Nguyễn Xuân Hoàng: những bước đi trần gian/những nhịp đập thời gian
Nguyễn Xuân Hoàng đang đồng hành cùng bệnh tật và những cơn đau. (Sarcoma, cái tên quái quỷ đó. Cái tên quái quỷ đang vật lộn với người bạn của ta, và ngươi có vẻ như đang nắm chắc phần thắng!). Cuộc đời của mỗi người và của mọi người, nhìn ở một góc cạnh nào đó, đều là những cuộc đồng hành như thế. Những cơn đau và những thử thách. Chúng như những con dấu đóng xuống tấm thông hành của con người. Con người, như một hữu-thể-tại-thế/một hữu-sinh-tại-thế (Dasein/Être-au-monde), bước vào đời như bước xuống tầu. Để ra khơi lớn. Để đón lấy gió bão và mưa sa quất đập trên mặt mày và thân xác nó. Nếu là một con người quả cảm, hắn sẽ vươn ngực chống đỡ. Và bắt tay với định mệnh mình. Mà không phải những gió bão và mưa sa ấy chỉ quật đập trên mặt mày và thân xác ta, chúng còn dồn dập thổi những hơi dài buốt lạnh trong tâm hồn. Lúc ấy, những sức mạnh tâm linh trong con người sẽ bùng dậy, như một tấm áo tơi giúp hắn che chắn phần nào những gió rét và mưa giông. Và có những con người, lúc ấy, đã dùng văn và thơ, những sức mạnh mà Trời Đất trao ban cho hắn, để đứng vững trước cuộc vây khổn của đời. Tôi lại nhớ đến Phùng Quán: Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Câu thơ ấy có thể khúc khuỷu, sần sùi, già nua, nứt nẻ, và đen bóng mầu thời gian, nhưng nó vẫn là một câu thơ nâng ta đứng dậy.
Văn chương, hình như thế, đã ra đời trong những hoàn cảnh khốn khó ấy. Đối với nhiều người.
Nhưng cuộc đời của một con người không phải chỉ được trình hiện qua những niềm đau và những thử thách. Nó còn reo vang rực rỡ những cơn vui, còn thiết tha những hạnh ngộ, và còn ấm áp những ngọn lửa cháy nóng bập bùng.
Tôi đã gặp Nguyễn Xuân Hoàng, như thế, trong mấy chục năm qua. Chúng tôi đã có trong tay mình những niềm vui của những gặp gỡ ấy. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi đã chia cho nhau một phần cuộc đời mình. Trong những bước đi văn chương. Trong những sẻ chia, gắn bó về đất nước, về con người, về tự do, về hiện hữu. Và về cái chết. Cái chết của những người bạn, ở gần hay ở xa. Cái chết của những thói quen trong đời, khi con người bị bứt ra khỏi những gốc rễ cũ với những rêu phong ẩm mốc xanh rì nhưng đầy quen thuộc và ấm áp. Cái chết của những cách nghĩ cũ, vốn, trước đó, đã trở thành đường nếp thân mật. Cái chết của những mắt nhìn theo lối mòn, chỉ vạch ra trước mắt người một không gian giới hạn. Và đã xỉn mầu.
Viết là một cách thế đi tới, đi theo ngọn bút, hay đi theo những dòng chữ cứ mỗi lúc mỗi kéo trang-giấy-ảo-một-ánh-sáng-trắng trên màn hình computer xuống thấp, xuống thấp mãi, rồi sang trang. Cứ thế, từ trang này sang trang khác. Viết là đi tới. Như con người là một hữu thể được phóng về phía trước (être-jeté). Là một hữu thể luôn "mang nợ" (être-en-faute/être-en-dette), nhưng chính vì thế hắn có trách nhiệm. Với những người chung quanh. Và với chính mình.
Viết, đối với không ít nhà văn, ở một giác độ nào đó, cũng là một cách thế để trả nợ. Một món nợ mà, chính hắn, với con tim và ý thức sáng suốt, tự ôm nhận vào lòng.
Nhưng viết cũng là một phương cách để trở về. Để lục lọi trong trí nhớ thật (và cả ảo nữa) của chính mình những hình ảnh cũ, những bóng dáng cũ. Những con đường lầy lội của quê nhà và những lá vàng đã lả tả rụng xuống trên vai tuổi trẻ. Nguyễn Xuân Hoàng là một người thiết tha với quá khứ, với những kỷ niệm của những ngày giông bão cũ. Mà ai trong những người cầm bút, ở những giai đọan nào đó của cuộc đời, lại đã không từng như thế? Viết là tái hiện một hiện thực đã mờ đã mất. Thoạt đầu, những cảm xúc dấy lên, một vài đường nét hiện ra. Nhưng đó chưa phải là "hiện thực". Những cái đó chỉ là "khứ thực" thôi. Nhưng càng viết, cái thực tại của quá khứ kia càng dần dần hiện rõ. Và nó nhập vào làm một với cái thời điểm hiện tại của nhà văn, người đang viết, đang sống (trở lại) cái thời gian của mình. Và tất cả trở thành một thứ thời gian đồng hiện, nhòe lẫn vào nhau, tan biến vào nhau. Biến tấu qua nhau. Đó là thế giới của một nhà văn.
Viết cũng là hư cấu. Hư cấu cuộc đời. Hư cấu chính mình. Nhưng hư cấu của văn chương có cái sự thật, cái giá trị của riêng nó mà cuộc đời kia không thể tự mang mình ra so sánh. Cuộc đời trong tác phẩm văn chương là một thứ kính vạn hoa. Muôn mầu. Nó không đơn sắc. Còn cuộc đời thực ở ngoài kia? Nó lại là một dạng hư cấu khác. Một dạng hư cấu phi văn chương.
