Chương 5
Có Vạn Lần Buồn
1.
Hồng nhận được Sự Vụ Lệnh bổ dụng về dạy học ở một trường trung học tại tỉnh lỵ Châu Đốc, một tỉnh ở biên giới nhưng tương đối an ninh, giáp ranh với Long Xuyên, quê nhà của Quang. Hồng vội thông báo cho Quang, nàng cũng không quên Đông và Hưng. Hai anh này lúc nào cũng thư từ nhắc nàng đừng quên cho các anh địa chỉ nếu có thay đổi.
Trước khi lên đường nhận nhiệm sở, Minh Tuyết tới thăm Hồng và tâm sự:
- Tụi mình bây giờ đã tốt nghiệp, có công ăn việc làm đàng hoàng vững chắc rồi nên nghĩ thực tế một chút. Ông anh của mày cứ ầu ơ ví dầu hoài, không đi tới đâu cả, có lẽ tao đành phải chia tay thôi. Đừng buồn tao nghe.
Hồng biện hộ cho anh Quân của nàng:
- Anh còn đang thụ huấn ở quân trường, chưa đâu vào đâu cả, làm sao dám có một lời kết ước với mày.
- Vậy thì khi ra trường về nước chiến đấu, sẽ có lý do: "Em ơi, tính mạng anh giờ như chỉ mành treo chuông. Cho anh thêm thời gian nữa vân vân..." Đã sống trong thời chiến, tao chấp nhận tất cả đau thương, bất hạnh đến với mình. Nay lý do này mai lý do kia, thôi thì buông cho anh mày tự do... bay.
Nghe bạn tâm sự như vậy, Hồng chợt nhớ đến chị Hai, thầm nói với chị: Chị Hai ơi, ba cánh bướm này cứ chờn vờn loanh quanh em. Em có nên buông tay mà ngồi đó ngắm bướm bay xa không? Nếu em buông mà bướm cứ lượn quanh thì làm sao đây hở chị? Xin chị “gở rối tơ lòng” giúp em nghen. Nghe nói nhiệm sở của anh Hai Đức cũng xa cách trùng trùng với nhiệm sở của chị, có duyên nợ gì với chị không đây?
Hồng sắm sửa hành trang lên đường, bước vào thế giới tuy mới mà cũ - thế giới học đường - chỉ đổi vị thế mà thôi. Nhờ người quen giới thiệu, nàng trọ tại nhà của một gia đình nhà giáo đối diện trường. Nơi đây đã có một cô dạy Việt Văn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đến trước. Cô giáo này lớn hơn nàng vài tuổi nên nàng lại có một bà chị Hai mới. Ngày trình diện Hiệu Trưởng, Hồng diện chiếc áo lụa màu xanh da trời, cất áo lụa trắng vì sợ mọi người lầm mình là học trò, thêm chút phấn chút son lên má, lên môi để tạo dáng người lớn. Đứng ngắm mình trong gương nàng thấy mình cũng ra vẻ cô giáo lắm. Nàng cố ý đến trường vào giờ học để đừng bị chìm trong đám học sinh. Đến cổng nàng bỗng dưng hồi hộp, đứng ngoài dăm phút để hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh, rồi sửa dáng yểu điệu bước vào. Một vài mái đầu đen từ một số lớp học nhìn ra làm nàng khớp và cảm thấy sân trường rộng chi lạ! Ông Hiệu Trưởng và Ông Giám Học -phải gọi là anh mới đúng vì còn trẻ- đón tiếp nàng niềm nở. Sau thủ tục trình diện là màn chuyện trò thân mật. Anh Giám Học nói:
- Cô Hồng này, tên cô như tên con trai, chúng tôi tưởng cô là Ông Đồ Nho làm nhiều người buồn lắm đó. Còn một cô Văn Khoa sắp tới trường ta nữa. Thế là năm nay trường ta được bốn cô giáo độc thân: một Lý Hóa, ba Việt Văn.
- Sao lại buồn?
- Ông Đồ Nho thì buồn chứ sao. Nếu biết là Cô Đồ lẽ dĩ nhiên là vui rồi. Trường cô học có tên lạ quá. Chúng tôi mới nghe lần đầu.
Thế là Hồng có dịp kể về ngôi trường của mình và mộng Tùy Viên Sứ Quán không thành. Bầu không khí vui vẻ đem đến cho Hồng tự tin và nàng nghĩ rằng mình sẽ nhiệt tâm trong nghề nghiệp.
