Tạp Ghi
Một Thời Để Nhớ…
Nguyễn Thị Bê (Khóa 8)
Tôi vẫn nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta ai cũng có một thời gian để nhớ, để thương và để sống với những kỷ niệm đẹp nhất của đời mình. Riêng tôi thì những kỷ niệm ấy luôn luôn sống động, mạnh mẽ và rực sáng mỗi khi nghĩ đến. Kỷ niệm nhiều quá, đầy ắp đến nỗi tôi không biết nói điều nào trước, điều nào sau. Thôi thì tôi đành phải bắt đầu bằng những tiếng reo vang của cái điện thoại vậy. Đó là vào một ngày cuối tuần khoảng năm 2005, tôi đang ướp thịt chuẩn bị nấu cơm trưa thì điện thoại reo. Tôi định để máy nhắn nhưng tiếng reo thôi thúc, tôi đành rửa tay và nhấc điện thoại. Đầu giây bên kia, giọng nói của một người đàn ông: “Xin lỗi, cho tôi nói chuyện với cô Bê, trước dạy học ở Hàm Tân”. Tôi đáp: “Dạ chính tôi đây”. Tiếng trầm giọng Quảng Ngãi đáp lời: “Cô, cô không nhận ra em sao? Em là học trò cũ của cô đây”. Ba tiếng “học trò cũ” khiến tim tôi đập rộn ràng. Quá khứ của ba năm đi dạy như một cơn thác lũ tràn về. Tôi lắp bắp hỏi: “Em là học trò của cô ở Tân Nghĩa hay Bổ túc văn hóa”. Giọng nói nhỏ lại: “Dạ em học cô ở trường, năm 1976”. Tôi xúc động hỏi dồn: “Em sang đây khi nào? Làm sao biết số điện thoại của cô?”. Đầu giây bên kia có tiếng cười vang: “Thưa cô, em là Đình đây ạ”. Thì ra ông xã của bạn tôi định đùa vui không dè tôi lại xúc động mạnh đến thế. Cám ơn anh Đình đã gợi lại cho tôi niềm vui và kỷ niệm một thời đi dạy.
Ngược dòng thời gian,
tôi sinh ra ở Châu Đốc. Ba tôi là quân nhân nên thuở ấu thơ, tôi theo gia đình
đi nhiều nơi. Học bạ tiểu học của tôi gồm nhiều tên trường. Bạn bè vừa quen
thân lại phải chia xa. Mãi đến năm 1962, ba tôi mới quyết định để gia đình ở
lại Tam Hiệp, để cho các con ổn định việc học hành. Ngô Quyền là ngôi trường
tôi đã học lâu nhất, và ghi lại trong ký ức tôi rất nhiều kỷ niệm thời học
sinh. Kể cả mối tình đầu đã được kết thúc bằng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Mãi
đến năm 1991, gia đình tôi mới sang Mỹ và định cư tại thành phố Philadelphia
theo diện HO. Thành phố của tình huynh đệ này lúc mới sang cái gì cũng lạ, tôi
có cảm giác lạc lõng. Nơi đây mọi người đi như chạy, việc làm hối hả, giờ ăn
trưa ba mươi phút vội vàng. Hai ngày cuối tuần đối với chúng tôi là những phút
giây thoải mái nhất. Đi chợ Á Châu mua thức ăn gặp lại những mái tóc đen quen
thuộc. Nhà tôi tìm vội vài tờ báo Việt ngữ ở chợ về xem. Một hôm tôi đọc được
lời phân ưu thân mẫu cô Trần Thị Nguyệt Thu đã về với Chúa. Đọc tiếp tên các em
cô thì có một người là bạn học trường Ngô Quyền với nhà tôi, và một người là
bạn cùng lớp với tôi. Hai vợ chồng vội lái xe xuống phố đăng lời phân ưu trễ.