Nguyễn Xuân Hoàng luôn sống với nỗi hoài nhớ. Và ông đã nhớ lại nhiều chuyện trong những bước chân của sự sống mình.
Tôi đã viết về Nguyễn Xuân Hoàng với cái nhớ và cái sống ấy, từ năm 1995, nghĩa là đã gần 20 năm qua. Rồi tôi cũng đã viết về ông tương đối gần đây, mới chỉ hơn hai năm trước. Viết về những suy nghĩ trong đầu của một nhà văn, những suy nghĩ như những mạch điện chớp sáng không ngơi nghỉ trong "chiếc hộp đen" kín bưng kia. Viết về "Sổ Tay" của ông. Viết về cái chết, về một "hữu thể hướng về cái chết" (être-vers-la-mort/être-pour-la-mort). Tất cả chúng ta, chia sẻ những đường nét, những dấu chỉ liên hệ đến con người, đều là những "hữu thể hướng tử" như thế, trên mặt bản thể.
Tôi sẽ ghi lại ở dưới đây, trước hết, những suy nghĩ, những điều tôi đã viết về Nguyễn Xuân Hoàng, con người hồi tưởng. Về nỗi nhớ nhà. Về cơn mơ tưởng trở về với "quê quán", với những "cố quận trùng điệp" của ông.
Và, sau đó, về những tia lửa bắn sáng trong "chiếc hộp đen" kia của nhà văn.
BVP
Bùi Vĩnh Phúc phát biểu trong một buổi ra măt sách của Nguyễn Xuân Hoàng
Westminster, Califormia – tháng 8, 1987
Tro, Lửa, và Nỗi hoài nhớ trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng
Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn của tùy bút, của lòng hoài niệm không nguôi về những nơi chốn cũ, về những giấc mộng xa vắng thiết tha làm dậy men trong lòng người. Tôi vẫn nghĩ như thế từ lâu khi đọc văn ông.
Nói như vậy không có nghĩa là Nguyễn Xuân Hoàng đã không có những đóng góp đáng kể trong những thể loại khác, như truyện ngắn và truyện dài. Dù sao, truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hoàng, nhìn ở một góc cạnh, cũng chia sẻ rất nhiều yếu tố cấu thành của nó với những tùy bút của ông. Ngoài những tập truyện ngắn, truyện dài đã được xuất bản trong nước trước 1975, ông đã có những tập truyện dài xuất bản ở ngoài nước như Người Đi Trên Mây (1987), Sa Mạc (1989), và Bụi Và Rác (1992). Những truyện dài vừa kể đã cho người đọc thấy một Nguyễn Xuân Hoàng mới hơn, so với những ngày Sàigòn, về kỹ thuật truyện, về giọng văn, câu văn, cũng như về cả mắt nhìn vào đời sống. Dù sao, bài nhận định này không phải là chỗ để tôi trình bày những suy nghĩ của mình về kỹ thuật truyện của Nguyễn Xuân Hoàng, qua đó ông đã tự định hình con người mình trong văn chương. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về tùy bút của ông. Những tùy bút (và cả một truyện ngắn mấp mé ở dạng tùy bút) trong tập Căn Nhà Ngói Đỏ. Đó là tập sách đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi về văn chương của Nguyễn Xuân Hoàng.
Căn Nhà Ngói Đỏ được gọi là một tập truyện ngay trên bìa sách khi nó được xuất bản vào năm 1989. Sau đó, trong phần liệt kê những sách đã xuất bản của mình (trong tập truyện dài Bụi Và Rác) vào năm 1992, tác giả gọi nó là một tập tạp văn. Thật sự, trong cái nhìn của tôi, đó là một tập tùy bút, thể văn thành công nhất của Nguyễn Xuân Hoàng. Trong tập sách này, chỉ có truyện đầu tiên, Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự, là có dáng dấp của một truyện ngắn, mặc dù nó cũng chia sẻ phần nào cái vóc dáng tinh thần của nó với những tùy bút của ông.
Tập sách Căn Nhà Ngói Đỏ, đúng với tên gọi của nó, có mô-típ là những căn nhà—những căn nhà, những ngôi nhà thật sự, hay là những căn nhà của tuổi thơ, của kỷ niệm, những biểu tượng về những nơi chốn, những hình ảnh đã nuôi dưỡng đời sống tác giả suốt những ngày khôn lớn. Cái mô-típ đó được nhìn thấy tràn khắp trong những hình ảnh nói về đời sống, nói về kỷ niệm của Nguyễn Xuân Hoàng.
Trong Barbara, hình ảnh căn nhà được thể hiện qua hình ảnh căn phòng của người yêu:
Barbara, em có biết là cả thành phố đã bị sụp xuống trong lừa dối và sự ra đi của em đã nhận chìm anh trong đống tro tàn của những trối trăn? Anh đã ngồi trong căn phòng em rất lâu, thật lâu. Anh đã nằm trên chiếc giường đầy hơi hướm em và tưởng chừng như đang đắp lên người tấm thân nồng ấm của em, đã đốt những điếu Pall Mall dư thừa trong túi áo….
(Barbara, trang 39)
Căn phòng ấy, sau khi người yêu đã ra đi, trở thành nơi định cư cho những kỷ niệm cứ còn ngun ngún cháy lên những khoảng trời xanh cũ trong lòng tác giả. Nó giữ lại trong nó cái hơi hướm và những cảm giác nồng ấm của một chất da thịt thơm tho của kỷ niệm.
Mà không phải chỉ có căn phòng là một nơi chốn cư trú cho những kỷ niệm. Em, chính em cũng đã là nơi chốn trú ngụ cuối cùng của ta:
Barbara, nơi trú ngụ sau cùng của anh là em, nhưng sau khi anh bay qua đại lộ kinh hoàng của một cuộc chiến tàn bạo, con thuyền trú ngụ ấy đã nhổ neo.
