HẠNH NGỘ Ở SAN JOSE
Nguyễn Trần Diệu Hương
Quý Thầy Nguyễn Phi Hùng, Phạm Ngọc Quýnh, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thất Hiệp và Diệu Hương
Cuối tháng 3, đầu mùa Xuân ờ Mỹ nhưng thời tiết ngày thứ bảy 24 tháng 3 là một ngày bão rớt, mưa gió kéo về, chừng như mủa Đông vẫn còn lưu luyến San Jose. Vậy mà quý Thầy Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thất Hiệp vẫn khoác áo mùa Đông đến Cafe Paloma đón tiếp Thầy Phạm Ngọc Quýnh từ Canada qua thăm Mỹ.
Tình cờ tôi được Thầy Hoàng thông báo qua điện thoại Thầy cùng Thầy Quýnh đang ngồi bên ly cà phê nóng trong một ngày mùa Xuân vẫn còn vương vấn cái lạnh cuối Đông. Dù đang bận rộn với đủ thứ việc không tên không tuổi của một ngày cuối tuần, tôi cũng thu xếp đề đến thăm quý Thầy, để được ngồi ở ghế phụ ở một cái bàn vuông nhỏ có bốn cái ghế chính, và được nghe quý Thầy nhắc kỷ niệm thời còn làm ông lái đò nhẫn nại đưa nhiều thế hệ học trò Trung học sang sông.
Những ông Thầy trẻ ngày xưa, lúc nào cũng đạo mạo, không (dám) cười vì muốn học trò nghiêm chỉnh học hành, không "giở quẻ“ đứng sau quỷ và ma!
Bây giờ nhớ lại chuyện xưa thời đi dạy, mang tiếng là Thầy mà chỉ hơn học trò Đệ Nhất vài tuổi, quý Thầy cười hồn nhiên như thời còn son trẻ, dạy các anh chị khóa 1 đến khóa 6 ờ Ngô Quyền. Những tiếng cười dù được nén lại từ bao nhiêu thập niên vẫn còn mang nét của những ông thầy trẻ ờ độ tuổi hai mươi năm nào.
Thầy Hùng vốn từ tốn, nghiêm trang kể chuyện các anh chị khóa 1 học Toán với Thầy suốt từ Đệ Tam lên Đệ Nhất. Gần nửa thế kỷ trôi qua, mãi đến bây giờ, dù đã gối mỏi chân chồn qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, những "trưởng tràng", những học sinh Ngô Quyền đầu tiên vẫn còn viết thư, gọi điện thoại thăm Thầy. Và Thầy Hùng đôi khi vẫn viết thư tay trả lời. Đầu thế kỷ 21, một cái thư tay đã quý hiếm đến độ nào, nhất là cái thư đó đến từ ông Thầy dạy Toán ba năm cuối Trung học thì đúng là các anh chị khóa 1 đã có được một hạnh phúc đặc biệt.
Thầy Quýnh nhắc tôi "thư tay như vậy, phải giữ để sau này sẽ trở thành "thủ bút" (Đàn em xin ghi lại lời Thầy để các anh chị khóa 1 giữ gìn "thù bút"). Giọng Thầy Quýnh vang vang kể về kỷ niệm Ngô Quyền, có lần Thầy Hà Tường Cát dạy lớp bên cạnh đã nói với học trò:
- Tôi không có được giọng tốt như Thầy Quýnh lớp bên cạnh, các anh chị chịu khó lắng nghe tôi nhé!
Nghe Thầy hào hứng kể về thời đi dạy, thời làm Hiệu trưởng trường Trung học Công Thanh mới thấy những người lái đò nhẫn nại và bao dung với học trò như thế nào. Cả hai Thầy Hùng và Thầy Quýnh đều còn phảng phất nét nghiêm nghị của một ông Hiệu trưởng dù ngay cả lúc các Thầy cười.
Thầy Hoàng thì ngoài những kỷ niệm của một ông Thầy trẻ dạy Triết lúc nào cũng phải đóng vai đạo mạo nghiêm nghị (những năm đầu đi dạy, ông Hiệu trưởng thường nhắc Thầy mang cravate đề phân biệt với học trò Đệ Nhất chỉ kém Thầy vài tuổi), Thầy còn kể về kỷ niệm một nhà văn với những tên tuổi lớn được kính trọng một thời như các nhà giáo, nhà văn Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa Trần Bích Lan…
Bao nhiêu năm đi dạy, Thầy Hiệp vẫn cón nhớ những bài Toán Thầy đã giảng cho rất nhiều thế hệ học trò từ trường Ngô Quyền đến trường Lê Quý Đôn. Học trò của Thầy ở San Jose khá đông, luôn quý trọng Thầy như ngày xưa các anh chị còn ngồi ở ghế Ngô Quyền.
Từ một góc nhỏ của San Jose, kỷ niệm hiện về chập chùng trong ánh mắt quý Thầy. Nhìn vào mắt của quý Thầy, tôi thấy hình ảnh của Saigon, Biên Hòa, Long Khánh, cùa bục giảng Ngô Quyền năm xưa. Và nhận ra kỹ cương của một nền giáo dục mà học trò được dạy Công dân giáo dục từ lớp một đến lớp mười một.
Một ngày bão rớt kéo về San Jose, trời mưa lê thê, tôi vẫn thấy lòng ấm áp vì được gặp quý Thầy bên bàn "trà đàm", được nghe hai ông cựu Hiệu trưởng, hai cựu giáo sư Toán, một cựu giáo sư Triết, và một cựu giáo sư Quốc văn nhắc lại kỷ niệm trường lớp. Rất tiếc là tôi quên không mang theo camera để ghi lại hình ảnh quý hiếm mà "mai sau cón có bao giờ"?