Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - MỘNG BAN ĐẦU

17 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 137582)
Nguyễn Trần Diệu Hương - MỘNG BAN ĐẦU

Mộng Ban Đầu

 Nguyễn Trần Diệu Hương

hnmuadong-content


Chị tên Thanh Thủy, bởi vậy từ hồi biết đọc thơ của Bùi Giáng cho đến bây giờ, ai hỏi tên chị cũng trả lời bằng hai câu thơ của ông thi sĩ có tài nhưng bất đắc chí:

Hỏi tên rằng biển xanh đâu

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.

(Bùi Giáng)

Câu thơ đầu được chị giải thích rõ ràng, nhưng câu thơ sau, chị chỉ cười để thay cho câu trả lời về mộng ban đầu của chị. Thế nhưng ai quen thân với chị Thủy đều hình dung được mơ ước thời mới lớn của chị. 

"Mộng ban đầu" của anh chị hình thành ở Việt Nam trong thời kỳ đời sống hãy còn chậm, không có computer, không có Ipod, không có Cell Phone. không có máy chơi game. Khi nào không đi học, không được đi chơi với bạn thì vẽ mộng trong đầu. lớn lên mình sẽ làm gì, sẽ giúp được cho ai? Mộng ban đầu chưa kịp chia xẻ với ai, ngay cả với những người thân yêu nhất thì lịch sử sang trang, khi họ đang ở những năm đầu Trung học. Trật tự xã hội đảo lộn, nhưng mộng ban đầu của họ vẫn còn nguyên, nằm ngoan hiền ở một góc tâm tưởng.

 Anh chưa kịp điều chỉnh ước vọng của mình thì đã phải điều chỉnh phương pháp học và lối học ở một trường Trung học Mỹ, với mọi thứ đều mới. Ngôn ngữ mới thì chỉ sau một niên khóa, anh đã đuổi kịp bạn cùng lớp sinh ra ở Mỹ và bắt đầu vượt qua họ ở hầu hết cả môn học, nhất là những môn khoa học tự nhiên, đem về những report card (phiếu điểm) rất đáng tự hào làm vui lòng ba mẹ đang vất vả lao đao ở những ngày đầu chân ướt chân ráo ở quê người. Nhưng quan niệm sống thì mãi cho đến bây giờ, thời gian luu lạc ở quê người dài gần ba lần thời nhỏ dại ở quê nhà, đôi khi anh vẫn thấy mình nằm riêng , tách biệt trong cái melting pot của nước Mỹ. Bởi vì gia đình anh là một gia đình mang nặng truyền thống cố đô Huế của Việt Nam. Thời kỳ vua chúa với những luật lệ nặng nề đã chìm vào quá khứ gần cả thế kỷ, nhưng luật lệ đó vẫn còn tồn tại ở một số gia đình truyền thống, mà gia đình anh là một trong những điển hình. Do vậy, vài năm sau khi quen anh, chị mấy lần định tự động biến mất khỏi đời anh khi thấy viễn cảnh làm dâu nhà anh, nhưng anh không bao giờ chịu bỏ cuộc, và chị cũng không nỡ hát bài "nghìn trùng xa cách" với anh.

 Thời còn chân ướt chân ráo ở Mỹ, bận rộn với đủ mọi thứ trên đời, ba mẹ anh vẫn không hề xao lãng việc chăm nom, dậy dỗ các con, cho nên anh vẫn còn nguyên truyền thống Việt Nam. Mộng ban đầu của anh hoàn thành một nửa, anh chỉ làm được đúng nghề mình thích, nhưng nghề nghiệp không phục vụ ước vọng mà anh thầm mơ ước ngày còn nhỏ, dùng kiến thức về khoa học kỹ thuật nâng cao đời sống còn chậm tiến của những đồng bào Việt Nam nghèo khổ của anh. Thỉnh thoảng, nhìn lại ước vọng ngày còn nhỏ, anh vẫn tự an ủi, dù sao đạt được một nửa mơ ước vẫn còn hơn không nắm bắt được điều gì.

Hồi mới biết nhau, chị hỏi anh giỏi môn nào nhất, anh trả lời rất khiêm nhường:

- Môn nào cũng tàm tạm, đủ để mỗi năm lên một lớp,

Thế nhưng sau này, khi đã thân nhau, khi chị có dịp đề cập lại câu đó, anh hùng hồn tuyên bố:

- Môn nào cũng được A! Mình là dân lưu vong phải học giỏi để bù lại nhiều thứ mình không bằng người bản xứ!