(Barbara, trang 42)
Nhưng "nhà" không chỉ là nơi cư trú tinh thần. Trong đời thường, nó chính là nơi mà ở đó ta đã được sinh ra và lớn lên:
… Chính tại ngôi nhà đó, ngôi nhà với những mái dột cột xiêu,nền đất đã lún, giếng nước đã cạn, cây dừa xiêm đã nâng trái… Phải, chính tại ngôi nhà đó tôi đã ra đời, đã sống những ngày tuổi nhỏ trong một thứ hạnh phúc buồn thảm…
(Căn Nhà Ngói Đỏ, trang 47)
Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh. Chúng tôi cử động,ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.
(Tự Truyện Của Một Người Vô Tích Sự, trang 12)
Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự để lại trong lòng ta hình ảnh một ngôi nhà tan tác. Đó là ngôi nhà riêng của người kể chuyện; nhưng đó cũng là ngôi nhà chung, ngôi nhà bốc lửa kêu gào của quê hương. Căn nhà là nơi giữ lại trong lòng ta những kỷ niệm thơ ấu, những ấn tượng đầu đời. Những nỗi vui và những niềm sầu thảm. Nhưng chúng, những căn nhà trong đời sống này, cũng là nơi đã mở ra cho ta những rung động thiết tha khi trái tim của chúng ta cháy đỏ bên nhau:
Hãy tưởng tượng giữa tiếng nhã nhạc đó, giữa cái hôn nồng cháy mà chúng ta đang trao nhau, giữa thành phố miền cao nguyên mùa đông (…), căn nhà trên ngọn đồi của chúng ta đột sáng bùng lên, đỏ những viên ngói, xám những cánh cửa, trắng những hoa sứ ngoài sân và xanh tất cả những lá cây, anh sẽ được nhìn thấy đầu tiên màu nâu kỳ lạ tuyệtvời trong đôi mắt long lanh tình ái em và cái màu trắng xanh còn lại phản chiếu những lá cây trong vườn hy vọng của chúng ta.
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, trang 66)
Căn nhà cháy lên những màu sắc rạng rỡ trong ngòi bút hồi tưởng của Nguyễn Xuân Hoàng. Câu văn rất mới với những tính từ đỏ, xám, trắng, xanh như muốn cựa động để biến trở thành những động từ. Những động từ hân hoan lấp lánh cái ánh sáng của tình yêu. (Dù sao, tôi nghĩ là tôi sẽ thích hơn nếu tác giả cắt bỏ hai chữ “tình ái” ra khỏi đoạn văn. Tình ái vừa có tính cách cliché, lại không cần thiết (nếu không nói là thừa) cho cảm xúc chung mà đoạn văn gợi lên, vừa làm cho cái ánh long lanh của đôi mắt bị khuếch tán, làm cho nhịp câu mất đi cái nét đặc biệt của ba âm bằng chảy mướt thiết tha: Đôi mắt long lanh em.) Nhưng căn nhà, trên hết, là những hình ảnh của quê hương trong lòng mỗi một chúng ta. Ai là người không có một quê hương. Quê hương vật lý và quê hương tinh thần. Quê hương đã đốt cháy mãi trong lòng chúng ta những đốm lửa hồng xa vắng và thả bay lả tả trong lòng ta những tàn tro âm ỉ một đời. Quê hương cũng là quê nhà. Cái quê nhà ấy nằm phục sẵn trong trái tim ta. Để bất cứ khi một âm thanh hay một hình ảnh nào hiện đến với ta trong những ngày lữ thứ, nó cũng trở thành một nhắc nhở thiết tha, một réo gọi đằm thắm về nơi chốn cũ, một nơi chốn ấm êm của cuộc đời.
Khi tiếng réo của vòi ấm vang lên tôi chợt liên tưởng đến ngày khai trường ở quê nhà.(…) Con đường làng, bờ ruộng. Chiếc cầu khỉ. tiếng ơi ới gọi nhau đi học băng qua vườn sau đầy những cây cam, cây bưởi cây chuối của một bạn học năm ngoái còn chung lớp chung thầy… vẫn đầm ấm hơn tiếng chào nhau bên những chiếc xe bóng lộn đỗ xịch trước một cổng trường vôi mới quét. Và tiếng trống trường sẽ vang lên ở một chái hiên bay qua những hàng cau những thửa ruộng… bay qua cái bầu trời xanh lơ trong trẻo của một thời tiết mới mẻ, gột rửa sạch cái nóng tàn nhẫn của mùa hè quái ác.
(Tiếng Trống Mùa Tựu Trường, trang 115)
Căn nhà trong tâm tưởng của Nguyễn Xuân Hoàng cũng còn là một vùng quê miền Trung, nằm dưới chân một ngọn núi lớn, dựa lưng vào một vách đá cao. Những cánh đồng khô rạ cháy. “Rừng cây rậm rạp là mái nhà lớn che những khi nắng cháy mưa dầm, ruộng đồng là những trang giấy trắng để chúng tôi tha hồ viết lên đó những dấu chân (…) Và bảng đen là bầu trời của những đêm ba mươi, được vẽ lên đó những đường vòng cung toán học bằng những chú “mòng” trâu được đốt bằng đuôi, sau khi thả ra từ chiếc túi, bị buộc chặt…”
(Mùa Hè Đã Hết, tr. 110)
Ngôi nhà của Nguyễn Xuân Hoàng còn là thành phố Nha Trang.
