GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TRUNG VÀ TẤM LƯỚI LỒNG LỘNG
Lê Học Lãnh Vân
Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969; phải, Nguyễn Văn Trung 50 năm sau, Montréal tháng 8/2019.
Với Vương, hai vị giáo sư Văn Khoa trước năm 1975, thầy Lý Chánh Trung và thầy Nguyễn Văn Trung, hai Thầy đều dấn thân. Thầy Lý Chánh Trung nghiêng về hoạt động chánh trị – xã hội hơn, còn Thầy Nguyễn Văn Trung nghiêng về học thuật hơn.
Trước năm 1975, dù theo ngành khoa học tự nhiên, do ý thích cá nhân, Vương thường dự thính một số tiết học Văn khoa nên trọng hai ông như thầy trực tiếp dạy mình.
Khi Vương trở thành cán bộ giảng dạy, trường đại học Khoa học TP Hồ Chí Minh mới được thành lập từ sự hợp nhất hai trường đại học Văn khoa Sài Gòn và đại học Khoa học Sài Gòn. Năm 1980 hay 1981 gì đó, trường đại học Tổng Hợp TP HCM, khối khoa học xã hội tổ chức một hội thảo. Các thầy của Vương bên Khoa học Tự nhiên dự khai mạc. Nghe các vị bàn tán như sau:
– Các ông Văn, Triết ấy mà, cứ là chẻ sọi tóc làm tư, làm tám. Tôi nghe mà ngủ gục!
– Họ nói hay đấy chứ. Tại mình không trong phạm vi đó nên không nhận thức hết.
– Nếu họ bận làm thí nghiệm suốt ngày như mình chắc không rảnh rỗi ngồi chẻ sợi tóc. Tui thấy mấy ổng bàn chuyện trên trời!
– Chúng mình làm khoa học, làm với thiên nhiên, coi khó vậy nhưng giản dị. Các ông ấy làm việc với con người, với suy nghĩ, tư tưởng, phức tạp hơn nhiều, nên mới chẻ sợi tóc làm mười sáu, làm ba hai…
– Anh Nguyễn Văn Trung nói hay quá. Chuyện phức tạp mà ảnh phân tích rành mạch.
Người khen giáo sư Nguyễn Văn Trung một cách ngắn gọn và rõ ràng là giáo sư Thực vật học Phạm Hoàng Hộ, một người Thầy của Vương trong lãnh vực Khoa học tự nhiên.
Sau buổi hội thảo ấy, các cán bộ giảng dạy trẻ được Đoàn trường tổ chức một buổi họp nghe báo cáo chính trị. Buổi họp cũng giản dị, đề tài không có gì hóc búa. Các anh bên khoa Chính trị được cử qua làm tổ trưởng hướng dẫn thảo luận. Các anh khoa Chính trị có tham gia hội thảo đó, trong lúc nghỉ dùng cơm trưa, chuyện trò nhau lại dẫn về đề tài hội thảo. Và lẩn quẩn thế nào lại tập trung vào giáo sư Nguyễn Văn Trung.
– Các ông bỏ Miền Bắc theo đế quốc thì không dùng được rồi.
– Ông Trung rời Miền Bắc từ trước 1954, không phải di cư…
– Ổng được đào tạo từ đầu não đế quốc. Không chừng là biệt kích văn hóa cấp cao. Bọn đế quốc đã mưu đồ, mưu đồ năm mươi năm!
– Tôi không chắc ông Trung là biệt kích. Nhưng cả nước đang lao vào giành độc lập, ông ấy lo đi học cho riêng mình. Thế cũng là không được! Anh ích kỷ thế thì không được!
– Chúng ta có chủ trương rồi, tạm dùng họ để giữ sinh viên Miền Nam. Khi cán bộ chủ chốt Miền Bắc vào đông đủ, ta sẽ dần dần loại họ ra, dù không có bằng chứng họ là biệt kích. Không nắm được thì không dùng. Chuyên chính không dùng người lưng chừng, dao động. Mấy ông này là bố dao động, hơ hỏng mất chế độ như chơi!
Người học trò của ông Nguyễn Văn Trung là Vương ngồi im. Không chỉ ngồi im mà còn mở mắt quan sát, mở tai nghe chăm chú. Vương biết, hoàn cảnh trong bàn lúc đó, mình là thiểu số tuyệt đối. Im là cách tốt nhất để biết các bạn suy nghĩ thế nào về Miền Nam nói chung, về các giáo sư Miền Nam nói riêng.
Những người tham gia bữa cơm trưa ấy, cảm nhận chung của Vương là họ hiền, ít nhất, không hung dữ. Trong sinh hoạt nghề nghiệp Vương và họ từng gặp nhau đôi lần. Khi nhận xét “Các ông ấy bỏ Miền Bắc theo đế quốc thì không dùng được rồi”, người nói nở nụ cười hiền lành, có vẻ thân tình nữa. Họ xem đó là chân lý. Bỏ Miền Bắc chắc chắn là theo đế quốc. Theo đế quốc chắc chắn là không xài được. Cái tam đoạn luận đơn giản đó in sâu vào óc họ khiến họ tin chắc rằng việc người bỏ Miền Bắc thì không xài được là chân lý!
