, phiá gần cửa
- Hình như chị đeo nhẫn lầm ngón tay !
Thì bà kia chua chát trả lời :
- Vâng ! vì tôi lấy nhầm người !
Nếu người ta đã quy ước là đèn xanh để chạy xe luôn còn đèn vàng để chạy chậm lại, rồi nhìn trước nhìn sau…hễ …không thấy cảnh sát thì chạy luôn cho thật lẹ…
Ý nói lộn, theo quy ước khi gặp đèn vàng thì đi chậm lại để rồi khi đèn đỏ thì ngừng lại chờ khi nào có đèn xanh rồi mới chạy ...cũng như người ta qui ước là đeo nhẫn vào ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái khi đã đính hôn hay thành hôn, nhưng nếu còn con gái thì có thể đeo búa xua… đeo ở ngón tay chỏ là muốn nói mình đang có kẻ thù, đeo ngón út thì có ý là mình đang tự do…đang phất phơ như tấm lụa đào, ai muốn nhào vô thì vào, lẹ lên !
Có ông anh của cô bạn nghe Sao Khuê đía mới hỏi :
- Tôi đố cô tại sao người ta lại chọn ngón kế ngón giữa làm ngón đeo nhẫn khi đính hôn hay khi lấy nhau?
Sao Khuê nghĩ không ra mới cãi chày cãi cối là :
- Ui! Thì người ta qui ước như thế, đeo nhẫn ngón giữa, ý nói còn độc thân, thì ngón kế bên để báo là anh đã có vợ, em đã có chồng như chim vào lồng như cá ngậm mồi câu…
- Cô xòe bàn tay cô để lên bàn đi! Nào bây giờ cô thử cử động từng ngón tay một xem sao. Đó, cô thấy không, tất cả các ngón đều có thể cử động dễ dàng, còn ngón tay đeo nhẫn cử động khó hơn. Cô biết tại sao không?
- Em biết! có vợ có chồng rồi đi đâu cũng khó khăn ‘có chồng chẳng dám đi đâu, có con chẳng dám ngồi lâu bao giờ’
- Tạm đúng, đeo nhẫn ngón này có nghĩa là … mất tự do, đi lại bị hạn chế !......
Trở lại với Nhẫn, quí vị có biết cái vật mà Tây nó goị là Anneau, Mỹ gọi là Ring, còn Việt Nam mình tại sao lại gọi là Nhẫn không nào, đâu cứ phải khơi khơi muốn gọi là gì thì gọi đâu. Này nhé, chữ Nhẫn này xuất thân từ chữ Tàu mà ra. Sao Khuê còn nhớ lúc còn nhỏ, có bài học thuộc lòng bắt đầu bằng câu :
… Chữ nhẫn nghĩa là nhường, nhường anh, nhường chị lại nhường ngươì trên….
Cũng bị dại dột tin lời nói trên là đúng, nên Sao Khuê - hồi xưa - lúc còn nhỏ dại biết chi nên với bất cứ ai, lớn bé gì Sao Khuê cũng nhường hết, cho đến một ngày thấy mình bị bóc lột quá bèn nghe lời - lại nghe lời - một bài ca khác là : vùng lên hỡi các nô lệ của thế gian! quí vị nào đã ở với Bác và Đảng thì biết đây là lời ca mở đầu của bài Quốc tế ca - đấy Sao Khuê là lập trường không vững chắc, hay linh tinh chao đảo, hễ thấy ai nói gì cũng nghe theo, đến lúc vùng lên thì thưa quí vị, cũng thích vì thấy thiên hạ cũng ngán ngán mình, vùng riết rồi thành thói quen, đến nỗi cô và chú của Sao Khuê sau một thời gian dài không gặp, chừng gặp lại phải than là : sao ngày xưa mày hiền mà bây giờ mày dữ thế !
Lập trường lại phen nữa chao đảo, Sao Khuê lại đi thỉnh kinh về để Tu …tâm dưỡng tánh cho bớt dữ - bớt thôi à nghe, hãy để cho sư tử ngủ yên, đừng có chọc, hậu quả khôn lường à nhe. Mèn ơi! Cái Ta đáng ghét! cứ đem Sao Khuê ra mà khoe!