Trong thành phố đó, tôi đã nhìn mình mòn chết
Mất tích, sủi tăm, tan biến như một hột muối trong biển
(…)
Hãy tưởng tượng một đứa bé chưa kịp lớn trong ngôi nhà đó lúc nào cũng thấp thỏm lủi chạy như con cút đất
(…)
Nha Trang
đó là cuốn vở nháp bị bỏ quên của trí nhớ
(…)
Nha Trang
một giọt nước mắt của Việt Nam tôi (…)
(Nha Trang, Những Hang Động Tuổi Thơ, trang 185-191)
Mà không phải chỉ có Nha Trang, tất cả quê hương là một nơi chốn để nhớ về. Quê hương là một căn nhà lớn. Nó cất giữ cho ta bao nhiêu hạnh phúc và đắng cay và ngọt ngào và nước mắt. Tất cả chúng ta đều chia sẻ với nhau một quê hương chung; nhưng mỗi người, trong đời sống và trong kinh nghiệm riêng, lại có cho trái tim mình những kỷ niệm mà nhiều khi chỉ có riêng mình hay biết. Bây giờ, tôi muốn thắp lên một ngọn nến đỏ giữa trái tim mình để soi kiếm, lục lọi lại một chút vàng son cũ. Quê hương. Nó là tiếng cười ta thuở chân sáo vào đời, là nỗi rộn ràng ta lần đầu nhìn em áo ngoan hài tím tóc thả gió thu, là mộng mơ ta bên em nhìn dòng sông mà mầu chiều bơ vơ đổ bóng. Nó là nụ hôn trong vườn đêm thơm mùi ngọc lan thao thiết, bờ môi em dịu dàng hé mở như một cánh hoa. Là chất sữa của nhung trên da thịt em dịu dàng trinh trắng. Là em run rẩy trong tay ta như một ánh trăng xanh chỉ chờ rạn vỡ. Quê hương là những ngày mà gió nắng vẽ trên vầng trán ta biết bao điều lý tưởng, là trái tim ta cháy lên bao tha thiết cuồng say. Và quê hương cũng là những ngày loạn lạc, khói lửa mịt mù, là đắng cay của những người vợ trẻ, là xót xa của những người mẹ già tóc trắng như sương. Quê hương là gió bão, là lời chúc dữ, và là giọt nước mắt ta chảy ra một đêm tối khi chân bước xuống thuyền, là nỗi quặn đau ta mỗi khi nhìn lại, nỗi quặn đau mà ta hằng chắt chiu chẳng nỡ rời bỏ, chối từ. Quê hương. Giọt nước mắt ta chảy ra hóa thành một đêm tối bơ vơ.
Đó là quê hương của tôi.
Với Nguyễn Xuân Hoàng, quê hương không chỉ là Nha Trang. Nó còn là Huế, Đà Lạt, U Minh, Tuy Hòa…, để mỗi khi nhớ về, trái tim ông còn se thắt. Cái ngọn lửa của quê hương kia không phải chỉ đốt lên những điều tươi vui và hạnh phúc. Người Pháp có đoản ngữ Nostalgie de la boue. Ôi, nỗi nhớ bùn đen. Nostalgia for the mud. Một nỗi nhớ lãng mạn và buồn đau. Nhiều khi ta nhớ về quê nhà chỉ là để thấy thấp thoáng trong trái tim mình một “con đường đất đỏ cũng nhờ nhờ trong sương như một vết thương vừa kéo mủ” (Đà Lạt khi tôi vừa mới lớn, tr. 179), một thành phố “tối tăm trong những bong bóng mưa vỡ tung khi chạm thành cửa kính, mũi xe, mặt đường (…) Cửa kính sỉn mờ, hành lang u ám, và tiếng trống vào lớp buồn xưa. (…) Mưa rơi trên sân trường, mực đầy trang giấy trắng. Và niềm im lặng cổ kính (…) làm ướt đẫm linh hồn ta.” (Những Cửa Sổ Của Huế, tr. 164, 167). Quê hương nằm trong những hình ảnh mờ mịt, đau xé và xót xa như thế. “Đó là nơi mà có những ngày mưa liên tu hồ tận, tôi đã nằm co quắp như một con rùa chui trong chiếc mai vốn không mấy an toàn của nó. Những trận mưa bão phũ phàng thổi tung cuộc sống riêng tư của con người, lột trần truồng mỗi cá nhân chúng ta phơi trước những ngọn đèn hàng ngàn nến của một chế độ đầy hà khắc” (Mưa Trên Đường Hy Vọng Mới, tr. 80). Đối với Nguyễn Xuân Hoàng, những hình ảnh của quê hương cứ như “một thứ lửa than nằm dưới đám tro hồng chỉ chờ đợi một chút hơi diêm sinh là phựt bừng lên.”
Khi trái tim con người ta chỉ là một bếp tro âm ỉ nóng những hình ảnh quê nhà, thì bất cứ một gặp gỡ nào trong đời cũng chỉ là dịp để thổi bừng lên ngọn lửa thương yêu cũ. Ở Mỹ, ông cám ơn con người và đất nước này đã mở cho ông cánh cửa của một vùng trời mơ ước; nhưng ông vẫn luôn tự hỏi, “Liệu có vùng trời nào thay thế được quê hương tôi?”. Nhìn Paris với dòng sông Seine lờ lững, dòng sông của những mộng tưởng tuyệt vời một thời tuổi trẻ, những khát khao ngọt ngào của một thuở sinh viên, bây giờ, ông chỉ thấy rõ rằng cái dòng sông Seine ấy “chắc chắn đã làm mạnh thêm tình yêu của tôi đối với những dòng sông nhỏ chảy chậm lờ (…) của quê hương”. Ông hiểu rằng những dòng sông, những chiếc cầu của quê hương mình tuy không lừng lẫy, và cũng chẳng có tiếng tăm chi, thế nhưng lúc nào chúng cũng “thân mật gần gũi, thô sơ nhưng tràn đầy tin cậy” (Paris Trong Trí Tưởng, tr. 120).
