Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Lê Quý Thể - CHUYẾN ĐI VỀ NAM BÁN CẦU

11 Tháng Chín 202112:34 SA(Xem: 7276)
GS. Lê Quý Thể - CHUYẾN ĐI VỀ NAM BÁN CẦU


Chuyến đi về Nam Bán Cầu



image001

Vào cuối tháng mười năm 2008,  tôi lần đầu bay về Nam Bán Cầu (Down Under) để thăm hai nước Tân Tây Lan và Úc. Tuy thời gian trôi qua đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ vì có một sự kiện lịch sử rất quan trọng xẩy ra ở thời điểm nầy mà tôi sẽ đề cặp đến ở cuối bài viết. Trước hết Tân Tây Lan và Úc thuộc khối Liên Hiệp Anh mà Bà Elizabeth Đệ Nhị của Anh là Nữ Vương và là nguyên thủ quốc gia của họ và ở mỗi nước đều có một vị Toàn Quyền là đại diện cùa Bà. Nói chung thì vai trò của Nữ Vương và Toàn quyền chỉ là tượng trưng về hình thức nghi lễ, nội các gồm các bộ trưởng và do thủ tướng lãnh đạo mới thật sự là cơ quan quyết định mọi đường lối của chính phủ và chịu trách nhiệm quyết định mọi hành động quan trọng của quốc gia.

Dân chúng của cả hai nước nầy đều rất yêu chuộng hòa bình nhưng chính phủ của họ bị Hoa Kỳ lôi cuốn vào chiến tranh Việt Nam và quân đội của cả hai nước cũng đã có quá nhiều thương vong và mất mát. Nhưng thôi tạm bỏ qua quá khứ không ai muốn nhắc tới.

Tôi bay từ Los Angeles đến Auckland của Tân Tây Lan bằng máy bay của hảng Fiji Airlines. Máy bay transit tại thủ đô Suva của Fiji. Trước hết Fiji là một đảo quốc nằm trong khối Liên Hiệp Anh tại châu Đại Dương, thuộc phía nam Thái Bình Dương. Fiji là một quần đảo gồm trên 300 đảo lớn nhỏ với dân số chưa tới một triệu người nhưng lợi tức mỗi đầu người rất cao khoảng mười ngàn đô la Mỹ mỗi năm. Lúc đầu tôi có ý định lưu lại Fiji vài ngày để thăm xứ nầy nhưng phải bỏ ý định đó vì giá phòng ngủ mỗi đêm rẻ nhất cũng trên 200 đô la Mỹ. Thôi ghé phi trường vài giờ cũng coi như tạm đủ vậy.


****

Tôi lưu lại tại thành phố Auckland của Tân Tây Lan bốn đêm.


Tuy không phải là thủ đô nhưng Auckland là thành phố đông dân cư nhất của Tân Tây Lan, một nước gồm hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ nằm khoảng 2.000 km về phía đông của nước Úc, với dân số khoảng năm triệu người mà một phần tư là người gốc Á Châu và Thái Bình Dương. Kiwi là biểu tượng cùa nước Tân Tây Lan, đó là một loại chim không bay được, chân ngắn, mập mạp, trứng to, hai lỗ mũi ở chóp mõm giúp chúng phát hiện mồi trước khi nhìn thấy và tên Kiwi trở thành một danh từ quá thân thuộc để gọi người dân Tân Tây Lan.

Nước Tân Tây Lan có nhiều phong cảnh và hang động tuyệt đẹp nhưng tôi đã không đi tham quan vì một phần chúng ở quá xa thành phố và phần khác lệ phí quá cao. Tôi thăm thành phố bằng xe buýt công cọng và vì có quá nhiều dân gốc Á Châu lẩn lộn trong đám đông tại đây nên tôi không cảm thấy mình khác lạ với dân địa phương.