Chị vất vả hơn anh, và mộng ban đầu hoàn toàn tan như bong bóng trời mưa khi những năm Trung học, mỗi sáng thứ hai chào cờ ở sân trường, chị vẫn cúi gầm mặt nhìn mặt đất mầu đen (như tương lai của thế hệ con cái những người tù chính trị của XHCN) để khỏi phải nhìn thấy mầu cờ đỏ bay trên nền trời xanh hiền hòa của miền Nam mưa nắng hai mùa.

Nhiều năm sau này, khi anh đã xong sáu năm Đại học và là một kỹ sư trẻ đầy năng lực của một Công ty khoa học lớn ở California thì chị mới bắt đầu hành trình lưu lạc ở quê người với hai bàn tay trắng. Lúc đó ba chị vẫn còn ở trong lao tù của những người về từ phiá bên kia vĩ tuyến 17, ở một trại cải tạo nào đó trong núi rừng Việt Bắc âm u đầy chướng khí, mẹ chị vẫn còn vất vả ở quê nhà. Vì vậy chị không dám học ngành mình thích, mà chỉ dám chọn nganh dễ học để có thể vừa đi học, vừa đi làm, giúp các em đều học full time và trả nợ tiền vé máy bay từ trại tỵ nạn đến quê hương thứ hai mà Sở Di trú Mỹ đã ứng trước cho những thuyền nhân tỵ nạn túi rỗng, tay không. Những cố gắng sách đèn không ngừng nghỉ đã đem đến cho chị một khích lệ lớn lao. Một trường Đại học tư danh tiếng ở California cho chị học bổng toàn phần hai năm trong khi học trình ít nhất là bốn năm cho bằng cử nhân. Chị suy tới tính lui, rồi tiếc nuối viết thư xin nhường lại học bổng cho người khác. Nếu chị gặp anh lúc đó, lúc anh đã có chiều dài nghề nghiệp hơn mười năm thì chắc chị đã nhận học bổng hai năm ở trường Đại học tư vì nếu hai năm sau, không xin được học bổng thì đã có "back up" là anh.

Sau này, khi đã rất thân nhau, anh vẫn thường nửa đùa nửa thật:

- Em đúng là bị "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" nên những lúc khó khăn nhất luôn phải cáng đáng mọi thứ một mình.

Là một người làm việc với những công thức toán học, những máy móc, sơ đồ khó khăn, chính xác, ngôn ngữ của anh cũng ngắn gọn, nên lúc đầu, anh không chinh phục chị được bằng bề ngoài, hay những ngôn từ hoa mỹ. Nhưng trong một ngày mùa hè nóng bức, khi dừng chân ở một tiệm Jamba Juice, anh hỏi chị muốn uống loại nước trái cây nào? Chị ngập ngừng:

- Carrot Juice, mà thôi, trời đang nắng gắt, vitamin C cần hơn, anh cho em xin Strawberry mixed với Blueberry.

Khi anh trở lại từ tiệm bán nước giải khát, tay phải anh bưng Carrot Juice, tay trái là Strawberry cùng Blueberry.

Chị nhẹ nhàng, lễ độ cảm ơn anh, và chọn ly nước có nhiều vitamin C.

Anh từ tốn như một ông anh lớn, và tán tỉnh bằng cả một câu hát:

- Em thích cái nào cứ uống cái đó, cả vitamin C lẫn vitamin A, uống không hết, anh sẽ uống phần còn lại. Mình sinh sau đẻ muộn, không được "uống ly chanh đường uống môi em ngọt ở đường Duy Tân cây dài bóng mát" như các anh các chị lớn, thì uống juice ở Mỹ chung một ống hút, cũng cảm thấy môi ngọt hơn nhiều em hả ?

Lặng người vì cảm động, chị chỉ nói được hai tiếng cảm ơn. Từ đó, chị hiểu anh là một phần thưởng qúy chị được ban tặng từ đời sống, (và cả từ ba mẹ của anh) Giữa một ngày hè nóng bức trên 90 dộ Fahrenheit, lòng chị chợt mát lạnh như một ngày đầu thu. Cả anh và chị cùng uống hai ly nước trái cây, cùng dùng chung hai cái ống hút cắm vào mỗi ly nước, hồn nhiên như hai em bé trong một phim hoạt họa, mặc dù họ đã mấp mé ở tuổi nửa đời người. Đó là một khởi đầu cho rất nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất họ cùng chia xẻ cho nửa phần đời còn lại.