Một tuần sau Phương, cô giáo mới gốc Văn Khoa, trình diện và được giới thiệu ở trọ chung với Hồng. Phương vóc dáng và tuổi tác tầm tầm ngang Hồng, được chị chủ nhà sắp xếp ngủ chung bộ ván gỗ cùng nàng. Thế là nàng có người bạn mới thế chỗ cho Minh Tuyết. Phương có mái tóc dài óng ả, giọng nói ngọt ngào, không đến nỗi làm "xiêu thành đổ" nước nhưng cũng thừa sức làm xiêu lòng một vài thầy trẻ. Hai cô giáo trẻ, nhỏ tuổi nhất trường năm đó là Phương và Hồng, không lớn hơn học trò mình đứng lớp bao nhiêu. Ở quê có những cậu khai sụt vài ba tuổi, đi học chung với trò nhỏ, mang mặc cảm, ngồi lặng lẽ cuối lớp trông tội nghiệp làm sao! Mấy cậu nhỏ nghịch ngợm ngồi bàn đầu thường khi tiết lộ: “Thưa cô, anh A… anh B... có vợ rồi đó, cô." Hồng phải tảng lờ giả bộ coi như mấy lời nói chơi không thật. Khi vào lớp nàng thường lập nghiêm, vì sợ học trò lờn mặt vào lớp để giỡn hơn học. Tuy nhiên, lúc về nhà nàng vẫn còn tính ham vui của tuổi trẻ. Cô và trò lại có dịp tổ chức cắm trại, thăm viếng lăng tẩm, chùa chiền với nhau. Một hôm Phương và Hồng đang chuẩn bị thức ăn nước uống để mang theo cắm trại ở núi Sam, thầy Kim dạy Việt Văn bước vào lỉnh kỉnh trái cây trên tay, xin gặp Phương. Phương ra tiếp khách, vài giây sau nói vói vào nhà sau cho Hồng:
- Hồng ơi, có anh Kim xin tháp tùng bọn mình cắm trại nè.
- Tốt quá, càng đông càng vui.
Thế là từ đó, mỗi lần hai cô đi cắm trại với học trò là có thầy Kim tham gia. Cô Tuyết có thế giới riêng của mình nên ít đi chơi chung. Thầy Kim lớn hơn hai cô cả chục tuổi nên được coi như một người anh lớn của hai nàng. Một hôm cô Tuyết, người cùng trọ chung nhà, nói với Phương:
- Này, tôi coi bộ anh Kim mết Phương rồi đó. Cẩn thận đấy. Anh ta có gia đình, và nghe đâu có đứa con gái năm sáu tuổi chi đó.
Phương cười đáp:
- Cám ơn chị. Em biết, anh Kim có kể với em về vợ con của ảnh rồi. Anh đang lo thủ tục li dị. Nhưng anh ấy đâu phải là mẫu người lý tưởng của em. Mẫu người của em phải là người hùng đẹp trai. Anh Kim "nhan sắc" dưới trung bình không hạp nhãn em, vả lại người cùng nghề, em không thích. Đi đâu em cũng phải dẫn Hồng "cận vệ kiêm cố vấn" của em theo kè kè để làm kỳ đà cản mũi đây nè.
Hồng nghe tâm sự của Phương và nghĩ tới anh họ Quân của mình, người hùng đẹp trai sắp về nước, rồi nàng than thầm: Ôi chao! Chúng ta ở tận vùng ven biên như thế này coi bộ khó có duyên "tương ngộ" dữ à. Làm sao mình làm mai Phương cho anh mình được! Anh Quân sắp về nước có nghĩa là anh Đông cũng sắp về. Làm sao mà gặp nhau đây!
Đông và Hồng chỉ gặp một lần duy nhất lúc ở Nha Trang rồi sau đó chỉ "gặp" nhau qua những cánh thư màu... trắng đã hơn hai năm rồi. Thời gian đi nhanh thật! Còn Hưng, mấy tháng nay Hồng không được thư anh, nàng nghĩ có lẽ anh thấy nàng viết thư quên bỏ thêm “muối” nên kém mặn mà do đó anh buông tay, hoặc biết đâu anh đã có người khác đem đến niềm vui cho anh rồi. Nếu vậy thì cũng là một điều đáng mừng cho Hồng: một "cánh bướm" đã bỏ cuộc, bay qua vườn nhà khác.
Vì yêu một người phi công nên Hồng yêu luôn tác phẩm Đời Phi Công của tác giả Không Quân Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nàng đem tác phẩm này trích giảng một vài đoạn trong giờ Kim Văn của các lớp nhỏ. Khi Hồng kể cho Quang nghe, anh bảo: "Thực tế cuộc đời của người phi công thời chiến không lãng mạn như trong sách đâu. Em đừng làm cho học trò của em vỡ mộng." Và nàng đã hồn nhiên trả lời anh rằng “Vỡ mộng là chuyện của học trò em, còn ôm mộng là việc của em." Tuy nói cứng vậy nhưng nàng cũng giảm bớt những đoạn văn trích trong tác phẩm ấy. Một hôm vào giờ ra chơi, vài ba học trò bước theo trò chuyện cùng nàng. Điền, một trong những em học sinh chững chạc trong lớp, đánh bạo hỏi:
- Cô ơi, có phải người yêu của cô là phi công?
