CHUYẾN ĐI QUANH NHẬT BẢN, HÀN QUỐC BẰNG ĐƯỜNG THỦY
Vào tháng ba và đầu tháng tư năm nay, tôi đã đi du lịch 28 ngày bằng đường thủy và đường bộ. Chuyến đi kỳ này gồm hai giai đoạn: 10 ngày trên tàu của hảng Norwegian Cruise Line qua 8 cảng của Nhật Bản và Hàn Quốc và những ngày còn lại là ở Việt Nam, trong những năm gần đây dù bất kỳ đi đông đi tây ở đâu tôi cũng luôn luôn ghé Việt Nam trước khi quay về Mỹ và lần này cũng không ngoại lệ. Nhìn chung giai đoạn đầu hơi thất vọng không đúng như ý mình mong ước nhưng sau 28 ngày lang thang đó đây tôi cũng cảm thấy vui vì tôi còn đủ sức để “lết” từ thành phố này qua các thành phố khác.
Vì muốn thăm các thành phố nằm rải rác trên các đảo ở phía Nam của Nhật Bản, những địa danh từ lâu đã ghi vào lịch sử của nhân loại nên tôi phải chi một số tiền lớn, không kể nhiều chi phí khác chỉ riêng cruise và vé máy bay cũng đã phải chi trên 7 ngàn USD. Ngoài vài thành phố tôi đã đến ít ra một lần như Tokyo, Kyoto, đảo Jeju, Seoul, có những thành phố tôi chưa đến lần nào như Naha trên đảo Okinawa ở cực Nam của Nhật Bản và đặc biệt nhất là thành phố Nagasaki nằm trên bờ biển phía Tây Bắc của đảo Kyushu. Để giảm thiểu bớt số chi phí tôi đã không lưu lại một đêm nào tại thành phố thứ nhất Tokyo và thành phố cuối Seoul, không tham dự các buổi tham quan chi phí rất cao của hãng tàu tổ chức mà chỉ dùng những phương tiện giao thông công cộng rẻ tiền để đi lại và thăm những nơi quan trọng, muốn được như vậy tôi đã phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu đường đi nước bước.
Gần 12 giờ khuya ngày 9 tháng ba tôi bước lên máy bay của hảng American Airlines để khởi hành chuyến bay dài 11 giờ từ phi trường Los Angeles LAX đến phi trường HANEDA của Nhật Bản. Máy bay đến đúng giờ vào lúc 6 giờ sáng ngày 11. Tôi dùng xe buýt từ phi trường đến một khách sạn và từ đó đi bộ khoảng nửa giờ để đến Tokyo Cruise Terminal. Tôi chờ gần hai tiếng đồng hồ để check in và nhận phòng, phòng ở tầng thứ tám, có balcony dành cho solo traveler. Như vậy giai đoạn thứ nhất đã hoàn tất đúng như tôi đã sắp đặt và bắt đầu thoải mái hưởng thụ ăn uống và giải trí trên tàu trong 10 ngày kế tiếp.
Đây là cruise vùng Á Châu tôi đi lần thứ nhất và trước đây tôi nghĩ trong đầu tàu sẽ có ăn uống và giải trí thich hợp với vùng mình đi qua nhưng mọi sự trên tàu vẫn như những lần trước không có gì đặc biệt khác lạ, đó là một thất vọng.
Ngày 17 tháng 3 vào lúc 7 giờ sáng tàu ghé bến cảng Naha nằm trên đảo Okinawa sau gần 36 tiếng đồng hồ không ngừng tiến về phía nam. Đây là nơi thứ nhất tôi muốn đến. Không bỏ phí chút thời gian nào tôi rời tàu và đi thăm mọi nơi quanh thành phố, mục đích của tôi là tìm di tích còn lại của trận đánh kèo dài 82 ngày giữa quân đội Hoa Kỳ và quân phiệt Nhật Bản. Với sự yểm
Cornerstone of Peace ở Okinawa
trợ của hải quân Anh, Úc, Tân Tây Lan, Canada quân đội Hoa Kỳ đổ bộ lên đảo Okinawa rạng sáng ngày 1 tháng tư năm 1945 và làm chủ được toàn đảo ngày 22 tháng sáu để làm bàn đạp cho quân đội Đồng Minh tấn công vào bộ nảo của quân phiệt Nhật cách đó 550 cây số. Gần 100 ngàn quân Nhật đồn trú trên đảo đã chống trả một cách mãnh liệt, họ dùng chiến thuật kamikaze chỉ có tiến tới cho đến lúc ngã gục. Thiệt hại của quân Hoa Kỳ cũng không phải ít, khoảng 12 ngàn tử trận và hơn 70 ngàn tổn thương. Theo tôi được biết năm 1995, chính quyền Okinawa đã thiết lập đài kỷ niệm Cornerstone of Peace ở Mabuni nơi trận đánh cuối cùng diễn ra ở phía Đông Nam của Okinawa và ghi danh mọi người đã tử trận trong trận chiến nầy, tính cho đến năm 2022 đã có 241,686 tên của quân nhân của cả hai phía và vô số thường dân. Tôi lang thang quanh thành phố và thấy dân chúng sinh hoạt bình thường như những thành phố khác của Nhật.
Sáng sớm hôm sau tàu cặp bến Naze trên đảo Oshima, vô số dân chúng đứng tràn đầy công viên chờ đợi để chào đón du khách, tàu và công viên chỉ chia cách nhau bởi một hàng rào. Suốt thời gian tàu tạm dừng ở đây, dân chúng già trẻ, có kẻ chống gậy có kẻ ngồi xe lăn lũ lượt ra phất tay chào đón du khách. Cảm động nhất là chiều đó tàu phải rời bến, dân chúng già trẻ tụ họp nhảy múa theo tiếng trống, hát những bài hát chào tiển biệt du khách, tàu rời bến khá xa vẫn còn nghe tiếng trống văng vẳng vọng lại.