Tôi than thầm suốt mười mấy năm ở cùng một tiểu bang với cô và bạn Tuyết, cớ sao chẳng có duyên gặp gỡ. Từ đó,
mỗi khi đi chợ Á Châu, tôi lại để ý tìm kiếm. Cho đến năm 2004, nhân dịp đi
thăm cô em gái có chồng ở Florida. Yến bạn học cùng lớp ở Ngô Quyền lái xe hơn
năm tiếng đồng hồ từ Gieogia sang thăm.
Nguyễn Thị Bê (1969)
Gặp nhau đủ thứ chuyện quá khứ được khơi lại như vừa mới xảy ra hôm nào. Hà Thu Thủy, cô bé nghịch phá như con trai lại là trưởng thi văn đoàn Bông Hồng Cài Áo với những vần thơ Tuổi Ngọc ngọt ngào. Nguyễn Thị Mỹ, ca sĩ duyên dáng của lớp Tứ 2, có lần tôi tặng nàng thỏi son Thái Lan màu xanh ra gió sẽ đổi màu sang màu đỏ trong đêm trình diễn văn nghệ buổi tối ngoài trời do trường tổ chức. Có lẽ gió to khiến môi cô nàng đỏ “choét”. Trương Lê Minh Phương trắng trẻo, người đẹp đài trang với dáng đi khoan thai chậm rãi. Các chị xóm “nhà lá” đã sớm biết làm dáng như trưởng lớp Đặng Thị Minh và các chị Cao Thị Chung, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Rớt và Lê Thị Bài. Không quên nhắc đến những người bạn cũ còn ở lại Việt Nam như Đỗ Mai Phương, Trần Thị Liễu, Nguyễn Thị Mỹ Lộc. Riêng Lưu Khừng không biết lưu lạc nơi nào. Hết chuyện bạn bè lại chuyển sang đề tài về giáo sư. Yến nhắc ngay đến hai giáo sư Nguyễn Thất Hiệp và Mai Kiến Phúc. Quý thầy giảng dạy rất hay và nhiệt tình, nhưng gương mặt mô phạm lúc nào cũng lạnh lùng và khó đăm đăm. Nhớ mỗi lần được gọi lên bảng đen là nàng nào về chỗ ngồi tay cũng lạnh toát mồ hôi. Tứ 2 khóa 8 chúng tôi cũng không quên thầy Nguyễn Thế Văn, giáo sư hướng dẫn đã đặt tên một loài chim cho lớp trước khi thầy nhập ngũ. Chim Anh Vũ nếu hai đứa chúng tôi không nhớ nhầm. “Má Văn” cái tên ưu ái lớp tôi gọi thầy. Chúng tôi được học Quốc Văn với cô Nhã Ý năm lớp Ngũ 2. Cô cũng là giáo sư hướng dẫn lớp. Cô có nét đẹp đài các, dịu dàng như người phụ nữ xứ Phù Tang. Lớp tôi rất thích được nhìn thấy nụ cười của cô. Nói đến nụ cười, tôi kể Yến nghe về Hạnh một người bạn hiện ở Washington DC. Hạnh kể lúc nhỏ cô soi gương tự cười thế nào cho giống cô Nhã Ý. Trong buổi ăn tối với gia đình nàng biểu diễn nụ cười đã thực tập nhiều lần. Không biết cô nàng cười thế nào mà Má của Hạnh phải kêu lên: “Con nhỏ này, bộ khùng hay sao mà cười kiểu gì lạ vậy”.
Kể đến đây hai đứa cười chảy nước mắt. Yến chợt nhớ có đem quyển Kỷ Yếu 2004 của Ngô Quyền nên vội ra xe lấy đưa tôi mượn về Phila với lời dặn dò: “Nhớ gửi trả lại cho Lan”. Nhà tôi đọc thấy tên anh Mai Trọng Ngãi trước đây học chung trại cải tạo ở Việt Nam nên gọi điện thoại thăm hỏi. Anh Ngãi đã gởi tặng chúng tôi tờ đặc san 2003 và kỷ yếu 2004, nhờ đó chúng tôi mới biết và liên lạc được với thầy cô và các bạn học ngày xưa. Xin được nói lên sự cảm kích của chúng tôi đối với các anh chị trong Ban Chấp Hành trong giai đoạn mới thành lập Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền.