Như thế, mô-típ căn nhà hiện đầy trong tùy bút của Nguyễn Xuân Hoàng. Nó là một mô-típ được xây dựng trên những hình ảnh và những rung động có thật. Ai trong chúng ta cũng đều giữ gìn được trong lòng mình những hình ảnh đậm đà và tha thiết như thế của quê nhà. Nhưng gìn giữ, chắt chiu chúng, rồi đưa chúng vào một chỉnh thể mỹ học có tính cách văn chương chính là vai trò của một nhà văn. Công việc ấy cũng là một loại thuốc thử để xác định một người cầm bút có phải là một nhà văn hay không.
Nguyễn Xuân Hoàng là một nhà văn.
Hơn nữa, ông không phải là một nhà văn dễ dãi với chữ nghĩa và cách diễn đạt của mình. Câu văn của ông gọn, đẹp, sắc, và thông minh. Điều đáng quý nữa là ông ít, rất ít, khi để cho câu văn của mình rơi vào những tình cảm sướt mướt có tính cách đồng bộ. Ông cố giữ cho câu văn của mình đẹp, không thường, nhưng cũng không trở nên màu mè, sặc sỡ.
Hãy xem xét thử một số câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng để thấy được sự đáng quý ấy:
“Khi chiếc xe màu xanh vừa phóng qua mặt đường làm bắn tung nước lên áo anh cùng với tiếng cười nhọn và khô, anh chợt có cảm tưởng hạnh phúc của chính mình cũng đã bị ướt ngoi như một người đi dưới cơn mưa tầm tã.”
(…)
“Ly cà-phê thì loãng tràn những giọt nước mưa từ tấm “bạt” nhà binh đổ xuống, nhưng ý nghĩ anh sao lúc nào cũng đậm đặc hình ảnh em.”
(Barbara, tr. 31, 36)
Những hình ảnh ẩn dụ, đối nghịch một cách cân phương và hết sức mới, đã làm cho những câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng bỏ neo được vào ấn tượng người đọc.
Đoạn văn dưới đây tiếp tục cho thấy Nguyễn Xuân Hoàng đã nuôi dưỡng được trong lòng mình những hạt giống ẩn dụ tốt. Và đến ngày mùa, chúng nở thành những đóa hoa thật đẹp:
“Bầu trời ẩm đục, thấp và nóng. Cali đang mùa hè. Cơn mưa tuy không đủ sức làm dịu những cục than hồng, nhưng có thừa cái sắc bén của con dao cau rạch trong tôi những vết thương hoài niệm.
Mưa gõ đi từ góc ngã tư đường Harbor-Westminster là những mũi kim soi đằm trí nhớ
(…)
Ôi mưa Cali! Hãy xối xuống nữa đi những giọt nước dĩ vãng. Hãy trải xuống nữa đi những tấm thảm Ba Tư của ký ức! Hãy dầm dùm nữa đi trong ngăn kéo trí nhớ mỏi mòn tôi những kỷ niệm tưởng đã úa vàng! (Mưa Cali Nhớ Phạm Ngũ Lão, tr. 82)
Nhưng, có thể nói, Nguyễn Xuân Hoàng đã thành công nhất, trong tùy bút, thể văn sở trường của ông, trong bài viết về Huế. Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại. Bài tùy bút này gồm có ba phần: phần đầu, mang cùng tựa đề của toàn bài; phần hai, Những Cửa Sổ Của Huế; và phần ba, Huế Chào Buồn. Đây là một trong vài bài tùy bút đặc sắc nhất mà tôi đã được đọc về Huế. Bài viết chan chứa những kỷ niệm đẹp, những hình ảnh thơ mộng xót xa, những ẩn dụ hoán dụ so sánh đặc sắc. Hãy đọc thử một đoạn:
Thành Nội là vầng trán của Huế, trên đó người ta có thể nhìn thấy những nếp nhăn cổ tích, con đường hẹp ngập đầy bóng mát và lá úa của những tàn cây lớn đứng tuổi trước những thành quách rêu phong là dấu vết của một thứ quá khứ vàng son không bao giờ long lanh lại nữa.
Óc não Huế là khu Đại học trẻ trung chẻ ra bằng những con đường đá xanh, rợp bóng cây của những cuộc dạo chơi tình cảm, đứa con muộn màng của mối tình kỳ cựu nhất là chàng trai tơ Quốc học và nàng kiều nữ Đồng Khánh.
Ruột gan Huế là chợ Đông Ba ngổn ngang xô bồ bên ngoài ngôi nhà tối tân không được tận tình sử dụng. Và Vĩ Dạ bên kia Đập Đá chính là Tình Ái Huế.
Nhưng đoạn đẹp nhất, thơ mộng, đáng yêu và tình tứ nhất là những câu văn, những kỷ niệm trong Huế Chào Buồn. Đoạn này khá dài, và cả đoạn là một trái tim tha thiết để lại cho Huế, một câu hò mà âm vang của nó còn để rớt lại cái dư âm ngọt ngào trong trí tưởng ta. Với vài chục lời chào cho Huế, Nguyễn Xuân Hoàng đã vẽ lại được bao nhiêu nét tình tứ, thơ mộng của cái thành phố cổ kính ấy. Ông còn vẽ được cái phong cách cũng như tinh thần cách mạng của Huế. Và cái nét lờ lững của một dòng sông. Và những mùi thơm dịu ngọt trong vườn đêm Huế. Những câu văn mềm mại—như một bàn tay vẫy gọi trong vườn trăng—nhưng vẫn đầy chất sống mà không bị rơi xuống sự sướt mướt. Tôi muốn để người đọc tự khám phá lấy chất văn của Nguyễn Xuân Hoàng trong đó.