Trước đây và bây giờ cũng vậy nước Tân Tây Lan không xa lạ gì với dân chúng Việt Nam vì nước nầy hàng năm luôn luôn cung cấp nhiều học bổng cho giáo sư Anh văn đi tu nghiệp và học sinh đi du học. Tôi có nhiều bạn đồng nghiệp nam và nữ tu nghiệp tại Tân Tây Lan và họ rất có thiện cảm với xứ nầy vì tính hiền hậu và hiếu khách của dân chúng. Hiện nay có một cô bé sinh viên Việt Nam tên Vicky Ngô Ngọc đang học lớp 9 được cha mẹ đỡ đầu mang qua Auckland, chỉ một năm sau cô học hết chương trình lớp 12. Từ năm 2020, khi ở tuổi 13, Vicky Ngô Ngọc đã được nhận vào học tại trường Đại học Công nghệ Auckland (Auckland University of Technology) với hai ngành Toán ứng dụng và Tài chính. Phát ngôn viên của trường Auckland đánh giá Vicky là sinh viên xuất sắc và dựa trên số tín chỉ đang học và nếu theo đúng lộ trình, cô bé có thể tốt nghiệp cử nhân kép vào mùa đông năm 2022 ở tuổi 15. Cô là một thần đồng, nhưng đó cũng có thể là một trở ngại cho cô vì cô tốt nghiệp đại học quá sớm nên cô không được hưởng chế độ ưu tiên dành cho sinh viên trên 18 tuổi, nếu không có gì thay đổi sau khi tốt nghiệp và theo luật hiện hành cùa Tân Tây Lan cô phải quay về Việt Nam.

**** 

Từ Auckland tôi bay đến Sydney và lưu lại tại hai thành phố Sydney và Melbourne của Úc trong mười ngày.

Trước khi những người di dân từ Âu Châu và Á Châu đến vào đầu thế kỷ mười bảy, thổ dân của Úc là những người hao hao giống như những người Ấn Độ và họ dùng boomerang làm khí cụ để săn bắn và hiện nay họ chiếm khoảng 3 phần trăm tổng số dân chúng và vẫn sinh sống ở những vùng hẻo lánh xa thành phố. Tuy đã có nhiều di dân đến nhưng ngày nay nước Úc vẫn có mức độ dân chúng thưa thớt nhất thế giới khoảng 3 người trên 1 cây số vuông (Việt Nam có khoảng 300 người trên 1 cây số vuông).

Úc rộng trên 7 triệu cây số vuông với dân số khoảng 25 triệu trong đó có khoảng 3 triệu dân gốc Á Châu và Thái Bình Dương. Gần mười triệu người tập trung tại hai thành phố Sydney và Melbourne. Úc thuộc nhóm hai ba nước vào những năm bảy mươi và tám mươi của thế kỹ trước đã nhận dân tỵ nạn Việt Nam nhiều nhất. Họ rất thích những gia đình tỵ nạn với hai vợ chồng và một hai con hay những cô thiếu nữ độc thân. Những đàn ông độc thân như tôi thì họ chê. Tôi biết gia đình người tổ chức tàu tôi và gia đình người bạn học trường Pétrus Ký chỉ trong vòng hai tháng từ ngày đến đảo đã được định cư yên ổn ở Úc. Nhiều câu chuyện đã được truyền miệng không biết thực hay hư nhưng xét có vẻ hợp lý như chuyện sau: nhân viên phụ trách định cư của Úc dẫn gia đình một nông dân tỵ nạn Việt Nam đến một khu rừng sát quốc lộ và cho biết đây là chổ định cư của họ và hỏi họ muốn miếng đất bao lớn. Người nông dân Việt nhìn cây cối um tùm mà ngỡ ngàng, anh miễn cưỡng nói đại một con số và ra về với lòng đầy chán nản. Mười ngày sau anh được dẫn trở lại để nhận miếng đất mà anh sẽ canh tác để sinh sống, anh vô cùng ngạc nhiên vì miếng đất đã được ủi sạch hết cây cối và một ngôi nhà nhỏ với đầy đủ mọi tiện nghi tối thiểu cần thiết đang chờ đón gia đình anh, cố nhiên anh vô cùng sung sướng và hối tiếc đã không xin một miếng đất rộng lớn hơn.