Với anh ấn tượng tốt đẹp đầu tiên về chị là lần anh đón chị bằng cái xe truck "làm ăn" chuyên chở đồ đạc nặng nề quá khổ từ Home Depot về nhà. Chiếc xe mầu xám hơn năm tuổi, anh dùng để chở đồ hơn là chở người. Lần đầu anh đón chị ở "waiting island" của phi trường LAX, chiếc truck cũ kỹ của anh nhích lên từng inch một -giữa những chiếc BMW, Mercedes, Lexus... đời mới, bóng loáng- trông tội nghiệp, nghèo nàn như cô bé lọ lem lạc lõng giữa bao nhiêu công chúa, tiểu thơ trong cung vàng điện ngọc. Vậy mà chị vui vẻ leo lên xe, lại còn giúp anh dọn dẹp những thứ vương vãi trên xe anh chưa kịp sắp xếp.

Lần đó, cái xe truck đưa họ leo lên đồi, đến bãi biển Malibu, giữa khu nhà có "ocean view" của những tài tử đang hái ra tiền ở Hollywood. Họ ngồi trên xe, ngắm sóng biển hiền hòa đầu mùa hè, tai nghe văng vẳng tiếng "những con ve nhỏ hết hồn kêu vang". như một câu thơ của Trần Dạ Từ.

Một chiếc xe tuần tiễu của cảnh sát địa phương - thấy "cái xe truck làm ăn" của anh đậu ven bờ biển cả tiếng đồng hồ, rất khác thường giữa một khu vực mà mọi thứ đều tính bằng bạc triệu- ngừng lại bên kia đường. Một người cảnh sát đến nhìn vào xe, không có gì khác thường như ông ta tưởng tượng. Cả bốn con mắt Việt Nam tròng nâu đen mở to, nhìn vào hai con mắt tròng xanh xám của người police officer một cách trong sáng, hồn nhiên. Yên tâm là không có gì khả nghi, người cảnh sát cười thân thiện:

- Enjoy sunshine and ocean view.

Không hẹn mà họ cũng buột miệng:

- Yes, we will. Thank you.

Khi người Cảnh sát đi khuất, chị cười nửa đùa nửa thật:

- Chắc ông ta nghĩ mình là tài xế hay người giúp việc nhà của các movie stars sống quanh đây, anh hả.

Anh đáp lại rất nghiêm trang:

- Làm tài xế hay housekeeper thì đâu có gì là xấu! Anh muốn là tài xế suốt đời của em, em có chịu cùng làm việc nhà với anh không?

Ngôn từ của anh bao giờ cũng ngắn gọn và chính xác như những con toán trên bản vẽ anh làm việc mỗi ngày. Chị cũng là một người thích học toán nên họ nói ít nhưng hiểu nhau rất nhiều.

Lúc ông cụ thân sinh ra anh nằm bệnh viện dài ngày sau một cơn stroke nặng, mỗi ngày dù bận rộn đến đâu, dù muộn đến đâu, anh cũng ghé vào thăm ông cụ trước giờ bệnh viện đóng cửa, dù chỉ để đứng nhìn ông cụ đã chìm vào hôn mê với life support system đầy dây nhợ giăng mắc ở đầu giường. Dạo đó, mỗi lần anh chị gặp nhau, điểm đến đầu tiên bao giờ cũng là phòng bệnh nơi ông cụ vẫn nằm thiêm thiếp. Vậy mà anh vẫn nói chuyện với ông cụ, tự nhiên chân tình như khi ba anh vẫn còn khỏe.

Những câu nói đã đôi lần làm chị chẩy nước mắt:

- "Ba ơi, tỉnh lại đi ba. Sao ba ngủ lâu vậy ba ? Thức dậy để còn về nhà, với mẹ và tụi con"

Miệng nói, tay anh lau cánh tay bên trái của ông cụ bằng loại khăn giấy của bệnh viện. Ở phiá bên kia giường bệnh, chị chớp mắt ngăn giọt nước mắt lăn ra, và lặng lẽ làm theo anh, lau cánh tay mặt của người bệnh.