Ngập ngừng trong giây lát... Hồng mới trả lời:
- Cô cũng muốn lắm chứ nhưng e rằng không được.
- Em cũng thích trở thành phi công. Khi đủ tuổi, đủ điều kiện em sẽ vào Không Quân.
- Vậy thì cố gắng học cho giỏi. Chúc em đạt thành tâm nguyện.
Đúng vào lúc đó anh Giám Học đến bên nói:
- Cô Hồng này, cô có muốn về phép Sài Gòn vài ngày không?
- Muốn thì cũng muốn lắm, nhưng về cũng không biết làm gì?
Anh dọ chừng:
- Thì đi ăn, đi chơi, đi xi nê, đi Vũng Tàu tắm biển với người yêu. Thiếu gì chuyện vui!
Nhớ tới Quang và Hưng đang đối mặt với tử thần hằng ngày ở tuyến đầu khói lửa, Đông đang còn tít mù tận trời Tây, Hồng chán nản trả lời:
- Không có ai chờ ai đợi tôi ở Sài Gòn cả, anh à! Tôi cũng đâu có lý do chính đáng để được nghỉ phép. Nghỉ mấy ngày, bài vở của học trò tôi bị khiếm khuyết, dạy bù mệt lắm và mất thì giờ của cả thầy lẫn trò.
- Cô đừng lo, có anh Luận sẵn sàng dạy thế cho cô mấy ngày cũng được, không tính công đâu.
Qua ánh mắt và cử chỉ của Luận, một bạn đồng nghiệp, Hồng nhận ra anh ta có cảm tình đặc biệt với nàng. Nhưng tim nàng đã hướng về "cánh bướm" đang bay lượn đùa giỡn với tử thần ở Đà Nẵng.
- Ủa, nảy giờ tôi quên hỏi lý do anh bảo tôi lấy mấy ngày phép về Sài Gòn. Hiệu Trưởng cấp phép hay ông ấy bận họp hành đâu đó, anh xử lý thường vụ nên đặc ân cho tôi nghỉ phép vậy?
Anh Giám Học cười ra vẻ bí mật:
- Nếu cô muốn thì Hiệu Trưởng phải cấp phép cho cô thôi. Yên chí!
- Anh đừng đùa, tôi làm gì mà oai dữ vậy?
Anh Giám Học cười cười ra chiều bí mật và bảo nàng theo anh vào Văn Phòng Hiệu Trưởng thì ắt biết.
Hồng bước theo anh ta. Sau khi nàng an tọa, anh Hiệu Trưởng cất lời:
- Chúc mừng cô Chuẩn Úy tương lai của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hồng mở tròn mắt ngạc nhiên, nhìn hết anh Hiệu Trưởng tới anh Giám Học. Một lúc sau, anh Hiệu Trưởng mới rút trong hộc bàn một tờ giấy đưa nàng đọc.
- Đây, lệnh nhập ngũ của cô.
Anh Giám Học cười nói:
- Chúng tôi nghĩ chỉ có mình tưởng lầm cô là một nam nhân, ai dè Nha Động Viên cũng lầm luôn. Thôi, đề nghị cô đổi tên đi. Tên Trần Phi Hồng của cô giống tên đàn ông quá. Bây giờ nếu cô cầm tờ Sự Vụ Lệnh này về Sài Gòn khiếu nại thì được nghỉ vài ngày đó.
Nhớ tới bức thư vừa rồi của Quang hẹn rằng: "Anh có một chuyện rất quan trọng muốn nói với em" nên Hồng không muốn về Sài gòn. Nàng đang chờ bức thư quan trọng đó, bức thư mà nàng dệt không biết bao nhiêu mộng đẹp hằng đêm. Nàng đáp:
- Mất công lắm, trong khi đó học trò tôi sẽ mất bài mất vở. Tôi nghĩ các anh viết công văn trả lời, xác định tôi là nữ thì được rồi.
- Cô đừng lo, chúng tôi chỉ muốn đùa với cô một chút thôi.
Vào đầu niên khóa, Hồng thường đem tên mình ra giới thiệu với học trò của mỗi lớp đồng thời giải nghĩa chữ "hồng." Đây là chim Hồng, không phải hoa hồng, cũng không phải màu hồng. "Cánh hồng bay bổng tuyệt vời" là ý nghĩa tên nàng, do người thầy dạy Sử Trung Quốc, người ra đề cho lớp nàng làm thơ Đường bằng chữ Hán đầu tiên trong đời, đã chọn cho nàng. Nàng yêu ý nghĩa này. Chim hồng là chim trống, chim nhạn mới là chim mái. Có lẽ vì vậy mà Trời xui Đất khiến nàng có những hai lần được lệnh gọi nhập ngũ.
2.