Tôi lưu lại Sydney sáu ngày. Sydney với hơn 5 triệu dân là một thành phố cảng với nhiều bãi biển đẹp. Đây là trung tâm tài chính lớn nhất của Úc và cũng là một địa điểm thu hút nhiều du khách quốc tế. Nổi bật ở bến cảng là Nhà hát Opera Sydney (Sydney Opera House) và Cầu Cảng Sydney (Harbour Bridge). Nhà hát Opera Sydney có kiến trúc độc đáo hình con sò hay xem như những cánh buồm no gió ra khơi, tọa lạc tại Bennelong Point, là một công trình kiến trúc độc đáo của Sydney nói riêng và nước Úc nói chung, là nhà hát ballet, kịch và sản xuất ca nhạc. Tôi rất tiếc vì đã không có một chương trình múa hát hay ca nhạc nào trình diễn trong thời gian tôi lưu lại tại đây nên chỉ thăm quanh nhà hát ở những nơi cho phép. Cầu Cảng Sydney nối thành phố với bờ biển phía bắc, cầu dài hơn một cây số với một nhịp chính dài hơn 500m và vòm cầu cao hơn 130m là một kiến trúc khác nổi bật tại bến cảng. Để ghi ấn tượng đẹp cho du khách, Cầu Cảng Sydney được sơn mới hai lần mỗi năm và phải mất 6 tháng mới sơn hết từ đầu cầu nầy đến đầu cầu kia. Trong mấy ngày liền tôi ngồi hai ba giờ mỗi ngày để cố ghi lại hình ảnh quá đẹp của bến cảng nầy. Ngày cuối tôi thấy xuất hiện một tàu cruise quá lớn cặp ở bến cảng làm tôi mơ ước ngày nào đó tôi sẽ đứng trên bong tàu để nhìn xuống bến cảng nầy.

Tôi cũng không quên vào sở thú để xem những con kangaroo bốn chân chạy nhảy bằng hai chân sau và nhiều thú vật khác chỉ có ở nước Úc nầy. Kangaroo hay chuột túi là biểu tượng của nước Úc, khi nhìn thấy hình ảnh có con kangaroo là ta liên tưởng ngay đến nước Úc. Vì hiếu kỳ tôi cũng đã vào một vận động trường để theo dõi một trận đấu cricket giữa hai đội nhà nghề, cricket hơi giống baseball của Mỹ, môn thể thao nầy rất thịnh hành tại các nước trong khối Liên Hiệp Anh như Úc, Tân Tây Lan, Ấn độ, Pakistan... và cố nhiên ở nước Anh nữa. Vì không hiểu luật của môn thể thao nầy nên chưa hết trận tôi đã ra về sớm.

image002

Tôi bay đến Melbourne và hiện đang ngồi hàng ghế danh dự tại Centre Court để theo dõi trận chung kết nam của giải tennis Autralian Open năm 2008 cùng với mười bốn ngàn khán giả khác. Trên sân Novak Djokovic của Serbia đang dẫn Jo-Wilfried Tsonga của Pháp hai sets gở một và đang chơi tie-break ở set thứ tư. Cả hai đấu thủ đều là những người trẻ tuổi lần đầu được vào chung kết của một giải Grand Slam, tuy  đã chơi gần ba giờ liên tiệp nhưng họ không tỏ vẻ có một chút mệt mỏi nào. Djokovic lại dẫn điểm 6-2 và có “match point”. Cả đấu trường hoàn toàn im lặng. Djokovic giao bóng, bóng bay qua lưới, chạm sân và vượt quá khỏi tầm tay của Tsonga. Trọng tài phụ ngồi ở cuốn sân đưa hai bàn tay chỉ vào sân xác nhận bóng tốt: “Ace point”. Tôi đứng bật dậy vổ tay khen ngợi kẻ chiến thắng và nhận ra mình đang đứng một mình trong vận động trường Rod Laver quá lớn quá đẹp. Thật ra thì tôi đang mơ màng nhớ lại những gì đã xẩy ra hơn mười tháng trước tại nhà khi tôi theo dõi trận đấu trực tiếp trên màn ảnh truyền hình.