Đó không phải là lần duy nhất họ không hề nói chuyện với nhau cả vài tiếng đồng hồ, nhưng vẫn đọc được tư tưởng của nhau qua ánh mắt. Lần chị gọi điện thoại cho một cựu sĩ quan QLVNCH ở tận bên Indiana, hỏi về những giờ phút bị đọa đầy trong lao tù "học tập cải tạo" ở rừng thiêng nước độc Việt Bắc của ba chị. Bên kia đầu dây, nhân chứng sống, chú Tấn, người bạn tù một thời của ba chị kể lại cho chị về những giờ phút đau thương, bất khuất của ba chị và ông ở trại A Nam Hà đưa đến hậu qủa hai năm rưỡi bị biệt giam, đôi lúc bị cùm chân của ông; nước mắt chị lăn dài, giọt này tiếp giọt kia. Ngồi bên cạnh chị, anh lặng lẽ dùng Kleenex thấm những giọt nước mắt bằng một tay, tay kia cầm tay chị như truyền thêm nghị lực và sự cảm thông.

Trong tình yêu của họ có cả tình bạn và sự cảm thông gần như tuyệt đối. Chị nghe giọng nhau, họ hiểu được nhau đang ở trạng thái nào; buồn hay vui, lạc quan hay thất vọng?

Điều đem họ đến gần nhau nhất là lòng hiếu thảo bởi cha mẹ. Ngày ba anh về với "hạc nội mây ngàn", để lại một lổ hổng to lớn trong lòng bầy con, nhưng anh là người con duy nhất tự nguyện "xuống tóc" để cầu nguyện cho ông cụ được "vãng sanh cực lạc". Suốt một trăm ngày đầu tiên có lời cầu nguyện từ tấm lòng của cả đại gia đình, anh bầy tỏ lòng hiếu thảo và sự nhớ thương người quá cố bằng một cái đầu bóng lưỡng, giống như tài tử Bruce Willis. Thời gian đó, mỗi khi họ gặp nhau, chị tìm thấy trong xe của anh toàn đồ ăn chay, và trái cây đủ loại, thứ trái cây được hạ từ bàn thờ xuống , không còn tươi tốt. Chị hỏi:

- Những thức ăn này từ bàn thờ ông cụ phải không thưa anh?

Câu hỏi chỉ có vậy nhưng đủ làm mặt anh chùng xuống, anh gật đầu không nói. Chị lặng lẽ nắm tay anh, chia xẻ đại tang còn rất mới của anh., và chợt thấy anh đẹp hơn mặc dù không còn một sợi tóc nào trên đầu.

Anh thì ngẩn ngơ trước nét dễ thương kín đáo, đôn hậu, còn nguyên vẹn "hương đồng gió nội" của chị từ lần đầu tiên hai người gặp nhau ở sân sau nhà một người bạn chung. Về sau này, càng biết chị nhiều hơn anh càng hiểu vẻ đẹp tâm hồn của chị không thể tìm được ở một người con gái khác. Thời mới quen nhau, mỗi ngày chị đến văn phòng làm việc đều có một tấm E Card hoa hồng anh gởi từ tối hôm qua. Chị in ra từ color printer và nâng niu, gìn giữ trong một folder dầy 4 inches mầu trắng như một chứng tích tình yêu chân thành, trong sang, dù có một chút muộn màng.

Đời sống ở Mỹ tất bật và vội vã nên tình yêu của họ không có cảnh tượng "em tan trường về anh theo ngõ về " như trong thơ tình của Phạm Thiên Thư, mà những cuối tuần gặp nhau, họ phải sắp xếp vừa đi chơi, vừa lo công việc.

Anh đã chở chị đến thăm các thầy cô cũ, chững chạc và lễ độ chào các thầy cô dậy chị những năm đầu Trung học ở Việt Nam, mặc dù có thầy cô đã bảo anh:

- Anh không phải là học trò của chúng tôi, thầy bà gì, gọi sao cũng được.

Nhưng anh vẫn đối xử cung kính với các Thầy Cô của chị như là Thầy Cô của chính mình. Do vậy , anh đã hiểu rất rõ "thời mới lớn tuổi mười lăm mười bẩy" của chị, mặc dù lúc đó họ ở xa nhau cả nửa vòng trái đất.

Chị cũng đã đi đến tiệm sửa xe, đến Home Depot, cửa hàng bán đồ sửa chữa nhà cửa rất quen thuộc của anh, mà chị đã đuà:

- Chắc anh có để ý cô nhân viên bán hàng nào ở đó phải không?