Hôm ấy tan trường, Hồng về nhà ngay và nhận được thư của Quang. Nàng vô cùng hồi hộp, tay toát mồ hôi, run run mở thư mà lòng mừng khấp khởi. Tuy nhiên, đó không phải phải lá thư nàng mong đợi. Quang báo cho nàng biết anh bị thương, đồng thời trấn an nàng là anh đã bình phục và được nghỉ phép năm mười ngày. Vì vậy anh sẽ về thăm cha mẹ ở Long Xuyên, một tỉnh lân cận nhiệm sở của nàng.
Hồng cảm thấy như tim mình bị một con dao nhọn đâm xuyên qua. Ngày ngày súng đạn bủa vây anh, tính mạng anh quá mong manh. Nàng thầm nói: đi, mình phải đi thăm anh ngay. Trong những lá thư trước, có lần Quang kể nhà cha mẹ anh ở Long Xuyên. Ngôi nhà mái ngói đỏ, cách thị xã khoảng hơn một cây số, ven đường liên tỉnh lộ Long Xuyên - Châu Đốc, xe đò chạy ngang hằng ngày. Nhà bên phải trong vườn cây ăn trái trước khi đến ngã ba đi Núi Sập, có đèn Bốn Ngọn. Vậy là mình có thể tìm được nhưng mình đâu có ai quen ở bên đó để tá túc, còn ở khách sạn thì ngại vô cùng.
Phương rất tinh tế. Nàng thấy Hồng ủ rũ nên vội hỏi:
- Có chuyện gì không vui hả, Hồng?
- Ừ... Mình muốn đi Long Xuyên hai ngày để thăm anh Quang. Đi một mình nên sợ vì bên đó mình không có nhà ai quen để ngụ lại một đêm.
Phương mỉm cười, hăng hái nói:
- Tưởng gì chứ bên đó mình có nhà bà con ở ngay tại thành phố. Đi thăm “người ta” phải không? Mình có thể đi với Hồng nếu Hồng không ngại mình làm kỳ đà cản mũi. Yên chí! Phương này là người lịch sự có thừa, biết lúc nào cần phải lặn thì lặn, lúc nào trồi thì trồi.
Thế là sáng sớm thứ bảy tuần đó, Hồng cùng Phương lên xe đò đi Long Xuyên. Ngồi trên xe lòng Hồng nóng như lửa đốt, thêu dệt biết bao câu hỏi trong đầu. Quang không cho nàng biết vết thương như thế nào, anh bị cụt chân? cụt tay? mù mắt? phỏng mặt? sứt môi? trụi tóc?... Hình ảnh nào cũng làm lòng nàng như bị ai xát muối. Yêu người lính chiến, nàng tự nhủ thầm mình sẵn sàng chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào, dù xấu đến đâu. Vì đất nước, người yêu của mình hi sinh một phần thân thể thì mình cũng phải hi sinh gánh chung với anh cho trọn tình.
Phương kêu xe ngừng lại và đập nhẹ vào vai Hồng, kéo nàng trở về thực tại.
- Này Hồng, Đèn Bốn Ngọn phía trước kìa, ngôi nhà ngói đỏ bên phải đó.
Hai cô đến trước nhà, thấy cửa khoá trái, hai bên cạnh không có nhà hàng xóm. Đang đứng xớ rớ nhìn quanh, không biết hỏi thăm ai, chợt thấy một thanh niên đi tới, Hồng đánh bạo hỏi:
- Chào anh, xin anh làm ơn cho biết, ở đây nhà nào là nhà của gia đình Trung Úy Phi Công Bùi Thanh Quang vậy anh?
Anh chàng này nhìn hai cô một chập rồi cười hóm hỉnh đáp:
- Ở đây không có ai là trung úy phi công. Chắc các cô bị cho leo cây rồi. Thôi về đi.
Câu nói nghe sao quá phũ phàng! Thật là xấu hổ, cọc đi tìm trâu bị người ta cười! May mà anh chàng này không biết hai nàng là cô giáo của một trường trung học lớn ở tỉnh lỵ kế bên, nếu biết thì còn "quê" đến cỡ nào. Hồng liếc nhìn Phương xem phản ứng nhưng thấy cô bạn của mình tỉnh bơ, không đỏ mặt, không khó chịu chút nào. An tâm, Hồng đề nghị hai người kêu một chiếc xe lôi đi đến khu thương mại Long Xuyên để tìm kiếm, hi vọng Quang đang dùng điểm tâm hay "cà-phê, cà pháo" hoặc đang "đi loanh quanh cho đời thôi mỏi mệt" ở khu này.