Vẻ tự tin ấy cùng với nụ cười hiền lành ấy càng khiến Vương thấy mơ hồ một tấm lưới mênh mông chực chờ chụp xuống. Ngay cả những người không hung dữ cũng tin rằng “người bỏ Miền Bắc không xài được” thì quan điểm cực đoan ấy đã được nhồi nhét vào bao nhiêu người rồi? Nếu người bỏ Miền Bắc vào Miền Nam không dùng được thì toàn bộ Miền Nam có dùng được không?
Tấm lưới lồng lộng ấy đã được chụp xuống “ngụy quân, ngụy quyền” Miền Nam, chừng nào sẽ chụp xuống giới hàn lâm khoa học, các thầy của Vương, các đàn anh, các bạn cùng thế hệ, và cả những anh tổ trưởng chính trị đang hướng dẫn thảo luận với niềm tin vào tam đoạn luận kia cùng nụ cười hiền lành?
Mang trong đầu hình ảnh tấm lưới chụp xuống, cùng với bao nhiêu khó khăn riêng để có tấm visa xuất ngoại, Vương sang Paris nơi anh được gặp những nhà trí thức tên tuổi tới từ Pháp, Đức, Bỉ… Hầu như tất cả những vị này nhắc ông Nguyễn Văn Trung với lòng cảm mến! Lúc đó Vương mới biết, nhân vật anh từng được các thầy và các bậc anh chị giới thiệu tới trình diện nơi quê nhà là người đáng kính trọng về tài ba, tấm lòng, nhân cách! Nỗi tiếc càng dâng lên khi nhớ lại anh chưa một lần ngồi riêng với vị giáo sư nghe ông nói chuyện học thuật, dù anh có cơ hội…
Vương hối hả tìm đọc các tác phẩm của ông Trung. May thay, ở Paris, tài liệu còn nhiều. Các tác phẩm chính của ông về triết học, về văn học, các tiểu luận nhận định về xã hội, chính trị, văn hóa… bao hàm bao nhiêu khái niệm, kiến giải mới mẻ, sâu sắc được trình bày theo thứ tự dẫn dắt cho người đọc hiểu rồi suy nghĩ cùng tác giả.
Với Vương, một chân trời thoáng đãng mở ra. Không phải vì độ rộng, dầy của trước tác của giáo sư Trung! Trước tác của ông chủ bút tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh, của nhà bút chiến Phan Khôi, của học giả Hoàng Xuân Hãn cũng rộng, dầy! Chính mức độ hàm súc đồng thời trong sáng của cách dùng văn của giáo sư Trung cho anh chân trời thoáng đãng. Các khái niệm khó diễn tả, các suy nghĩ tinh tế, các nhận định liên quan tới nhiều tầng nấc sự kiện và suy tư, được diễn tả rõ ràng khúc chiết khiến người say mê kiến thức ngây ngất. Trong nhiều điều học được từ giáo sư Nguyễn Văn Trung, Vương quyết tâm học điều này nhất, vừa dễ lại vừa khó học!
Anh xem là cách hành văn gương mẫu những câu như sau của ông: “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra”.
Câu văn ấy là một câu bình thường trong văn ông, một văn phong bình thường luôn luôn trong sáng! Các dấu ngắt câu được chú ý để ý tứ được phân biệt, không trùng lắp hay chồng lấn lên nhau và được sắp xếp theo một trình tự hợp luận lý tiếp thu của người đọc. Học cách hành văn này, không phải chỉ học kỹ thuật dùng chữ, đặt câu, mà điều cốt yếu là học tinh thần luôn muốn ý tưởng của mình được trình bày rõ ràng nhất, minh bạch nhất! Tinh thần đó, buồn thay, chưa chắc được chấp nhận hay tuân thủ trong môi trường văn nghệ, học thuật trong nước hôm nay!
Học của giáo sư Trung nên học nhiều điều. Hôm nay, được tin ông mất ở tuổi đại thọ, xa quê hương! Trong nỗi buồn tiếc chung, bài viết chỉ nhắc tới điều trên vì thỉnh thoảnh hình ảnh tấm lưới lồng lộng kia trở về tâm trí Vương!
Tấm lưới được chụp xuống, nâng lên nhiều lần, và phải chăng các thể hiện xã hội của nó có khi được gọi là trói – cởi trói? Theo với các lần chụp xuống nâng lên, tức trói và cởi trói, lần sau tấm lưới có thoáng hơn lần trước. Dù vậy, những con người đích thực trí thức, tinh hoa quốc gia như giáo sư Nguyễn Văn Trung, ngày còn trẻ, kiến thức tràn trề, từ chối vị trí nghiên cứu ở Hoa Kỳ, hăm hở về Việt Nam phụng sự đồng bào, ba mươi năm cuối đời phải ly hương vì không chấp nhận tấm lưới kia!
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng (mời gọi đối thoại, đa chiều, cởi mở), trung thực, đặt quê hương, tổ quốc lên cao hơn hết mọi đảng phái, xu hướng chính trị… Cho dù các mắt lưới hiện nay có rộng hơn bốn chục năm xưa, mục đích và bản chất tấm lưới vẫn còn nguyên, tấm lưới không dung ông Nguyễn Văn Trung và ông cũng không chấp nhận nó.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung không là biệt lệ, mà là hình ảnh chung của giới trí thức, tinh hoa. Vậy có e rằng dòng chảy ào ạt nguyên khí quốc gia ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp tục?
LÊ HỌC LÃNH VÂN
(21.10.2022)