Cứ như vậy, sau một vài lần theo anh đi từ khu vực này đến Department khác của Home Depot, chị cũng có một ít kiến thức về sửa chữa nhà cửa, biết tẩy một vết dơ trên thảm mầu trắng, biết sửa chữa một lỗ thủng trên vách tường, biết đo hơi trong các bánh xe, và biết thay nhớt xe như rất nhiều đàn bà, con gái người bản xứ..

Điều làm họ cảm thấy gắn bó với nhau “như chim liền cánh, như cây liền cành" là họ qúy cả những tính xấu của nhau. Chị cảm cái bướng bỉnh, cứng đầu, và lì lợm của anh. Anh thương cả tính miả mai, châm chọc, và đôi khi nói dai của chị (điều quan trọng là chị biết ngừng lại đúng lúc khi nhìn mắt anh đang bình thường bỗng trở nên nghiêm nghị, đầy vẻ quyết đoán)

Hơn thế nữa, họ cùng lớn lên từ một môi trường mà người cha là người quyết định mọi thứ trong gia đình, và người mẹ là người đàn bà có vị trí số một trong trái tim tất cả những người đàn ông trong nhà, nên mỗi lần có mẹ anh cùng đi trên xe, lúc nào anh cũng mở cửa trước và cửa sau xe, không nói năng điều gì, nhưng bao giờ chị cũng tự động leo lên ngồi ở băng ghế sau, nhường chỗ ngồi quan trọng hơn, ở ghế trước, cạnh anh, cho bà cụ thân sinh ra anh. Mỗi dịp lễ Valentine, nhận được những cánh hồng nhung đỏ thắm từ anh, bao giờ chị cũng nhắc anh gởi hoa cho mẹ vì một lẽ rất đơn giản mẹ anh là người mang nặng đẻ đau và tạo ra anh. Có lần anh phải đi công tác dài ngày ở xa, điện thoại liên lạc không dễ dàng như khi đang ở trên đất liền, mỗi lần có dịp anh gọi phone cho chị, bao giờ chị cũng nhắc nhở:

- Anh đã gọi cho bà cụ chưa? Bà cụ ở nhà, không đi làm, không bận rộn nhiều như em, chắc là mong tin anh nhiều hơn em.

Cả anh và chị đều dễ tính và nhường nhịn anh chị em trong nhà từ thời thơ dại ở quê nhà cho đến mãi tận bây giờ những năm tháng lưu lạc ở quê người. Những món ăn còn sót lại sau một buổi tiệc tùng họp mặt cả gia đình hay những món chay đã nguội lạnh sau một nén hương thắp trên bàn thờ người quá cố đã tàn như phong tục của người Việt Nam, không ai muốn ăn, chỉ có anh và chị ăn dần cho đến lúc hết Đến độ anh đã bị anh chị em trong nhà nửa đùa nửa thật cho là "con nhà quan mà tính nhà lính", anh im lặng cười không nói , nhưng khi chỉ có hai người anh vẫn thì thầm với chị:

-Ăn uống như vậy đâu có cực khổ như mọi người vẫn nghĩ phải không em? Hồi xưa, những người lính ngoài mặt trận khổ cực hơn mình nhiều, và ngày nay, mỗi ngày vẫn còn có bao nhiêu người đói. Đã là một điều may mắn khi mình được sống no đủ bình an như ngày hôm nay.

Có một điều rất bất ngờ là họ đã gặp nhau từ thời thơ dại một lần vào muà hè năm 1974 trước khi anh bắt đầu đời sống lưu vong. Lúc đó, còn nhỏ, mỗi một dịp nghỉ hè, anh hay ra bãi Tiên ở Vũng Tầu ngồi xây những lâu đài bằng cát ẩm. Tính anh vốn kỹ càng và chi tiết nên chưa khi nào anh xây xong lâu đài hoàn toàn thì đã bị gọi về nhà. Sau này, anh kể lại cho chị, và cho đó là mộng ban đầu của mình, chưa khi nào xây xong như trong trí tưởng. Có lần khi anh rời bãi biển, ở chỗ gần mặt nước, cát còn ẩm ướt, đủ để xây thành quách lâu đài, có một con bé nhỏ xíu, tóc cột hai đuôi xuống biển cùng một bầy anh em trai. Trong khi tụi con trai xuống nước thì con bé vẫn ngồi quanh quẩn trên cát ướt ngắm lâu đài dang dở của anh. Chỉ có vậy, anh phải nhanh chân chạy về nhà, không có giờ để nhìn lại "lâu đài trên cát" của mình chưa hoàn thành mà vẫn được người khác ngồi nhìn chăm chú. Nghe kể điều đó, chị đã tả rõ lại cái lâu đài cát của anh có đến ba cổng ra vào, có hai cai tháp cao hai bên và một cái cầu treo ở giữa, anh còn cẩn thận đặt tên cho lâu đài là "mộng ban đầu". Anh tròn mắt ngạc nhiên:

- Sao em đoán hay vậy?