Hồng và Phương đi loanh quanh khu thương mại hết mấy tiếng đồng hồ và mỏi mệt thật sự. Hai cô theo mốt thời đại, mang guốc gót nhọn cao cả tấc nên mỏi chân, mỏi lưng, mệt tấm thân "liễu yếu đào tơ"... là chuyện bình thường, đàng này còn bị phồng chân mới khổ thân chứ. Mỗi bước đi là một bước cà nhắc dưới cái nắng đổ lửa của Miền Nam hai mùa mưa nắng! Không lẽ giữa đường giữa chợ đông người ở Hậu Bán Thế Kỷ 20 mà có hai cô Lý Toét mặc áo dài tha thướt, đi chân đất, guốc cầm nơi tay? Hồng tội nghiệp cho thân mình một, thương bạn gấp hai. Hôm nay bạn của nàng bị "lạc đạn" vì người bạn đang ôm mối tình si và câm này. Hồng càng cảm mến và thương Phương hơn nữa ở chỗ bạn cứ lẳng lặng đi bên cạnh, không có một lời than van hay bàn thối lui, cũng không tò mò hỏi chuyện thầm kín khó nói ra lời của nàng. Đến trưa, Hồng nhắm Quang có lẽ đã về nhà nghỉ ngơi, liền tìm xe lôi quay lại căn nhà ngói đỏ. Thật là buồn! Vẫn không gặp được anh nhưng may thay Hồng đã tìm đúng nhà, gặp được cha của Quang. Ông kín đáo nhìn Hồng rồi nhìn Phương. Hồng nghĩ thầm, thế nào ông cụ cũng lẩm bẩm: "Cái thằng thiệt là đào hoa! Về mới có mấy ngày mà đã có đến hai cô tới tận nhà kiếm nó rồi!" Hồng cũng cảm thấy “quê cơ” với sự việc "cột đi tìm trâu" này, nhưng mặc kệ, nàng đang sốt ruột vì Quang bị thương. Nàng không dám hé môi hỏi ông cụ về thương tích của anh, để rồi cứ phập phồng lo lắng, không biết anh đang vui vẻ với bạn bè hay đang bi phẫn vì thương tật của mình mà nằm rũ một nơi nào đó để hận đời? Hồng để lại lời nhắn và địa chỉ người quen ở khu thương mại, rồi cùng bạn ra về.
Có lẽ còn có chút duyên nợ nên Trời xui khiến chiều hôm đó Quang về nhà sớm, nhận tin nhắn, và tìm gặp nàng, không đi "lang bạt kỳ hồ" hai ba ngày. Nếu không thì... "vô duyên đối diện bất tương phùng," công nàng trở thành công cốc. Phải chi thời ấy có điện thoại cầm tay hay email thì khoẻ biết bao! Phương thật tế nhị, cô nàng ở nhà để Hồng đi chơi với anh.
Hồng không biết nói sao cho hết sự mừng vui của nàng khi gặp lại Quang. Nàng kín đáo quan sát "dung nhan" của anh, xem có gì khiếm khuyết không. Không sao, lành lặn. Đêm ấy, giữa hai người vẫn còn một khoảng cách mà sau này nàng mới biết đó là một nghiệt ngã của số mệnh con người trong thời chiến loạn. Sau bữa ăn chiều, cả hai vào quán Gió nghe nhạc. Được một lúc, dường như Quang không thích lắm nên anh dẫn nàng tới công viên cạnh bờ sông ngồi hóng mát. Nơi đây nhiều lúc Hồng muốn hỏi trong lá thư trước Quang định nói gì với nàng, bây giờ hãy nói đi, nhưng nàng ngại miệng, lại thêm mắc cỡ nên không hỏi. Nàng vẫn chờ anh mở lời trước như phần đông phụ nữ thời đó. Anh trầm lặng, hình như có chuyện gì không vui, ngập ngừng một lúc thật lâu, mới nắm lấy bàn tay Hồng siết nhẹ rồi nói:
- Anh định sáng mai Chúa Nhật đi Châu Đốc thăm em và cho em biết một tin quan trọng nhưng em đã đi trước anh một bước. Cám ơn em. Hứa với anh rằng em sẽ không khóc anh mới cho em biết tin...
Hồng lo lắng hồi hộp, mở to mắt nhìn anh chờ đợi. Bên ngoài anh trông lành lặn, phải chăng bên trong nội tạng anh có bị tổn thương? Nàng gật đầu và khe khẻ đáp:
- Có anh bên cạnh, không chuyện gì làm em khóc được, ngoài chuyện của anh...
Quang đặt vào tay Hồng một gói nhỏ và nói nhanh, dường như nếu không nhanh thì anh không còn can đảm để nói ra.
- Hưng tử trận rồi em à. Máy bay nó bị bắn cháy, xác nó cháy đen thui, rơi tung tóe, gom lại được một bọc. Nó yêu em. Đây là quyển nhật ký của nó đầy hình bóng của em và mấy bức thư của em. Em giữ lấy làm kỷ niệm.
Hồng bàng hoàng, nàng run run cầm lấy gói thư, cố gắng không khóc nhưng sao lệ cứ ướt mi. Nàng ân hận vì mấy tháng nay vắng thư Hưng, nàng khấp khởi mừng thầm, tưởng anh tìm được đóa hoa khác đẹp hơn, thanh lịch hơn nên đã quay lưng với nàng. Hình ảnh cặp mắt "chiếu tướng" của Hưng nhìn nàng trên chuyến bay ngày xưa hiện về cùng với hình ảnh những ngày vui vẻ chung nhóm với nhau ở Đà Nẵng chập chờn trong đầu càng làm tăng nỗi ân hận nơi Hồng. Chờ cho cơn xúc động của nàng dịu xuống, Quang mới quàng vai nàng, lay nhẹ khuyên:
- Đã hứa với anh không khóc mà lại rơm rớm nước mắt kìa. Đời trai thời chiến là như vậy đó, em à.
- Sao anh không cho em biết ngay?
- Anh cũng như em, cần thời gian để tâm tư lắng xuống.
Chợt nhớ tới tình trạng của Quang, nàng hấp tấp hỏi:
- Còn anh... anh nói thật cho em biết đi. Thương tích anh như thế nào?
- Không sao. Anh bị thương nơi chân, không trúng xương, không trúng gân. Em đừng lo cho anh.
- Không lo sao được! Tính mạng người trai thời chiến mong manh quá. Phúc đức dày bao nhiêu mới đủ, may mắn lớn thế nào mới vừa, để che chắn cho anh khỏi lằn tên mũi đạn vây bọc hằng ngày, hằng giờ?!
Nói tới đó, tim nàng đau quặn thắt. Nàng nghẹn ngào gục vào vai anh thút thít. Quang ngồi bên lặng lẽ vuốt tóc... Chập sau, anh dịu dàng an ủi:
- Sao em mít ướt quá! Thầy bói nói mạng anh lớn lắm, bị thương không chết, anh sẽ trường thọ. Nhất định là anh sẽ không sao mà... Thôi, tối rồi, mình đi về, em!
Quang dìu Hồng đứng dậy, anh chợt ôm lấy nàng, đặt một nụ hôn say đắm. Hồng run rẩy trong vòng tay của anh, trao cho anh nụ hôn đầu đời của nàng nơi bờ sông thơ mộng quê nhà anh. Anh thầm thì bên tai nàng:
- Anh sẽ viết thư bàn với em một chuyện quan trọng...
Hồng sung sướng vùi đầu vào ngực Quang. Đủ rồi, đủ rồi, anh ơi. Một nụ hôn bằng cả ngàn lời nói. Nàng ôm chặt anh để nghe từng nhịp đập rộn ràng của trái tim mình, cảm nhận từng hơi thở đang bủa vây nàng, sự rung động của da thịt mình dưới bàn tay chàng đang ve vuốt mái tóc, bờ vai mà ngất ngây mê đắm... Nhưng rồi, Quang nhẹ nhàng đưa nàng qua cơn mê. Trên đường trở lại nhà người quen, Hồng nắm chặt tay anh lặng lẽ đi, thầm mong thời gian ngừng trôi, để đừng bao giờ có chia ly. Nàng cay đắng nhận lấy một hạnh phúc bấp bênh, đầy đe dọa bởi chiến tranh…
3.
Phương đứng nơi đầu bàn, chung quanh có hai người bạn đồng nghiệp cùng trọ một nhà là Tuyết, Hồng, và gia đình anh chị chủ nhà. Trên bàn có đĩa gỏi bắp cải trắng trộn cà rốt vàng cam, được trang trí màu xanh của rau, màu đỏ của ớt, màu vàng của đậu phộng trông thật hấp dẫn, thêm đĩa chả giò thơm phức cùng bún, rau rất bắt mắt, và tô bánh canh đang bốc khói. Phương đang tuyên bố hôm nay sinh nhật của mình xin mời mọi người nâng ly... nước ngọt thì thầy Kim bước vào với bó hoa hồng và một hộp nhỏ gói giấy hồng, nơ đỏ. Nét mặt Phương đang tươi bỗng xụ xuống. Người khách không mời mà tới. Chị chủ nhà lăng xăng kéo ghế và lấy thêm chén đủa. Thầy Kim trao cho Phương bó hoa và gói quà. Sau giây phút bất ngờ không như ý, Phương lấy lại bình tĩnh, không niềm nở cũng không lạnh nhạt, nàng cám ơn đoạn mở quà. Đó là một sợi dây chuyền với viên ngọc trai sáng lấp lánh. Nét mặt Phương thoáng nét bất mãn, nàng đặt hoa và quà vào một góc tủ, không nói một lời nào. Buổi tiệc diễn ra tốt đẹp, vui vẻ. Tiệc tàn, khi thầy Kim chào ra về Phương nói với thầy:
- Xin cảm ơn món quà sinh nhật của anh. Phương không dám và không thích nhận món quà đắt giá này, chỉ xin nhận đóa hoa, còn món trang sức cho phép được hoàn lại.
Thầy Kim nhất định không nhận lại sợi dây chuyền, Phương cương quyết trả. Cuối cùng không ai ngờ thầy nói:
- Em không nhận thì liệng xuống sông đi!