Là một người chịu ảnh hưởng văn chương Pháp khá nặng (và những ảnh hưởng này được nhìn thấy một cách tích cực nhiều hơn là tiêu cực trong văn chương ông), Nguyễn Xuân Hoàng không khỏi nhiều lúc để lộ ra trước mắt độc giả những nét ảnh hưởng này. Có khi, người đọc còn có thể có cảm tưởng là ông cố tình để lộ chúng ra trong văn chương của mình. Chúng ta hãy thử cùng đọc một số những câu văn sau đây:
“… anh (…) đã ngã xuống cái ngã êm ái khi bị viên đạn đầu tiên của mắt em bắn cái nhìn xuyên tâm anh.” (Barbara, tr. 37)
“Barbara, kể từ giờ phút ấy đến lúc gặp lại em là mười năm. Thời gian ấy ngắn hay dài của một đời người? Nó đã uống cạn chưa trong anh cốc rượu nồng nàn của một người đàn ông tràn đầy sinh lực? Nó đã làm phai tàn chưa trong em tình yêu cuồng tín của một thiếu nữ vừa mới lớn? (…) (Barbara, tr. 39)
Chiến tranh mà anh chờ đợi ngày chấm dứt của nó, giờ đây như đã tàn, nhưng hòa bình thì hình như vẫn chưa thấy đến.”
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, tr. 72)
“Chính là dưới những tàn cây bã đậu đầy gai (…) tôi đã yêu một người đàn bà như thế” (Pasternak Dưới Tàn Cây Bã Đậu, tr. 90)
Đọc những câu văn này, trước tiên, người ta sẽ yêu cái âm điệu của nó, những âm điệu thiết tha, ôm ấp, bồng bế ngay trong cách cấu âm của chúng và trong cách chúng được đặt để bên nhau. Sau đó là những hình ảnh. Những hình ảnh đẹp. Và không mòn. Nhưng người ta cũng sẽ thấy là câu văn được đặt theo một ngữ pháp rất…Tây. Đây là một đặc điểm của văn chương Nguyễn Xuân Hoàng. Một đặc điểm khiến cho câu văn của ông rất mới. Ông dùng nhiều lối nói, lối viết đặc biệt của Pháp (gallicisme). Rõ ràng và trong sáng.
Tuy nhiên, một đôi khi, cũng với một thứ ngữ pháp như thế, cũng với những hình ảnh độc đáo và bất ngờ, nhưng với sự tham lam trong ẩn dụ, Nguyễn Xuân Hoàng đã đem lại cho người đọc một vài câu văn với những hình ảnh đặc biệt nhưng khá tối nghĩa, như:
“Em là khu rừng của những cây cao-su mâu thuẫn.” (Barbara, tr. 40)
“Lúc ấy ta có thể mường tượng thấy gian phòng tròn của viện bảo tàng Louvre, ở đó có tấm thân nõn nà của Thần vệ nữ Milo, tưởng như được đúc bằng một thứ ngọc trai mờ tối mà những giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết cũng vẫn hiện ra trên mắt mọi người.”
(Paris Trong Trí Tưởng, tr. 119)
“…Xa em một nửa vòng trái đất, sống như rong rêu ở quê nhà, em vẫn hiện diện trong từng nỗi nhớ của anh, nhưng sao giờ đây, ngồi giữa một đất nước tự do, sợi dây thừng của lòng hoài nghi đã được cởi bỏ, mà vẫn biệt tích mù tăm?”
(Giáng Sinh, Hãy Chờ, tr. 75)
Câu đầu, sự tham lam trong việc dồn nén những biện pháp tu từ (hai ẩn dụ, một nhân hóa) trong một câu quá ngắn đã khiến việc sắp đặt “chỗ ngồi” cho chúng trở thành bất khả. Tất cả đều là khách danh dự! Và kết quả là có sự giận dỗi giữa những vị khách quý kia. Độc giả, dù muốn, cũng không biết làm thế nào để thực hiện công việc hòa giải!
Câu sau, cụm từ “những giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết cũng hiện ra trên mắt mọi người” được gắn vào liên từ "mà", mà tiền tố (antecedent) của liên từ này là “một thứ ngọc trai mờ tối”. Tất cả những điều ấy không thể gắn bó vào nhau theo một trật tự ngữ nghĩa nào, cho dù người đọc văn một cách nhanh nhậy, bằng một thứ tập quán (tâm lý) Gestalt nào đó, vẫn có thể tự suy nghĩ để hiểu ra điều tác giả muốn nói.
Câu cuối, chủ từ của “xa em” và “sống” chắc chắn phải là “anh” (hiểu ngầm), nhưng cách viết của tác giả làm cho người ta thấy “em” là chủ từ của động từ "hiện diện" trong mệnh đề chính, đồng thời cũng là chủ từ của hai động từ vừa nói (một dạng "dangling modifier" như trong tiếng Anh). Ngoài ra, người đọc không thể tìm ra chủ từ của động từ “biệt tích mù tăm” là ai xét trên mặt ngữ pháp của câu, mặc dù sau khi suy nghĩ, họ cũng có thể đoán ra. Hình ảnh ẩn dụ “sợi dây thừng của lòng hoài nghi” khá đặc biệt. Nó mới. Có thể vì quá chú tâm vào việc sử dụng ẩn dụ này mà tác giả đã sơ ý trong những kết cấu vừa nói chăng?