Ngay khi có được số điện thoại của Trần Thị Bạch Tuyết, chúng tôi vội liên lạc và hẹn gặp nhau cuối tuần ở tiệm phở Hòa. Vợ chồng tôi đến sớm đậu xe ngồi chờ. Nhà tôi hỏi “Liệu em có nhận diện được người bạn hơn ba mươi năm xa cách hay không?”. Tôi rất tự tin trả lời: “Tất nhiên, lớp em có hai nàng tên Bạch Tuyết, cô này ốm ốm, cao cao và có cái răng khểnh”. Đến giờ hẹn chúng tôi bước ra khỏi xe, nhìn quanh chỉ thấy một cặp vợ chồng nho nhỏ, xinh xinh đang tiến về phía tiệm phở. Nhà tôi hỏi nhỏ: “Phải bạn em không?”. Tôi hạ giọng cười đáp khẽ: “Chắc vậy”. Lúc đối diện tôi nhoẻn miệng cười xã giao thăm dò phản ứng. Cô nàng cười đáp lễ. Nhìn thấy chiếc răng khểnh, chắc ăn tôi ôm nàng gọn gàng và hỏi: “Tuyết hả?”. Nàng nói nhẹ như sương: “Đúng là Bê rồi!”. Nếu nói một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ thì hai đứa tôi đã bội ẩm vì thuốc bổ nên vô tiệm chúng tôi chẳng tha thiết gì đến việc ăn uống. Chúng tôi thật không ngờ còn có ngày gặp gỡ.
Tuần sau, chúng tôi gọi điện thoại cho cô Nguyệt Thu và lái xe hơn một tiếng đồng hồ đến thăm cô. Cô sống ở vùng ngoại ô rất vắng lặng. Trời vào thu hai bên đường lá cây đã vàng, và vùng Đông Bắc nổi tiếng về nét đẹp của mùa thu. Từ xa chúng tôi đã thấy dáng cô đi đi, lại lại ngóng trông mặc dầu trời đã nhuốm lạnh. Vừa mở cửa xe bước xuống, cô đã chạy vội đến ôm tôi. Nước mắt rưng rưng cô nói: “Bê ơi, em vẫn như ngày nào”. Cố dấu nét xúc động, tôi chớp mắt pha trò: “Nghe cô nói, em tưởng mình trẻ hơn ba mươi tuổi”, cất tiếng cười to khỏa lấp nỗi nghẹn ngào khi nhìn thấy mái tóc bạc màu của cô. Cô Thu là giáo sư dạy Toán năm nào tôi còn học lớp đệ Lục. Tôi nắm lấy bàn tay lạnh giá của cô, hai thầy trò bước vội vô nhà. Cô thật thà kể đã chuẩn bị nấu ăn suốt hai ngày qua vì cô mừng vui và nôn nóng muốn gặp lại học trò cũ. Cô đã nghe Tuyết kể về cuộc sống gian khổ của hai vợ chồng ở Việt Nam, cô rất thương cảm. Cô và gia đình sang Mỹ từ năm 1975, bước đầu cũng khó khăn, rồi từng bước quen dần. Mặc dầu thầy bị depress nên đã nghỉ hưu sớm dưỡng bệnh. Cô một mình vừa làm mẹ vừa thay cha dạy dỗ hai con. Giờ đây các con đã thành đạt và có gia đình riêng. Trong nhà chỉ còn lại thầy với cô. Cô vẫn đi làm dù đã đến tuổi hưu trí. Cuối tuần, thầy cô lái xe đến nhà thăm con cháu. Hạnh phúc của con cái chính là niềm vui của thầy cô ở tuổi già. Trong bữa ăn trưa, cô dọn lên nào là canh khổ qua dồn thịt, thịt heo kho trứng, đậu xào, tôm rang. Cô còn nấu chè để ăn tráng miệng. Tôi thầm nghĩ vợ chồng tôi sẽ không dám ghé thăm thường xuyên vì thấy cô quá khó nhọc trong việc tiếp đãi chúng tôi như vậy. Nhìn cô gắp từng miếng rau, miếng thịt chăm sóc cho thầy trong bữa ăn như một lương y. Qua cô, tôi học được tính nhẫn nại, cam tâm và lòng yêu thương. Tuy nhiên, tôi cũng đọc được nỗi cô đơn sâu thẳm trong ánh mắt u buồn của cô.