Thường ngày, Phương rất tế nhị trong việc xã giao. Hôm nay, có lẽ vì thầy Kim nói hơi quá đáng nên nàng cầm sợi dây chuyền đi thẳng ra nhà sau. Nơi trọ là một ngôi nhà sàn, phía sau doi trên bờ con rạch nhỏ. Thấy tình hình căng thẳng, Hồng vội chạy theo cản bạn và “cố vấn”:
- Bỏ chi uổng vậy. Cứ nhận đi.
Xong, Hồng nói nhỏ vào tai Phương một "chiêu" để giải quyết vấn đề. Cô nàng quay lại, nhẹ nhàng nói với thầy Kim:
- Quà anh tặng cho em, nếu em nhận thì thành của em, em sử dụng cách nào, đó là quyền của em, phải không?
Thầy Kim sơ ý nên gật đầu. Phương gọi con gái của anh chị chủ nhà:
- Bé Châu ơi, đến đây, cô cho con sợi dây chuyền này.
Vừa nói Phương vừa đeo sợi dây chuyền vào cổ cho con bé. Bé Châu sung sướng, lí nhí câu cám ơn Phương trong khi thầy Kim giận đỏ mặt nhưng không nói được lời nào, đành ra về không vui. Thầy Kim đeo đuổi Phương quá kỹ, cả trường ai cũng biết, làm những người khác có cảm tình với Phương, trong số có thầy Hùng dạy Pháp Văn, đành chùn bước. Phương rất bực mình, tỏ thái độ lạnh nhạt mà vẫn không có hiệu quả. Phương hi vọng sự việc xảy ra hôm nay làm thầy tỉnh ngộ.
Vậy mà sau đó vài ngày, vào khoảng chín giờ tối, có một đứa bé gõ cửa xin gặp cô Phương, báo tin thầy Kim bệnh, ói mữa nhiều lần, mời cô Phương đến nhà cạo gió giùm. Nhìn ra ngoài, trời tối thui, đèn đường mù mờ, nhà nhà lên đèn, mọi người đã rúc vào nhà, đường phố vắng vẻ, Hồng thấy ngại cho Phương, điệu này một cô gái đi ban đêm đã nguy hiểm, lại tới nhà của một thầy độc thân, học trò hay phụ huynh biết được thì mất hết danh dự. Hồng vừa thấy tội nghiệp cho Phương vừa nhớ tới cái tình của bạn ngày nào cùng đi Long Xuyên với mình nên bảo bạn:
- Nếu Phương chịu đi thì mình sẽ đi với Phương.
- Không! Mình không đi đâu hết!
Nói xong, Phương vào phòng định ngủ nhưng anh chủ nhà lại nói vói theo:
- Cô Phương à, sinh mạng của một người đấy. Chịu khó một chút đi, cứu người mà cô. Tôi sẽ đi với hai cô.
Nghe anh chủ nhà hứa đi theo, có đông người, có nhân chứng, Phương mới chịu đi. Tới nơi, Phương cạo gió qua quýt, xong cả ba ra về. Trên đường về, Phương cằn nhằn:
- Bệnh gì mà bệnh. Hôi rượu thấy mồ. Trời ơi, già mà nhỏng nhẽo, tính chơi chiêu này lại bị Hồng và anh Tư chủ nhà làm kỳ đà, còn giở trò gì được.
Hồng bật cười, góp ý:
- Già gì mà già, mới ba mươi mấy thôi mà, còn trẻ chán! À... sao tụi mình "thông minh mà chậm hiểu" quá vậy? Sao không gọi một chiếc xe lôi bảo chở vô nhà thương cấp cứu cho anh chàng quê một cục chơi?
Phương hưởng ứng:
- Ừ nhỉ, anh chàng mà còn tái diễn trò này thì mình chở vào nhà thương cấp cứu cho tởn tới già!
Hồng đùa thêm:
- Thầy giáo cua gái cũng giở lắm trò!!!
4.
Hồng vào phòng soạn quần áo chuẩn bị tuần tới về nhà ăn Tết với gia đình. Lá thư của Đông rơi ra từ quyển tự điển. Anh cho biết đã mãn khóa huấn luyện và sẽ về nước vào đầu năm dương lịch. "Anh chưa biết anh ở đơn vị nào, nhưng anh hứa sẽ tìm mọi cách để thăm em." Anh khẳng định như vậy trong thư. Hồng thắc mắc làm cách nào anh thăm trong khi chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật như dầu sôi lửa đỏ? Quang vừa mới cho nàng biết Sang, một người bạn thân trong bộ ba của anh vừa tử trận, bỏ lại người vợ quá trẻ và đứa con còn nằm ngữa. Thế là hai người bạn thân của Quang đã hi sinh vì Tổ Quốc, chỉ còn mình anh. Hồng nhớ tới Sang, dáng người anh cao ráo trắng trẻo, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Trong lúc trò truyện, anh rất vui vẻ, dùng những tiếng lóng dí dỏm và mang tính đặc trưng của từng địa phương làm Hồng nhớ mãi. Tiếng lóng “Mắm Lóc” để chỉ các cô Miền Nam và “Mắm Ruốc” cho các cô Miền Trung, Hồng được nghe anh nói lần đầu lúc ở Phi Trường Quân Sự Đà Nẵng. Nàng đã thích thú với sự ví von ngộ nghĩnh đó liền bắt chước và sử dụng chúng trong câu chuyện với nhau giữa bạn bè. Tướng anh phúc hậu mà sao anh yểu mạng! Tin buồn này làm Hồng mất ngủ hết mấy đêm. Nàng lo sợ cho Quang. Anh viết thư báo tin cho nàng với một lối viết bình tĩnh lạ thường. Đó mới là điều đáng ngại. Nàng ngồi thừ người. Một anh Quang câm nín khó hiểu, một anh Đông hăm hở nhiệt tình.