Melbourne là thủ đô thể thao của nước Úc với những vận động trường tối tân, xinh đẹp và to lớn. Đây là nơi tranh tài hàng năm cùa các giải bóng bầu dục thế giới (rugby), giải quần vợt Grand Slam (Australia Open) và cuộc đua xe hơi Công Thức Một (Formula 1 Grand Prix). Melbourne cũng là nơi tổ chức Thế Vận Hội đầu tiên ở vùng Nam Bán Cầu và châu Đại Dương năm 1956. Sau Melbourne và Sydney, Brisbane thành phố lớn thứ ba của Úc có hơn 10 năm để chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội năm 2032, tôi mong ước sẽ được theo dõi các cuộc tranh tài nầy.

Cũng như ở Tân Tây Lan, có rất nhiều dân gốc Á Châu sinh sống tại Úc nên tôi rất thoải mái dùng hệ thống giao thông công cộng để đi thăm các nơi trong thành phố. Sáng ngày cuối tôi ra bến xe như những ngày trước và rất ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều người tụ họp tại nhà ga. Những người đàn ông, những người đàn bà ăn mặc rất sang trọng như những nhà quý phái của mấy trăm năm trước ở vào thời mà họ chỉ có thể dùng xe ngựa để đi lại. Hỏi ra mới biết họ đang chờ xe để đến sân đua ngựa vì hôm nay là ngày khởi đầu của mùa hội đua ngựa truyền thống của thành phố Melbourne mỗi năm chỉ có một lần.

***

Vì không có chuyến bay trực tiếp về Saigòn nên tôi bay từ Melbourne tới Singapore. Đây là lần đầu tôi tới thành phố nầy. Ăn vội vàng vài ba miếng ở tiệm ăn trong khách san và sau đó tự giam mình trong phòng hơn mười tiếng đồng hồ để theo dõi một diển biến lịch sử đang xẩy ra tại Hoa Kỳ. Đó là cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ ngày 4 tháng 11 năm 2008 giữa hai ứng cử viên đều là Thượng Nghị Sĩ, một ông Mỹ gốc Phi châu và một ông Mỹ gốc Âu châu, ông sau đã từng là cựu phi công sống sót từ nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội.

Khi thượng nghị sĩ Obama, vợ và hai con gái xuất hiện trên khán đài chào những người ủng hộ mình sau khi biết mình vừa đắc cử Tổng Thống thì tôi đã trải qua hơn 24 giờ không ngủ nhưng vẫn cảm thấy thoải mái vì hy vọng từ đây mình sẽ được sống trong một xã hội mà mọi người đều tôn trọng lẫn nhau, không có sự phân biệt màu da hay chủng tộc. Nhưng sau đó mới nghiệm ra rằng đây chỉ là một giấc mơ đẹp, một giấc mơ mà hơn mười năm sau hay hơn nữa và cũng có thể không bao giờ sẽ trở thành hiện thực ở cái xã hội tự cho mình là Hiệp Chủng Quốc nầy.

 

Lê Quý Thể

9/2021

 

 

 

 

 

03 Tháng Hai 2009(Xem: 80546)
  Trong những giây phút thiêng liêng ấy, tôi sực nhớ lại hình bóng người Ông khả kính: ông ngoại PHAN VĂN NGA, nguyên Trưởng Ty Tiểu Học tỉnh Đồng Nai (trong chế độ cũ).
03 Tháng Hai 2009(Xem: 74014)
  Tôi bắt đầu lên tỉnh học từ 1960. Ba mất sớm, nhà quá nghèo, anh chị em lại đông. Trong suốt thời gian đi học, tôi đã làm rất nhiều nghề để có tiền sinh sống, nổi bật nhất là nghề dạy kèm.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 65694)
  Tôi chỉ viết về những năm đầu tiên mà ký ức của tôi còn lưu giữ. Sau này, khi tập hợp được các anh em ở những niên khóa sau, lần lượt chúng ta sẽ đúc kết thành một bản danh sách hoàn chỉnh.
02 Tháng Hai 2009(Xem: 78463)
  "Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, rơi trên bục gỗ, rơi trên tóc thầy...” Tiếng nhạc từ phòng con gái của tôi vọng sang, làm tôi hồi tưởng lại những bàn ghế cũ, phấn trắng, bảng đen...
30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68761)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76195)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76787)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73838)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73936)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72680)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72021)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75553)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74224)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80509)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 74101)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75847)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69099)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73747)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69347)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66523)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .