Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Tập Hợp Giao.

22 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 74065)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Tập Hợp Giao.

 

 TẬP HỢP GIAO

 

(Xin kính tặng thầy Phố, thầy Thu, Cô Minh Tâm với tất cả lòng biết ơn của 7/1ngày xưa.)

 

tap_hop_giao

 

 

Ngày xưa, người ta có câu “tứ đại đồng đường” để chỉ những gia đình có phúc, có đủ bốn đời: ông cố, ông nội, cha và con ở cùng một mái nhà.  Bây giờ ở tuổi nửa đời người, bên đời lưu vong, ít người có được diễm phúc đó, hay nếu có cũng không có được tôn ti trật tự kính trên nhường dưới như truyền thống gia đình Việt Nam.

 

 Ở một khía cạnh tương tự, tôi thấy mình vô cùng may mắn vì được ở trường hợp của “tứ đại đồng đường”.  “Tứ đại” của riêng tôi không phải là bốn đời trong gia đình, mà là bốn đời thầy trò.  Thầy Phố, thầy Thu, tôi, và một cô học trò nhỏ ở trường Việt ngữ đã tạo nên được bốn đời thầy trò.   Có nhiều điều để kể trong tứ đại, nhưng chỉ xin ghi lại điều cảm động nhất.

 

 Vào giữa thập niên 1970, trước biến cố đổi đời của miền Nam Việt Nam, chúng tôi được học môn Công dân giáo dục với thầy Nguyễn văn Phố.  Hình như lúc đó thầy chuyên dạy Toán, nhưng đến lúc chúng tôi vào Ngô Quyền, trường đang đà phát triển, mở rộng rất nhanh, thiếu giáo sư nên thầy dạy chúng tôi môn Công dân giáo dục. Thầy là người dạy chúng tôi những lễ nghĩa căn bản, biết kính trọng người già, biết dỡ mũ cúi chào khi đi ngang đám ma, biết giữ im lặng khi vào thăm bệnh viện… Thầy cũng đưa vào đầu chúng tôi những kiến thức đầu tiên về “Bản tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền”, về tổ chức Liên Hiệp Quốc với những ông Tổng thư ký đủ mọi quốc tịch và màu da được bầu ra bởi tất cả những nước thành viên. Thuở ấy, còn nhỏ xíu, ra chơi còn nhảy cò cò trước cửa lớp, không một mảy may lo âu về nợ áo cơm, điều thầy dạy nằm sâu trong tâm khảm của tôi.

 

 Gần 30 năm sau, mỗi năm đến tháng 12 ngày kỷ niệm thành lập LHQ, dù bận rộn tất bật đến đâu, đầu óc tôi vẫn quay về với lớp bảy một ở một góc của dãy lớp màu vàng ở trường Ngô Quyền, có cái dáng cao gầy của thầy Phố với những giờ Công dân giáo dục, với những kiến thức đầu tiên của chúng tôi về Liên Hiệp Quốc.

 

 Cũng năm đó, tôi được học Toán, môn Đại số với thầy Diệp Cẩm Thu. Hình như năm đó, thầy Thu mới ra trường, thầy còn rất trẻ, còn bối rối mỗi khi mấy chục cái miệng con gái trong lớp chúng tôi yêu cầu thầy hát vào một giờ học gần Tết Nguyên Đán. Thầy đỏ mặt, cười chống chế:

_ Tôi chỉ biết làm toán, không biết hát.

 

 Thầy Thu vốn ít nói nên chúng tôi không biết là thầy vừa đi du học ở Pháp về, có một điều quan trọng hơn, thầy cũng từng học Trung học Ngô Quyền như chúng tôi, và điều quan trọng hơn nữa thầy lại là học trò của thầy Phố. Hồi đó, khái niệm Tân Toán học mới được đưa vào trung học ở Việt Nam, không hiểu vì thầy Thu dạy dễ hiểu hay môn Tân Toán học có những vòng tròn, những chữ U quay đủ bốn hướng, có những phần giao nhau rất đoàn kết, gần ba thập niên qua, tôi vẫn nhớ đầy đủ những khái niệm về Tân Toán học với Tập hợp Giao, Tập hợp Hội… Hồi đó, nếu biết thầy cũng đã từng học Ngô Quyền chắc chúng tôi cũng đã “thấy người…giỏi, bắt quàng làm…đồng môn”.