Nào lại trở lại với chữ Nhẫn. Theo chiết tự của chữ Tầu thì Nhẫn là nhường nhịn gồm hai chữ gom lại, là chữ Tâm tức là Tim, và chữ dao là con dao, nè quí vị hình dung ra thế nào là nhường chưa. Nhường nhịn tức Nhẫn có nghiã la dao đâm thấu tim mà phải làm thinh đấy nhé. Thực ra thì chữ Nhẫn còn nhiều nghiã khác nữa cơ, lật quyển tự điển Hán Việt ra-Sao Khuê là người nói có sách, mách có chứng, có sách vở đàng hoàng, lâu lâu có nói bậy, nói trật, nói sai, nói không đúng…. thì là lỗi cuả sách, hay tại Sao Khuê quên, ở đời đâu có người nào chưa biết quên, mà tất cả cái túi khôn của Sao Khuê, toàn là moi ỏ trong sách mà ra, chứ bản thân Sao Khuê chưa hề phát minh, sáng kiến, tối kiến ra cái gì hết trơn à nghe, vậy thì theo tự điển, Nhẫn có nghiã là :
- nhường nhịn
- lấy cây ngáng vào xe cho xe không chạy được
- là mũi nhọn của con dao
- là khó (khó nói lên lời)
- là xe chỉ vào kim, vá áo rách
- là cảm phục
- là nín hơi, nuốt tiếng
- nhẫn nại tức nín nhịn, ráng chiụ đựng (patient)
- nhẫn nhục là ráng chịu điều sỉ nhục ví dụ như-nhẫn nhục phụ trọng-có nghĩa là người hay nhịn nhục mới có thể gánh vác việc lớn được.
- nhẫn tâm thì lại là lòng tàn nhẫn trái lại với từ tâm.
- nhẫn thế có nghiã là nín nước mắt tức ngậm khóc.
- nhẫn thống là chiụ đau đớn không tỏ ra khó chiụ.
- hì hì còn một cái nghĩa kỳ cục quá, không biết có nên tiết lộ cho quí vị biết không, đó là chữ nhẫn tinh (không có dấu, tinh là tinh dịch của người đàn ông), theo tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh thì nhẫn tinh có nghiã là để xuất tinh ra ngoài tránh cho khỏi thụ thai.
Dù nghĩa nào chăng nữa, thì nhẫn cũng hàm ý nhường nhịn, ngay cả chữ nhẫn tâm, tâm thì tốt vì cụ Nguyễn Du đã kết luận truyện Kiều bằng câu: chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, nhịn cái Tốt tất nhiên là chỉ để làm cái xấu nên nhẫn tâm là tàn nhẫn, đúng quá rồi còn gì, phải không qúi vị.
Vậy thì, khi đeo nhẫn cho nhau, quí vị đừng có tưởng bở là đang chiến thắng nhé, đeo nhẫn cho nhau là lúc quí vị hứa với nhau, trước mặt bà con hai họ, hay cả trước mặt Chúa, mặt Phật là từ nay - từ lúc đeo nhẫn - quí vị phải nhường nhịn lẫn nhau, dù đối tượng có làm việc gì rất nhẫn tâm như ngoại tình, bài bạc, rượu chè, hút sách, có con rơi con rớt về lại còn tát tai mình v...v dù đối tượng có làm chuyện gì khiến quí vị đau lòng, đau như dao đâm thấu tim thì cũng phải làm thinh mà mỉm cười, mà chịu đựng….
Sao Khuê có dịp đi dự một đám cưới tổ chức ở nhà Thờ, sau đó lúc ăn tiệc lại có hân hạnh được ngồi gần Cha làm lễ, Sao Khuê đem những lý giải nãy giờ nói cho Cha nghe thì Cha chịu lắm, Cha còn nói, sao chị không nói sớm để lúc nãy tôi giảng cho cô dâu, chú rể ?
Sao Khuê cũng hy vọng từ đó, mỗi lần làm lễ hôn phối, thì trước khi cho cô dâu, chú rể đeo nhẫn, cha T… và nếu có thể các quí Cha khác hay vị nào đó tình cờ đọc bài này đem kể lại cho các Cha hay các Thày, và sẽ lại giảng ý nghiã của cái Nhẫn cho các cặp tân hôn đụơc nghe để thấu ý nghĩa thiêng liêng của cái vật tròn tròn nho nhỏ và nếu cần Cha thêm vào một câu là Nhẫn càng đắt tiền thì lại càng phải nhường nhịn, chiụ đựng nhiều hơn, đúng không quí vị? Lẽ dĩ nhiên là quí vị chưa thấy lời giải thích này ở đâu, vì đó chỉ là sản phẩm do Sao Khuê tổng hợp từ sách vở ra, nhưng quí vị có đồng ý với Sao Khuê lá giải thích rất hợp tình, hợp lý chứ… chả vậy mà đã có nhiều người đồng ý với Sao Khuê nhất là các ông. Sau khi đeo nhẫn được một thời gian thì các ông len lén tháo nhẫn cất đi, khi cất đi như vậy, bất cứ vì lý do gì, như muốn tỏ ra với cô bồ là anh đang còn độc thân, vì vướng tay khó chịu tuy vậy khi bị vợ vặn hỏi thì nói dối là làm mất khi đi bơi (chỗ toàn là các cô sexy không hà), mà nói của đáng tội thì các ông không thích đeo nhẫn vì nhẫn của các ông rẻ rề, giá chỉ có vài trăm là cùng, còn quí bà, ít có bà nào dám vất đi hay không đeo, vì nhẫn của quí bà toàn được đính hột xoàn, đeo nhẫn là một cách để quí bà khoe của mà…nhưng… phải nhưng quí bà nên biếtrằng khi không đeo nhẫn là quí ông mặc nhiên tỏ cho người ngoài biết :
- trước hết: tôi chưa có vợ, tôi có quyền đi tán các cô, ngay cả tán các bà nếu tôi muốn ! !