7 giờ sáng ngày 19 tàu cặp bến Nagasaki, đây là thành phố thứ hai tôi muốn đến. Tôi mua vé métro xử dụng trọn ngày và phải qua hai đoạn đường để đến Công Viên Hòa Bình (Peace Park). Tôi đứng rất lâu trước bức tượng người mẹ bồng con với hàng chử số phía dưới “1945 8 9 11:02’” có ý nghĩa là “bom nổ nơi nầy vào lúc 11 giờ 02 phút ngày 9 tháng 8 năm 1945”.
Sở du lịch quốc gia Nhật Bản (Japan National Tourism Organization) đã miêu tả Công Viên Hòa Bình như sau:
“Khu tưởng niệm thanh bình và nhuốm đầy bi thương dành cho các nạn nhân của vụ thả bom nguyên tử:
“Được xây dựng nhằm tưởng niệm vụ ném bom nguyên tử xuống Thành phố Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945, Công viên Hòa bình Nagasaki gợi nhớ chúng ta về những nỗi kinh hoàng do chiến tranh gây ra, đồng thời cũng bày tỏ niềm hy vọng về hòa bình.. Khu phúc hợp này bao gồm hai công viên và Bảo tàng Bom Nguyên tử Nagasaki – nơi trưng bày những tư liệu chân thực về vụ thả bom nguyên tử. Nơi đây đón rất đông du khách đến tham quan mỗi năm.
“Phương thức di chuyển:
“Công viên Hòa bình Nagasaki chỉ cách phía bắc trung tâm thành phố Urakami vài km. Sẽ có các chuyến xe điện đi từ ga Nagasaki đến công viên. Trạm xe điện gần nhất là Công viên Hòa bình Heiwa Koen; từ đó bạn có thể đi bộ năm phút là đến công viên.
Tượng Đài Hòa Bình ở Nagasaki
“Một lời nguyện cầu trang nghiêm cho hòa bình:
“Được chạm khắc bởi nhà điêu khắc địa phương Seibo Kitamura như một minh chứng cho những người đã thiệt mạng. Tượng đài Hòa bình hùng vĩ của công viên là điểm thu hút hàng đầu tại đây. Hai cánh tay dang rộng của tượng đài cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân và đồng thời cũng là cử chỉ hướng đến một tương lai hòa bình hơn.
Ghé vào thăm ngày 9 tháng 8 - ngày tưởng niệm vụ thả bom nguyên tử, để tham dự Nghi lễ Hòa bình Nagasaki và chứng kiến Tuyên bố Hòa bình truyền cảm hứng của Thị trưởng Nagasaki được gửi đến toàn thế giới.
“Suy ngẫm về nỗi kinh hoàng của chiến tranh:
“Đài phun nước Hòa bình tại rìa phía nam của công viên tưởng niệm những người đã chết khi tìm nước uống đã bi nhiểm chất phóng xạ do hậu quả của vụ ném bom. Đừng bỏ lỡ bài thơ đau lòng do một cô gái chín tuổi bị phơi nhiễm phóng xạ do vụ ném bom nguyên tử, trong đó bày tỏ sự tuyệt vọng của những người mong mỏi chấm dứt cơn khát của họ.
“Các công trình kiến trúc, đài tưởng niệm và thiếu nữ:
“Về một khía cạnh đáng chú ý mang tính tích cực hơn, có một loạt các công trình tưởng niệm do nhiều quốc gia đóng góp nhằm bày tỏ sự đồng cảm và thiện chí từ khắp nơi trên thế giới. Được đặt cùng nhau tạo thành một khu vực biểu tượng cho hòa bình thế giới, các công trình khơi gợi suy nghĩ này là những tác phẩm nhất-định-phải-xem.”
***
Đã từ lâu tôi tự đặt câu hỏi: Tuy cùng thuộc một trục Đức Ý Nhật, phải chăng Hoa Kỳ đã quá nặng tay với Nhật Bản trong trận Thế Chiến thứ hai? Tại sao phải là hai quả bom nguyên tử hôm 6 tháng tám tại Hiroshima và hôm 9 tháng tám tại Nagasaki? Nếu chỉ để dằn mặt một quả bom cũng đã là quá đủ. Tại sao quả bom thứ hai không phải là ở một nơi nào khác? Tôi nghĩ hai quả bom nguyên tử và trước đó bắt tất cả những người Mỹ gốc Nhật nhốt vào trại tập trung là hành động của kẻ mất mặt khi bị tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng. Tôi cũng nghĩ sự trừng phạt Nhật Bản hứng chịu cũng là hậu quả của những tội ác binh lính của họ đã gây ra cho dân chúng các quốc gia họ chiếm đóng. Nhật Bản phải giải thích sao hơn hai triệu dân Việt chết đói, bao nhiêu người Tàu chết tại Nam Kinh, bao nhiêu nổi nhục nhả khi vợ, con em của dân Triều Tiên được dùng như công cụ để thỏa mãn tình dục của binh lính viễn chinh.
Không biết bao nhiêu đài kỷ niệm đã được xây dựng để tưởng niệm những người quá cố vì chiến tranh và để nhắc nhở hậu thế về những tan khốc do chiến tranh gây ra. Tuy vậy hậu thế vẫn không rút được một bài học nào, viện lý do này hay lý do khác họ vẫn tiếp tục chém giết lẫn nhau và vô số người dân vô tội đã trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ.
Lê Quý Thể
4/2024