 

 Niên khóa đó, mỗi tuần chúng tôi có hai giờ Đại số của thầy Thu, một giờ Công dân của thầy Phố. Còn nhớ vào ngày thứ ba mỗi tuần, chúng tôi có giờ thứ hai là giờ Đại số, giờ kế là giờ Công dân, khi chuông reng báo hiệu hết giờ thứ hai, thầy Thu bao giờ cũng xóa bảng sạch sẽ, sửa lại khăn bàn tươm tất, kéo ghế ngồi trên bàn giáo sư ngay ngắn, thầy không bao giờ quên làm điều đó. Nhưng đến giờ Đại số ngày thứ năm, có lúc thầy xóa bảng, có lúc không, và thầy không kéo lại ghế ngồi như ngày thứ ba. Hồi đó là trưởng lớp, có bổn phận nhắc nhở đội trực trong ngày bôi bảng mỗi cuối giờ, hành động đó của thầy Thu dĩ nhiên gợi được sự chú ý của tôi, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản là hôm thứ năm thầy có giờ kế ở một lớp khác phải đến ngay, hôm thứ ba thầy không phải dạy ngay liền sau giờ Đại số ở lớp chúng tôi.

 

Hồi đó, thầy Thu còn rất trẻ, thầy vẫn đỏ mặt lên mỗi lần mấy chục cái miệng con gái cùng cất lên:

 _ Sao hôm nay (thứ năm) thầy không lau bảng dùm “ tụi con”?

 Biết thầy còn trẻ, mới ra trường, chưa có kinh nghiệm “trị” chúng tôi, những người đứng hạng thứ ba trong câu ngạn ngữ “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, chúng tôi cố tình xưng “con” với thầy, thầy càng bối rối, phe ta càng toét miệng cười, cái cười rộng đến tận mang tai, không còn một chút gì là thùy mị, đoan trang của học trò con gái!

 

Mãi về sau, sau này, hơn ba mươi năm sau, tình cờ được dịp gặp lại thầy Phố trong những lần họp mặt Cựu Học sinh Ngô Quyền ở miền Nam California, tôi mới có câu trả lời chính xác tại sao thầy Thu chỉ lau bảng và sắp xếp bàn giáo sư tươm tất vào mỗi thứ ba. Là vì người dạy giờ kế, sau giờ Đại số của thầy Thu ở lớp7/1 ngày đó là thầy Phố. Tên giáo sư mỗi ngày ở sổ đầu bài đã cho thầy Thu biết điều đó, và thầy vẫn lặng lẽ thi hành bổn phận học trò với thầy cũ của mình.

 

 Hơn ba mươi năm trước, thầy Thu dạy chúng tôi những khái niệm đầu tiên của Tân toán học trong lớp của dãy lầu màu vàng của Ngô Quyền xưa ở Biên Hòa. Ba mươi năm sau, thầy trò chúng tôi ở xa nhau nửa vòng trái đất, tôi vẫn học được thêm về nghĩa thầy trò từ thầy Thu.

 

Dạo đó, thầy sợ chúng tôi ham chơi, không lau bảng, thầy Phố vào dạy giờ kế phải tự xóa bảng, và phải hít thêm bụi phấn vào phổi, thầy lặng lẽ lau bảng để gánh bớt bụi phấn cho thầy cũ của mình.

 

Ngẫm lại điều đó, tôi vẫn thấy mình chưa trả ơn được nhiều cho các thầy cô giáo cũ như thầy Thu đã làm, nhưng cho đến lúc được nghe thầy Phố kể về một “tình cờ gặp gỡ” khác giữa thầy và thầy Thu, tôi mới thấy tình nghĩa thầy trò của thế hệ thầy Thu cao quý đến độ nào!

 

 Sau năm 1975, đời sống trở thành “thương hải biến vi tang điền”, trật tự xã hội quay một góc ba trăm sáu mươi độ, tôi không còn được là học trò Ngô Quyền, và không bao giờ được thi Tú Tài như các lớp đàn anh, đàn chị. Nổi trôi cùng vận nước, thầy Phố cũng bị bắt buộc phải rời bục giảng, sống nhẫn nhục, cam chịu trong các trại cải tạo một thời gian, rồi thầy lưu lạc về tận Tây Ninh, thay vì cầm phấn viết bảng, thầy phải cầm kim khâu giày cũ. Vậy mà hình ảnh cao quý của thầy trên bục giảng ngày xưa ở Ngô Quyền không bao giờ mất trong lòng lũ học trò cũ, kể cả thầy Thu.