- hai là, tôi không nhường nhịn các bà đâu nhé, các bà to mồm thì tôi, nếu không bịt đuợc miệng của các bà thì tôi… bịt tai tôi chứ nhường thì đây chẳng chịu nhường đâu.
Quí vị nào không tin Sao Khuê thì nếu có dịp đi party, hay đi đâu đó, chỗ đông người, quí vị nhìn đi, các ông ít người đeo nhẫn lắm!
Một ngày đẹp trời, Sao Khuê cũng thấy chiếc nhẫn rời khỏi ngón tay ông xã nên nàng ta cũng lẳng lặng cất hết nhẫn đi, ra cái điều người chẳng nhường ta thì mắc mớ gì ta phải nhường người, nghiã là Trời chẳng chịu Đất thì can chi Đất phải chiụ Trời, nhưng sau một thời gian đấukhẩu mệt mỏi mà Sao Khuê lúc nào cũng …Ta thất bại nhưng vô cùng kiêu hãnh, cái kiêu hãnh của người Việt đã bị Việt Cộng đuổi tơi bời, chạy ra hải ngoại rồi nhưng vẫn còn kiêu hãnh vì Ta chạy vì sợ lây Cùi, vì đối phương cãi chày cãi cối v..v…nhưng, lại nhưng, sau một thời gian không đeo nhẫn, cãi hoài mệt quá, nên Sao khuê phải kiếm cái nhẫn nhỏ xíu, nhẹ tênh, rẻ rề mà đeo, đeo để nhắc nhở mình đang Tu, đừng có cãi, nhưng - vẫn còn - nhưng - cái nhẫn Nhẹ và Nhỏ không đủ để nhắc nhở hoài và Nhẹ và Nhỏ còn có nghiã là nàng Sao Khuê chỉ nhường một chút xiú thôi, nên quí vị đừng ngạc nhiên thấy Sao Khuê vẫn còn hậm hực, còn nguýt ngoáy ông xã của mình!

Ngày xưa, nhẫn, cái vật đeo ngón tay, theo sự suy luận - thường thì rất chính xác- củaSao Khuê - lúc còn ăn lông ở lỗ, nhẫn nếu có, thì làm bằng cỏ, quí vị nhớ không, ngay đến cái trâm cài đầu còn làm bằng cỏ - thời Khổng Tử dẫn trò đi lang thang còn gặp một người đàn bà khóc lóc vì đánh rơi mất cái trâm bằng cỏ đấy thôi, sau này có nhiều cặp tình nhân, hoặc nghèo quá, hoặc lãng mạng quá, vẫn còn tết cỏ thành chiếc nhẫn để tặng nhau, cái bài hát gì mà có câu …anh đeo cho em chiếc nhẫn cỏ… kế đó, đến thời kỳ đồ đá, nhẫn dĩ nhiên cũng làm bằng đá, hồi đó thời gian còn…dài hơn bây giờ có thể một giờ tới 120 phút...nên nhân loại lúc đó còn rảnh rang để mài đá thành nhẫn, y như lúc các ông học tập cải tạo, nhặt những mảnh kim khí từ thân những chiếc máy bay rớt để mài thành nhẫn, thành lược chải đầu v…v... gửi về tặng vợ hay tặng bồ… tiếp tục, quí vị dư thông minh để biết là đến thời kỳ đồ đồng, nhẫn được làm bằng đồng; thời kỳ đồ sắt, nhẫn được làm bằng sắt, sau đó mới bằng vàng, bằng platine… đến lúc bằng vàng thì coi mòi có nhiều chuyện, nhẫn không những chỉ còn tròn quay, nôm na là nhẫn trơn nữa, mà còn được nào là chạm trổ, nào là nhận đá quý, nhận hột trân châu, hột trai, hột xoàn v...v.. .
Quí vị ơi, đeo ở chỗ kín thì tác dụng ngày nay có khác với ngày xưa - ngày xưa chỉ giành cho các bà, các cô và được người Tây phương đeo nhiều nhất, các bà các cô không tự nguyện đeo mà là bị chồng hay cha - thường là chồng và ông chồng này hoặc là Vua hoặc là các tướng lớn phải đi đánh trận xa nhà - bắt đeo nhẫn, nhất là các bà đẹp mà laị có quan niệm lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ, các bà này thường có khả năng làm mê mẩn đàn ông nên khi đi xa các ông chồng sợ quá phải nhờ người ta đeo cho bà vợ mình một cái nhẫn đăc biệt ở chỗ dương gian không thể không biết đến, khi đó cái nhẫn có tên là Nhẫn Tiết Trinh - Tây nó gọi là Anneau de virginite nếu người đeo là cô gái - và anneau de fidélité nếu đã làm vợ. Cái nhẫn này, theo thiển ý phải khá lớn, ít ra thì phải to bằng cái vòng mọi của người Thượng, tức suýt soát cái vòng semaine, để còn móc đựơc chiếc khóa vào. À, chiếc khoá, dĩ nhiên thường được ông chồng mang theo, tuy vậy nếu trước khi đi đánh nhau mà cầm chắc cái thua để có thể sớm có cơ rửa chân leo lên bàn thờ, thì nhiều ông Tướng cũng còn lòng từ tâm, giao chiếc chìa khóa cho người mình tin cẩn nhất, thường là những người già nua, tuy vậy Sao Khuê đọc đâu đó có câu chuyện … chuyện cười thôi, chuyện kể là có ông Tướng nọ sau khi bấm cái tách, dắt chìa khóa vào túi, leo lên lưng ngựa rồi, nghĩ ngợi sao đó lại quay lại, đưa cho viên hầu cận già nua cái chìa:
- Nếu ta không trở về được thì ngươi dùng chiếc chìa này để mở cho phu nhân.
Tướng quay lưng ra đi đuợc ít phút thì nghe tiếng gọi ơi ới, viên phụ cận đang phóng chiến mã chạy như bay tới... rồi hổn hển :
- Thưa ngài, ngài đã đưa nhầm chìa khóa rồi ạ !
Nhưng Nhẫn, thông thường vẫn là cái vật tròn tròn đeo ở ngón tay, nhẫn không thể vuông hay hình chữ nhật tuy vậy nhẫn có thể méo mó do đeo lâu ngày, làm việc gì đó khiến cho nhẫn, thường là vàng y, chưa pha bạc hay đồng, còn dẻo, có thể bị méo mó. Nói đến chuyện pha, Sao Khuê chợt nhớ đến chiếc nhẫn đầu tiên mua cho con gái, tội nghiệp các con của Sao Khuê, khi Việt Cộng vào thì con gái đầu lòng mới có 5 tuổi phải chịu thíếu thốn đủ điều …đến ngày có được xuất cảnh để ra đi chính thức thì cháu được 15 tuổi, tuổi bắt đầu biết ăn diện mới được mẹ sắm cho dây chuyền với nhẫn, chiếc nhẫn được mua ở chợ Vườn Chuối, lúc đó đi ngang qua mấy quầy bán kim hoàn, Sao Khuê và cháu gái thấy chiếc nhẫn nhận đá tím xinh quá nên mua cho cháu, đâu dè là đồ dổm, bằng đồng nhưng mạ vàng rất kỹ, dễ đến vài năm sau mới tróc hết lớp vàng, còn dây chuyền, may quá mua của tiệm quen nên không bị gạt…
Cái nhẫn như vậy xem ra không giản dị như người ta tưởng! Thật thế khi các cô gái còn rảnh rang, đang kén chồng và để một dấu hiệu cho các cậu biết mà nhào dô thì nên đeo nhẫn ở ngón út, bán tay trái, đến một ngày, không biết nên gọi là ngày đẹp trời hay u ám, có, hoặc một con nai vàng ngơ ngác, hoặc một con cáo già - nai hay cáo thì tùy phúc chủ - đại khái là có một chàng trai, nếu cô gái này là người bình thường, hay một thiếu nữ khác, nếu hai cô này khác thường, đến quì gối bên cạnh với một đóa hồng đèo thêm một cái hộp nhung trong có cái nhẫn, khi đó quí cô phải nhìn cho rõ, nhẫn này dù bằng gì đi nữa cũng không được trơn lu bà lù mà phải có nhận một hột xoàn, tệ ra thì cũng là một hột đá quí, thì quí cô có thể đưa ngón tay áp út của bàn tay trái cho đối tượng đeo vào.Thật ra thì nhẫn này chỉ được đeo vào ngón tay áp út khi làm lễ đính hôn và nhẫn chỉ được nhận có một hột mà thôi. Khi đeo nhẫn có một hột tượng trưng là nhẫn đính hôn vào ngón tay áp út tức ngón tay đeo nhẫn của bàn tay trái thì quí cô đã mặc nhiên thông báo cho mọi người biết là quí cô đã có người rồi, mời các anh đi chỗ khác chơi!