Ở thành phố này, ngoài gia đình, các em và các cháu của cô, tôi là đứa học trò duy nhất của cô; cộng thêm nhà tôi là bạn của anh Bình, em của cô, và cũng là cựu học sinh Ngô Quyền nên cô yêu thương chúng tôi như người thân. Mỗi khi chúng tôi đến thăm, cô và thầy đều mừng vui cảm động. Mùa Hạ cũng như mùa Đông, bao giờ cô cũng ra trước sân mong ngóng, đón chờ. Thương cô, nhiều lần tôi cảm thấy xót xa cho cách sống và lối suy nghĩ của cô. Có lần tôi đã cằn nhằn: “Sao cô không nghỉ hưu cho rồi. Con cái đã thành đạt. Cô có thiếu hụt hay cần gì nữa đâu”. Cô cười hiền hòa, phân trần hơn thiệt. Nhà tôi ra hiệu đừng nói nữa vì tôi đã đi hơi xa giới hạn của mình. Trên đường về, tôi ngồi trầm ngâm với nỗi ấm ức tự hỏi: “Phải chăng người phụ nữ Việt Nam mẫu mực là phải biết quên mình hy sinh mọi thứ để nhìn thấy niềm vui của mọi người. Đó là hạnh phúc thực của chính mình ư?”. Cuộc sống phù du này sao ràng buộc nhiều ý niệm “Tam tòng, Tứ đức” đến thế! Cuối năm 2010, thầy đã qua đời sau gần một tháng nhập viện. Cô đã chu đáo lo cho thầy đến nơi an giấc ngàn thu. Nhìn dáng nhỏ nhắn, tiều tụy của cô. Tôi thật không ngờ cô đã tự mình đứng lên tiếp tục bước đi và làm việc trở lại trong nỗi buồn da diết, đong đầy kỷ niệm nhớ thương. Cô không chỉ dạy tôi những công thức toán mà tôi còn học được nơi cô cách giải quyết sự việc không may của đời sống một cách can đảm và tự tin. Đến nay, tôi vẫn không quên được hai tiếng: “Ba mày” mà cô âu yếm gọi thầy trong những lần đến thăm.
Như tôi đã viết, kỷ niệm thì quá nhiều nhưng không thể quên kỳ nghỉ hè ở Canada năm 2007 của gia đình Tuyết và gia đình tôi gồm sáu người. Cám ơn anh chị Tâm ở Boston đã “quảng cáo” về sự hiếu khách của thầy cô Lục đối với học trò cũ. Vừa đến khách sạn ở Montreal, chúng tôi gọi điện thoại báo tin sẽ đến thăm thầy và cô Đoan. Dù chẳng nhớ tên hay biết mặt học trò cũ, thầy Lục đã nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đi chơi nhiều nơi ở Montreal và Quebec. Ba tiếng “học trò cũ” báo hại thầy đã hủy bỏ bốn ngày xoa mạt chược. Xin giới thiệu biệt tài nấu ăn của thầy bảo đảm ngon hơn nhà hàng Pháp và không phải trả tiền.