Nhưng cho dù đôi khi tác giả còn bị vướng vào một vài câu văn bất
ngờ như thế (ai trong chúng ta đã không từng gặp những sự bất ngờ? đã không từng chệch bước trong một điệu nhảy?), trong nhận xét của tôi, điều ấy không ảnh hưởng gì đến những đóng góp đẹp đẽ của Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Xuân Hoàng vẫn là một nhà văn đầy chất sáng tạo. Ông có tài sử dụng chữ nghĩa, nắm bắt những ẩn dụ, tạo dựng nhịp điệu cho chữ, và thường không dễ chấp nhận những câu văn tầm thường. Ông yêu thương, chăm bón, và bồi đắp cho chữ nghĩa mình một sức sống đẹp đẽ trong mỗi câu văn. Những câu văn của Nguyễn Xuân Hoàng có thể ngắn, gọn, sắc và lạnh, chứa đầy chất sống như trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự. Nó cũng có thể dịu dàng, tha thiết như trong Barbara. Nó cũng có thể có giọng ề à kể chuyện trong Căn Nhà Ngói Đỏ. Và nó lại cũng có thể hết sức tình tứ, thiết tha và sáng tạo như trong Huế Mà Ta Sẽ Trở Lại (Những Cửa Sổ Của Huế, và Huế Chào Buồn). Những tùy bút/đoản văn trong Căn Nhà Ngói Đỏ mang chứa trong nó rất nhiều màu sắc thiên nhiên, khiến cho những bài văn, tuy tha thiết ngọt ngào, nhiều đoạn tình tứ nữa, luôn ngồn ngộn sức sống và chan chứa mầm xanh.
Một cách hữu thức hay vô thức, dùng mô-típ căn nhà để nói lên những tro than, những ngọn lửa còn ngún đỏ trong lòng mình, để nói về nỗi hoài nhớ của mình, Nguyễn Xuân Hoàng đã thành công trong việc gửi đến người đọc những thiết tha của ông đối với quê hương, đối với con người, và đối với những giá trị nhân bản trong đời.
Trái tim, hãy tiếp tục cháy lên và thổi đỏ trong lòng ta những mảnh than hồng ngày cũ. Và hãy cứ phất phới tung bay lên đi những tro than chưa từng một lúc nguội lạnh kia. Con phượng hoàng của kỷ niệm ta sẽ trở mình và bay vút lên từ những tro than đó!
(VI, 1995 – Irvine, California. (*)
Xem lại: VIII, 2013)
Và, dưới đây, xin ghi lại ít đoạn trong những suy nghĩ mà tôi đã viết về cái "mạch điện chớp sáng" kia trong Sổ Tay Nguyễn Xuân Hoàng. Về cái hữu-thể-hướng-tử kia trong ông. Và trong mỗi một chúng ta.
Một sổ thông hành để đi vào trái tim đời
(Tựa, cho Sổ Tay của Nguyễn Xuân Hoàng)
Nhà văn phải làm việc trên những chất liệu của đời sống. Nhưng hắn không được quyền mang tất cả những chất liệu thô của cuộc đời vào trang giấy. Đối mặt, tiếp cận với những hiện thực của cuộc đời, nhà văn phải ghi lấy những hình ảnh, những ấn tượng mình có vào trong tâm hồn. Hoặc kỹ hơn nữa, hắn phải luôn luôn có một vài mảnh giấy rời, hay một quyển sổ tay nhỏ, bỏ sẵn trong túi. "Lẩn" vào cuộc sống, nhìn ngắm, quan sát, rung động, khổ đau, hạnh phúc, giận dữ, thiết tha… với đời, hắn giữ lại tất cả những điều đó cho riêng mình. Khi thuận tiện, tìm một góc riêng, hắn ngồi xuống, hí hoáy ghi nhận cuộc đời trong mắt nhìn, trong cảm quan và ấn tượng của riêng hắn. Từ những cảm quan, ấn tượng có thể còn khá mơ hồ đó, những tác phẩm lớn có thể ra đời.
Các nhà văn Việt Nam chắc chắn là đã có rất nhiều người viết sổ tay. Nhưng rất ít người công bố những ghi nhận, cảm xúc, ấn tượng ban đầu ấy cho độc giả quan sát. Độc giả, trước sổ tay của một nhà văn, sẽ làm một công việc đặc biệt: quan sát cái được quan sát. Sự quan sát này mang tính văn học, thậm chí văn chương nữa. Nó không còn phải là cái quan sát mang nhiều tính thực tế, khách quan, trước những hiện tượng, sự kiện, biến cố của cuộc đời. Nó là sự quan sát, theo dõi, đánh giá cái đã được quan sát, theo dõi của nhà văn. Chắc chắn một sự quan sát như thế sẽ đem lại nhiều thú vị.
(…)
Trong văn chương thế giới, có lẽ Sổ Tay (Carnets) của Albert Camus là một trong những trang văn, ghi nhận những hiện thực thô của cuộc sống, bằng cái nhìn rất ấn tượng, đặc thù của mình. Hãy xem ông tả khung cảnh New York mà tôi thử dịch lại sau đây:
"Có lẽ New York sẽ chẳng là gì cả nếu nó không có bầu trời của nó. Vươn mình ra khắp bốn góc của chân trời, trần trụi và bát ngát, nó đem lại cho thành phố sự huy hoàng, tráng lệ của nó vào buổi ban mai và nét vĩ đại vào những buổi tối. (…) [T]ôi nghĩ đến những buổi chiều khác, quá dịu dàng và lướt qua quá nhanh đến nỗi nó bóp thắt trái tim ta, những buổi chiều nhuộm tím những khoảng sân cỏ bát ngát của Central Park… Những bầy trẻ nhỏ da đen đang dùng gậy gỗ để quật bóng, giữa những tiếng reo cười ồn ào hạnh phúc, trong khi những cụ Mỹ già, áo sọc ca-rô, đang ngả người trên băng ghế (…), những chú sóc vụt chạy biến lao mình vào bụi rậm tìm kiếm những mẩu thức ăn khoái khẩu của chúng. Trên những lùm cây rậm rạp trong sân cỏ, những con chim đang tấu một khúc nhạc jazz chào mừng sự xuất hiện của ngôi sao đầu tiên trên nóc cao ốc Empire State…
(Albert Camus / Carnets, "Le Ciel de New York")
Carnets, sổ tay, theo định nghĩa, là một cuốn sổ, giống như một giấy thông hành, một hộ chiếu, một thứ giấy tờ chính thức cho phép bạn đi lại, đặc biệt cho phép bạn vượt qua các biên giới quốc gia. Đúng là như vậy. Với Carnets, Camus đã đưa ra những ghi nhận về mọi sự của cuộc đời, những cái nhìn xuyên quốc gia, để nhìn vào trái tim sự sống. Ông đã viết, trong Carnets, "Một người trí thức là một kẻ mà trí óc hắn quan sát chính nó", và "Chúng ta chỉ sống thật sự một vài giờ phút trong cuộc đời của mình." Những giờ phút ấy hẳn phải là những lúc con người sống rất thực với bản chất, với rung động của chính hắn.