Chị cười kể tiếp cái kiểu đi thụt lùi trên bãi cát, vừa đi vừa nhìn lại lâu đài trên cát của anh như một báu vật bị bỏ lại.

Điều chị kể đúng chính xác, như mang anh về lại thời niên thiếu vô tư ở quê nhà, vì chị chính là con bé nhỏ tròn tròn trăng trắng như củ khoai từ ngồi nhìn công trình dang dở trên cát của anh. Không những chị ngắm nhìn công trình của anh mà chị còn xây tiếp đến khi hoàn thành. Lúc đó họ chỉ thoáng thấy nhau ở bãi biển hai ba lần, chưa hề biết nhau, vậy mà định mệnh tình cờ, hai mươi sáu năm sau họ gặp lại nhau và cùng xây lại lâu đài trên cát ở bãi biển Santa Monica.

Lần này, họ khôn ngoan hơn, chín chắn hơn nhiều so với thời thơ dại, và cùng giúp nhau xây lại lâu đài trên cát như hình ảnh ngày xưa họ còn giữ trong đầu. Lần này, lâu đài được xây hoàn thành, và vẫn mang cái tên cũ, dù bằng tiếng Mỹ "First Dream Castle". Dĩ nhiên, lần này họ đã trưởng thành, ở một thời đại văn minh hơn, ở một đất nước giầu mạnh nhất nhì thế giới, họ đã cẩn thận ghi lại công trình trên cát của mình bằng nhiều hình ảnh từ nhiều góc cạnh. Những cái hình đã được chị trân trọng gìn giữ trong cái binders 4 inches mầu trắng, cùng với những cái E card, in ra bằng máy in mầu, anh đã kiên trì gởi đến cho chị hàng ngày trong ba tháng đầu khi hai người mới quen nhau.

"Mộng ban đầu" bỏ dở dang trên bãi cát vàng ngát của bãi Tiên Vũng Tầu từ thời thơ dại, được họ xây lại hơn một phần tư thế kỷ sau ở bãi biển Santa Monica, California., không phải chỉ là một toà lâu đài trên cát, mà là những ước mơ cả anh và chị cùng kỳ vọng lớn lên mình sẽ làm được. Cùng nhau, họ đã làm được rất nhiều điều đã mơ ước lúc vừa đủ trí khôn, vừa nhận ra được cái tốt và cái xấu.

Mỗi cuối năm dương lịch, trong khi đa số mọi người Mỹ rộn rịp mua sắm quá cáp nhân lễ giáng sinh cho thân nhân hay bạn bè thì anh chị lại bận rộn suy tính những ngân khoản để gởi về giúp cho những em bé bán vé số đang lang thang kiếm sống ở quê nhà. Anh may mắn rời quê nhà trước khi cuộc chiến kết thúc nên chỉ có khái niệm mà không có những hình ảnh rõ ràng trong tiềm thức về những em bé nghèo, ốm đói đi bán vé số mỗi ngày với ước mơ nhỏ nhoi, bình thường là được ăn no, và được đi học.

Mỗi lần nói đến chuyện Việt Nam sau năm 1975, mặt chị chùng xuống, mắt đong đầy nước. Trước mặt chị hiện ra rõ ràng hình ảnh cô bạn cùng lớp sáng cắp sách đi học, chiều cắp rỗ đi bán khoai lang. Thời đó, cuối thập niên 70s ở Việt Nam, rất nhiều người phải ăn khoai thay cơm, nên cô bạn nhỏ cũng sống được qua ngày, và học được đến hết lớp chín. Hồi đó, cả lớp, có đồng nào, đều mua khoai giúp bạn, những củ khoai đầy mật ngọt nhưng ăn vào, đứa nào cũng đắng miệng, và nghẹn ngào. Bao nhiêu năm trôi qua, đôi mắt của cô bạn nhỏ ngày xưa, vẫn quẩn quanh trong một góc ký ức của chị. Chị không nói nhiều, chưa bao giờ kể những điều đó cho anh nghe, nhưng bằng sự đồng cảm đặc biệt giữa hai người, anh vốn đã hiểu còn hiểu nhiều hơn khi có lần anh đọc tin tức trên CNN online, có hình một cô bé Việt Nam với cặp mắt ngây thơ, buồn thảm của một con nai con bị vướng bẫy, chỉ mới mười hai tuổi, còn là nụ, chưa thành hoa, đã bị bán vào "lầu xanh".