Một trong những kỷ niệm sống động và rực sáng đến nổi tôi phải chớp mắt mấy lần mỗi khi nghĩ đến. Đó là lần đầu tiên về tham dự buổi hội ngộ Trùng Phùng nhân dịp lễ Độc Lập 4-7-2009 tại Nam Califonia. Tôi còn nhớ buổi tối thứ sáu gặp lại các thầy cô cũ và bạn bè từ xa đến ở nhà anh chị Tuấn Hiền. Một nỗi mừng vui xúc động chân thành mà lâu lắm rồi mới cảm nhận được khi gặp lại bạn bè của một thời áo trắng và thầy cô kính yêu. Tôi có dịp ngồi cạnh hai vị giáo sư Quốc Văn ngày xưa. Đó là cô Lan và cô Trí. Nắm bàn tay đầy bụi phấn ngày nào của hai cô. Tôi thật không ngờ còn có cơ may gặp gỡ. Còn nhớ hôm nào nhìn thấy thầy Cảnh trong buổi đại hội 2006 tươi cười ca hát, tôi định sẽ dành cho thầy một sự ngạc nhiên khi có dịp gặp lại.Tuy nhiên nay đã muộn màng vì đã không còn cơ may gặp gỡ. Thầy Phố với mái tóc bồng bềnh, dáng dấp nghệ sĩ vẫn hiền hòa cởi mở như dạo nào. Được các khóa đàn chị và các bạn cùng lớp chiêu đãi chúng tôi một buổi ăn tối ngon lành, tuy vậy tôi vẫn còn tiếc nuối chưa thưởng thức hết các món chay của chị Chung đã nấu. Thấy chúng tôi còn tần ngần lưu luyến, cô Huệ ưu ái gói tặng một ổ bánh thật ngon và đẹp mắt mà cô tự làm để dành cho chúng tôi mang về khách sạn. Ôi hạnh phúc thay một lần tìm về trường cũ! Chủ nhật ngày họp mặt chính thức, thầy cô bạn bè xa gần các nơi về dự đông vui náo nhiệt, ngôn từ chẳng đủ diễn tả sự xúc động trong lòng. Tôi tự dưng thấy mình trở nên rụt rè, nhút nhát như những ngày còn đi học. Nghe giới thiệu về thầy cô cũ, tim tôi đập rộn ràng. Ngồi nhìn từ xa tôi nhủ thầm sẽ đến chào và xin chụp hình kỷ niệm với bàn của thầy cô. Tưởng mình sẽ đến thăm hỏi và tay bắt mặt mừng nhưng sự dạn dĩ tưởng tượng đành để lại lần sau… Một ngày Chủ nhật họp mặt tuyệt vời để thấy Cali nắng ấm tình nồng. Hai anh bạn học Tứ 2, Phước và Khỏe vẫn còn nợ tôi một lần dạo phố Bolsa.
Thực ra, cuộc sống bận rộn với công việc làm hàng ngày, hối hả chạy theo sự tiến hóa không ngừng nghỉ của xã hội. Đi làm ở tuổi cuối thu này tôi nghe chừng như mỏi mệt. May mắn hơn những người khác, bên cạnh tôi còn có một đại gia đình Ngô Quyền; trong đó các vị giáo sư hết lòng yêu thương hướng dẫn, cùng với những tấm lòng nhiệt tình và bàn tay năng nổ của các anh chị và các bạn khiến hội ái hữu cựu học sinh Ngô Quyền ngày thêm lớn mạnh. Nhờ có trang Web Ngô Quyền, chúng tôi ở vùng Đông Bắc xa xôi lạnh giá cũng được thưởng thức những bài văn, thơ tình cảm ngọt ngào hương vị quê hương. Tìm thấy hình bóng của chính mình và các bạn hữu cùng thầy cô cũ rải rác đó đây qua các bài viết gợi nhớ của “Một Góc Thầy Trò”. Những bài viết chân tình và giản dị như những người bạn hiền mà đến nay còn được gọi nhau hai tiếng “mày, tao”. Không quên cô em gái nhỏ, Võ Thị Ngọc Dung mỗi khi giới thiệu bài mới trong trang Web Ngô Quyền với lời chúc thật dễ thương: “Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ.” Vâng, chúng ta đúng là người nhà, cảm giác này thật ấm áp.
Điều sau cùng, tôi muốn nói là chúng ta nên cảm ơn Thượng Đế đã tạo ra quả đất tròn. Nhờ đó, chúng ta mới có dịp gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách để sống lại những kỷ niệm mà suốt đời chúng ta không thể nào quên.
Những ngày cuối Đông 2010