Thấy Hồng thẫn thờ, Phương hỏi:
- Có chuyện gì không?
Hồng kể sơ chuyện khó xử của nàng, Phương góp ý:
- Hãy để trái tim chọn.
- Trái tim mình chọn rồi, nhưng người ta không chọn mình thì làm sao? Người ta cứ lửng lơ như con cá vàng mình làm gì bây giờ?
Phương đùa:
- Thì bạn đem cá ra chiên dòn.
- Trời ơi, mình rầu thúi ruột mà Phương cứ giỡn hoài.
- Từ từ, chuyện đâu còn có đó, đừng gấp. Hồng còn trẻ mà, lo gì. Dây tơ hồng của Nguyệt Lão xe ai thì chạy trời cũng không thoát.
- Ôi chao! Phương nói chuyện như cổ tích vậy. Hậu Bán Thế Kỷ Thứ Hai Mươi rồi bạn ơi. Phương đừng nói với mình là sợi dây tơ hồng xe bạn với “ông già Kim xí trai” đó nghen.
- Nhắc tới anh Kim, mình mới nhớ, anh ta đòi cùng đi về Sài Gòn một lượt với chúng mình đó. Mình từ chối khéo rồi. Đừng lo. Kỳ này về Sài Gòn, hai đứa mình đi dạo quanh các cửa hàng tìm mỗi đứa một chiếc áo dài thật đẹp nghe.
Nghe bạn đề nghị, Hồng hưởng ứng đáp:
- Đồng ý. Mình dở chuyện ăn mặc lắm, cứ mấy cái áo lụa mặc hoài, mỗi lần mặc phải ủi, cực quá đi. Mình sẽ mua vài cái áo "xoa" để khỏi ủi.
- Đừng chê áo lụa trắng nghe bạn. Nhờ nó mà bạn lọt mắt xanh của chàng áo liền quần đó.
Hồng biện hộ:
- Ngày xưa mình là học trò, bây giờ là cô giáo, cho cô giáo xanh xanh, đỏ đỏ một chút chứ.
- Về Sài Gòn đi, rồi xanh đỏ tím vàng, hoa lá cành có đủ cả, mặc sức mà chọn. Mặc vào cho các chàng lé mắt.
- Được rồi, bọn mình sẽ gặp nhau tám giờ sáng tại bến xe buýt Sài Gòn ngày 25 tháng Chạp. Đi tới chiều luôn, chịu không, Phương?
Phương hăng hái đáp:
- Đồng ý, "nhất ngôn ký xuất Tứ mã nan truy."
Hồng cười trêu bạn:
- Có người bắt chước mình xài chữ nho. Ha ha ha...
Ngày về Sài Gòn nghỉ lễ Tết, hai cô thức sớm đi chuyến xe đầu tiên. Tới bến xe đã thấy thầy Kim đứng chờ, đưa ra ba vé xe. Thầy hào phóng, mua luôn cho "em gái kỳ đà" này một vé. Hồng thầm réo trong đầu: Thầy Hùng ơi, thầy có nhiều ưu điểm hơn thầy Kim mà sao thầy chùn chân? Cứ tiến lên cạnh tranh công bằng, xem ai chiến thắng. Thầy học trường Tây mà hành xử kiểu quân tử Tàu, coi bộ không êm rồi đây. Anh Quang của tôi có lẽ cũng giống thầy: vì người bạn thân mà chần chừ. Nhưng bây giờ anh Hưng đã hoàn tất bổn phận của người trai thời loạn với Tổ Quốc và từ giã trần thế rồi, vì sao chỉ một cái thư như đã hứa mà ảnh cũng khó viết vậy?
Suốt thời gian đi đường, bầu không khí không được vui lắm. Đến các bến phà thầy Kim mua hết món này đến món khác mời ăn, chỉ có "em gái kỳ đà" thưởng thức ngon lành, còn hai nhân vật chánh hình như cổ họng bị đau (!) nên ăn uống như mèo.
vhp. Hạ Vũ
(Còn tiếp)