Mãi cho đến bây giờ, mỗi tuần chị đều ăn khoai lang, không phải vì thích loại củ ngọt bùi mầu vàng cam, không vì phải ăn độn như một thời khốn khó ở quê nhà sau năm 1975, hay vì bất cứ một lý do nào về sức khỏe. Chị muốn ăn khoai lang để tự nhắc nhớ đến cô bạn cùng lớp thời thơ dại, để tự nhủ mình phải giúp những em nhỏ nghèo ở Việt Nam vẫn phải dãi nắng dầm mưa, một buổi đi học, và một buổi đi bán dạo để kiếm sống. Từ vài năm nay, anh cũng ăn khoai lang mỗi tuần như chị, để hướng một phần từ tâm của mình về với những em nhỏ Việt Nam vẫn còn phải chịu nhiều vất vả gian nan trên quê nhà.

Dĩ nhiên họ cũng có những tính xấu như mọi người bình thường khác, những tính xấu đôi khi cũng làm buồn lòng nhau, thậm chí làm người đối diện bực mình, nhưng họ cũng nhận ra khuyết điểm của mình và biết xin lỗi đúng lúc, trước khi sự kiên nhẫn của người đối diện biến thành giọt nườc cuối cùng làm tràn ly nước. Anh đã có lần giận dữ với một nhân viên cộng sự đến mất bình tĩnh, khi chị nói chuyện với anh qua điện thoại, chị nghe rõ giọng nói anh vẫn còn đầy nỗi bực tức. Rất dịu dàng, chị thỏ thẻ:

- Anh uống một ly nước lạnh đầy giùm em, thở ra hít vào đều đặn như mình đang tập thể dục mỗi sáng vậy. "Deep Breath" anh nghe. Từ bây giờ đến lúc về, anh tránh đừng gặp người đó.

Tương tự, chị có lần giận một người tài xế lái xe trên đường, đã đi ẩu, còn giơ một ngón tay rất khiếm nhã. Nửa giờ sau, chị vẫn còn ức, phân trần với anh bằng một giọng nói lớn hơn bình thường khá nhiều. Anh trầm tĩnh:

- Calm down, honey. Anh đâu có bị lãng tai.

Chị biết ý, trở lại giọng nhỏ nhẹ bình thường, dù vẫn còn uất ức, anh lại tiếp:

- Em quên là rất nhiều người dậy mình phải điềm tĩnh, không giận dữ. Giận quá thì mất khôn, Vả chăng, con chó cắn mình, mình đâu có bao giờ ôm chó cắn lại phải không em?

Ngoài quan hệ bình thường như mọi người khác, họ còn có mối đồng cảm của Bá Nha Tử Kỳ, nên có rất nhiều điều dù không nói ra, nhưng cả hai người đều hiểu. Ở những họp mặt đông người, họ chỉ trao đổi tư tưởng bằng ánh mắt, không cần phải dùng đến lời nói, mà vẫn làm đúng ý của nhau.

Trên tất cả mọi điều, họ còn mang một trái tim Việt Nam rất sâu đậm, cùng đau xót mỗi lần có những thiên tai, bất hạnh đến với đồng bào trong nước; cùng có một nỗi tự hào mỗi lần thế hệ những người sinh ra và lớn lên sau năm 1975 biết biểu tình phản đối khi nước láng giềng khổng lồ phương Bắc ỷ đông lấn biển hay lấn đất về phương Nam như họ đã từng làm từ cả ngàn năm trước trong lịch sử.

Mộng ban đầu của họ, dù đã xa, rất xa như khi họ gặp nhau lần đầu ở bãi biển Vũng Tầu thời thơ dại, dù vẫn chưa hoàn thành, nhưng đã được thực hiện từ khi họ quen nhau. Có được hai người, mỗi người chỉ cần làm một nửa mộng ban đầu thì cuộc đời sẽ bớt mầu xám, thêm mầu hồng. Và những củ khoai lang tròn trĩnh, đầy mật ngọt ở Mỹ vẫn còn được nguyên vẹn mùi vị ngọt bùi trên đầu lưỡi, khi ăn vào không còn bị nghẹn ngào như một thời gian khổ đã xa ở quê nhà...