hay 6 hột, kỵ 7, 8 hột vì rơi nhằm chữ bệnh hay chữ tử, có điều Sao Khuê vẫn thắc mắc là lúc đếm như vậy có đếm cả hột của chiếc nhẫn đính hôn không, quí vị nào biết làm ơn chỉ dùm.
Quý bà đều thích hột xoàn, nhất là cô Kỳ Duyên, MC củaParis by night, riêng Sao Khuê thì nhờ Trời cho, lại kỵ hột xoàn, hễ đeo vào là đau y như người bị cảm cúm, mấy chục năm nay Sao Khuê đã nghiệm ra điều này, ngay cả chỉ đeo tạm thời nhẫn của con dâu tương lai lúc mang đi thử, mà cả 2 lần, 2 cô con dâu, lần nào về cũng khó chiụ, mệt mỏi… nhờ vậy sao Khuê khỏi phải chạy theo hột xoàn và dĩ nhiên là ông xã thích mê đi, ngân sách gia đình không bị hao hụt vì hột xoàn, nên quí vị nào thấy Sao Khuê không đeo hột xoàn, không phải vìlàm ra vẻ ta đây khiêm cung không chú trọng đến bề ngoài hay vì không có tiền mua (điều này có lẽ là sự thật ).
Nếu quí vị thấy một cô, đeo ở ngón tay đeo nhẫn bên bàn tay trái - Sao Khuê nhấn mạnh là chỉ bàn tay trái mà thôi, còn nếu ai đeo nhẫn ở bàn tay phải thì… thì muốn hiểu sao thì hiểu - một chiếc nhẫn có một hột có nghĩa là cô đó đã có vị hôn phu, nếu mình …lỡ bị coup de foudre quá nặng thì …cũng có thể nhào vô, hất anh chàng nào đó đi chỗ khác chơi để mình rước nàng về dinh , nhưng nếu như nàng đã đeo 2 cái nhẫn, một có cẩn một hột và một có 5,6, hay 9,10 hột… điều đó có nghiã là nàng đã có chồng, bằng mọi cách phải tránh xa… cũng tương tự cho quí bà, nếu thấy chàng đã có cái tròn tròn ở ngón tay áp út thì chớ có nhào vào, các cụ đã dạy : Chớ nơi có vợ, đừng nơi có chồng … quí vị nào không tin mà cứ nhào vô giật lấy cho kỳ được thì tội lỗi cũng bằng với giết chết một người (cướp chồng hay vợ coi như giết chết lần mòn một người) quả báo nặng lắm chứ chẳng chơi, laị còn nhanh lắm, không còn đời cha ăn mặn, đời con mới khát nước như hồi xưa vì đến nay dường như Nhà Trời cũng có đầy computer …
Còn nữa, quí cô phải đi làm mà đeo hột xoàn đầy người e cũng có bất tiện nên thường các cô khi lấy chồng lại có thêm chiếc nhẫn thứ ba, các cậu đừng lo, chiếc nhẫn này rẻ rề, nhẫn trơn tru chả có hột nào hết, làm bằng vàng hay platine màu trắng mà thôi, dùng để đeo ở ngón tay hàng ngày, thay cho cái có gông đeo vào cổ.
Kế đó, khi vào đến miền Nam, Sao Khuê thấy người ta gọi cái vật nãy giờ Sao Khuê nói tới là cái cà rá - không hiểu có phải vì người miền Nam chuộng hột xoàn mà hột xoàn thì được đo bằng cara nên mới có cái từ cà rá này không, ai biết xin giải thích dùm .
Ba hồi bốn chuyện, đến đây thì Sao Khuê hết ý, quí vị nào còn gì thêm vào thì cứ thoải mái, chỉ xin nhắc nhở quí vị nên đeo nhẫn để mỗi lúc nhìn thấy hay sờ thấy chiếc nhẫn thì nhớ lời Sao Khuê giải thích là quí vị phải nhường nhịn người khác trong đó có cả Sao Khuê.