 

 Một ngày đầu mùa hè cuối thập niên 70, hai người thầy của chúng tôi đã dựng lại hoạt cảnh “người học trò Carnot vĩ đại về thăm thầy cũ của mình” ở một lề đường của tỉnh Tây Ninh. Tôi chưa bao giờ được đến Tây Ninh, chưa bao giờ được thấy những lề đường của tỉnh lỵ nhỏ bé này, nhưng tôi tưởng tượng được toàn bộ hoạt cảnh “Carnot” của thời đại.

 

Năm đó, thầy Thu đi chấm kỳ thi “học sinh giỏi Toán” ở Tây Ninh, tình cờ thầy thấy thầy Phố ngồi sửa những đôi giày cũ ở lề đường; thầy ngồi xuống chuyện trò với thầy Phố, vẫn ân cần, vẫn lễ độ như thuở nào thầy còn ngồi trên ghế học trò ở Trung học Ngô Quyền và thầy Phố vẫn còn đứng trên bục giảng trắng màu bụi phấn. Tôi không được có mặt ở đó để viết nên một điều mắt thấy tai nghe, có lẽ sẽ là câu chuyện cảm động nhất trong những ngày tháng cầm bút nghiệp dư. Nhưng một phần tư thế kỷ sau, được nghe thầy Phố kể lại câu chuyện, mắt tôi vẫn nhạt nhòa, tim tôi vẫn đập mạnh hơn đầy xúc động về tình nghĩa thầy trò của hai người thầy cũ của tôi.

 

Và như thế, tôi nghĩ là thầy Thu đã là một ông Carnot vĩ đại như trong một bài Quốc văn tôi được học từ thời lớp Ba, và như thế, cả hai vị thầy ngày xưa của tôi đã dạy thêm cho tôi một bài học về đạo làm người, về nghĩa thầy trò, ngoài môn Công dân của thầy Phố, và môn Đại số của thầy Thu mà tôi đã được học từ thuở còn là một con bé cột hai đuôi tóc với nơ đỏ đi học mỗi ngày ở Ngô Quyền.

 

 Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại ngồi ở ghế học trò của Trung học Ngô Quyền.

 

Dù chúng ta có lớn, có già đến đâu đi nữa, dưới mắt của cha mẹ chúng ta vẫn dại khờ như thời nhỏ dại. Dù chúng ta có một địa vị xã hội cao đến đâu, dù tài sản của chúng ta có hàng chục con số không ở phía sau đi nữa, chúng ta vẫn là học trò Ngô Quyền một thuở nào, và vẫn là học trò của các thầy cô với những con mắt ngây thơ, dại khờ của thời mới lớn. Công cha, nghĩa mẹ và ơn thầy luôn được trân trọng ở một góc nào đó trong tâm khảm vì không có những ân nhân đó, chúng ta không bao giờ lớn nổi thành người.

 

 Christmas 05, Santa Clara, CA.

 

 Nguyễn Trần Diệu Hương

 

 

30 Tháng Giêng 2009(Xem: 68752)
Cũng nhờ vậy rất nhiều cánh chim NQ lạc loài ở phương trời xa tìm về liên lạc được quý Thầy Cô và bạn học năm xưa. Điển hình chúng tôi ở Âu Châu mừng quá khi nhận và đọc được 2 quyển báo học trò đó, tưởng chừng như thấy lại thời NQ xa xưa.   Đặc biệt tìm thấy trong đó có cả một vườn thơ Tao Đàn đủ sắc hoa rực rở.
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76188)
  Hỡi cô Cựu Nữ Sinh Ngô Quyền, hỡi cô bạn hàng xóm của tôi ơi!   Tôi rất cảm phục và trân quí cô.   Nếu giữa cô và tôi không có thứ tình cảm nào khác thì trong tôi sẵn có có một thứ tình keo sơn gắn bó với cô từ lâu, từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành, kéo dài cho đến tuổi…sồn sồn bây giờ và tuổi già sắp tới, đó là tình bạn.   Còn cô thì sao?
29 Tháng Giêng 2009(Xem: 76776)
Từ chia tay ở Tân Mai, tôi không hề biết Th giờ ra sao? Cuộc chiến qua đi thật xa. Bao thăng trầm trãi xuống cho quê hương, cho đời người. Thì thôi, hãy là những lời cầu nguyện bình an cho nhau. Dẫu mai đời có thế nào?
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73827)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73925)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72653)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72004)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75524)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74203)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80491)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75832)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69091)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73724)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69335)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66505)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73065)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65422)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
17 Tháng Mười Hai 2008(Xem: 76738)
Những kỷ niệm đời xin mãi như ngọn nến hồng của ngày sinh nhật cứ thắp sáng lên để làm tươi thắm thêm tuổi đời chẳng còn được là bao!