Nguyễn Xuân Hoàng cũng vậy. Ông cũng đã sống những giờ phút như thế trong Sổ Tay của mình.
Ông đã viết như thế này trong một đoạn Sổ Tay, khi nói về những người bạn thân thiết một thuở giờ đã ra đi, không còn có mặt trong cuộc sống:
"Chia tay và gặp gỡ là một biện chứng. Nói theo nhà triết học Martin Heidegger thì bản chất con người là “luôn luôn bị ném về phía trước”. Con người là sinh vật luôn luôn lo toan và dự tính, bởi vì bản thể con người không ở trong con người, nhưng ở trước mặt nó. Chính trong viễn tượng đó, Heidegger gọi con người là vật sống đấy để chết. Con người sinh ra nhất thiết phải chết. Dasein là hữu thể để chết (sein Zum Tode: être pour la mort). Sự chết để lại dấu tích trên từng hành động, trong từng ý nghĩ ta.
(trích bài "Chia Tay")
Những lời, những chữ ấy như tự nhắc nhở cho mình. Như tự nhắc nhở, rằng, một ngày nào đó ta cũng phải nói lời chia tay, từ biệt với thế gian này. Tự nhắc nhở như thế để ý thức hơn nữa về những giây phút sống của mình hiện tại. Để ta sống một cách có ý thức và có ý nghĩa hơn. Và người đọc, khi tiếp cận với những dòng chữ trên, chắc hẳn cũng sẽ làm một cuộc quy chiếu. Ngay trên bản thân mình. Để thấy rằng mình là một hữu thể hướng về cái chết. Être pour la mort. Viết như thế là vượt qua biên giới của cuộc sống hữu hạn trong vòng trần gian này. Để hướng lòng tới một đích tới xa vời và sâu thẳm hơn.
Viết như thế, nhà văn đã sử dụng một thứ carnets văn học. Nhận thức hiện thực. Và nhận thức nó với một cảm quan nhanh nhậy và bén sắc.
(…)
Giá trị của sổ tay là ở mắt nhìn, ở cách quan sát. Nhưng, dĩ nhiên, tất cả những điều ghi chép ấy phải bập bùng một ánh lửa phía sau. Ánh lửa bập bùng ấy nằm trong trái tim của người viết.
Nguyễn Xuân Hoàng có một trái tim bập bùng ánh lửa như thế. Ông viết về những điều xảy ra quanh mình, những điều bất cứ một người nào khác cũng có thể thấy. Nhưng những hình ảnh mà ông ghi nhận xuống, để thành những con chữ nhẩy múa trước mắt người đọc, đã được lọc qua một lăng kính đặc biệt của riêng ông. Chúng phản chiếu cái ánh sáng cháy đỏ, ấm nóng của những ánh lửa trong trái tim nhà văn. Cái ánh sáng ấy làm cho những hình ảnh thô tháp, tầm thường trong đời sống trở nên lấp lánh, và, đôi khi, như trộn lẫn trong chúng âm thanh của những tiếng nhạc, những bài hát mà chúng ta đã nghe đâu đó, trong đời.
(…)
Những bài hát. Và trái tim ta. Và mắt nhìn, và chữ viết của nhà văn. Đời sống con người, có lẽ, một phần nhờ vào những thứ ấy, mà có thể tiếp tục. Dù cho nó có là một "hữu thể hướng về cái chết" đi chăng nữa, tôi tin chắc, con người đã hướng về cái chết kia với cả thân xác, tâm hồn và trái tim của mình. Thân xác, tâm hồn và trái tim ấy vẫn cần một chút "dưỡng chất trần gian" để đi trọn con đường của nó. Đó là thơ, văn và những gì tạo nên nghệ thuật của con người.
Nguyễn Xuân Hoàng, trong chữ viết của mình, đã đem lại cho chúng ta một chút "dưỡng chất trần gian" như thế.
Xin cám ơn Nguyễn Xuân Hoàng. Và cám ơn Sổ Tay.
(Tustin Ranch, Calif. – VII, 2011)
Nguyễn Xuân Hoàng 07/1988
Xin cầu chúc mọi điều tốt đẹp cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, cho một người bạn văn chương của tôi. Anh là một homo literatus với ý nghĩa đáng trân trọng của nó.
Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (**), bạn ơi, xin hãy bình an.
Bùi Vĩnh Phúc
Tustin Ranch, California
tháng VIII, 2013
_______________________________________
(*) Trong Lý Luận và Phê Bình / Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước (Bùi Vĩnh Phúc, California: Văn Nghệ, 1996)
(**) Tên một tập truyện ngắn, đồng thời cũng là tên một truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hoàng trong tập truyện này.