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

(Santa Clara -Cuối năm 2007- Viết cho anh chị DT)

 

01 Tháng Mười Một 2013(Xem: 18215)
Không phải chỉ ở trong khung cửa lớp của NQ yêu dấu ngày xưa, mà ngay cả bây giờ, nhiều anh chị đã nên ông nên bà (theo đủ mọi nghĩa) vẫn học được rất nhiều điều từ Thầy Nguyễn Thất Hiệp.
17 Tháng Mười 2013(Xem: 48475)
Mỗi lần tan học, ở các lớp cuối Trung học, chắc là cũng có các em học sinh mới lớn ngâm nga "em tan trường về anh theo Ngọ về" như chúng tôi...
02 Tháng Tám 2012(Xem: 154620)
Có một lúc nào đó trong thời thơ dại, bạn tôi mơ trở thành vận động viên thể dục (gymnastics Olympian ) đi dự thi đại hội thể thao của thế giới được tổ chức mỗi bốn năm.
25 Tháng Tư 2012(Xem: 129736)
Và biết có nhiều hạnh phúc tinh thần khác lớn hơn ăn ngon mặc đẹp , lớn hơn những lạc thú vật chất khác của đời thường...
27 Tháng Ba 2012(Xem: 100399)
Từ một góc nhỏ của San Jose, kỷ niệm hiện về chập chùng trong ánh mắt quý Thầy. Nhìn vào mắt của quý Thầy, tôi thấy hình ảnh của Saigon, Biên Hòa, Long Khánh, cùa bục giảng Ngô Quyền năm xưa
16 Tháng Giêng 2012(Xem: 125745)
Cũng cùng là một con vật hình thành từ tưởng tượng, nhưng ở hai phương trời Đông, Tây, con rồng được nhìn dưới hai lăng kính trái ngược nhau.
01 Tháng Giêng 2012(Xem: 35605)
... Vậy mà hơn nửa cuộc đời vẫn vất vả loay hoay, đôi khi bó tay, trước những cộng trừ nhân chia đơn giản của cuộc đời.
22 Tháng Mười Một 2011(Xem: 121418)
Những lời cảm ơn chân tình của những người Việt Nam lưu lạc quê người gời đến nhau trong mùa Lễ Tạ ơn của Mỹ có mang theo cả tấm lòng...
14 Tháng Mười 2011(Xem: 130883)
Hoạt cảnh "Ngày xưa Hoàng thị" là một công trình của các chs NQ khóa 14 đóng góp
21 Tháng Chín 2011(Xem: 49622)
Tình thân Ngô Quyền dưới góc cạnh nào và bất cứ lúc nào cũng êm đềm như dòng Đồng Nai hiền hòa một thùa nào ở Biên Hòa yêu dấu ngày xưa.
08 Tháng Sáu 2011(Xem: 137426)
"Bài này được viết và phổ biến từ năm 2009 nhưng được giới thiệu lại như một lời mời gọi chs NQ về Orange County California dự họp mặt chs NQ toàn thế giới lần II ngày 3 tháng 7 năm 2011."
05 Tháng Năm 2011(Xem: 132176)
Trái tim của người Mẹ, từ một người mẹ non trẻ dại khờ, chưa đủ trí khôn, đến một người mẹ da mồi tóc bạc, đi gần hết cuộc đời lúc nào cũng chứa cả một đại dương tình thương cho các con của mình.
23 Tháng Tư 2011(Xem: 116745)
Đến tháng tư hàng năm, các cháu càng phải nhớ điều đó hơn bao giờ hết, các cháu nhé! Rồi sẽ có một ngày, chất xám Việt Nam thôi chảy ra ngoại quốc...
30 Tháng Mười Một 2010(Xem: 62418)
Cô Trần Thị Hương, nguyên giáo sư dạy môn Quốc văn ở Trung học Ngô Quyền từ năm 1966 đến năm 1973, đã đột ngột qua đời ngày 26 tháng 11 năm 2010 ở Santa Clara, California,
26 Tháng Mười Một 2010(Xem: 24192)
Bao nhiêu năm trôi qua, nhưng ánh mắt rạng rỡ của các em mồ côi ở cô nhi viện năm xưa vẫn soi sáng cả một ký ức của cả nhóm bạn mà sau này lưu lạc từ Đông sang Tây của nước Mỹ,